Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 12.12.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 12.12.2021

By Quản trị in THANH NIÊN on 6 Tháng Mười Hai, 2021

Chúa nhật 12.12.2021.

  1. Đề tài: ĐỒNG XANH HAY SA MẠC.
  2. Kinh Thánh: Dân-số Ký 13:30; 14:7-34.
  3. Câu gốc: “Chúng ta phải đi chiếm hữu đất đai này, chắc chắn chúng ta có thể thắng họ. Đất đai chúng tôi đi trinh sát thật quá tốt. Nếu Chúa đẹp lòng chúng ta, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vào xứ ấy, là nơi đất đai tràn sữa và mật, Ngài sẽ ban xứ ấy cho chúng ta” (Dân-số Ký 13:30).
  4. Đố Kinh Thánh: Không Đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để họ có thể tham gia các tiết mục. Vì thế, bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của giờ thờ phượng qua tuần kế tiếp: Câu gốc và bài hát khẩu hiệu, trả câu gốc cũ, học câu gốc mới, đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động.
  4. Ủy viên âm nhạc chọn khoảng 4-5 bài Thánh ca và Biệt Thánh ca có nội dung nói lên tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người. Tập dợt những bài hát này từ nhiều tuần trước (Có thể hát đơn ca, song ca hoặc tốp ca).
  5. Người hướng dẫn (NHD) chương trình dựa theo nội dung của bài hát để soạn sẵn những lời dẫn và câu hỏi phỏng vấn người hát (NH). (Dưới đây là bài soạn gợi ý).
  6. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để có thể huy động mọi ban viên vào chương trình quan trọng này.
  7. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và dễ kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Các địa danh như Sahara, Gobi hay Kalahari có một đặc điểm chung. Đó là tên của những sa mạc mênh mông, toàn cát và cát, nóng bức như thiêu đốt dưới bầu trời gay gắt, không một áng mây che. Chỉ với những tên gọi của những địa danh này không cũng khiến cho chúng ta cảm thấy cổ họng mình khô cứng và mọi cảm quan trong thân thể nhức nhối như đang bị hun đốt không thôi.

Mặt trời dọi trên đầu, trên trán, làm hoa cả mắt, khiến chúng ta phải luôn đảo mắt tìm kiếm khắp nơi mọi hướng, trong tận cùng các kẽ đường chân trời của sa mạc, có nơi nào có thể trú ẩn được. Đi hoài, đi nữa, lê bước mỏi mòn mà chẳng tới đâu cả; cồn cát này nối tiếp với cồn cát kia đến tận cùng tuyệt vọng. Trong suy nghĩ chỉ có một ao ước là được uống nước, khát đến nỗi không còn có nước bọt để mà nuốt. Làn da như đang kêu gào phải tìm đến một bóng mát, vì giờ đó nó rộp đỏ như bị nướng trên than…

Đây là cảnh tượng nói chung trong nơi đồng vắng sa mạc hiu quạnh và nóng bức. Có lẽ bạn và tôi chỉ nghe nói về sa mạc, chứ chưa đi vào sa mạc hay là may mắn không phải sống trong sa mạc. Tuy chúng ta không sống trong nơi sa mạc cằn cỗi, nhưng có thể bạn và tôi đang có một đời sống tâm linh, một đời sống tình cảm hay một đời sống tinh thần thật khô hạn như sa mạc mà chúng ta không hề ý thức hay nhận ra. Tuy chúng ta không sống trong nơi hiu quạnh, nhưng bạn và tôi có thể cảm thấy cuộc đời sao hoang vắng, nứt nẻ, tiêu điều, chẳng thấy đâu niềm vui hay sức sống.

Điều đó là nguyên nhân quyết định, khiến đời sống của chúng ta trở nên cằn cỗi như sa mạc, chứ không xanh tươi đầy bóng mát như trong một cánh đồng phì nhiêu?

Điều gì là yếu tố chính, khiến hai người có cùng một khả năng, trong cùng một hoàn cảnh, nhưng đời sống của người này thì như sỏi đá khô cằn, không một bóng cây xanh, còn đời sống người kia thì vui tươi phong phú, như bên cạnh một dòng suối tuôn trào?

Câu trả lời vắn tắt cho hai câu hỏi này là: Đó là do thái độ, vì quan điểm sống hay cái nhìn về cuộc sống của bạn và tôi.

Để thấy được tầm quan trọng của thái độ hay quan điểm sống, chúng ta hãy cùng nhau mở ra Kinh Thánh, là quyển sách mang những thông điệp tối quan trọng của Đấng Tạo Hóa gởi đến con người chúng ta. Kinh Thánh ghi lại vô số sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có cuộc hành trình của dân Do Thái ra khỏi vương quốc Ai-cập để đi đến vùng đất mà Thiên Chúa hứa ban cho họ.

Trước đó, vùng đất của người Do Thái bị lâm vào cảnh đại hạn, do vậy nạn đói tràn lan khắp xứ. Tuy vậy, Đức Chúa Trời đã sắp đặt trước, một người tên là Giô-sép, tuy gốc là người Do Thái, nhưng được vua Ai-cập tin cậy đến nỗi đã phong Giô-sép làm đến chức tể tướng. Do địa vị cao trọng này mà trong cơn hạn hán trầm trọng, Giô-sép có thể ra tay cứu đói cả gia đình mình, trong đó có cha già và mười một người anh em ruột.

Trải qua hơn 400 năm trên xứ Ai-cập, người Do Thái từ đó sinh sôi nảy nở đông đúc, khiến cho vua Ai-cập vô cùng lo sợ. Người Ai-cập kiếm cách đàn áp người Do Thái như bắt họ làm việc nặng nhọc, xây thành, làm nhà kho, nhồi đất, nung gạch và mọi việc đồng áng, đồng thời đối xử với họ cách cay nghiệt và bạo tàn, thậm chí đã giết con trai sơ sinh của họ trong âm mưu diệt chủng. Nghe thấu tiếng thở than của họ, Đức Chúa Trời đã hiện ra với Môi-se, lúc đó đang chăn chiên ngoài đồng, và Ngài giao phó cho ông sứ mạng giải thoát tuyển dân của Ngài ra khỏi ách nô lệ Ai-cập, để đem họ đến một xứ tốt đẹp và phì nhiêu, một xứ mà Ngài hứa là “đượm sữa và mật”.

Khi Môi-se lần đầu tiên đến yết kiến vua Ai-cập để xin cho dân Do Thái được ra đi, dĩ nhiên vua Ai-cập không nghe vì nhà vua không hề tin rằng có Đức Chúa Trời, cũng như nhà vua làm sao chịu mất đi một lực lượng lao động dồi dào như vậy được. Do vậy, Đức Chúa Trời phải liên tiếp thực thi nhiều phép lạ, như làm nước sông hóa máu, ếch nhái tràn lan, muỗi dày đặc, ruồi bu khắp mọi người, súc vật bị ung dịch, rồi ung nhọt lở lói, cho đến trận mưa đá trút xuống thật dữ dội, cào cào châu chấu cắn nát mọi cây xanh, bóng tối phủ dày đặc Ai-cập suốt ba ngày. Những tai vạ này, tuy có làm vua Ai-cập phần nào nao núng, nhưng nhà vua vẫn một mực khăng khăng, không cho dân Do Thái được ra đi. Chỉ khi Đức Chúa Trời giáng xuống tai họa cuối cùng là giết hết những con trai đầu lòng của người
Ai-cập, khi đó cả vua, dân Ai-cập mới khiếp đảm, chịu thay đổi thái độ và cuối cùng đành cho người Do Thái ra đi.

Cuộc hành trình đi qua vùng sa mạc cằn cỗi nóng bức như thiêu đốt, để đến vùng đất hứa màu mỡ phì nhiêu, là một kinh nghiệm có một không hai của tuyển dân Do Thái, được tiếp cận với quyền năng siêu nhiên và tình yêu vô biên của Thiên Chúa trong mỗi ngày.

Đức Chúa Trời đã rẽ Biển Đỏ để người Do Thái đi qua dễ dàng như đi trên đất khô, rồi Ngài lấp biển lại để chôn vùi quân Ai-cập đang cố tình đuổi theo họ. Ngài làm phép lạ, hóa nước đắng thành ngọt, cũng như cho nước chảy ra từ các tảng đá để dân sự không bị chết khát trong sa mạc. Ngài cũng cho bánh ma-na từ trời rơi xuống trên bãi cát sa mạc mỗi ngày để nuôi sống họ. Trong suốt cả cuộc hành trình về miền đất hứa, Ngài dùng trụ mây trong ban ngày để che chở họ khỏi cảnh nóng bức, cũng như trụ lửa ban đêm để sưởi ấm và soi sáng cho họ.

Sau mười tháng tám tháng trường trong sa mạc, hơn hai triệu người Do Thái rời khỏi Ai-cập, đoàn người kéo dài tới hàng trăm dặm, đã đến được biên giới của vùng đất hứa và họ sắp sửa được bước vào vùng đất đượm sữa và mật mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ.

Ấy vậy mà, trong giây phút quyết định đó, khi sắp sửa được rời sa mạc cằn cỗi, khô hạn để bước vào vùng đất màu mỡ phì nhiêu, dân Do Thái đó bày tỏ một thái độ khiến Đức Chúa Trời nổi giận đến nỗi Ngài không những không cho phép họ được vào đất hứa, mà đẩy họ trở lại sa mạc, đầy đọa họ trong cảnh nóng bức, tiêu điều trong bốn mươi năm nữa. Thái độ nào của dân Do Thái khiến Đức Chúa Trời là Đấng vốn đầy kiên nhẫn, giàu lòng nhân từ, chậm nóng giận, không thể kìm hãm cơn giận dữ được nữa, suýt chút nữa là Ngài tiêu diệt toàn dân, nếu Môi-se không tha thiết khẩn cầu van xin?

Trước khi tiến vào vùng đất hứa, Môi-se cử mười hai thám tử đi vào xứ trước để trinh thám. Họ trở về, xác định đây là xứ sở tràn đầy hoa quả y như lời Đức Chúa Trời có nói trước, tuy vậy các thám tử này đó tỏ ra run sợ khi thấy cư dân tại vùng này đông và mạnh, thành lũy lại kiên cố. Mười hai thám tử này đã tuyên truyền lệch lạc, gây rối loạn và hoang mang trong toàn dân.

Trước tình trạng đó, chỉ duy có hai thám tử là Ca-lép và
Giô-suê lên tiếng trấn an dân chúng và báo cáo với một thái độ khác hẳn như sau: “Chúng ta phải đi lên chiếm hữu đất đai này, chắc chắn chúng ta có thể thắng họ. Đất đai chúng tôi đi trinh sát thật quá tốt. Nếu Chúa đẹp lòng chúng ta, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vào xứ ấy, là nơi đất đai đầy tràn sữa và mật, Ngài sẽ ban xứ ấy cho chúng ta” (Dân-số Ký 13:30; 14:7-8 – Bản dịch mới).

Thay vì nhìn lại những phép lạ và sự gìn giữ của Đức Chúa Trời qua mỗi ngày trong suốt cả cuộc hành trình trong sa mạc và càng phải vững tin vào lời hứa của Ngài, dân chúng lại đâm ra nghi ngờ, đến nỗi giận dữ trước lời báo cáo đầy lạc quan của thám tử Ca-lép và Giô-suê, và đòi ném đá hai người này. Đức Chúa Trời đã hiện ra để ngăn cản hành động độc ác này và có phán rằng: “Dân này khinh dể Ta cho đến bao giờ? Chúng không chịu tin Ta cho đến bao giờ, mặc dù Ta đã làm bao nhiêu dấu lạ giữa chúng? Ta sẽ đánh giết chúng bằng một trận dịch và tuyệt diệt chúng” (Dân-số Ký 14:11-12 – BDM).

Nhờ Môi-se đó khẩn thiết kêu nài nên Đức Chúa Trời tha cho họ tội chết ngay trước mắt, nhưng Ngài tuyên phạt họ như sau: “Thân xác các ngươi sẽ ngó xuống trong sa mạc này; tất cả các ngươi là những người có tên trong cuộc kiểm tra dân số từ hai mươi tuổi trở lên đều sẽ chết hết vì các ngươi oán trách Ta. Không một ai trong các ngươi sẽ được vào đất hứa, trừ Ca-lép con Giê-phu-nê và Giô-suê con trai Nun. Đối với con cái của các ngươi, các ngươi nói rằng chúng nó sẽ làm mồi cho địch, nhưng Ta sẽ đưa con cái các ngươi vào đất các ngươi chê bỏ. Còn về chính các ngươi thì thây các ngươi sẽ nằm rạp trong sa mạc này. Vì các ngươi bất trung, nên con cái các ngươi phải lang thang trong sa mạc suốt bốn mươi năm, cho đến ngày người sau cùng trong các ngươi chết đi trong sa mạc. Theo số ngày các ngươi đi trinh sát xứ, là bốn mươi ngày, và mỗi ngày tính thành một năm, các ngươi phải mang tội ác mình trong bốn mươi năm, rồi các người sẽ ý thức được hậu quả của việc chống nghịch Ta” (Dân-số Ký 14:29-34 – BDM).

Hình phạt mà Đức Chúa Trời tuyên án thật là nặng nề. Bốn mươi năm lang thang trong sa mạc. Hơn hai triệu người, đứng ngay trước ngưỡng cửa của vùng đất đượm sữa và mật, nhưng không ai được vào vùng đất hứa này cả, phải bỏ thây ngoài sa mạc khô cạn tiêu điều, chỉ trừ hai người thám tử
Ca-lép và Giô-suê đầy gan dạ và vững lòng tin. Ở đây, chúng ta đâu có thấy những tội lỗi nghiêm trọng như say sưa, chè chén, luông tuồng hay tà dâm ô uế, thế thì vì tội lỗi gì mà Đức Chúa Trời tuyên phạt họ nặng nề như vậy?

Câu trả lời cũng nằm trong lời tuyên bố của Thiên Chúa như sau: “Những kẻ tội lỗi này cũng phàn nàn oán trách Ta cho đến bao giờ?” (Dân-số Ký 14:27 – BDM).

Chính lời lằm bằm, oán trách của dân chúng đó khiến Ngài nổi giận. Đức Chúa Trời ghê tởm những lời “than trời trách đất” và quy luật của Ngài là “những ai có thói quen phàn nàn, than trời, trách đất, thì sẽ chết mất trong một cuộc đời cằn cỗi tiêu điều như trong sa mạc”.

Kinh Thánh có ghi chép khoảng 7.500 lời hứa phước hạnh dành cho mỗi quý vị và tôi là tạo vật yêu dấu nhất của Đấng Tạo Hóa, nhưng những ai vướng phải thói quen ưa phàn nàn, trách móc, kêu ca, cay đắng, thì chẳng bao giờ nếm biết một phước hạnh nào của lời hứa cả, như dân Do Thái vì phàn nàn, oán trách Đức Chúa Trời nên không bao giờ được bước vào vùng đất hứa đượm sữa và mật, nhưng phải bỏ thây trong sa mạc khô cằn.

Có nhiều thái độ khác nhau, nhưng thái độ hay quan điểm sống nào khiến một người rơi vào cái thói quen ưa lằm bằm, phàn nàn, oán trách?

Xin mời quý vị cùng khám phá với chúng tôi trong những buổi nhóm tuần tới, để kịp nhận ra nếu mình có những thái độ sai trật nào dẫn đến thói quen ưa phàn nàn oán trách, hầu kịp điều chỉnh, để bạn và tôi không bị chết mất trong một cuộc đời cằn cỗi, hiu quạnh như trong sa mạc, nhưng chúng ta có thể tận hưởng thật nhiều phước hạnh của miền đất hứa xanh tươi mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho.

CÂU HỎI SUY GẪM

  1. Ngày nay con người có nhận thấy họ đang sống trong sa mạc của tâm linh không?
  2. Làm cách nào để dẫn đồng bào của chúng ta bước vào đồng xanh của sự sống linh hồn?
  3. Chính bạn đã nhận được đời sống tâm linh tràn ngập phước hạnh khi bạn bước đi với Chúa chưa?
  4. Sự phàn nàn, than trách, hay kêu ca, cho thấy đời sống của một người đó như thế nào?
  5. Làm thế nào để chính bản thân bạn thực sự cảm nhận được sự sung mãn khi bước đi với Chúa?

Post CommentLeave a reply