Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 16.07.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 16.07.2023

By Quản trị in THANH NIÊN on 10 Tháng Bảy, 2023

Chúa nhật 16.07.2023.

  1. Đề tài: THANH NIÊN VỚI VẤN ĐỀ PHE PHÁI TRONG HỘI THÁNH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 1:10-12; Công Vụ 18:1-17; 18:24-28; 19:1.
  3. Câu gốc: “Phải hiệp một ý một lòng cùng nhau” (1Cô-rinh-tô 1:10b).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Các Vua 6-10.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Phe phái trong Hội Thánh”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sự chia rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô không nằm trong lĩnh vực khác biệt về thần học, nhưng trong lĩnh vực cá nhân.

Tình trạng chia rẽ được Phao-lô diễn tả ra sao? Nguyên nhân nào đã tạo nên tình trạng phe phái trầm trọng như thế?

  1. DẪN GIẢI.
  2. LỜI KHUYÊN CHO TÌNH TRẠNG PHE PHÁI TRONG HỘI THÁNH.
  3. Tính chất quan trọng của lời khuyên.

 Sứ đồ Phao-lô khuyên Hội Thánh, sự hiệp một là điều rất quan trọng. Vì đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với Hội Thánh.

  1. Ý nghĩa của lời khuyên.

Trong câu 10, Phao-lô khuyên Hội Thánh Cô-rinh-tô hiệp một trong phương diện:

  1. Tiêu cực: “Chớ phân rẽ nhau ra”.

Chữ “phân rẽ” trong nguyên văn Hy-lạp là schisma có nghĩa nứt ra, hay xé ra như xé áo. Chữ này người Hy-lạp xưa dùng để chỉ sự tranh chấp của các đảng phái trong chính trị và trong nội bộ. Hội Thánh Đức Chúa Trời không phải là một tổ chức chính trị hay là nơi để tranh chấp nội bộ nhưng là nơi để chúng ta hiệp một trong Đấng Christ (c.2,9).

  1. Tích cực: “Đồng một tiếng nói với nhau… hiệp một ý một lòng cùng nhau”.

Có thể trong vòng tín hữu có ý kiến khác nhau, có sự suy nghĩ khác nhau, có cách nói khác nhau, nhưng tất cả đều ở trong tinh thần hiệp một với nhau.

Trong lời khuyên này chúng ta nhận thấy chữ “một” và chữ “cùng nhau” được Phao-lô nhấn mạnh, và yếu tố quan trọng trong sự hiệp một là tấm lòng. Đây là sự ràng buộc từ bên trong, xuất phát từ tấm lòng trước: Một lòng à một ý à một tiếng nói với nhau. Do đó, nguyên tắc hiệp một là phải có đồng một lòng cùng nhau. Nguyên tắc này được thiết lập trên “công thức của số một”. Có thể được diễn tả như sau:

– Công thức: Một lòng à tất cả + với nhau = hiệp một.

Làm thế nào để thực hiện nguyên tắc này?

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Linh ban cho một tâm tình như Đấng Christ đã có (Phi-líp 2:5).

  1. TÌNH TRẠNG PHE PHÁI TRONG HỘI THÁNH CÔ-RINH-TÔ.
  2. Nguồn tin.

Theo câu 11, Phao-lô xác nhận do tin tức từ người nhà
Cơ-lô-ê mà ông biết được trong Hội Thánh có tình trạng phe phái. Đây là nguồn tin đáng tin cậy. Hơn nữa, có thể Phao-lô được cung cấp tin tức từ Sốt-then và Sê-pha-na là những tín hữu tin kính Chúa.

  1. Các phe đảng.

Có bốn nhóm đối lập được Phao-lô nói đến trong câu 12. Mỗi nhóm tự xưng mình là môn đồ của người mà họ tôn sùng.

– Ta là môn đồ của Phao-lô.

– Ta là môn đồ của A-bô-lô.

– Ta là môn đồ của Sê-pha.

– Ta là môn đồ của Đấng Christ!

Một trong những lý do tôn nhiều người làm đầu là do Hội Thánh có nhiều thành phần khác nhau gồm người Hy-lạp và người Do-thái, có người học thức, giàu sang, có người nô lệ nghèo nàn và thấp hèn.

Một số người tôn Phao-lô làm đầu vì Phao-lô là “sứ đồ của dân ngoại”, là người sáng lập Hội Thánh Cô-rinh-tô (Công Vụ 18).

Số người khác chọn A-bô-lô làm đầu vì A-bô-lô là người có tài hùng biện, thích hợp với tri thức của họ (Công Vụ 18:24-19:1).

Số người khác chọn Sê-pha (Phi-e-rơ) làm lãnh tụ vì ông là người Do Thái, có tầm ảnh hưởng. Những người xưng là môn đồ của Sê-pha là những tín hữu người Do-thái còn nặng lòng với lề lối của thời Cựu ước, và nghĩ rằng Phi-e-rơ là “sứ đồ của dân Do-thái” (Công Vụ 2-11).

  1. Nguyên nhân của tình trạng phe phái.

Có rất nhiều lý do gây nên tình trạng phe phái. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do bản tính xác thịt như được mô tả trong Ga-la-ti 5:20.

Tóm lược.

– Phe phái trong Hội Thánh đi ngược với ý chỉ của Đức Chúa Trời, phá hủy mục đích tối thượng của Đức Chúa Trời là đem con người đến trong sự thông công với Con Ngài.

– Phe phái trong Hội Thánh làm phân rẽ thân thể của Đấng Christ.

– Tinh thần phe đảng là thuộc về bản tính của xác thịt.

– Một Hội Thánh hiệp một là Hội Thánh mà mỗi tín hữu sống trong tâm tình của Đấng Christ.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  Nhìn lại chính bản thân và Hội Thánh, xin cho biết:

– Hội Thánh bạn đang ở trong tình trạng nào?

– Nếu trong Hội Thánh có tình trạng phe phái, bạn có thái độ gì và hành động thế nào?

– Theo bạn, làm thế nào để có tấm lòng hiệp một với nhau? (Phi-líp 2:5).

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply