CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.07.2024
By Mai hdenayun in THANH NIÊN on 23 Tháng Bảy, 2024
Chúa nhật 21.07.2024.
- Đề tài: CHÚA KÊU GỌI.
- Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô ký 3:1 – 4:17.
- Câu gốc: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Xuất Ê-díp-tô ký 3:10).
- Đố Kinh Thánh: Gióp 21-30.
- Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Thảo luận.
- Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:
Đề tài 1: Người được Chúa kêu gọi cần phải có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được.
Đề tài 2: Người được Chúa kêu gọi không cần đợi đến khi có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được. Đức Chúa Trời là Đấng có quyền làm cho những kẻ đáp lời Ngài gọi thành ra công cụ hữu ích trong tay Ngài.
- Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
- Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
- Giờ thảo luận.
- Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
- Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
- Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên Chân lý.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Là những con cái kính yêu Chúa, một khi nghe được tiếng gọi của Ngài, chúng ta phải làm gì để đáp lời Chúa? Hy vọng các bạn sẽ đáp lại tiếng gọi của Chúa như Môi-se. Môi-se đã đưa dân sự Chúa khỏi ách nô lệ khổ đau, ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
- CHÚA KÊU GỌI ĐÍCH DANH (3:10-15a).
Chúa chọn Môi-se đi giải cứu dân sự Ngài, trước khi ông được sinh ra khỏi lòng mẹ. Đang khi còn là hoàng tử Ai-cập, Môi-se nhìn thấy một người Ai-cập hà hiếp đồng bào Do-thái của mình. Ông thấy bất bình mà giết người đó, đem xác vùi xuống cát. Sau này bị bại lộ, Môi-se phải chạy vào đồng vắng. Sau đó, ông lập gia đình với con gái của một thầy tế lễ Ma-đi-an. Đây là giai đoạn mà Môi-se làm quen với sự thờ kính Đức Chúa Trời của tổ phụ ông.
Lúc Môi-se đang chăn chiên cho ông gia mình, Đức Chúa Trời hiện ra trong bụi gai cháy nhưng không tàn. Đức Giê-hô-va kêu gọi đích danh Môi-se đi giải cứu dân Do-thái. Chẳng những Đức Chúa Trời biết tên và thân thế của Môi-se, Ngài còn biết rất rõ lòng của ông đối với hoàn cảnh thống khổ mà dân sự ông đang gánh chịu. Chúa phán với Môi-se rằng Ngài đã đoái đến Áp-ra-ham, đến Y-sác và đến Gia-cốp thể nào thì Ngài cũng đoái đến con cháu họ thể ấy.
Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô”.
Tuy Đức Chúa Trời đã tỏ ý định của Ngài cho Môi-se biết, nhưng ông vẫn còn vài trở ngại, ông thấy mình không đủ khả năng vượt qua nổi các trách nhiệm Chúa giao phó vì các lý do sau:
Thứ nhất, đối với Pha-ra-ôn, Môi-se tin chắc rằng vị vua mới này sẽ không bỏ qua bản án giết người của ông. “Tôi là ai mà dám đi đến Pha-ra-ôn…”. Dường như Môi-se mong Đức Chúa Trời thông cảm hoàn cảnh của ông mà ngưng kêu gọi ông. Trái lại, Đức Chúa Trời giải quyết vấn đề của ông bằng lời hứa về sự hiện diện của Ngài với ông. Nhiều người được Chúa kêu gọi phục sự Ngài cũng từng tự hỏi như vậy. Đây không phải là lãng tránh, cũng không phải vì lười biếng hay có tính thụ động, nhưng là vì một thứ tự ti mặc cảm nào đó mà thôi.
Thứ hai, đối với Đức Chúa Trời, Môi-se thấy rằng mình chưa đủ hiểu biết về Ngài thì làm sao ông dám bày tỏ về Ngài và chương trình của Ngài cho dân Do-thái được. Ông thấy mình cần phải biết tên Chúa, vì ở Ê-díp-tô người ta thờ rất nhiều thần, mà thần nào cũng có tên. Tên của thần nào nói lên bản chất và đặc tính của thần đó. Môi-se hỏi Chúa: “Tên Ngài là gì?” Đức Chúa Trời không ngần ngại đáp rằng Ngài là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, nghĩa là tự có và còn có mãi mãi. Chúa không trách Môi-se hỏi Ngài, nhưng từng bước nâng đỡ để ông vâng và ra đi thực hiện điều Ngài muốn.
Người được Chúa kêu gọi không cần đợi đến khi có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được. Đức Chúa Trời hằng sống là Đấng có quyền làm cho những kẻ đáp lời Ngài gọi thành ra công cụ hữu ích trong tay Ngài.
- CHÚA NÂNG ĐỠ NGƯỜI NGÀI GỌI (4:1-5).
Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se và trao cho ông một sứ mạng lớn lao. Trước đó, Môi-se không dám tin tưởng dân mình nữa, bởi vì đã có lần ông tỏ thiện chí với họ trong vụ can hai người Do-thái đang đánh nhau, nhưng họ tỏ vẻ không cần ông. Thái độ bi quan này của Môi-se xuất phát từ kinh nghiệm bản thân. Và thái độ này có thể làm cho người ta thấy thất bại trước khi bắt tay vào việc.
Đừng quên rằng Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phục vụ trong chương trình của Ngài, cho nên thành công hay thất bại đều thuộc phạm vi lo liệu của Chúa. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải là người có thành tích tốt trước khi được Ngài kêu gọi.
Đức Chúa Trời biết trước rằng vua Ê-díp-tô không thể bị Môi-se thuyết phục dễ dàng. Chúa cũng biết dân Do-thái sẽ nghi ngờ và chống đối ông. Hai việc đó cũng là những khó khăn gặp phải trong cuộc đời người hầu việc Chúa. Dù vậy, Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta trong tay Ngài và ban thêm sức lực để chúng ta có thể vượt qua được. Việc này giống như Chúa ban cho Môi-se các phép lạ trên cánh tay và nơi cây gậy của ông nhằm mục đích thuyết phục Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, và để dân Do-thái tin rằng ông được Đức Chúa Trời kêu gọi.
III. CHÚA TRANG BỊ CHO NGƯỜI NGÀI GỌI (4:10-12).
Môi-se viện dẫn hết lý do này đến lý do khác để tránh né công tác Chúa. Mỗi lần ông đưa ra lý do thì Chúa có ngay giải pháp để nâng đỡ chức vụ của ông. Bây giờ, đến lần thứ ba, ông hy vọng sẽ thay đổi được ý định Chúa. Môi-se nói rằng: “Tôi chẳng phải là một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng”. Đây là một nhận xét về sự bất toàn của mình vốn có từ trước, có lẽ không thích hợp trong vấn đề ngoại giao. Từ lúc Chúa phán dạy ông, Môi-se vẫn thấy mình chưa phải là một nhà hùng biện. Chúa sẽ đặt những lời đầy quyền năng nơi môi miệng ông. Chúa cũng sẽ cho anh của Môi-se là A-rôn đến để nói thay cho Môi-se. Nếu Môi-se còn ngại vấn đề đến tuổi tác, vì bấy giờ ông đã tám mươi tuổi. Ông nói với Chúa rằng: “Ôi lạy Chúa, Chúa muốn sai đi thì sai”, Chúa chỉ cho ông thấy rằng A-rôn, người anh lớn hơn ông ba tuổi, sẽ cùng đi với ông.
Sau khi đã nghe tất cả lý do Môi-se trình bày và những trở ngại mà ông phỏng đoán, Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông làm nhiều phép lạ bằng cây gậy nơi tay mình. Chúa không để cho chúng ta phục vụ Ngài bằng sức riêng của mình. Ngài trang bị, yểm trợ, và ban cho đủ mọi điều cần thiết để chúng ta có thể thực hiện công tác Ngài giao.