Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 23.04.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 23.04.2023

By Quản trị in THANH NIÊN on 17 Tháng Tư, 2023

Chúa nhật 23.04.2023.

  1. Đề tài: CHỚ DÂM DỤC.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 6:12-20.
  3. Câu gốc: “Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời” (1Cô-rinh-tô 6:20).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Các Vua 1-5.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa Nhật 19.02.2023.

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.

(1.1) Cho biết nguyên tắc của Phao-lô về sự tự do trong Đấng Christ? (c.12).

(1.2) Chữ “có ích” trong câu nầy chỉ về điều gì?

(1.3) Theo bạn, thế nào là tự do trong Đấng Christ? Nếu không có sự tự do nầy, người Cơ đốc sẽ bị rơi vào tình trạng nào?

(2.1) Xin cho biết tội dâm dục nặng như thế nào?

(2.2) Tại sao người Cơ đốc phải tránh sự dâm dục?

(2.3) Theo bạn phải sống như thế nào để khỏi rơi vào tình trạng dâm dục?

(3.1) Cho biết tầm quan trọng của thân thể chúng ta? (c.15,19).

(3.2) Đức Chúa Trời cứu chuộc thân thể chúng ta như thế nào? (c.14,17).

(3.3) Theo bạn, người được cứu chuộc phải giữ thân thể mình thế nào để xứng đáng với sự chuộc tội của Chúa?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong thời Phao-lô, Cô-rinh-tô là thành phố đầy dẫy mọi thứ tội ác. Nhất là tội dâm dục đã lan tràn, lôi cuốn dân thành Cô-rinh-tô vào cuộc sống trụy lạc, buông mình trong tội lỗi không biết chán! Với ý nghĩ thân thể chẳng qua là để thỏa mãn thèm khát của xác thịt, sự dâm dục được xem là chuyện thông thường, là sự hợp pháp trong đời sống con người.

Tình trạng luân lý bại hoại của dân thành Cô-rinh-tô ngày xưa chẳng khác nào sự suy đồi đạo đức trong xã hội con người ngày nay. Trước sự băng hoại nguy hiểm này, Phao-lô bày tỏ cho người tín hữu chân lý gì về thân thể và cảnh cáo thế nào về sự dâm dục?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Tự do hay nô lệ? (c.12).

Trong cuộc sống trụy lạc của dân thành Cô-rinh-tô, với sự tôn sùng thần ái tình Aphrodite, những cuộc cúng tế, ăn uống, hành dâm với kỵ nữ nơi miếu chùa, nơi phố chợ trở thành rất quen thuộc trong lối sống của người Cô-rinh-tô. Đến nỗi thời ấy có câu tục ngữ “Mọi sự đều có phép làm!”, như ăn uống, dâm dục, phóng đãng… đều là hợp pháp (all things are lawful).

Vì vậy, để giữ mình khỏi rơi vào nô lệ của tội lỗi, với câu tục ngữ trên, Phao-lô giới hạn sự tự do của mình trong hai nguyên tắc:

(1) Nguyên tắc ích lợi: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích”. Chữ “Ích lợi” ở đây chỉ về điều tốt lành theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Người tự do là người chọn đúng người chủ mình hầu việc và làm điều tốt lành, đó là phục vụ Chúa (Rô 6:12-14).

(2) Nguyên tắc tự chế: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi”. Người tự do là người không bị bắt phục dưới sự ham muốn của xác thịt. Do đó, tự do của người Cơ đốc cần được tự chế khỏi sự tham dục và chọn con đường phục vụ Chúa, làm vinh danh Ngài.

Hai nguyên tắc ấy rất cần thiết để giữ vững tự do của người Cơ đốc trong Đấng Christ, nếu không, chúng ta sẽ bị rơi vào ách nô lệ của tội lỗi.

  1. Tại sao đừng dâm dục?

Trong lời khuyên tránh sự dâm dục, Phao-lô trình bày những lẽ đạo rất quan trọng về thân thể:

  1. Thân thể vì Chúa:

Sự dâm dục làm bại hoại nền luân lý Hy-lạp, vì người ta có quan niệm sai lầm về thân thể. Với tư tưởng của Trí Huệ phái và triết lý khoái lạc, người ta nghĩ con người có hai phần: Thân thể và linh hồn riêng biệt. Thân thể là một khối vật chất và là ngục tù của linh hồn. Thân thể tạm thời chẳng có liên quan gì đến phần tâm linh. Cho nên những gì hành động trong thân thể không ảnh hưởng gì đến con người bên trong. Vì vậy, thân thể được xem như là công cụ thỏa mãn những đòi hỏi của xác thịt. Tình dục chẳng qua như thứ đồ ăn vội bán dọc đường, khi đói người ta ghé vào quán mua ăn cho đỡ cơn đói. Cũng vậy, khi nhục dục đòi hỏi, người ta đến hàng điếm đĩ để thỏa mãn. Có gì sai?

Trong khi người ta nghĩ dâm dục như là “đồ ăn” cho thân thể, thì trong câu 13, Phao-lô vạch một lằn rõ rệt phân định giữa đồ ăn và dâm dục: “Đồ ăn vì bụng, bụng vì đồ ăn, Đức Chúa Trời sẽ hủy hoại cái nọ và cái kia. Nhưng thân thể chẳng phải vì dâm dục đâu, bèn là vì Chúa, và Chúa vì thân thể”.

    SAI.                                         ĐÚNG.

– Bụng vì đồ ăn.                       – Đồ ăn vì bụng.

– Thân thể vì dâm dục.             – Thân thể vì Chúa.

Phao-lô đồng ý ở điểm “bụng vì đồ ăn”, vì đồ ăn sẽ chấm dứt ở bộ phận tiêu hóa là hết (Ma-thi-ơ 7:18-19). Nhưng trái lại, sự dâm dục không phải chỉ chấm dứt ở thân thể đâu. Vì lẽ thật quan trọng về thân thể như sau:

– Lẽ đạo sống lại của thân thể: Trong quan niệm của người Do-thái, con người là toàn diện gồm thân thể và linh hồn, một đơn vị không tách rời và cả con nguời đó thuộc về Đức Chúa Trời. Mặc dù người chết, thân thể trở về với cát bụi nhưng trong quyền năng của Đấng Christ, thân thể sẽ sống lại trong ngày Chúa tái lâm (c.14; 15:25-49). Cho nên khi Đấng Christ đến thế gian không chỉ cứu chuộc linh hồn và cứu cả thân thể của con người (Rô-ma 8:22-23).

  1. Thân thể của người Cơ đốc là thân thể của Đấng Christ (c.15-18).

Sự dâm dục không phải chấm dứt ở thân thể, nhưng Phao-lô bày tỏ mối tương quan sâu xa hơn: Khi kết hợp với người nào trong thân thể là trở thành một với người ấy.

Cũng thế, người tin Chúa kết hiệp cùng Chúa cách thiêng liêng thì trở thành một với Ngài. Trong đó Đấng Christ là Đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và mỗi tín hữu là chi thể của Đấng Christ.

Cho nên, nếu người tin Chúa đem thân mình kết hợp với kẻ điếm đĩ tức là trở thành một với nó. Như vậy tức là đem chi thể của Chúa kết hợp với kẻ gian ác, là điều sỉ nhục Đấng Cứu Chuộc mình! Đối với Phao-lô, dâm dục không phải là tội ngoài thân thể mà là phạm đến chính thân thể, tức là xúc phạm đến Chúa.

  1. Thân thể là đền thờ của Đức Chúa Trời (c.19).

Chữ “thân thể” trong c.19-20 không phải chỉ nói về phần thân xác mà nói về cả đời sống. Khi người được cứu chuộc bởi Đấng Christ, thì đời sống của người ấy được Đức Chúa Trời chọn làm nơi ngự trị của Ngài và có sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong lòng. Bởi đó người phạm tội đến thân thể là hủy hoại đền thờ của Đức Chúa Trời. Trong 3:16-17, Phao-lô cảnh cáo rằng người hủy hoại đền thờ của Chúa thì sẽ gánh lấy hậu quả tai hại cho chính mình.

  1. Lời kêu gọi dâng mình (c.20).

Những lẽ thật về thân thể của Phao-lô cho chúng ta học biết:

– Thân thể chúng ta không phải là đồ dùng cho tội lỗi, nhưng đã được Đấng Christ cứu chuộc và làm cho vinh hiển.

– Thân thể chúng ta không thuộc về chúng ta nhưng thuộc về Đức Chúa Trời.

– Cơ đốc nhân là người có giá trị trước mặt Chúa vì đã được trả bằng một giá đắt bởi huyết của Chúa Giê-xu.

Vì vậy, không có lý do nào chúng ta không dâng mình phục vụ Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1). Mỗi đời sống Cơ đốc nhân được kêu gọi ra khỏi đời sống dâm dục để đạt đến lý tưởng sống cao đẹp làm vinh danh Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời chẳng muốn vinh quang như kiểu người thờ tà thần cúng tế các thần của họ; nhưng muốn vinh quang Ngài được bày tỏ qua đời sống, qua đôi bàn tay của con cái Ngài trong những công việc yêu thương phục vụ tha nhân vì danh Ngài.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Những cái gọi là hợp pháp với người đời, Phao-lô đặt nó trên nguyên tắc nào? (c.12)
  3. Nguyên tắc trên có ý nghĩa gì khi Phao-lô nói đến vấn đề dâm dục tiếp theo đó?
  4. Từ c.13-14, tìm hiểu hai quan niệm khác nhau về thân thể. Hai quan niệm này đưa đến hai triết lý sống thế nào?
  5. Câu 15-20: Xin ghi nhận những lý do tại sao người Cơ đốc phải tránh sự dâm dục?
  6. Qua những lý do trên xin tìm hiểu:
  7. Những lẽ đạo về thân thể.
  8. Mục đích của Đức Chúa Trời đối với người được cứu chuộc.
  9. Lý tưởng sống của người được cứu chuộc.
  10. So sánh với người sống trong sự dâm dục và người sống trong mục đích của Đức Chúa Trời (c.19-20), chúng ta hiểu thế nào là sự tự do thật?

 

 

Post CommentLeave a reply