CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 29.01.2023
By Quản trị in THANH NIÊN on 29 Tháng Một, 2023
Chúa nhật 29.01.2023.
- Đề tài: TÌNH YÊU THƯƠNG TỐI THƯỢNG.
- Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 13:4-7.
- Câu gốc: “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự” (1Cô-rinh-tô 13:7).
- Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 16-20.
- Thể loại: Chia sẻ.
* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trong xã hội văn minh vật chất này, ba chữ “I LOVE YOU” mà chúng ta thường nghe thấy hằng ngày trở nên nhàm tai và bị lạm dụng, dần mất đi ý nghĩa của nó. Thay vì chữ “yêu” để diễn tả cho hành động vị tha, thì người ta dùng để biểu tỏ cho điều gì mình ưa thích nhất, thỏa mãn lòng ích kỷ! Sự kiện này khiến nhà tâm lý học Laing có nhận xét rằng: “Chúng ta đang tự hủy diệt chính mình bởi thứ bạo động trá hình đội lốt tình yêu”.
1Cô-rinh-tô 13 kêu gọi chúng ta đến một tình yêu thương thật cao cả, vượt hẳn tình yêu thương của con người, một tình yêu có liên quan đến nếp sống đạo của người Cơ đốc, với những tính chất diệu kỳ mà chúng ta sẽ thảo luận trong bài học nầy.
- DẪN GIẢI.
- Các đức tính của tình yêu thương.
Từ câu 4-7, Phao-lô không định nghĩa tình yêu thương, nhưng mô tả tình yêu thương với những đức tính sau đây:
- Tình yêu thương hay nhịn nhục (c.4a).
Chữ “nhịn nhục” trong bản dịch KJV có nghĩa là chịu đau đớn dai dẳng, và trong bản dịch RSV có nghĩa là kiên nhẫn.
Hai ý kiến trên cho chúng ta thấy được nét thật đẹp của tình yêu thương trong đức tính nhịn nhục. Nhịn nhục là yên lặng chịu khổ trong sự đợi chờ.
Hãy suy nghĩ về sự nhịn nhục của Đức Chúa Trời. Thế nào Ngài đã nhịn nhục đối với tấm lòng cứng cõi, bội nghịch của con người kể từ A-đam đến nay, và Ngài còn đang nhịn nhục. Sự chịu khổ chờ đợi của Ngài đối với tội nhân thật dai dẳng là dường nào! (2Phi-e-rơ 3:9).
Hãy suy nghĩ về sự nhịn nhục của Chúa Giê-xu. Ngài nhịn nhục thế nào trước lời dân chúng nhiếc móc, thách thức một cách ngu muội rằng, Ngài hãy xuống khỏi cây thập tự? Đây là sự nhịn nhục của sự chịu khổ mà Issac Watts đã diễn tả qua hai câu thơ sau:
“Nầy tình yêu với khổ đau tuyệt vời,
Là Vua diệu vinh chết thay nhân loại”.
- Tình yêu thương hay nhân từ (c.4b).
Nhịn nhục và nhân từ thường đi đôi với nhau (Rô-ma 2:4; 2Cô-rinh-tô 6:6; Ga-la-ti 5:22).
Nếu nói nhịn nhục là thái độ chờ đợi của tình yêu thương đối với tội nhân, thì nhân từ là hành động yêu thương đối với kẻ lầm lạc trong tội lỗi. Cả hai đức tính nầy là sự bày tỏ ân điển của Đức Chúa Trời đối với người có tội, và đòi hỏi chúng ta cũng phải có thái độ như vậy đối với anh em mình.
- Tình yêu thương chẳng ghen tị (c.4c).
Ghen tị thuộc bản tánh xác thịt (Ga-la-ti 5:20). Sự ghen tị đầu tiên xuất hiện trong Ca-in, và sự giết người cũng bắt đầu từ đó (Sáng Thế Ký 4). Mặt trái trong tình yêu thương của loài người là giận dữ, thù ghét. Trong tình yêu thương của Chúa, không có bóng của sự ghen ghét, cay đắng, hận thù, nhưng chỉ có nhịn nhục và tha thứ.
- Tình yêu thương chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo (c.4d).
Người kiêu ngạo là người thổi phồng cái tôi của mình. Kiêu ngạo là thái độ của lòng ghen ghét, nhưng khiêm nhường là thái độ của lòng yêu thương.
Trong Ma-thi-ơ 5:13, Chúa Giê-xu ban phước cho người khiêm nhường nhưng quở trách kẻ lên mình kiêu ngạo (Ma-thi-ơ 6:1-6).
đ. Tình yêu thương chẳng làm điều trái phép (c.5a).
“Điều trái phép” có thể chỉ chung về điều gì có thể làm tổn thương anh em khác, như Phao-lô đã nói trong đoạn 6:12; 8:1-13.
- Tình yêu thương chẳng kiếm tư lợi (c.5b). Trong tình yêu thương chẳng kiếm sự tư kỷ mà chính Phao-lô là một gương mẫu (11:33).
- Tình yêu thương chẳng nóng giận (c.5c). Nóng giận ở đây có nghĩa là hay giận, một dấu hiệu của người tự ái cao, là điều trái với sự nhịn nhục của tình yêu thương.
- Tình yêu thương chẳng nghi ngờ sự dữ (c.5d): “Chẳng nghi ngờ sự dữ” trong bản dịch KJV có nghĩa “chẳng nghĩ về điều ác”. Trong tình yêu thương không có ý nghĩ gây hại kẻ khác.
- Tình yêu thương chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật (c.6a): Tình yêu thương của Chúa là tình yêu thương được xây nền trên sự công nghĩa và thánh khiết. Vì thế, niềm vui của tình yêu thương không phải là sự bất chính hay sự buông lung theo tội lỗi, nhưng là công bình của lẽ thật.
- Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự (c.7a): Không có giới hạn của sự tha thứ trong tình yêu thương (Mat 18:21-22).
- Tình yêu thương tin mọi sự (c.7b).
- Tình yêu thương trông cậy mọi sự (c.7c).
- Tình yêu thương nín chịu mọi sự (c.7d).
“Tin mọi sự” không có nghĩa là nhẹ dạ, nhưng có nghĩa là nghĩ đến cái tốt nhất trong người khác, chữ “mọi sự” được đặt phía sau mỗi đức tính trong bốn đức tính sau cùng của tình yêu thương, bày tỏ thiện chí thường xuyên của tình yêu thương. Nghĩa là luôn luôn có sự tha thứ, luôn luôn có sự tin cậy, luôn luôn có hy vọng điều tốt nhất trong kẻ lỗi lầm, để cho họ có một cơ hội phục thiện; luôn luôn có sự nín chịu. “Nín chịu” có nghĩa là chịu đựng hay gánh chịu kẻ khác.
Tóm lại, bốn đức tính dung thứ, tin cậy, hy vọng và nín chịu đều có tương quan với nhau: Không thể nào tha thứ mà không có tin cậy. Không thể nào có tin cậy mà không có hy vọng. Không thể nào có hy vọng mà không có nín chịu. Đây là bốn đức tính cao đẹp bày tỏ tình yêu thương tuyệt vời của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi nhân loại.
Dù loài người chống nghịch Chúa, lầm lạc trong bóng tối vô vọng của tội lỗi, thì tình yêu thương của Đức Chúa Trời vẫn luôn tỏa ra tia sáng của sự tha thứ, sự tin cậy và hy vọng, để tạo cho kẻ lầm lạc một cơ hội trở về. Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là sự nín chịu của tình yêu thương trong sự gánh thay tội lỗi nhân loại. Sự tình nguyện xả thân vì tội của kẻ khác là điểm cao nhất trong tình yêu thương của Chúa.
Chúng ta có thái độ thế nào đối với người anh em mà chúng ta cho rằng không còn tin tưởng nữa? Chúng ta tự hỏi: Tôi là người như thế nào? Tại sao Chúa vẫn còn tin tôi? Chúa vẫn còn hy vọng nơi tôi?
- Tính chất của tình yêu thương.
Những đức tính của tình yêu thương mà Phao-lô mô tả trong c.4-7 là những đặc tính yêu thương của Đức Chúa Trời.
Trong Hy văn có 3 từ ngữ nói đến tình yêu thương: eross chỉ tình yêu theo tư dục xác thịt; phileo chỉ tình yêu bạn hữu; và agape chỉ tình yêu cao cả vượt hẳn ý nghĩa của hai thứ tình yêu kia. Phao-lô dùng chữ agape để nói đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời theo ý nghĩa của Kinh Thánh. 1Giăng 4:16 viết: Bản tánh của Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Tình yêu thương của Chúa không phải là một đức tính trừu tượng như trong tư tưởng của các nhà triết học Hy-lạp, nhưng trong thể động được thấy trong hành động ban Chúa Giê-xu đến thế gian (Giăng 3:16).
Vì thế có thể nói, Chúa Giê-xu là hiện thân của tình yêu thương của Đức Chúa Trời ở giữa loài người. Cho nên, nếu chúng ta thử thay thế tình yêu thương trong c.4-7 bằng tên Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ thấy một bức tranh sinh động bày tỏ tình yêu thương trọn vẹn của Đức Chúa Trời với những đức tính cao đẹp: Nhịn nhục, nhân từ, chậm nóng giận, giàu ơn tha thứ, ngay thẳng, tin cậy, hy vọng, vị tha. Những đức tính này khác hẳn những điều thuộc bản tánh xác thịt (Ga-la-ti 5:19-20).
Với những đức tính trên cho chúng ta thấy hai đặc tánh của tình yêu thương: Tiêu diệt cái tôi tư kỷ và đem lại sự hiệp một.
Trong Cô-lô-se 3:14, Phao-lô mô tả tình yêu thương là dây liên lạc của sự trọn lành.
Đây là tình yêu thương mà Đức Thánh Linh đổ vào lòng người được làm con cái của Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:5).
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin cho biết những đức tính của tình yêu thương được diễn tả từ câu 4-7.
- Theo thứ tự, xin tìm hiểu những đức tính ấy.
- Qua ý nghĩa những đức tính trên, xin ghi nhận các đặc điểm của tình yêu thương. Và qua những đặc điểm, xin định nghĩa tình yêu thương là gì?
- Qua định nghĩa trên, xin giải nghĩa tại sao tình yêu thương là tối thượng? (1Giăng 4:16).
- Trong các đức tính của tình yêu thương, bạn có đức tính nào?
- Trong đức tính của tình yêu thương, đức tính nào bạn chưa có và cần trau dồi?