CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO NAN PHỤ NỮ. 18.10.2020
By Quản trị in PHỤ NỮ on 13 Tháng Mười, 2020
Chúa nhật 18.10.2020.
- Đề tài: KINH NGHIỆM SỰ SUNG MÃN CỦA THƯỢNG ĐẾ.
- Kinh Thánh: Ê-phê-sô 3:14-21.
- Câu gốc: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và huỷ diệt, còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10).
- Đố Kinh Thánh: Phục truyền 22-24.
- Thể loại: Trò chơi lớn.
* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.
– Chủ đề: KINH NGHIỆM SỰ SUNG MÃN CỦA THƯỢNG ĐẾ.
– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ hoặc trong phòng nhóm.
– Thời gian: 1h30’.
- Chuẩn bị.
– Chia ban Phụ nữ ra thành 3-4 nhóm. Mỗi nhóm cử một trưởng nhóm và một thư ký nhóm.
– Nhóm dựa theo phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để thảo luận và trả lời đầy đủ các câu hỏi của bài học tại các trạm.
– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, viết.
– Xem trước Ê-phê-sô 3:14-21.
Trưởng nhóm điều khiển ban viên giải mật thư và hướng dẫn thảo luận. Thư ký nhóm ghi chép lời giải.
- Thực hiện.
- Thông báo cuộc thi và thể lệ.
- Cuộc thi.
– Hàng ngũ trật tự và báo cáo số nhóm viên khi đến mỗi trạm.
– Chấp hành đúng theo yêu cầu tại mỗi trạm.
– Tất cả ban viên tham gia hết mình.
– Thời gian để thực hiện yêu cầu tại mỗi trạm là 15’.
- Chấm điểm tại mỗi trạm.
– Hàng ngũ trật tự, báo cáo nghiêm chỉnh ……………… 10 điểm.
– Giải mật thư chính xác …………………………………….. 10 điểm.
– Đến trạm sớm nhất………………………………………….. 10 điểm.
– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ……………… 10 điểm.
(Thiếu một người trừ 1 điểm).
- Diễn tiến trò chơi.
– NHD đọc lại khúc Kinh Thánh theo Ê-phê-sô 3:14-21 cho ban Phụ nữ cùng nghe.
– NHD cho các nhóm xuất phát bằng trò chơi “Kiến tha lâu đầy tổ” để nhận mật thư 1.
– Vạch một đường thẳng làm vạch xuất phát. Cách vạch xuất phát khoảng 5m, đặt một thau nước và một cái chai nhỏ miệng (số thau và chai tương ứng với số nhóm). Các nhóm đứng hàng dọc trước vạch xuất phát. Khi nghe hiệu lệnh, từng người của mỗi nhóm chạy lên dùng tay vốc nước cho vào chai. Người lên đầu tiên chạy về đập tay vào người thứ hai, người thứ hai mới được chạy lên thực hiện như người thứ nhất. Cứ tiếp tục như vậy, cho đến khi tất cả số người trong nhóm đều tham gia. Nhóm nào thực hiện nhanh thì sẽ đem chai nước của nhóm mình giao cho NHD và nhận được mật thư. Nhóm nào nhận được mật thư thì tập họp nhóm lại và nhanh chóng bắt tay vào việc giải mật thư.
NHD sẽ dành một phần thưởng nhỏ cho “kiến” nhóm nào “tha” về “tổ” nhiều nước nhất.
* Mật thư 1: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA AI?
– Chìa khóa: Chặt đầu, chặt đuôi.
Trạm 1: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA PHAO-LÔ.
Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.
– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và đánh dấu X trước câu đúng.
- Phao-lô cầu nguyện điều gì?
– Cầu nguyện cho ông.
– Cầu nguyện cho dân Y-sơ-ra-ên.
– Cầu nguyện cho tất cả mọi người đều nhận được quyền phép bởi Thánh Linh.
- Tại sao Phao-lô phải cầu nguyện cho mọi người?
– Muốn mọi người được mạnh mẽ.
– Muốn mọi người tôn trọng ông.
– Muốn mọi người nhìn thấy sự quan tâm của ông.
- Nhờ đâu mà Phao-lô có năng lực để cầu nguyện?
– Nhờ Thánh Linh.
– Nhờ tài lãnh đạo.
– Nhờ sự tung hô của mọi người.
* Mật thư 2: AUHC NƠ TÊIB
– Chìa khóa: Được ngọc.
Trạm 2: BIẾT ƠN CHÚA.
Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.
– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời trên giấy.
- Có phải Phao-lô cầu nguyện để cho mọi người yêu thương mình không?
- Ông cầu nguyện vì muốn mọi người Cơ Đốc nhân phải như thế nào?
- Bạn học được điều gì qua sự cầu nguyện của Phao-lô?
* Mật thư 3: KINH NGHIỆM ĐƯỢC TÌNH YÊU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
– Cách làm: Viết nội dung mật thư lên mảnh giấy hình trái tim. Dùng kéo cắt ra thành nhiều mảnh. Bỏ tất cả mảnh giấy đó vào một bì thư, dán kín lại. Bên ngoài viết dòng chữ để làm chìa khóa. Sau khi nhận mật thư, các nhóm sẽ đọc kỹ câu chìa khóa và ráp tất cả các mảnh vụn theo hình vẽ để đọc được nội dung mật thư.
– Chìa khóa: Biểu tượng của đời sống sung mãn.
Trạm 3: LÀ NGƯỜI YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC VÀ CẦU THAY CHO HỌ
Yêu cầu:
– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.
– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời trên giấy.
- Xin cho biết Phao-lô đã vì ai mà quỳ gối?
- Xin cho biết lòng Phao-lô mong mỏi mọi người sẽ thế nào?
– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.
- Kết thúc.
– NHD cùng ban Phụ nữ tóm lược lại nội dung của trò chơi. Những chặng đường các nhóm đã đi qua và cùng khám phá cách cầu nguyện của Phao-lô
– Kêu gọi các ban viên trở nên những con người biết dành thì giờ cầu thay và hầu việc Chúa mỗi ngày.
– Công bố kết quả và phát thưởng.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Có bao giờ bạn suy nghĩ đến nguồn năng lượng tỏa ra từ ánh sáng mặt trời phản chiếu đến địa cầu của chúng ta? Mặt trời tỏa ra ánh sáng khắp bốn phương và một phần rất nhỏ chiếu vào địa cầu của chúng ta. Nói đúng hơn, năng lượng mà địa cầu chúng ta nhận được từ tia sáng mặt trời chỉ bằng một phần của nhiều tỷ năng lượng được phát ra. Dầu vậy phần năng lượng nhỏ đó đã sưởi ấm cả địa cầu, giúp cho cây cối xanh tươi, soi sáng cho chúng ta ban ngày và giúp điều hòa khí hậu trên trái đất này. Mặt trời quả là một nguồn năng lượng không tiêu hao. Và loài người chúng ta được san sẻ một phần của tài nguyên bất biến đó.
Có bao giờ bạn thử so sánh sự phong phú của nguồn năng lượng mà mặt trời tỏa ra với sự phong phú của tình yêu, ân điển, sự khôn ngoan và sự giàu có vô hạn của Đức Chúa Trời?
Câu ghi nhớ trong bài học tuần này nhắc nhở mỗi một người trong chúng ta rằng chúng ta không cần phải chờ đến khi vào nước thiên đàng, mới hưởng được sự vui mừng bình an, và một đời sống sung mãn. Đức Chúa Giê-xu tuyên bố rằng Ngài đã đến để chiên Ngài được sống và sự sống sung mãn. Tín đồ của Chúa nhận được những giá trị vĩnh cửu của đời sống kể từ giờ phút người ấy đặt niềm tin của mình vào Cứu Chúa.
Khi bạn bắt đầu bài học này mong bạn khám phá những chân lý trong lời cầu nguyện của Phao-lô cho Hội Thánh Ê-phê-sô và khám phá cho chính mình sự sung mãn thuộc linh mà Chúa dành cho họ.
- MẠNH MẼ BỞI QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC THÁNH LINH (c.14-16).
Sứ đồ Phao-lô là một chiến sĩ cầu nguyện. Các thư tín của ông chứa đựng rất nhiều những ưu tư và gánh nặng mà ông vì các Hội Thánh dâng lên. Cô-lô-se 1:3, ông biết rằng ông “cầu nguyện không thôi” cho tín hữu Cô-lô-se. Lời cầu nguyện của ông chiếm một chỗ khá quan trọng trong thư tín Ê-phê-sô. Bạn đã học qua Ê-phê-sô 1:15-23. Phao-lô đã dùng lời cầu nguyện để kết thúc phần giáo huấn. Trong bài học hôm nay, Phao-lô đã cầu nguyện để kết thúc phần dạy dỗ mà ông muốn nói với Hội Thánh Chúa thuộc mọi thời đại. Trong thế kỷ thứ nhất, đứng trong khi cầu nguyện là cách mà người ta thường dùng cũng là nghi thức bắt buộc nơi công hội. Phao-lô trong phần kinh văn hôm nay đã “quỳ gối trước mặt Cha” (c.14) là một hành động khác thường. Quỳ gối và quỳ lạy bày tỏ lòng thành khẩn trong khi cầu nguyện. Với lòng khiêm nhường, cung kính, Phao-lô đã quỳ trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời thánh khiết vì cớ những người ông hết lòng yêu mến. Cung cách cầu nguyện nầy phản ảnh được tấm lòng và ước nguyện của Phao-lô cho Hội Thánh của Chúa.
Phao-lô ngụ ý gì trong câu nói “bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên”? phải chăng ông muốn nói mọi người rồi cũng sẽ được cứu, cả người công bình lẫn người gian ác? Thật ra, chúng ta cần phải cẩn thận trong điểm này. Kinh Thánh cho biết rằng không ai có thể được cứu trừ phi người ấy đặt niềm tin của mình vào Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhiều nhà giảng kinh cho rằng Phao-lô muốn nói đến việc Đức Chúa Trời là Cha chung của loài người vì Ngài là tạo hóa của họ, nhưng loài người đã chọn sự tự do đi xa khỏi Ngài. Chỉ có những người tin mới gọi Ngài là Cha theo ý nghĩa họ là con cái Ngài bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ.
Phao-lô nhận rằng Đức Chúa Trời ban cho con cái Ngài sự giàu có vô hạn trong lĩnh vực thiêng liêng không phải vì công đức riêng của họ nhưng vì “sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển” (Phi-líp 4:19) và “mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống” (Gia-cơ 1:17). Tất cả những điều đó, Phao-lô ước mong sẽ có ích lợi cho Hội Thánh Ê-phê-sô vì ông mong muốn họ có “sự mạnh mẽ trong lòng” (c.16).
- TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỨC TIN NƠI ĐẤNG CHRIST (c.17-18).
Trong Ga-la-ti 2:20, Phao-lô đã viết như sau: “Tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi”. Phao-lô ý thức rằng đời sống của ông là một đời sống có sự ngự trị của Chúa mỗi ngày. Ông cũng muốn tín hữu Ê-phê-sô nhận được quyền năng này để sống một cuộc sống có kết quả cho Chúa. Chúa sẽ không hiện diện trong đời sống của một người nếu người đó không có đức tin nơi Chúa Giê-xu. Nhờ đức tin, Chúa sẽ ngự vào đời sống của tín đồ để cai trị, hướng dẫn và đem họ đến một đời sống đắc thắng.
Phao-lô nói rằng nơi ngự của Đức Chúa Giê-xu là tấm lòng của chúng ta. Tấm lòng nói lên cả tình cảm và sự hiện hữu của một người. Phao-lô dùng hình ảnh tấm lòng để nói lên rằng Đấng Christ muốn bước vào đời sống chúng ta để biến đổi chúng ta thành một tạo vật (2 Cô-rinh-tô 5:17).
Khi một người có sự hiện diện của Chúa và được Ngài ngự trị trong đời sống người ấy sẽ “đâm rễ vững nền trong sự yêu thương” (c.18). Nhiều khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu mến người khác nhưng trong lòng không thật sự nghĩ như vậy. Phao-lô muốn Hội Thánh Chúa có một tình yêu chân thành, một tình yêu bắt nguồn từ nơi sâu thẳm của đáy lòng chúng ta.
Phao-lô cầu xin Chúa cho các độc giả của ông “hiểu thấu” và ”biết” sự yêu thương của Đấng Christ đối với họ là thế nào. Ngài không yêu họ một cách thường tình, nhưng Ngài yêu họ đến nỗi có thể hi sinh chính mình Ngài vì họ. Thế nên, Phao-lô muốn Hội Thánh Ê-phê-sô hiểu tường tận tình yêu Ngài cả đến “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” (c.18) của nó.
III. ĐẦY DẪY MỌI SỰ DƯ DẬT NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI (c.19).
Mục đích của Phao-lô trong lời cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa tại Ê-phê-sô về việc hiểu biết càng hơn tình yêu của Chúa là để họ “được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (c.19). Sự hiện diện của Đức Chúa Trời tràn ngập trong đời sống một người phát xuất từ sự đầu phục trọn vẹn và sự nhường quyền kiểm soát của chúng ta cho Ngài. Một khi chúng ta nhường chỗ cho Ngài trong đời sống mình, chắc chắn Chúa sẽ vui ngự trong chúng ta để làm Chúa và chủ của chúng ta. Ngài chắc chắn sẽ hướng dẫn chúng ta vào nơi “đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh” (Thi-thiên 23) dành sẵn cho những người thuộc về Ngài.
Phao-lô dường như muốn nói rằng chúng ta càng hiểu rõ tình yêu của Chúa bao nhiêu, chúng ta càng mong muốn nhường quyền kiểm soát đời sống mình cho Chúa bấy nhiêu. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta là một tiến trình của hiện tại và tương lai. Sự hiện diện ấy là một thực hữu của hôm nay và mãi mãi về sau.
- LỜI KẾT (c.20-21).
Phao-lô kết thúc lời cầu nguyện cho Hội Thánh bằng lời ca ngợi Đức Chúa Trời vì quyền năng Ngài đang hành động trong đời sống của mỗi cá nhân và Hội Thánh. Ông bảo đảm với chúng ta rằng Đức Chúa Trời quyền năng là Đấng đang hành động trong đời sống những người thuộc về Ngài và Ngài đủ khả năng ban cho chúng ta nhiều hơn những điều chúng ta cầu xin và suy tưởng. Lẽ thật nầy được Phao-lô diễn tả bằng câu “trổi hơn vô cùng” (c.20).
Phao-lô khi viết những điều nầy có lẽ đang liên tưởng đến công trình cứu chuộc vinh diệu của Đức Chúa Trời qua Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ. Đấng Christ đã vì chúng ta chịu chết để tội chúng ta được tha thứ và từ đó Ngài đã tạo đời sống chúng ta trở nên đầy đủ và ý nghĩa. Vì thế khi chúng ta đến với Ngài trong sự thờ phượng và ngợi khen, chính Ngài sẽ nhận được sự vinh hiển vì cớ chúng ta.
Chúa sống trong mỗi người đặt niềm tin nơi Ngài, vì thế khi chúng ta sống đời sống xứng đáng chính Ngài sẽ được vinh hiển. Khi Hội Thánh của Chúa tỏ bày và phản ảnh ân điển cứu rỗi của Ngài đó là lúc Ngài nhận được sự vinh hiển vậy.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Mẹo bảo quản hành tây
Củ hành rất dễ bị héo và mất mùi. Để bảo quản tốt, bạn nên gói hành vào trong giấy báo. Nếu được thì gói riêng từng củ, nói chung trong từng gói số lượng càng ít càng tốt. Sau đó đem cất vào nơi có nhiệt độ mát mẻ, và càng ít ánh sáng càng tốt. Ánh sáng sẽ làm cho hành bị mất màu nhanh hơn.