CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 20.10.2019
By Rim in PHỤ NỮ on 14 Tháng Mười, 2019
Chúa nhật 20.10.2019
- Đề tài: SỐNG HỮU ÍCH CHO NHAU.
- Kinh Thánh: Rô-ma 14:7-19.
- Câu gốc: “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau” (Rô-ma 14:19).
- Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 45-47.
- Thể loại: Thuyết trình
* CHỈ DẪN: (xem chỉ dẫn Chúa nhật 07.07.2019).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Sau mỗi lần đi dự các đại hội của Hội Thánh về, anh chị em đại biểu được dịp tường trình kết quả và diễn tiến của đại hội với Hội Thánh. Mỗi sứ giả có những nhận xét khác nhau về đại hội. Người thì cho biết rằng đại hội thành công về việc nầy, kẻ thì khen về mặt kia. Tuy nhiên trong mọi sự đó, không một sứ giả nào có thể phủ nhận cái tình cảm khắng khít kỳ diệu, giữa vòng các sứ giả về những buổi đại hội. Hầu như một sợi dây vô hình nào đó đã buộc họ lại với nhau trong tình cảm đậm đà.
Thật vậy, là Cơ Đốc nhân chúng ta có rất nhiều điểm chung nhau. Chúng ta có cùng một Cha toàn năng trên trời, cùng được cứu bởi dòng huyết báu của Chúa Giê-xu, cùng được sự thông công trọn vẹn trong Chúa Thánh Linh, cùng một báp-têm và một đức tin. Chúa cứu chúng ta không nhằm mục đích để trang hoàng cho đẹp đền thờ. Nhưng Ngài muốn mỗi người được cứu sống như một nhân chứng sáng láng trong thế gian. Sau kinh nghiệm gặp Chúa, chúng ta cần được lớn lên trong mối tương giao với Chúa và với mọi người.
Từng ngày trưởng thành trong Chúa, càng giúp chúng ta thấy rõ rệt hơn về chỗ đứng của mình trong thân thể hay Hội Thánh của Chúa. Như một tuyển thủ của đội banh, mỗi chúng ta chẳng những trau giồi thể lực cho mình mà còn hiệp tác với các đồng đội để mang lại chiến thắng, vinh dự cho đội của mình.
Bài học hôm nay giúp chúng ta sống thể nào đẹp lòng Chúa và hữu ích cho anh em mình.
I. SỐNG TRONG CHÚA (Rô-ma 14:7-9).
Những câu nói mỉa mai được nhiều người ngày nay lấy làm phương châm cho cuộc sống họ: “Nó sống hay chết mặc kệ, có quan tâm cũng uổng thôi”, “Tôi làm gì mặc kệ, đừng ai đá động đến tôi”; hoặc “Con đã lớn khôn rồi, những lời khuyên đó chẳng giúp ích chi đâu!”.
Chủ nghĩa cá nhân đã mọc rễ sâu trong đời sống nhiều người. Thế nên Chúa đã dùng lời Phao-lô nhắc nhở Cơ Đốc nhân qua các thời đại là: Sự sống họ không thuộc riêng họ nữa, nhưng nó được buộc vào Chúa từ khi họ tiếp nhận Ngài. “Vả, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:7-8). Một khi mục tiêu sống cho Chúa của chúng ta được xác định rõ rệt “sống là sống cho Chúa hoặc chết là chết cho Chúa” chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự phục hưng. Chúa sẽ dùng đời sống chúng ta để làm sáng danh Ngài, để những người xung quanh nhận thấy được quyền năng Chúa thay đổi chúng ta ra làm sao.
Cơ Đốc nhân được buộc chặt vào Chúa Giê-xu. Chúng ta thuộc về Chúa, và Ngài cũng thuộc về chúng ta. Chúa là hình ảnh của người chủ nhân lành, đầy lòng yêu thương. Ngài đã đến cho mỗi chúng ta kinh nghiệm được “sự sống và sự sống dư dật” (Giăng 10:10). “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:11-12). Người tin Chúa có được hy vọng vĩnh cửu bởi Đấng Christ đã chiến thắng sự chết. Vì vậy, dù sống hay chết chúng ta được bảo đảm mình thuộc về Ngài.
Lịch sử nhân loại cho thấy nhiều vị anh hùng đã liều thân cho lý tưởng họ mến yêu. Có lần nào bạn tự hỏi mình đã yêu Chúa bao nhiêu? Mình đã để sức sống mới của Ngài chiếm hữu bao nhiêu phần trong cuộc sống? Đã bao nhiêu người thấy Chúa qua sự hiện hữu của bạn, của tôi? Điểm quan trọng ở đây không phải chúng ta làm gì cho Chúa, mà là Chúa đã dùng chúng ta làm gì cho những người chung quanh? Chúa đã dùng chúng ta để làm gì cho những anh chị em trong Hội Thánh của chúng ta?
II. ĐỪNG XÉT ĐOÁN (Rô-ma 14:10-13).
Chữ xét đoán tự nó không là xấu hay tốt. Đây là một động từ kép của hai chữ: “nhận xét” và “đoán định”. Bà nội trợ giỏi nhìn vào lượng và phẩm một miếng thịt trước khi mua về làm bữa cho gia đình bà. Viên chánh án xét những sự kiện xảy ra và dựa theo luật định mà kết án tội nhân. Trong 1Cô-rinh-tô 11:31, Phao-lô nói rằng: “Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán”. Ba trường hợp nêu trên là những hành động cần thiết. Vậy câu 10 có ý nghĩa gì?
Lời Chúa không cho phép chúng ta xét đoán anh em mình. Lý do đơn giản bởi chúng ta không phải là Chúa để thấy hết, hiểu hết mọi sự, cùng xét người một cách vô tư.
Trong một lớp xã hội học, vị giáo sư nêu lên một trường hợp điển hình để học sinh ông suy nghĩ. Ông nói: Một bà ăn mặc rất sang trọng vào mua thực phẩm tại một siêu thị. Khi trả tiền, bà đã dùng phiếu trợ cấp cho người nghèo để trả. Sau đó bà mang đồ lên một chiếc xe hết sức đắt tiền và lái đi. Để kết luận, giáo sư hỏi: Các bạn đánh giá thế nào về bà nầy? Cả lớp học gầm nét mặt, tức giận đồng lên án bà là người gian dối, lường gạt chính quyền. Chờ cho lớp học lắng dịu, vị giáo sư ôn tồn cho biết: Bà ấy tuy giàu có nhưng đầy lòng hảo tâm. Hôm đó bà đã bỏ thì giờ riêng để đi trợ giúp một bà cụ bị bệnh.
Khi đặt mình vào địa vị một quan án, chúng ta đã phạm tội cùng Chúa vì chúng ta giành quyền xét đoán của Ngài. Và khi xét đoán một người, là chúng ta xem mình cao trọng hơn người bị mình xét đoán. Dù đi trong Chúa hay trong đường đời có dài hơn người khác bao lâu, chúng ta cần nâng đỡ, yêu thương anh em mình, hơn là xét đoán những yếu kém của họ. Chúa đã yêu thương, ân cần, ngọt ngào và xem chúng ta là một phần quan trọng trong thân thể Ngài, thì chúng ta là kẻ trưởng thành phải yêu thương nâng đỡ anh chị em khác thể ấy. Vì một ngày kia, mọi chúng ta sẽ phải ứng hầu trước tòa án của Đức Chúa Trời để trả lời về thái độ, lối cư xử của mình.
III. QUÝ TRỌNG ANH EM TRONG CHÚA (Rô-ma 14:14-19).
Một nan đề làm rối loạn trong Hội Thánh lúc bấy giờ là: Một số tín hữu cho rằng việc ăn của cúng hình tượng là không đẹp lòng Chúa. Trong khi một số tín hữu khác cho rằng các tà thần là việc hư không, vô nghĩa nên cũng chẳng hại gì. Đây là nan đề mà Hội Thánh Chúa qua các thời đại đều gặp phải, nan đề bất đồng quan điểm. Khi nói về quan điểm thì không ai trong chúng ta có câu trả lời đúng cho mọi trường hợp. Trước hoàn cảnh nầy Phao-lô cho ta một vài nguyên tắc để suy nghĩ:
- Thực phẩm tự nó là trung dung “Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Giê-xu rằng, chẳng có vật gì vốn là dơ dáy; chỉn có ai tưởng vật nào là dơ dáy, thì nó là dơ dáy cho người ấy mà thôi” (Rô-ma 14:14).
Việc ăn hay không ăn, không quan trọng.
- Nguyên tắc yêu thương “Vả, nếu vì một thức ăn, ngươi làm cho anh em mình lo buồn, thì ngươi chẳng còn cư xử theo đức yêu thương nữa. Chớ nhân thức ăn làm hư mất người mà Đấng Christ đã chịu chết cho” (Rô-ma 14:15). Hội Thánh nào cũng có người yếu kẻ mạnh. Chúng ta phải quan tâm đến sự hiện hữu của anh em hơn là lấy những khác biệt của họ mà luận xét.
- Đừng để việc ăn uống nhỏ nhoi làm mất sự công bình, bình an, vui vẻ mà Thánh Linh đã ban cho mỗi con cái Chúa và Hội Thánh Ngài “Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy” (Rô-ma 14:17).
- Hãy tìm mọi cách sống hòa thuận và làm gương tốt đẹp cho nhau “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau” (Rô-ma 14:19).
Những Cơ Đốc nhân giàu kinh nghiệm trong Chúa, hãy vì anh em yếu kém hơn mình, mà chậm bước lại để họ theo cùng. Vì công khó anh em trong Chúa không bị khinh dể đâu. Một trong sự trưởng thành của người mới đến với Chúa là bắt chước những anh chị đi trước trong niềm tin. Không phải là người mới tin không cần học theo gương Chúa, nhưng thái độ, việc làm của người tin Chúa lâu không ít thì nhiều, sẽ ảnh hưởng cho những anh chị em mới.
Dù muốn hay không, đời sống hằng ngày của mọi chúng ta sẽ là tấm gương cho nhiều người soi rọi, Chúa muốn chúng ta hãy nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Khi thức ăn lỡ bị nêm mặn: Dùng 1 lòng trắng trứng cho vào nồi thức ăn, đun lại cho sôi rồi vớt bỏ lòng trắng. Lòng trắng đã hút bớt chất mặn trong canh, súp.