Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG THANH NIÊN.20.10.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG THANH NIÊN.20.10.2019

By Quản trị in THANH NIÊN on 20 Tháng Mười, 2019

Chúa nhật 20.10.2019.

Đề tài: PHỤC VỤ TRONG TÌNH THƯƠNG.
Kinh Thánh: Ga-la-ti 5:13-15.
Câu gốc: “Hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau”
(Ga-la-ti 5:13c).
Đố Kinh Thánh: Giô-na 1-4.
Thể loại: Thi nấu ăn.

* CHỈ DẪN: Thi nấu ăn (Xem chỉ dẫn Chúa nhât 11.8.2019).

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

DẪN GIẢI.

Chúng ta nghe nói rất nhiều hai chữ tự do, nhất là trong xã hội văn minh nầy. Người ta hô hào tự do, cổ vũ tự do, và dưới nhãn hiệu tự do, con người sống đủ kiểu cách, đến nỗi đôi lúc không ai hiểu tự do là gì! Tuy nhiên, trong muôn hình thức mà người ta gọi là “tự do”, chúng ta có thể nhận rõ đường lối của loài người không ngoài cái tôi tư kỷ. Theo chiều hướng nầy, càng tự do, người ta càng chỉ biết chính mình và loại bỏ người chung quanh. Như đối với Sartre thì tha nhân là địa ngục, là một cản trở cho cái tôi tự do tuyệt đối của người khác. Nhưng tự do cách ấy, có phải là tự do thật không? Với Cơ đốc nhân là người tự do trong Đấng Christ thì được kêu gọi đến cách sống cao đẹp hơn. Không phục vụ cho cái tôi của mình, nhưng phục vụ lẫn nhau trong tình thương.

Điều nầy có nghĩa gì? Tại sao đây là lẽ sống của chúng ta?

SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHỤC VỤ TRONG TÌNH THƯƠNG.
Để không bị làm nô lệ cho tội lỗi: Trong 5:13, Phao-lô khuyên các tín hữu hai điều:

(1) Chớ lạm dụng sự tự do: Chữ “làm dịp”, theo nguyên văn Hy-lạp là một từ ngữ quân sự chỉ về một căn cứ hành quân, một cứ điểm mà nơi đó trở thành bẫy nhử địch. Theo nghĩa nầy, Phao-lô cảnh tỉnh các tín hữu là người được tự do khỏi luật pháp. Chớ biến sự tự do ấy thành cứ điểm cho sự ăn ở theo xác thịt. Hay nói cách khác, chớ núp bóng tự do ấy để sống theo sự buông lung của lòng ham muốn theo tánh xác thịt. Điều nầy có nghĩa đừng lầm tưởng tự do là phóng đãng, và đừng biến sự phóng đãng của xác thịt trở thành điều hợp pháp để mặc tình buông tuồng theo tư dục.

Chúng ta thấy rõ trong xã hội nầy, có những phóng đãng của tình dục đã trở thành luật như việc phá thai, đồng tính luyến ái, mà người ta tự hào là tự do. Nhưng thực ra tự do kiểu nầy chẳng qua là một hình thức để phục dịch cho tội lỗi. Đây là sự lạm dụng tự do chớ không phải là tự do theo đúng ý nghĩa của nó.

(2) Hãy phục vụ trong tình thương: Cơ đốc nhân cần biết ý nghĩa của sự tự do Chúa ban cho mình. Phải biết rằng ân điển của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự tự do, không phải là thứ tự do để phục dịch cho tội lỗi, nhưng để phục vụ cho sự công bình. Vì vậy, mục đích Đấng Christ buông tha chúng ta khỏi sự bó buộc của luật pháp không phải để chúng ta làm điều phá luật, nhưng để làm điều vượt quá sự đòi hỏi của luật pháp. Đó là sự phục vụ lẫn nhau trong tình thương. Người “tự do” theo xác thịt được thúc đẩy bởi tư kỷ. Trái lại, người tự do theo Thánh Linh được thúc đẩy bởi tình thương. Vì thế, sự phục vụ trong tình thương được xem là chiếc phao an toàn cho sự tự do của Cơ đốc nhân để không rơi vào ách nô lệ của tội lỗi.

Trong câu 14, Phao-lô nói đến luật pháp và tình yêu thương. Trong sự xưng nghĩa, Phao-lô quả quyết rằng không bởi cậy luật pháp. Lý do không cậy luật pháp để được xưng nghĩa không phải vì có điều sai trật trong luật pháp, nhưng vì cớ tiêu chuẩn của luật pháp quá cao, mà con người bất toàn không sức để đạt tới. Chỉ có Chúa Giê-xu là Đấng thay thế loài người làm trọn mọi đòi hỏi của luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17-19). Vì thế không có sự định tội nào của luật pháp cho những kẻ ở trong Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:1).

Thời Cựu ước dân Y-sơ-ra-ên thất bại trong sự vâng giữ luật pháp. Họ chỉ biết luật pháp trong hình thức văn tự được viết trên bảng đá, và làm theo cách chiếu lệ. Chớ không hiểu được ‘tình nghĩa’ bên trong của bảng đá ấy. Nên đối với họ, luật pháp là gánh nặng chớ không phải là lẽ sống. Nhưng trong thời Tân ước, với Chúa Giê-xu, khi người tin nhận Ngài, thì Đức Thánh Linh cũng được ban cho. Với Đức Thánh Linh, Ngài làm hai công việc: Viết luật pháp của Chúa trong lòng kẻ tin (Ê-xê-chi-ên 36:26-27; 2Côr 3:3-6) và rãi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong lòng họ
(Rô-ma 5:5). Được tình yêu thương của Chúa thúc đẩy, luật pháp của Chúa trong lòng cũng trở thành sống động, khiến kẻ tin có thể vừa muốn vừa làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Vì lẽ đó nên yêu thương là làm trọn luật pháp (Rô-ma 10:13).

Trong Mác 12:29-30, Chúa Giê-xu tóm 10 điều răn của Đức Chúa Trời trong hai điều: Hết lòng kính mến Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận như mình. So với sự tóm tắt của Chúa, trong sự tóm tắt của Phao-lô, ông nhấn mạnh điều thứ hai. Có thể vì Phao-lô đang nói đến nếp sống đạo của Cơ đốc nhân trên bình diện phục vụ tha nhân, ông đang nhìn vào thực tiễn của vấn đề kính mến Đức Chúa Trời. Như điều Giăng bày tỏ, nếu ai nói mình yêu Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối. Vì cớ người ở trước mắt mà chúng ta không thể yêu được, thể nào chúng ta yêu Đấng mình không thấy (1Giăng 4:20). Như thế trong khía cạnh thực hành, yêu thương kẻ lân cận như mình đó là chúng ta kính mến Chúa và làm trọn điều răn Ngài.

Để không bị hủy diệt (c.15): Chúng ta thấy rõ điểm khác biệt giữa kết quả của sự ghen ghét và tình yêu thương: Sự ghen ghét chỉ đem lại chia rẽ và hủy diệt nhau, trái lại tình yêu thương đem lại sự hiệp một và sự sống. Vì thế, là chi thể trong thân thể của Đấng Christ, Cơ đốc nhân được khuyến khích sống phục vụ lẫn nhau trong tình thương, với tinh thần hạ mình làm đầy tớ lẫn nhau để giữ sự hiệp một trong Hội Thánh Chúa. Đó là ý muốn của Đức Chúa Trời gọi chúng ta và đó cũng là lẽ sống của người tự do trong Đấng Christ.
ĐỜI SỐNG PHỤC VỤ TRONG TÌNH THƯƠNG.

Trong sự phục vụ, có thể nói tình yêu thương là trái tim của Cơ đốc nhân. Cho nên sự phục vụ sẽ không thể thực hiện nếu không có sự sống động của trái tim yêu thương. Ở đây chỉ về tình thương của Đức Chúa Trời, tình thương mặc dầu, tình thương không đòi hỏi điều kiện tương ứng. Với tình yêu thương nầy, Cơ đốc nhân chẳng những có thể làm trọn luật pháp, nhưng còn làm vượt quá điều luật pháp đòi hỏi nữa. Vì thế tình yêu thương là bí quyết thần diệu cho Cơ đốc nhân trong lẽ sống phục vụ tha nhân.

Trong sự phục vụ tha nhân, sự yêu thương kẻ lân cận như mình là một thách thức cho nếp sống đạo của Cơ đốc nhân. Trong câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành đưa ra tiêu biểu cho chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một người thực sự tự do trong nếp sống đạo, với sự lựa chọn làm điều lành, bằng lòng trả giá cho sự hy sinh. Trong khi thầy tế lễ và người Lê-vi không giúp được nạn nhân có thể vì thành kiến, hay tập tục lễ nghi tôn giáo. Nhưng với tình thương thúc đẩy, người Sa-ma-ri đã vượt khỏi những hàng rào phân cách đó, và giúp đỡ được người lân cận đáng thương ấy. Tóm lại:

Sự tự do ban cho Cơ đốc nhân là tự do để phục vụ tha nhân trong tình yêu thương chớ không phải phục vụ cho tư kỷ xác thịt.
Trong người còn sống theo bản tánh xác thịt, sự tự do bị lạm dụng. Nhưng trong người sống theo Thánh Linh, sự tự do được hướng dẫn đến mục đích Chúa gọi.
Phục vụ trong tình thương là chiếc phao an toàn cho sự tự do của Cơ đốc nhân.
CÂU HỎI ÁP DỤNG VÀ SUY GẪM.
a. Phao-lô cảnh cáo điều gì? (c.13a).
Tại sao cư xử theo tánh xác thịt không phải là tự do mà phục vụ lẫn nhau mới là tự do?
Trong câu 14, cả luật pháp được Phao-lô tóm tắt trong điều nào? Điều nầy có trái với sự tóm tắt của Chúa Giê-xu trong Mác 12:29-31 không? Xin cắt nghĩa.
Tại sao yêu thương kẻ lân cận là làm trọn luật pháp (Rô 13:8-10)?
Người tự do trong Đấng Christ là người phá hay người làm vững bền luật pháp?
Tại sao phục vụ lẫn nhau là điều cần thiết cho người tự do trong Đấng Christ? (c.13-15).
Sự phục vụ của người Cơ đốc được đặt trên nguyên tắc nào? Trên nguyên tắc ấy Đức Thánh Linh đóng vai trò nào? (c.13c-14).
a. Trong sự giúp đỡ nạn nhân, người Sa-ma-ri phải từ bỏ điều gì và lựa chọn điều gì? (Lu-ca 10:25-37).
Những sự từ bỏ và lựa chọn ấy thích hợp với bản tánh nào?
Động lực nào thúc đẩy người Sa-ma-ri từ bỏ những điều riêng tư của mình để giúp nạn nhân?
So sánh thầy tế lễ, người Lê-vi và người Sa-ma-ri, ai là người thực sự có đời sống tự do?
Cách cư xử của người Sa-ma-ri thách thức Cơ đốc nhân dấn thân vào nếp sống đạo hằng ngày thế nào?
Bạn đang sống cho người khác hay đang sống cho cái tôi của mình? Trong cuộc sống hằng ngày ai là người lân cận của bạn? Bạn phải làm gì để thành người Sa-ma-ri nhân lành?

Post CommentLeave a reply