Thẻ: BA CÂU HỎI QUAN TRỌNG

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 31.03.2024

in NAM GIỚI on 25 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 31.03.2024

(Lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Phục sinh).

  1. Đề tài: BA CÂU HỎI QUAN TRỌNG.
  2. Kinh Thánh: Châm 16:25; Công 4:12; Giăng 14:6.
  3. Câu Gốc: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

 

* CHỈ DẪN:  Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có ba câu hỏi vô cùng quan trọng, mà tất cả chúng ta cả dòng nhân loại, từ thế hệ này qua thế hệ kia luôn luôn thắc mắc, luôn luôn khao khát được trả lời thật rõ ràng và thỏa đáng. Ba câu hỏi này, sở dĩ vô cùng quan trọng là vì nó liên hệ đến nguồn gốc, ý nghĩa cuộc đời và tương lai của chúng ta. Ba câu hỏi đó là:

– “Có Đức Chúa Trời (ông Trời) hay Đấng Tạo Hóa không?”

– “Có phải mọi tôn giáo đều giống nhau không?”

– “Cái gì ở đằng sau cái chết?”

  1. “Có Đức Chúa Trời hay Đấng Tạo Hóa không?”

Đây là một câu hỏi lớn nhất, mà nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu thời giờ, bút mực, tư duy, trí tuệ, năng lực để cùng chứng minh hai điều trái ngược nhau là Đức Chúa Trời hiện hữu và Đức Chúa Trời không hề hiện hữu. Sau khi trưng dẫn biết bao là bằng chứng, đưa ra biết bao nhiêu là lý luận, thì câu hỏi này vẫn hoài là một câu hỏi không có câu trả lời, bởi vì Đấng Tạo Hóa không phải là một đối tượng vật chất để các nhà khoa học có thể phân tích và chứng minh, và Ngài cũng không phải là một phạm trù tư duy để các triết gia suy diễn và lý luận.

Kinh Thánh là Lời của Đấng Tạo Hóa, không trưng dẫn bằng chứng, cũng không lý luận có hay không, nhưng Kinh Thánh hướng mọi người về một con người có thật trong lịch sử tên là Giê-xu. Là Đấng tự xưng mình đến từ Trời, là Đấng tự thừa nhận mình là Con Đức Chúa Trời trong thân xác con người.

Để biết Đấng Tạo Hóa là Đấng như thế nào, quý vị và tôi chỉ cần nhìn vào đời sống của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là Đấng thánh khiết tuyệt đối, không bao giờ phạm tội. Ngài là Đấng yêu thương vô điều kiện, bằng lòng giáng thế làm người để tìm kiếm và cứu vớt chúng ta, trong khi chúng ta còn ngoảnh mặt lại với Đấng tạo dựng ra mình. Ngài là Đấng công bình tuyệt đối, nên phải nhận lấy cơn thịnh nộ của Cha Ngài thế cho chúng ta. Ngài là Đấng tha thứ trọn vẹn, đến nỗi phải chịu hy sinh tính mạng của Ngài chuộc tội cho muôn người. Và cuối cùng, Ngài là Đấng quyền năng vô song, vì Ngài đã chết nhưng đã đắc thắng tử thần, sống lại hiển vinh. Sự giáng trần, đời sống trọn lành, sự giảng dạy, sự chết thế hy sinh và quan trọng nhất là sự phục sinh vinh hiển của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã trả lời cho mọi thắc mắc của con người về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, như chính Ngài có tuyên bố: “Ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ” (Khải Huyền 1:17,18).

  1. Có phải mọi tôn giáo đều giống nhau không? Có phải mọi con đường đều dẫn đến sự cứu rỗi không?

Trong khi mọi tôn giáo là nỗ lực riêng của con người để tìm về lại với Đấng Tạo Hóa, thì chỉ duy Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa đã giã từ thiên đàng để tìm đến với con người.

Trong khi mọi tôn giáo dùng bao mỹ từ cao trọng và đẹp đẽ để diễn tả về Đấng mình tôn thờ, nhưng chỉ duy những người tin nhận Chúa Giê-xu gọi Đấng Tạo Hóa là Cha thân yêu của mình.

Trong khi các giáo chủ tôn giáo giảng thuyết và chỉ cho con đường giải thoát, thì Chúa Giê-xu đã giáng trần, không chỉ giảng dạy, nhưng còn chịu chết thay để giải thoát cho con người khỏi món nợ tội. Trong khi các giáo chủ mọi tôn giáo đã chết và chết luôn, không hề sống lại, nhưng chỉ duy Chúa Giê-xu đã chết và phục sinh.

Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là một giáo chủ tôn giáo. Ngài đã chết, nhưng đã sống lại. Sự kiện phục sinh bày tỏ Ngài là duy nhất, là Đấng Tạo Hóa trong thân xác con người, là con đường cứu rỗi duy nhất cho chúng ta, có một không hai, như chính Ngài có khẳng định: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

  1. “Cái gì ở đằng sau cái chết?”

Chết là nỗi sợ hãi to lớn nhất của con người, vì bí mật sâu thẳm và quyền lực to lớn của nó. Có ai mà không chết và có ai chết mà sống lại được, để kể về đằng sau sự chết là gì?

Nhưng sau khi Chúa Cứu Thế Giê-xu chết và đã sống lại, Ngài tuyên bố đã đắc thắng quyền lực của sự chết. Âm phủ kể từ đó, không còn quyền giam giữ những ai đã tin vào sự chết thế của Con Trời. Khi chúng ta tin vào sự chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì cái chết không còn đáng sợ nữa, nhưng chết là cửa ngõ để đi vào sự sống phước hạnh đời đời, như Kinh Thánh có tuyên bố: “Vả, nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rô-ma 6:8).

Sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu là nền tảng của niềm tin, là tất cả hy vọng của những ai tin nhận Ngài, như sứ đồ Phao-lô có đã nói: “Nếu Chúa Cứu Thế không sống lại, lời giảng dạy của chúng tôi hóa ra vô ích, và đức tin anh em cũng mất nền tảng. Nếu Chúa Cứu Thế đã chẳng sống lại, đức tin anh em hóa ra vô ích, anh em vẫn còn bị đày đọa trong tội lỗi, và nếu thế các tín hữu đã chết cũng vĩnh viễn hư vong” (1Cô-rinh-tô 15:14,17,18).

Các môn đệ của Chúa Giê-xu vẫn còn lo âu, sợ hãi cho đến khi họ được gặp lại Ngài sống lại, bằng xương bằng thịt.

Một người thanh niên tên Sau-lơ, học rộng, tài cao, là một người lãnh đạo Do-thái giáo, đã dẫn đầu trong việc bức bách phá hại những người theo Chúa Giê-xu. Cho đến khi người thanh niên này gặp gỡ Chúa Giê-xu phục sinh, để rồi trở nên sứ đồ Phao-lô cao trọng, chuyên rao giảng sự chết và sự sống lại của Ngài.

Hàng triệu triệu con người, nếu hỏi điều gì đã thay đổi cuộc đời của họ, thì câu trả lời là họ đã gặp được Chúa Giê-xu phục sinh, Đấng đã sống lại và đang sống trong lòng họ. Cuộc đời của chúng ta sẽ vẫn mãi vô nghĩa, vô mục đích và vô vọng, sẽ mãi lẩn quẩn trói buộc trong ba thắc mắc lớn nhất là “Đấng Tạo Hóa có hiện hữu hay không?”, “Tôn giáo nào cũng tốt”“Đằng sau sự chết là gì?”, cho đến khi nào chúng ta chịu mở cánh cửa lòng để gặp gỡ Chúa Giê-xu phục sinh vậy.

                                                                    Theo Internet