Thẻ: CHÚA PHÁN QUA HOÀN CẢNH

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 18.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 18.02.2024

in NAM GIỚI on 12 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 18.02.2024

  1. Đề tài: CHÚA PHÁN QUA HOÀN CẢNH.
  2. Kinh Thánh: Xuất 5:22-23, Gióp1-2; Lu-ca 7:11-17; Giăng 14:6.
  3. Câu Gốc: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28a).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 25-27.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh Nhóm.

  1. 1Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi suy luận (giải thích việc xảy ra và tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

* CÂU HỎI GỢI Ý:

Đọc Lu-ca 7:11-17, trả lời các cụm câu hỏi sau:

(1.1) Câu hỏi quan sát: Trước khi Chúa Giê-xu đến, người đàn bà góa ở thành Nain đang ở trong hoàn cảnh như thế nào?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Khi Chúa Giê-xu đếnNgài đã bày tỏ chính mình Ngài như thế nào trước hoàn cảnh của người đàn bà góa đó?

(1.3) Câu hỏi áp dụng: Bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu lâm vào hoàn cảnh đau thương, khắc nghiệt?

(2.1) Mô tả những hành động của Chúa Giê-xu khi Ngài gọi người trai trẻ ở Na-in sống lại.

(2.2) Những hành động của Chúa đã chứng tỏ điều gì?

(2.3) Bạn nhận được sự dạy dỗ nào khi đọc phân đoạn Kinh Thánh này?

(3.1) Những người ở thành Na-in đang làm gì khi Chúa đến?

(3.2) Tại sao Danh Đức Chúa Trời được vinh hiển tại nơi đây?

(3.3) Bạn đã làm gì để Danh Chúa được vinh hiển tại nơi bạn ở?

  1. Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
  2. Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
  3. 5 phút giải thích và chia nhóm.
  4. 20 phút học Kinh Thánh.
  5. 10 phút tường trình.
  6. 5 phút đúc kết.
  7. Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
  8. Chia nhóm: Chia thành 2 hoặc 3 nhóm.
  9. Vị trí: Ủy viên linh vụ chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
  10. Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi đã soạn trước cho mỗi nhóm.
  11. Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Mỗi nhóm có thể cử người làm trưởng nhóm và thư ký nhóm (nếu chưa có). Trưởng nhóm hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính trong giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
  12. Giờ tường trình và đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Đức Chúa Trời kiểm soát các hoàn cảnh, Ngài đóng cửa này và mở cửa kia. Không việc gì xảy đến cho chúng ta cách ngẫu nhiên. Mỗi chi tiết nhỏ đều được Chúa hoạch định. Chúng ta chấp nhận các hoàn cảnh xảy đến như là những bản chỉ đường, Chúa dùng để chỉ dẫn hướng đi cho chúng ta. Trong khi lái xe, đèn đỏ cũng có giá trị chỉ đường y như đèn xanh. Hoàn cảnh trở ngại có thể là dấu hiệu dừng lại để chúng ta tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi sự dẫn dắt của Chúa.

  1. Có Cách Nhìn Của Chúa Qua Hoàn Cảnh.

Đôi khi hoàn cảnh có vẻ như “tồi tệ”. Có lẽ bạn thấy mình ở giữa một hoàn cảnh “tồi tệ” và muốn hỏi Chúa “Vì sao điều này lại xảy đến cho con?” Rồi bạn bắt đầu cầu nguyện tráchmóc Chúa, bạn nghi ngờ tình yêu và sự khôn ngoan của Ngài. Biết bao điều sai quấy có thể xảy ra nếu bạn cố nhìn xem Đức Chúa Trời từ giữa những hoàn cảnh ấy. Không phải chỉ có một mình bạn như vậy đâu.

Gióp đã gặp một từng trải tồi tệ giống như vậy. Ông không biết điều gì đang diễn ra, khi tất cả những gì mình có đều bị tiêu hủy, con cái bị giết, còn mình thì ngứa khắp người (Gióp 1:1, 2:13). Gióp đã vật lộn với sự hiểu biết về hoàn cảnh của mình. Ông không biết điều gì đang xảy ra từ nhãn quan của Đức Chúa Trời (1:6-12; 2:1-7). Ông cũng không biết đoạn cuối (42:12-17) là nơi Chúa sẽ khôi phục tài sản, gia đình và sức khỏe cho ông.

Các bạn của Gióp nghĩ họ đã có được cái nhìn của Chúa, và bảo ông phải xưng tội mình. Gióp không tìm thấy điều nào không công bình trong đời sống mình để xưng ra cả. Nếu bạn không biết nhãn quan của Đức Chúa Trời, bạn nghĩ mình sẽ đứng về phía của ai? Phía của Chúa hay Gióp? Chắc bạn sẽ đứng cùng phía với Gióp, và nói rằng: “Tôi muốn hỏi Chúa xem điều gì đang diễn ra. Vì sao Ngài lại cho phép điều này xảy ra?” Bạn sẽ nghĩ Chúa đang tàn nhẫn với Gióp.

Muốn hiểu được những hoàn cảnh tồi tệ hoặc gian truân của bạn, điều hết sức quan trọng là phải có cách nhìn của Đức Chúa Trời. Khi bạn đối diện những hoàn cảnh khó khăn hay khó hiểu, chúng có thể áp đảo vùi dập bạn. Nếu đặt mình vào giữa những hoàn cảnh ấy rồi cố nhìn xem Chúa, bạn sẽ luôn luôn hiểu biết lệch lạc về Ngài. Chẳng hạn, bạn có thể bảo: “Chúa không yêu thương tôi” hoặc “Chúa bất công”. Cả hai câu tuyên bố đó về Chúa đều sai lầm. Biết bao điều sai quấy có thể xảy ra nếu bạn cố nhìn xem Chúa từ giữa những hoàn cảnh ấy.

Như vậy, bạn phải làm gì? Trước hết, hãy đến cầu xin Chúa bày tỏ cho bạn thấy quan điểm của Ngài về hoàn cảnh của bạn. Hãy nhìn lại những hoàn cảnh của bạn từ tấm lòng của Chúa. Khi bạn gặp những hoàn cảnh khó khăn hay khó hiểu, Thánh Linh của Chúa một lần nữa dùng Lời Chúa giúp bạn hiểu hoàn cảnh của mình từ nhãn quan của Ngài. Ngài sẽ bày tỏ cho bạn biết sự thật về hoàn cảnh ấy.

Bạn cần nhớ Đức Chúa Trời là Đấng tể trị tối thượng. Bạn có thể gặp hoàn cảnh tương tự như từng trải của Gióp mà tại đó, Chúa không cho biết Ngài đang làm gì. Trong những hoàn cảnh đó, hãy công nhận tình yêu và quyền tể trị tối thượng của Chúa, rồi nương cậy ân điển nâng đỡ của Ngài đưa bạn vượt qua.

  1. Lắng Nghe Lời Chúa Qua Hoàn Cảnh.

Bạn không thể biết sự thật về hoàn cảnh của mình, cho đến khi bạn nghe được Lời từ Đức Chúa Trời.

Trong Xuất 5:1, 6:30, Môi-se đã làm đúng như được truyền dặn và yêu cầu Pha-ra-ôn cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Pha-ra-ôn từ chối và càng gây khó khăn thêm cho Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên đã quay sang nhắm vào Môi-se, chỉ trích ông gây ra bao rắc rối cho họ. Môi-se đã đáp ứng như thế nào trong hoàn cảnh này?

Ông đổ thừa cho Chúa và trách Ngài không làm điều đã hứa. Môi-se nói: “Lạy Chúa! Sao Chúa đã làm hại cho dân sự này? Chúa sai tôi đến mà chi? Từ khi tôi đi yết kiến Pharaôn đặng nhân Danh Chúa mà nói, thì người lại ngược đãi dân này, và Chúa chẳng giải cứu dân của Chúa” (Xuất 5:22-23). Môi-se ngã lòng đến nỗi sẵn sàng bỏ cuộc (Xuất 6:12). Đó cũng là cách đáp ứng thông thường của chúng ta khi đứng trước những hoàn cảnh như thế.

Đức Chúa Trời rất kiên nhẫn với chúng ta. Chúa dành thì giờ giải thích cho Môi-se biết cách nhìn của Ngài. Chúa giải thích Ngài muốn Pha-ra-ôn chống nghịch để dân sự nhìn thấy được cánh tay giải cứu đầy quyền năng của Chúa. Ngài muốn dân sự tiến đến chỗ biết Ngài (bằng kinh nghiệm) là Đấng “TỰ HỮU HẰNG HỮU” vĩ đại. Hãy học tập theo gương của Môi-se. Khi đối diện những hoàn cảnh khó hiểu, đừng bắt đầu đổ thừa cho Chúa. Đừng bỏ không đi theo Ngài nữa. Hãy đến với Chúa. Hãy cầu xin Ngài bày tỏ sự thật về những hoàn cảnh của bạn. Hãy cầu xin Ngài cho bạn thấy nhãn quan của Ngài. Sau đó hãy chờ đợi Chúa.

Bạn cần phải để cho đời sống mình hướng về Chúa cách triệt để. Điều khó khăn nhất phải làm đó là bạn từ chối bản ngã, nhận lấy ý muốn của Chúa, rồi bước đi theo Ngài. Phần khó khăn nhất trong mối quan hệ của bạn với Chúa là chịu tập trung vào Ngài. Nếu phải ghi chép lại trọn ngày trong đời mình, có thể bạn thấy những lời cầu nguyện, thái độ, tư tưởng của bạn cùng mọi điều trong ngày ấy đều tập trung triệt để vào bản ngã. Có thể bạn vẫn chưa nhìn thấy sự việc theo cách nhìn của Chúa. Có thể bạn đang cố giải thích cho Chúa biết quan điểm của mình ra sao. Khi Ngài trở thành Chúa đời sống bạn, duy một mình Ngài mới có quyền để làm:

– Tiêu Điểm trong đời sống bạn.

– Đấng Khởi Xướng trong đời sống bạn.

– Đấng Chỉ Dẫn đời sống bạn.

Đây chính là ý nghĩa của việc để Ngài làm Chúa trong đời sống bạn.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Bạn hiểu thế nào về nhãn quan của Đức Chúa Trời? Tại sao cần phải có nhãn quan của Chúa?
  2. Trong Xuất 5:1- 6:30, nếu ở địa vị của Môi-se, bạn sẽ làm gì?
  3. Bí quyết nào đã giúp bạn vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, và thử thách trong cuộc sống?