CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 07.07.2024
in NAM GIỚI on 5 Tháng Bảy, 2024
Chúa nhật 07.07.2024
- Đề tài: CƠ ĐỐC NHÂN VÀ SỰ TĂNG TRƯỞNG TÂM LINH.
- Kinh Thánh: 1Phi-e-rơ 1Pr 2:2; Phi 3:12; GiăngGa 3:3; Giăng 1:12; Ê-phê-sô Ep 1:14, 2:19; 1Cô 12:21-25.
- Câu Gốc: “Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13).
- Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 7-9.
- Thể loại: Thảo luận.
* CHỈ DẪN: Thảo luận.
Đề tài 1: Cơ Đốc nhân chỉ cần tin nhận Chúa là được cứu rỗi.
Đề tài 2: Cơ Đốc nhân cần phải tăng trưởng tâm linh.
- Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao hai đề tài cho hai nhóm.
- Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
- Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
- Giờ thảo luận.
- Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
- Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
- Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Người Cơ Đốc khỏe mạnh là người Cơ Đốc tăng trưởng (lớn lên) tâm linh. Tăng trưởng là điều phải có và cần thiết cho đời sống tâm linh, cũng như cho thể xác vậy. Khi được sinh lại vào “Gia đình của Đức Chúa Trời”, người tin Chúa là “Con đỏ trong Chúa Cứu Thế” (1Cô1Cr 3:1). Dù mới 15 tuổi hay đã 50 tuổi, người mới tin Chúa bắt đầu là trẻ con tâm linh và cần phải “Tăng trưởng trong sự cứu rỗi” (1Phi-e-rơ 1Pr 2:2 – Bản Diễn Ý), Đức Chúa Trời muốn và mong mỏi những người này lớn hơn. Để giúp đỡ họ trong quá trình tăng trưởng, Chúa chuẩn bị những người lãnh đạo có ân tứ của Chúa, như được nói đến trong Ê-phê-sô Ep 4:1-11, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ chính của ông là “khuyên bảo và cố gắng huấn luyện mọi người để họ đạt đến mức toàn hảo (trưởng thành) trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Cô-lô-se 1:28 – BDY).
Vì vậy, để giúp cho sự tăng trưởng, cần có các yếu tố sau:
- Được tái sinh và là thành viên trong gia đình mới của Chúa.
Khi nói chuyện với một lãnh tụ Do-thái giáo tên là Ni-cô-đem: “Đức Chúa Giê-xu cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Đức Chúa Giê-xu quả quyết rằng tất cả mọi người phải kinh nghiệm một điểm bắt đầu mới, là tái sinh. Cũng như một người bắt đầu cuộc sống thể xác vào lúc được sinh ra đời, người được tiếp nhận vào gia đình Đức Chúa Trời cũng phải có điểm bắt đầu tâm linh là tái sinh. Đức Chúa Trời ban một sự sống mới, là sự sống vĩnh cửu cho người nào tin nhận Đức Chúa Giê-xu, (Giăng 3:16), tâm linh của người này được Đức Thánh Linh sinh lại (Giăng 3:5-6) và là một công cuộc sáng tạo mới của Đấng Christ (2Cô 2Cr 5:17). Từ đó người này hưởng được một sự sống có phẩm chất mới, trong “trật tự mới” của chính Đức Chúa Giê-xu ban cho. Sự sống mới này chẳng những bảo đảm cho người vô Thiên đàng, mà còn nhận lấy sự sống dư dật ngay trong đời này, như Chúa đã hứa trong GiăngGa 10:10. Sự tái sinh mang đến những thay đổi làm cho chúng ta tăng trưởng.
Người được tái sinh sẽ có các mối liên hệ với gia đình mới, vì người tin Chúa “là người nhà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô Ep 2:19). Khi viết khúc Kinh Thánh này, sứ đồ Phao-lô nhắc cho các độc giả thuộc dân ngoại (ngoài Do Thái) nhớ rằng, các mối liên hệ gia đình mới là đặc quyền Chúa ban cho. Khi trước, các dân ngoại không thuộc thành phần tuyển dân của Đức Chúa Trời – dân Do Thái, không nhận được sứ điệp cứu rỗi cách trực tiếp và nhất là “không hy vọng, không Đức Chúa Trời”
(Ê-phê-sô 2:11,12). Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu mà phá đổ bức tường ngăn cách giữa người này với người khác, và giữa người với chính Đức Chúa Trời. Khi đã biết rõ địa vị mới của mình trong gia đình của Chúa, chúng ta mới ý thức người được Chúa cứu chuộc là người có giá trị và quan trọng dưới mắt của Chúa.
- 2. Mối liên hệ anh chị em trong Chúa với nhau.
Khi được sinh lại, người tin Chúa có Cha mới, là Đức Chúa Trời. Trên một khía cạnh, Đức Chúa Trời là Cha của toàn thể nhân loại vì Ngài sáng tạo tất cả, nhưng tội lỗi đã cắt đứt mối liên hệ Cha – Con nguyên thủy đó (GiăngGa 8:44), và người được tái sinh là người được tái lập mối liên hệ Cha – Con với Đức Chúa Trời “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời,là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Ngoài ra, Cơ Đốc nhân cũng được sự hỗ trợ trong gia đình từ các anh chị em trong Chúa Giê-xu. Gia đình tâm linh gồm có tất cả mọi người cũng đặt niềm tin vào Chúa (Ga-la-tiGl 6:10). Anh chị em cùng một niềm tin phải nâng đỡ chăm sóc lẫn nhau, để giúp nhau tăng trưởng (1Cô 12:25; Ê-phê-sô Ep 4:11-16). Vì Đức Chúa Trời không định cho Cơ Đốc nhân sống cô độc, các tín hữu đều cần đến nhau. Ngay từ khi Hội Thánh đầu tiên được thiết lập, các Cơ Đốc nhân đã nhóm họp với nhau để học hỏi, thông công, dự Tiệc Thánh và cầu nguyện (Công Cv 2:42). Ngoài việc học Kinh Thánh riêng tư, tín hữu cũng cần được những người có ân tứ dạy dỗ hướng dẫn việc học Lời Chúa, để tăng trưởng và có sự hiểu biết Lời Chúa sâu nhiệm hơn (Ê-phê-sô Ep 4:14). Việc các tín hữu trong một Hội Thánh làm quen qua mối thông công trong Chúa, sẽ đem lại cho họ nhiều cơ hội để giúp đỡ yêu thương nhau (1Cô1Cr 12:26). Qua sự thờ phượng tập thể, tín hữu sẽ khích lệ đức tin của nhau. Nhưng điều quan trọng hơn hết, là sự liên hệ có tính cách gia đình giữa các con cái của Đức Chúa Trời, phải thể hiện tình yêu huynh đệ và tình hiếu khách (Rô-maRm 12:10-13; HêDt 13:1-2). Tiêu chuẩn của tình yêu bất vụ lợi mà các tín hữu bày tỏ cho nhau, chính là tình yêu hy sinh tuyệt đối của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Người ta chỉ có thể biết chúng ta là môn đệ thật của Chúa khi chúng ta yêu nhau (GiăngGa 13:34, 35).
Sinh hoạt trong gia đình Đức Chúa Trời nuôi dưỡng sự tăng trưởng tâm linh. Tín hữu sẽ có sự khích lệ lớn lao khi biết các anh chị em đều cần đến mình. Lời Chúa trong 1Cô1Cr 12:14-20 dạy rằng, mỗi Cơ Đốc nhân giống như mỗi bộ phận trong cơ thể, đều cần thiết và đều có sự đóng góp quan trọng vào phúc lợi chung của Hội Thánh. Mỗi cá nhân tín hữu đều cần các ân tứ tâm linh của các tín hữu khác cho sự tăng trưởng tâm linh của mình, vì vậy tất cả các tín hữu đều liên hiệp với nhau (1Cô 12:21-25). Cơ Đốc nhân được tăng trưởng là nhờ cả sự chia sẻ lẫn tiếp nhận.
- Đặc Quyền Của Công Dân Nước Trời.
Là công dân Nước Trời, Cơ Đốc nhân phải có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng luật pháp của nơi họ đang cư ngụ trên đất, nhưng đồng thời phải giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời (Rô-maRm 13:1-7). Người được sinh lại có hy vọng về Nước Trời (2Phi 2Pr 1:3,4). Sự sốt sắng trông chờ ngày về Nhà Cha sẽ giúp tín hữu biết sắp đặt thứ tự ưu tiên cho cuộc sống trên trần gian (Phi-líp Pl 3:17-21).
Quan điểm về quyền công dân Nước Trời giúp ích rất nhiều cho sự tăng trưởng tâm linh của người Cơ Đốc. Cuộc sống tha hương, xa nước Trời không phải lúc nào cũng dễ dàng cả. Làm cách nào dân Chúa không chán nản khi đương đầu với các áp lực của đời? 2Cô 2Cr 4:14-16 dạy rằng “Mặc dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ ngày càng đổi mới”. Nhìn mọi vật với quan điểm của công dân nước Trời, người Cơ Đốc ý thức được các hoạn nạn ở đời chỉ là tạm bợ, còn phước hạnh họ sẽ hưởng trong nước Đức Chúa Trời là vĩnh cửu, bất tận. Một sự sống hướng về nước Trời, giúp cho người Cơ Đốc có đời sống trưởng thành tâm linh.
- 4. Cơ nghiệp mới.
Người được sinh lại vào gia đình Đức Chúa Trời, được tận hưởng một gia tài (cơ nghiệp) vô cùng phong phú. Việc thừa kế gia tài này được chính Đức Chúa Trời bảo đảm và Ngài là Đấng bảo vệ cả cơ nghiệp lẫn người thừa kế. Khi Chúa Cứu Thế trở lại lần thứ hai, Cơ Đốc nhân sẽ nhận lấy những tài sản tâm linh hiện đang được tồn trữ trong kho trên trời (2Phi 2Pr 1:3-5).
Cơ Đốc nhân cũng được nếm trước phước hạnh của Nước Trời khi được Thánh Linh ban cho những kết quả “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-tiGl 5:22, 23), trong cuộc sống của mình. Các đức tính này đến với người tin Chúa khi họ “Đầy dẫy Thánh Linh”, tức là khi họ để cho Thánh Linh hướng dẫn mọi sinh hoạt và không để cho các dục vọng của xác thịt điều khiển mình. Một đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh được bày tỏ qua sự tôn vinh ca ngợi Chúa, sự vui mừng nội tâm, sự tạ ơn Chúa liên tục và qua các mối liên hệ hòa hợp với các anh chị em trong Chúa bằng sự thuận phục lẫn nhau (Ê-phê-sô Ep 5:18-21). Người tăng trưởng tâm linh chính là người biết áp dụng nguồn năng lực của Thánh Linh vào cuộc sống hằng ngày của mình.
* Tóm lược:
Một mục đích quan trọng cho tất cả Cơ Đốc nhân là trưởng thành tâm linh. Nhưng đạt đến địa vị trưởng thành đó, người Cơ Đốc phải trải qua một quá trình lâu dài và tăng tiến, để lớn lên trong sự hiểu biết nếp sống Cơ Đốc và sự hiểu biết chính Chúa Cứu Thế. Bước đầu tiên trong quá trình tăng trưởng tâm linh là sự tái sinh, vì phải có điểm bắt đầu này mới có đời sống mới trong Chúa Cứu Thế. Cơ Đốc nhân cũng phải ý thức được rằng, bây giờ họ thuộc về một gia đình mới và có mối liên hệ với gia đình đó, họ cũng có một quyền công dân mới là quyền phải được tôn trọng, và có một cơ nghiệp mới để vui hưởng.
CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Sự tăng trưởng của Cơ Đốc nhân là gì, và tại sao sự tăng trưởng nầy rất quan trọng?
- Xin cho biết hai lý do chính ngăn chặn sự tăng trưởng tâm linh.
- 3. Đời sống tâm linh bạn đã tăng trưởng như thế nào? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm.