Thẻ: Giá Trị Của Sứ Điệp

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ  10.01.2010

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG PHỤ NỮ 10.01.2010

in PHỤ NỮ on 22 Tháng Bảy, 2019

Chúa nhật 10.01.2010.

  1. Đề tài: TẤM LÒNG HIỆP MỘT.
  2. Kinh Thánh: I Côrinhtô 2:1-2; 3:3-16.
  3. Câu gốc: “…Như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài. Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta” (I Côrinhtô 2:9-10).

4. Đố Kinh Thánh: Xuất Êdíptô ký 20-22.

5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Phụ nữ. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ngạn ngữ ta có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Câu này chứng tỏ dân Việt quý trọng cái đẹp bên trong hơn là hình thức bên ngoài.

Ngày nay, khi nghe các thẩm mỹ viện nói: Trong điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu và quan điểm về cái đẹp của con người, nhất là phái nữ, cũng nên thay đổi theo. Có biết bao nhiêu người tin câu nầy và đã phung phí biết bao nhiều tiền bạc cho được cái đẹp bề ngoài. Lạ hơn, ngay cả trong hàng ngũ những người hầu việc Chúa, thời Phaolô cũng như thời nay, cũng có những người giảng dạy sứ điệp của Đức Chúa Trời với hình thức pha trộn triết học trần thế nhằm mục đích là muốn được sự tôn tặng từ loài người, chỉ muốn có cái “vỏ”, hơn là “ruột”

I. TRÌNH BÀY SỨ ĐIỆP.

Trong I Côrinhtô 2:1-5 Phaolô minh định ba điều:

  1. Làm sáng danh Chúa. Ông minh xác với Hội Thánh, ông giảng Tin Lành không tìm sự vinh hiển cá nhân nhưng để làm sáng danh Chúa. Ông không lôi kéo người ta về phía mình bằng những triết học cao xa, hùng biện hấp dẫn hay khẩu tài chinh phục người nghe như một số người khác đã làm tại Côrinhtô. Ông tuyên bố rõ ràng: “Tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giêxu Christ và Đức Chúa Giêxu Christ bị đóng đinh trên cây thập tự”.
  2. Giải bày thái độ. Ôi! Còn sự hạ mình nào hơn! Phaolô, một học giả uyên bác, một bậc thầy của các vị thầy mà đã tỏ ra hết sức hạ mình, khiêm tôn khi ông nói: “Tôi yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm… lời nói và sự giảng của tôi chẳng bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan”. Lời nói trên chứng tỏ rằng dù Phaolô là người có kiến thức uyên thâm, ông cũng không dùng kiến thức đó để lừa phỉnh, thổi phồng cá nhân mình lên. Trái lại, ông hạ mình xuống, sống một đời sống tùy thuộc vào Chúa. Ông coi mình không là gì cả, để Chúa được tôn cao trong mọi công việc ông làm. Mục đích của Phaolô khi giảng dạy là để Đức Chúa Trời hành động  nhằm thay đổi đời sống người khác, để tội nhân khi nhận được sứ điệp do ông giảng, sẽ trở thành thánh nhân qua sự tác động mạnh mẽ của Chúa Thánh Linh.
  3. Mục tiêu rõ ràng (c.5). Ông khuyên Hội Thánh là “đừng lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người” nhưng hãy đặt đức tin mình trên “quyền phép Đức Chúa Trời”. Ngày nay, có biết bao người tin Chúa “vì ông Mục sư”. Họ bỏ nhà thờ này, đi nhà thờ khác, vì ông Mục sư này giảng hay hơn ông Mục sư kia. Phaolô khẳng định rằng chúng ta tin sứ điệp của Tin Lành chớ không phải tin vào người giảng sứ điệp. Sứ điệp của Tin Lành là gì? Chúa Giêxu Christ đã chết trên cây thập tự đền tội cho chúng ta. Sứ điệp này chắc chắn sẽ bền vững muôn thu. Và kẻ tin sẽ chẳng khi nào bị hổ thẹn như Phaolô đã nói: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rôma 1:16).                                                                                                                  II. GIÁ TRỊ CỦA SỨ ĐIỆP.

Có bảy điều Phaolô muốn chúng ta biết về giá trị sứ điệp của Đức Chúa Trời:

  1. Sứ điệp mang đến sự khôn ngoan thiên thượng (c.7a). Cho chúng ta thấy có nhiều người chỉ thích nghe sự khôn ngoan của đời nầy để rồi bị hư mất chối bỏ đức tin, đổi đạo… Phaolô tuyên bố rõ là sứ điệp mà ông rao giảng là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
  2. Sứ điệp kín giấu (7b). Sứ điệp của Phaolô giải bày được điều mà ông gọi là “sự mầu nhiệm, kín giấu”. Mầu nhiệm như thế nào? Kín giấu ai? Ngày xưa, khi người Do thái đem con sinh đến đền thờ giết đi, lấy máu con sinh rưới lên bàn thờ để làm lễ chuộc tội. Họ đã làm những điều đó là hình bóng của Đấng Mêsi (Giêxu). Đấng đến thế gian chấp nhận cái chết đau thương để đền tội cho nhân loại. Điều đó đã giấu kín trong thời Cựu Ước và được giải bày tỏ tường trong Tân Ước.
  3. Kế hoạch của Đức Chúa Trời. Sự kiện Chúa chịu đóng đinh không phải là một biến cố hoặc một sự kiện xảy ra theo ý muốn loài người. Đó chính là kế hoạch vô cùng lớn lao mà Đức Chúa Trời đã thiết lập để cứu vớt con người. Kế hoạch đó đã được khải thị khi con người phạm tội “Ta sẽ làm cho mày (con rắn) cùng người nữ (Êva) dòng dõi mày cùng dòng dõi người nữ thù nghịch nhau. Người (Chúa Giêxu) sẽ giày đạp đầu mày, còn mày sẽ cắn gót chơn người” (Sáng thế ký 3:15).
  4. Ban sự vinh hiển cho người tin, “mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta” (7c). Còn gì sung sướng hơn là sự vui sướng của con cái Chúa. Câu “từ trước các đời” đã nói lên chương trình cứu chuộc mà Chúa ban cho loài người là một chương trình dài hạn. “Sự vinh hiển” đó đã dành riêng cho “chúng ta”. Phaolô đã viết lên những lời nầy bằng sự hãnh diện, vui mừng. Chúng ta thì sao?
  5. Sứ điệp giấu kín cho thế giới không được cứu (c.8). Đây là câu Kinh Thánh mà ẩn ý của người viết muốn nói đến một quyền lực vô hình đang cai quản con người, âm thầm sai khiến và làm cho con người mù tối không thể hiểu được sự mầu nhiệm thiêng liêng mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn trong cõi đời cho nhân loại. Đây chính là Sa tan và các quỉ sứ nó. Sa tan đã vô hiệu hóa sự hiểu biết của con người, để họ không thể nhìn thấy hoàn toàn chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời cho nhân loại qua sự đóng đinh của Cứu Chúa Giêxu Christ trên cây thập tự. Điều này trở thành kín giấu cho kẻ không tin, nhưng là ánh sáng cho con dân Ngài. Thật là một sự huyền nhiệm, lạ lùng.
  6. Áp dụng cho chúng ta (c.9). Dùng lời tiên tri của Êsai (64:4) Phaolô vui mừng tuyên bố rằng chương trình cứu chuộc của Chúa là điều “mắt chưa thấy, tai chưa nghe” trong thời Cựu Ước, nhưng là điều “Đức Chúa Trời sắm sẵn cho người yêu mến Ngài”.
  7. Đức Thánh Linh bày tỏ qua lời Chúa (2:10). Sự cứu chuộc của chúng ta cần sự hiện hữu của Ba Ngôi Đức Chúa Trời (Êphêsô 1:3-14). Chúng ta không thể được cứu nếu không có ân điển Đức Chúa Cha, sự hi sinh của con Ngài và sự tái sinh của Đức Thánh Linh.

III. VÀI TRÒ ĐỨC THÁNH LINH.

Chúa hứa rằng khi nào thần lẽ thật đến thì Ngài sẽ “dạy dỗ” chúng ta (Giăng 14:26). Ngài dạy chúng ta như thế nào? Ngài dạy chúng ta qua lời hằng sống của Chúa; “Vì con đã truyền cho họ, những lời cha đã truyền cho con” (Giăng 17:8). Như vậy Đức Thánh Linh chính là giáo sư lớn, đưa dắt chúng ta vào những chân lý vĩnh cửu, và những con đường ngát hương đượm sữa và mật. Chính Ngài đã đưa chúng ta “An nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi”, và “dẫn chúng ta đến mé nước bình tịnh” (Thi thiên 23).

Ngoài việc giảng dạy, Thánh Linh còn giúp chúng ta bằng sự nuôi dưỡng. Ngài cho chúng ta uống “sữa thiêng liêng của đạo” (I Phierơ 2:1-2).

Trong I Côrinhtô 2:14-16, Phaolô phân chia loài người thành hai hạng rõ rệt:

Người có tánh xác thịt (c.14). Chữ tiếng Anh “carnal” dịch ra tiếng Việt là “xác thịt”. Thế nào là người xác thịt? Người xác thịt là người chưa có Thánh Linh chiếm hữu, vì thế họ “coi sự ấy” như là rồ dại vì không thể hiểu được (c.14).

Người thiêng liêng, bản tiếng Anh (spiritual) là người có tánh khí thiêng liêng, được Thánh Linh chiếm hữu, dạy dỗ nuôi dưỡng bằng Lời Chúa do đó họ “xử đoán mọi sự” trong lẽ thật của Đức Chúa Trời. Chữ “xử đoán mọi sự” có nghĩa là họ biết phân biệt giữa chân lý và giả tạo, giá trị thật và sự tạm bợ… Là con của Chúa thì chúng ta phải “có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Philíp 2:5).


* ÁP DỤNG.

Qua bài học hôm nay, sứ đồ Phaolô đã dạy chúng ta nhiều điều quý báu qua đời sống và tâm tình của chính ông.

– Chúng ta cần phải mạnh mẽ rao truyền sứ điệp Tin Lành. Phải nói rõ cho mọi người sự hi sinh của Chúa Giêxu trên thập tự giá bằng một thái độ hạ mình, khiêm cung (2:1-5).

– Sứ điệp và thái độ của người giảng Tin Lành phải song song với nhau. Chúng ta cần nói rõ giá trị của sứ điệp để thuyết phục tội nhân (2:6-12).

– Nhắc nhở nhau về vai trò của Đức Thánh Linh trong tâm thức con dân Ngài. Siêng năng cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa một cách kỹ càng, nghiêm chỉnh hơn để đạt đến mức độ trưởng thành và hiệp một với Chúa. “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi líp 2:5).

Trong một bản nhạc, các nốt phải theo quy luật, tiết tấu, nhịp điệu, thể loại… Trong ca đoàn, ca viên phải hát theo bè, và nghỉ vững nhịp. Trong Hội Thánh Chúa, sự đồng tâm, hiệp lực lại càng quan trọng hơn. Xin Chúa giúp chúng ta nắm vững Lời Chúa để cùng nhau xây dựng Hội Thánh Đức Chúa Trời.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

– Bài thuốc với tỏi.

 – Cho tỏi vào nước nấu cho đến khi đặc quánh rồi thêm chút mật ong, mỗi ngày uống một thìa nhỏ để hạn chế sự hình thành nếp nhăn sớm.

– Cho 6 nhánh tỏi vào trong một chén mật ong, để trong bóng tối, tránh ánh nắng mặt trời trong 2-3 tháng. Dùng hỗn hợp này đắp thay mặt nạ dưỡng da, giúp da luôn sạch sẽ và mịn màng.