BÀI 5. SỐNG CHÂN THẬT
I. KINH THÁNH: Sáng thế ký 25:27-34, 27:1-45.
II. CÂU GỐC: “không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật.” (1Cô-rinh-tô 13:5-6).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Bằng sự lừa dối, Gia-cốp đã đoạt quyền trưởng nam và lời chúc phước dành cho anh mình.
– Cảm nhận: Trong tình yêu thương không có sự lừa dối.
– Hành động: Sống chân thật và đối xử công bằng với mọi người trong gia đình.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
1. Sinh hoạt thứ nhất: Quyền lợi đặc biệt.
a. Mục đích: Giúp các em nhận biết bối cảnh của câu chuyện Kinh Thánh này.
b. Tài liệu: Trang tư liệu C sách học viên.
c. Thực hiện: Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay có đề cập đến quyền trưởng nam và giá trị của lời chúc phước. Cho các em mở sách học viên trang tư liệu C, và theo chỉ dẫn hoàn thành bài tập.
2. Sinh hoạt thứ hai: Em sẽ nói gì?
a. Mục đích: Qua các tình huống, giúp các em tập luyện cách cư xử với những người thân trong gia đình.
b. Chuẩn bị: Ghi các câu hỏi tình huống vào giấy, gấp lại.
c. Thực hiện: Giáo viên bỏ các tờ giấy ghi tình huống vào một cái hộp. Chia hai em một tổ, mỗi tổ bóc một tình huống và dựa theo tình huống đó mà trả lời (có thể thực hiện theo phương pháp đóng kịch, nên giới hạn thời gian).
* Các tình huống gợi ý như sau.
– Mẹ đã bảo con cất sách vở gọn gàng, nhưng tại sao con vẫn chứng nào tật nấy vậy hả?
– Em xin lỗi! Em đã làm hư bút máy của chị rồi!
– Ba ơi! Anh Hai đánh con!
– Con đã nói dối mẹ để đi chơi phải không?
– Mẹ ơi! Các chị đang cãi nhau kìa!
– Hu…hu…hu… Sao anh bẻ gãy tay con búp bê của em!
– Chị ơi! Cái áo em dơ rồi nè!
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
- Vào đề.
(Giáo viên chuẩn bị một ít kẹo và bánh).
Các em thân mến! Cô có một ít kẹo và bánh ở đây. Có em nào đồng ý đổi cho cô vật gì mà em yêu thích nhất để lấy chúng không? Tại sao các em có quyết định như vậy? (Cho các em tự do trả lời).
Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay nói về một cuộc trao đổi giữa hai anh em. Chúng ta cùng xem đây có phải là một cuộc trao đổi công bằng không nhé!
- Bài học.
Y-sác và vợ là Rê-bê-ca có hai con trai sinh đôi. Các em thấy thông thường những người sinh đôi thì như thế nào? (Giống nhau, thậm chí có người giống nhau về sở thích, tính tình). Nhưng hai con trai sinh đôi của Rê-bê-ca thì không giống nhau. Người anh sinh ra trước, thân thể đỏ hồng và toàn thân đầy lông, nên cha mẹ đặt tên là Ê-sau, có nghĩa là nhiều lông. Người em sinh ra liền sau đó, tay nắm gót chân người anh nên cha mẹ đặt tên là Gia-cốp, có nghĩa là nắm gót.
Thời gian trôi qua, Ê-sau và Gia-cốp đều đã trưởng thành. Chúng ta không biết hai anh em đã trải qua tuổi thơ như thế nào, nhưng Ê-sau thì năng động, suốt ngày chỉ thích dong ruổi ngoài đồng săn bắn. Trong khi đó, Gia-cốp thì thích ở yên tĩnh trong nhà, phụ giúp mẹ. Vì vậy, bà Rê-bê-ca yêu thương Gia-cốp hơn, còn ông Y-sác thì yêu thương Ê-sau hơn.
Ê-sau không quan tâm đến việc gì hơn là săn bắn, ngay cả quyền trưởng nam, chàng cũng xem nhẹ. Địa vị trưởng nam đối với người Do-thái có quyền lợi rất lớn (Cho các em đã thực hiện phần sinh hoạt thứ nhất chia sẻ).
Một hôm, Gia-cốp ở nhà đang nấu canh đậu đỏ, thì Ê-sau đi săn về mồ hôi nhễ nhại. Chàng vừa mệt vừa đói. Mùi thơm của canh đậu đỏ bốc lên khiến Ê-sau càng đói cồn cào. Ê-sau liền nói với Gia-cốp: “Anh đói quá! Cho anh một chén canh gì đỏ đỏ đó được không?” Các em đọc Sáng thế ký 25:30-33 xem Gia-cốp có cho Ê-sau ăn không? (Mời hai em nam đọc đối thoại phần nầy).
Các em thấy cuộc trao đổi này có công bằng không? Tất cả chúng ta đều thấy không công bằng, nhưng Ê-sau thì không quan tâm, miễn sao giải quyết cơn đói là được. Các em nghĩ như thế nào về hành động của Ê-sau và Gia-cốp? (Cho các em tự do phát biểu).
Việc này rồi cũng trôi qua. Một thời gian khá lâu sau đó, cha của Ê-sau và Gia-cốp đã già. Ông cảm thấy mình sắp qua đời nên muốn chúc phước cho Ê-sau, con trai trưởng nam của ông. Chúc phước có nghĩa là gì? (Cho các em đã hoàn thành phần sinh hoạt thứ nhất trả lời).
Trước khi chúc phước cho con, Y-sác muốn ăn một món ngon được chế biến từ thịt thú rừng mà Ê-sau săn được. Ê-sau liền vội vã cầm cung tên ra đồng.
Trước khi Ê-sau trở về, thì ở nhà đã xảy ra một việc. Bà Rê-bê-ca nghe được cuộc nói chuyện giữa hai cha con, nên cùng Gia-cốp lập mưu để người cha chúc phước cho Gia-cốp, chứ không phải cho Ê-sau. Các em đọc Sáng thế ký 27:9-10 xem Rê-bê-ca bày mưu cho Gia-cốp như thế nào?
Chờ mẹ nấu xong, Gia-cốp lấy áo của anh mình mặc vào, lấy da dê bọc hai tay và choàng quanh cổ để giả làm Ê-sau (vì Ê-sau có nhiều lông), rồi bưng thức ăn đến mời cha.
Lúc bấy giờ, đôi mắt của Y-sác đã mờ, nên Gia-cốp nói dối mình là Ê-sau. Cha chàng cảm thấy là lạ nên bảo con đến gần, và lấy tay rờ xem có đúng là Ê-sau không. Y-sác không thể hiểu được vì ông nghe giọng nói thì giống con trai út, còn đôi tay thì giống con trai trưởng. Để cho chắc chắn, Y-sác hỏi một lần nữa: “Con có phải là Ê-sau không?” Gia-cốp thưa: “Thưa cha! Phải, con là Ê-sau đây”. Y-sác liền ăn và sau đó chúc phước cho Gia-cốp, mà cứ tưởng là chúc phước cho con trưởng nam của mình. Các em đọc Sáng thế ký 27:27-29 xem Gia-cốp được phước gì? (Được Đức Chúa Trời ban mọi thứ tốt nhất, được quyền trên các anh em mình).
Sau đó, Ê-sau trở về nhà và vội vàng làm thức ăn dâng lên cho cha. Lúc này, Y-sác mới biết mình bị con trai út lừa, còn Ê-sau thì biết mình đã bị cướp mất lời chúc phước dành cho con trưởng nam. Các em nghĩ Ê-sau cảm thấy thế nào? (Căm giận). Ê-sau định bụng chờ cha qua đời sẽ giết Gia-cốp để trả thù. Vì thế, Gia-cốp phải chạy đến nhà cậu mình để trốn khỏi cơn tức giận của Ê-sau. Tình cảm gia đình rạn nứt. Anh em thù ghét nhau, và bà Rê-bê-ca phải xa cách đứa con trai yêu dấu của mình. Sự lừa dối đã đem đến nỗi buồn cho gia đình của Y-sác.
- Ứng dụng.
a. Ôn lại câu chuyện.
Cho các em mở sách học viên bài số 5, và theo gợi ý hoàn thành bài tập “Lời ai đã nói”. Sau đó hỏi các em: “Mỗi lời nói có gì sai, hoặc hành động nào không công bằng?” Gia-cốp đã làm hai việc gì không công bằng với Ê-sau? Điều đó mang lại hậu quả gì?
b. Học câu gốc.
Cho các em đọc câu gốc, sau đó thảo luận: “Một người sống chân thật thì sẽ có những biểu hiện như thế nào trong đời sống?” (…không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật). “Điều gì giúp chúng ta có thể sống chân thật với mọi người?” (Tình yêu thương).
c. Áp dụng vào đời sống.
Trong gia đình đôi khi cũng có những xích mích xảy ra. Cho các em theo gợi ý làm bài tập “Đừng mắc câu”, sau đó chia sẻ: “Làm thế nào để có thể tránh những sai lầm đó?” (Cho các em chia sẻ những gì đã viết).