Ngày: Tháng Ba 20, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 24.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 24.03.2024

in THANH NIÊN on 20 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 24.03.2024 (KN Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem)

  1. Đề tài: CÓ LÚC TỰ XÉT MÌNH.
  2. Kinh Thánh: Mác 14:12-25.
  3. Câu gốc: “Đức Chúa Giê-xu lấy bánh, tạ ơn, đoạn bẻ ra trao cho các môn đồ, mà phán rằng: Hãy lấy, nầy là thân thể ta. Ngài lại cầm chén, tạ ơn, rồi trao cho các môn đồ, và… Ngài phán rằng: Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người” (Mác 14:22-24).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề KN Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn ba người: Một người đóng vai Phi-e-rơ và một người đóng vai Giăng, một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, NHD sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó mời tất cả đứng lên và mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện cho ban Thanh niên.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên Phi-e-rơ và Giăng từ ngoài đi vào. Sau đó Phi-e-rơ và Giăng lần lượt thay nhau trả lời cho những câu hỏi của phóng viên).

– Phóng viên: Dạ, cháu xin kính chào cụ Phi-e-rơ và cụ Giăng ạ!

– Phi-e-rơ và Giăng: Chào các cháu trong ban Thanh niên! 

– Pv: Chúng cháu rất vui vì được hai cụ đến thăm hôm nay. Thay cho ban Thanh niên Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh hai cụ. Nhân buổi gặp gỡ này, hai cụ có thể trò chuyện với chúng cháu về đề tài “Tự xét mình”, được không ạ?

– Phi-e-rơ và Giăng: Được, các cháu cứ cứ hỏi!

– Pv: Trước tiên, xin hai cụ cho biết câu chuyện Chúa Giê-xu dự lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đồ?

 – Phi-e-rơ hoặc Giăng: Việc này xảy ra vào ngày lễ Vượt Qua, chúng tôi thưa cùng Chúa Giê-xu rằng: Thầy muốn chúng tôi đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu?

     – Pv: Sao các cụ không dọn lễ Vượt Qua cho Chúa Giê-xu như những năm trước mà các cụ lại hỏi Chúa như vậy?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Các cháu biết không, ăn lễ Vượt Qua phải ăn phía trong thành Giê-ru-sa-lem nhưng vào thành Giê-ru-sa-lem trong thời điểm đó rất nguy hiểm vì “các thầy tế lễ cùng các thầy thông giáo tìm mưu đặng bắt Đức Chúa Giê-xu và giết đi”. Trước tình hình đó, chúng tôi không biết làm sao đành phải hỏi Chúa. Có nhiều việc chúng ta không biết cách giải quyết thì phải tìm kiếm ý muốn Chúa.

– Pv: Cám ơn hai cụ đã nhắc nhở chúng cháu về việc tìm biết ý muốn Chúa trong những lúc gặp khó khăn. Và sau câu hỏi đó, Chúa Giê-xu đã trả lời thế nào cho các cụ?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa Giê-xu bí mật sai hai ta đi, và dặn rằng: “Hãy vào thành, sẽ gặp một người đàn ông xách vò nước; cứ theo sau, hễ người vào nhà nào, các người sẽ nói cùng chủ nhà ấy rằng: Thầy phán: Cái phòng ta sẽ dùng ăn lễ Vượt Qua ở đâu? Chính người đó sẽ chỉ cho các ngươi một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạc sẵn sàng, hãy dọn tại đó cho chúng ta”.

– Pv: Xin cụ cho biết vì sao Chúa Giê-xu lại bí mật sắp đặt mọi việc cho lễ Vượt Qua như vậy?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa không giữ bí mật việc Ngài “phải chịu khốn khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo loại ra, phải chịu chết, sau ba ngày phải sống lại”; nhưng Chúa bí mật bàn thảo việc tổ chức lễ Vượt Qua cho thấy Ngài giữ bí mật việc này không phải vì vấn đề an nguy tính mạng Ngài, mà là Ngài không muốn bị bắt trước thời điểm quy định. Ngài giữ bí mật vì có một sứ đồ phản Ngài.

– Pv: Thật là nguy hiểm khi trong nội bộ có một người phản Chúa. Các cụ có biết và đề phòng như Chúa không vậy?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúng ta không hề hay biết trong nội bộ có người phản Chúa. Khi Chúa Giê-xu nói: “Trong vòng các ngươi có một kẻ ngồi ăn cùng ta, sẽ phản ta” thì chúng ta “bèn buồn rầu lắm”. Vừa buồn cho Chúa, vừa buồn cho một người trong bọn ta có tâm phản trắc.

– Pv: Thưa hai cụ, tại sao các môn đồ không hỏi thẳng Chúa Giê-xu người đó là ai để xử lý mà phải buồn rầu như thế?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúng tôi không dám nghi ai hết, chỉ dám nghi mình vì đã có lần tất cả chúng tôi đều bị Chúa hỏi: “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” (Lu-ca 6:67) nên chúng tôi “lần lượt thưa cùng Ngài rằng: Có phải tôi không?” “Lạy Chúa, có phải tôi không?” (Lu-ca 26:22,25).

– Pv: Ước gì chúng cháu cũng có tấm lòng tự cảnh tỉnh đời sống như các cụ. Thưa cụ, tại sao Chúa không nói ra đích danh Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là người phản Chúa?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Có lẽ Chúa muốn Giu-đa ăn năn. Lời Chúa phán ra, không một người nào nghi ngờ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Điều này chứng tỏ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt quả là một tên kín đáo, khôn ngoan, cũng là một tên giả hình điêu luyện. Dù vậy Giu-đa vẫn không qua mặt được Chúa.

– Pv: Chúa muốn Giu-đa ăn năn nhưng Giu-đa vẫn không ăn năn. Người cứng lòng như Giu-đa thì số phận sẽ thế nào thưa cụ?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa dành cho Giu-đa cơ hội nhưng Giu-đa đã khước từ. Nhiều phần Kinh Thánh cho thấy Giu-đa chưa bao giờ gọi Chúa là Chúa (Lord), Giu-đa chỉ xưng Chúa là thầy (Rabi). Ngài chưa bao giờ là Chúa của Giu-đa. Giu-đa chưa nhận Chúa là Cứu Chúa cho đời sống mình nên Giu-đa sẽ không nhận được sự cứu rỗi.

– Pv: Thật là đáng tiếc cho đời sống Giu-đa. Và sau khi Chúa nói với Giu-đa thì cụ đã làm gì sau đó?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Giu-đa đã bỏ ra ngoài sau khi Chúa tỏ cho Giu-đa biết Ngài biết âm mưu phản bội của ông. Chúa lập lễ Tiệc Thánh vào cuối bữa ăn lễ Vượt Qua. Lúc nầy Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã lìa khỏi bàn ăn. Giu-đa không bao giờ liên kết một thân với Chúa qua Tiệc Thánh. Điều này minh chứng rõ hơn Giu-đa không thể được cứu.

– Pv: Hai cụ có thể nói rõ hơn về việc Chúa Giê-xu lập lễ Tiệc thánh cho chúng cháu biết với?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa Giê-xu lập Tiệc Thánh với bánh không men và nước nho. Ngài “lấy bánh” – Ngài là “bánh của sự sống”; Ngài “tạ ơn” – Ngài dâng Ngài như là một “của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Ngài “trao cho các môn đồ” -Ngài “ban cho nó sự sống, nó chẳng chết mất bao giờ”. Ngài trao trọn vẹn chính Ngài cho người thuộc về Ngài. Mỗi con cái Chúa đều có Ngài trọn vẹn. Ngài phán: “Ta sẽ ở trong các ngươi” .

– Pv: Còn việc Chúa cầm chén phán: “Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đổ ra cho nhiều người”. Điều nầy có nghĩa gì thưa cụ?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Đức Chúa Trời đã lập giao ước hay sự thỏa thuận giữa Ngài và người. Ngài lập giao ước với Nô-ê, với
Áp-ra-ham… nhưng giao ước quan trọng nhất mà Ngài lập với dân Y-sơ-ra-ên khi Ngài ban cho họ luật pháp. Chúa Giê-xu kể giao ước nầy là giao ước cũ. Giao ước cũ đặt căn bản trên luật pháp và vâng giữ luật pháp. Không một người nào có thể giữ trọn luật pháp, nên hết thảy đều phạm giao ước của Chúa.

– Pv: Vậy thì giao ước Chúa Giê-xu nói trong lễ Tiệc Thánh có phải là giao ước cũ đó không thưa cụ?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Không! Chúa Giê-xu đã lập giao ước mới. Chúa Giê-xu là giao ước mới cho loài người, một mối tương giao bền vững với Đức Chúa Trời. Giao ước mới đặt căn bản trên ân điển và tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

– Pv: Hai cụ có thể nói rõ hơn về mục đích Chúa lập lễ Tiệc Thánh cho chúng cháu biết với?

– Phi-e-rơ hoặc Giăng: Chúa lập Tiệc Thánh với mục đích là để người tin Chúa “nhớ đến” Chúa và rao ra sự cứu rỗi của Ngài cho mọi người trong thế gian cho đến ngày Chúa trở lại. Vì vậy, khi dự Tiệc Thánh, các cháu phải tự xét mình và làm công tác Chúa giao.

– Pv: Cám ơn cụ đã giúp chúng cháu hiểu biết rõ hơn về ý nghĩa và mục đích của lễ Tiệc Thánh. Chúng cháu biết mình phải nhớ đến Chúa, xét mình ăn năn tội và rao truyền sự cứu rỗi của Chúa đến cho nhiều người chưa biết Chúa.

– NHD: Thưa các bạn, chúng ta vừa được hai cụ Phi-e-rơ và Giăng giúp chúng ta hiểu về đề tài “Tự xét mình”. Qua bài học nầy, ước mong mỗi người chúng ta tự xét mình và ăn năn với Chúa khi mắc sai phạm và sống rao truyền danh Chúa đến cho nhiều người.  

Mời các bạn đứng lên, mời cụ Phi-e-rơ hoặc cụ Giăng cầu nguyện cho ban Thanh niên.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúa Giê-xu có 12 môn đồ là những người công khai sống chung và làm việc chung với Chúa Giê-xu, ai cũng biết. Chúa Giê-xu cũng có những người bạn mà ít người biết tới như gia đình ba chị em Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ ở làng Bê-tha-ni. Chúa lại có những người bạn mà ngay cả các sứ đồ cũng không biết như Ni-cô-đem, người đã gặp Chúa trong ban đêm cách kín giấu (Giăng 3); người chủ có lừa cái và lừa con sẵn lòng để Chúa dùng cỡi vào thành Giê-ru-sa-lem (Mác 11:3); người như “Giô-sép người A-ri-ma-thê, làm môn đồ của Chúa Giê-xu cách kín giấu” (Giăng 19:38), và chủ nhà có “cái phòng lớn trên lầu” dành cho Chúa dự lễ Vượt Qua, người bạn này chúng ta cũng không biết tên. Dù vậy, Kinh Thánh đã ghi lại việc làm của người này đối với Chúa trong đêm cuối cùng. Bài học này giúp chúng ta xét mình về các công việc mà Chúa phán dạy.

  1. CHUẨN BỊ TIỆC THÁNH (Mác 14:12-16).

Đến ngày lễ Vượt Qua, “các môn đồ thưa cùng Chúa Giê-xu rằng: Thầy muốn chúng tôi đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua tại đâu?” Lúc nầy có lẽ Chúa và các môn đồ đang ở nhà của Ma-ri, người đã xức dầu thơm cho Chúa. Ăn lễ Vượt Qua phải ăn tại thành Giê-ru-sa-lem, ăn bất cứ nơi nào cũng được miễn là phía trong tường thành. Vào thành Giê-ru-sa-lem rất nguy hiểm trong lúc nầy vì “các thầy tế lễ cùng các thầy thông giáo tìm mưu đặng bắt Đức Chúa Giê-xu và giết đi” (c.1). Các môn đồ không biết làm sao đành phải hỏi Chúa. Nhiều điều, nhiều việc chúng ta lưu tâm nhưng không biết làm sao thì phải cầu nguyện để biết ý muốn Chúa.

Để đáp lại câu hỏi của các môn đồ, Ngài lặng lẽ, bí mật “sai hai môn đồ đi, và dặn rằng: Hãy vào thành, sẽ gặp một người đàn ông xách vò nước; cứ theo sau, hễ người vào nhà nào, các người sẽ nói cùng chủ nhà ấy rằng: Thầy phán: Cái phòng ta sẽ dùng ăn lễ Vượt Qua ở đâu? Chính người đó sẽ chỉ cho các ngươi một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạc sẵn sàng, hãy dọn tại đó cho chúng ta”. Đây chứng tỏ Ngài đã bí mật bàn thảo và đặt kế hoạch với bạn Ngài. Chúa không giữ bí mật việc Ngài “phải chịu khốn khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo loại ra, phải chịu chết, sau ba ngày phải sống lại” (8:31). Như vậy, Ngài giữ bí mật việc nầy không phải vì vấn đề an nguy tính mạng Ngài, mà là Ngài không muốn bị bắt trước thời điểm quy định. Ngài giữ bí mật vì có một sứ đồ phản Ngài.

Nhà Y-sơ-ra-ên nóc bằng, trông như cái hộp. Phòng cao trông như cái hộp nhỏ chồng lên cái hộp lớn, có cầu thang ở ngoài để đi lên phòng cao. Phòng cao thường được dùng làm nhà kho. Có phòng cao được dùng làm nơi nghỉ ngơi, đọc sách và suy gẫm. Nhà giàu có, phòng cao là “một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạt sẵn sàng” dùng làm phòng khách. Chúa nghèo, “con cáo có hang, chim trời có ổ, song Con Người không có chỗ gối đầu” (Ma-thi-ơ 8:20), thế mà bạn Ngài lại là những người giàu có. Trong Hội Thánh cũng có nhiều người giàu có và được Chúa sử dụng sự giàu có của họ.

Hai sứ đồ được Chúa sai đi là Phi-e-rơ và Giăng (Lu-ca 22:9). Hai sứ đồ theo đúng kế hoạch của Chúa và đã sửa soạn lễ Vượt Qua trên một phòng cao.

  1. TỰ XÉT MÌNH (Mác 14:17-21).

“Buổi chiều Ngài đến với mười sứ đồ”. Có lẽ Phi-e-rơ và Giăng sau khi sửa soạn xong lễ Vượt Qua bèn trở về nhà của Ma-ri tại làng Bê-tha-ni, rồi cùng Ngài và các môn đồ đi đến phòng cao.

“Đang ngồi ăn”, Đức Chúa Giê-xu ngưng ăn, nhìn khắp lượt các sứ đồ. Ánh mắt Ngài soi rọi đến tâm can mỗi người. Mọi người đều ngưng ăn, nhìn Chúa. Vẻ sầu khổ hiện rõ trên nét mặt Ngài. Trong bầu không khí yên lặng, có lẽ Chúa cầm một ngọn “rau đắng” (Xuất Ê-díp-tô ký 12:8) và nói chậm rãi: “Quả thật, ta nói cùng các người, trong vòng các ngươi có một kẻ ngồi ăn cùng ta, sẽ phản ta”. Tại sao Chúa không nói đích danh Giu-đa Ích-ca-ri-ốt? Có lẽ Chúa muốn Giu-đa ăn năn. Lời Chúa phán ra, không một người nào nghi ngờ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Điều nầy chứng tỏ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt quả là một tay kín đáo, khôn ngoan, cũng là một tay giả hình điêu luyện. Dầu vậy vẫn không qua mặt được Chúa.

Lời Chúa ngắn gọn, thiếu chi tiết nhưng “các môn đồ bèn buồn rầu lắm”. Vừa buồn cho Chúa, vừa buồn cho một người trong bọn có tâm phản trắc. Tôi không hiểu tại sao Phi-e-rơ không đập bàn hỏi thẳng Chúa người có dã tâm đó là ai để ông xử lý. Hoặc các môn đồ gườm nhau, nhìn nhau với cặp mắt soi mói. Họ không dám nghi ai hết, chỉ dám nghi mình vì tất cả đã có lần bị Chúa hỏi: “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” (Lu-ca 6:67). Các môn đồ “lần lượt mà thưa cùng Ngài rằng: Có phải tôi không?” Ước gì chúng ta có tấm lòng tự cảnh tỉnh như các sứ đồ. Đừng nghe lời Chúa khiển trách tội lỗi thì nghĩ ngay đến người khác, thay vì nghĩ chính mình. Mười một sứ đồ hỏi Chúa: “Lạy Chúa, có phải tôi không?” (Lu-ca 26:22,25). Giu-đa chưa bao gọi Chúa là Chúa (Lord) như mười một sứ đồ kia. Giu-đa chỉ xưng Chúa là Thầy (Rabi). Ngài chưa bao giờ là Chúa của Giu-đa. Giu-đa chưa được cứu.

III. DỰ TIỆC THÁNH (Mác 14:22-25).

“Khi đang ăn, Đức Chúa Giê-xu lấy bánh, tạ ơn, đoạn bẻ ra trao cho các môn đồ, mà phán rằng; hãy lấy, nầy là thân thể ta”. Chúa lập Tiệc Thánh vào cuối bữa ăn lễ Vượt Qua. Lúc này Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã lìa khỏi bàn ăn. Giu-đa không bao giờ liên kết một thân với Chúa qua Tiệc Thánh. Giu-đa không được cứu. Chúa Giê-xu lập Tiệc Thánh với bánh không men và nước nho. Ngài “lấy bánh” – Ngài là “bánh của sự sống” (Giăng 6:35); Ngài “tạ ơn” – Ngài dâng Ngài như là một “của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:21). Ngài “trao cho các môn đồ” – Ngài “ban cho nó sự sống, nó chẳng chết mất bao giờ” (Giăng 10:28). Chúa phán “nầy là thân thể ta” – Ngài “bẻ ra” trao cho mỗi môn đồ một phần bánh, nhưng Ngài không nói: “Nầy là (một phần) thân thể ta”. Ngài trao trọn vẹn chính Ngài cho người thuộc về Ngài. Mỗi con cái Chúa đều có Ngài trọn vẹn. Chúa phán: “Ta sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 15:4).

Chúa Giê-xu cầm chén và phán: “Nầy là huyết ta, huyết của giao ước đổ ra cho nhiều người”. “Giao ước” là từ ngữ tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã lập giao ước hay sự thỏa thuận giữa Ngài và người. Ngài lập giao ước với Nô-ê, với loài người; Ngài lập giao ước với Áp-ra-ham (Sáng thế Ký 6:18; 9:8-17; 15:8). Nhưng giao ước quan trọng nhất mà Ngài lập với dân Y-sơ-ra-ên khi Ngài ban cho họ luật pháp (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:7,8). Đức Chúa Giê-xu kể giao ước nầy là giao ước cũ. Giao ước cũ đặt căn bản trên luật pháp và vâng giữ luật pháp. Không một người nào có thể giữ trọn luật pháp, nên tất cả đều phạm giao ước của Chúa. Ngài lập giao ước mới. Chúa Giê-xu là giao ước mới cho loài người, một mối tương giao bền vững với Đức Chúa Trời. Giao ước mới đặt căn bản trên ân điển và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúa lập Tiệc Thánh với mục đích để “nhớ đến” Chúa và rao ra sự cứu rỗi của Ngài cho mọi người trong thế gian cho đến ngày Chúa trở lại. Mọi người đến lúc tự xét mình để dự Tiệc Thánh và thuận phục công tác Chúa giao.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 24.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 24.03.2024

in PHỤ NỮ on 20 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 24/03/2024

(Kỷ niệm Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem)

  1. Đề tài: CHÚA VÀO THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 19:29-44.
  3. Câu gốc: “Chúc tụng Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh quang trên nơi chí cao!” (Lu-ca 19:38 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 13-15.
  5. Thể loại: Thi kể chuyện.

* CHỈ DẪN.

  1. Ban hướng dẫn chuẩn bị.
  2. Mời người trong ban chấp sự Hội Thánh làm giám khảo.
  3. Thông báo thể lệ thi cho các nhóm. Yêu cầu mỗi nhóm xem kỹ phân đoạn Kinh Thánh, sau đó dùng lời văn của mình để kể lại câu chuyện một cách diễn cảm.
  4. Thi kể chuyện.
  5. Trưởng ban thông báo thể lệ cuộc thi.

– Các nhóm có thời gian thảo luận với nhau về nội dung của câu chuyện. Sau đó, trình tự mỗi nhóm cử 1 đại diện lên kể lại câu chuyện một cách diễn cảm.

– Ban giám khảo sẽ chấm điểm:

     4Cả nhóm cùng thảo luận: 10 điểm.

     4Câu chuyện diễn cảm: 10 điểm.

     4Tinh thần làm việc hăng say, vui vẻ và đoàn kết: 10 điểm.

  1. Phát thưởng và thông công.

     – Ban tổ chức tuyên bố điểm và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Đây là tuần lễ cuối cùng Chúa thi hành chức vụ trên đất. Ngày thứ Nhất: Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem; Ngày thứ Năm: Chúa bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-nê; Ngày thứ Sáu: Chúa bị giải đến Phi-lát, Phi-lát truyền lịnh đóng đinh Chúa trên thập tự giá.

  1. GIẢI NGHĨA.

Ngày kỷ niệm Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được Giáo hội Công giáo La-mã gọi là Lễ Lá. Chúa vào thành một cách khải hoàn. Sự kiện này khởi đầu tuần lễ thánh, là tuần lễ kỷ niệm Chúa chịu thương khó, đóng đinh trên cây thập tự và sau đó Ngài phục sinh. Chúa nhật kỷ niệm Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được tổ chức một tuần trước Lễ Phục sinh.

  1. Ý NGHĨA.
  2. Con lừa.

Sự kiện Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được bốn sách Phúc Âm ghi lại. Các sách Phúc Âm đã tường thuật: “Đức Chúa Giê-xu gần đến thành Bê-pha-giê và Bê-tha-ni, ngang núi gọi là Ô-li-ve, sai hai môn đồ đi, và dặn rằng: Hãy đi đến làng trước mặt các ngươi; khi vào làng, sẽ thấy một lừa con buộc đó, chưa hề có ai cỡi; hãy mở và dắt về cho ta. Hoặc có ai hỏi sao các ngươi mở nó ra, hãy trả lời rằng: Chúa cần dùng lừa nầy…  Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra? Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó” (Lu-ca 19:29-31; 33-34).

Việc nầy ứng nghiệm lời tiên tri đã nói trước: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Nầy, Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cỡi lừa, tức là con của lừa cái” (Xa-cha-ri 9:9). Mọi điều sau đó đã xảy ra đúng như lời Chúa Giê-xu đã phán: Hai người được sai ra đi, quả gặp mọi điều y như Đức Chúa Giê-xu đã phán. Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra? Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó. Hai người bèn dắt lừa về cho Đức Chúa Giê-xu; rồi lấy áo mình trải trên con lừa, nâng Ngài lên cỡi” (Lu-ca 19:32-35).

Các sách Phúc Âm tường thuật Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Trong văn hóa vùng Trung đông, lừa biểu tượng cho hòa bình và ngựa biểu tượng cho chiến tranh. Khi thắng trận, các vua thường cỡi ngựa vào thành để bày tỏ uy quyền. Trong khi đó, việc Chúa Giê-xu cỡi lừa vào thành thể hiện một hình ảnh tương phản: Chúa không phải là kẻ chinh phục bằng bạo lực, nhưng Ngài là một Đấng Yêu Thương, là Đấng mang lại hòa bình. Chúa Giê-xu không chỉ dùng biểu tượng cỡi lừa bày tỏ mục đích Ngài đem bình an cho Giê-ru-sa-lem.

  1. Trải thảm.

Chúa Giê-xu đi đến đâu, người ta trải áo choàng của mình ra trên đường đến đó. Khi Ngài đến gần và sắp sửa xuống núi Ô-li-ve, cả đoàn môn đồ của Ngài bắt đầu lớn tiếng ca ngợi Ðức Chúa Trời cách vui mừng về những việc quyền năng mà họ đã chứng kiến. Họ tung hô rằng: “Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao!” (Lu-ca 19:38).

Khi tiếp rước một nhân vật quan trọng, để bày tỏ lòng tôn kính, lối đi thường được trải thảm. Khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, dân chúng trong lúc vội vàng đã trải áo lót đường cho Chúa đi qua: “Khi Đức Chúa Giê-xu đang đi tới, có nhiều kẻ trải áo trên đường” (Lu-ca 19:36).

  1. Nhánh chà là.

Chúa Giê-xu trên đường vào thành Giê-ru-sa-lem, đám đông lấy nhánh chà là đi ra đón Ngài và tung hô: “Hô-sa-na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là Vua của Y-sơ-ra-ên!” (Giăng 12:13).

Trong văn hóa Hy-lạp và La-mã, lá cọ là biểu tượng của chiến thắng. Chiến thắng là khởi đầu cho hòa bình, nên lá cọ cũng là biểu tượng của hòa bình. Dân Giê-ru-sa-lem dùng lá cọ tung hô Chúa, tiếp đón Chúa như một Đấng khải hoàn, Đấng đem lại hòa bình. Dân chúng vui mừng nghĩ rằng đây là lúc Chúa sẽ tuyên bố làm vua, nên họ tôn vinh Ngài: “Ðáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến!” (Lu-ca 19:38).

  1. Chúa khóc.

Khi đến gần và nhìn thấy thành phố, Chúa khóc về thành rằng: “Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy.  Vì sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề. Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia, vì mầy không biết lúc mình đã được thăm viếng” (Lu-ca 19:42-44). Lúc đầu các môn đồ Ngài không hiểu những điều đó; nhưng sau khi Chúa Giê-xu đã được vinh hiển, lúc ấy họ nhớ ra rằng những điều đó đã được chép về Ngài, và được ứng nghiệm cho Ngài. Chúa Giê-xu vào Giê-ru-sa-lem và đi vào đền thờ. Ngài đưa mắt nhìn quanh rồi cùng mười hai môn đồ trở ra Bê-tha-ni, vì lúc ấy trời đã gần tối.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 24.03.2024

in NAM GIỚI on 20 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 24.03.2024 (Chúa Giê-xu vào Giê-ru-sa-lem).

  1. Đề tài: Ý NGHĨA VỀ HÔ-SA-NA.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 118:25-26, Ma-thi-ơ 21:9,15; Mác 11:9-10; Giăng 12:13.
  3. Câu gốc: “Người đi trước kẻ theo sau đều la lên rằng: Hô-sa-na! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!(y) 10 Phước cho nước đến, là nước vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” (Mác 11:9-10).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 37-39.
  5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ.  

* CHỈ DẪN: Ca ngợi – Cảm tạ.  

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tiếng “Hô-sa-na” có gốc từ Tiếng Hy-bá-lai có nghĩa là “Xin hãy cứu” hay “Xin ban ơn cứu rỗi” và được lấy từ Thi Thiên 118:25 “Đức Giê-hô-va ôi! xin giải cứu chúng con; Đức Giê-hô-va ôi, xin cho chúng con được thịnh vượng”.

Trong hội đường, lời kêu cầu này trở thành lời tung hô, tôn vinh và chúc tụng Đức Chúa Trời hãy cứu giúp. Vào ngày lễ Đền Tạm, dân chúng làm thành đoàn cầm lá, họ vừa đi vừa hát Hô-sa-na. “Đáng ca ngợi Đấng nhân danh Đức Giê-hô-va mà đến! Từ nơi nhà Đức Giê-hô-va, chúng con chúc tụng Ngài” (Thi Thiên 118:26).

Câu Thi Thiên 118:26 này, ban đầu chỉ với ý định xin Chúa ban phước cho những người hành hương tiến vào đền thờ. Nhưng rồi “Hô-sa-na” đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy ban đầu là “Xin hãy cứu”, thay vào đó truyền thông sau này đã dần sử dụng Hô-sa-na với ý nghĩa thành lời tung hô vui mừng chiến thắng, là lời tôn vinh dành cho Chúa Giê-xu.

Khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem, công chúng hoan nghênh và kêu lớn tiếng: “Hô-sa-na”, tức là có ý cầu xin Chúa ban cho Đấng Mê-si cùng phước lành của Ngài (Ma-thi-ơ 21:9,15; Mác 11:9-10; Giăng 12:13). Trong Thi Thiên 118:25, thì có ý là cầu Chúa cứu giúp. Khi giữ lễ Lều tạm ở đền thờ, đến ngày thứ bảy cuối cùng gọi là “Ngày Hô-sa-na Lớn”, các thầy tế lễ đọc Thi Thiên 113:1; 118:1, mọi người trong lòng vui mừng, thường đồng thanh kêu lớn tiếng “Hô-sa-na”, giữa các tiếng hô thường cách nhau một khoảng thời gian ngắn.

Hội Thánh đời sau dầu quên mất ý nghĩa nguyên gốc, nhưng trong các bài thi ca vẫn còn dùng chữ Hô-sa-na. Cũng có nghĩa là vui mừng, nhảy nhót và ca ngợi.

Khi Hê-bơ-rơ 9:28 và Khải 7:9-10 được ứng nghiệm ngày Chúa tái lâm, thì Y-sơ-ra-ên sẽ dự phần về tiếng kêu Hô-sa-na đó và reo lên “Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Lu 13:35; Thi 118:25-26; Ê-sai 12:1-3).

Mục Vụ Do Thái – Lời Sự Sống Việt Nam.