BÀI 9. TÌNH THƯƠNG XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH (GV-GV)
By andynguyen in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 18 Tháng Bảy, 2018
BÀI 9. TÌNH THƯƠNG XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH (GV)
I. KINH THÁNH: Giô-suê 22; 24:1-28.
II. CÂU GỐC: “Chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời” (1Giăng 4:7).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Giô-suê và mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên sống yêu thương và quan tâm lẫn nhau.
– Cảm nhận: Tình yêu thương xuất phát từ Đức Chúa Trời.
– Hành động: Phải bày tỏ tình yêu thương đối với những người chung quanh.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ
1. Cho các em cùng nhau nói ra mối quan hệ của các em với bạn bè, anh chị em…
2. Chuẩn bị giấy bút cho các em vẽ chân dung người mà các em yêu thương nhất, rồi ghi tên của người đó vào bên dưới bức vẽ.
3. Dùng bút lông ghi chữ lớn tên mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên trên miếng bìa cứng (có thể dùng phấn ghi lên bảng).
4. Nghiên cứu bản đồ số 4 “Xứ Ca-na-an phân chia cho 12 chi phái”, ở phía sau Kinh Thánh.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH
1. Vào đề.
Các em có nhiều anh chị em không? Trong gia đình mà anh chị em yêu thương nhau thì thật hạnh phúc. Tục ngữ Việt nam có câu: “Anh em như thể tay chân”. Điều đó nói lên mối quan hệ khắng khít của tình anh em. Dầu sau nầy các em lớn lên, tự lập, thì tình anh em vẫn khắng khít và cần thiết như vậy.
Biết yêu thương anh chị em và bạn bè là điều đẹp lòng Chúa. Chúa Giêxu đã nói: “Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13:34). Có lẽ chúng ta sẽ để một phút, mỗi người tự so sánh tình yêu thương của Chúa đối với mình, và tình yêu thương của mình đối với người khác. (Cho các em suy nghĩ). Bài học Kinh Thánh hôm nay, các em được học về tình yêu thương và sự quan tâm giữa mọi người với nhau.
2. Bài học.
Sau khi chinh phục xứ Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên được sống trong hòa bình. Đức Chúa Trời liền phán dặn Giô-suê phân chia đất đai cho các chi phái để làm sản nghiệp.
Mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên đều có tên và người lãnh đạo riêng của họ. Hai chi phái Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se sống ở phía Đông bờ sông Giô-đanh, còn lại chín chi phái rưỡi sống ở phía Tây bờ sông Giô-đanh. (Cho các em xem bản đồ số 4. Nếu không có, thì có thể trình bày cách đơn giản trên bảng cho các em dễ hiểu. Vẽ dòng sông ở giữa, chín chi phái rưỡi ở bên trái, hai chi phái rưỡi ở bên phải). Giô-suê làm theo lời Chúa dặn rất cẩn thận để mỗi chi phái đều có đất đai.
a. Tình yêu thương giữa các chi phái với nhau.
(1) Hai chi phái rưỡi ở bờ Đông.
Trước khi Môi-se qua đời, đất đai ở phía đông bờ sông Giô-đanh đã được chia cho chi phái Ru-bên, chi phái Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se. Trong những năm qua, các chiến sĩ của hai chi phái rưỡi nầy đã hết lòng giúp đỡ Giô-suê trong sự nghiệp chinh phục Đất Hứa.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Giô-suê gọi hai chi phái rưỡi đến nói rằng: “Những năm tháng qua, anh em đã vâng giữ mọi điều mà Môi-se và tôi dặn biểu. Ngày nay, Chúa cho các chi phái kia được nghỉ ngơi như Ngài đã hứa, nên bây giờ anh em được trở về chỗ ở của mình bên kia sông Giô-đanh”.
Những chiến sĩ của hai chi phái rưỡi đó rất khâm phục và kính trọng Giô-suê, vì ông là người lãnh đạo hết lòng yêu thương dân sự. Khi họ chuẩn bị ra đi, Giô-suê còn căn dặn: “Anh em phải hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời, vâng giữ các điều răn, và hết lòng phục vụ Ngài”. Rồi Giô-suê chúc phước lành cho họ và tiễn họ ra về.
Hai chi phái rưỡi nầy đi đến bờ sông Giô-đanh, họ nhận thấy dòng sông Giô-đanh như một biên giới chia hai bờ Đông Tây, chẳng khác gì đã chia cắt họ với chín chi phái rưỡi còn lại. Những người của hai chi phái rưỡi nầy mong muốn dòng sông Giô-đanh không chia cắt tình cảm giữa họ và chín chi phái rưỡi ở bên nầy sông, nhưng họ mãi mãi là một dân tộc, cùng thờ phượng một Đức Giê-hô-va. Nghĩ thế, nên trước khi qua sông, hai chi phái rưỡi dùng đá xây một bàn thờ ở gần sông Giô-đanh. Bàn thờ nầy rất lớn, để cho ai cũng nhìn thấy và làm chứng giữa họ với chín chi phái rưỡi bên nầy là một gia đình. Tuy dòng sông ngăn cách họ, nhưng tấm lòng họ vẫn yêu thương và nhớ nhau.
(2) Chín chi phái rưỡi ở bờ Tây.
Một bàn thờ mới đã được dựng lên ở bờ Tây sông Giô-đanh. Không bao lâu sau, tin nầy lan truyền khắp nơi. Toàn bộ dân Y-sơ-ra-ên ở phía tây sông Giô-đanh đều rất tức giận. Họ cho rằng chỉ có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va trong đền thờ của Ngài, còn bây giờ dân Y-sơ-ra-ên ở phía đông sông Giô-đanh lập một bàn thờ khác, phải chăng là để thờ cúng thần tượng, phản nghịch Đức Giê-hô-va?
Dân Y-sơ-ra-ên ở bờ Tây cảm thấy lo lắng cho anh em mình ở bờ Đông từ bỏ Đức Chúa Trời, nên họ phái các trưởng tộc (người đứng đầu chi phái) qua sông, đến gặp người Ru-bên, người Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se mà hỏi rằng: “Chúng tôi muốn biết tại sao anh em dám từ bỏ Chúa, xây một bàn thờ khác để tỏ lòng phản nghịch Ngài? Nếu đất đang ở không tốt, thì anh em dọn qua đất của Chúa, nơi có đền thờ Ngài, ở với chúng tôi. Chúng tôi sẽ chia đất cho anh em, chỉ xin anh em đừng phản nghịch Chúa!”
Người Ru-bên, người Gát và người của nửa chi phái Ma-na-se sau khi nghe những lời kết tội như vậy, liền la lên: “Không phải, Đức Giê-hô-va biết rằng chúng tôi lập bàn thờ không phải để phản nghịch Ngài, cũng không phải để dâng của lễ thiêu hay cúng gì cả!” Họ gấp rút giải thích cùng các trưởng tộc của hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên ở phía bờ Tây sông Giô-đanh: “Chúng tôi lập bàn thờ nầy, vì sợ sau nầy con cháu của anh em nói với con cháu chúng tôi: Các ngươi đâu có liên hệ gì với Đức Giê-hô-va của Y-sơ-ra-ên? Vì Chúa đã đặt sông Giô-đanh làm biên giới ngăn cách chúng ta. Như thế, con cháu anh em sẽ làm cho con cháu chúng tôi thôi kính sợ Đức Giê-hô-va”.
Họ nhấn mạnh rằng, lập bàn thờ là để làm chứng giữa họ và dân ở phía Tây. Sau nầy con cháu họ đều biết tất cả dân Y-sơ-ra-ên đông tây đều thờ phượng chung một Chúa, cùng chung một gia đình.
Những trưởng tộc phía bờ Tây nghe xong rất vui lòng. Nếu lập bàn thờ chỉ vì mong muốn con cháu sau nầy không quên Đức Chúa Trời, thì đúng là một việc làm tốt đẹp. Sau đó, họ từ giã anh em mình để quay về bờ tây, thuật lại cùng dân Y-sơ-ra-ên.
Người Ru-bên, người Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se đặt tên bàn thờ là Ết (nghĩa là bàn thờ chứng) vì nói rằng nó làm chứng giữa chúng ta: Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.
b. Tình yêu thương của Giô-suê đối với dân sự.
Thời gian cứ thế trôi qua, Giô-suê đã cao tuổi (khoảng 110 tuổi). Ông biết không bao lâu nữa sẽ từ giã thế giới nầy, và mối quan tâm lớn nhất của ông là dân sự có tiếp tục vâng giữ điều răn và hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời hay không? Giô-suê đã nhiều lần nhắc nhở họ và lần cuối cùng, Giô-suê tập trung đầy đủ mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên từ hai bờ Đông Tây sông Giô-đanh tại Si-chem. (Tìm vị trí nầy trên bản đồ). Khi Giô-suê cất tiếng nói, toàn bộ dân sự đều im phăng phắc lắng nghe.
Ông nói rằng: “Đức Chúa Trời ban cho các ngươi có sự bình an nơi đây. Các ngươi không cần xây cũng có nhà để ở, không ra công trồng trọt cũng có vườn nho và ôliu, vì Đức Chúa Trời đã chuẩn bị mọi thứ cho các ngươi. Vậy bây giờ, các ngươi hãy kính sợ Đức Giê-hô-va và phụng sự Ngài cách thành tâm và trung tín. Dẹp bỏ hết các thần tượng mà tổ phụ các ngươi đã thờ”.
Dân sự đang đứng trước sự lựa chọn, còn Giô-suê vẫn tiếp tục nói: “Nếu các ngươi không thích thờ phượng Đức Giê-hô-va, thì ngày hôm nay phải quyết định thờ thần nào mà các ngươi ưa thích. Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va”. Dân sự cùng nhau đáp rằng: “Chúng tôi quyết hầu việc Đức Giê-hô-va, vì Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi”.
Giây phút đó rất quan trọng đối với Giô-suê và toàn dân Y-sơ-ra-ên, vì họ đã quyết tâm hứa trước mặt Chúa sẽ mãi mãi thờ phượng Ngài. Giô-suê dựng một tảng đá lớn dưới cây dẻ, gần đền thờ Đức Chúa Trời để làm chứng cho sự hứa nguyện nầy. Ông còn viết chuyện nầy vào trong sách luật pháp để cho dân sự nhớ mãi lời hứa của mình.
3. Ứng dụng.
Các em thân mến! Các em thấy tình yêu thương trong câu chuyện nầy được thể hiện như thế nào? (Cho các em trả lời). Dân Y-sơ-ra-ên ở bờ Đông luôn mong muốn họ và dân ở bờ Tây mãi mãi là anh em, dù dòng sông Giô-đanh chia cắt giữa họ. Còn dân Y-sơ-ra-ên ở bờ Tây lại lo lắng, sợ anh em mình ở bờ Đông từ bỏ Đức Giê-hô-va. Giô-suê thì quan tâm đến đời sống thuộc linh của dân Y-sơ-ra-ên, hết lòng dạy dỗ họ yêu mến Chúa, chúc phước và cầu nguyện cho họ.
Các em thấy tình yêu thương của dân Y-sơ-ra-ên ở hai bờ Đông, Tây không hề giảm sút bởi sự chia cách. Dòng sông Giô-đanh không cản trở họ quan tâm, lo lắng cho nhau. Như vậy, tình yêu thương thật sự không phân biệt giàu nghèo, xấu đẹp, học giỏi học kém, ở gần hay ở xa… Chúa muốn các em xóa bỏ mọi khoảng cách, đến gần với nhau hơn, bày tỏ lòng thân thiện, sự quan tâm, chia sẻ những gì mình có cho những bạn kém may mắn, giúp đỡ những bạn yếu kém trong học tập…
Nhiều lúc, các em cảm thấy khó yêu thương người khác. Những lúc như vậy, các em cần cầu nguyện để Chúa ban cho các em tình yêu thương. Nếu Chúa ngự trong lòng các em, thì các em sẽ dễ dàng yêu thương và quan tâm đến người khác. Nên nhớ, Chúa Giêxu đã yêu thương các em đến nỗi hy sinh chính mạng vàng của Ngài, thì Ngài cũng muốn các em biết yêu thương anh em mình.
Hướng dẫn các em viết một đoạn văn ngắn về tình yêu thương. “Tình yêu thương là …” (xem tập học viên, hướng dẫn nội dung cho các em dễ viết: Tình yêu thương là chia nhau miếng bánh, nhường nhịn các em nhỏ, làm một việc gì đó để ba mẹ vui lòng, quan tâm bạn bè… Nhắc các em về những việc cần làm trong tuần lễ nầy).
Các em có nghĩ rằng quan tâm lẫn nhau là điều đẹp lòng Chúa không? Nếu các em yêu mến nhau thì các em là con cái Đức Chúa Trời (Cho các em đọc câu gốc).
BÀI 9. TÌNH THƯƠNG XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH (HV)
I. KINH THÁNH: Giô-suê 22; 24:29.
II. CÂU GỐC: “Chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời” (1Giăng 4:7).
III. BÀi TẬP.
1. Bàn thờ ở mé sông.
Chi phái Ru-bên, chi phái Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se lập bàn thờ ở mé sông Giô-đanh. Việc làm nầy có ý nghĩa gì? Em ghi câu trả lời xuống phía dưới.
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………….
2. Tình yêu thương là gì?
Theo em, tình yêu thương là gì? Em làm gì để biểu hiện tình yêu thương của mình? Hãy viết ra.
3. Suy gẫm câu gốc.
Câu gốc nầy nói: “Chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau”. Đây là một mệnh lệnh bắt buộc mỗi con dân Chúa phải thi hành, đúng không? Vì sao? Vì “sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời”.
Quan tâm đến người khác cũng bày tỏ tình yêu thương. Hãy nghĩ xem, ai là người quan tâm đến em nhiều nhất? Điền vào hai phần dưới đây.
a. Tên của người quan tâm đến em.
……………………………………………………………………………………
b. Việc họ quan tâm đến em.
……………………………………………………………………………………
Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì những gì họ đã làm cho em. Cầu xin Chúa giúp em cũng bày tỏ lòng yêu thương đến với họ.