Latest News From Our Blog

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP (GV)

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP (GV)

By andynguyen in NHI ĐỒNG, QUÍ II. 2016 on 30 Tháng Mười Một, 2017

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI Ở CÙNG GIA-CỐP

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 27:41-43; 28:10-22.

II. CÂU GỐC: “Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó” (Sáng Thế Ký 28:15).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đức Chúa Trời hứa luôn ở cùng, giúp đỡ Gia-cốp.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn ở cùng con cái Ngài.

– Hành động: Tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi: Bịt mắt bắt dê.

  1. Mời một em bước ra, bịt mắt lại, đưa hai tay ra tìm cách đụng vào người khác. Những em khác phải tránh ra. Nếu tay của em bịt mắt đụng trúng ai, thì được mở khăn ra, và người bị đụng phải bịt mắt lại tìm cách đụng người khác. Trò chơi cứ thế tiếp tục. Mục đích của trò chơi nầy để các em cảm nhận sự cô đơn, sợ hãi.
  2. Chia sẻ: Sau khi chơi xong, cho các em ngồi ổn định, mời những em đã từng bịt mắt nói ra cảm giác khi chỉ thấy một màu đen tối mịt.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Photo lớn trang tài liệu hình 1: Ê-sau và hình 2: Gia-cốp trong sách giáo viên rồi tô màu cho đẹp).

    1. Vào đề.

Các em có thấy anh em hoặc chị em sinh đôi chưa? Anh em sinh đôi thường có đặc điểm gì? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, anh em hoặc chị em sinh đôi thường rất giống nhau. Nhưng hai anh em sinh đôi trong Kinh Thánh là Ê-sau và Gia-cốp lại không một chút giống nhau. Họ khác hẳn nhau từ diện mạo cho đến tính cách. Bài học nầy sẽ giúp các em hiểu rõ hơn.

    2. Bài học.

Ê-sau tính tình hiếu động, có nhiều sơ xuất, còn Gia-cốp tính tình trầm lặng, nhiều toan tính cho bản thân. Một hôm, mẹ của họ là Rê-bê-ca bảo Gia-cốp: “Con mau chạy trốn đi! Anh của con muốn giết con. Hãy đến ở nhà cậu con chờ khi anh con nguôi giận hãy quay về”.

Tại sao Gia-cốp phải chạy trốn? Tại sao Ê-sau nổi giận? Bởi vì trước đó Gia-cốp giả mạo người anh là Ê-sau để đoạt lấy sự chúc phước của cha dành cho con trưởng. Ê-sau mất đi phước hạnh tốt nhất, rất giận, nhớ đến lúc trước Gia-cốp cũng từng lừa gạt mình, chiếm quyền trưởng nam. Càng nghĩ càng căm tức, Ê-sau nhủ thầm: “Chờ khi cha qua đời tôi sẽ giết Gia-cốp”. Nhưng không ngờ mẹ của họ là Rê-bê-ca biết được ý định của Ê-sau và báo cho Gia-cốp chạy trốn.

Thử nghĩ xem, nếu em phạm sai lầm với một người nào đó và người ta muốn tìm em để báo thù, em cảm thấy thế nào? (Cho các em suy nghĩ một lát, nếu các em không chủ động trả lời có thể tiếp tục gợi ý). Có phải rất sợ không? (Cho các em trả lời). Có lo lắng không? (Cho các em trả lời). Có phải rất hối hận không? (Cho các em trả lời).

Gia-cốp vừa lo sợ vừa hối hận vì đã làm cho anh mình nổi giận. Bây giờ chỉ còn cách là nhanh chóng chạy trốn. Rời khỏi nhà cha mẹ, Gia-cốp cắm cúi đi suốt ngày mong sớm đến nhà cậu, nhưng đường đến Cha-ran còn rất xa. Khi màn đêm buông xuống, một thân một mình giữa đồng vắng, Gia-cốp cảm thấy rất buồn và cô đơn. Ông nằm gối đầu trên một hòn đá phẳng rồi ngủ thiếp đi.

Trong giấc mơ, Gia-cốp thấy một cảnh rất lạ! Có một cái thang sáng chói bắt từ đất lên trời. Có các thiên sứ đi lên, đi xuống trên thang đó, rồi Gia-cốp nghe có tiếng nói từ trên đầu thang (dùng giọng trang nghiêm, nhân từ): “Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác cha ngươi và ta cũng sẽ là Đức Chúa Trời của ngươi. Tất cả vùng đất xung quanh ngươi, ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi. Ta hứa với ngươi, ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi đi đâu sẽ theo gìn giữ đó. Ta không bao giờ bỏ ngươi”.

Gia-cốp thức giấc, lòng đầy vui mừng tự nhủ: “Đức Chúa Trời của tổ phụ mình thật là Đấng chân thật, Ngài không rời khỏi mình. Ngài hứa sẽ bảo vệ, gìn giữ mình”.

Các em ơi, Đức Chúa Trời của tổ phụ Gia-cốp là Đức Chúa Trời mà chúng ta tin cậy. Ngài thấu hiểu cảm nhận và suy nghĩ của Gia-cốp. Ngài cũng hiểu rõ mọi nhu cầu của chúng ta, Ngài hứa: “Ta ở cùng ngươi, ngươi ở đâu, sẽ theo gìn giữ đó”. Như vậy, chúng ta có phải sợ hãi không?

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận bằng cách trả lời các câu hỏi sau: Dù là hai anh em sinh đôi, nhưng Ê-sau và Gia-cốp có gì khác biệt? Tại sao Gia-cốp rời khỏi gia đình? Gia-cốp làm vậy có đúng hay không? Gia-cốp có cảm nhận như thế nào sau khi rời khỏi gia đình? Gia-cốp có nhận được sự giúp đỡ nào không? Đó là sự giúp đỡ gì?

Sau đó cho các em làm bài tập “Con chiên nhỏ về nhà” và bài tập “Gia-cốp không về nhà”. Cho các em tưởng tượng tâm trạng của con chiên khi bị lạc (khao khát về nhà), rồi đối chiếu với cảnh khốn khổ của Gia-cốp khi cô đơn trong đồng vắng.

Khi em sợ hãi, cô đơn, không ai giúp đỡ, em nên cầu nguyện, Đức Chúa Trời luôn ở cùng và giúp đỡ em.

Post CommentLeave a reply