BÀI 11. KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV-HV)
By andynguyen in QUÍ II. 2016, THIẾU NHI on 9 Tháng Bảy, 2018
BÀI 11. KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)
I. KINH THÁNH: Sáng 42 đến 46.
II. CÂU GỐC: “…Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi” (Êsai 48:17).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Kế hoạch tốt đẹp của Chúa qua đời sống của Giô-sép.
– Cảm nhận: Chúa biết rõ tương lai của em, nên Ngài có kế hoạch tốt đẹp trên đời sống của em.
– Hành động: Tin cậy và vâng phục kế hoạch của Ngài.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
- SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
Hướng dẫn các em làm cuốn sổ nhỏ để viết nhật ký. Giả sử các em là Giô-sép, viết ngắn gọn cảm xúc của mình trước những thăng trầm trong cuộc sống.
A. BÀI HỌC KINH THÁNH
- Vào đề.
Các em có thích chơi trò chơi ghép hình không? (Cho các em xem bức tranh ghép hình). Những mảnh hình nhỏ vụn, không ra hình thù, nhưng qua bàn tay của người xếp, nó trở thành một bức tranh đẹp mắt. Muốn có được một bức tranh đẹp, thì người ghép phải kiên nhẫn, ghép từng mảnh nhỏ vào vị trí thích hợp, thì nó mới đẹp được.
Cuộc đời của Giô-sép cũng giống như một bức tranh ghép hình, mỗi một việc xảy đến dường như bất lợi, làm cho Giô-sép không hiểu tại sao lại như vậy. Giô-sép bị các anh bán sang Ai-cập làm nô lệ, bị nhốt trong nhà giam, liên tiếp gặp phải nhiều chuyện bất hạnh, nhưng tất cả đều do kế hoạch tốt đẹp của Chúa. Từ đầu đến cuối Ngài vẫn ở cùng Giô-sép. Khi mọi sự hiệp lại, các em sẽ được nhìn thấy một bức tranh đẹp đẽ. Hôm nay, các em sẽ được nhìn trọn bức tranh đẹp đẽ về cuộc đời của Giô-sép.
- Bài học.
(1) Giữ gìn mạng sống mọi người.
Khi bảy năm được mùa dư dật qua đi, thì bảy năm hạn hán kéo đến. Hạn hán kéo dài và xảy ra khắp nơi khiến mọi người điêu đứng. Mọi kho lúa dự trữ đều hết, ngoại trừ ở Ai-cập. Tất cả mọi nơi đều đổ xô về Ai-cập để mua lúa, trong đó có các anh của Giô-sép. Lúc đó Giô-sép đang cai trị xứ Ai-cập, và đảm nhiệm việc bán lương thực cho dân. Theo truyền thống thời đó, người dân đến trước mặt tể tướng phải sấp mình xuống lạy. Các anh đứng trước mặt Giô-sép và cúi xuống lạy, nhưng không nhận ra Giô-sép, vì đã hai mươi mấy năm không gặp nhau. Vả lại, Giô-sép đã thay đổi khá nhiều, sang trọng, quyền hành và ăn mặc theo kiểu của người Ai-cập, làm sao mà các anh có thể nhận ra Giô-sép được. Còn Giô-sép thì sao? Khi các anh vừa ra mắt và cúi xuống lạy, thì chàng nhận ra ngay, nhưng Giô-sép giả vờ không biết, đối xử với họ như mọi người khác. Các em nghĩ xem, Giô-sép có thể trả thù các anh về hành động gian ác của họ không? Giô-sép có thể làm, nhưng chàng không làm. Sau hai mươi năm mới gặp lại nhau, Giô-sép muốn biết tính tình họ có thay đổi không, nên giả vờ tố cáo họ là thám tử. Các anh của Giô-sép sợ hãi muốn chứng minh mình không phải là thám tử, nên kể về gia đình. Khi nghe các anh nhắc đến cha già và em út, Giô-sép rất xúc động. Chàng nói: “Nếu đúng như điều các ngươi nói, thì trở về dẫn em út tới đây. Nhưng phải ở lại đây một người để làm con tin”.
Các anh của Giô-sép càng lo sợ hơn khi một người bị bắt ở lại. Họ đứng trước mặt Giô-sép bàn tán và cho rằng sự rắc rối nầy là do việc làm gian ác của họ năm xưa đối với Giô-sép. Các anh không hề biết Giô-sép nghe hết, vì khi nói chuyện với các anh, Giô-sép nói qua người thông dịch. Nhìn thấy sự hối hận và bối rối của các anh, Giô-sép quay mặt qua chỗ khác khóc. Thái độ của các anh khác hẳn lúc trước.
Theo lệnh của Giô-sép, người ta xúc lúa đổ đầy các bao và để tiền lại trong các bao đó. Các anh của Giô-sép chất lúa trên lưng lừa và ra về với tâm trạng lo sợ. Lo sợ cho Si-mê-ôn ở lại Ai-cập, và không biết về nhà, cha có đồng ý cho em út đi không. Tối đến, họ sợ hãi khi phát hiện bạc ở trong bao và nghĩ rằng điều nầy có liên quan đến việc họ ngược đãi Giô-sép.
Khi về đến xứ Ca-na-an, họ kể lại cho cha nghe mọi điều đã xảy đến. Cuối cùng cha không đồng ý cho em út đi sang Ai-cập. Nhưng trước mắt họ vẫn còn lương thực, nên cũng không vội.
Thời gian trôi nhanh, lương thực đem từ Ai-cập về nay đã sắp hết rồi, cha bảo các con mình đến xứ Ai-cập mua lương thực lần nữa.
Lúc nầy là lúc phải quyết định cho em út đi, vì nếu không, họ không dám trở lại Ai-cập. Như thế, cả gia đình họ sẽ bị nạn đói đe dọa. Giu-đa thưa cùng cha mình: “Xin cha cứ cho em út đi với con. Con sẽ bảo lãnh em. Nếu không dẫn em về, thì con sẽ chịu tội với cha”. Giu-đa bằng lòng lấy mạng sống của mình để bảo lãnh Bên-gia-min an toàn trở về.
Cuối cùng, Gia-cốp đau lòng cho các anh dẫn em út đi. Gia-cốp dặn các con mình mang theo thổ sản của xứ Ca-na-an để biếu cho tể tướng Ai-cập, và mang theo gấp đôi số bạc để trả lại tiền lần trước và mua lương thực lần nầy. Trước khi lên đường, Gia-cốp cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho các con mình bình an.
Khi đến xứ Ai-cập, họ lập tức đến gặp tể tướng. Vừa nhìn thấy Bên-gia-min, Giô-sép suýt chút nữa đã không kềm chế được tình cảm của mình. Giô-sép bảo người quản gia đưa họ về dinh thự của chàng, và sửa soạn buổi tiệc. Khi được đưa vào một căn nhà sang trọng, các anh ngơ ngác nhìn nhau và hốt hoảng nói: “Chắc vì số tiền bữa trước, mà họ dẫn chúng ta vào đây, để bắt làm nô lệ và cướp lừa của chúng ta”. Nhưng lời nói và thái độ vui vẻ của người quản gia xua tan nghi ngờ của họ. Quản gia thả Si-mê-ôn, người bị bắt ở lại, đem đến gặp các anh em. Ông ta còn sai người đem nước ra cho các anh em rửa chân, và cho những con lừa ăn cỏ.
Khi Giô-sép về, các anh em lấy quà đã đem theo, dâng cho Giô-sép, và quỳ gối sấp mình xuống đất. Thái độ và hành động tử tế của tể tướng làm cho họ ngạc nhiên hết sức. Giô-sép hỏi thăm sức khỏe của các anh và cha già. Đưa mắt nhìn Bên-gia-min, Giô-sép xúc động quá, lật đật bước ra khỏi phòng và khóc. Sau khi rửa mặt và làm bộ điềm tĩnh, Giô-sép ra lệnh cho đầy tớ dọn tiệc. Giô-sép sắp xếp các anh ngồi riêng một bàn, theo thứ tự từ anh cả đến em út, khiến họ kinh ngạc nhìn nhau. Phần thức ăn của Bên-gia-min nhiều gấp năm lần của các anh, nhưng họ không ganh tị mà cùng ăn uống rất vui vẻ.
(2) Gia đình Gia-cốp đoàn tụ.
Giô-sép thử các anh mình một lần nữa, xem họ có biết thương yêu nhau không. Lúc họ sửa soạn ra về, Giô-sép dặn quản gia rằng: “Ngươi lấy cái chén bạc của ta để vào miệng bao của người em út”. Quản gia vâng lệnh làm y như vậy.
Hôm sau, trời vừa hửng sáng, các anh em của Giô-sép lên đường về xứ Ca-na-an. Khi ra khỏi thành không xa, Giô-sép sai người quản gia đuổi theo và nói rằng: “Sao các ngươi lấy oán trả ơn? Lấy cắp cái chén bạc của chủ ta?”
Việc xảy đến với họ thật là bất ngờ. Các anh em đồng ý cho người quản gia lục soát. Cuối cùng quản gia lấy ra cái chén từ bao của Bên-gia-min. Các anh em không tin vào mắt mình nữa, nhưng không thể chối cãi được, vì rõ ràng cái chén lấy ra từ bao của Bên-gia-min.
Không còn cách nào nữa, các anh em đành theo quản gia về gặp Giô-sép.
Đến nơi, vừa thấy mặt Giô-sép họ sấp mình xuống xin tha tội. Giu-đa nài xin Giô-sép cho Bên-gia-min được trở về nhà, còn mình sẽ chịu tội thay cho em. Giu-đa nói: “Xin cho đứa trẻ được trở về nhà. Nếu không cha của chúng tôi sẽ đau khổ và chết mất, vì cha rất yêu thương nó. Anh của nó đã chết rồi. Chúng tôi không muốn thấy cha đau khổ nữa”.
Giu-đa vừa nói đến đó, Giô-sép không chịu được nữa, liền hét lớn đuổi mọi người chung quanh ra ngoài. Khi trong phòng chỉ còn mấy anh em, Giô-sép vừa nói vừa khóc: “Em là Giô-sép đây. Cha còn sống không?” Các anh quá bất ngờ đến nỗi lặng thinh không nói được lời nào.
Các anh nghĩ Giô-sép sẽ trả thù, nhưng Giô-sép nói: “Bây giờ, đừng buồn phiền trách móc nhau về việc ấy nữa. Đức Chúa Trời sai em đến trước để giữ gìn sự sống của gia đình mình”. Nói rồi, Giô-sép hối các anh mau trở về nhà báo tin nầy cho cha và rước cha lên đây, vì nạn đói kém còn kéo dài.
Giô-sép cho xe cộ sang trọng cùng lương thực và nhiều thứ khác trở về nhà đón cha lên. Các em có thể tưởng tượng được sự vui mừng của Gia-cốp khi nghe tin con mình còn sống. Gia-cốp cùng bảy mươi người trong gia đình đi xuống Ai-cập và cảnh cha con gặp nhau thật cảm động.
Giô-sép dẫn cha và các anh em mình đến trước mặt Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn ban cho họ một vùng đất màu mỡ tại Ai-cập và cho họ chăn bầy súc vật của Pha-ra-ôn. Cả gia đình sống đầy đủ, bình an trong những năm đói kém.
- Ứng dụng.
Các em thân mến! Đức Chúa Trời có quyền ngăn cản không để cho Giô-sép bị bán, nhưng Ngài cho phép việc đó xảy ra. Giô-sép hiểu được chương trình của Đức Chúa Trời trên đời sống của mình nên dễ dàng tha thứ cho các anh. Lúc trước có lẽ Giô-sép không thể hiểu được, nhưng bây giờ Giô-sép thấy rõ kế hoạch tốt đẹp của Ngài trên đời sống của mình và gia đình. Đức Chúa Trời có kế hoạch của Ngài để phòng chống nạn đói kém và giữ gìn mạng sống của gia đình. Giô-sép hoàn toàn vâng theo kế hoạch của Ngài. Cũng vậy, Đức Chúa Trời cũng có một kế hoạch cho đời sống của các em. Chúng ta không biết rõ kế hoạch của Ngài như thế nào, nhưng tin rằng rất tốt đẹp. Dù các em có ở trong hoàn cảnh như thế nào đi nữa: Khó khăn, nghèo thiếu, bệnh tật, thậm chí không được học hành… nên nhớ rằng, Chúa luôn yêu thương và muốn ban cho các em điều tốt nhất. Phần các em, hãy yên lặng và vâng phục kế hoạch của Ngài, chắn chắc đời sống của các em sẽ được Chúa dẫn dắt và ban phước.
BÀI 11. KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)
I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 42 – 49.
II. CÂU GỐC: “…Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi” (Ê-sai 48:17).
III. BÀI TẬP.
1. Sau đây là 5 bước để vâng theo kế hoạch của Ngài. Em hãy đọc những câu Kinh Thánh sau đây và ghi ý chính của những câu Kinh Thánh đó, lên từng dấu chân theo thứ tự.
a. Giăng 3:16, b. 1Giăng 1:9, c. Ê-sai 55:6, d. Thi Thiên 130:6, e. Công vụ 5:29
- Tôi là ai?
Em đã học qua nhiều nhân vật trong Kinh Thánh. Bây giờ, em hãy viết tên từng nhân vật, trước sự việc có liên quan đến họ.
_____ Tôi dùng thủ đoạn gian dối lừa cha mình, để được chúc phước. Tôi là ai?
_____ Thành phố mà tôi ở đầy dẫy tội lỗi, Đức Chúa Trời hủy diệt thành phố đó. Ngài sai thiên sứ giải cứu cả gia đình tôi. Tôi là ai?
_____ Tôi là con duy nhất của cha mẹ. Cha mẹ sinh tôi khi đã già và tôi là con của lời hứa. Tôi là ai?
_____ Tôi được cha nuông chiều và yêu thương từ nhỏ. Lớn lên, tôi được tôn cao, chỉ dưới quyền vua. Tôi là ai?
_____ Em trai tôi tuy có lỗi với tôi, nhưng tôi đã tha thứ cho em mình và anh em tôi đã làm hòa với nhau. Tôi là ai?