Latest News From Our Blog

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH (GV)

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH (GV)

By andynguyen in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 16 Tháng Sáu, 2017

BÀI 11. YÊU KẺ THÙ NGHỊCH

 

I. KINH THÁNH: Ma-thi-ơ 5:43-48; Châm Ngôn 25:21-22.

II. CÂU GỐC: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu dạy dỗ các môn đồ phải thương yêu những người có lỗi với mình và cầu nguyện cho họ.

– Cảm nhận: Yêu thương người có lỗi với mình là việc làm đẹp lòng Chúa.

– Hành động: Sẵn lòng cầu nguyện cho người có lỗi với mình và học tập yêu thương họ như lời Chúa dạy.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi truyền tin.

Hướng dẫn các em biết, nếu truyền sang bên trái thì nói: “Xin lỗi”, nếu truyền sang bên phải thì nói: “Mình tha thứ cho bạn”. Giáo viên sẽ bắt đầu nói trước. Nếu giáo viên nói với người bên trái: “Xin lỗi”, người bên trái có thể nói tiếp với người bên trái kế bên: “Xin lỗi”, phương hướng là truyền sang bên trái; nếu người bên trái không muốn tiếp tục truyền bên trái, thì có thể nói với người bên phải: “Mình tha thứ cho bạn”, thì phương hướng sẽ chuyển sang bên phải, cứ tiếp tục chơi như thế, em nào quên qui tắc sẽ bị phạt.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Giáo viên chuẩn bị ba em có khả năng, tập đóng vai các nhân vật trong vở kịch ngắn dưới đây).

    1. Vào đề: Kịch ngắn.

(Cảnh 1. Phi đang ngồi một mình, vẻ mặt rất buồn, Kiệt vừa hát vừa đi tới.)

– Kiệt (Tỏ vẻ ngạc nhiên): Ủa, Phi! Sao bạn lại ngồi đây một mình? Mọi người đều chơi ở bên kia, chúng ta cùng qua đó chơi đi.

– Phi (Lắc đầu): Không, mình không muốn chơi với Huy và Mạnh!

– Kiệt: Tại sao vậy?

– Phi: Hôm qua Huy đụng mình té, hôm nay lại lấy bút màu tô lên tay mình.

– Kiệt: Huy không xin lỗi bạn sao?

– Phi: Có, nhưng mình không muốn tha thứ cho bạn ấy?

– Kiệt: Tại sao bạn lại giận Mạnh?

– Phi: Ai bảo nó chơi với Huy. Nếu bạn chơi với họ, mình cũng không chơi với bạn.

(Cảnh 2. Ngay lúc ấy, giáo viên đi đến. Giáo viên đã nghe các bạn ấy nói chuyện).

– Giáo viên: Em giận Huy, rồi giận những bạn cùng chơi với Huy, em cảm thấy vui không? (Phi lắc đầu). Cô (thầy) hỏi em: Em có bao giờ có lỗi với người khác không?

– Phi (Suy nghĩ một lát): Dạ có, hôm trước em làm cho anh của em bị té chảy máu chân!

– Giáo viên: Lúc đó em cảm thấy thế nào?

– Phi: Dạ em rất sợ ạ.

– Giáo viên: Em sợ gì vậy?

– Phi: Em sợ anh của em sẽ không chơi với em nữa, lại sợ bị mẹ phạt.

– Giáo viên: Sau đó thế nào?

– Phi: Sau đó mẹ xức thuốc cho anh và bảo em xin lỗi anh.

– Giáo viên: Vậy anh của em có tha thứ cho em không?

– Phi: Dạ có.

– Giáo viên: Nếu anh của em không chịu tha thứ cho em, em sẽ thế nào?

– Phi: Dạ, em sẽ rất buồn.

– Giáo viên: Vậy em có nên học theo gương anh của em, tha thứ cho người có lỗi với mình không?

(Phi từ từ gật đầu).

    2. Bài học.

Các em ơi, các em có cảm thấy rằng, tha thứ cho người có lỗi với mình sẽ đem lại niềm vui không? Mình sẽ không còn nhớ những việc khiến mình không vui nữa, và người có lỗi với mình cũng rất vui vì được tha thứ. Ngoài ra Cha Trên Trời của chúng ta cũng rất vui lòng khi chúng ta tha thứ cho người khác.

Chúa Giê-xu dạy: “Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con, hầu cho các con được làm con của Cha ở trên trời”. À thì ra yêu người có lỗi với mình, cầu nguyện cho họ là yêu cầu của Chúa dành cho con cái Ngài. Bởi vì chúng ta là con của Đức Chúa Trời, thì phải giống Ngài và học theo Ngài. Chúa Giê-xu cũng nói rằng Đức Chúa Trời ban ánh sáng mặt trời cho người tốt cũng như người xấu, ban mưa xuống không chỉ cho người lành, nhưng cũng cho cả kẻ ác nữa. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời yêu người tốt, và cũng yêu người xấu. Vậy chúng ta nhận biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương mọi người trên thế gian nầy.

Chúa Giê-xu còn nói, nếu chúng ta chỉ yêu thương những ai thương yêu, đối đãi tốt với chúng ta, thì chúng ta có khác gì những người không tin Chúa. Chúng ta là con Đức Chúa Trời, vì thế chúng ta phải giống Ngài, yêu thương hết thảy mọi người.

Nếu có người làm điều có lỗi với em và không xin lỗi, em có tha thứ cho người đó không? (Cho các em trả lời). Mặc dù người ta không xin lỗi, trong lòng mình không vui, cũng phải học tập tha thứ cho người khác. Nếu em có thể thật lòng cầu nguyện cho người ấy, là em đã tha thứ, không để tâm đến lỗi lầm của người ấy nữa.

Ngoài ra, trong sách Châm ngôn cũng dạy chúng ta phải đối đãi tốt với người có lỗi với mình. Nếu người ấy có đói thì cho ăn, có khát thì cho uống. Nếu em đối đãi tốt với người có lỗi với mình, thì đó là việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và cũng là cách tốt nhất để giải toả tất cả những buồn giận nhau. Vì có thể khi em đối xử tốt với họ, người có lỗi với em sẽ cảm thấy lương tâm cắn rứt và sẽ ăn năn. Chúa sẽ vui lòng khi chúng ta đối đãi với nhau bằng tình yêu thương.

Bây giờ các em đã biết thế nào là thương yêu người có lỗi với mình chưa? (Cho các em trả lời). Làm thế nào để yêu thương họ? (Tha thứ, đối đãi tốt đối với họ và cầu nguyện cho họ).

    3. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên bài 11 ra và hướng dẫn các em thảo luận bằng cách hỏi các em: Nếu người có lỗi với em không chịu xin lỗi, em phải làm thế nào? Sau khi thảo luận xong cho các em làm bài tập: “Bánh kẹo và thiệp sinh nhật”. Giáo viên có thể chia sẻ kinh nghiệm về sự tha thứ để khích lệ các em.

Trong phần B của bài tập, giáo viên cho các em suy nghĩ xem có người nào từng có lỗi với em mà hiện nay em chưa tha thứ. Viết tên người đó lên giấy, và lời cầu nguyện xin Chúa ban phước cho người ấy. (Giáo viên gợi ý một số lời cầu xin Chúa ban phước). Sau đó viết tên của mình vào và nộp cho giáo viên.

Post CommentLeave a reply