Bài 2. NGƯỜI CHĂN BẢO VỆ CHIÊN (GV-HV)
By andynguyen in NHI ĐỒNG, QUÍ III. 2016 on 13 Tháng Bảy, 2018
Bài 2. NGƯỜI CHĂN BẢO VỆ CHIÊN (GV)
I. KINH THÁNH: Thi Thiên 23:4-6.
II. CÂU GỐC: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi, cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi” (Thi Thiên 23:4).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Đa-vít ca ngợi Chúa đã ở cùng, bảo vệ ông như người chăn đối với chiên mình.
– Cảm nhận: Đức Chúa Trời là Đấng chăn giữ em. Ngài sẵn lòng giúp đỡ, bảo vệ em trong mọi hoàn cảnh.
– Hành động: Cảm tạ Chúa vì Ngài luôn ở cùng, giúp đỡ và bảo vệ em.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
* Bối cảnh Kinh Thánh.
– Chuẩn bị “Bảng chọn lựa” theo mẫu sau đây (“Sinh hoạt đầu giờ” bài 1).
- Mục đích: Giúp các em biết cách người chăn bảo vệ chiên (Thi Thiên 23:4-6).
- Vật liệu: Giấy màu cứng (lớn nhỏ tùy ý nhưng màu sắc khác nhau), 4 tấm giấy cứng (12 x 15cm), bảng, keo dán.
- Thực hiện:
– Giáo viên chuẩn bị 4 tấm giấy cứng theo tập học viên bài 2.
– Chia các em thành 4 nhóm, mỗi nhóm chọn một mục để các em tự làm “Bảng chọn lựa”. Nếu học viên ít, có thể chọn ba mục còn một mục giáo viên giúp các em hoàn thành.
Gợi ý 1: Núi và trũng.
- Vật liệu: Giấy cứng 1, vải màu nâu, vài tờ giấy báo.
- Thực hiện: Giờ học, các em tự làm núi và thung lũng bằng vật liệu trên.
– Hỏi các em: “Trũng là gì?” (Khoảng đất giữa hai ngọn núi). “Có những lúc người chăn dẫn chiên đi vào vùng đất dốc hoặc băng ngang qua trũng. Em có thể tạo hình một trũng không?”
Gợi ý 2: Rắn, sói và sư tử.
- Vật liệu: Giấy cứng 2, đất sét, giấy vẽ 22 x 30cm, bút màu.
- Thực hiện: Cho các em dùng đất sét nặn hình rắn, sói, sư tử. Sau đó đặt rắn lên cỏ, để sói và sư tử vào nơi trũng.
– Xem trong Thi Thiên 23 những con vật nào muốn tấn công bầy chiên, và người chăn bảo vệ chiên bằng cách nào?
Gợi ý 3: Cây trượng và cây gậy.
- Vật liệu: Giấy cứng 3, dùng kẽm (5cm) làm trượng và (15cm) làm gậy, lấy đất sét bọc quanh kẽm.
- Thực hiện:
– Sau khi các em làm xong, đặt gậy và trượng vào tay người chăn.
– Xem trong Thi Thiên 23, cách người chăn dùng trượng để cứu những con chiên rơi xuống trũng và gậy để bảo vệ đàn chiên khỏi thú dữ.
Gợi ý 4: Cái chén.
- Vật liệu: Giấy cứng 4, đất sét.
- Thực hiện: Dùng đất sét làm chén và đặt vào bối cảnh lịch sử thời Kinh Thánh.
– Xem tấm giấy cứng 4 và Thi Thiên 23 để tìm ra công dụng của chén.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH
(Chuẩn bị thị cụ: Dùng 4 tấm giấy bìa vừa làm xong và hình vẽ phối hợp với kể chuyện.
1. Vào đề.
Các em thân mến, chắc hẳn có nhiều em trong các em đã thuộc lòng Thi Thiên 23. Tuần trước các em đã học phần I nói về việc người chăn dẫn chiên đến nơi an toàn. Hôm nay các em sẽ học phần II. Phần nầy nói đến việc người chăn dẫn chiên vượt qua những nguy hiểm. Bây giờ các em cùng lắng nghe nha!
2. Bài học.
a. Người Chăn Giải Cứu Khi Chiên Gặp Nguy Hiểm.
(Cho các em xem hình 2). Khi không còn đủ cỏ xanh và nước uống cho chiên, người chăn dẫn chiên đến vùng đất khác tốt hơn. Dù đôi lúc phải vượt qua những chỗ khó khăn, nguy hiểm, nhưng người chăn luôn dẫn chiên đến nơi bình yên, an toàn. Các em thử đoán xem khi đi qua những chỗ nguy hiểm chiên cảm thấy như thế nào? Điều gì khiến chiên sợ hãi? (Bóng tối, thú dữ rình rập tấn công). Người chăn luôn cầm trên tay vật gì? (Gậy và trượng). Người chăn dùng những vật nầy để làm gì? (Giúp các em nhớ lại những gì đã làm trong “Sinh Hoạt Đầu Giờ”).
Người chăn thường dùng cây trượng vỗ nhẹ lên lưng chiên để chỉ đường (dùng động tác làm ví dụ) hoặc báo hiệu người chăn đang ở gần bảo vệ chiên. Từ trong bóng tối của trũng, thú dữ có thể bất ngờ tấn công, nhưng cây trượng và cây gậy của người chăn luôn bảo vệ khiến chiên an lòng. Chiên biết người chăn yêu thương và sẵn sàng bảo vệ chiên trong bất kỳ hoàn cảnh nào “Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào” có ý nghĩa gì? (Tôi tin chẳng có điều nào có thể làm hại được tôi.)
Đáng sợ nhất là những con rắn ẩn trong cỏ rậm, có thể lao ra cắn chiên bất cứ lúc nào. Để đề phòng điều ấy, người chăn phải làm gì? (Dùng gậy đập đuổi rắn). Người chăn còn nhổ bỏ cỏ độc và cỏ gai để chiên khỏi bị nguy hiểm vì ăn nhằm những thứ đó.
Nhìn vào hình, em thấy gì trong hang núi? Khi chiên đang gặm cỏ, người chăn làm cách nào để bảo vệ chiên khỏi bị tấn công? Người chăn chuẩn bị tiệc cho chiên như thế nào? (Không phải một bàn đầy thức ăn, nhưng ý muốn nói dẫn chiên đến nơi có cỏ non xanh tươi và bình yên.)
b. Người Chăn Chăm Sóc Khi Chiên Mệt Mỏi Và Bị Thương.
Chiều tối, người chăn dẫn chiên về, đứng ngoài cửa chuồng và đếm từng con khi chiên vào. Vì sao phải làm thế? Người chăn muốn kiểm tra xem chiên có bị thiếu mất và bị thương tích gì không? Nếu có, theo các em, người chăn sẽ làm gì? (Kiếm tìm chiên lạc, xức thuốc, băng bó, chữa trị cho chiên bị thương). Vì thế, Kinh Thánh nói rằng: “Ngài xức dầu cho đầu tôi”. Người chăn làm gì khi chiên mệt mỏi, khát nước? Người chăn sẽ pha thuốc khi đổ nước vào máng cho chiên uống.
Chắc chắn khi viết Thi Thiên này, Đa-vít nghĩ đến việc hằng ngày người chăn chăm sóc chiên bằng nhiều cách. Cũng vậy, Đức Chúa Trời chăm sóc các em mỗi ngày (hình 2). Chiên tin cậy và sống vui vẻ trong tình thương của người chăn chiên, thì Đa-vít cũng vui hưởng tình thương vĩnh cữu của Đức Chúa Trời. Đa-vít đã luôn trông cậy vào Đấng yêu thương và chăm sóc ông.
3. Ứng dụng.
Đây là dịp tiện để giáo viên biết nguyên nhân khiến các em lo sợ. Chia các em thành từng nhóm nhỏ để dễ chia sẻ cảm xúc lo sợ ấy. Dùng câu hỏi gợi ý giúp các em thảo luận. Sau đó, giúp các em nhận biết và tin cậy nơi người chăn là Chúa Giê-xu, Ngài sẽ giúp các em giải quyết mọi nan đề.
– Cho các em xem tập học viên bài 2. Hỏi các em: Nhìn gương mặt các bạn trong hình, các em đoán xem họ đang gặp phải chuyện gì? Tâm trạng như thế nào? (Đi lạc, ở nhà một mình, mẹ đi vắng nên sợ hãi…). Nếu các em chưa chuẩn bị câu trả lời, giáo viên có thể gợi ý: “Trời tối đen như mực, Minh cảm thấy vô cùng sợ hãi, còn Hồng thì khuya rồi mới nhớ mình quên học bài ngày mai”.
– Sau khi thảo luận, giáo viên hướng dẫn các em viết câu trả lời vào tập học viên.
– Sau đó, giáo viên hướng dẫn các em học câu gốc và tóm tắt Thi Thiên 23. Để dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, người chăn phải đưa chiên vượt qua trũng bóng chết. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Chúa Giê-xu cũng bảo vệ, chăm sóc và an ủi các em.
– Hỏi các em: “Khi sợ hãi, lo âu các em làm gì?” (Cảm tạ Chúa đã luôn ở cùng em và cầu xin Chúa giúp đỡ em trong hoàn cảnh ấy). Hướng dẫn các em cùng cầu nguyện.
V. PHỤ LỤC.
– Giúp các em hiểu thế nào là sự chết và thiên đàng.
Trẻ 7-8 tuổi thường sợ chết vì các em nhận thức cách mơ hồ về điều nầy. Nếu giáo viên thấy cần giúp đỡ các em có quan niệm đúng đắn về sự chết, nhất là “trũng bóng chết” trong Thi Thiên 23, xin tham khảo một số ý kiến sau:
Khi người thân qua đời, chúng ta thường đau buồn một thời gian. Có em nào trải qua tâm trạng nầy chưa? Và việc gì sẽ xảy ra khi bước qua cuộc đời nầy? Giúp các em hiểu rằng con người chỉ chết phần thể xác, còn linh hồn không nhìn thấy được, không nắm bắt được sẽ không chết. Qua đó, các em nhận biết tình yêu thương của Chúa. Nếu em tin nhận Chúa Giê-xu và trở nên con cái Ngài, khi qua đời, linh hồn của em sẽ trở về thiên đàng để cùng sống đời đời với Chúa Giê-xu.
Các em không thể nhìn thấy thiên đàng, nhưng qua Kinh Thánh, chúng ta biết một số điều về nơi ấy. Kinh Thánh cho biết thiên đàng là nơi không có bệnh tật hoặc nước mắt, người sống trên thiên đàng sẽ không có sự chết hoặc đau khổ, linh hồn họ luôn vui mừng và an nghỉ trong Chúa. Vì thế, chết không phải là điều đáng sợ, vì sau khi chết các em sẽ đến thiên đàng gặp Chúa và sống đời đời với Ngài.
Nếu các em hỏi về thiên đàng mà bạn chưa biết, hãy thành thật nói: “Có nhiều điều hiện nay chúng ta chưa hiểu hết, nhưng đến lúc gặp Chúa, chúng ta sẽ biết rõ”.
Bài 2. NGƯỜI CHĂN BẢO VỆ CHIÊN (HV)
I. KINH THÁNH: Thi Thiên 23:4-6.
II. CÂU GỐC: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi. Cây trượng và cây gậy Chúa an ủi tôi” (Thi Thiên 23:4).
III. BÀI TẬP.
A. TÔ MÀU HÌNH VẼ.
Em là người chăn chiên.
B. CHÚNG TA CÙNG LÀM.
1. Núi Và Thung Lũng.
Lấy giấy báo vo thành hình nón rồi phủ giấy hoặc vải màu nâu lên làm núi, đặt lên giấy màu xanh lá cây (thung lũng).
2. Rắn, Sói Và Sư Tử.
Vẽ hoặc lấy đất sét làm rắn, sói và sư tử, sau đó đặt vào núi và thung lũng.
3. Gậy Và Trượng.
Dùng đất sét và kẽm làm gậy. Người chăn chiên dùng gậy để bảo vệ chiên khỏi thú dữ làm hại.
Dùng đất sét và kẽm làm cây trượng.
Đọc Thi Thiên 23:4-6 rồi cho biết người chăn dùng cây trượng làm gì?
4. Chén.
Đôi khi bên cạnh giếng hoặc máng nước có đặt chén cho chiên con uống nước. Dùng đất sét làm chén, đặt bên cạnh giếng.
C. EM ĐOÁN XEM.
Nhìn nét mặt của hai bạn nầy như thế nào? Họ sợ gì? Họ nghĩ gì?