Latest News From Our Blog

BÀI 7. SỰ CÁM DỖ (GV-HV)

BÀI 7. SỰ CÁM DỖ (GV-HV)

By andynguyen in QUÍ III. 2016, THIẾU NHI on 17 Tháng Bảy, 2018

BÀI 7. SỰ CÁM DỖ (GV)

I. KINH THÁNH: Giô-suê đoạn 7.

II. CÂU GỐC: “Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ” (1Ti-mô-thê 6:8-9a).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: A-can đã sa vào sự cám dỗ vật chất, phạm tội ăn cắp.

– Cảm nhận: Trộm cắp không phải là dũng cảm.

– Hành động: Ghi ra những tình huống nào dễ nảy sinh ý trộm cắp. Nhờ cậy Chúa để chế ngự những cám dỗ đó.

IV. BÀI HỌC KINH THÁNH

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

1. Hướng dẫn các em đưa ra ý kiến: Sự cám dỗ nào các em dễ bị vướng nhất?

2. Nhằm giúp các em có ấn tượng hơn câu chuyện Kinh Thánh nầy, hướng dẫn các em đóng kịch về A-can.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

1. Vào đề

Hai bạn gái vào cửa hàng kẹp tóc. Cô bán hàng lúc đó đang bận rộn với việc thối tiền cho khách nên không để ý đến vài chiếc kẹp tóc nhỏ nhắn, xinh xắn trên mặt quầy hàng. Hai bạn gái đều trông thấy và rất thích mấy chiếc kẹp tóc, nhưng lại không đủ tiền để mua. Một bạn nói: “Bạn dám lấy chiếc kẹp nơ màu hồng đó không? Cô bán hàng không để ý đâu!”

Nếu bạn kia thực hiện đề nghị đó, bạn ấy có phải là người dũng cảm không? Có nhiều người cho rằng khi trộm cắp giữa ban ngày mà không bị phát hiện, thì kẻ trộm đó rất bản lĩnh và can đảm! Các em có đồng ý với ý kiến đó không? Tại sao?

Sự tham muốn nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn chúng ta đến những hành động sai trái. Bài học Kinh Thánh hôm nay sẽ cho các em thấy rõ điều đó.

2. Bài học.

a. Tiến trình của sự cám dỗ.

(1) Thấy.

Các em biết không, thông thường khi chiếm được một thành nào đó, những kẻ chiến thắng sẽ được quyền lấy tất cả những gì quí giá, gọi là chiến lợi phẩm, còn những kẻ chiến bại sẽ bị bắt làm nô lệ. Nhưng khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm thành Giê-ri-cô, Đức Chúa Trời đã phán dặn rõ ràng rằng: Vàng, bạc, và những đồ vật bằng đồng, sắt đều phải nhập vào kho trong đền Đức Chúa Trời, còn những vật khác phải thiêu hủy và dân Y-sơ-ra-ên không được đụng đến những vật đó.

Khi tường thành Giê-ri-cô sụp đổ, dân Y-sơ-ra-ên tràn vào. Họ tịch thu tất cả vàng, bạc, những đồ vật bằng đồng, sắt, y như lời Ngài phán dặn. Ngoài những vật đó ra, còn có rất nhiều vật dụng đẹp đẽ khác mà không ai dám đụng đến vì Đức Chúa Trời không cho phép. Nhưng có một người tên là A-can, trong lúc thi hành nhiệm vụ đã nhìn thấy một cái áo choàng lộng lẫy, chỉ có những người giàu mới khoác loại áo đó. Chưa bao giờ ông nhìn thấy cái áo choàng nào đẹp như thế, và chao ôi! Vàng, bạc… nhiều không xiết kể.

(2) Tham muốn.

A-can cầm cái áo choàng lộng lẫy đó lên xem xét, vàng bạc nữa. Những thứ nầy thật đẹp và qúy giá làm sao! Sự tham muốn bắt đầu nảy sinh. “Ước gì cái áo choàng nầy là của mình!” “Nếu mình có được số vàng bạc nầy, mình sẽ trở nên giàu có”. A-can muốn lấy những thứ nầy. Ông không nghe mệnh lệnh của Chúa sao? (Cho các em trả lời). Lòng tham muốn cám dỗ ông mạnh mẽ, đến nỗi ông bỏ qua mệnh lệnh của Chúa.

(3) Trộm cắp.

A-can cẩn thận quan sát chung quanh, thấy không ai để ý, liền nhanh chóng lấy ngay cái áo choàng và vàng bạc giấu vào bên trong áo.

Hoàn cảnh lúc đó thật là thuận lợi cho A-can, vì không ai nhìn thấy việc làm của ông. A-can quay trở về trại của mình, bí mật đào một cái hố bên trong trại và chôn giấu những thứ đó.

Lòng tham khiến A-can trở nên mù quáng. Tuy cái áo choàng đó rất đẹp, nhưng chất liệu vải và kiểu dáng đều không thích hợp với người Y-sơ-ra-ên. Nếu như một ngày nào đó, A-can khoác cái áo nầy, có thể những người khác sẽ suy đoán ra xuất xứ của nó. Dù không ai nhìn thấy, nhưng Đức Chúa Trời thấy. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra. Cuối cùng, mọi việc cũng bị phanh phui và tai họa xảy đến không chỉ riêng mình A-can gánh chịu.

b. Tai họa xảy ra sau khi bị cám dỗ.

(1) Dân Y-sơ-ra-ên thua trận.

Sau chiến thắng Giê-ri-cô, thành thứ hai mà dân Y-sơ-ra-ên cần phải tấn công là thành A-hi. So với Giê-ri-cô, thành A-hi nhỏ bé hơn nhiều. Dầu vậy, trước khi tấn công, Giô-suê cũng phái mấy thám tử đi do thám trước.

Các thám tử sau khi do thám thành A-hi trở về báo cáo với Giô-suê: “Đó là một thành phố nhỏ, ít dân, không cần phải huy động toàn bộ quân đi đánh, chỉ cần vài ba ngàn quân là đủ tiêu diệt thành đó rồi”.

Thế là Giô-suê phái khoảng ba ngàn người đi đánh thành A-hi. Ba ngàn chiến sĩ hăng hái xung trận, còn những người ở nhà chuẩn bị chào đón chiến thắng, vì tin chắc các chiến sĩ Y-sơ-ra-ên sẽ chiến thắng. Nhưng thật bất ngờ, quân Y-sơ-ra-ên bị thất bại thảm hại trước quân A-hi. Vừa mới vào trận, quân Y-sơ-ra-ên đã phải bỏ chạy, vì không ngờ dân thành A-hi đánh trả quyết liệt, và giết khoảng chừng ba mươi sáu người.

Khi nghe tin nầy, lòng dân sự tan ra như nước.  Giô-suê và các trưởng lão xé áo mình, khóc lóc, qùi mọp trước Hòm Giao ước cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Giô-suê không hiểu nguyên nhân tại sao có sự thua trận nầy? Chẳng phải Đức Chúa Trời đã từng hứa với Giô-suê: “Trọn đời ngươi sống, thì sẽ chẳng ai được chống cự trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi như Ta đã ở cùng Môi-se; Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu”.

Đức Chúa Trời đã thất hứa rồi chăng? Giô-suê và các vị trưởng lão cứ cầu nguyện cho đến chiều tối. Cuối cùng, Đức Chúa Trời phán cùng Giô-suê rằng: “Dân Y-sơ-ra-ên đã không tuân lệnh Ta, lấy trộm vật đáng bị hủy diệt, đem giấu trong trại mình. Vì lý do đó, Y-sơ-ra-ên bị bại trận”.

Đức Chúa Trời cảnh cáo: “Nếu các vật ấy không bị đem ra thiêu hủy, Ta sẽ không ở cùng Y-sơ-ra-ên nữa”. Sau đó, Đức Chúa Trời chỉ cho Giô-suê cách phát hiện ra người phạm tội.

(2) A-can bị tử hình.

Theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, sáng sớm hôm đó, Giô-suê cho mười hai chi phái lần lượt ra trước mặt Chúa. Chi phái Giu-đa bị chỉ ra. Giô-suê kêu chi phái Giu-đa đến gần thì họ hàng Xê-rách bị chỉ ra. Trong họ hàng Xê-rách thì gia đình Xáp-đi bị chỉ ra. Giô-suê biểu từng người trong gia đình Xáp-đi lại gần, thì A-can bị chỉ ra. Việc làm của A-can lúc trước không ai biết, bây giờ cả dân Y-sơ-ra-ên đều biết.

Giô-suê nói với A-can: “Hãy thú tội trước mặt Đức Chúa Trời. Đừng giấu điều gì cả, cứ khai ra mọi điều con đã làm”.

A-can khai: “Con đã sinh lòng tham khi thấy chiếc áo choàng lộng lẫy, hai trăm lạng bạc và một thỏi vàng nặng 50 lạng. Con lấy các vật ấy đem giấu dưới đất trong trại, để bạc dưới cùng”.

Giô-suê liền sai người đến trại của A-can. Họ tìm thấy đúng như lời A-can nói và đem hết về để trước mặt Giô-suê và dân sự. Mọi người bắt A-can cùng các vật thuộc về ông như bò, chiên, lừa… và những vật ông đã lấy cắp, đến một thung lũng. Mọi người ném đá A-can và thiêu hủy hết tất cả.

Khi tội lỗi bị trừ đi, Đức Chúa Trời nguôi cơn giận và tiếp tục ở cùng dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời hướng dẫn Giô-suê cách tấn công thành A-hi và dân Y-sơ-ra-ên đã toàn thắng.

3. Ứng dụng.

Các em thân mến! A-can đã không đắc thắng sự cám dỗ, nên vượt qua mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Hành động đó khiến A-can trả giá rất đắt, không phải chỉ mình ông chịu mà còn liên lụy đến nhiều người. Nếu xem tin tức trên báo, tivi… các em sẽ thấy người trộm cắp cũng phải vào nhà tù.

Hậu quả mà A-can nhận lấy cho hành động sai trái của mình là bài học nghiêm khắc cho mỗi chúng ta ngày nay. Trong cuộc sống mỗi ngày, các em cũng gặp nhiều sự cám dỗ phải không? (Cho các em nêu ra từng trường hợp cụ thể như: Muốn lấy cắp của bạn cây viết, cuốn truyện, đồ chơi, tiền, đồ ăn…). Có những việc sai trái nho nhỏ, các em cho là không quan trọng, nhưng khi các em làm điều đó cũng phạm tội và Đức Chúa Trời nhìn thấy. Vậy, các em phải làm gì khi bị cám dỗ? Khi A-can nhìn thấy và ham thích cái áo choàng đẹp đẽ, vàng, bạc, nếu như ngay lúc đó ông cầu nguyện xin Chúa giúp ông vượt qua sự cám dỗ để vâng lời Ngài, thì Chúa có giúp đỡ ông không? Ma qủi cám dỗ các em phạm tội với Chúa, nên các em phải ở trong Chúa luôn luôn, cầu xin Chúa giúp đỡ mình. Nếu các em không thỏa lòng với những điều mình có, thì dễ sa vào sự cám dỗ (Mời một em đọc câu gốc).

Ăn cắp không phải là hành động dũng cảm, mà là tội lỗi. Sự dũng cảm đúng nghĩa là vâng lời Chúa. Nếu các em vâng lời Ngài, Ngài sẽ giúp các em vượt qua sự cám dỗ. Khi các em đắc thắng sự cám dỗ, đó là bằng chứng rõ ràng nhất để khẳng định các em là người dũng cảm.

BÀI 7.  SỰ CÁM DỖ (HV)

 I. KINH THÁNH: Giô-suê 7; 8:1-28.

II. CÂU GỐC: “Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ” (1Ti-mô-thê 6:8-9a).

III. BÀI TẬP.

1. Em đánh dấu X trước những hậu quả mà tội trộm cắp gây ra.

__ a. Có được những gì mong muốn.

__ b. Dẫn đến tội dối trá.

__ c. Nghĩ đến lúc bị bắt giữ mà lo lắng.

__ d. Cảm thấy dũng cảm và vui vẻ.

__ e. Mọi người sẽ nể phục lòng can đảm của anh ta.

__ g. Không được phước của Chúa.

2. Sự cám dỗ đối với mỗi người mỗi khác nhau, có em bị cám dỗ bởi điều nầy, nhưng cũng có em lại bị cám dỗ bởi điều khác. Em đánh dấu X vào những trường hợp em đã hoặc đang bị cám dỗ.

  1. Muốn có cái áo đẹp của bạn.
  2. Ăn cắp tiền của mẹ, bạn… để mua đồ theo ý thích.
  3. Trốn học để đi chơi.
  4. Nói dối với ba mẹ.
  5. Tham của rơi.
  6. Quay cóp bài lúc kiểm tra.
  7. Mê xem tivi đến nỗi không học bài.
  8. Ăn vụng.
  9. Trường hợp khác _______________________

* Theo em, trường hợp nào khiến em dễ bị cám dỗ nhất.

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

3. Em “Vượt qua cám dỗ”.

Hãy đi theo mũi tên và lấy bút chì màu khoanh lại những quyết định đúng để tìm ra hướng giải quyết đẹp lòng Chúa.

Xin chào, tôi là Cường. Sau khi học xong câu chuyện của A-can, tôi càng hiểu rõ hơn về tai hại của sự trộm cắp. Buổi sáng thứ hai đầu tuần, tôi gặp phải nhiều cám dỗ.

Post CommentLeave a reply