Chúa nhật 18.08.2024
- Đề tài: CƠ ĐỐC NHÂN VỚI SỰ THỬ THÁCH.
- Kinh Thánh: Lu-ca 22:28-30; 1Phi 1:6-7; Gia-cơ 1:12.
- Câu Gốc: “Hỡi anh em, hãy coi thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra sự nhịn nhục” (Gia 1:2-3).
- Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 25-27.
- Thể loại: Giải đáp thắc mắc.
* CHỈ DẪN:
- Mời người đặc trách giải đáp thắc mắc.
- Thông báo đề tài “Cơ Đốc Nhân Với Sự Thử Thách” cho các ban viên trước hai tuần và yêu cầu họ viết câu hỏi.
- Trao câu hỏi trước cho người đặc trách để nghiên cứu.
- Người đặc trách sẽ đọc lên từng câu và trả lời. Sau cùng có thể cho các ban viên góp ý hoặc hỏi thêm.
- Nếu người đặc trách đồng ý, có thể cho các ban viên hỏi trực tiếp.
- 6. Ban hướng dẫn tìm hiểu ban viên của mình, thảo luận và đưa thêm những câu hỏi thiết thực vì có nhiều người e ngại không dám hỏi.
- 7. Trong trường hợp không mời được diễn giả, ban hướng dẫn cũng không thể trả lời đầy đủ các thắc mắc của ban viên, thì ban hướng dẫn cần đem các câu hỏi đến nhờ người giải đáp trước, ghi chép đầy đủ rồi trở về trả lời cho các ban viên thay cho diễn giả.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Sống mỗi ngày, không ai trong chúng ta lại không phải đối diện với thử thách khó khăn. Thử thách khó khăn đó đến với chúng ta dưới nhiều hình thức, có thể là bệnh tật, tai nạn xe cộ, vấn đề tình cảm, hoặc mối quan hệ với người thân yêu bị đổ vỡ…
Có người có con cái hư hỏng hay có vấn đề với pháp luật, người thì gặp chuyện không may trong việc làm, có khi bị mất việc hay bị người khác hiểu lầm. Chúng ta làm gì hay xử sự ra sao mỗi khi phải đối diện với những khó khăn trong đời sống? Thánh Kinh là Lời của Chúa có lời giải đáp cho chúng ta trong những vấn đề nầy, và giúp chúng ta đối diện với đời sống dễ dàng hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải có lòng tin, phải có đức tin nơi Chúa. Có đức tin nơi Chúa không có nghĩa là phó mặc cho số mệnh, nhưng chỉ có nghĩa là nhìn thấy vấn đề như Chúa thấy, và tin Kinh Thánh là Lời Chúa hướng dẫn cho đời sống để theo đó xử sự.
Không ai trong chúng ta tránh được khỏi hoạn nạn, thử thách ở đời. Người tin Chúa cũng như người không tin đều phải đối diện với hoạn nạn, thử thách khó khăn như nhau. Điểm khác biệt là phản ứng của chúng ta trước hoàn cảnh. Không phải khi tin Chúa chúng ta được miễn trừ khỏi khó khăn, nhưng khi sống với niềm tin nơi Chúa, chúng ta sẽ biết xử sự hay đối diện với hoàn cảnh như thế nào cho thích hợp.
Một điều quan trọng khác nữa chúng ta cũng cần ghi nhớ, đó là đừng nghĩ rằng hoạn nạn thử thách khó khăn xảy ra trong đời sống là vì tội lỗi. Có nhiều hoàn cảnh khó khăn xảy ra là vì tội của chúng ta thật, chẳng hạn như say rượu mà lái xe để xảy ra tai nạn; say mê cờ bạc để mất hết của cải, tài sản hoặc chơi bời trác táng để sinh ra bệnh tật… những khó khăn đó xảy ra là vì chúng ta, là vì hậu quả tất nhiên của tội lỗi. Cũng có những hoàn cảnh khó khăn khác xảy ra là kết quả tất nhiên của những hành động của chúng ta. Có những người có con cái hư hỏng vì đã không dành thì giờ cho con, đã không hướng dẫn, dạy dỗ con. Có những gia đình đổ vỡ vì vợ chồng mỗi người lo một việc, không dành thì giờ cho nhau. Trước những hoàn cảnh đó, chúng ta phải nhìn lại vấn đề, truy nguyên để biết rõ nguyên nhân, lúc đó chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề.
Tội của chúng ta thật ra là không tôn thờ Chúa, không làm theo lời dạy của Ngài. Thiên Chúa đã cho phép những hoàn cảnh khó khăn xảy ra để chúng ta được thức tỉnh. Nhưng dù là bệnh tật đau yếu, mất mát tiền bạc hay đổ vỡ tình cảm, chúng ta đối diện với những thử thách ở đời như thế nào?
Thánh Kinh là Lời Chúa dạy:
“Hỡi anh em, hãy coi thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra sự nhịn nhục” (Gia-cơ 1:2-3).
Theo Lời Chúa dạy và là người có đức tin nơi Chúa, chúng ta phải coi hoạn nạn thử thách xảy đến cho chúng ta là điều vui mừng. Gặp thử thách thì buồn khổ, than thở. Gặp thử thách mà coi đó như niềm vui điều thật khó, thật ra là không thể làm được. Nhưng đó là Lời Chúa dạy. Chúng ta để ý thấy rằng Chúa không bảo chúng ta khi gặp thử thách thì vui, Chúa không bảo như vậy. Nhưng Chúa bảo chúng ta “Hãy coi sự thử thách như là điều vui”. Coi thử thách như là điều vui nghĩa là chẳng có gì vui sướng trong thử thách cả, nhưng chúng ta hãy coi đó như là điều đáng vui hơn đáng buồn, vì biết kết quả của thử thách là lòng nhịn nhục hay đức nhẫn nhục.
Vấn đề của chúng ta là cái nhìn. Cái nhìn gần hay xa, cái nhìn thiển cận hay bao quát, và nhìn thấy toàn thể vấn đề. Khi bị kẹt xe trên đường, phản ứng thông thường của chúng ta như thế nào? Chúng ta bực mình cau có, khó chịu. Chúng ta chỉ thấy một rừng xe trước mắt. Cùng trong cảnh kẹt xe đó nếu có một trực thăng bay ở trên, người trên chiếc trực thăng đó thấy rõ trước mặt có gì, tại sao xe bị kẹt. Cùng một cảnh kẹt xe, nhưng có hai cái nhìn khác nhau: một cái nhìn từ trên cao, thấy rõ vấn đề và cái nhìn dưới đất, chỉ thấy những gì ngay trước mắt. Và vì cái nhìn khác nhau, chúng ta có những phản ứng khác nhau.
Hoàn cảnh và thử thách ở đời cũng vậy, tùy cái nhìn vào hoàn cảnh mà chúng ta vui hay buồn, phấn khởi hay thất vọng. Thánh Kinh là Lời của Chúa cho chúng ta thấy kết quả của thử thách, là giúp ta nên người. Trước đó, Lời Chúa cũng dạy thử thách là sự thử thách đức tin. Nói như vậy nghĩa là niềm tin của con người cần được thử nghiệm. Con người chúng ta cần đi qua lửa thử nghiệm mới nên người.
Trong các xưởng chế tạo xe hơi, người ta có những hầm gió (wind tunnel). Có những điều kiện thời tiết khắc nghiệt để thử xem chiếc xe hay máy xe có chịu được không, từ kết quả của những thử nghiệm nầy mà chiếc xe hay sản phẩm ngày càng hoàn hảo hơn. Ai trong chúng ta cũng biết đối với kim loại, đặc biệt đối với những kim loại quý như vàng thì lửa là điều cần thiết để tinh luyện. Càng được thử nghiệm, vàng càng ròng, càng tinh khiết. Con người chúng ta cũng vậy, cần được lửa thử thách tinh luyện để trở nên người tốt đẹp hơn. Theo Lời Kinh Thánh dạy, kết quả của hoạn nạn thử thách là sự nhịn nhục hay nhẫn nhục, kiên nhẫn hay nhẫn nại. Đây là một đức tính cần thiết để sống ở đời, mà thường chúng ta không thể học được ở một nơi nào khác ngoài hoạn nạn, thử thách. Có một câu hài hước như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con tính nhẫn nại và xin ban cho con ngay bây giờ!” Muốn kiên nhẫn mà muốn có ngay thì không được. Và nhiều khi cách tốt nhất để học tính kiên nhẫn là phải chịu hoạn nạn, thử thách, khó khăn.
Thánh Kinh ghi lại câu chuyện một người tên là Gióp. Ông là một người đạo đức, công chính nhưng hết tai họa nầy đến tai họa kia cứ dồn dập xảy đến cho ông. Nhà cửa tài sản bị mất sạch, con cái bị tử nạn. Bản thân ông thì mắc một chứng nan y đến nỗi người vợ cũng xa lánh và xúi ông tự tử. Còn bạn bè thay vì an ủi nhưng đã lên án và buộc tội ông. Một người ở trong hoàn cảnh như vậy thật không sống nổi. Tuy nhiên ông Gióp đã nhẫn nhục chịu đựng và cuối cùng ông đã để lại gương nhẫn nại mà Thánh Kinh đã nói như sau: “Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người, vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ”.
Bạn và tôi, chúng ta đang bước đi trên đường đời, mỗi ngày đều có những gian nan, thử thách. Niềm tin nơi Chúa và lời dạy của Ngài, sẽ hướng dẫn chúng ta đến những quyết định đúng và có cái nhìn đúng vào vấn đề. Theo lời dạy của Chúa, chúng ta có kết luận sau:
- Thử thách khó khăn là thử nghiệm cho đời sống để chúng ta trưởng thành và nên người.
- Kết quả của thử thách là sự nhẫn nhục, một đức tính cần thiết trong mọi mối quan hệ ở đời, đặc biệt là trong gia đình. Ở đời nầy người ta nói nhiều đến tình yêu, và đặc tính đầu tiên của tình yêu thật theo lời dạy của Thánh Kinh là sự nhịn nhục. Hãy xem những hoạn nạn, thử thách, khó khăn xảy ra trong đời sống là phương tiện giúp chúng ta đạt đến điều đó.
Vì hai lý do trên, thử thách là thử nghiệm và thử thách đưa đến tính nhẫn nại, nên mỗi khi phải đối diện với thử thách khó khăn, Lời Chúa bảo chúng ta hãy coi đó là điều đáng vui hơn đáng buồn. Tự sức mình, không ai trong chúng ta có thể vui khi gặp hoạn nạn thử thách, nhưng với đức tin nơi Thiên Chúa, với lòng tin nơi Ngài, chúng ta có thể sống vui trong khó khăn và trở nên người hữu dụng và mang ích lợi đến cho người khác. Bước quan trọng đầu tiên chúng ta phải làm là ý thức tình trạng tội lỗi và bất lực của mình. Khi chúng ta thừa nhận điều đó, và tiếp nhận ơn cứu rỗi Chúa Giê-xu đã hoàn thành qua cái chết của Ngài trên thập giá, chúng ta sẽ nhận được sự sống mới từ Thiên Chúa, giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn trong đời sống.
Mục sư Nguyễn Thỉ – Chương Trình Phát Thanh Tin Lành