Thẻ: GÂY CHUYỆN RẮC RỐI

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.03.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 17.03.2024

in THANH NIÊN on 12 Tháng Ba, 2024

Chúa nhật 17.03.2024.

  1. Đề tài: GÂY CHUYỆN RẮC RỐI.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 25:19-34; 27:1-40.
  3. Câu gốc: “Ê-sau liền nói rằng: Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa” (Sáng thế Ký 27:36).
  4. Đố Kinh Thánh: Nê-hê-mi 5-9.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, Ủy viên Linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp từ trong bụng mẹ nên Gia-cốp đi trước Chúa để hoàn thành ý nguyện và chương trình của Ngài. 

Đề tài 2: Đức Chúa Trời đã chọn Gia-cốp từ trong bụng mẹ nhưng Gia-cốp không nên đi trước Chúa để hoàn thành ý muốn tốt đẹp bằng một chương trình xấu, một phương pháp xấu.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Bài học hôm nay là một bài học rất có giá trị về phương diện đạo đức. Những điều trong bài học cảnh tỉnh chúng ta, mỗi người cần ghi nhận và áp dụng trong cuộc sống gia đình mỗi ngày. Gia-cốp là biểu tượng của sự thủ đoạn, lấy sự khôn ngoan của mình lừa gạt người cùng gia đình. Kết quả ông gánh chịu nhiều hậu quả trong đời. Tuy nhiên, trên phương diện tâm linh thì Gia-cốp lại là người được Chúa chọn lựa, yêu mến. Vì thế, xin các bạn nhờ Chúa theo sát kỹ bài học để không có sự hiểu lầm về chương trình và hành động của Đức Chúa Trời chúng ta.

  1. LỢI DỤNG CƠ HỘI (Sáng thế Ký 25:29-34).

Thông thường anh em sinh đôi rất giống nhau. Giống nhau về vóc dáng, vẻ mặt và luôn cả tính nết nữa. Trường hợp của 2 anh em con Y-sác là một ngoại lệ. Ê-sau đầy lông (Ê-sau có nghĩa là “nhiều lông”) còn Gia-cốp (có nghĩa là nắm gót). Từ bé cả hai đã khác biệt nhau. Sáng thế Ký 25:27-28 cho chúng ta biết sự khác biệt đó. Ê-sau là biểu tượng của người “hữu dũng, vô mưu” thích săn bắn. Gia-cốp là người trầm mặc, sống nhiều về nội tâm, ở trong lều trại với mẹ. Phân đoạn Kinh Thánh được chia thành hai phần rõ rệt.

  1. Lỗi Lầm Của Ê-sau.

Câu nói “này anh gần thác” để làm lý do cho việc bán quyền trưởng nam của Ê-sau là một lỗi lầm khó có thể bào chữa được. Khi con người thèm khát một điều gì, thường hay tìm cách để thỏa mãn cơn thèm mà quên đi hậu quả của việc mình làm sẽ đưa mình đến đâu. Ở lứa tuổi ngoài 30, với một sức mạnh mẽ, còn sống độc thân, khi lập gia đình Ê-sau mới 40 tuổi (Sáng thế Ký 26:34) thì sao lại nói câu “anh gần thác” được? Câu nói của Ê-sau chắc chắn đã bị Gia-cốp đánh giá và chính Đức Chúa Trời cũng đánh giá ông nữa. Cuối phân đoạn Kinh Thánh ghi “Vậy Ê-sau khinh quyền trưởng nam”. Thế nào là khinh quyền trưởng nam? Ông vì một tô canh (dù đang đói lắm) mà quên đi giá trị lớn lao của người trưởng nam (được hưởng gấp đôi gia tài so với con thứ và được chúc phước). Ông là người được coi là kẻ thừa kế về vật chất, lẫn tâm linh. Vậy mà, chỉ một cơn đói, ông đã bán nó đi. Ôi! Ngày nay cũng có nhiều người làm như vậy. Chỉ vì… những cơn thèm khát… mà bán đứng địa vị làm con Đức Chúa Trời.

  1. Lỗi Lầm của Gia-cốp.

Trên phương diện đạo đức, Gia-cốp là người gây họa cho gia đình. Biết tính anh tham ăn, Gia-cốp đã tạo cơ hội để anh bán quyền trưởng nam. Lấy sự khôn ngoan của mình để làm lợi riêng, đặc biệt là đối với người cùng chung ruột thịt là một lỗi lầm lớn. Chính lỗi lầm này đã đưa đến việc lừa cha để được chúc phước và hậu quả Gia-cốp phải gánh chịu nặng nề. Trốn khỏi gia đình, mất mẹ vĩnh viễn (Sáng thế Ký 27:42). Bị cảnh “gậy ông đập lưng ông” với cậu là La-ban (Sáng thế Ký 29:14-30). Sống trong sợ hãi (Sáng thế Ký 27:41; 32:3-8). Bị con gạt (Sáng thế Ký 37).

  1. SỰ DỐI TRÁ (Sáng thế Ký 27:30-33).

Đức Chúa Trời chắc chắn không bằng lòng sự gian trá của Gia-cốp dù Gia-cốp đã được Chúa chọn từ trong bụng mẹ (Sáng thế Ký 25:23). Vì Chúa biết người như Ê-sau sẽ chẳng làm nên tích sự gì. Dù Chúa chọn ông, Gia-cốp không nên dùng sự gian trá để được chúc phước. Gia-cơ đã trách những kẻ “Ăn gian tiền công con gặt” là họ sẽ bị Chúa trừng phạt (Gia-cơ 5:4). Đáng lý, Gia-cốp phải sống thật lương thiện thì ông cũng làm tròn ý nguyện của Chúa được như thường. Sự lương thiện trên đời sống mỗi người là điều kiện căn bản để nhận phước hạnh, vui mừng, bình an từ nơi Chúa. Ý thức giá trị sự lương thiện, nhà văn John Ruskin có nói: “Tạo con cái mình có khả năng sống lương thiện là đầu mối của sự giáo dục”. Tạ ơn Chúa, Gia-cốp đã ăn năn việc làm sai trái của mình (Sáng thế Ký 32:9-12) và thay đổi cách đối xử với anh mình. Đây là điều tốt vì có nhiều người không bao giờ ăn năn dù mình đã làm những điều dối trá, sai trái.

III. KẾT QUẢ CAY ĐẮNG (Sáng thế Ký 27:34-37).

 Đa-vít, trước giả Thi thiên 64 đã kinh nghiệm điều cay đắng khi ông viết “nhắm mũi tên mình, tức là lời cay đắng… bắn vào kẻ trọn vẹn” và kết quả là “thình lình chúng nó bị tên, thương tích”, vì “Đức Chúa Trời sẽ bắn chúng nó”. Ít có người hiểu rằng bất cứ ý tưởng nào, hành động nào cũng sẽ có hậu quả. Mọi người nên ghi nhớ điều đó để tìm điều thiện và điều gì tựa như điều ác thì phải tránh xa đi (1Ti-mô-thê 6:11-12). Gia-cốp là người thành công trong đời sống thiêng liêng. Được chọn là kẻ kế tự cho Y-sác, sống gần gũi và hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng vì sự nôn nóng thực hiện khải tượng, Gia-cốp đã có hành động dối trá gạt cha và gạt anh.

Hậu quả là Gia-cốp phải trả giá cho điều sai trái mình đã làm. Ông giương cung bắn tên và mũi tên đã quay ngược về ông. Cuộc đời ông đã phải bị kẻ khác phỉnh gạt và kẻ phỉnh gạt ông lại cũng là người trong gia đình.

* Bài học áp dụng.

  1. Chúng ta học điều gì từ đời sống Gia-cốp? Chúng ta học hỏi điều gì từ sự khinh quyền trưởng nam của Ê-sau? Từ kinh nghiệm rút ra, chúng ta nên có một phong cách xử thế như thế nào? (Sáng thế Ký 25:29-34).
  2. Thực hành đời sống dối trá đã đem Gia-cốp đến hành động gì? Gia-cơ đã khuyên kẻ “lừa gạt” nên sống như thế nào? Sự giáo dục con cái nên nhấn mạnh đến điều gì? (Sáng thế Ký 27:30-33).
  3. Trước giả Thi thiên cho biết hậu quả của người tạo điều cay đắng sẽ nhận bông trái gì? Bạn có tin câu “ác lai, ác báo” là định luật Đức Chúa Trời luôn áp dụng không? (Sáng thế Ký 27:34-37).
  4. Bài học hôm nay nhắc nhở chúng ta cẩn trọng trong sự tương giao giữa mình và người khác, đặc biệt là anh em trong gia đình. Đừng vì quyền lợi riêng tư, ý muốn thấp hèn mà làm đau lòng nhau. Gia-cốp đã hành động kém quang minh, chính đại và ông phải gánh chịu hậu quả đắng cay. Hãy sống và làm những điều đẹp lòng Chúa.