Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 02.10.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 02.10.2022

By K' Abel in NAM GIỚI on 1 Tháng Mười, 2022

Chúa nhật 02.10.2022

  1. Đề tài: ĐỨC CHÚA TRỜI THA THỨ.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 32; 34:1-10.
  3. Câu gốc: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực” (Xuất 34:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 9-12.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 10.7.2022.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trước khi tiếp nhận Chúa, ông Chang Shen không có chút “thiện” nào trong người, ông bị bệnh mù đôi mắt lúc tuổi trung niên. Một lần kia, ông nghe nói đến một bệnh viện Cơ Đốc, tại đó có người đã được chữa trị sáng mắt. Ông Chang Shen vượt hằng trăm dặm đường để tìm đến đó. Tại bệnh viện, mắt ông được chữa sáng lại phần nào. Cũng tại nơi đây, lần đầu tiên ông Chang được nghe giảng về Đức Chúa Giê-xu Christ. Ông tiếp nhận Ngài trong sự vui mừng.

Lúc ông Chang Shen xin chịu lễ báp-têm, giáo sĩ James Webster đáp rằng “Ông hãy trở về nhà và nói cho những người dân lân cận mình rằng ông đã có sự thay đổi. Tôi sẽ đến thăm ông sau và nếu ông vẫn còn theo Chúa, chừng đó tôi sẽ làm lễ báp-têm cho ông vậy”. Năm tháng sau, giáo sĩ James Webster đi đến khu vực nơi ông Chang ở và gặp hàng trăm người đã tin Chúa qua ông Chang. Giáo sĩ James Webster đã bằng lòng làm báp-têm cho nhà truyền giáo này với sự vui mừng lớn. Đáng tiếc là mấy năm sau, đôi mắt của ông Chang không còn thấy nữa. Dù thế, ông Chang vẫn lần mò từ vùng này sang vùng khác bất chấp trở ngại, để giới thiệu Chúa cho người trong vùng và đem hàng trăm linh hồn nữa trở lại với Ngài.

Lúc Nghĩa Hòa Đoàn nổi lên, ông Chang đang thuyết giảng ở Tsengkow thuộc đất Mãn Châu. Những tín đồ Trung Hoa cảm biết ông sẽ là mục tiêu tấn công đầu tiên của bọn này nên đem giấu ông trong hang núi. Bọn Nghĩa Hòa Đoàn đã đến thị xã Chao Yang Shan gần đó mà bắt chừng năm mươi tín đồ Tin Lành đem đi hành quyết. Trong bọn họ có người đề nghị nên tìm giết ông Chang trước. Bọn Nghĩa Hòa Đoàn hứa rằng nếu họ bắt được ông Chang thì sẽ tha mạng cho tất cả năm mươi người này. Hay tin ấy, ông Chang bèn lên tiếng: “Tôi sẽ vui lòng chết cho năm mươi người đó. Hãy dẫn tôi đi”.

Nhà truyền giáo bị bắt bỏ lên cỗ xe chở đến một nghĩa trang ngoài thành. Tại đó họ xô ông quỳ xuống, ông kêu lên ba lần câu nầy: “Lạy Cha trên trời, xin tiếp lấy linh hồn con”. Một nhát chém xuống. Đầu ông Chang rơi rụng.

Qua bài học hôm nay, chúng ta sẽ thấy được gương của Môi-se, thế nào ông đã dám liều mình để cầu xin Đức Chúa Trời tha mạng cho hằng trăm ngàn dân Do Thái.

  1. MÔI-SE PHẪN NỘ DÂN SỰ (32:15-19).

 Trong suốt đoạn đường dân Do Thái đi, ban ngày có một trụ mây, ban đêm lại có một trụ lửa dẫn lối. Nhưng dân này vẫn không ngưng thử Đức Chúa Trời của họ. Xuất 17:7 chép: “Dân Y-sơ-ra-ên kiếm cớ gây cùng Môi-se, và vì họ đã ướm thử Đức Giê-hô-va mà nói rằng có Đức Giê-hô-va ở giữa chúng ta chăng?”

Môi-se chỉ vắng mặt bốn mươi ngày đặng lên núi hầu chuyện cùng Đức Chúa Trời (Xuất 24:18). Đoàn dân Do Thái liền tỏ thái độ nghi ngờ và bất tín nhiệm ông. Họ đúc tượng con bò con y như các thần Ê-díp-tô, rồi dâng lễ cùng hát xướng cho thần mới của họ. Đức Chúa Trời thấy việc phản nghịch của họ, lập tức sai Môi-se xuống núi. Ngài cũng cho Môi-se biết ý định của Ngài sẽ tiêu diệt cả dân này. Môi-se liền van xin Chúa tha thứ cho dân mà chính Ngài đã cứu ra khỏi Ê-díp-tô. Đức Chúa Trời nhậm lời Môi-se lần này mà “bỏ qua điều tai họa”. Lúc xuống đến nơi, ông thấy sự thờ hình tượng của dân chúng nên đã nổi giận, liệng bể hai bảng chứng Chúa trao cho ông.

  1. MÔI-SE CẦU THAY CHO DÂN SỰ (32:30-32).

Khi Đức Chúa Trời báo cho Môi-se biết việc dân chúng đang thờ lạy tượng bò con bằng vàng, ông liền xin Chúa tha thứ cho họ. Tuy nhiên, lúc ông chứng kiến tận mắt cảnh reo hò nhảy múa của dân sự chung quanh tượng bò vàng, ông không còn nín giận được nữa. Sau khi liệng bể hai bảng luật pháp, Môi-se thiêu đốt tượng bò vàng trong lửa và nghiền nát thành tro bụi, rồi ông rải trên mặt nước và cho họ uống. Việc làm đó có ý nghĩa thần học là dân sự phải nhận lấy sự hư mất giống như tượng thần của họ vậy.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người trong dân sự đều cùng một lòng phản nghịch lại Chúa. Môi-se kêu gọi sự thức tỉnh và ăn năn tội: “Ai thuộc về Đức Giê-hô-va, hãy đến cùng Ta! Hết thảy người Lê-vi đều nhóm lại bên người” (Xuất 32:26). Một số người tham dự đúc tượng và thờ lạy tượng bò vàng thì bị Đức Chúa Trời trừng phạt.

Sau lần đó, ông nói với dân chúng rằng ông sẽ lên gặp Đức Chúa Trời mà cầu thay cho họ. Trước mặt Chúa, Môi-se xin cho mình chịu chết thay cho dân phạm tội, nếu có thể được. Nhưng Đức Chúa Trời không muốn vậy. Một mình Môi-se không thể nào gánh hết tội của mọi người nổi. Chỉ có mạng sống của chính Đức Chúa Trời mới đủ giá chuộc cho tội nhân nào nhờ cậy Ngài.

Việc Môi-se thế tội cho dân sự là biểu tượng hành động của Đức Chúa Trời đối với mọi tội nhân. Môi-se bằng lòng thế tội cho dân mình trước khi họ tỏ thái độ ăn năn. Đó cũng là hình bóng của Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng bằng lòng chết cho kẻ có tội. Rô-ma 5:8 viết: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.

III. CHÚA HỨA SẼ TRỪNG PHẠT TỘI NHÂN (32:33-34).

Đức Chúa Trời hiểu lòng thương yêu của Môi-se đối với một dân cứng cổ là Do Thái. Ông đã từng gánh chịu sự oán trách nặng nề của họ mỗi khi xảy ra việc không vừa ý họ. Đã nhiều lần ông cầu xin Đức Chúa Trời nghĩ lại và tha thứ cho sự dại dột của họ, vì họ chỉ như những trẻ thơ đi chập chững theo Ngài. Họ chưa biết nhờ cậy Ngài, dù trước đó họ từng biết về Ngài. Họ tin Chúa nhưng chưa hết lòng làm theo sự dìu dắt của Ngài, họ vẫn còn bị tiêm nhiễm sự thờ lạy hình tượng của người Ê-díp-tô và vẫn còn hướng lòng họ về nước này nhiều hơn là trông cậy Chúa.

Môi-se thông cảm sự lầm lạc của họ và thấy cần làm điều gì để chuộc tội cho họ. Nhờ sự nài xin của Môi-se, Đức Chúa Trời phán cùng ông rằng: “Kẻ nào phạm tội cùng Ta, Ta sẽ xóa nó khỏi sách Ta… ngày nào Ta hành phạt thì sẽ phạt tội chúng nó” (32:33-34). Chúa nói “kẻ nào phạm tội” là muốn nói lên trách nhiệm của mỗi cá nhân trước mặt Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn còn muốn cho họ thêm một cơ hội nữa để làm hòa lại với Ngài.

  1. CHÚA HAY THƯƠNG XÓT (34:4-6).

Đức Chúa Trời hay tha thứ vì cớ bản chất đầy “nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng và tội lỗi…”. Chính Ngài đã tiết lộ bản chất của Ngài cho Môi-se hầu như mỗi lần Ngài hiện ra ban mệnh lệnh và luật pháp của Ngài cho dân sự.

Dân Do Thái quá cứng cổ, không chịu tìm kiếm ý Ngài, không hết lòng trông cậy Ngài. Dầu như thế Chúa vẫn bày tỏ tình thương và dạy họ nhiều lần nhiều cách. Hai bảng đá chép các điều răn của Chúa đã bị Môi-se đập bể không thay đổi ý định của Ngài đối với dân Chúa được. Đức Chúa Trời dạy Môi-se mang hai bảng đá khác do tay ông đục ra đem lên núi để chép lại luật pháp của Ngài. Điều nầy nhắc nhở cho dân sự biết rằng Chúa muốn họ phải đến với Ngài để nhận lãnh luật pháp của Ngài. Ngày nay, thay vì Chúa viết luật Ngài lên bảng đá như xưa, Chúa muốn chép luật pháp ấy vào lòng bằng thịt của dân Ngài.

Không có ai trên đời có đủ tài đức hay khả năng dâng mạng sống mình lên Chúa đặng chuộc tội cho người khác được. Nhưng Chúa Giê-xu đã chịu đền tội thay cho cả nhân loại để thỏa mãn luật công bình của Ngài. Người có tội biết ăn năn và tin nhận ý nghĩa sự chết của Ngài trên thập tự giá thì sẽ hưởng được sự tha thứ dồi dào của Đức Chúa Trời.

Post CommentLeave a reply