Ngày: Tháng Năm 1, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 05.05.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 05.05.2024

in THANH NIÊN on 1 Tháng Năm, 2024

Chúa nhật 05.05.2024.

  1. Đề tài: CƠ HỘI DIỆU KỲ.
  2. Kinh Thánh: Sáng thế Ký 39-41.
  3. Câu gốc: “Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép rằng: Vì Đức Chúa Trời xui cho ngươi biết mọi việc này, thì chẳng còn ai được thông minh, trí huệ như ngươi nữa. Vậy, ngươi sẽ lên cai trị nhà trẫm; hết thảy dân sự của trẫm đều sẽ vâng theo lời ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi” (Sáng thế Ký 41:39-40).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 1-5.
  5. Thể loại: Thi kể chuyện.

* CHỈ DẪN.

  1. Ban hướng dẫn chuẩn bị.
  2. Mời người trong ban chấp sự Hội Thánh làm giám khảo.
  3. Thông báo thể lệ thi cho các nhóm. Yêu cầu mỗi nhóm xem kỹ phân đoạn Kinh Thánh Sáng thế ký 39-41, sau đó dùng lời văn của mình để kể lại câu chuyện một cách diễn cảm và đúc kết. Trường hợp ban có nhiều nhóm thì nên tổ chức bốc thăm cho mỗi nhóm chọn một trong ba phân đoạn để kể.
  4. Thi kể chuyện.
  5. Trưởng ban thông báo thể lệ cuộc thi.

– Các nhóm có thời gian thảo luận với nhau về nội dung của câu chuyện. Sau đó, trình tự mỗi nhóm cử 1 đại diện lên kể lại câu chuyện một cách diễn cảm.

– Ban giám khảo sẽ chấm điểm:

   4Cả nhóm cùng thảo luận: 10 điểm.

   4Câu chuyện diễn cảm: 10 điểm.

   4Tinh thần làm việc hăng say, vui vẻ và đoàn kết: 10 điểm.

  1. Phát thưởng và thông công.

   – Ban tổ chức tuyên bố điểm và phát thưởng.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 05.05.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 05.05.2024

in PHỤ NỮ on 1 Tháng Năm, 2024

Chúa nhật 05/05/2024.

  1. Đề tài: RU-TƠ – NÀNG DÂU HIẾU THẢO.
  2. Kinh Thánh: Ru-tơ 1-2.
  3. Câu gốc: “Ai có thể tìm được một người nữ tài đức? Giá trị nàng trổi hơn châu ngọc” (Châm 31:10 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Truyền Đạo 1-3.
  5. Thể loại: Tâm tình.

* CHỈ DẪN: Tâm tình.

Mời tất cả phụ nữ trong Hội Thánh tham dự giờ nhóm.

BHD mời một người nữ gương mẫu trong việc làm nàng dâu hiếu thảo nghiên cứu đề tài “Ru-tơ, nàng dâu hiếu thảo” để tâm tình trong giờ nhóm đó.

Sau giờ tâm tình, chị em sẽ nêu lên những thiếu sót khiến mình chưa làm tròn bổn phận làm nàng dâu hiếu thảo và những việc cần phải làm của nàng dâu hiếu thảo để khích lệ nhau.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Ru-tơ đã đi vào lịch sử Y-sơ-ra-ên vào thời Các quan xét trong hình ảnh một nàng dâu hiếu thảo.

Vì có cơn đói kém trong xứ Ca-na-an, nên Ê-li-mê-léc cùng vợ là Na-ô-mi với hai con trai là Mạc-lôn và Ki-li-ôn, người Giu-đa quê ở Bết-lê-hem đi lánh nạn qua xứ Mô-áp. Sống tại đây chẳng bao lâu, Ê-li-mê-léc qua đời, để Na-ô-mi lại với hai con trai. Thời gian trôi qua, Mạc-lôn và Ki-li-ôn cưới vợ trong vòng người nữ Mô-áp. Vợ của Mạc-lôn tên là Ọt-ba, và vợ của Ki-li-ôn tên là Ru-tơ. Rồi mười năm sau, cả Mạc-lôn và Ki-li-ôn đều chết để Na-ô-mi ở lại trong hoàn cảnh không chồng, không con.

Bấy giờ, Na-ô-mi nghe Đức Chúa Trời đoái thương, ban cho mùa màng thịnh vượng, quyết định hồi hương. Na-ô-mi gọi hai nàng dâu lại và từ giã. Ban đầu cả hai đều muốn theo Na-ô-mi, nhưng khi nghe Na-ô-mi phân tích những điểm bất lợi, Ọt-ba từ giã Na-ô-mi, trở về nhà nàng. Còn Ru-tơ đòi theo Na-ô-mi với lời nói quả quyết: (Ru-tơ 1:16-17). Thấy Ru-tơ quả quyết, hai mẹ con lên đường về Bết-lê-hem.

Về đến nơi, dân chúng mừng rỡ tiếp đón Na-ô-mi, cảm động thấy hoàn cảnh đơn chiếc, nghèo nàn của hai mẹ con bà. Những ngày đầu, hai mẹ con Na-ô-mi sống qua ngày nhờ vào việc mót lúa của Ru-tơ. Thật may mắn, nàng mót lúa nhằm vào ruộng của Bô-ô, một người giàu có và quyền thế trong thành, là người bà con bên nhà chồng Ru-tơ. Dân chúng ca ngợi lòng hiếu thảo và sự trông cậy của nàng đối với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Bô-ô mến Ru-tơ, tỏ lòng nhân từ cùng nàng. Sự cảm phục người hiền đức đã đưa Bô-ô đến cuộc hôn nhân với Ru-tơ. Vì là bà con với nhà Ê-li-mê-léc nên Bô-ô có quyền chuộc lại sản nghiệp của kẻ quá cố, theo luật của dân Y-sơ-ra-ên, người chuộc sản nghiệp cũng phải cưới người góa phụ để nối danh kẻ chết. Đức Chúa Trời ban phước cho Ru-tơ, nàng sanh con trai đầu lòng là Ô-bết. Qua dòng dõi Ô-bết, Ru-tơ là tổ mẫu của Đa-vít, vua vĩ đại của Y-sơ-ra-ên. Ru-tơ đã được liệt vào bản gia phổ của Đấng Cứu Thế nhân loại, một vinh hạnh lớn cho người nữ ngoại bang nầy.

  1. SUY GẪM.
  2. Sự quyết định của Ru-tơ.

Điểm nổi bật nhất là quyết định của nàng. Một quyết định thật đẹp, thật cao thượng ở một nàng dâu có hoàn cảnh như Ru-tơ. Sự quyết tâm theo Na-ô-mi của Ru-tơ có thể được hiểu trong hai lý do:

(1) Vì tình thương Na-ô-mi: Vì cùng hoàn cảnh và tâm trạng của người góa phụ như Na-ô-mi, Ru-tơ thấy cần phải gần với Na-ô-mi. Ru-tơ thấy được nỗi sầu khổ của mẹ chồng lớn lao hơn nàng bội phần. Ru-tơ cảm thấy quyến luyến Na-ô-mi, đến nỗi không muốn lìa xa người mẹ sầu khổ nầy.

(2) Vì lòng tin nơi Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên: Có thể do nếp sống tin kính Chúa của gia đình Na-ô-mi, Ru-tơ nhìn biết Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là Đấng Chân Thần cao cả không như thần tượng hư không của Mô-áp. Sự quyết định của Ru-tơ (câu 16-17), cho thấy Ru-tơ bằng lòng trả giá rất đắt. Ru-tơ quyết định theo Na-ô-mi không phải để tìm hy vọng nào nơi Na-ô-mi, nhưng để tìm sự nương náu dưới cánh tay của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (2:12).

  1. Ru-tơ, người nữ hiền đức.

Tình yêu thương đối với Na-ô-mi đã nẩy nở trong Ru-tơ những đức tánh thật cao đẹp:

(1) Trách nhiệm (2:2): Ru-tơ không ngại công việc hèn mọn của người mót lúa, miễn sao nuôi sống được hai mẹ con trong những ngày đầu về xứ.

(2) Siêng năng, cần kiệm (2:7, 17): Ru-tơ mót lúa suốt ngày không quản ngại mệt nhọc.

(3) Hiếu thảo (2:18): Khi được Bô-ô cho bữa ăn dư dật, Ru-tơ chừa phần lại đem về cho mẹ mình.

(4) Vâng lời (2:22): Theo lời khuyên của mẹ, Ru-tơ cứ mót lúa trong ruộng của Bô-ô.

(5) Lòng tin kính Chúa (2:12): Ru-tơ nương mình dưới bóng cánh Chúa. Đây là điểm sáng chói trong đời sống tin kính của Ru-tơ.

III. ỨNG DỤNG CHO ĐỜI SỐNG.

Nàng dâu Ru-tơ đã được dân thành Bết-lê-hem đánh giá là quý hơn bảy con trai đối với Na-ô-mi (4:14-15). Đời sống tin kính Chúa và đức hạnh của người nữ là điều quý giá trước mặt Chúa (Châm 31:10, 30; 1Phi 3:3-4).

Qua đời sống đức hạnh của Ru-tơ, cho thấy không phải làm việc gì to tát mới làm vinh hiển danh Chúa, nhưng sự phản chiếu những đức tánh cao đẹp của Chúa Giê-xu qua đời sống trong cuộc sống hằng ngày.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.05.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.05.2024

in NAM GIỚI on 1 Tháng Năm, 2024

Chúa nhật 05.05.2024

  1. Đề tài: KINH NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI QUA SỰ VÂNG LỜI.
  2. Kinh Thánh: Giăng 14:15, 24a; 1Giăng 2:3-6; Phục 28:15-68.
  3. Câu Gốc: “Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến Ta; người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu lại, Ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết Ta” (Giăng 14:21).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 52-54.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem Chúa nhật 18.02.2024.

* CÂU HỎI GỢI Ý:

Đọc Xuất 17:1-7 rồi trả lời những cụm câu hỏi sau:

(1.1) Câu hỏi phát hiện: Vì sao dân Y-sơ-ra-ên kiếm cớ gây với Môi-se tại Rêphiđim?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Khi Môi-se thực hiện đúng theo sự dẫn dắt của Chúa, ông đã tạo được ảnh hưởng lớn nào cho dân Y-sơ-ra-ên?

(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Bạn nhận được sự dạy dỗ gì qua gương của Môi-se trong phân đoạn Kinh Thánh này?

(2.1) Môi-se đã làm gì để giải quyết tình trạng thiếu nước uống của dân Y-sơ-ra-ên tại nơi đây?

(2.2) Phép lạ nước chảy ra từ hòn đá tại Hôrếp chứng tỏ điều gì?

(2.3) Bạn có tin Đức Chúa Trời luôn hành động trên đời sống bạn, trên Hội Thánh của bạn không? Dựa vào đâu bạn có đức tin đó?

(3.1) Những hành động nào của Môi-se trong phân đoạn Kinh Thánh này chứng tỏ ông luôn vâng theo Lời Chúa phán?

(3.2) Dấu hiệu nào cho thấy một người đã biết Chúa, kinh nghiệm Chúa trong đời sống?

(3.3) Môi-se đã liên tục kinh nghiệm Chúa trong sự vâng lời, bạn đã kinh nghiệm được Chúa trong sự vâng lời chưa?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. 1. Ý Nghĩa Của Sự Vâng Giữ Mạng Lệnh.

Đức Chúa Trời yêu thương bạn. Ngài muốn điều tốt nhất cho bạn. Đó là lý do vì sao Ngài ban những điều răn và những lời dạy, các mạng lệnh và chỉ dẫn. Các mạng lệnh của Ngài không để giới hạn hay kiềm chế bạn, mà để buông tha cho bạn tự do kinh nghiệm đời sống ý nghĩa nhất có thể có được.

Khi bạn vâng giữ mạng lệnh của Chúa, điều đó có nghĩa là mối tương giao của bạn ở trong sự vui mừng, không gián đoạn với Chúa. Một số người muốn Chúa giao một công tác để làm cho Ngài. Họ hứa nguyện sẽ làm bất cứ điều gì mà Ngài yêu cầu. Nhưng khi Chúa quan sát đời sống họ, Ngài thấy họ không vâng lời trong những điều Ngài đã bảo cho họ rồi.

Không phải những mạng lệnh của Chúa được ban cho, bạn lựa chọn những mạng lệnh nào mình muốn vâng theo rồi quên đi các mạng lệnh còn lại. Ngài muốn bạn vâng giữ toàn bộ các mạng lệnh của Ngài vì cớ mối quan hệ yêu thương của bạn với Ngài. Khi nhìn thấy bạn trung tín và vâng lời trong một việc nhỏ, Ngài mới có thể giao phó cho bạn nhiều hơn. Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt bạn hằng ngày vào những mạng lệnh cụ thể mà Đức Chúa Trời muốn bạn vâng giữ.

  1. 2. Không Vâng Lời Phải Trả Giá Đắt.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không bao giờ xem nhẹ sự không vâng lời. Sự bất tuân của Giô-na gần như khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của mình. Việc Môi-se giết người Ê-díp-tô kia buộc ông trả giá bốn mươi năm trong đồng vắng. Tội của Đa-vít phạm với Bát-sê-ba đã phải trả giá bằng sinh mạng đứa con trai của ông. Chức vụ ban đầu của Phao-lô đã bị ngăn trở rất nhiều bởi sự bất tuân của mình. Nhiều người sợ đến gần ông vì cớ tai tiếng của một người bắt bớ Cơ Đốc nhân.

Dầu Chúa tha thứ và thường ban những cơ hội để bạn ăn năn, nhưng bạn không được phép xem thường sự không vâng lời. Đôi khi, Ngài không ban cơ hội thứ nhì. Hai con trai của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu, không vâng lời khi xông hương không thánh khiết cho Đức Giê-hô-va; và Đức Chúa Trời đã đánh chết họ (Lê-vi ký 10:1-20).

Môi-se cướp vinh hiển của Đức Chúa Trời trước mặt toàn Y-sơ-ra-ên, ông đánh hòn đá và nói: “Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá này ra cho các ngươi được sao?” (Dân 20:10). Hãy để ý chữ “chúng ta”, Đức Chúa Trời mới là Đấng đem nước ra từ hòn đá. Môi-se đã cướp vinh hiển của Chúa, và Ngài không chịu cất bỏ những hậu quả của sự không vâng lời đó. Ngài không để cho Môi-se được cùng dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa.

  1. Kinh Nghiệm Chúa Qua Sự Vâng Lời.

Lu-ca ghi lại một từng trải đẹp đẽ của các môn đồ Chúa Giê-xu có cùng một mẫu mực này (Lu-ca 10:1-24). Chúa Giê-xu mời 70 môn đồ (bản NIV ghi 72 môn đồ) cùng dự phần với Ngài vào công việc của Đức Chúa Cha. Họ vâng lời và đã kinh nghiệm Chúa làm qua họ, những việc mà chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được.

Chúa Giê-xu đã ban cho các môn đồ công việc cụ thể. Họ vâng lời Ngài và kinh nghiệm Đức Chúa Trời làm việc qua mình để chữa bệnh và đuổi ma quỷ. Ngài bảo họ rằng chính sự cứu rỗi của họ mới đáng đem lại niềm vui hơn là sự khuất phục các tà linh (Lu-ca 10:20). Chúa Giê-xu ca ngợi Đức Chúa Cha vì đã bày tỏ chính Ngài cho các môn đồ (Lu-ca 10:21-22). Sau đó, Chúa Giê-xu quay sang các môn đồ và phán: “Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy! Vì Ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri và vua chúa ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng từng thấy, ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng từng nghe” (Lu-caLc 10:23-24).

Các môn đồ đã được Đức Chúa Trời chọn lựa cách đặc biệt để dự phần vào công việc Ngài. Những điều họ đã thấy, nghe và rồi tiến đến chỗ biết được Chúa chính là điều mà ngay cả các tiên tri và các vua muốn được từng trải nhưng không được. Các môn đồ này đã được phước Chúa ban!

Bạn cũng sẽ được phước khi Đức Chúa Trời làm qua bạn một công việc đặc biệt và mang tầm cỡ của Ngài. Bạn sẽ tiến đến chỗ biết Ngài đến nỗi đời sống bạn tràn đầy vui mừng. Khi người khác thấy bạn kinh nghiệm Chúa như vậy, họ cũng muốn làm sao để kinh nghiệm được Ngài, giống như bạn. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để chỉ họ đến với Đức Chúa Trời.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. 1. Bạn đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời thế nào trong sự vâng lời Ngài?
  2. Bạn đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời thế nào khi bạnkhông vâng lời Ngài?