Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 08.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 08.09.2024

By Mai hdenayun in PHỤ NỮ on 6 Tháng Chín, 2024

Chúa nhật 08.09.2024.

  1. Đề tài: SỰ ĂN NĂN.
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 15:7-10.
  3. Câu gốc: “…Hãy trở về với Giê-hô-va Đức Chúa Trời các con; vì Ngài nhân từ, thương xót, chậm giận và giàu tình thương, đổi ý không giáng tai họa” (Giô-ên 2:13b BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để họ có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Câu gốc khẩu hiệu, bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, đọc bài cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin nhận Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sự ăn năn là một lẽ đạo rất cần cho mọi người muốn được cứu rỗi. Nếu không ăn năn, không thể nhận sự cứu rỗi (Lu 13:3-5, 2Phi 3:9). Có ăn năn mới có sự tha thứ (Công 2:38; 3:19; 17:30). Những bước cần thiết cho sự ăn năn là:

I. BIẾT MÌNH CÓ TỘI.

Chưa nhận biết có tội thì chưa ăn năn được. Kinh Thánh thường chỉ cho người ta thấy tội lỗi, nó giống như cái gương vậy. Câu chuyện Đa-vít (2Sa 11-12).

Phạm tội gì? (Rô 1:18-23, 29-32). Kinh Thánh cho biết mọi người đều phạm tội, chẳng trừ ra ai cả. Lòng người ta rất xấu xa gian ác, lắm khi người ta tìm cách che đậy, binh vực, cũng vì lẽ ấy mà khó ăn năn. Hay người ta cho tội mình nhỏ quá không có gì đáng phải ăn năn.

II. ĐAU ĐỚN VỀ TỘI LỖI.

Phải có lòng gớm ghê tội lỗi, xem tội lỗi như kẻ thù, vì cớ tội lỗi đã làm hại linh hồn và thân thể chúng ta phải bị hư mất đời đời. Có nhiều người biết mình có tội song họ yêu mến tội đó. Những tội đó là tham lam, giết người, trộm cắp, dối trá đủ thứ….Chúng ta phải nghĩ đến hậu quả ngày mai là “Phải ghê tởm nó, phải từ bỏ nó!” (Gióp 42:6).

III. LÌA BỎ TỘI LỖI.

Lắm người biết mình có tội, gớm ghê tội song không đủ sức lìa bỏ tội. Bỏ tội lỗi là một điều rất cần trong sự ăn năn, người ăn năn mà chưa lìa bỏ tội lỗi là ăn năn giả dối. Biết mình đi sai, có lỗi nên sửa ngay. Đó là sự ăn năn thật. Biết bao nhiêu người biết mình làm sai mà cứ làm, biết mình đi lạc mà cứ đi, cho rằng đã lỡ rồi! (Lu-ca 22:62).

IV. TRỞ LẠI CÙNG CHÚA.

Sự ăn năn có kết quả là hết lòng trở lại cùng Chúa, xin Ngài tha thứ (Ca 3:40, 41; Công 3:19; 26:20). Nếu nhận biết tội, ghê gớm tội, lìa bỏ tội mà không trở lại cùng Chúa thì tội chẳng bao giờ được tha. Con người thường có lòng kiêu ngạo, chẳng chịu hạ mình để xin Chúa tha thứ. Như vậy họ sẽ là kẻ bị hư mất trầm luân đời đời. Chúng ta phải học tập tinh thần của Đa-vít, chạy đến với Chúa với tấm lòng ăn năn, đau đớn về tội lỗi và cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi (Thi thiên 51). Trở lại cùng Chúa là quý báu vô cùng, được Ngài tha thứ, Ngài chăm sóc, Ngài lo liệu một cách chu toàn. Như người con trai hoang đàng trở về nhà cha (Lu 15:11-32).

Mục sư Đoàn Văn Miêng.

Post CommentLeave a reply