Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 28.06.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 28.06.2020

By Quản trị in THANH NIÊN on 22 Tháng Sáu, 2020

Chúa nhật 28.06.2020

  1. Đề tài: TỪ TỐI QUA SÁNG.
  2. Kinh Thánh: Giăng 1:5; 4:22-24; 5:24.
  3. Câu gốc: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).
  4. Đố Kinh Thánh: Rô-ma 12-16.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 19.01.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Tin lành được truyền đến Việt Nam đã 102 năm qua. Ban đầu, từ một nhóm người ít ỏi, bé nhỏ, Hội Thánh đã tiến nhanh đến chỗ có thể kết hợp được một tập thể rộng lớn, đông đảo như ngày nay. Một câu hỏi cho người quan tâm là: Các tôi con Chúa trong giai đoạn đầu đã hoạt động như thế nào, để Hội Thánh được phát triển và trưởng thành? Để biết được điều này chúng ta phải quay về với quá khứ qua tập hồi ký “Bốn mươi sáu năm chức vụ” của cố mục sư Lê Văn Thái, để biết rõ và dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời về những điều kỳ diệu Ngài làm cho Hội Thánh tại Việt Nam.

Vì thì giờ có hạn, xin được giới thiệu chương đầu tiên của sách:

TỪ TỐI QUA SÁNG.

            Tin lành đã được truyền giảng tại Đà Nẵng từ năm 1911. Nhưng lúc bấy giờ mọi người trong gia đình chúng tôi đều ở trong sự tối tăm đúng như lời Kinh Thánh đã chép: “Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng” (Giăng 1:5).

  1. Giai đoạn chống đối Cơ đốc giáo.

            …Xin nói rõ là gia đình chúng tôi lúc bấy giờ thờ ông bà, một hình thức tôn giáo mang tính chất thuần túy Đông Phương. Tôi nhận thấy mình có nhiệm vụ bảo vệ những truyền thống tinh thần của dân tộc, nên mỗi khi nghe người rao giảng đạo Gia-tô, phân phát sách báo Gia-tô hoặc gặp phải những người theo đạo Gia-tô, tôi liền chống trả mãnh liệt. Tôi đã áp dụng mọi phương tiện để đối phó ngay cả việc ném đá vào đầu các giáo sĩ tôi cũng không từ nan.

          Chẳng những thế thôi, ròng rã mấy năm, tôi vẫn cứ theo tranh luận với các giáo sĩ và phá tán những người rao truyền Tin lành…   

Nhưng lạ lùng thay, ân điển và lòng yêu thương vô lượng của Chúa đã chuẩn bị cứu tôi. Khởi điểm khiến tôi đi sâu vào việc nghiên cứu chân lý Tin lành và tìm được ơn cứu rỗi, là do vấn đề đã được một ông truyền đạo nêu lên: “Tin đạo Tin lành bỏ ông bỏ bà, hay không theo đạo Tin lành bỏ ông bà?” Vấn đề có vẻ thích thú. Tôi bắt đầu suy nghĩ, cố tìm những luận cứ vững chắc, sắc bén ngõ hầu có thể bẻ gãy dễ dàng những lý lẽ của “đối phương”. Tôi tin chắc tôi sẽ thắng.

            Một đêm kia, tại tòa giảng Hải Châu ông truyền đạo nầy lại tuyên bố cách quả quyết: “Ai không theo Tin lành, không tin nhận Đức Chúa Giê-xu, không thờ Đức Chúa Trời là bỏ ông bà”. Để chứng minh, ông đọc luôn một câu chữ Hán: “Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên, nhân sanh hồ tổ”. Rồi ông lớn tiếng giải thích: “Cây có cội, nước có nguồn, người có tông có tổ”. Cây không cội, nước không nguồn, người không tông tổ thì sao gọi là có ông bà được? Đức Chúa Trời dựng nên loài người, nhưng người không thờ phượng Ngài. Kinh Thánh chép rằng: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người… Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sáng 1:27). Không tin nhận Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời và không tin theo Tin lành của Ngài thì khác nào cây mất cội, nước mất nguồn, người mất ông bà! Ông cứ theo cái đà ấy mà giải thích thao thao bất tuyệt. Rồi ông lại đặt câu hỏi: “Quý vị biết mình thờ ông bà mấy đời không?” Chúng tôi chưa kịp phản ứng thì ông lại bắt sang vấn đề phổ hệ thờ ông bà, cách biên mục lục trên bài vị đặt ở bàn thờ để thờ Ngũ – Đại – Mai – Thần – Chủ, tức là ông Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển. Ông giải thích: Khi có một người trong tộc qua đời, muốn giữ cho đúng câu Ngũ Đại Mai Thần Chủ phải sửa lại bài vị, tức nhiên là phải xóa tên ông Cao, đem tên ông Tằng đặt vào chỗ ông Cao, đem tên ông Tổ đặt vào chỗ ông Tằng, đem tên ông Khảo vào chỗ ông Tổ, đem tên ông Hiển vào chỗ ông Khảo và biên tên ông mới qua đời đặt vào chỗ ông Hiển. Như vậy là bỏ ông bà chớ không phải thờ ông bà. Nhìn vào thính giả, ông tiếp tục đặt một câu hỏi khác: “Như vậy, muốn thờ ông bà phải làm sao?” Rồi ông lại giải thích: “Muốn thờ ông bà cho thật đúng nghĩa phải giữ nguồn, tìm gốc, tưởng nhớ và tôn kính Đấng sinh thành mình mãi mãi. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa dựng nên loài người, nên hễ ai tìm kiếm Ngài tức là tìm nguồn, tìm gốc, tưởng nhớ và tôn kính Đấng sinh thành mình mãi mãi. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá dựng nên loài người, nên hễ ai tìm kiếm Ngài tức là tìm nguồn, giữ gốc, là thờ Tông, thờ Tổ vậy”.

            Ngồi trong nhà nghe giảng những lời nầy, đầu tôi nóng bừng lên. Tâm can tôi sục sôi như lửa bốc, vì mọi người trong gia đình tôi đều thờ ông bà rất mực cung kính. Không ai có quyền xúc phạm đến một hình thức thờ phượng đã ăn sâu vào lòng dân tộc, phỉ báng đạo giáo của tổ tiên là một điều sỉ nhục không thể tha thứ được. Sự căm tức của tôi càng lúc càng lên cao. Tôi muốn đứng lên tranh luận với ông truyền đạo nầy, nhưng tôi ngần ngại không biết ông trưng dẫn có đúng hay không. Nếu đúng thì sao? Tôi tự nhủ không cần phải gấp, đợi giảng xong về hỏi lại ông thân tôi xem gia đình chúng tôi thờ ông bà được mấy đời, rồi sẽ “chỉnh” ông ta sau.

            Về đến nhà, ông thân tôi đã đi ngủ. Nhưng không thể đợi đến sáng hôm sau được, tôi bèn đánh thức ông cụ dậy và hỏi ngay: “Thưa thầy, gia đình chúng ta thờ ông bà được mấy đời?” Ông thân tôi vừa lấy làm lạ vừa khó chịu hỏi lại: “Mầy làm cái gì mà gấp quá vậy?” Tôi bèn thuật lại cho ông cụ nghe tất cả những điều ông truyền đạo đã giảng giải về sự thờ cúng tổ tiên. Cụ bảo: “Tao không nhớ phổ hệ gia đình ta ghi chép phải thờ ông bà mấy đời. Chờ ít lâu nữa sẽ có ngày giỗ tổ tại Huế, về xem mới biết được”.

            …Sau khi ông thân tôi đi dự ngày giỗ tổ ở Huế về, có đem theo bản Sao Lục Phổ Hệ tộc Lê Văn của chúng tôi… Sau khi nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy điều ông truyền đạo nói về việc biên bài vị đặt trên bàn thờ, về Ngũ Đại Mai Thần Chủ là đúng, nhưng đối với bản gia phả của đại gia đình chúng tôi thì là sai. Gia phả tộc Lê Văn chúng tôi ghi mười đời chứ không phải năm đời như ông truyền đạo đã nói.

            Thế là chúng tôi tin chắc mình có những lý lẽ vững chắc để đánh đổ ông truyền đạo. Tôi liền sửa soạn những câu hỏi “hóc búa” và đi ngay đến nhà giảng. Khi gặp ông truyền đạo tôi liền vào đề ngay: “Thưa ông, ông nói theo đạo Tin lành, nhận Đức Chúa Giê-xu và thờ Đức Chúa Trời là có nguồn gốc, có căn nguyên là tìm được Tông, được Tổ, tại sao không thấy người Tin lành đặt bàn thờ để thờ phượng? Ông truyền đạo liền giở quyển sách đang cầm trên tay ra, và đọc cho tôi nghe một câu như thế nầy: “Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết… Khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm  thần và lẽ thật mà thờ phượng… Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ phượng Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:22-24). Ông nhắc lại những điểm quan trọng, nào là “các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết”, nào là “phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy”. Rồi ông vặn lại tôi: “Vấn đề là không phải đặt ra bàn thờ và bày lễ vật cúng tế, mà là hiểu biết, tôn kính, vâng giữ lời giáo huấn. Thờ phượng thật là lấy tâm thần lẽ thật mà thờ, tôn kính và vâng lời răn dạy của đấng mình thờ, thầy có thờ như vậy hay không?” Tôi không trả lời nhưng lại hỏi một câu hỏi khác: “Ông nói Đức Chúa Trời dựng nên vạn vật, dựng nên loài người, như vậy thì ai dựng nên Đức Chúa Trời?” Ông truyền đạo lại giở và đọc một câu khác trong quyển sách đang còn cầm nơi tay: “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu” (Xuất 3:14). Để tôi có thể hiểu rõ hơn, ông giải thích: “Tự hữu, hằng hữu nghĩa là Ngài tự nhiên mà có, có từ trước vô cùng và nhất là còn đến đời đời vô cùng. Bởi đó, Ngài là Chủ tể của trời đất, muôn vật. Ngài dựng nên trời đất muôn vật, nhưng không ai dựng nên Ngài cả, vì như tôi đã nói (lời ông truyền đạo) sự hiện hữu của Ngài ở ngoài thời gian”.

            Tôi lại đặt câu hỏi thứ ba: “Ông bảo là thờ ông bà theo mục lục của bài vị thì chỉ có năm đời thôi, nhưng sự thật gia phả của tộc tôi ghi tới mười đời kia mà?” Sau câu hỏi nầy tôi đinh ninh ông truyền đạo sẽ bí lối và không thể nào trả lời được. Tôi tin chắc thể nào tôi sẽ thắng. Nhưng ông truyền đạo tươi cười và hỏi lại tôi một câu: “Được rồi, gia đình thầy thờ mười đời vậy thì cái ông thứ mười một ở đâu?” Tôi không trả lời được. Tôi không ngờ ông truyền đạo đã đưa tôi vào cái thế “kẹt” như vậy. Phải, còn ông thứ mười một ở đâu? Tôi bàng hoàng cả người đành phải đánh lãng ra về…

            Từ đó, tôi cứ băn khoăn mãi… Tâm hồn tôi luôn luôn bị giày vò câu thúc đối với những vấn đề mà ông truyền đạo đã đặt ra. Đâu là sự thật, đâu là chân lý? Tôi bắt đầu suy nghĩ, cố gắng đi sâu vào giòng sinh hóa của vũ trụ và vạn vật. Nếu có ông tổ thứ mười thì phải có ông thứ mười một rồi đến cao hơn, đến dòng giống đến dân tộc và nhân loại. Như vậy phải có một Đấng dựng nên loài người, Đấng ấy chính là Đức Chúa Trời của đạo Gia-tô (Giê-xu). Khi đặt đến ý nghĩa Đức Chúa Trời là nguồn gốc của muôn loài vạn vật, linh hồn tôi như đang nhận được ánh sáng của chân lý cứu rỗi nhưng trong chính giờ phút ấy, bằng một tâm linh bàng hoàng xúc động, tôi nhận thấy quá khứ mình như trở lộn về với một bản ngã trần trụi đầy dẫy những ô uế xấu xa, giả dối, ôm ấp những dục vọng và tội lỗi thấp hèn. Làm thế nào có thể thờ phượng Đức Chúa Trời cho được? Tôi hết sức lo âu gần như hoảng hốt trong trạng thái tinh thần đau khổ và căng thẳng cùng tột ấy. Tôi tự hỏi: Phải làm sao để được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời?

            Ánh sáng của chân lý đã đến với tôi, sau những năm tháng dò dẫm trong bóng tối. Vào mùa xuân năm 1919, tại nhà giảng Hải Châu (Đà Nẵng), tôi đã quỳ gối tin nhận Đức Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của đời mình, vì Ngài đã gánh vác tội lỗi tôi và chết trên thập tự giá vì cớ tôi.

            Lúc ấy có giáo sĩ E.F. Irwin là người mấy năm trước đã bị tôi ném đá chứng kiến.

  1. Những bước chập chững trong ánh sáng của lời Sự Sống.

Tôi thật sự trở nên một người mới trong Chúa. Gã thanh niên lúc trước ương ngạnh, thường hay làm ồn ào giữa đám đông, khuấy rối, cản trở bằng mọi cách không cho người khác vào nghe giảng, hoặc cãi vã la lối làm mất trật tự mỗi khi rao giảng xong – bây giờ trở nên sốt sắng đến dự các buổi giảng Tin lành – thường ngồi ở hàng ghế thứ hai trong các buổi nhóm cầu nguyện hoặc thờ phượng. Gã thanh niên đó chính là tôi. Tay tôi không còn lăm le những viên đá nữa, nhưng chỉ có một quyển Tin lành Giăng lúc nào cũng kề cận bên mình (vì lúc bấy giờ những sách khác chưa được phiên dịch sang tiếng Việt).

            Từ ngày công khai tin nhận Chúa, tôi được người ta gán cho một cái tên mới: “Thầy Gia-tô”, “Anh Gia-tô”, có khi “Thằng Gia-tô”. Tại miền Trung, lúc bấy giờ người ta gọi các giáo sĩ Tin lành là ông Gia-tô… người theo đạo Tin lành là người Gia-tô, bởi Giê-xu Christ được dịch sang Hán văn là Gia-tô Cơ đốc…

            Tại miền Bắc, trái lại người ta gọi đạo Tin lành là Đạo Rối. Đi đến đâu cũng đều nghe dân chúng áp dụng một lối gọi như vậy. Nguyên nhân có lẽ do ác ý của một nhóm người bảo thủ, có thành kiến, muốn đánh lạc chân lý của Tin lành, dùng hai chữ “Đạo Rối” để xuyên tạc gây một tiếng vang không tốt đối với đạo Chúa giữa các giới đồng bào chăng?

          Khác với đồng bào miền Trung và miền Bắc, đồng bào miền Nam gọi đạo Tin lành là “đạo Hoa Kỳ”. Không hiểu bởi lý do nào mà họ đã “Mỹ hóa” đạo Chúa như vậy, mặc dầu những tấm bảng treo trước phòng giảng đều được đề là Hội Thánh Tin Lành… Có lẽ họ thấy phần đông các giáo sĩ giảng Tin lành đều là người Hoa Kỳ, nên đã gọi như vậy cũng nên.

            Ngay từ buổi đầu, việc xưng hô danh hiệu của Tin lành đã gặp nhiều khó khăn. Ba miền dùng ba từ ngữ khác nhau, mà mỗi từ ngữ đều mang tính chất khinh thường hoặc châm biếm, xuyên tạc sự thật. Những người có ác ý với giáo hội Tin lành lợi dụng triệt để tình trạng bất lợi ấy để gieo rắc nghi ngờ, chia rẽ nhằm mục đích bất chính là ngăn trở công việc đầu tiên của Chúa ở Việt Nam. Nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã sắp đặt cách lạ lùng cho Hội Thánh Ngài, “Hội Thánh chỉ có một Thánh Linh”, Đức Chúa Trời tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được ích chung” (1Côr 12:7; 2Côr 12:4).  

  1. Tạm rời gia đình.

            Bây giờ tôi xin trở lại những ngày đầu tiên tôi mới tin nhận Chúa. Thật, khi đức tin vừa chớm nở và niềm hy vọng đang lên, thì những sự bắt bớ cũng từ khắp các nơi tràn về nhằm ngăn trở và phá tan những mầm mống ấy.

            Sự bắt bớ khởi đi từ những bạn bè của tôi lúc trước đã từng sống chung trong tính hư tật xấu, đến những người trong họ, ngoài làng. Tôi đi đâu cũng nghe người ta xầm xì to nhỏ: “… thật tội nghiệp cho cái gia đình đó. Tội nghiệp cho ông cụ già có hai thằng con trai bất hiếu, chúng theo đạo hết, sau nầy ai cúng giỗ ông bà? Nhà vô phước!” Đó là đại khái những câu nói thường nhật nơi cửa miệng của những người trong thành phố hoặc trong xóm tôi ở.

            … Bởi đó, ngoài việc gia tăng thì giờ cầu nguyện đặc biệt xin Chúa cứu ông thân tôi và gia đình… Tôi thiết tha xin Chúa giúp tôi tạm rời khỏi gia đình ít lâu. Trước là để tránh sự bắt bớ của bạn hữu, xóm làng, sau để khỏi phải nhìn nét mặt buồn phiền của ông thân tôi. Nhiều đêm nước mắt tôi hòa với mồ hôi trong những giờ cầu nguyện. Trước khi đi, tôi lặp đi lặp lại câu nầy với Chúa: “Xin Chúa giúp đỡ con, gìn giữ và dẫn dắt con trong lúc còn tuổi trẻ phải lìa gia đình để giữ vững đức tin”.

            … Tôi xuống tàu thủy ở bến Đà Nẵng đi Huế. Mặc dầu ở Huế có nhiều bà con, nhưng tôi không đến nhà một người nào cả. Tôi cương quyết chỉ nhờ cậy sự giúp đỡ của Chúa và theo sự dẫn dắt của Ngài mà thôi. Ra khỏi tàu, trong khi rảo bước đi về hướng chợ Đông Ba, thì một người lạ đến bắt tay niềm nở mời tôi về nhà chơi. Vừa theo người ấy, tôi vừa suy nghĩ không biết ông ta là ai. Về đến nhà, nhờ sự giải thích của ông, tôi mới biết ông là một nhà thầu khoán. Ông có một người cháu đã làm việc với ông thân tôi nhiều năm nên rất quen biết tôi. Khi thầu được công trường… họ đã viết thư cho người vào Đà Nẵng gọi tôi. Khi gặp tôi tại Huế, họ tưởng là tôi đã nhận được thư rồi, nên đón tiếp rất niềm nở. Lúc bấy giờ, tôi chỉ nói được một câu: “Cám ơn Chúa” vì tôi biết rằng: “Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người” (Châm 16:9b).

            … Chúa giúp tôi giải quyết được những khó khăn của vấn đề tài chánh nhưng Ngài còn cho tôi có cơ hội phát triển sung túc nữa là khác. Sau giờ làm việc, tôi vẫn cầu nguyện và xem đi xem lại quyển Tin Lành Giăng… Tâm linh tôi buồn bã trước những vui thú của đời nầy và luôn luôn cảm thấy cô quạnh giữa một xã hội náo nhiệt. Do đó, tôi quyết định rời bỏ công trường mà công việc làm ăn đang thịnh vượng để đi tìm một công trường khác – công trường thuộc linh.

            Tôi sắp đặt công việc trao trả cho chủ thầu và trở lại quê nhà sau gần một năm xa cách. Chúa giúp đỡ tôi thi hành mọi sự đều được may mắn. Chúa nhìn thấy mọi ước vọng của lòng tôi… Chúa biết lòng tôi tha thiết muốn đưa nhiều người đến với Ngài. Chúa biết tôi nặng lòng với công trường thuộc linh hơn là công trường thế gian, nên khi tôi đi cũng như lúc tôi về, Ngài đều giúp đỡ tôi luôn luôn được may mắn và dễ dàng.

  1. Học Phước âm yếu chỉ.

            Bước đầu trong cuộc hành trình theo Đức Chúa Giê-xu của tôi là trở lại học “Phước âm yếu chỉ” để chịu báp-tem… Tôi muốn được tha tội. Tôi ham thích sự ban cho của Đức Chúa Trời, bởi đó, hằng tuần tôi đều để thì giờ đi học giáo lý. 

…Sau khi chịu báptem… có một việc xảy đến nhằm thử thách đức tin chúng tôi… Chúng tôi thường đi với các giáo sĩ để giúp đỡ sắp xếp buổi nhóm, và làm chứng cho người chưa biết Chúa. Một tối nọ, vừa ra đến khỏi sông thì giông tố nổi lên, nước tràn vào đò, mọi người đều sợ hãi. Trong đêm tối có những tiếng kêu la thất thanh. Phần đông những người đi chuyến đò nầy đều chưa tin Chúa. Chúng tôi khuyên ai ngồi chỗ nào cứ ngồi yên chỗ nấy. Riêng tín đồ thì cầu nguyện và hát thánh ca.

            Khi chúng tôi đang hát, thì nghe tiếng của những người chèo đò la hoảng: “Chết rồi, đứt một quai chèo rồi!” Nhưng chúng tôi cứ hát cho đến khi đò tấp vào bờ, cách xa đến độ hơn trăm thước. Thuyền đầy ắp nước gần chìm. Mọi người chúng tôi đều ướt như chuột, nhưng tạ ơn Chúa gìn giữ, tất cả đều bình an. Sau đó, có bốn người đi chung chuyến đò ấy đã trở lại tin nhận Chúa. Thật Chúa dùng cơn bão làm tăng thêm đức tin chúng tôi và làm sáng danh Ngài.

  1. Một người tin cả nhà được cứu.

            Tháng 5 năm 1924, có một hội đồng nhóm tại Đà Nẵng, được mệnh danh là Hội đồng Phục hưng lần thứ nhất. Diễn giả chính là mục sư Hoàng Nguyên Tố, người Trung Hoa…

            Từ trước tới nay, ngoài sự khẩn thiết cầu xin Chúa cứu ông thân chúng tôi và gia đình, chúng tôi còn nhờ Hội Thánh và các ông bà đã tin Chúa tìm đủ cách để dẫn dắt gia đình chúng tôi trở lại với Chúa. Nhân lúc có Hội đồng… chúng tôi nhờ một người quen mời ông thân tôi đi nghe. Cám ơn Chúa, ông cụ nhận lời…

            Sau giờ giảng, chúng tôi cùng ông cụ về nhà ăn cơm tối. Trong bữa ăn, chúng tôi cố tình nhắc lại bài giảng để dọ ý ông cụ thế nào. Ông cụ gật đầu tỏ ý thán phục: “Họ nói phải lắm”. Nghe câu ấy chúng tôi rất mừng rỡ nên hỏi lại: “Thưa, thầy đã nhận là họ nói phải lắm, vậy thầy tưởng có nên làm theo không?” Ông cụ suy nghĩ hồi lâu mới lên tiếng: “Làm theo cách nào?” Chúng tôi trình bày thêm để ông cụ được rõ là bất cứ ai hễ tin nhận Đức Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa thì tội lỗi được tha và linh hồn được cứu. Sau đó, chúng tôi cũng đọc cho ông cụ nghe lời Chúa phán: “Nếu các ngươi chẳng tin Ta là Đấng đó, thì chắc sẽ chết trong tội lỗi các ngươi” (Giăng 8:24). Ngài đã nói cách quả quyết cùng mọi người rằng: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:24). Đó là một sự kiện chắc chắn, vì “hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).

            Cụ lại hỏi: “Tin là làm sao?” Chúng tôi giải thích: Tin là lấy lòng thành kính quỳ gối xuống cầu nguyện, nhận mình là người có tội, và bằng lòng tiếp nhận Giê-xu Christ làm Cứu Chúa để tội ấy được tha, và nhận lãnh sự yêu thương của Đức Chúa Trời. Cụ bằng lòng quỳ gối giữa nhà. Anh tôi là mục sư Lê Hoàng Long và tôi cầu nguyện cho cụ tin nhận Chúa.

            Sau khi cầu nguyện và hát ngợi khen, chúng tôi nhìn thấy nét mặt cụ rạng rỡ và đôi mắt sáng ngời. Cụ muốn nghe nói thêm về chuyện Kinh Thánh. Chúng tôi liền phân tích để ông cụ rõ về câu chuyện thế nào là thờ phượng thật và thế nào là không thật mà Chúa Giê-xu đã nói với người đàn bà Sa-ma-ri. Chúng tôi nhắc lại câu: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy”, để xin cụ cất bỏ bàn thờ trong nhà đi. Cụ tươi cười bảo: “Bay muốn làm gì thì làm”. Chúng tôi hết sức ngợi khen Chúa và bắt tay vào việc ngay. Tất cả những đồ thờ phượng bằng gỗ trên ba bàn thờ lớn giữa ba căn nhà đều được dọn ra ngoài sân. Nội trong đêm đó, chúng tôi đập bể và đốt hết, đến hơn mười hai giờ khuya mới xong. Trở vào nhà, chúng tôi sung sướng cầu nguyện tạ ơn Chúa. Đó là lần cầu nguyện đầu tiên trong gia đình không bị ngăn trở bởi bàn thờ. Ha-lê-lu-gia!

            Đức tin của ông thân chúng tôi ngày càng thêm mạnh mẽ, dù gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng vẫn cứ kiên định cho đến khi về nước Chúa.

            Tiếp theo đó, bà kế mẫu của chúng tôi cũng đã tin nhận Chúa qua một cơn bạo bệnh. Sau khi đã uống nhiều thuốc của hai ông đông y, bà được đưa vào bệnh viện để được chữa bằng thuốc tây, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Tất cả mọi người trong gia đình đều thất vọng. Trong khi đó thì chúng tôi âm thầm cầu xin Chúa cứu mẹ chúng tôi. Và quả thật bởi ơn của Chúa, bà được chữa lành một cách lạ lùng. Do đó, bà vui lòng tin nhận Chúa. Bởi phép lạ ấy, có mấy người trong họ ngoại chúng tôi thức tỉnh ăn năn. Các chị và các em chúng tôi cũng vậy, đều lần lượt trở lại với Chúa và dâng mình hầu việc Ngài, cho đến ngày nay vẫn còn đứng vững trong chức vụ cách đầy ơn. Thật đúng như lời Chúa phán: “Một người tin cả nhà được cứu”.       

 

 

 

Post CommentLeave a reply