CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 05.12.2021
By Quản trị in NAM GIỚI on 30 Tháng Mười Một, 2021
Chúa nhật 05.12.2021
- Đề tài: QUYẾT ĐỊNH KHÔN NGOAN.
- Kinh Thánh: Giô-suê 24:1-33.
- Câu gốc: “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm ngôn 9:10).
- Đố Kinh Thánh: 1Sử ký 13-15.
- Thể loại: Giải đáp thắc mắc.
* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 29.08.2021).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Tôi không nhớ hết bài thơ vịnh tuổi già của Mục sư Lưu Văn Mão, chỉ nhớ được câu đầu như vầy: “Vừa mới cậu mà nay đã cụ rồi”. Đời người thật thấm thoát thoi đưa. Cái hạn trăm năm tính ra thì dài, nhưng ngẫm lại quá ngắn cho một đời người. Nhiều công trình chưa kịp hoàn tất thì “Cái già xồng xộc nó thì đến ngay”. Các đầy tớ Chúa biết mình già cả, không đủ sức làm công việc Chúa như thuở đương thì đều tìm cách trao gánh nặng cho lớp người trẻ. Đồng thời họ cũng quan tâm đến lớp người trẻ bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm, khích lệ, cầu nguyện và thông cảm những nỗi khó khăn mà những người trẻ phải đương đầu.
Chúng ta hãy nghe lời của một đầy tớ Chúa già nua nhắn nhủ với lớp người trẻ tâm tình của mình như sau: “Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi. Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm nầy bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy; vì tôi biết tôi phải vội lìa nhà tạm nầy, như Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đã bảo cho tôi” (2Phi-e-rơ 1:12-14). Giô-suê cũng vậy, khi biết mình “là lão già đã cao tuổi rồi”, sắp phải “Đi đường cả thế gian phải đi” (23:2,14). Giô-suê cần nói vài điều với lớp người trẻ kế tiếp công việc của Chúa.
Trong đoạn 23, chúng ta thấy Giô-suê nhắc nhở cả dân sự phải vâng lời Chúa (c.6), phải phân rẽ với dân ngoại (c.7-8), phải kính mến Chúa (c.11). Qua đoạn 24, Giô-suê tụ họp toàn dân tại Si-chem. Để giúp những người kế tiếp ông có một quyết định quan trọng trước khi ông trao trọng trách cho họ.
- Lý Do Nhóm Hiệp (24:1-2a).
Chiến thắng, thành công thật là vinh dự cho cả cá nhân lẫn tập thể. Dân Y-sơ-ra-ên đã chiến thắng, đã chinh phục, đã chiếm được đất hứa. Họ sẽ nhớ đời những trang sử vàng lập quốc. Để dạy dân Y-sơ-ra-ên biết nguyên tắc duy trì tình trạng tốt đẹp của xứ sở Chúa đã ban cho họ “Giô-suê bèn nhóm hiệp các chi phái Y-sơ-ra-ên tại Si-chem”. Để hướng dẫn toàn dân đến một quyết định quan trọng, hầu xứ sở tiếp tục ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời.
Tại sao Giô-suê không triệu tập dân sự đến Si-lô là nơi có đền tạm của Đức Chúa Trời, mà lại triệu tập dân sự tại Si-chem? Bởi vì Si-chem là nơi Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng Áp-ra-ham mà phán rằng: “Ta sẽ ban dòng dõi ngươi đất nầy! Rồi tại đó Áp-ra-ham lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, là Đấng đã hiện đến cùng người” (Sáng 12:6-7). Si-chem cũng là nơi Gia-cốp lập bàn thờ cho Chúa và loại bỏ hình tượng ra khỏi nhà ông (Sáng 33:18-20; 35:2-4).
Giô-suê dẫn họ đến địa danh trên để gợi nhớ lời hứa của Chúa cùng tổ phụ họ, gợi nhớ đến sự loại bỏ hình tượng mà tổ phụ đã làm. Dân sự đã hưởng lời hứa thì cũng phải hành động như tổ phụ.
Cả dân Y-sơ-ra-ên “Đều ra mắt trước mặt Đức Chúa Trời”. Giô-suê đã dẫn dân sự đến trước mặt Chúa để bàn giao công việc của ông cho người kế tiếp như Môi-se đã làm (Phục truyền 31).
Tinh thần trách nhiệm thật quan trọng cho bất cứ ai muốn được Chúa dùng trong vị trí lãnh đạo. Người lãnh đạo không được phép “rửa tay” hay chỉ biết chu toàn trong thời gian trách nhiệm. Song phải nghĩ đến những người mình sẽ phải trao trách nhiệm để tiếp nối công việc Chúa.
- Nhóm Hiệp Lập Ước (24:11-16).
Chúng ta dễ lâm vào trường hợp “vong ơn bội nghĩa” khi chúng ta quên ân nghĩa. Vua Đa-vít rất sợ lâm vào cảnh nầy đối với Chúa nên tự dặn lòng mình: “Hỡi linh hồn ta hãy ngợi ca Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài” (Thi thiên 103:2).
Trước khi Giô-suê hướng dẫn dân sự tái lập giao ước với Chúa, ông nhắc lại cho họ nhớ thể nào về nguồn gốc dân tộc. Chúa bảo vệ dân sự Ngài, và bởi ân sủng Chúa dân Y-sơ-ra-ên đã nhận đầy đủ mọi phước hạnh cả vật chất lẫn tinh thần. Giô-suê nhắc lại Lời Chúa rằng: “Ta ban cho các ngươi đất mà các ngươi không có cày, những thành mà các ngươi không có xây, và các ngươi ở đó; những vườn nho và cây Ô-li-ve mà các ngươi không có trồng, để dùng vật thực cho các ngươi” (c.13).
Ngày nay Chúa thường nhắc chúng ta nhớ điều gì? “Còn anh em đã chết về lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đương hành động trong các cơn bội nghịch”. Thế mà, “Ấy là nhờ ân sủng bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời”. Để rồi “Ngài xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3; 2:1,2,8).
Sau khi nhắc nhở về những ơn lành mà Chúa đã dành cho dân sự, Giô-suê dẫn họ vào lập ước với Đức Chúa Trời. Giô-suê kêu gọi họ: “Hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín”. “Kính sợ” là tấm lòng tôn kính tối thượng đối với Đức Chúa Trời. Chỉ bởi lòng “kính sợ” mới khiến con người “Phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín”. Chữ “phục sự” được nhắc đến 6 lần trong hai câu 14,15. “Phục sự” Đức Chúa Trời là hành động phải lẽ và quan trọng. Dầu vậy Giô-suê không cưỡng ép dân sự phải “kính sợ” và “phục sự” Chúa. Giô-suê cho họ có quyền tự do quyết định, lựa chọn Đấng mà họ muốn “kính sợ” và “phục sự”.
Trước đây Giô-suê nhắc đến thể nào Đức Chúa Trời đã chọn Áp-ra-ham và dân Y-sơ-ra-ên là dân của Ngài. Bây giờ dân Y-sơ-ra-ên cũng có thể chọn Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ để “Kính sợ” và “Phục sự”. Nếu không thỏa lòng họ có thể chọn một thần nào khác cho mình. Nhưng riêng Giô-suê và gia đình quyết định chọn “Ta và nhà ta phục sự Đức Giê-hô-va”. Nguyện Chúa cho chúng ta đồng lòng nói như Giô-suê đã nói. Để đáp ứng lời kêu gọi của Giô-suê, dân sự đã đáp ứng một cách nhiệt thành.
- Lập Ước Quyết Định (24:22-25).
Giô-suê nói với dân sự rằng: “Các ngươi không đủ sức phục sự Đức Giê-hô-va vì Ngài là Đức Chúa Trời thánh, Đức Chúa Trời kỵ tà” (c.19). Muốn phục sự Chúa, trước hết “hãy cất các thần ngoại bang khỏi giữa các ngươi đi, hãy xây lòng về cùng Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (c.23).
Biết bao người đã lập ước với Chúa, đồng chết đồng sống lại với Ngài. Nhưng chúng ta sẽ không hội đủ điều kiện để sống như Ngài, hầu việc Ngài, mang ách chung với Ngài nếu chúng ta không “Cất bỏ thần ngoại bang khỏi giữa” chúng ta.
Sứ đồ Giăng nhắc nhở: “Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng” (1Giăng 5:21). Hình tượng của con cái Chúa là gì? Nó là những gì đem lòng chúng ta đi xa với ý muốn của Đức Chúa Trời.
Hình tượng có thể là sự ham muốn một nền học vấn cao, tiền bạc nhiều, danh vọng, địa vị, vui chơi ở đời nầy. Lời Chúa Giê-xu dạy rằng: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ” (Ma-thi-ơ 6:24). Chúng ta có quyết định phục sự Chúa và nghe theo lời Ngài chưa? Chẳng ai có thể phục sự Chúa mà chẳng nghe theo lời Ngài chỉ dạy.
Xin Chúa giúp chúng ta ý thức được sự quan trọng trong việc làm trọn mọi điều Chúa chỉ dạy qua Lời Ngài, để được Chúa ban cho một đời sống chiến thắng.