Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024

By Mai hdenayun in THIẾU NHI on 19 Tháng Mười Một, 2024

BÀI 11. TRÁI THÁNH LINH TRONG ĐỜI SỐNG PHAO-LÔ

I. KINH THÁNH: 2 Cô-rinh-tô 6:3-10.

II. CÂU GỐC: “Đừng để người ta khinh con vì trẻ tuổi, nhưng phải lấy lời nói, cách cư xử, lòng yêu thương, đức tin và sự trong sạch mà làm gương cho các tín hữu.”(1Ti-mô-thê 4:12).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

   – Biết: Phao-lô vâng phục Đức Thánh Linh trong lời nói việc làm, và đời sống được kết trái Thánh Linh.

   – Cảm nhận: Đời sống kết trái Thánh Linh sẽ làm gương và làm chứng về Chúa cho người khác.

   – Hành động: Bày tỏ đời sống có trái Thánh Linh trong Hội Thánh, gia đình, trường học, quan hệ bạn bè, để làm gương tốt cho mọi người.

IV. GIÁO VIÊN SUY GẪM.

   Vào khoảng năm 50 S.C, Phao-lô đến thành phố Cô-rinh-tô. Thành phố nầy đầy dẫy những miếu thờ tà thần, đạo đức xuống thấp. Lúc đó, Phao-lô cộng tác với hai vợ chồng A-qui-la cùng lo công việc Chúa và thành lập Hội Thánh Cô-rinh-tô. Ông hầu việc Chúa tại đó hơn một năm rưỡi. Sau đó bị vu cáo và công kích, nên ông rời khỏi đó.

   Sau khi Phao-lô đi khỏi, Hội Thánh có sự lộn xộn. Các tín đồ chia bè kết đảng, hành vi bại hoại…Phao-lô đã viết một bức thư cho Hội Thánh Cô-rinh-tô nhưng tình trạng vẫn không thay đổi. Thế là ông đích thân đến giải quyết, nhưng kết quả là đôi bên đều không vui.

  1. Trong thư 1Cô-rinh-tô, Phao-lô từng xử lý một anh em trong Hội Thánh Cô-rinh-tô dâm loạn cùng mẹ kế mình. Có lẽ sau nầy, người nầy cùng với vài người nữa trả thù, công kích chức vụ sứ đồ của Phao-lô.
  2. Phao-lô hứa là sẽ đến thăm Hội Thánh Cô-rinh-tô, nhưng ông chưa thực hiện. Những người chống đối ông nói rằng, ông không đáng tin. Họ còn nói Phao-lô quyên góp tiền cứu trợ cho những tín đồ nghèo ở Giê-ru-sa-lem để bỏ túi riêng nữa.

   Phao-lô viết một lá thư khác cho Hội Thánh Cô-rinh-tô và nhờ Tít đem đi. Sau đó, Tít trở về đem theo tin tức các tín đồ đã ăn năn. Trong sự vui mừng, Phao-lô viết thư 2Cô-rinh-tô, giải thích nguyên nhân thay đổi hành trình, bênh vực chức vụ sứ đồ của mình, đồng thời đưa ra lời khuyên bảo các tín đồ.

   Phao-lô khuyên Hội Thánh Cô-rinh-tô phải trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời, dạy bảo họ đừng nhận lãnh ân điển của Chúa một cách vô ích, mà phải đáp ứng ngay, vì “hiện nay là thì thuận tiện” (2Cô-rinh-tô 6:2). Tiếp đến là nội dung khuyên bảo, cũng chính là phân đoạn Kinh Thánh của bài này (2Cô-rinh-tô 6:3 10). Qua phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta thấy Phao-lô trung thành phục vụ Chúa, trau dồi những phẩm chất mà một tôi tớ Đức Chúa Trời phải có. Phối hợp với tư liệu bối cảnh, chúng ta có thể biết trái Thánh Linh được nẩy nở trong đời sống của Phao-lô.

   – Tình Yêu Thương: Phao-lô không nuông chiều tín đồ Cô-rinh-tô. Ông dùng lời lẽ nghiêm khắc khiển trách họ. Tuy nhiên, Phao-lô rất yêu thương họ. Ông luôn lấy tình yêu thương của Chúa để dạy bảo họ, đặc biệt là khi Hội Thánh có vấn đề, ông lập tức viết thư và đến thăm. Điều đó thể hiện tình yêu thương trong đời sống một cách cụ thể nhất (“lòng yêu thương thật tình”, câu 6).

   – Sự vui mừng: Phao-lô cũngcó lúc buồn rầu, nhưng buồn rầu không làmcho ông tuyệt vọng. Ngược lại, ông có cách chiến thắng sự buồn rầu. Đó là ông đặt lòng tin nơi Chúa để được vui mừng. “Ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng” (câu 10).

   – Hòa thuận: Chức vụ của Phao-lô là khuyên mọi người trở lại hoà thuận với Đức Chúa Trời, hầu hưởng được ân điển và sự bình an của Ngài. Ngoài ra, ông còn chủ động hòa thuận với các tín hữu Cô-rinh-tô bằng cách viết thư và đến thăm họ.

   – Nhịn nhục: Phao-lô từng bị một số tín hữu Cô-rinh-tô đối xử lạnh nhạt, nhưng ông không nản lòng từ bỏ, mà nhịn nhục chịu đựng sự đối đãi không tốt của người khác. Trong khi đi khắp nơi rao truyền Tin Lành, ông đã chịu đựng mọi thứ hoạn nạn (nhịn nhục, câu 4).

   – Nhân từ: Phao-lô không gây cớ vấp phạm cho người khác. Từ đó, chúng ta có thể thấy được, ông luôn mong muốn người khác được phước, được ích lợi (chẳng làm cho ai vấp phạm, câu 3).

   – Hiền lành: Vì cớ lòng nhân từ nên Phao-lô có những hành động rất hiền lành như: Viết thư khuyên bảo họ phải hòa thuận với Đức Chúa Trời, cải thiện mối quan hệ với nhau…

   – Trung tín: Phao-lô nói với các tín hữu Cô-rinh-tô rằng, ông lấy lòng chân thành, thật thà để đến với họ, hoàn toàn không có động cơ ích kỷ (là kẻ thật thà, câu 9).

   – Khiêm nhu: Sự khuyên bảo của Phao-lô đối với Hội Thánh Cô-rinh-tô hình dung như là người cha nói chuyện với con cái  (2Cô-rinh-tô 6:13).

   – Tiết độ: Phao-lô hạn chế bản thân, từ bỏ cuộc sống thoải mái để rao truyền Tin Lành (câu 3-6).

V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

   *Trò chơi: VU OAN NGƯỜI TỐT.

  1. Chuẩn bị: Vài cái đồ chơi, chọn 2 hoặc 3 em làm “nhân viên bảo vệ”.
  2. Mục đích: Cho các em có cảm nhận và phản ứng như thế nào khi bị người khác vu cáo.
  3. Thực hiện: Chia các em làm 3 hạng người: Nhân viên bảo vệ, nhóm người bình thường, nhóm người đặc biệt. Các em không biết mình ở trong nhóm người nào, chỉ có giáo viên và nhân viên bảo vệ biết mà thôi.

   – Giáo viên mời các em ở hai nhóm chơi đồ chơi đã chuẩn bị sẵn, và cho các em biết là nhân viên bảo vệ sẽ có trách nhiệm giữ trật tự. Nếu ai vi phạm quy tắc thì nhân viên bảo vệ sẽ tịch thu đồ chơi.

   – Nhân viên bảo vệ (theo sự sắp đặt trước của giáo viên) vô cớ chỉ trích nhóm “người bình thường”, cho rằng nhóm nầy đã vi phạm quy tắc. Sau đó tịch thu đồ chơi, trong khi đó “nhóm đặc biệt” không bị như vậy (giáo viên chú ý sự cảm nhận và phản ứng của các em).

   – Sau khi chơi, nói cho các em biết: “Nhóm bình thường” dù giữ quy tắc như thế nào cũng bị cho là phạm quy. Hỏi các em: “Khi bị người khác vu cáo, các em cảm thấy thế nào? Làm thế nào để nhân viên bảo vệ hiểu? Có cách giải quyết nào tích cực không?

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   Các em thân mến! Khi các embị người khác vu cáo, các em cảm thấy buồn, đôi khi tức giận nữa phải không? Sứ đồ Phao-lô cũng từng bị các tín đồ Hội Thánh Cô-rinh-tô vu cáo. Chúng ta xem ông có phản ứng như thế nào nhé!

  1. Bài học.

   Phao-lô là người đã thành lập Hội Thánh Cô-rinh-tô. Một năm rưỡi sau, ông phải rời khỏi đó vì bị các tín hữu Cô-rinh-tô vu cáo. Một thời gian sau, ông lại nghe trong Hội Thánh xuất hiện sự gian dâm, luông tuồng, tham lam, thờ hình tượng, chia rẽ…Ông liền viết thưc cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, dạy họ cách xử lý và vạch kế hoạch trong thời gian sớm nhất sẽ đến với họ.

   Không ngờ, khi Phao-lô đích thân đến giải quyết thì không những họ không nghe, mà còn công kích, chống đối, chỉ trích Phao-lô là kẻ giả dối, không phải là sứ đồ, lấy tiền quyên góp cho các tín hữu nghèo tại Giê-ru-sa-lem để bỏ túi riêng…Nếu ở trong trường hợp của Phao-lô, các em cảm thấy thế nào? Và phản ứng ra sao? (Cho các em nói ra cảm nghĩ của mình).

   Trước tình hình đó, Phao-lô có phản ứng như thế nào? Ông có trái Thánh Linh trong đời sống như điều ông đã dạy trong Ga-la-ti 5:22 không? Chúng ta xem (2 Cô-rinh-tô 6:3-10) nhé! (Cho các em mở Kinh Thánh và đọc phân đoạn nầy).

   – Câu 3 “Chúng tôi không làm cớ vấp phạm cho ai, để chức vụ mình không bị chỉ trích”. Phao-lô nói ông cố gắng trong lời nói, hành vi không gây cớ vấp phạm cho người khác, không làm hòn đá vấp chân khiến họ không nhận lãnh được phước hạnh từ Đức Chúa Trời. Ông luôn quan tâm đến lợi ích của người khác, muốn người khác được phước. Qua đó, các em có thể nêu đặc tính trái Thánh Linh trong đời sống Phao-lô là gì? (Yêu thương, nhân từ).

   – Câu 4-5  “Nhưng trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là đầy tớ của Đức Chúa Trời: rất mực kiên trì trong hoạn nạn, gian khổ, tai ương, đòn vọt, tù đày, loạn lạc, nhọc nhằn, mất ngủ, nhịn đói”. Mới đọc chúng ta thấy dường như Phao-lô đang “khoe” về công lao của mình vậy. Nhưng thực ra, Phao-lô đang khoe sự yếu đuối của mình để quyền phép của Đức Chúa Trời được tỏ ra một cách toàn vẹn nơi ông, và cũng bày tỏ ông là tôi tớ Đức Chúa Trời. Ông kể ra 10 điều mà ông đã trải qua (cho các em kể ra). Dù gặp rất nhiều khó khăn như bị đánh đập, ngồi tù, thiếu thốn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng Phao-lô vẫn trung tín với sứ mạng giảng Tin Lành mà Chúa Jêsus đã giao phó. Ông từ bỏ cuộc sống thoải mái, kiêng ăn, tỉnh thức để việc rao truyền Tin Lành được đẩy mạnh. Qua đó, các em có thể nêu ra 2 đặc tính trái Thánh Linh trong đời sống của Phao-lô không? (Trung tín, tiết độ).

   – Câu 6-7 “trong sự thanh sạch, tri thức, nhẫn nhục, nhân từ, trong Đức Thánh Linh, trong tình yêu thương chân thành, trong lời nói chân thật, và trong quyền năng của Đức Chúa Trời; cầm vũ khí công chính trong cả tay phải lẫn tay trái; ”. Ông muốn làm những việc đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên giữ lòng thanh sạch, nói lời chân thật và dùng hành động để bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, ông cũng khoan dung, nhẫn nhục với các tín hữu Cô-rinh-tô khi họ vu cáo ông. Những phẩm đức tốt đẹp nầy chỉ xuất phát từ Đức ThánhLinh. Các em có thể nêu ra đặc tính của trái Thánh Linh trong đời sống của Phao-lô là gì không? (Yêu thương, nhịn nhục).

   – Câu 9-10, “Bị xem như những kẻ xa lạ, nhưng lại được mọi người biết đến; bị xem như gần chết, nhưng thật chúng tôi vẫn sống; xem như bị hình phạt, nhưng không bị giết chết; xem như buồn bã, nhưng luôn vui mừng; xem như nghèo thiếu, nhưng lại làm cho nhiều người giàu có; xem như không có gì, nhưng lại có tất cả.” Một số tín hữu Cô-rinh-tô chỉ trích chức vụ sứ đồ của Phao-lô. Họ nhìn bên ngoài để đánh giá, nhưng Phao-lô không để ý đến sự đánh giá của người khác, mà chỉ để ý đến người khác có đượclợi ích của Tin Lành hay không mà thôi. Cho nên trong câu 9-10, các em thấy những từ ngữ nào được lặp đi lặp lại nhiều lần? (Ngó như… nhưng mà…). “Ngó như…”, Phao-lô muốn chỉ cách nhìn của vài người nào đó đối với ông, “nhưng mà…” sự thật thì ngược lại.

   Ví dụ “Ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà”. Một số tín hữu Cô-rinh-tô cho rằng Phao-lô là kẻ giả dối, nhưng Phao-lô nói ông thật thà làm tôi tớ của Đấng Christ. “Ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ (ĐứcChúaTrời) quen biết lắm”. Những người chống đối Phao-lô không nhận tư cách sứ đồ của ông, nhưng Đức Chúa Trời hoàn toàn biết ông. Ông tin chắc vào sự kêu gọi của Ngài: “Gần chết…vẫn sống, bị sửa phạt…không đến chịu chết, buồn rầu…thường được vui mừng, nghèo ngặt…làm cho nhiều người được giàu có, không có gì cả…có đủ mọi thứ”. Những điều nầy mới là sự đánh giá đúng đắn nhất về chức vụ của ông. Qua đó, các em có thể nêu ra những đặc tính trái Thánh Linh trong đời sống của Phao-lô là gì? (Vui mừng, bình an, hiền lành…).

   (Sau đó, hướng dẫn các em thực hiện bài tập phần 1 “Lời biện hộ của Phao-lô” và phần 2 “Thất bại và thành công”. Đáp án phần 1: Chịu sự chỉ trích: Kẻ giả dối, lấy tiền quyên góp để bỏ túi riêng, không phải là sứ đồ. Cách giải thích: Viết thư. Biện hộ: Giữ mình không gây cớ vấp phạm cho người khác; chịu khổ, nhịn nhục như là tôi tớ của Đức Chúa Trời, thành thật phục vụ Chúa và anh em…Đánh giá bản thân: Tôi tớ của Chúa, chỉ có Chúa mới đánh giá ông một cách chính xác nhất. Phần 2: Cho các em viết ra trước, sau đó cùng nhau thảo luận. Đáp án: Giáo viên tham khảo trong phần “Giáo viên suy gẫm”).

  1. Ứng dụng.

   – Cho các em đọc câu gốc, sau đó hỏi các em: “Trong Hội Thánh, gia đình, trường học, trong vòng bạn bè, ai là tấm gương cho em? Vì sao?”

   – Cho các em làm bài tập phần 3 “Em làm gương sáng”. Sau đó khích lệ các em chia sẻ và thực hiện trong tuần nầy.

   – Cầu nguyện kết thúc: Xin Chúa cho các em có trái Thánh Linh trong đời sống để làm gương sáng cho người khác, và làm vinh hiển danh Chúa.

Post CommentLeave a reply