BÀI 1. ÁP-RA-HAM CẦU THAY (GV)
in QUÍ II. 2016, THIẾU NHI on 18 Tháng Một, 2018
BÀI 1. ÁP-RA-HAM CẦU THAY
I. KINH THÁNH: Sáng 18:16-33; 19:1-3,12-25.
II. CÂU GỐC: “Phải bền đỗ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào” (Cô-lô-se 4:2).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:
– Biết: Áp-ra-ham cầu thay cho dân thành Sô-đôm, và cả nhà Lót được cứu.
– Cảm nhận: Không chỉ cầu nguyện cho nan đề của riêng mình, mà phải biết cầu nguyện cho nan đề của người khác.
– Hành động: Liệt kê danh sách cần cầu thay, và cầu nguyện cho họ.
IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY
A. CHUẨN BỊ.
- Làm một bảng cầu thay bằng giấy bìa cứng. Trang trí thật đẹp và ghi những nan đề cần cầu nguyện. Bấm lỗ ở phía trên, cột dây và treo trong phòng học. Không quá cao để các em có thể thấy rõ ràng và khuyến khích các em cầu nguyện. Khi một nan đề được Chúa nhậm lời, bạn dán một cái hoa trước nan đề đó và thông báo cho các em biết để cảm tạ Chúa.
- Sưu tầm một số hình ảnh từ sách báo, tạp chí… nói về tội lỗi.
- Giấy bìa cứng, giấy màu, kéo, keo để làm thủ công.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
1. Vào đề.
Các em còn nhớ Áp-ram không? Vì sao Áp-ram rời quê hương ra đi? Cháu của Áp-ram là ai? Áp-ram và vợ khao khát điều gì? Họ có chờ đợi Chúa hành động không? Sau sự việc đó, Áp-ram được Đức Chúa Trời đổi tên. Từ đây trở về sau, chúng ta không gọi ông là Áp-ram nữa mà gọi là Áp-ra-ham, có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”.
2. Bài học.
Một ngày nọ, Áp-ra-ham tiếp hai vị khách đặc biệt, đó là hai thiên sứ của Chúa. Lần gặp nầy, Chúa hứa sang năm sẽ ban cho Áp-ra-ham một con trai. Khi hai vị khách chuẩn bị rời khỏi đó, Áp-ra-ham đưa tiễn, vừa đi vừa trò chuyện. Thiên sứ cho ông biết một tin xấu, Chúa chuẩn bị hủy diệt thành Sô-đôm, vì dân thành nầy làm nhiều điều ác, phạm tội với Đức Chúa Trời. (Sử dụng thị trợ 2 trong phần chuẩn bị).
(1) Lời cầu thay của Áp-ra-ham.
Áp-ra-ham nghe vậy, liền nhớ ngay đến cháu mình là Lót đang sống tại thành Sô-đôm. Ông thưa với Chúa: “Chúa ơi! Nếu như trong thành có năm mươi người tốt, Chúa cũng diệt họ sao? Xin vì năm mươi người nầy mà tha thứ, đừng hủy diệt thành”.
Chúa phán rằng: “Nếu trong thành Sô-đôm có năm mươi người tốt, thì vì tình thương những người đó, ta sẽ tha hết cả thành”.
Áp-ra-ham biết lòng nhân từ của Chúa thật lớn, nhưng ông cũng lo lắng. Sô-đôm tuy là thành phố lớn, nhưng chưa chắc có năm mươi người tốt. Vì vậy, ông nài xin tiếp: “Thưa Chúa, nếu lỡ thiếu năm người, chỉ còn bốn mươi lăm người, thì Chúa có tha thứ không?”
Chúa trả lời rằng: “Nếu có bốn mươi lăm người, ta cũng chẳng diệt thành đâu”.
Dầu vậy, Áp-ra-ham vẫn không an tâm, tiếp tục cầu thay cho dân thành Sô-đôm. Từ bốn mươi lăm người, ông hạ xuống còn ba mươi, hai mươi. Cuối cùng, ông kiên nhẫn cầu xin: “Xin Chúa đừng giận, để cho tôi thưa một lần nầy nữa thôi. Nếu chỉ có mười người, thì làm sao?” Ngài phán rằng: “Vì tình thương mười người đó, Ta cũng chẳng diệt thành đâu”.
Dù Đức Chúa Trời nhân từ, giàu lòng thương xót, nhưng tiếc thay, trong thành Sô-đôm chẳng tìm ra dù chỉ là mười người. Vì vậy, thành nầy phải bị hủy diệt.
(2) Kết quả sự cầu thay.
Khi Đức Chúa Trời quyết định hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ, thì Ngài nhớ lời cầu nguyện của Áp-ra-ham mà giải cứu Lót. Một buổi chiều, Lót đang ngồi trước cửa thành Sô-đôm, là nơi trung tâm buôn bán, thì thấy hai thiên sứ đi đến cửa thành. Lót đứng dậy tiếp rước và mời về nhà mình.
Ở trong nhà, thiên sứ cho Lót biết Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thành nầy, và dặn ông cùng vợ, con gái, con rể… đi ra khỏi thành ngay tức khắc, nếu không sẽ bị chung số phận với dân Sô-đôm.
Nghe vậy, Lót liền đi báo cho con gái và con rể biết, nhưng các chàng rể của Lót tưởng Lót nói giỡn nên không để ý gì cả.
Đến sáng hôm sau, hai thiên sứ thúc hối, nhưng Lót cứ chần chừ mãi. Cuối cùng, không thể chờ đợi được nữa, hai thiên sứ nắm tay kéo Lót, vợ và hai con gái dẫn ra khỏi thành, đồng thời phán dặn rằng: “Hãy chạy thật nhanh, đừng ngó lại đằng sau và cũng đừng đứng lại. Hãy chạy trốn lên núi, kẻo không kịp”.
Đáng lẽ phải vâng theo lời phán dặn của thiên sứ, nhưng Lót không đủ can đảm để tin rằng mình có thể chạy kịp trước khi thành bị hủy diệt. Vì thế ông xin được chạy đến ẩn núp tại một thành nhỏ gần đó, gọi là thành Xoa.
Thiên sứ đồng ý yêu cầu của Lót. Đức Chúa Trời đối với Lót thật nhân từ và thương xót, phải không các em?
Gia đình Lót chạy ra khỏi thành Sô-đôm rất vội vàng, không kịp mang theo bầy chiên, bò và tài sản. Thiên sứ đã nghiêm cấm họ không được ngó lại đằng sau hoặc dừng bước. Nhưng vợ của Lót không vâng lời, quay ngó lại thành Sô-đôm, nên hóa thành một tượng muối. Lót và hai con gái vừa đến thành Xoa, thì Đức Chúa Trời khiến lửa từ trời đổ xuống thiêu hủy hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ.
3. Ứng dụng.
Các em thân mến! Qua bài học nầy, các em thấy thái độ của Áp-ra-ham khi cầu thay như thế nào? (Ý kiến của các em là quý báu. Lắng nghe các em phát biểu và ghi trên bảng, rồi kết luận: Cầu nguyện là trò chuyện với Đức Chúa Trời).
Vì sao Áp-ra-ham có thể kiên nhẫn cầu thay cho Lót và dân thành Sô-đôm? (Áp-ra-ham quan tâm, và có lòng yêu thương). Các em nghĩ xem ai thường hay cầu nguyện cho các em? Tại sao cha mẹ, bạn thân của các em lại cầu nguyện cho các em? (Vì quan tâm, và yêu thương). Vậy thì các em hiểu định nghĩa của sự cầu thay là như thế nào rồi phải không? (Cho các em phát biểu. Cầu thay là trò chuyện với Đức Chúa Trời, thưa với Chúa những khó khăn của người mà mình quan tâm và yêu mến). Có điều gì các em phải cầu thay cho người thân và bạn bè không? Các em phải bày tỏ lòng yêu thương đối với họ bằng sự cầu thay, chắc chắn Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của các em và giúp đỡ họ, cũng như Ngài đã nghe lời cầu nguyện của Áp-ra-ham mà cứu Lót.
Kết thúc bài học, chị sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện có thật về một thanh niên tên Augustine. Augustine là một thanh niên rất hoang đàng, nhưng mẹ của anh là một phụ nữ yêu mến, kính sợ Chúa. Thấy con hư hỏng, bà rất buồn và luôn luôn cầu nguyện cho con mình. Một ngày nọ, Đức Chúa Trời đã đụng chạm vào tấm lòng của Augustins khiến anh rất xúc động. Từ đó anh ăn năn tội, tin nhận Chúa, đời sống được thay đổi và dâng mình hầu việc Ngài.
Cầu thay đem lại kết quả thật lạ lùng. Vậy, cứ tiếp tục bền đỗ trong sự cầu thay, các em nhé!
(Cho các em nêu các nan đề cần cầu thay và cầu nguyện).