Tác giả: andynguyen

BÀI 7. CA-IN VÀ A-BÊN (HV)

BÀI 7. CA-IN VÀ A-BÊN (HV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 7. CA-IN VÀ A-BÊN

 

I. KINH THÁNH: Sáng 4:1-16.

II. CÂU GỐC: “…Chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma qủi, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình” (1Giăng 3:11-12).

III. BÀI TẬP.

  A. Em đọc những câu sau đây, nếu câu nào nói về Ca-in thì điền chữ C, nếu nói về A-bên thì điền chữ A, còn nếu nói về Ca-in và A-bên thì điền chữ AC vào trước câu.

 

1……….  đều là con của A-đam và Ê-va.

2……….  là người chăn chiên.

3……….  dâng hoa quả cho Đức Chúa Trời.

4……….  được Đức Chúa Trời nhậm lễ vật.

5………. nổi giận vì Đức Chúa Trời không nhậm lễ vật.

  B. Hàng loạt tội lỗi.

Giết chết, nói dối, tội lỗi, hình phạt, A-bên, nổi giận, không ăn năn.

Em hãy chọn những từ ngữ ở trên để điền vào chỗ trống trong đoạn văn dưới đây.

Đức Giê-hô-va biết Ca-in…………….., Đức Chúa Trời cảnh cáo Ca-in………………..rình đợi trước cửa, nhưng Ca-in…………………………….. Một ngày nọ, Ca-in cùng…………….ở ngoài đồng, thì xông lên …………….A-bên. Khi Đức Chúa Trời hỏi Ca-in: “A-bên đâu rồi?”, Ca-in đã……………. Ông phải chịu …………….vì cớ tội lỗi.

  C. Vướng mắc của bạn Quốc Minh.

Quốc Minh phạm tội liên tục, em đánh dấu x vào những chỗ bạn ấy đã phạm.

  1. Quốc Minh phạm lỗi thứ nhất là gì?

– Học bài.           – Nói dối.

  1. Điều gì làm cho Quốc Minh phạm lỗi liên tục?

– Không chịu làm bài.          – Mê xem tivi.

  1. Khi đối diện với cám dỗ, Quốc Minh làm gi?

– Quốc Minh nghĩ không ai biết.

– Cầu xin Chúa giúp đỡ, đắc thắng tội lỗi.

Em không nên giống như bạn Quốc Minh. Khi phạm tội, em phải xưng tội, xin Chúa tha thứ và nài xin Chúa giúp đỡ để đắc thắng tội lỗi.

…Vào lúc 7 giờ tối.

Bài 7. CA-IN VÀ A-BÊN (GV)

Bài 7. CA-IN VÀ A-BÊN (GV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 13 Tháng Sáu, 2017

Bài 7. CA-IN VÀ A-BÊN

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 4:1-16.

II. CÂU GỐC: “Chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. Chớ làm như Ca-in, là kẻ thuộc về ma qủi, đã giết em mình. Vì sao người giết đi? Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình” (1Giăng 3:11-12).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Lòng ghen ghét nếu không biết dập tắt, sẽ dẫn đến tội lỗi.

– Cảm nhận: Không có tội lỗi nào, dù chỉ là một ý tưởng nhỏ có thể giấu khỏi Chúa.

– Hành động: Tránh gương xấu của Ca-in và học tập yêu thương mọi người.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. CHUẨN BỊ.

    1. Làm buổi trắc nghiệm không báo trước.

a. Công việc của A-đam là gì? (Trồng và canh giữ vườn Ê-đen).

b. A-đam và Ê-va phạm tội gì? (Kiêu ngạo và không vâng phục).

c. Đức Chúa Trời hứa điều gì sau khi con người phạm tội? (Hứa ban Chúa Cứu Thế).

d. Đức Chúa Trời làm thành lời hứa bằng cách nào? (Chúa Giê-xu giáng sinh).

    2. Phiếu thăm dò.

Phát mỗi em một tờ giấy nhỏ. Sau đó, cho các em ghi vào những điều mà mình hay vấp phải và khó có thể đắc thắng. Khuyến khích các em viết thật và không cần ghi tên.

3. Chuẩn bị một cái hộp nhỏ hoặc một cái túi nhỏ. Bỏ vào đó một cây đinh, một que diêm, một ít cát, và một cái lọ nhỏ chứa một ít nước.

4. Mẫu hình con chiên bằng giấy bìa cứng. Số lượng tùy thuộc vào số học viên. Bông gòn, hồ.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

    1. Vào đề.

Các em nhìn xem chị đang cầm trên tay cái gì đây? (Giơ cao hộp thị cụ lên). Các em có muốn xem nó chứa cái gì ở bên trong không? Trong nầy có một ít cát. Nếu chỉ có nhiêu đây thì không thể làm được gì, nhưng nếu tập hợp thật nhiều cát lại thì sẽ làm thành một sa mạc đấy.

Trong bình nầy chỉ có vài giọt nước không đủ để giải khát, nhưng nếu tập hợp nhiều nước lại thì có thể trở thành cơn lũ lớn.

Các em nhìn cây đinh nhỏ nầy. Nó có rất nhiều công dụng. Nhưng nếu các em không cẩn thận, đạp phải nó, thì có thể mắc bịnh phong đòn gánh làm nguy hại đến tính mạng.

Còn đây là một que diêm nhỏ, nhưng nó có thể thiêu hủy cả một tòa nhà lớn hay đốt cháy một khu rừng rộng.

Các em ạ! Những vật trên chỉ là những vật nhỏ bé, nhưng khi tập hợp lại hoặc sử dụng không cẩn thận, thì sẽ gây ra hậu quả không nhỏ. Tội lỗi cũng vậy, từ tội nhỏ, nếu không ăn năn, nó sẽ lớn dần và dẫn đến hành động gian ác. Tội lỗi có thể làm tiêu hủy cuộc đời của chúng ta, chúng ta sống trong tội lỗi, thì không thể vui vẻ được, mà còn đầy sự hận thù trong lòng. Các em biết không, trong Kinh Thánh có kể về hai anh em kia, người em kính sợ Chúa, còn người anh thì không. Tội lỗi sinh sôi nảy nở trong đời sống của người anh, khiến anh ta trở nên hung dữ và tàn bạo.

    2. Bài học.

     (1) Sự ra đời của Ca-in và A-bên.

Sau khi A-đam và Ê-va bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, họ phải sống trong sự vất vả và khó nhọc. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn yêu thương A-đam và Ê-va. Ngài ban cho họ một con trai. Ê-va nói rằng: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người” và đặt tên con là Ca-in. Không bao lâu sau, Ê-va sanh thêm một con trai nữa đặt tên là A-bên.

     (2) Sự trưởng thành của Ca-in và A-bên.

A-đam và Ê-va dạy dỗ cho các con trai mình nhiều điều, nhưng điều quan trọng nhất là dạy cho các con mình biết vâng phục Đức Chúa Trời, thực hiện những điều Chúa phán dặn. Vì chính ông bà đã từng trải vì cớ không thuận phục, mang lại biết bao nhiêu đau khổ.

Khi hai anh em lớn lên, Ca-in làm nghề nông, trồng lúa, trái cây và rau quả; còn A-bên làm nghề chăn nuôi, chăm sóc bầy chiên của mình.

Tuổi thơ ấu, có lẽ hai anh em đã từng thấy và được dạy dỗ phải dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va. Hồi đó, người ta thường dùng những viên đá làm bàn thờ để dâng của lễ.

Một hôm nọ, Ca-in và A-bên đều mang của lễ đến dâng cho Đức Chúa Trời. A-bên dâng cho Đức Chúa Trời một con chiên, còn Ca-in dâng thổ sản như là trái cây, ngũ cốc v.v… Kinh Thánh chép rằng: “Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người” (Sáng 4:4).

Có lẽ các em sẽ thắc mắc, vì sao Đức Chúa Trời nhận của lễ của A-bên, mà không nhận của lễ của Ca-in? Có phải Chúa thương A-bên, hay của lễ của A-bên có giá trị hơn? (Cho các em trả lời). Kinh Thánh chép: “Bởi đức tin A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in…” (Hê-bơ-rơ 11:4). Điều đó cho thấy rõ ràng, A-bên đã dâng của lễ bằng đức tin, còn Ca-in thì không và Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy trong lòng con người.

     (3) Tội của Ca-in.

Ca-in thấy lễ vật của mình không được Đức Chúa Trời nhậm, thì tức giận lắm, mặt hằm hằm. Thái độ đó bày tỏ sự bất mãn đối với Đức Chúa Trời và lòng ganh ghét đối với A-bên.

Thái độ của Ca-in là không đúng, nhưng Đức Chúa Trời yêu thương Ca-in, muốn ông biết ăn năn để không phạm tội với Chúa, nên Ngài cảnh cáo: “…Tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó” (Sáng 4:7).

Nhưng Ca-in mặc kệ lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời, trút cơn tức giận lên em mình. Một ngày nọ, khi hai anh em đang ở ngoài đồng, Ca-in xông tới và giết chết em mình. Ca-in tưởng hành động đó không ai biết, nhưng Đức Chúa Trời nhìn biết mọi sự. “Đức Giê-hô-va hỏi Ca-in rằng: A-bên, em ngươi, ở đâu?” Lúc nầy là lúc Ca-in cần xưng nhận tội lỗi, nhưng đáng tiếc, ông đã trả lời như thế nầy (Các em chú ý nghe câu trả lời của Ca-in), “Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao?” (Sáng 4:9). Cách trả lời của Ca-in, không chỉ là nói dối, mà còn tỏ ra không kính sợ Đức Chúa Trời. Ca-in liên tiếp phạm từ tội nầy đến tội khác. Ban đầu là nổi giận, kế đó là ganh tức và giết người, bây giờ lại nói dối. Ban đầu chỉ là một tội nhỏ, nhưng Ca-in đã nuôi dưỡng nó thành một tội lớn.

Phạm tội là phải chịu hình phạt, Đức Chúa Trời phạt Ca-in: “Khi người trồng tỉa, đất chẳng sanh hoa lợi cho ngươi nữa; ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh trên mặt đất” (Sáng 4:12).

Sau khi nghe Đức Chúa Trời tuyên phạt, Ca-in thưa rằng: “Sự hình phạt tôi nặng quá mang không nổi”. Ông lo cho hình phạt quá nặng mà vẫn không ăn năn tội lỗi của mình.

Đức Chúa Trời hình phạt Ca-in phải rời khỏi nhà, đi lưu lạc khắp nơi. Ca-in giết em mình, lương tâm bất an, sợ bị người khác giết lại, cho nên Đức Giê-hô-va đánh dấu trên mình Ca-in, để cho ai gặp thì không giết chết ông.

Sự ganh tị và cơn tức giận của Ca-in thật là đáng sợ, mang lại cho ông sự đau khổ suốt cả cuộc đời…

    3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Bài học nầy cho chúng ta thấy Ca-in phạm tội giết người chỉ vì ghen tị em mình tốt hơn mình, hậu quả là phải chịu hình phạt nặng.

Các em suy nghĩ xem: Giả sử em của em làm tốt hơn em, thì các em có thái độ như thế nào? Các em có cãi nhau vì chuyện vặt không? Ví dụ: Mẹ bảo quét nhà, các em đi làm ngay, hay là đẩy trách nhiệm sang cho em mình? Khi các em nhỏ làm sai, các em có kiên nhẫn khuyên lơn, dạy dỗ để bày tỏ lòng yêu thương không? (Cho các em trả lời).

Anh chị em là do Đức Chúa Trời ban cho, được ví như là các chi thể trong một thân thể. Các em phải biết yêu thương và giúp đỡ anh chị em mình. Trong gia đình phải biết nhường nhịn và tha thứ, nếu không, lòng tức giận, ganh tị sẽ dẫn các em tới tội lỗi. suy nghĩ, hành động và hậu quả của Ca-in là một bài học cho mỗi chúng ta.

(Giáo viên khuyến khích các em xưng nhận tỗi lỗi với Chúa).

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 13:1-15.

II. CÂU GỐC: “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1Sa-mu-ên 15:22).

III. BÀI TẬP.

Theo nội dung của quả bóng, nối liền quả bóng với bàn tay thích hợp.

Vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên.

Sa-mu-ên không đến theo ngày đã định.

Thay thế thầy tế lễ dâng của lễ.

Tiên tri và thầy tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên.

Đức Chúa Trời sai người dâng hiến thay Sa-mu-ên.

E sợ người Phi-li-tin đến tấn công.

Sợ dân sự tan đi.

Đức Chúa Trời chọn một người khác thay thế Sau-lơ để làm vua Y-sơ-ra-ên.

Không tuân theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời.

Thân phận của Sau-lơ.

Sai lầm của Sau-lơ.

Giải thích của Sau-lơ.

Sự trừng phạt mà Sau-lơ phải gánh chịu.

LÀM ĐẸP LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI.

Em bằng lòng vâng theo Đức Chúa Trời trong những việc nào? Hãy ghi vào những lỗ tai phía dưới.

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 13:1-15.

II. CÂU GỐC: “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1Sa-mu-ên 15:22).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Vì Sau-lơ không vâng lời Đức Chúa Trời nên bị phạt phải mất ngôi vua.

– Cảm nhận: Chúa muốn các em luôn vâng lời Ngài trong mọi việc.

– Hành động: Em học tập vâng lời Đức Chúa Trời dù việc lớn hay nhỏ.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Phần tử dấy loạn.

  1. Trước khi chơi trò chơi, chọn một em làm người quản trò, hướng dẫn động tác cho các em khác làm theo, và một em làm “phần tử dấy loạn” để trong lúc chơi, chẳng những em đó không làm theo động tác mà còn phá rối những em đang tham dự trò chơi.
  2. Sau khi các em chơi, giáo viên chú ý lắng nghe các em bày tỏ sự bất mãn đối với “phần tử dấy loạn”, rồi giải thích: “phần tử dấy loạn” là do giáo viên phân công với mục đích để giúp các em hiểu rằng, nếu một người không tuân theo luật chơi thì trò chơi sẽ mất vui. Sau đó đi vào câu chuyện Kinh Thánh của bài học hôm nay.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Ghi vào ba tờ giấy lời giải thích của Sau-lơ: Sa-mu-ên không đến theo ngày đã định, lòng dân sự tan đi, sợ người Phi-li-tin tấn công).

    1. Vào đề.

Khi nãy trong lúc các em chơi trò chơi, có một em không tuân theo luật chơi, phá rối trong lúc chơi khiến các em bực tức phải không? Bất cứ việc gì cũng có luật lệ, và mọi người phải tuân giữ, nếu không sẽ gặp rắc rối. Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay sẽ giúp các em hiểu về điều nầy rõ hơn.

    2. Bài học.

Sau bốn mươi năm ở trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên đã đến sống tại xứ Ca-na-an. Có một số dân tộc chung quanh thường tấn công dân Y-sơ-ra-ên, cướp của cải và xâm chiếm đất đai. Vì thế, dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vị vua để chống lại người Phi-li-tin xâm lăng đất nước họ. Lúc ấy Sa-mu-ên là thầy tế lễ và là tiên tri của Đức Chúa Trời. Dân chúng nhờ Sa-mu-ên xin Đức Chúa Trời cho họ có một vị vua. Đức Chúa Trời bảo Sa-mu-ên chọn Sau-lơ làm vua. Đó là vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên.

Sau khi làm vua được hai năm, Sau-lơ chọn ba ngàn binh lính chia làm hai đội. Một ngàn quân dưới quyền của hoàng tử Giô-na-than, tấn công người Phi-li-tin tại Ghi-bê-a, còn hai ngàn quân theo Sau-lơ. Đội quân của Sau-lơ không có hành động nào cả, nhưng Giô-na-than nhanh chóng tấn công vào đồn của người Phi-li-tin. Khi ấy, Sau-lơ mới thổi kèn, nhóm hiệp dân Y-sơ-ra-ên đến Ghinh-ganh để chuẩn bị trợ chiến.

Trước đó, tiên tri Sa-mu-ên hẹn với vua Sau-lơ bảy ngày sau sẽ đến dâng của lễ cho Đức Chúa Trời và xin Ngài giúp họ biết cách chiến đấu với người Phi-li-tin. Trong lúc đó, người Phi-li-tin bị Giô-na-than đánh bại, đang sôi sục căm thù, họ tập trung ba vạn cỗ xe, sáu ngàn lính kỵ và lính bộ thì nhiều như cát trên bờ biển để tấn công quân Y-sơ-ra-ên.

Các em thử nghĩ xem, dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy thế nào khi thấy lực lượng hùng hậu của quân địch? Họ sợ hãi và chạy trốn! Họ ẩn nấp trong hang đá, trong bụi rậm, hầm hố, thậm chí có người chạy rất xa để lánh nạn. Các em suy nghĩ xem, nếu em là vua Sau-lơ, em phải làm thế nào đây? (Cho các em phát biểu).

Thấy quân lính không ngừng bỏ trốn, quân số còn lại ngày càng ít, Sau-lơ rất bối rối. Rồi bảy ngày qua mà Sau-lơ vẫn chưa đến, nên Sau-lơ đã tự ý dâng của lễ, hy vọng Đức Chúa Trời đẹp lòng và giúp đỡ vua. Nhưng Đức Chúa Trời từng dạy bảo, chỉ có thầy tế lễ mới được dâng của lễ. Sau-lơ không phải là thầy tế lễ, ông đã không vâng phục Đức Chúa Trời. Sau-lơ quá nóng vội, không có lòng tin rằng Đức Chúa Trời ở cùng ông. Đức Chúa Trời cho Sau-lơ làm vua để ông hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên chống lại kẻ thù, chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại không giúp đỡ ông sao?

Khi Sau-lơ vừa dâng tế lễ xong thì Sa-mu-ên đến. Nhìn thấy mọi việc, Sa-mu-ên biết rằng Sau-lơ đã không vâng lời Đức Chúa Trời. Sau-lơ nêu ba lý do giải thích cho việc mình làm. Các em có biết lý do của Sau-lơ là gì không? (Giáo viên dán ba tấm giấy có ghi lý do lên bảng và hướng dẫn các em trả lời). Đó là: (1) Sa-mu-ên không đến theo ngày đã định. (2) Lòng dân sự tan đi. (3) Sợ người Phi-li-tin tấn công.

Dù hoàn cảnh có như thế nào, Sau-lơ cũng không được trái lệnh Đức Chúa Trời. Vì thế, Sa-mu-ên đã nghiêm trách Sau-lơ: “Ngươi thật là ngu dại, không vâng lời Đức Chúa Trời”. Và ông tuyên bố, Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt Sau-lơ, ông sẽ không được làm vua Y-sơ-ra-ên.

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận: Tại sao Sau-lơ bị trừng phạt? Em cảm thấy Sau-lơ có đáng chịu phạt không? Vì sao? Em có cho rằng không vâng lời, nhưng dâng lễ vật cho Đức Chúa Trời thì Ngài vẫn đẹp lòng không? Tại sao? Làm thế nào để đẹp lòng Đức Chúa Trời?

Các em ơi! Đức Chúa Trời muốn chúng ta vâng lời Ngài hơn là dâng của lễ cho Ngài. Vì vậy trước khi quyết định hoặc làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ cũng hãy suy nghĩ cẩn thận xem điều đó có đúng theo Lời Chúa dạy không? Chúa có đẹp lòng khi các em làm như vậy không?

Sau đó, cho các em làm bài tập và chia sẻ nội dung đã viết trong bài tập, rồi hướng dẫn các em cầu nguyện.

BÀI 7. KHÔNG QUỲ LẠY HÌNH TƯỢNG (HV)

BÀI 7. KHÔNG QUỲ LẠY HÌNH TƯỢNG (HV)

in ẤU NHI, QUÍ I. 2016 on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 7. KHÔNG QUỲ LẠY HÌNH TƯỢNG

 

CÂU GỐC: “Ngươi chớ quỳ lạy trước các thần tượng” (Xuất 20:5).

BÀI 7. KHÔNG QUỲ LẠY HÌNH TƯỢNG (GV)

BÀI 7. KHÔNG QUỲ LẠY HÌNH TƯỢNG (GV)

in ẤU NHI, QUÍ I. 2016 on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 7. KHÔNG QUỲ LẠY HÌNH TƯỢNG

 

I. KINH THÁNH: Đa-ni-ên 3:1-30.

II. CÂU GỐC: “Ngươi chớ quỳ lạy trước các thần tượng” (Xuất 20:5).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ba bạn của Đa-ni-ên nhất quyết không quỳ lạy hình tượng.

– Cảm nhận: Chỉ có Chúa là Đức Chúa Trời duy nhất, đáng cho chúng ta thờ lạy mà thôi.

– Hành động: Không quỳ lạy bất cứ vị thần nào ngoài Chúa.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

Đặt một bàn dài (hoặc vài bàn nhỏ ghép lại) giữa lớp, rồi đặt lên đó nhiều quyển Kinh Thánh nhỏ (có thể thay bằng vật khác để tượng trưng cho niềm tin). Số lượng quyển Kinh Thánh luôn ít hơn 1 quyển so với số các em tham dự chơi. Các em đi vòng quanh bàn, vừa đi vừa hát. Khi có hiệu lịnh ngưng hát, các em đứng tại chỗ và cầm 1 quyển Kinh Thánh. Em nào chậm tay không lấy được quyển Kinh Thánh thì phải đứng riêng ra, chờ bị phạt. Trò chơi tiếp tục.

* Mỗi lần có một em bị phạt thì lấy bớt ra một quyển Kinh Thánh.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

    1. Vào bài.

Chào các em, cô (thầy) rất vui được gặp lại các em. Bây giờ có em nào còn nhớ câu chuyện Kinh Thánh của lần trước không, cho cô biết xem? (Gọi một em trả lời). Đúng rồi. Cô (thầy) đã kể cho các em nghe về việc Đa-ni-ên và ba người bạn của ông từ chối thức ăn của vua ban. Các em nhớ tốt lắm. Các em biết không, sự can đảm của những người nầy chưa phải là hết đâu mà Kinh Thánh còn kể lại một chuyện khác nữa. Lần nầy thì không có Đa-ni-ên, chỉ có ba người bạn của ông mà thôi. Các em theo dõi câu chuyện nhé.

    2. Bài học.

Một ngày kia, vua làm một cái tượng rất lớn. Tượng là gì, các em? Tượng là hình của một người hay một vật được tạo ra bằng gỗ, đất, đồng hay vàng… Tượng của vua bằng vàng rất lớn, để cho toàn dân trong nước có thể quỳ lạy.

Khi nghe hiệu lịnh, toàn dân sấp mình xuống quỳ lạy bức tượng đó. Nhưng có ba người nhất quyết không quỳ lạy. Các em có đoán ra được là những ai không? Đúng. Đó là ba người bạn của ông Đa-ni-ên. Khi được vua gọi đến, họ tâu rằng: “Tâu bệ hạ, chúng tôi là con cái của Cha trên trời. Chúng tôi kính yêu Ngài nên quyết không thờ lạy bất cứ một thần tượng nào khác ngoài Ngài”. Nhà vua nổi giận: “Các ngươi không chịu thờ lạy tượng vàng của ta, ta sẽ quăng các ngươi vào lò lửa”. Họ can đảm trả lời: “Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời mà chúng tôi thờ lạy sẽ giải cứu chúng tôi”. Họ nói dứt lời thì vua hạ lịnh trói họ lại và đem quăng vào lò lửa. Lúc ấy lò lửa được đốt nóng lên gấp mấy lần. Những người quăng họ vào lò lửa đều bị sức nóng làm chết ngay tại chỗ. Nhưng còn ba người nầy thì sao? Lạ thật, ba người nầy không những không bị thiêu cháy mà còn đi lại được trong lò lửa! Nhà vua nhìn chăm vào lò lửa và ngạc nhiên kêu lên: “Có phải ta đã quăng vào ba người không? Vậy sao bây giờ ta thấy có đến bốn người trong đó?” Các em thân mến, vì sao lại có thêm một người trong lò lửa, các em biết không? Đó là thiên sứ của Đức Chúa Trời sai đến để gìn giữ họ. Nhà vua liền cho họ ra khỏi lò lửa. Vua và các quan vây chung quanh ba người nầy, thấy họ không bị phỏng một chút nào, quần áo cũng không hề bị cháy sém. Lúc nầy, nhà vua mới hiểu được rằng Đức Chúa Trời đã cứu họ. Ông nói: “Đức Chúa Trời các ngươi thật đáng ca ngợi, vì Ngài đã làm sự lạ lùng để cứu những người tin cậy Ngài”. Sau đó vua còn yêu thương họ hơn và ban cho họ chức vụ cao hơn nữa.

    3. Ứng dụng.

Các em thân mến, Đức Chúa Trời của chúng ta thật quyền năng, lạ lùng, phải không các em? Ba người bạn của Đa-ni-ên đã can đảm vâng lời Ngài, không chịu quỳ lạy thần tượng mặc dù bị ném vào lò lửa và Chúa đã cứu họ một cách lạ lùng. Chúng ta nên noi gương họ không thờ lạy bất cứ tượng thần nào ngoài ra Chúa của chúng ta, các em nhé.

BÀI 6. TỘI LỖI CỦA LOÀI NGƯỜI (HV)

BÀI 6. TỘI LỖI CỦA LOÀI NGƯỜI (HV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 6. TỘI LỖI CỦA LOÀI NGƯỜI

 

I. KINH THÁNH: Sáng 2:8-3:24.

II. CÂU GỐC: “Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình” (Rô-ma 5:19).

III. BÀI TẬP.

1. Em đã từng làm những điều nầy chưa? Đánh dấu x vào chỗ em đã từng làm.

    2. Điền vào chỗ trống.

Nếu em đã từng làm qua một trong những điều kể trên, là em không vâng lời Đức Chúa Trời. Đó là………….

Em cần sự tha tội của Đức Chúa Trời.

………………đã……….. trên cây thập tự, đền tội cho em rồi.

Nếu em tin nhận Chúa Giê-xu là……………………, và cầu xin Ngài tha tội cho em. Ngài nhất định sẽ tha thứ và nhận em làm con của Chúa.

Nếu em muốn trở thành con cái của Đức Chúa Trời, thì em có thể cầu nguyện như sau:

    3. Lúc không vâng lời, em đã suy nghĩ như thế nào? Em đánh dấu X vào ô em đã suy nghĩ rồi.

 

 

BÀI 6. TỘI LỖI CỦA LOÀI NGƯỜI (GV)

BÀI 6. TỘI LỖI CỦA LOÀI NGƯỜI (GV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 6. TỘI LỖI CỦA LOÀI NGƯỜI 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 2:8-3:24.

II. CÂU GỐC: “Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình” (Rô-ma 5:19).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Nguồn gốc của tội lỗi là do A-đam và Ê-va không vâng phục Đức Chúa Trời.

– Cảm nhận: Tội lỗi dẫn đến hậu quả thật kinh khiếp.

– Hành động: Em nhờ cậy huyết Chúa Giê-xu để đắc thắng tội lỗi.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. CHUẨN BỊ.

  1. Sưu tầm một số hình ảnh về luật pháp như: Luật giao thông, pháp luật của nhà nước…
  2. Cho học viên trả lời cách đơn giản: “Tội lỗi là gì?” trên tờ giấy.
  3. Chứng minh sức hút của trái đất. Dùng hiện tượng quyển sách hay quả bóng rơi.
  4. Giấy màu, hồ, một bong bóng.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

    1. Vào đề.

Ở trường các em phải tuân theo nội qui của trường, trong lớp học, thầy cô thường hay nhắc nhở các em phải giữ trật tự, ở nhà thì ba mẹ bảo các em phải nghe lời ba mẹ. Đôi lúc các em bực mình và mong trở thành người lớn. Nhưng khi lớn lên, các em cũng phải tuân giữ pháp luật của nhà nước. Ví dụ: Tuân giữ luật giao thông, giữ pháp luật nhà nước qui định. Tất cả mọi người đều phải học tập tuân giữ luật pháp, nhưng điều quan trọng hơn là học tập tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong bài học hôm nay, có đề cập đến hai người không tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời.

    2. Bài học.

(1) Công việc của A-đam.

Các em thân mến! Con người đầu tiên được được Đức Chúa Trời dựng nên trên thế giới nầy, là một người đàn ông, Chúa đặt tên là A-đam. Đức Chúa Trời cho A-đam ở trong một khu vườn tuyệt đẹp. Trong vườn, có một con sông nước trong xanh chảy qua, nhiều động vật, cây ăn trái và hoa quả. Khu vườn đó tên là Ê-đen. A-đam ở đó để chăm sóc cây cối và coi giữ vườn. Ngoài ra Đức Chúa Trời còn giao thêm cho A-đam một nhiệm vụ quan trọng nữa, là đặt tên cho các loài thú đồng và các loài chim trời. Tên nào A-đam đã đặt thì trở thành tên riêng của nó.

A-đam sống một mình trong vườn Ê-đen đẹp đẽ, Đức Chúa Trời phán rằng: “Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng 2:18). Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê và lấy một xương sườn của ông tạo dựng nên người nữ đầu tiên, đặt tên là Ê-va.

A-đam và Ê-va sống trong vườn Ê-đen thật là hạnh phúc. Đức Chúa Trời thường hay đến vườn trò chuyện với hai người.

Một hôm, Đức Chúa Trời bảo với họ: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai người ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:16-17).

Đức Chúa Trời đã ban cho A-đam và Ê-va đầy đủ mọi thứ, mà chỉ yêu cầu họ vâng lời. Nếu vâng lời, thì đời sống họ luôn được hạnh phúc.

(2) Sự dụ dỗ của Sa-tan.

Một hôm nọ, Sa-tan lấy hình dạng con rắn đến trước mặt Ê-va để trò chuyện.

Đầu tiên, Sa-tan nói: “…Các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” (Sáng 3:1). Một câu nói nghe qua tưởng là bình thường, nhưng mục đích của ma quỉ là muốn Ê-va nghi ngờ Đức Chúa Trời. Nghi ngờ Đức Chúa Trời là một việc rất nguy hiểm. Ngày hôm nay, Sa-tan cũng không ngừng gieo sự nghi ngờ làm cho Cơ Đốc Nhân không tin cậy Đức Chúa Trời.

Ê-va nhớ lời của Đức Chúa Trời phán dặn: “Được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết đều thiện và đều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:16-17). Một mạng lệnh rất rõ ràng.

Sa-tan trả lời rằng: “Hai người chẳng chết đâu” (Sáng 3:4). Sa-tan không chỉ nói dối mà còn cố tình cám dỗ để Ê-va cảm thấy Đức Chúa Trời bất công. Sa-tan nói tiếp: “Nhưng Đức Chúa Trời biết rằng, hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.

(3) Tội lỗi ban đầu.

Lời của Sa-tan làm cho Ê-va lưu ý. “Giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Bà muốn được như Đức Chúa Trời. Chính vì đó, bà không coi trọng mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Nhìn thấy các quả treo lủng lẳng trên cây thật là hấp dẫn, muốn được nếm thử cho biết, cộng với lời nói quyến rũ của con rắn, cuối cùng, Ê-va nghe lời Sa-tan ăn trái cấm và còn đưa cho chồng mình ăn nữa.

A-đam và Ê-va đã phạm tội. Đây là tội lỗi đầu tiên, vì họ không vâng lời Đức Chúa Trời, ăn trái cấm. Do sự không vâng lời của họ, tội lỗi đã đi vào thế gian, lưu truyền từ đời nầy sang đời khác (Rô-ma 5:12).

Ngày hôm nay, Sa-tan dùng cách gì để dụ dỗ các em? (Cho các em phát biểu). Có thể Sa-tan sẽ nói: “Không ai thấy đâu, cứ bỏ vào túi đi“, “Nói dối một câu không sao đâu”… Nhưng hậu quả của những việc làm đó thì thật là kinh khủng.

(4) Chạy trốn Đức Chúa Trời.                  

Khi các em không vâng lời cha mẹ, hoặc thầy cô thì các em cảm thấy thế nào? (Buồn, sợ hãi, nói dối…). A-đam và Ê-va trước khi phạm tội, rất thích trò chuyện với Đức Chúa Trời, nhưng từ khi phạm tội, họ rất sợ hãi, và tránh mặt Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép: “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Sáng 3:8). Hai người đã phạm từ sai lầm nầy đến sai lầm khác: Tránh mặt Chúa. Đức Chúa Trời nhìn thấy mỗi một chúng ta. “Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng?” (Giê-rê-mi 23:24).

     (5) Đổ tội cho người khác.

Đức Chúa Trời gọi và hỏi A-đam rằng: “Ngươi ở đâu?” Đức Chúa Trời hỏi như vậy không phải là không biết A-đam trốn ở đâu, mà là muốn gợi mở cho A-đam xưng nhận tội. Nhưng rất tiếc là A-đam và Ê-va đều không nhận tội mình. Ông đổ lỗi cho bà đã đưa ông ăn, bà đổ lỗi cho con rắn dụ dỗ.

(6) Phải gánh chịu hình phạt của tội lỗi.

Đức Chúa Trời không chấp nhận lời đổ lỗi của A-đam và Ê-va. Họ phạm tội là phải chịu hình phạt. Ê-va phải chịu đau khổ và A-đam phải làm lụng vất vả suốt đời mới có đủ lương thực nuôi sống gia đình. Đồng thời, Đức Chúa Trời cũng hình phạt con rắn: “Vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất cả trọn đời” (Sáng 3:14).

Đức Chúa Trời đuổi A-đam và Ê-va ra khỏi vườn Ê-đen phước hạnh và mãi mãi hai ông bà không thể trở về đây được nữa.

(7) Hứa ban Chúa Cứu Thế.

A-đam và Ê-va dù đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời, nhưng Ngài vẫn yêu thương họ. Đức Chúa Trời giết một con thú để lấy da may áo cho họ mặc và chuẩn bị một chương trình cứu rỗi. Ngay từ đầu, Đức Chúa Trời đã hứa ban một Đấng Cứu Chuộc. Sáng 3:15: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người”.

    3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Kể từ khi tổ phụ của chúng ta phạm tội tại vườn Ê-đen, thì tất cả mọi người đều ở trong vòng tội lỗi, chỉ có Chúa Giê-xu Christ là không có tội.

Sách Rô-ma 6:23 cho chúng ta biết hậu quả của tội lỗi thật là khủng khiếp. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết“. Đức Chúa Trời biết rõ mỗi hành động, cử chỉ, tư tưởng của chúng ta. Dù chúng ta có đổ lỗi cho người khác, vẫn không thể che giấu tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời được. Vì thế, khi phạm tội, cách tốt nhất là xưng nhận và ăn năn tội lỗi với Chúa để được Ngài tha thứ.

(Chứng minh lực hút của trái đất bằng quyển sách hay quả bóng rơi, ví sánh như sức hút của tội lỗi. Các em cần phải giấu lời Chúa trong lòng để có thể đắc thắng sức hút của tội lỗi).

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA (HV)

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 12 Tháng Sáu, 2017

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA

 

I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 13:17-33; 14:1-38.

II. CÂU GỐC: “…Ta sẽ ban cho người cùng con cháu người xứ mà người đã trải qua, bởi vì người có theo Đức Giê-hô-va cách trung tín trọn vẹn” (Phục Truyền 1:36).

III. BÀI TẬP.

A. TÔ MÀU VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI.

Em hãy tô màu vào đáp án của câu hỏi theo yêu cầu trong ngoặc đơn.

  1. Ca-lép đã nói những lời nào để bày tỏ lòng trung tín đi theo Chúa? (Màu vàng).
  2. Những lời nào biểu hiện mười thám tử và dân Y-sơ-ra-ên không tin Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn họ vào xứ Ca-na-an? (Màu đỏ).
  3. Ca-lép trung tín đi theo Đức Chúa Trời và được Ngài ban cho điều gì? (Màu xanh).
  4. Vì không vâng lời, mười thám tử và dân Y-sơ-ra-ên phải nhận lấy hậu quả gì? (Xanh lá).

Chúng ta hãy tiến vào xứ ấy, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng.

Đừng sợ! Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

Chúng ta không thể đi lên tấn công xứ ấy, bởi vì họ mạnh hơn chúng ta.

Chúng ta hãy lập một quan trưởng và trở về xứ Ai-cập.

Không ai được nhìn thấy đất hứa.

Tại sao Đức Chúa Trời dẫn chúng ta vào xứ nầy đặng chết dưới luỡi gươm của dân đó?

Người và con cháu người sẽ được xứ làm sản nghiệp.

B. CHỌN LỰA CỦA EM.

Nếu em là bạn nhỏ trong hình vẽ, em sẽ làm thế nào? Hãy viết ra suy nghĩ của em?

  1. Linh muốn cầu nguyện, nhưng bạn kế bên bảo Linh đừng cầu nguyện, hãy nhanh chóng lấy thức ăn. Linh lo ngại rằng, nếu bạn ấy cầu nguyện sẽ bị người khác cười và có thể sẽ không lấy được thức ăn mình thích. Nếu em là Linh, em sẽ làm thế nào?
  2. Minh lượm được một số tiền ở trong trường. Bạn bè trông thấy, bảo Minh lấy tiền đó mua kem ăn, nếu không sẽ không chơi với Minh. Nếu em là Minh em sẽ làm thế nào?

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA (GV)

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 12 Tháng Sáu, 2017

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA

 

I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 13:17-33; 14:1-38.

II. CÂU GỐC: “…Ta sẽ ban cho người cùng con cháu người xứ mà người đã trải qua, bởi vì người có theo Đức Giê-hô-va cách trung tín trọn vẹn” (Phục Truyền 1:36).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ca-lép trung tín đi theo Đức Chúa Trời, và được Ngài ban thưởng.

– Cảm nhận: Theo Chúa dù có khó khăn gian khổ nhưng vẫn nhận được phước hạnh.

– Hành động: Trung tín đi theo Đức Chúa Trời trong mọi cảnh ngộ.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Lòng tin.

  1. Vật liệu: Một thùng giấy, kẹo.
  2. Thực hiện: Đặt thùng giấy ở độ cao cho các em không thấy rõ bên trong, nhưng có thể đưa tay vào thùng. Giáo viên cho các em biết bên trong thùng có kẹo và mỗi em chỉ được lấy một viên. Khi các em bước ra lấy kẹo, chú ý thái độ của mỗi em, xem có em nào nghi ngờ hoặc nhón chân cố gắng nhìn vào thùng không?

Sau khi các em lấy kẹo, giáo viên đúc kết: Các em không biết trong thùng có kẹo hay không, nhưng khi các em bước ra, đưa tay vào thùng lấy kẹo, cho thấy các em tin vào lời của cô (thầy). Nếu các em không tin, nghi ngờ trong lòng, có lẽ sẽ không bước ra, không đưa tay vào thùng, hoặc đến trước thùng cố gắng nhìn xem bên trong có gì rồi mới đưa tay vào. Qua điều nầy, cô (thầy) có thể biết được các em có lòng tin nơi cô (thầy) hay không.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

    1. Vào đề.

Trong phần sinh hoạt đầu giờ, vì có lòng tin nơi cô (thầy) mà các em được ăn kẹo. Nếu nghi ngờ các em sẽ không dám thò tay vào thùng vì sợ bốc phải một vật gì kinh khiếp như chuột, ếch, nhái, hoặc bị lừa vì trong thùng không có gì cả!

Các em biết không, khi Môi-se hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi xứ Ai-cập để đi đến Ca-na-an là xứ mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ, có rất nhiều việc xảy ra cho thấy đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời. Các em theo dõi câu chuyện nầy để biết họ tin cậy hay nghi ngờ Đức Chúa Trời nhé.

    2. Bài học.

Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên đi đến Ca-đe, là nơi rất gần xứ Ca-na-an, và dựng trại nghỉ tại đó. Họ xin Môi-se trước khi vào Đất Hứa phải đi do thám tình hình của xứ ấy. Như vậy họ nghi ngờ hay tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời? (Cho các em trả lời). Môi-se làm theo ý muốn của dân Y-sơ-ra-ên, chọn mười hai thám tử sai đi vào xứ Ca-na-an.

Sau bốn mươi ngày, mười hai thám tử trở về, đem theo những trái cây ngon ngọt và một chùm nho hai người khiêng mới nổi! Dân Y-sơ-ra-ên vui mừng tụ tập lại, trầm trồ vì trái cây xinh tốt của xứ ấy và nghe mười hai thám tử báo cáo tình hình. Các thám tử nói rằng: “Xứ Ca-na-an thật là đượm sữa và mật, nhưng dân cư tại đó rất mạnh mẽ và cao lớn, thành trì lại kiên cố”. Dân Y-sơ-ra-ên nghe vậy đều sợ hãi. Lúc ấy có một thám tử tên là Ca-lép khích lệ mọi người: “Chúng ta hãy lập tức đi lên chiếm xứ ấy, chúng ta sẽ chiến thắng”. Nhưng các thám tử kia lại nói: “Chúng ta không thể tấn công xứ đó, vì họ mạnh hơn chúng ta”. Lại có thám tử nói: “Những người chúng ta thấy đều cao lớn như người khổng lồ, đối với họ, chúng ta như là con cào cào vậy!” Nghe các thám tử nói như vậy, dân Y-sơ-ra-ên kêu gào, khóc lóc, oán trách Môi-se và Đức Chúa Trời. Họ nói rằng: “Chẳng thà chúng tôi chết trong xứ Ai-cập hoặc chết trong đồng vắng! Vì sao Đức Chúa Trời lại dẫn chúng tôi vào xứ nầy đặng chết dưới lưỡi gươm?” Họ bàn với nhau: “Chúng ta hãy lập lên một quan trưởng và trở về xứ Ai-cập đi!”

Nhưng trong đoàn dân, vẫn có người tin rằng lời hứa của Đức Chúa Trời là chân thật, chắc chắn Ngài sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa. Các em có biết những người đó là ai không? Đó là Ca-lép và một thám tử khác nữa tên là Giô-suê. Họ cố gắng thuyết phục mọi người tin cậy Đức Chúa Trời, nhưng dân Y-sơ-ra-ên lấy đá ném vào hai ông.

Nếu các em ở trong tình huống ấy, em sẽ làm thế nào? Ngay lúc đó, sự vinh quang của Đức Chúa Trời rực sáng. Đức Chúa Trời phán: “Bởi vì dân nầy không tin rằng ta sẽ ban xứ Ca-na-an cho họ, nên ta phải trừng phạt họ. Ta sẽ hủy diệt tất cả dân sự”.

Môi-se khẩn thiết cầu xin Đức Chúa Trời thương xót tha thứ cho họ. Cuối cùng Đức Chúa Trời đổi ý không tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên, nhưng họ phải nhận lấy sự trừng phạt là không được vào Đất Hứa. Họ phải đi lang thang bốn mươi năm trong đồng vắng và chết ở đó, chỉ có con cháu họ mới được vào Đất Hứa mà thôi. Nhưng có hai người ngoại lệ, các em biết đó là ai không? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, đó là Ca-lép và Giô-suê. Ca-lép trung tín đi theo Đức Chúa Trời, nên được Đức Chúa Trời khen thưởng, Ngài ban cho Ca-lép vùng đất mà ông đã đi qua để làm sản nghiệp.

Các em ơi, là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta phải có lòng tin nơi Ngài như Ca-lép, dù khi đối diện với sự phản đối của người khác, chúng ta vẫn trung tín đi theo Chúa và vâng lời Ngài.

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận bằng cách hỏi những câu hỏi sau: Các thám tử đem về những gì và báo cáo thế nào? Dân Y-sơ-ra-ên có phản ứng gì? Tại sao? Ai khích lệ dân Y-sơ-ra-ên đi vào xứ Ca-na-an? Tại sao Đức Chúa Trời trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên và mười thám tử kia? Đức Chúa Trời khen ai? Vì sao người đó lại được Chúa khen?

Sau đó, cho các em làm bài tập “Chọn lựa của em”. Khích lệ các em khi đối diện với thử thách, vẫn cứ trung tín đi theo Chúa.