Tác giả: Mai hdenayun

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 28.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 28.07.2024

in PHỤ NỮ on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 28.07.2024.

  1. Đề tài: Ê-LI, NGƯỜI CẦU NGUYỆN.
  2. Kinh Thánh: 1Các 18:1-46; 17-19; Gia-cơ 5:16-18.
  3. Câu gốc: “Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm” (Gia-cơ 5:16b BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 16-19.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.

  1. Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, viết sẵn trao cho các nhóm.
  2. Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
  3. Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn 2-3 cụm câu hỏi cho giờ học Kinh Thánh nhóm. Mỗi cụm câu hỏi gồm có:

– Câu hỏi quan sát (nêu việc xảy ra).

– Câu hỏi giải thích (tìm sự dạy dỗ của lời Chúa).

– Câu hỏi áp dụng (ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).

Dưới đây là một số câu hỏi đề nghị bạn tham khảo.

(1.1) Câu hỏi quan sát: Xin cho biết nguyên nhân Đức Chúa Trời khiến hạn hán, đói kém xảy ra trong xứ? (c.18).

(1.2) Câu hỏi suy luận: Đức Chúa Trời cho phép điều nầy xảy ra nhằm mục đích gì?

(1.3) Câu hỏi ứng dụng: Bạn nhìn thấy mục đích của Chúa cho đời sống bạn trong mọi hoàn cảnh như thế nào? Xin cho biết.

(2.1) Tiên tri Ê-li phải đối đầu với bao nhiêu tiên tri của Ba-anh?

(2.2) Vì sao Ê-li dám đối đầu với 450 tiên tri của Ba-anh?

(2.3) Trước thế lực buộc bạn bỏ Chúa hay chết, bạn sẽ chọn con đường nào? Vì sao bạn chọn như thế?

(3.1) Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của Ê-li như thế nào?

(3.2) Chúa nhậm lời cầu nguyện của Ê-li nhằm mục đích gì?

(3.3) Bạn được Chúa nhậm lời cầu nguyện như thế nào? Và đem lại những kết quả nào cho đời sống bạn, cho công việc Chúa?

  1. GIỚI THIỆU.

Tên Ê-li có nghĩa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ê-li, tiên tri của đồng vắng, lúc ẩn, lúc hiện. Ê-li đem sứ mạng của Đức Chúa Trời đến cho các vua Y-sơ-ra-ên.

Ê-li sống dưới thời vua A-háp, một vua làm điều ác, nhu nhược để cho người vợ ngoại đạo Giê-sa-bên lập thờ thần Ba-anh. Tiên tri Ê-li xuất hiện trước A-háp loan báo sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sắp đến! Cơn hạn hán xảy ra trong xứ suốt ba năm sáu tháng, Đức Chúa Trời dùng chim quạ và một người đàn bà góa nuôi Ê-li. Tiên tri Ê-li đề nghị cùng vua cho diễn ra một cuộc thách đố với tiên tri Ba-anh để xem ai là Chân Thần (1Vua 17-18).

A-háp nhận lời cho nhóm họp 450 tiên tri Ba-anh trên núi Cạt-mên. Đôi bên đều dâng của lễ cho thần mình và đồng ý nguyên tắc: Hễ thần nào đáp lời bằng lửa trên của lễ, thì đó là Chân Thần. Tiên tri Ba-anh hết sức kêu van, nhưng không thấy thần nào. Tiên tri Ê-li gọi dân sự đến gần, lấy mười hai hòn đá tùy theo số các chi phái Y-sơ-ra-ên mà dựng lại bàn thờ và đặt con sinh lên. Ông cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, một ngọn lửa lòe ra thiêu hóa của lễ của Ê-li, thấy vậy dân sự sấp mình xuống đất và la lên: Giê-hô-va là Đức Chúa Trời! Sau đó Ê-li lên núi cầu xin mưa xuống (1Vua 18).

Nghe điều Ê-li làm cho các tiên tri Ba-anh, Giê-sa-bên căm giận, thề lấy mạng sống Ê-li, Ê-li sợ hãi chạy trốn. Ê-li kiệt sức ngồi nghỉ dưới gốc cây bên giếng và cầu chết, một thiên sứ của Đức Chúa Trời đem cho Ê-li bánh và nước. Nhờ đó, Ê-li phục hồi sức lực và tiếp tục bốn mươi ngày đêm trong đồng vắng cho đến Hô-rếp, Ê-li gọi Ê-li-sê làm kẻ nối tiếp chức vụ mình (1Vua 19). Cao điểm trong chức vụ Ê-li là sự cầu nguyện và được mặc lấy thần quyền của Chúa (1Vua 17:10-16; 2Vua 1:10-12). Sứ mạng của Ê-li để lại cho môn đệ Ê-li-sê. Đức Chúa Trời cất Ê-li trong một cơn gió lốc, Ê-li về trời không trải qua sự chết (2Vua 2).

  1. SUY GẪM.
  2. Tiên tri Ê-li với sứ điệp của Chúa.

 Tiên tri Ê-li mạnh dạn loan báo tai vạ hạn hán Đức Chúa Trời sắp giáng xuống trong xứ và sự đoán phạt trên nhà A-háp (1Vua 17:3, 18:17, 21:17-29; 2Vua 9:25-37). Với sự cầu hỏi thần Ba-anh của vua A-cha-xia, tiên tri Ê-li cho vua biết trước bịnh vua không được chữa lành vì cớ (2Vua 1:2-17). Với Giô-ram vua Giu-đa, người theo đường gian ác của A-háp, tiên tri Ê-li viết thư (2Sử 21:12-20).

Đức Chúa Trời chẳng bao giờ giáng họa trên kẻ ác mà không có sự báo trước. Dầu người có ăn năn hay không, sự cảnh cáo vẫn là sứ mạng của tiên tri.

  1. Tiên tri với sự làm phép lạ.

(1) Khiến cơn hạn hán và dừng cơn hạn hán (1Vua 17:1; 18:41-45; Gia 5:17-18).

(2) Khiến lửa từ trời thiêu hóa của lễ (1Vua 18:24, 36-38).

(3) Khiến lửa từ trời đốt cháy đạo binh vua A-cha-xia (2Vua 1:10-12)…..

Các phép lạ tiên tri Ê-li làm có tánh chất đoán phạt lẫn yêu thương. Trong chức vụ tiên tri sự làm phép lạ đôi lúc cũng cần thiết để hữu hiệu hóa sứ điệp của Chúa. Bí quyết tiên tri Ê-li thực hiện phép lạ là bằng sự cầu nguyện. Chúa Giê-xu cầu nguyện cùng Cha trước khi gọi La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại, Ngài cầu nguyện trước khi hóa bánh nuôi đoàn dân đông (Giăng 6:11; 11:41-42). Ngài cũng hứa sẽ bày tỏ việc quyền năng cho người có đức tin nhân danh Ngài (Giăng 14:12-14).

  1. Tiên tri Ê-li với các tiên tri Ba-anh.

Một mình đối chọi với 450 tiên tri Ba-anh trong một cuộc thách đố thử xem ai là Chân Thần. Lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời thúc đẩy tiên tri Ê-li chẳng hề nao núng. Với lòng tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời Ê-li được Chúa đáp lời cầu xin lửa Ngài lòe ra thiêu hóa lễ của Ê-li. Kết quả các tiên tri Ba-anh bị diệt và danh Đức Chúa Trời được tôn cao (1Vua 18).

  1. Đời sống chức vụ của tiên tri Ê-li.

Ê-li xuất hiện trước mặt vua, dân sự khi có sứ điệp của Chúa. Một điểm sáng chói trong đời sống chức vụ Ê-li là (1Vua 19:14). Ê-li nóng nảy đối với tội lỗi, như lửa sẵn sàng thiêu hóa kẻ bội nghịch cùng Đức Chúa Trời.

Ê-li đem hết cuộc đời bày tỏ Giê-hô-va là Đức Chúa Trời cho các vua. Câu hỏi tại sao Ê-li sợ hãi chạy trốn trước lời hăm doạ của Giê-sa-bên? (1Vua 19). Tại sao Ê-li ngã lòng, cầu Chúa cất mạng sống đang lúc đắc thắng? (1Vua 18, 19). Có nhiều lý do: (1) Ê-li bị đuối sức sau một ngày dài đối địch các tiên tri Ba-anh trên núi Cạt-mên. (2) Trong sự mệt mỏi Ê-li bị mất phương hướng. Ê-li cô đơn thấy chỉ có một mình phải đương đầu với lực lượng mạnh mẽ của Ba-anh! (3) Ê-li không thấy được chương trình của Ngài (1Vua 19:4-8). Sự ngã lòng của Ê-li cho chúng ta nhận biết rằng dầu người có nhiệt tâm, can đảm như Ê-li, cũng có lúc ngã lòng (Ê-sai 40:27-31). Hai đặc điểm của tiên tri Ê-li:

(1) Thần quyền của Chúa: Lời nói của Ê-li có quyền năng đóng hay mở cửa trời (2Vua 2:12).

(2) Sự cầu nguyện linh nghiệm của Ê-li: Sự cầu nguyện là điều cần thiết cho đời sống phục vụ Chúa.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Tiên tri Ê-li với sứ mạng Chúa gọi:
  2. Ê-li có sứ điệp gì của Đức Chúa Trời cho các vua Y-sơ-ra-ên và vua Giu-đa?
  3. Cơ Đốc nhân chúng ta có trách nhiệm gì đối với người anh em đi sai lạc đường lối Chúa?
  4. Các phép lạ Ê-li làm có tính chất gì? Và bí quyết nào để thực hiện? (Gia 5:17-18; 1Vua 17:20-21; 18:36-38, 42-45; 2Vua 1:10-12).
  5. Sự cầu nguyện của Ê-li nhắc nhở chúng ta điều quan trọng nào trong đời sống phục vụ Chúa? (Gia 5:16-17).
  6. Ê-li với các tiên tri Ba-anh.
  7. Động lực nào khiến Ê-li thách đố với các tiên tri Ba-anh và sự thách đố này với mục đích gì? (1Vua 19:14; 18:21; 36-39).
  8. Xin tìm hiểu lý do tại sao Ê-li từ người can đảm trở nên ngã lòng? Chúng ta tìm được bài học gì cho chính mình trong đời sống phục vụ Chúa? (1Vua 19:1-4, 14).
  9. Theo (2Vua 2:12) chức vụ tiên tri của Ê-li đã đóng vai trò như thế nào đối với quốc gia Y-sơ-ra-ên? Ảnh hưởng này nhắc nhở Cơ Đốc nhân vai trò gì trong thế gian? (Mat 5:12-16).
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 28.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 28.07.2024

in NAM GIỚI on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 28.07.2024

  1. Đề tài: SỰ NÊN THÁNH.
  2. Kinh Thánh: 1Tê 4:3-7, 1Phi 1:14-16, Rô 12:1-2, Khải 22:11.
  3. Câu Gốc: “Hãy nên thánh vì Ta là thánh” (1Phi-e-rơ 1:16).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 16-18.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai Phao-lô, một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền, để soạn ra nhiều câu hỏi và trả lời cho các người đóng vai học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, người hướng dẫn (NHD) sẽ tóm tắt nội dung bài học, và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó tất cả đứng lên và mời ông Phao-lô cầu nguyện cho ban Nam giới.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

Pv: Ban Nam giới thân mến! Để tiếp tục tăng trưởng và trở nên những Cơ Đốc nhân trưởng thành, chúng ta phải có một nếp sống nên thánh. Vậy, để hiểu rõ thêm vấn đề này, chúng ta sẽ lắng nghe sự chia sẻ của sứ đồ Phao-lô trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay!

Pv: Xin chào ông Phao-lô, thay mặt cho ban Nam giới, chúng tôi rất vui mừng và cám ơn ông đã nhận lời tham dự cuộc phỏng vấn của chúng tôi ạ!

Phao-lô: Chào Ban Nam giới!

Pv: Xin phép ông cho chúng tôi được bắt đầu cuộc phỏng vấn.

Phao-lô: Ta sẵn sàng, quý vị cứ hỏi.

Pv: Thưa ông có thể giải thích ý nghĩa của “Sự Nên Thánh” là gì, và tại sao Cơ Đốc nhân tăng trưởng phải có đời sống nên thánh?

Phao-lô: Khi nói đến sự nên thánh hay sự thánh khiết, có người nghĩ đến hình ảnh một người đạo mạo, ăn mặc chỉnh tề, nói năng nghiêm túc. Người khác lại cho rằng người nên thánh thì phải làm và tránh những điều theo như sách vở đã quy định. Sự nên thánh rất quan trọng, được Kinh Thánh sử dụng hơn 600 lần trong những hình thức khác nhau.

Một đời sống nên thánh hay thánh khiết là phân rẽ khỏi tội lỗi và sống cho Đức Chúa Trời. Trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-7, ta đã dùng từ ngữ chỉ về sự vô luân và bất khiết tương phản với thánh khiết. Sứ đồ Phi-e-rơ dùng từ ngữ thánh khiết để chỉ về một đời sống không có dục vọng (1Phi-e-rơ 1:14-16). Giăng dùng từ ngữ thánh khiết để đối chiếu với những việc sai lầm và gian ác (Khải Huyền 22:11).

Sự nên thánh là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời “Hãy nên thánh vì Ta là thánh” (1Phi-e-rơ 1:16). Bước đầu tiên để trở nên thánh là đổi mới tâm trí hay thay đổi lối suy nghĩ. Rô-ma 12:2, ta viết: “Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”.

Pv: Thưa ông, vậy thế nào là đổi mới tâm trí (tâm thần)? Đổi mới tâm trí quan trọng như thế nào trong tiến trình thánh hóa?

Phao-lô: Tiến trình tăng trưởng thuộc linh hay thánh hóa là tiến trình đổi mới tâm trí. Đó là tiến trình nhìn sự vật theo quan điểm của Đức Chúa Trời, chứ không phải của con người. Để có đời sống nên thánh, chúng ta phải thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi lối nhìn, hướng tâm trí mình vào những việc của Thánh Linh. Để được thánh hóa, được trưởng thành tâm linh, trước hết chúng ta phải thay đổi cái nhìn về tội lỗi.

Pv: Xin ông giải thích rõ hơn thế nào là “Thay đổi cái nhìn về tội lỗi”.

Phao-lô: Với cái nhìn xác thịt, chúng ta không thấy tội lỗi là vấn đề nghiêm trọng như Chúa thấy. Vì thấy tội này nhẹ hơn tội kia nên chúng ta có thể chìu theo xác thịt mà phạm tội. Trong cái nhìn của Chúa, tội nào cũng nghiêm trọng. Vợ của Lót chỉ phạm tội “nhìn lại đng sau”, bị Chúa hình phạt hóa thành tượng muối (Sáng 19). U-xa đi bên hòm giao ước, khi con bò kéo xe chở hòm giao ước vấp ngã, ông đưa tay đỡ lấy hòm liền bị Chúa hình phạt (2Sa-mu-ên 6). Có những điều chúng ta xem là chuyện bình thường, tự nhiên, nhưng Đức Chúa Trời xem đó là tội. Đức Chúa Trời là Đấng tuyệt đối thánh khiết nên không có tội nào là nhỏ. Nếu không có cái nhìn như Chúa, xem tội lỗi là nghiêm trọng, không thể nào chúng ta tiến trên con đường thánh hóa.

Pv: Vậy, bước tiếp theo chúng tôi phải làm gì nữa ạ?

Phao-lô: Bước tiếp theo là chúng ta phải vâng theo Lời Chúa. Khi tâm trí của chúng ta đổi mới, chúng ta sẽ nhận biết được “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. Khi nhận biết ý muốn Ngài, chúng ta phải làm theo. Tất cả những gì Chúa muốn chúng ta làm, nhằm thánh hóa chúng ta. Để sống một đời sống nên thánh, chúng ta phải vâng theo ý muốn Chúa.

Đời sống nên thánh là đời sống biết vâng lời Chúa, chứ không phải thực hiện những lễ nghi tôn giáo. Sa-mu-ên đã nói với con dân Chúa, “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo Lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1Sa-mu-ên 15:22). Chúa muốn chúng ta dâng lễ vật cho Ngài, nhưng quan trọng hơn vẫn là sống một nếp sống biết vâng lời Ngài. Khi chúng ta yêu Ngài, chúng ta vâng lời Ngài, bước đi theo Ngài, làm môn đồ Ngài. Chúa Giê-xu đã phán, “Nếu các ngươi yêu mến Ta thì hãy giữ các điều răn của Ta” (Giăng 4:15).

Pv: Cám ơn rất nhiều những lời chia sẻ quý báu của ông! Xin ông cầu nguyện cho Ban Nam giới để Chúa thay đổi tâm trí chúng tôi, biết nhìn tội lỗi theo cái nhìn của Chúa; giúp chúng tôi biết dâng chính mình cho Chúa, làm theo ý muốn Ngài, và sống thánh khiết mỗi ngày được tăng trưởng trong Chúa càng hơn!

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. 1. Tại sao Cơ Đốc nhân phải sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh?
  2. Xin kể ra các lãnh vực trong cuộc sống mà bạn cảm thấy là cần có kỷ luật nhiều hơn.
  3. 3. Cơ Đốc nhân phải làm gì để đắc thắng các cám dỗ? Có sự cám dỗ nào trong đời sống mà bạn đang phải chiến đấu chống lại không?

4. Ai là người tin kính Chúa, mà bạn sẽ cùng thiết lập mối liên hệ để thông công chia sẻ?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.07.2024

in THANH NIÊN on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 21.07.2024.

  1. Đề tài: CHÚA KÊU GỌI.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô ký 3:1 – 4:17.
  3. Câu gốc: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Xuất Ê-díp-tô ký 3:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 21-30.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Người được Chúa kêu gọi cần phải có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được.

Đề tài 2: Người được Chúa kêu gọi không cần đợi đến khi có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được. Đức Chúa Trời là Đấng có quyền làm cho những kẻ đáp lời Ngài gọi thành ra công cụ hữu ích trong tay Ngài.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên Chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Là những con cái kính yêu Chúa, một khi nghe được tiếng gọi của Ngài, chúng ta phải làm gì để đáp lời Chúa? Hy vọng các bạn sẽ đáp lại tiếng gọi của Chúa như Môi-se. Môi-se đã đưa dân sự Chúa khỏi ách nô lệ khổ đau, ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

  1. CHÚA KÊU GỌI ĐÍCH DANH (3:10-15a).

Chúa chọn Môi-se đi giải cứu dân sự Ngài, trước khi ông được sinh ra khỏi lòng mẹ. Đang khi còn là hoàng tử Ai-cập, Môi-se nhìn thấy một người Ai-cập hà hiếp đồng bào Do-thái của mình. Ông thấy bất bình mà giết người đó, đem xác vùi xuống cát. Sau này bị bại lộ, Môi-se phải chạy vào đồng vắng. Sau đó, ông lập gia đình với con gái của một thầy tế lễ Ma-đi-an. Đây là giai đoạn mà Môi-se làm quen với sự thờ kính Đức Chúa Trời của tổ phụ ông.

Lúc Môi-se đang chăn chiên cho ông gia mình, Đức Chúa Trời hiện ra trong bụi gai cháy nhưng không tàn. Đức Giê-hô-va kêu gọi đích danh Môi-se đi giải cứu dân Do-thái. Chẳng những Đức Chúa Trời biết tên và thân thế của Môi-se, Ngài còn biết rất rõ lòng của ông đối với hoàn cảnh thống khổ mà dân sự ông đang gánh chịu. Chúa phán với Môi-se rằng Ngài đã đoái đến Áp-ra-ham, đến Y-sác và đến Gia-cốp thể nào thì Ngài cũng đoái đến con cháu họ thể ấy.

Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô”.

Tuy Đức Chúa Trời đã tỏ ý định của Ngài cho Môi-se biết, nhưng ông vẫn còn vài trở ngại, ông thấy mình không đủ khả năng vượt qua nổi các trách nhiệm Chúa giao phó vì các lý do sau:

Thứ nhất, đối với Pha-ra-ôn, Môi-se tin chắc rằng vị vua mới này sẽ không bỏ qua bản án giết người của ông. “Tôi là ai mà dám đi đến Pha-ra-ôn…”. Dường như Môi-se mong Đức Chúa Trời thông cảm hoàn cảnh của ông mà ngưng kêu gọi ông. Trái lại, Đức Chúa Trời giải quyết vấn đề của ông bằng lời hứa về sự hiện diện của Ngài với ông. Nhiều người được Chúa kêu gọi phục sự Ngài cũng từng tự hỏi như vậy. Đây không phải là lãng tránh, cũng không phải vì lười biếng hay có tính thụ động, nhưng là vì một thứ tự ti mặc cảm nào đó mà thôi.

Thứ hai, đối với Đức Chúa Trời, Môi-se thấy rằng mình chưa đủ hiểu biết về Ngài thì làm sao ông dám bày tỏ về Ngài và chương trình của Ngài cho dân Do-thái được. Ông thấy mình cần phải biết tên Chúa, vì ở Ê-díp-tô người ta thờ rất nhiều thần, mà thần nào cũng có tên. Tên của thần nào nói lên bản chất và đặc tính của thần đó. Môi-se hỏi Chúa: “Tên Ngài là gì?” Đức Chúa Trời không ngần ngại đáp rằng Ngài là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, nghĩa là tự có và còn có mãi mãi. Chúa không trách Môi-se hỏi Ngài, nhưng từng bước nâng đỡ để ông vâng và ra đi thực hiện điều Ngài muốn.

Người được Chúa kêu gọi không cần đợi đến khi có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được. Đức Chúa Trời hằng sống là Đấng có quyền làm cho những kẻ đáp lời Ngài gọi thành ra công cụ hữu ích trong tay Ngài.

  1. CHÚA NÂNG ĐỠ NGƯỜI NGÀI GỌI (4:1-5).

Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se và trao cho ông một sứ mạng lớn lao. Trước đó, Môi-se không dám tin tưởng dân mình nữa, bởi vì đã có lần ông tỏ thiện chí với họ trong vụ can hai người Do-thái đang đánh nhau, nhưng họ tỏ vẻ không cần ông. Thái độ bi quan này của Môi-se xuất phát từ kinh nghiệm bản thân. Và thái độ này có thể làm cho người ta thấy thất bại trước khi bắt tay vào việc.

Đừng quên rằng Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phục vụ trong chương trình của Ngài, cho nên thành công hay thất bại đều thuộc phạm vi lo liệu của Chúa. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải là người có thành tích tốt trước khi được Ngài kêu gọi.

Đức Chúa Trời biết trước rằng vua Ê-díp-tô không thể bị Môi-se thuyết phục dễ dàng. Chúa cũng biết dân Do-thái sẽ nghi ngờ và chống đối ông. Hai việc đó cũng là những khó khăn gặp phải trong cuộc đời người hầu việc Chúa. Dù vậy, Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta trong tay Ngài và ban thêm sức lực để chúng ta có thể vượt qua được. Việc này giống như Chúa ban cho Môi-se các phép lạ trên cánh tay và nơi cây gậy của ông nhằm mục đích thuyết phục Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, và để dân Do-thái tin rằng ông được Đức Chúa Trời kêu gọi.

III. CHÚA TRANG BỊ CHO NGƯỜI NGÀI GỌI (4:10-12).

Môi-se viện dẫn hết lý do này đến lý do khác để tránh né công tác Chúa. Mỗi lần ông đưa ra lý do thì Chúa có ngay giải pháp để nâng đỡ chức vụ của ông. Bây giờ, đến lần thứ ba, ông hy vọng sẽ thay đổi được ý định Chúa. Môi-se nói rằng: “Tôi chẳng phải là một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng”. Đây là một nhận xét về sự bất toàn của mình vốn có từ trước, có lẽ không thích hợp trong vấn đề ngoại giao. Từ lúc Chúa phán dạy ông, Môi-se vẫn thấy mình chưa phải là một nhà hùng biện. Chúa sẽ đặt những lời đầy quyền năng nơi môi miệng ông. Chúa cũng sẽ cho anh của Môi-se là A-rôn đến để nói thay cho Môi-se. Nếu Môi-se còn ngại vấn đề đến tuổi tác, vì bấy giờ ông đã tám mươi tuổi. Ông nói với Chúa rằng: “Ôi lạy Chúa, Chúa muốn sai đi thì sai”, Chúa chỉ cho ông thấy rằng A-rôn, người anh lớn hơn ông ba tuổi, sẽ cùng đi với ông.

Sau khi đã nghe tất cả lý do Môi-se trình bày và những trở ngại mà ông phỏng đoán, Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông làm nhiều phép lạ bằng cây gậy nơi tay mình. Chúa không để cho chúng ta phục vụ Ngài bằng sức riêng của mình. Ngài trang bị, yểm trợ, và ban cho đủ mọi điều cần thiết để chúng ta có thể thực hiện công tác Ngài giao.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 21.07.2024

in PHỤ NỮ on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 21.07.2024.

  1. Đề tài: SA-LÔ-MÔN, NGƯỜI XÂY CẤT ĐỀN CHÚA.
  2. Kinh Thánh: 1Các Vua 6 và 8.
  3. Câu gốc: “Nguyện mắt của Chúa ngày và đêm đoái xem nhà nầy, là nơi Chúa đã phán rằng: Danh Ta sẽ ngự tại đó” (1Vua 8:29a BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 13-15.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho nhóm trước nhiều tuần.
  2. Nhóm sẽ họp lại nghiên cứu đề tài: “Sa-lô-môn, người xây cất đền Chúa”.
  3. Cử một nhóm viên phụ trách thuyết trình. Cả nhóm có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài cùng nhau trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Sa-lô-môn được vua cha giới thiệu với dân chúng là hoàng tử kế vị mình (1Sử 22:9; 1Vua 1:39-40). Đời trị vì của Sa-lô-môn gồm ba giai đoạn:

  1. Sự bắt đầu ngôi vua Sa-lô-môn (1Vua 1-8).

Sa-lô-môn lên ngôi khoảng năm 965 T.C. Vua tìm kiếm Đức Chúa Trời của Đa-vít, cầu xin sự khôn ngoan, đem thịnh vượng cho quốc gia. Đa-vít là vị vua của chiến trận, Sa-lô-môn là vua của hòa bình. Đa-vít đã dùng sức mạnh quân sự chinh phục các nước láng giềng, đời Sa-lô-môn không có chiến tranh với các nước lân bang. Sa-lô-môn khởi công xây cất đền thờ cho Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem.

  1. Thời hoàng kim của vua Sa-lô-môn (1Vua 9-10).

Đức Chúa Trời chẳng những ban cho Sa-lô-môn sự khôn ngoan, còn cho vua quyền thế, danh vọng, giàu sang. Sa-lô-môn là vua đầu tiên mở mang hàng hải, giao thương, xây những cung điện lộng lẫy. Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn không chỉ trong việc trị quốc, còn là trước giả của ba sách trong Kinh Thánh: Châm ngôn, Truyền đạo và Nhã ca.

  1. Sự suy vong của ngôi vua Sa-lô-môn (1Vua 11).

Trong tuyệt đỉnh của vinh quang, Sa-lô-môn kiêu ngạo và sa ngã. Ngoài công chúa Ai Cập đã cưới, còn nhiều vợ ngoại đạo, họ dẫn vua vào thờ hình tượng, lìa bỏ Đức Chúa Trời. Những năm cuối đời, nhiều kẻ dấy nghịch cùng vua, sự giàu sang, cuộc sống xa hoa của Sa-lô-môn trở thành gánh nặng.

  1. SUY GẪM.
  2. Vua Sa-lô-môn trong công việc xây cất đền thờ.
  3. Sự chuẩn bị xây đền thờ: (1) Về vật liệu. (2) Về chuyên viên: Bằng tài ngoại giao khéo léo, vua đã hợp đồng với Hi-ram, vua Ty-rơ. (3) Về nhân lực: chiêu mộ trong dân sự 30.000 người, 150.000 nhân công ngoại bang.
  4. Sự xây cất đền thờ: Đền thờ toạ lạc trên núi Mô-ri-a (2Sử 3:1). Đặc điểm trong công việc xây cất là kỹ thuật (1Vua 6:7). Kỹ thuật xây cất “ráp” vì nhờ phép toán tinh vi của ngành kiến trúc.
  5. Sự hoàn thành đền thờ: Đền thờ được xây cất bảy năm (1Vua 6:1-37). Điều quan trọng là sự hiện diện của Đức Chúa Trời (1Vua 6:11-13).
  6. Sa-lô-môn trong sự khánh thành đền thờ.

Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể. Hòm Giao ước được rước vào đền thờ, sự vinh quang đầy dẫy. Vua dâng lên lời cầu nguyện tạ ơn, dâng hiến đền thờ. Vua xin Đức Chúa Trời tiếp nhận đền thờ làm nơi ngự trị, để những kẻ ngoại bang hướng về đền thờ kêu cầu, tìm kiếm ơn thương xót của Ngài (1Vua 8:27-43; 1Sử 7:12-16). Thời Cựu Ước, thờ phượng Đức Chúa Trời tập trung tại Giê-ru-sa-lem. Trong thời Tân Ước, Chúa Giê-xu và môn đồ Ngài đã làm sáng tỏ ý nghĩa về đền thờ trong 3 điểm sau đây: (1) Đức Chúa Trời không ngự trong đền do loài người xây cất, nhưng ngự trong lòng người. (2) Ngài hiện diện khắp mọi nơi, sự thờ phượng Ngài không phải giới hạn ở một ngôi đền, nhưng với tâm thần và lẽ thật. (3) Người được cứu chuộc bởi huyết Chúa Giê-xu, đời sống được biệt riêng ra thánh làm nơi ngự trị cho Ngài (Giăng 4:24; Công 7:45-50; 1Côr 3:17a; 1Phi 2:5).

  1. Đời sống tin kính của vua Sa-lô-môn.

Khi mới lên ngôi, vua vâng giữ điều răn Ngài, nhưng khi tột đỉnh giàu có, danh vọng, bắt đầu kiêu ngạo, sa ngã, cưới nhiều vợ ngoại đạo, xúi giục thờ hình tượng (1Vua 11). Đời sống nhiều khuyết điểm như nóng nảy, tàn bạo, tự phụ, cứng lòng, không tiết chế lòng tham.

Những ưu cũng như những khuyết điểm của Sa-lô-môn, cho thấy rằng dầu là bậc vĩ nhân lỗi lạc đến đâu, cũng không ai trọn vẹn. Chúng ta tìm kiếm Đấng tôn trọng hơn đó là Chúa Giê-xu Christ (Mat 12:42). Ngài là Đấng toàn thiện, toàn mỹ, chân lý, đường đi và sự sống; là cứu cánh duy nhất.

(1) Tận dụng mọi ân tứ và tài năng Chúa ban cho.

(2) Sứ mạng quan trọng nhất đem Tin Lành đến cho mọi người, hướng dẫn tội nhân tin Chúa.

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Sa-lô-môn trong công tác xây cất đền thờ.

Khi được lập làm vua Y-sơ-ra-ên, Sa-lô-môn được ủy thác công tác gì? Do ai? (2Sa 7:12-13; 1Sử 28:6).

  1. Sa-lô-môn trong sự khánh thành đền thờ:

Tìm hiểu đền thờ Sa-lô-môn xây cất có mục đích, ý nghĩa gì? (1Vua 8:27-43, và 2Sử 7:12-16, Ê-sai 56:7).

  1. Đời sống tin kính Chúa của vua Sa-lô-môn.

Xin ghi nhận những ưu khuyết điểm trong đời sống tin kính Chúa của Sa-lô-môn và tìm hiểu lý do tại sao? (1Vua 3:3, 6-9, 11:1-2).

  1. Đối với công việc nhà Chúa.

Bạn có vận dụng hết tài năng, sức lực và tấm lòng để làm cách tốt nhất chưa?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 21.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 21.07.2024

in NAM GIỚI on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 21.07.2024

  1. Đề tài: SỮA THUỘC LINH.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 40:8, 119:97, 1Phi-e-rơ 2:2.
  3. Câu Gốc: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (1Phi-e-rơ 2:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 13-15.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng nghiên cứu đề tài: “Sữa Thuộc Linh”.
  3. Nhóm cử một nhóm viên đảm trách thuyết trình. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm chịu trách nhiệm đề tài sẽ trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ăn là một nhu cầu thiết yếu cho thể xác con người. Vì thế khi tạo dựng nhân loại, Đức Chúa Trời đã lập vườn Ê-đen phước hạnh có đủ mọi hoa thơm, quả ngọt, và Ngài cho phép con người tự do ăn các trái cây trong vườn, ngoại trừ cây biết điều thiện và điều ác.

Vua Đa-vít, trong thi phẩm cảm tạ ơn huệ của Chúa viết rằng: “Ngài ban cho ngươi được thỏa các vật ngon” (Thi Thiên 103:5). Vua đã kể thức ăn ngon vua hưởng là một ơn huệ Đức Chúa Trời ban cho. Thật thế, thức ăn chính là một ơn phước Chúa ban cho con người.

Về phương diện thuộc linh, thức ăn tâm linh rất quý và cũng được Đức Chúa Trời ban cho con cái Ngài. Thức ăn ấy là nhu cầu tối yếu cho linh hồn con cái Chúa, nhưng trên thực tế nhiều khi chúng ta chỉ nhớ đến thức ăn nuôi dưỡng thể xác mà không nhớ đến thức ăn nuôi dưỡng linh hồn.

Bạn có muốn được lớn lên về phương diện thuộc linh không? Hãy ăn nuốt Lời Chúa như ăn sữa. Khi viết thư cho các tín hữu mới tin. Phi-e-rơ khuyên rằng: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (1Phi-e-rơ 2:2). Chúng ta biết chắc không có một đứa trẻ nào có thể lớn lên mà chẳng cần đến sữa. Cũng vậy, không có một người Cơ Đốc nào có thể trưởng thành mà chẳng cần đến Lời Chúa.

Có lẽ bạn là người đang đọc những dòng chữ này, đã từng thất vọng vì đời sống thuộc linh không được tăng trưởng đúng mức. Thay vì trở nên một người trưởng thành có thể dạy và hướng dẫn nhiều người, bạn vẫn còn là một trẻ thơ thuộc linh, vẫn còn lệ thuộc vào người khác.

Tại sao đời sống thuộc linh của bạn không được tăng trưởng? Chỉ có một câu trả lời: Bạn không được nuôi dưỡng bằng sữa thiêng liêng của Đạo, tức là Lời Đức Chúa Trời. Một trẻ em khỏe mạnh mỗi ngày phải cần ăn sữa đến bốn năm lần hoặc nhiều hơn nữa. Bạn ăn sữa thiêng liêng mỗi ngày bao nhiêu lần? Có người ăn hai lần, người ăn một lần, nhưng hầu hết thì không ăn chi cả. Đó là lý do khiến ta cứ ở mãi trong địa vị con trẻ thuộc linh.

Sữa là loại thức ăn có chứa đựng đầy đủ các loại sinh tố cần thiết cho cơ thể như sinh tố A, B, C, D… Cũng vậy, Thánh Kinh chứa đựng đầy đủ các loại sinh tố thuộc linh như: sinh tố vui mừng, bình an, hy vọng, đức tin, đắc thắng, quyền năng chống lại tội lỗi… Sữa là loại thức ăn dễ tiêu hóa. Cũng vậy, Thánh Kinh là loại thực phẩm dễ ăn. Thánh Kinh đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu đến nỗi trẻ thơ cũng có thể đọc và hiểu được. Vậy chúng ta “hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo… hầu cho  nhờ đó mà được lớn lên…”

“Lạy Chúa xin giúp con khao khát Lời Ngài như trẻ con khát sữa”.                                           Nguồn VietChristian.com

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Tại sao Lời Đức Chúa Trời ví như “sữa thuộc linh”?
  2. Thức ăn này quan trọng thế nào đối với đời sống thuộc linh chúng ta?

3. Bạn đã dùng “sữa thuộc linh” này mỗi ngày như thế nào? Bạn thấy tác dụng ra sao?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 14.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 14.07.2024

in THANH NIÊN on 8 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 14.07.2024.

  1. Đề tài: CHÚA NHẬT KINH THÁNH.
  2. Kinh Thánh: Thi thiên 119:97-112.
  3. Câu gốc: “Con không xây bỏ các phán quyết Chúa. Vì Chúa đã dạy dỗ con” (Thi Thiên 119:102).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Kịch 5’.

* CHỈ DẪN: Kịch 5’.

  1. Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh nhóm chung với ban Thanh niên và làm giám khảo.
  2. Cách thực hiện chương trình.

* Cách 1: Từ nhiều tuần trước, mỗi nhóm của ban Thanh niên họp lại để soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài về “Kinh Thánh”. Tùy theo số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 15 phút.

* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban ra làm 3 nhóm và cho ngồi riêng ra từng nhóm. Đến tiết mục kịch 5 phút, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài về “Kinh Thánh”. Trong vòng 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và tập kịch.

– Các nhóm lần lượt diễn kịch.

– Cách chấm điểm.

+ Thời gian: Đúng giờ (5’ hoặc 15’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ một điểm.

+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.

+ Diễn xuất: 10 điểm.

+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).

– Phát thưởng.

* CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.

QUYỂN KINH THÁNH BỊ VỨT BỎ.

Năm 1988, khi các Hội Thánh ở Liên Xô kỷ niệm 1.000 năm Phúc Âm đến nước Nga, một Mục sư ở Tbilisi, thuộc cộng hòa Georgia, đã thuật lại một kinh nghiệm của ông về quyền năng của Lời Chúa như sau:

Một hôm, Mục sư đang đi trên xe lửa. Chuyến xe hôm ấy ít hành khách, toa Mục sư ngồi chỉ có một hành khách. Hai người bắt đầu trò chuyện, nhưng không có đề tài gì đặc biệt. Khi nói đến công việc làm ăn, để thỏa mãn sự tò mò của người bạn đồng hành, Mục sư cho biết ông đang chăm sóc một số tín hữu Tin lành. Thế là hai người xoay qua thảo luận về tôn giáo. Người bạn đồng hành trình bày về chủ nghĩa vô thần, ca tụng cái hay, đẹp và hợp lý của chủ nghĩa ấy, rồi đả kích tôn giáo cách thậm tệ.

Vị Mục sư kiên nhẫn lắng nghe, rồi trình bày quan điểm của mình và giới thiệu Phúc Âm của Chúa Giê-xu. Ông mở Kinh Thánh ra đọc vài câu nữa.

Nhưng người đồng hành vẫn giữ vững lập trường. Cuộc thảo luận càng lâu, càng sôi nổi, có lúc họ nổi nóng, nhưng không bên nào thuyết phục được người đối thoại.

Thảo luận mỏi miệng, hai bên cùng yên lặng, Mục sư ra khỏi chỗ ngồi, đi lại một lát, nhưng khi quay về chỗ cũ, ông không thấy quyển Kinh Thánh của mình đâu cả.

Nhìn thấy người bạn đồng hành vừa đóng cửa sổ. Sau đó, Mục sư biết ông ta vừa vứt Kinh Thánh ra ngoài cửa sổ. Ông ta bảo rằng ông vứt quyển Kinh Thánh đi để không có ai đọc những lời nhảm nhí trong quyển sách đó, kể cả Mục sư. Mục sư chẳng biết làm gì hơn, chỉ im lặng chờ xe lửa đến ga thì xuống.

Vài tháng sau, một người khách lạ thình lình đến nhà Mục sư và yêu cầu được làm lễ Báp-tem.

Mục sư ngạc nhiên hỏi: “Ông thuộc giáo hội nào?”

Người ấy đáp: “Tôi không thuộc giáo hội nào cả. Tôi chỉ đọc Kinh Thánh mà biết được Đức Chúa Trời. Tôi biết Chúa Giê-xu là chúa tể vũ trụ và tôi xin chịu báp-tem để làm tín đồ theo Chúa”.

Lúc ấy ở Liên-xô, Kinh Thánh rất hiếm, nên Mục sư hỏi tiếp: “Ông tìm được Kinh Thánh ở đâu mà đọc?”

Người khách lạ đáp: “Thật là một điều kỳ lạ. Tôi cũng biết là câu chuyện này khó tin, nhưng xin Mục sư tin tôi, tôi xin nói sự thật. Tôi là một thợ nề, vài tháng trước đây tôi đang xây nhà ở một khu đất gần đường xe lửa, khi một chiếc xe lửa chạy qua, có một quyển sách từ một cửa sổ bay ra, rơi xuống dưới đất, cạnh chỗ tôi, tôi lượm lên và thấy đó là một quyển Kinh Thánh”.

Mục sư hỏi kỹ lại thì thấy đúng ngày, giờ và địa điểm mà người bạn đồng hành quăng quyển Kinh Thánh của mình ra cửa sổ.

Mục sư hỏi tiếp: “Ông có đem theo quyển Kinh Thánh đó không?”

Người ấy đáp: “Dạ có!”

Người ấy đưa quyển Kinh Thánh ra, Mục sư biết ngay đó là của mình. Khi biết rõ câu chuyện, người khách lạ xin hoàn trả quyển Kinh Thánh cho Mục sư, nhưng Mục sư đáp: “Không, ông cứ giữ vì quyển Kinh Thánh đó đã làm việc kỳ diệu cho ông. Tôi cầu nguyện cho quyển Kinh Thánh này cũng thực hiện những việc diệu kỳ cho nhiều người khác nữa”.

Sau khi chịu lễ báp-tem để công khai chứng tỏ mình đã ăn năn tiếp nhận Chúa vào lòng và gia nhập Hội Thánh, người khách lạ về cộng đồng của mình, chia sẻ Kinh Thánh cho người trong làng và họ đều tin nhận Chúa. Đức Chúa Trời có thể dùng mọi sự để phục vụ ý chỉ tốt đẹp của Ngài. Một quyển Kinh Thánh mà một người vô tín muốn quăng đi cho khuất mắt đã giúp hàng trăm người biết đến Chúa. Thật “Lời Chúa gieo ra chẳng bao giờ trở về luống công”.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 14.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 14.07.2024

in PHỤ NỮ on 8 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 14.07.2024 (Chúa Nhật Kinh Thánh)

  1. Đề tài: KINH THÁNH.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 119: 97-112.
  3. Câu gốc: “Con không xây bỏ các phán quyết Chúa; vì Chúa đã dạy dỗ con” (Thi 119:102 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 10-12.
  5. Thể loại: Kịch 5’.

* CHỈ DẪN: Kịch.

  1. Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh cùng với ban phụ nữ làm giám khảo.
  2. Cách thực hiện.

* Cách 1: Mỗi nhóm của ban phụ nữ soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài về “Kinh Thánh”. Tùy số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 15 phút.

* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban phụ nữ ra làm 3 nhóm và cho ngồi riêng ra từng nhóm. Đến tiết mục kịch 5 phút, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài về “Kinh Thánh”. Trong vòng 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và diễn kịch.

– Các nhóm lần lượt diễn kịch.

– Cách chấm điểm.

+ Thời gian: Đúng giờ (5’ hoặc 15’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ một điểm.

+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.

+ Diễn xuất: 10 điểm.

+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).

– Phát thưởng.

* CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.

QUYỂN KINH THÁNH BỊ VỨT BỎ.

Năm 1988, khi các Hội Thánh ở Liên Xô kỷ niệm 1000 năm Phúc Âm được đến nước Nga, một Mục sư ở Tbilisi, thuật lại quyền năng của Lời Chúa như sau:

Một hôm, Mục sư đang đi trên tàu lửa, toa chỉ có một hành khách, hai người bắt đầu trò chuyện, khi nói đến công việc làm ăn, Mục sư cho biết ông đang chăm sóc một số tín hữu Tin lành, người bạn đồng hành trình bày về chủ nghĩa vô thần và ca tụng cái hay, cái đẹp, đả kích tôn giáo thậm tệ.

Vị Mục sư lắng nghe và giới thiệu Phúc âm của Chúa Giê-xu. Cuộc thảo luận sôi nổi, không bên nào thuyết phục được bên nào. Mục sư ra khỏi chỗ ngồi đi một lát, khi quay về chỗ cũ, ông không thấy quyển Kinh Thánh của mình đâu cả. Nhìn người bạn vừa đóng cửa sổ, Mục sư biết ông ta vừa vứt quyển Kinh Thánh ra ngoài, Mục sư im lặng, tàu lửa đến ga thì xuống.

Vài tháng sau, một người khách lạ đến nhà và yêu cầu Mục sư làm lễ báp-tem, ông ngạc nhiên hỏi: Ông thuộc giáo hội nào?

Người ấy đáp: Tôi không thuộc giáo hội nào cả. Tôi chỉ đọc Kinh Thánh mà biết Đức Chúa Trời. Tôi biết Chúa Giê-xu là Chúa tể vũ trụ, tôi xin chịu báp-tem để làm tín đồ.

Lúc ấy ở Liên Xô Kinh Thánh rất hiếm, nên Mục sư hỏi: Ông tìm được Kinh Thánh ở đâu mà đọc? Người khách đáp: Thật là kỳ lạ, tôi là một thợ nề, vài tháng trước, tôi đang xây nhà ở gần đường tàu lửa. Khi một chiếc tàu lửa chạy qua, có một quyển sách từ một cửa sổ bay ra. Tôi lượm lên, thấy đó là quyển Kinh Thánh. Mục sư hỏi kỹ lại thì đúng ngày giờ, địa điểm mà người bạn đồng hành liệng quyển Kinh Thánh của mình. Mục sư hỏi tiếp: Ông có đem quyển Kinh Thánh đó không? Người ấy đáp: Dạ có!

Người ấy đưa quyển Kinh Thánh ra, Mục sư biết đó là quyển Kinh Thánh của mình. Khi biết rõ câu chuyện, người khách lạ xin hoàn trả quyển Kinh Thánh, nhưng Mục sư đáp: Không, ông cứ giữ vì quyển Kinh Thánh đã làm những việc kỳ diệu cho ông. Xin quyển Kinh Thánh này cũng thực hiện những việc diệu kỳ cho nhiều người khác nữa.

Sau khi chịu lễ báp-tem, công khai chứng tỏ ăn năn tiếp nhận Chúa và gia nhập Hội Thánh, người khách về cộng đồng của mình, chia sẻ Kinh Thánh cho người trong làng và họ đều tin nhận Chúa. Thật “Lời Chúa gieo ra chẳng bao giờ về luống công”.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 14.07.2024

in NAM GIỚI on 8 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 14.07.2024

  1. Đề tài: ĐẤNG CHRIST SỐNG TRONG TÔI.
  2. Kinh Thánh: Phi-líp 2:13, Thi Thiên 37:5, 2Tim 1:13, Giăng 14:1, Lu-ca 8:22-25.
  3. Câu Gốc: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi(Ga-la-ti 2:20).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 10-12.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ (Mục sư, Truyền đạo) từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ, để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Nam giới. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ngay từ sự cứu chuộc, Đấng Christ đã sống trong chúng ta, nhưng có thể một ai đó nói rằng: “Nhưng ngày qua ngày tôi vẫn như vậy! Làm thế nào mà tôi để Ngài thể hiện sự sống của Ngài qua tôi?” Chúng ta thường nhận biết rằng mình không có khả năng để vâng lời Đức Chúa Trời, cũng như từ bỏ thế gian và ý riêng của mình. Nhưng Chúa tác động đến chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng. Đó là sự cứu rỗi trọn vẹn. Sự cứu rỗi trọn vẹn không có nghĩa rằng, hôm nay Đấng Christ chấm dứt một tội, rồi hôm sau tội khác. Sự cứu rỗi trọn vẹn có nghĩa là chúng ta tiếp nhận một Đấng Christ toàn diện và đầy đủ. Sẽ không có sự cứu rỗi toàn diện nếu không có Đấng Christ.

Những Cơ Đốc nhân mà không chú ý Đấng Christ, sẽ khó thấy được điều này. Họ chỉ nhìn vào sự thuận lợi hay sự thiếu thốn của mình. Họ nhìn vào tội lỗi hoặc nan đề và cố gắng để vượt qua nó. Nhưng qua đó họ mắc một sai lầm lớn. Đức Chúa Trời hoàn toàn không có ý định là chúng ta vượt qua hoặc cải tiến điều này hay điều nọ. Ngài muốn chúng ta tiếp nhận một Đấng Christ toàn diện. Và qua Đấng Christ, Ngài tác động đến chúng ta để chúng ta muốn và hành động theo ý chỉ tốt lành của Ngài “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13). Vì vậy mà có hai điều cần phải làm:

  1. a. Sự phó thác.

Trước hết chúng ta phải biết dâng chính mình, có nghĩa là từ bỏ cái tôi của mình. Đúng là Đấng Christ sống trong chúng ta, nhưng nếu chúng ta không để Ngài tác động, thì Ngài không thể làm gì được. “Từ bỏ cái tôi của mình và dâng mình cho Đức Chúa Trời” có nghĩa là gì? Điều này không có nghĩa là chúng ta hứa hẹn hay cam kết với Ngài một điều gì đó, hay nói rằng sẽ làm theo ý của Ngài hoặc cố gắng làm mọi thứ, mặc dù chúng ta không có khả năng. Từ bỏ mình và dâng mình cho Ngài có nghĩa là chúng ta phó thác trọn vẹn mặt tốt, mặt xấu, quá khứ, cũng như hiện tại của chúng ta, và dâng mình trọn vẹn mình trong tay Đức Chúa Trời và để Ngài tác động. Nếu không, thì Ngài không thể sống cuộc sống của Ngài thông qua chúng ta được.

Hãy nghĩ xem, nếu chúng ta tặng ai đó một quyển sách mà không đưa quyển sách đó ra, như thế người đó không bao giờ nhận được quyển sách cả. Chúng ta có muốn dâng trọn vẹn chính mình và mọi việc làm của chúng ta cho Đức Chúa Trời không? Chúng ta đã sẵn lòng dâng sự không muốn lên bàn tay của Đức Chúa Trời không?

Sự phó thác bao gồm hai mặt: Đầu tiên chúng ta dâng mình để Đức Chúa Trời sử dụng. Thứ hai là dâng mình để Đức Chúa Trời tác động lên chúng ta. Nhiều người chỉ biết có mặt thứ nhất. Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng trọn vẹn chúng ta cho Ngài. Điều này có nghĩa là cái tôi của mình bị chết, và chúng ta từ bỏ chính mình. Khi làm được điều này, thì chúng ta đạt được tất cả.

Đức Chúa Trời không muốn sự tự cải thiện của chúng ta, mà Ngài muốn sự phó thác. Tôi phạm một tội mà tôi không thể vượt qua được trong vài tháng. Tôi đã thiếu lòng tin để đặt tội này lên bàn tay của Chúa. Tôi phạm một tội này nhiều lần. Cuối cùng tôi phó thác cho Chúa, và tôi đã từ bỏ được tội đó.

Điều quan trọng duy nhất ở đây là chúng ta đã sẵn lòng để thưa với Chúa một cách giản đơn như vầy hay chưa: “Lạy Chúa, con không thể từ bỏ được tội này; nhưng xin hãy tác động đến con cho đến khi con có thể bỏ được”. Như thế là đủ! Sự yếu đuối và sự thất bại của bạn không phải là trở ngại. Nó chỉ tùy thuộc vào sự phó thác của bạn, cho đến khi bạn sẵn lòng thưa rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, con xin phó thác con cho Ngài”. Cho sự phó thác này, chúng ta không cần phải làm hay phải đạt bất cứ điều gì cả, mà chúng ta chỉ cần một sự mong muốn biết vâng lời.

  1. b. Lòng tin.

Sau khi đã từ bỏ và phó thác chính mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải tin. “Hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, và tin cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy (Thi Thiên 37:5). Phó thác đường lối chúng ta cho Chúa có nghĩa là sự giao phó và tin cậy nơi Ngài, điều đó có nghĩa là lòng tin. Chúng ta phải thấy rằng sự phó thác và đức tin phụ thuộc lẫn nhau. Khi kết hợp cả hai điều này lại với nhau, chắc chắn chúng ta sẽ thắng. Chúng ta không thể thắng khi chỉ tin mà không từ bỏ cái tôi của chính mình và dâng mình cho Đức Chúa Trời.

Khi được tái sinh, chúng ta đã nhận được tất cả, nhưng chúng ta phải sẵn lòng dâng chính mình để Đấng Christ thể hiện sự sống của Ngài qua chúng ta. Mặt khác sự phó thác mà không có đức tin chỉ là một hành động chết. Vì thế chúng ta phải làm cả hai: thứ nhất, phó thác tất cả cho Chúa để Ngài tác động đến chúng ta, thứ hai tin rằng Đức Chúa Trời đã làm trọn vẹn tất cả theo Lời của Ngài.

Chúng ta hãy mạnh dạn lên và tin hoàn toàn vào những gì Chúa nói. Đừng để lệ thuộc vào cảm giác của chúng ta. Chúng ta chưa từng thấy Thiên đàng hay hỏa ngục; dựa vào Lời Chúa mà chúng ta tin là có Thiên đàng và hỏa ngục. Ngoài Lời Chúa ra, chúng ta không cần bất cứ bằng chứng nào cả.

Khi Chúa Giê-xu cùng môn đệ của Ngài đi thuyền qua bên kia bờ hồ, giông bão nổi lên và sóng gió vồ vập, đánh bạt con thuyền. Các môn đồ của Ngài thấy thế nên rất sợ hãi bèn đánh thức Ngài dậy: “Thầy ơi, Thầy ơi, chúng ta chết!” Ngài thức dậy, khiến gió yên sóng lặn và mặt hồ tĩnh lại như thể không có gì xảy ra. Và Ngài hỏi họ: “Đức tin các ngươi ở đâu?” (Lu-ca 8:22-25). Chúa đã nói: “Qua bên kia bờ hồ”. Họ không cần phải nghi ngờ gì cả vì Ngài đã nói điều đó. Tuy có bão tố nhưng Ngài vẫn mang họ qua được bên kia hồ. Chúng ta chỉ nên tin vào Lời Chúa mà thôi. Đừng lo quan tâm đến các việc khác. Lời Chúa là hoàn toàn trọn vẹn.