Tác giả: Mai hdenayun

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 06.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 06.10.2024

in THANH NIÊN on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 06.10.2024.

  1. Đề tài: CHÚA MUỐN SỰ VÂNG PHỤC.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 19:1 – 20:17
  3. Câu gốc: “Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 1-5.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 21.07.2024.

Đề tài 1: Ngày hôm nay chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu là đủ, không cần giữ giao ước Ngài.

Đề tài 2: Tiếp nhận Chúa Giê-xu thì được cứu rỗi. Còn nếu chúng ta làm theo điều răn và luật lệ của Chúa, giữ giao ước của Đức Chúa Trời thì nhận được phước hạnh.

 * TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Luật pháp của Đức Chúa Trời đã ban cho dân Do-thái là một giao ước giữa Ngài và dân sự Ngài. Trong giao ước ấy, một số điều dân sự không được phép làm và nếu bất tuân thì sẽ chịu hình phạt. Trái lại người nào tuân theo lời dạy của Ngài sẽ được ban phước đến nhiều đời.

I. CHÚA LẬP GIAO ƯỚC VỚI DÂN DO-THÁI (19:4-6a).

Dân Do-thái được Đức Chúa Trời đem ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Họ cần phải có những luật lệ chỉ đạo cho đời sống. Ông gia của Môi-se đã khuyên rằng: “Hãy lấy mạng lệnh và luật pháp mà dạy họ, chỉ cho biết con đường nào phải đi và điều chi phải làm” (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:20).

Đức Chúa Trời nhắc cho Môi-se và dân sự Ngài những hình phạt nặng nề Ngài đã giáng trên dân Ê-díp-tô khi họ không tuân theo mạng lệnh Chúa. Vậy dân Do-thái cũng không được quên rằng Ngài có thẩm quyền buộc họ phải tôn trọng những luật lệ của Ngài. Trước kia họ chưa quen tuân phục Chúa và cũng chẳng có Chúa làm chủ họ, vì vậy họ cần phải tập ghép mình vào một khuôn khổ kỷ luật của Chúa.

Trong thiên nhiên, chim ưng là loài biết huấn luyện và che chở chim con của mình. Chúng ta có thể so sánh việc Đức Chúa Trời dạy dỗ dân Do-thái với chim ưng dạy con. Chim ưng là loài trên cao, xây tổ trên ngọn cây, nơi đỉnh núi chứ không xây tổ nơi đồng bằng như các loài chim khác. Khi chim con đến tuổi phải tập bay và tự săn mồi. Chim cha và mẹ mang con ra khỏi tổ, khuyến khích chúng đập cánh tập bay. Cha mẹ chúng biết là chim con sẽ không bay lâu được nên lượn mình phía dưới chim con để con đáp lên và chở chúng về tổ. Cứ thế mà tập mãi đến khi chúng bay thật giỏi mới thôi.

Đức Chúa Trời cũng nâng đỡ, che chở và huấn luyện dân sự Ngài như vậy. Sự vâng theo luật pháp của Chúa có lợi cho dân sự nhiều vì họ sẽ biết rõ ý muốn của Chúa để làm đẹp lòng Ngài. Dân Do-thái tuân hành luật pháp của Chúa là dấu hiệu xác nhận họ được thuộc riêng về Chúa. Chúng ta ngày nay không phải nhờ tuân giữ luật pháp của Cựu Ước mà được cứu rỗi, nhưng nhờ tin Đức Chúa Giê-xu. Bởi đó, chúng ta được làm con cái Đức Chúa Trời, và thuộc riêng về Ngài. Nói tóm lại, đức tin đem đến sự cứu rỗi, còn làm theo luật pháp thì nhận được phước hạnh.

II. ĐIỀU RĂN GIỮA CON NGƯỜI VỚI CHÚA (20:2-4,7-11).

Đức Giê-hô-va vốn có từ trước khi sáng thế và còn đến đời đời. Ngài lập giao ước với tổ phụ của dân Do-thái, nay Ngài lập giao ước với tuyển dân Do-thái vừa ra khỏi Ê-díp-tô – nhà nô lệ. Khi truyền cho họ các điều răn của Ngài, Ngài tái xác nhận với họ những điều kiện trừng phạt hay khen thưởng trong giao ước và những yêu cầu rõ ràng của Ngài nữa. Dân sự của Chúa cứ chiếu theo đó mà nhận biết những điều Ngài ưa thích và những điều Ngài gớm ghiếc. Những điều răn của Chúa cho họ giống như những bản chỉ đường với mục đích bảo vệ và xây dựng dân Ngài.

Bốn điều đầu tiên trong Mười Điều Răn quy định mối liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời.

– Điều thứ nhất, nói đến thứ tự ưu tiên của Chúa trong lòng dân sự. Ngài phải được họ đặt trên hết mọi sự khác.

– Điều thứ hai, nói đến lòng tôn trọng sự cao cả của Chúa trên muôn loài vạn vật. Họ không thể nắn được Ngài.

– Điều thứ ba, nói đến lòng kính mến và thái độ của người tin danh Chúa.

– Điều thứ tư, nói đến sự thánh thiện khi dân sự dành riêng thì giờ thông công cùng Chúa.

Chúa Giê-xu cho biết căn bản của bốn điều răn trên đây là lòng yêu mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. “Người hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:37). Ngài cũng tóm gọn sáu điều còn lại trong tình yêu tha nhân.

III. ĐIỀU RĂN GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI (20:12-17).

Sáu điều răn sau còn lại trong luật pháp – Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời ban cho dân Do-thái nói lên mối liên hệ giữa người với người trong cộng đồng con dân của Chúa.

– Điều thứ năm dạy cho con cái biết rằng cha mẹ đáng được yêu mến và hiếu kính vì là những bậc sinh thành ra mình. Đây là một trong hai điều răn có kèm theo lời khen thưởng mang tính cách tích cực.

– Điều thứ sáu dạy chúng ta trách nhiệm tôn trọng sinh mạng của người khác giống như sinh mạng của chính mình. Chúng ta không ban được cho ai sự sống, bởi thế chúng ta cũng không có quyền cất lấy sự sống của mình hay của người khác.

– Điều thứ bảy dạy chúng ta phải kính trọng sự thánh khiết trong hôn nhân. Vợ chồng yêu thương nhau thì phải chung thủy với nhau, không làm hoen ố hôn nhân của mình và của người lân cận mình.

– Điều thứ tám dạy ta sự thành thật trong đời sống hằng ngày. Hễ yêu thương người thì không tìm cách để sang đoạt của người đem về cho mình. Vì “Ban cho thì có phước hơn là nhạn lãnh” (Công vụ 20:35).

– Điều thứ chín dạy sự ngay thẳng trong lời nói giao tiếp với nhau. Lời nói của chúng ta sẽ đánh giá con người chúng ta. Nói dối hay làm chứng dối biểu lộ bản chất tội lỗi tiềm ẩn bên trong con người mình.

– Điều thứ mười dạy về thái độ của chúng ta hơn là hành động. Lòng tham nói lên trong điều răn này ngăn cản một sự tham muốn ích kỷ, là căn nguyên của những hành động gian ác xấu xa.

Người tín hữu Cơ Đốc tôn trọng và vâng theo luật pháp của Chúa vì yêu mến Ngài. Đức Chúa Giê-xu dạy rằng: “Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người” (Giăng 14:23). Lời Chúa là luật pháp cho chúng ta vâng theo.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 06.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 06.10.2024

in PHỤ NỮ on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 06.10.2024.

  1. Đề tài: NÊ-HÊ-MI, NGƯỜI HẾT LÒNG LO VIỆC CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Nê-hê-mi 1:1-2:8; 6:1-19; 1-6.
  3. Câu gốc: “Vậy bây giờ, lạy Chúa, xin làm cho tay tôi mạnh mẽ” (Nêh 6:9c BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 43-45.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ (hoặc nơi sinh hoạt).

Thời gian: 90 phút.

I. CHUẨN BỊ.

– Cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và đến trạm kế tiếp…

– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.

– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… Mật thư phải ngắn gọn và đủ nghĩa. Mật thư được giấu tại trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.

– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, bút, các bản mật mã đã học.

– Kinh Thánh: Thông báo cho ban viên học thuộc lòng câu gốc tuần nầy và đọc trước (Nê-hê-mi 1:1-2:8; 6:1-19).

II. THỰC HIỆN.

  1. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
  1. Thể lệ cuộc thi.

– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.

– Đến trạm, phải sắp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.

– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.

     b. Cách chấm điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ………….. 10 điểm.

– Giải chính xác mật thư………………………………….. 10 điểm.

– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm……………………….. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất……………………………………….. 10 điểm.

– Thực hiện tốt nội dung thảo luận……………………. 10 điểm.

  1. Diễn tiến trò chơi.
  1. Mở đầu.

Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người. Nhóm xếp hàng dọc. Cử nhóm trưởng và thư ký nhóm, đặt tên nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: NÊ-HÊ-MI, NGƯỜI HẾT LÒNG LO CÔNG VIỆC CHÚA.

     b. Xuất phát.

NHD cho các nhóm xuất phát bằng trò chơi “ĐƯỜNG HẸP” để nhận mật thư 1.

– Cách chơi: Vẽ trên nền nhiều con đường bằng 2 vạch có bề rộng khoảng 20 cm, có thể quanh co cho khó đi. Cho các nhóm thi đua trên các “con đường” giống nhau. Các nhóm xếp hàng trước điểm khởi đầu, mỗi người cầm hai chiếc dép của mình (hoặc hai tấm giấy bìa cắt bằng chiếc dép). Còi thổi, mọi người đi bằng cách đặt một chiếc dép xuống đường, chân bước lên. Đặt chiếc dép thứ hai, chân bước lên, quay lại lấy chiếc dép thứ nhất (phải co chân lên) đặt vào đường để chân bước tới.

Ai đặt dép ra ngoài đường, đặt chân xuống đất, hoặc đặt chân ra ngoài dép… phải trở lại điểm xuất phát để tiếp tục cuộc chơi. Nhóm nào đi trên con đường hẹp nhanh nhất sẽ thắng. Nhóm thắng cuộc sẽ được nhận mật thư trước.

* Mật thư 1: TÌM NGƯỜI XÂY SỬA VÁCH THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM.

Cách làm: Viết nội dung mật thư lên mảnh giấy có vẽ hình bức tường đang xây dựng. Dùng bút viết từng từ lên từng viên gạch từng hàng từ dưới lên. Sau đó, dùng kéo cắt “bức tường” ra làm nhiều mảnh (nhiều ít tùy khả năng của ban viên). Bỏ tất cả mảnh giấy cắt rời vào một bì thư, dán kín lại. Bên ngoài viết dòng chữ để làm chìa khóa. Sau khi nhận mật thư, các nhóm đọc kỹ câu chìa khóa và ráp tất cả các mảnh vụn theo hình vẽ để đọc được nội dung mật thư.

– Chìa khóa: Hãy để chúng tôi được sống bên nhau.

Trạm 1.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

* Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời câu hỏi.

  1. Trước khi khởi công xây cất, Nê-hê-mi đã chuẩn bị ba điều gì? (Nêh 2:11-16; 17-18; 3:1-31).

* Đánh dấu vào câu trả lời đúng nhất.

  1. Vài nguyên tắc trong việc lãnh đạo là:
  1. Muốn chỉ huy người khác làm công việc nào, thì chính mình phải thấu triệt công việc ấy.
  2. Sự hưởng ứng của người khác không bởi quyền hành của người chỉ huy, nhưng vì thấy được nhu cầu và lợi ích của công việc.
  3. Phải biết khả năng của mỗi người để phân chia công việc cho có hiệu quả.
  4. Tất cả các câu trên.

* Trả lời câu hỏi.

  1. Cho biết những khó khăn Nê-hê-mi gặp phải khi bắt tay vào công việc (Nêh 4:1-4; 4:7-9, 11-23; 6:1-14; đoạn 5).

* Mật thư 2: T D I D M A F O N J G D U D O U W W I C F S C C H H A O A D N A S A H N U S W U N W G J.

Khoá: Cóc nhảy hai lần.

Trạm 2.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời trên giấy.

  1. Nê-hê-mi cộng tác với ai trong việc chấn chỉnh và phục hưng đạo đức trong dân sự?
  2. Nê-hê-mi quở trách và sửa phạt dân sự về những tội gì? (Nêh 1:8-9; 13:4-31).

Trạm 3.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy.

  1. Những việc Nê-hê-mi làm bày tỏ tâm tình nào? (Nêh 1:4-10).
  2. Qua đời sống phục vụ của Nê-hê-mi cho chúng ta gương sáng nào? (Nêh 6:15-16; 12:27-30).

– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.

  1. Kết thúc.

– NHD cùng ban phụ nữ tóm lược lại nội dung của trò chơi: Những chặng đường các nhóm đã đi qua và cùng học hỏi gương Nê-hê-mi, người hết lòng lo công việc Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

I. GIỚI THIỆU.

Qua hai đợt hồi hương trong khoảng thời gian 100 năm, dưới sự hướng dẫn của Xô-rô-ba-bên, đoàn dân trở về lo việc xây sửa đền thờ Đức Giê-hô-va vào năm 537 T.C. và mãi 20 năm sau, công việc xây sửa mới hoàn tất. Sau đó, E-xơ-ra hướng dẫn một đoàn người gồm các thầy tế lễ và người Lê-vi trở về thiết lập việc thờ phượng Đức Chúa Trời vào năm 458 T.C. nhưng còn một công việc chưa xong, đó là vách thành Giê-ru-sa-lem.

Được vài người bà con đến thăm báo cho biết, dân sự hồi cư sinh sống trên phần đất Giu-đa bị dân bản xứ hiếp đáp và các cửa thành bị chúng thiêu hủy. Nê-hê-mi vô cùng buồn bã, khóc lóc và khẩn cầu cùng Đức Chúa Trời. Nê-hê-mi đang làm quan tửu chánh trong triều vua Ạt-ta-xét-xe. Đức Chúa Trời cảm động lòng vua, cho phép Nê-hê-mi trở về Giê-ru-sa-lem.

Nê-hê-mi trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 445 T.C. Sau khi bày tỏ lý cớ Nê-hê-mi được dân chúng nhiệt tình ủng hộ. Vậy Nê-hê-mi bắt đầu khởi công với những thách thức phá hại của kẻ thù, cuối cùng vách thành được xây sửa xong cách nhanh chóng. Nê-hê-mi tổ chức một buổi lễ khánh thành long trọng cảm tạ ơn Chúa.

II. SUY GẪM.

  1. Nê-hê-mi với việc xây sửa vách thành.

Nê-hê-mi đã chuẩn bị ba điều: (1) Quan sát tình trạng hư hại của vách thành (Nêh 2:11-16). (2) Kêu gọi dân chúng hợp tác (Nêh 2:17-18). (3) Giao cho mỗi người đại diện chịu trách nhiệm một phần của vách thành (Nêh 3:1-31). Ba điểm này cho chúng ta học được vài nguyên tắc trong việc lãnh đạo: (1) Người muốn chỉ huy người khác làm công việc thì chính mình phải thông suốt tất cả công việc ấy. (2) Sự hưởng ứng dân chúng thấy được nhu cầu đứng đắn của công việc. (3) Có sự phân công rõ ràng. Mặc dầu được sự ủng hộ nồng nhiệt của dân chúng, ông không khỏi gặp nhiều thách thức khó khăn có kẻ thù phá hoại. Với hai đảng trưởng Tô-bi-gia và San-ba-lát, họ tấn công Nê-hê-mi bằng nhiều cách:

(1) Chế nhạo (Nêh 4:1-4): Chúng chế nhạo công việc dân sự đang làm chẳng có giá trị chi, một con chồn leo lên cũng đủ làm cho sập rồi!

(2) Đánh giá (Nêh 4:7-9, 11-23) Thất bại trong sự chế nhạo, kẻ thù bèn dùng sức mạnh tấn công.

(3) Mưu sát (Nêh 6:1-14): Sê-ma-gia tìm mưu hại mạng sống của Nê-hê-mi!

(4) Khiến dân sự bỏ cuộc vì mệt mỏi đuối sức (Nêh 4:10).

(5) Gây chia rẽ (Nêh 5): Kẻ thù khôn khéo, khiến kẻ nghèo phàn nàn nói về sự bóc lột của người anh em giàu có trong việc cầm cố đất ruộng và ăn lời. Nê-hê-mi căn cứ trên luật pháp Chúa mà xét đoán. Sự phân xử công minh đem lại sự ổn thỏa cho cả đôi bên.

Qua những cách phá hại của kẻ thù, chúng ta học biết những điều này:(1) Trong công việc Chúa, chúng ta không thể không gặp sự tấn công của ma quỷ. (2) Bên ngoài, dùng kẻ chẳng tin và bên trong khiến kẻ tin gây sự chia rẽ. Để đối phó với sự phá hoại của ma quỷ, chúng ta cầu nguyện nhờ cậy sức Chúa và đồng thời trang bị cho mình gươm của Đức Thánh Linh là Lời hằng sống linh nghiệm của Đức Chúa Trời để sẵn sàng chiến đấu với mưu của kẻ ác (Êph 6:10-20).

  1. Nê-hê-mi với cuộc chấn chỉnh và phục hưng.

Nê-hê-mi cũng đã dự bị với thầy tế lễ E-xơ-ra trong việc chấn chỉnh và phục hưng đời sống tâm linh của dân sự. Nê-hê-mi có thái độ nghiêm khắc đối với người đi sai lạc đường lối Đức Chúa Trời (Nêh 1:8-9, 13:4-31). So với E-xơ-ra, Nê-hê-mi cứng rắn hơn đối với kẻ lầm lỗi. Trong khi E-xơ-ra đến với kẻ phạm lỗi như người mẹ với những giọt lệ cầu thay, với sự cảnh tỉnh của Lời Chúa, thì Nê-hê-mi như người cha với ngọn roi sửa dạy.

  1. Đời sống tin kính Chúa của Nê-hê-mi.

Nê-hê-mi là người kính mến Đức Chúa Trời và yêu thương quốc gia dân tộc (Nêh 1:4-10). Ông không lấy quyền trị dân, nhưng với sự cảm thông, với sự tình nguyện. Điểm sáng chói trong Nê-hê-mi là tôn cao danh Chúa (Nêh 6:15-16; 12:27-30).

III. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Nê-hê-mi trong công việc xây sửa vách thành.
  2. Trước khi bắt đầu việc xây sửa vách thành, Nê-hê-mi chuẩn bị và sắp đặt như thế nào? (Nêh 2:11-16; 17-18; 3:1-31).
  3. Trong việc xây sửa vách thành Nê-hê-mi gặp những trở ngại nào và đối phó như thế nào? (Nêh 4:1-10, 11-23; 6:1-14).
  4. Xin cho biết bí quyết giúp Nê-hê-mi hoàn thành công việc xây cất trong vòng 52 ngày, trước những thách thức của kẻ thù?
  5. Với bí quyết trên, bạn áp dụng thế nào cho mình để được thành công trong công tác Chúa gọi, để đắc thắng mưu kế của kẻ dữ? (Ê-phê-sô 6:10-20).
  6. Nê-hê-mi trong công tác chấn chỉnh và phục hưng đạo đức.

– (Nêh 13:4-31): Nê-hê-mi có thái độ nào đối với kẻ đi sai lạc đường lối Chúa?

  1. Sự tin kính của Nê-hê-mi.
  2. (Nêh 1:4-10): Qua lời cầu nguyện của Nê-hê-mi cho thấy ông có tấm lòng như thế nào đối với dân sự và công việc nhà Chúa?
  3. (Nêh 5:1-13): Tìm hiểu những đức tính của Nê-hê-mi trong cách xử thế, và tinh thần phục vụ dân tộc.
  4. Trước nhu cầu của công việc nhà Chúa, bạn có đáp ứng gì?

Trước những thách thức khó khăn, bạn giải quyết thế nào? Bạn làm gì cho quê hương, cho người đi sai lạc đường lối Chúa?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 06.10.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 06.10.2024

in NAM GIỚI on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 06.10.2024

  1. Đề tài: GIỮ SỰ THÔNG CÔNG TRONG HỘI THÁNH.
  2. Kinh Thánh: Giăng 13:34; Rô-ma 15:2,12:15; Công 2:42-47.
  3. Câu Gốc: “Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện” (Công 2:42).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 43-45.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14.07.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Có thể nói phân đoạn Kinh Thánh này là một khuôn mẫu sinh hoạt cho các Hội Thánh. Lu-ca đã mô tả lại những sinh hoạt thường xuyên của các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên thật tuyệt vời. Họ kính sợ Chúa, trung tín trong sự nhóm lại, yêu mến Lời Chúa, hết lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, làm sáng Danh Chúa và ảnh hưởng tốt đến nhiều người.

Một trong những điểm nổi bật của các tín hữu Hội Thánh đầu tiên là giữ mối thông công tốt đẹp trong Hội Thánh. Trong tình thông công đó, họ hiệp lại với nhau cùng chung dự Tiệc Thánh để nhắc nhau về sự hy sinh của Chúa Giê-xu, rồi cầu nguyện cho nhau. Mối thông công tốt đẹp thể hiện qua sự hiệp một trong Hội Thánh. Các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên đã “tâm đầu ý hợp”, một lòng quan tâm đến nhu cầu của nhau và thể hiện qua hành động “bán hết tài sản, của cải mình có mà phân phát cho nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người. Ngày nào họ cũng chuyên tâm đến đền thờ; và từ nhà này đến nhà khác, họ bẻ bánh và dùng bữa cùng nhau với lòng vui vẻ, chân thành, ca ngợi Đức Chúa Trời và được ơn trước mặt mọi người” (Công 2:45-47 – BHĐ). Thật đây là một bức tranh quá đẹp về mối thông công giữa những anh em cùng đức tin trong Hội Thánh!

Nhờ mối thông công và lòng trung tín của họ, mà mỗi ngày có thêm nhiều người được cứu vào trong Hội Thánh (câu 47). Nếu con cái Chúa trong các Hội Thánh ngày nay có thể giữ được sự thông công tốt đẹp như các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên, thì chắc chắn cũng sẽ thu hút và đem thêm được nhiều người vào Hội Thánh. Nhưng thật đáng buồn làm sao khi có nhiều Hội Thánh tan rã, do những mâu thuẫn giữa con dân Chúa với Mục sư hoặc ngược lại, hoặc giữa các tín hữu với nhau. Làm sao chúng ta có thể cứu người nếu mối thông công trong Hội Thánh không tốt đẹp?

Để giữ được sự thông công hiệp một, mỗi tín hữu phải học theo gương các tín hữu đầu tiên: chuyên tâm giữ Lời Chúa, hết lòng cầu nguyện, kính sợ Chúa, quan tâm đến nhu cầu của nhau và sẵn sàng chia sẻ. Từng con dân Chúa phải làm theo lời dạy của sứ đồ Phao-lô: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:3-4).

Bạn có đang hết sức giữ gìn sự thông công tốt đẹp với anh chị em mình trong Hội Thánh không?

“Lạy Chúa, xin nhắc nhở chính mình con phải biết gìn giữ mối thông công với anh chị em trong Hội Thánh, để từ đó có thể đem lại ảnh hưởng tốt cho người khác và giúp họ có cơ hội đến với Ngài”.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên sinh hoạt ra sao? Họ giữ mối thông công như thế nào?
  2. Kết quả từ sự trung tín của họ là gì?
  3. Trong Hội Thánh ở địa phương của bạn đã giữ mối thông công với nhau như thế nào?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 29.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 29.09.2024

in THANH NIÊN on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 29.09.2024.

  1. Đề tài: CHÚA CHỈ DẠY.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 18.
  3. Câu gốc: “Nhưng hãy chọn lấy trong vòng dân sự mấy người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chơn thật, ghét sự tham lợi, mà lập lên trên dân sự… đặng họ chia gánh cùng con” (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:21a-22b).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 61-70.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

  1. Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, ý nghĩa và áp dụng.

* Câu hỏi học Kinh Thánh tham khảo.

I. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13-16 cho biết:

  1. Môi-se ngồi xét đoán dân sự từ sáng đến chiều về vấn đề gì?
  2. Vì sao Môi-se phải chỉ dạy luật pháp và mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho dân sự?
  3. Ngày nay, bạn là người hiểu biết luật pháp và mạng lịnh của Chúa thì bạn phải làm gì cho người chưa biết về lời Ngài?

II. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 18:17-20 cho biết:

  1. Giê-trô đã chỉ cho Môi-se cách nào tốt nhất để có thể giúp đỡ cho dân sự?
  2. Môi-se có nghe theo lời ông gia mình không? Tại sao?
  3. Xin cho biết kinh nghiệm của bạn khi làm việc chung với nhiều người? Theo bạn, muốn hoàn thành công việc Đức Chúa Trời giao phó thì phải làm thế nào?

III. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 18:20-24 cho biết:

  1. Giê-trô đưa ra tiêu chuẩn người được chọn để cùng làm việc với Môi-se phải có phẩm hạnh nào?
  2. Tại sao những người được chọn phải có phẩm hạnh trên?
  3. Là người của Đức Chúa Trời, bạn phải có phẩm hạnh nào để xứng đáng là người phục vụ Đức Chúa Trời?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong Hội Thánh đầu tiên, chức vụ chấp sự do Hội Thánh lập nên dựa theo những tiêu chuẩn như: Có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn, có đức tin (Công vụ 6:3-6 và 1Ti-mô-thê 3:8). Những chấp sự chỉ lo giúp thực hiện những công tác Hội Thánh để các nhà lãnh đạo có thì giờ lo các việc tâm linh. Sự kiện các sứ đồ chọn người giữ chức vụ chấp sự phản ánh phần nào điều Đức Chúa Trời đã chỉ giáo cho Môi-se qua những lời khuyên dạy của Giê-trô.

I. GIÊ-TRÔ HỎI MÔI-SE (18:13-16).

Môi-se chịu nhiều ảnh hưởng đạo đức và đức tin của Giê-trô trong suốt 40 năm làm rể. Chúa tiếp tục dùng Giê-trô để khuyên dạy Môi-se nhiều điều rất hữu ích cho việc điều hành những sinh hoạt của dân sự Do-thái.

Lúc biết tin Môi-se dẫn dân Do-thái ra khỏi xứ Ê-díp-tô, ông gia của Môi-se là Giê-trô đến thăm viếng Môi-se. Ông Giê-trô có dịp quan sát cách làm việc của con rể mình. Ông thấy Môi-se ngồi xét xử dân chúng cả ngày. Dân chúng hàng trăm người cũng đứng đó chờ được xét xử,  đôi bên đều mệt mỏi.

Giê-trô hỏi Môi-se hai câu này: “Con làm chi cùng dân sự đó? Sao con chỉ ngồi một mình, còn cả dân sự đứng chực trước mặt từ sớm mai đến chiều như vậy?” Môi-se thành thật trình bày cho ông gia mình ý muốn của dân sự và ý muốn của ông. Môi-se muốn giải quyết những nan đề của dân sự, muốn truyền cho họ mạng lịnh và luật pháp của Đức Chúa Trời. Câu hỏi đầu tiên của Giê-trô là câu hỏi mà người được Chúa kêu gọi vào chức vụ chăn dắt dân Chúa phải tự hỏi lấy mình: Chúa muốn mình làm điều gì cho Hội Thánh Ngài? Hội Thánh Chúa muốn ta làm điều gì? Môi-se, xem việc xét xử dân chúng, tìm ý Chúa cho họ, và rao giảng lời Chúa là những nhiệm vụ chính của ông. Đó cũng là nhiệm vụ chính của người lãnh đạo Hội Thánh ngày nay.

Nguồn khôn ngoan duy nhất để Môi-se giải quyết mọi nan đề của dân sự là Đức Chúa Trời. Ông không cậy sự khôn ngoan cá nhân mình mà giải quyết mọi sự.

II. GIÊ-TRÔ KHUYẾN CÁO MÔI-SE (18:17-20).

Nghe qua sự trình bày của con rể mình, Giê-trô nhận thấy Môi-se có ý tốt nhưng không có phương pháp để đạt mục tiêu Đức Chúa Trời giao phó cho ông. Tuy Môi-se đã 80 tuổi, đã từng ở trong cung điện vua Ê-díp-tô, quen biết với thủ tục hành chính, nhưng Môi-se vẫn còn cần đến sự cố vấn của Giê-trô. Giê-trô không phải là một chính trị gia, hay là một nhà lãnh đạo. Ông chỉ là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, có sự thông sáng của Ngài để giúp ý kiến xây dựng cho Môi-se. Lời lẽ của ông nói ra với sự quan tâm và yêu thương của cha đối với con nên được Môi-se sẵn sàng đón nhận.

Giê-trô thấy rằng Môi-se sẽ bị đuối sức vì gánh lấy công tác xét đoán dân sự một mình. Môi-se cần nhận định rõ hơn công tác nào chính và công tác nào phụ để chức vụ lãnh đạo của ông được thực hiện cách hiệu quả hơn. Công tác làm trung gian giữa Đức Chúa Trời với dân sự và sự rao giảng mạng lệnh cùng luật pháp của Ngài đều quan trọng như nhau. Nhưng việc xét xử không quan trọng như vậy. Môi-se có thể chọn nhiều người, huấn luyện họ và phân nhiệm vụ để họ có thể phụ giúp ông trong công việc Chúa giao. Đức Chúa Trời dùng nhiều cách trực tiếp hay gián tiếp để huấn luyện chức vụ lãnh đạo cho dân sự Ngài. Người được Chúa dùng để huấn luyện Môi-se là Giê-trô, một tôi tớ của Ngài, vì không phải bất cứ ai cũng có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

III. GIÊ-TRÔ CỐ VẤN CHO MÔI-SE (18:21-23).

Một gánh nặng được nhiều người ghé vai chung gánh sẽ trở nên nhẹ. Thay vì gánh một mình, Môi-se có thể chia sẻ gánh nặng đó cho nhiều người khác. Giê-trô khuyên Môi-se nên chọn những người có năm điều kiện sau đây cùng hợp tác với ông:

(1) Phải là người “Trong vòng dân sự”. Công việc nhà Chúa không nên giao cho người không biết Chúa đảm trách.

(2) Phải là người có khả năng. Người ấy cần phải có khả năng thích hợp với công tác chuyên môn.

(3) Phải biết kính sợ Chúa. Ảnh hưởng tốt hay xấu cho hội chúng tùy thuộc mối liên hệ của người đó với Chúa.

(4) Phải là người đáng tin. Người sống cho lẽ thật của Chúa sẽ dìu dắt hội chúng vào lẽ thật và sẽ không xê dịch khỏi đường lối Chúa.

(5) Phải là người không tham lợi. Người ấy sẽ không lạm dụng địa vị, quyền thế của mình mà hà hiếp dân chúng, làm thối nát guồng máy trị dân.

Môi-se được Giê-trô khuyên nên chọn những người như vậy để ban cho thẩm quyền cần thiết trong việc thi hành công tác. Họ phải trung tín trong chức vụ và công tác đã nhận lãnh.

IV. MÔI-SE HƯỞNG ỨNG LỜI KHUYÊN (18:24-26).

Qua đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy Đức Chúa Trời dùng người có thẩm quyền của Chúa như thầy tế lễ Giê-trô để dạy thêm cho Môi-se tôi tớ Ngài, còn Giê-trô đã hướng dẫn Môi-se theo cách hiệu quả hơn.

Môi-se lắng nghe lời khuyên của ông gia mình và làm y như vậy. Ông đã chọn được nhiều người có đủ những tư cách nêu trên, cho họ những chức vụ “cấp trưởng” của cả dân sự, tùy theo nhóm ngàn người hay trăm người, hay năm mươi người. Vậy ông Môi-se đã phân nhiệm vụ cho một số người có đủ tiêu chuẩn tốt để phục vụ và đem lợi ích đến dân sự Chúa và làm vinh hiển danh Ngài. Đức tính quan trọng nhất của người được chọn để dự phần vào công việc nhà Chúa là tình yêu thương. Nếu không bởi tình yêu thương thúc đẩy công việc, người lãnh đạo trong Hội Thánh của Chúa sẽ trở nên lạm quyền và lên mình kiêu ngạo. Sứ đồ Phao-lô đã dạy: “Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương vì là dây liên lạc của sự trọn lành” (Cô-lô-se 3:14).

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 29.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 29.09.2024

in PHỤ NỮ on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 29.09.2024 (Chúa Nhật Cơ Đốc Giáo Dục)

  1. Đề tài: DẠY KINH THÁNH.
  2. Kinh Thánh: Mat 4:25, 9:36; Mác 10:51, 12:37; Lu 11:17; Giăng 12:49.
  3. Câu gốc: “Khi Đức Chúa Giê-xu phán những lời ấy xong, dân chúng kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy cách có thẩm quyền, chứ không như các thầy thông giáo” (Mat 7:28-29 BTTHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 40-42.
  5. Thể loại: Huấn luyện.

* CHỈ DẪN: Huấn luyện.

Mời một người có ơn trong việc phát triển Hội Thánh qua mục vụ Trường Chúa Nhật, huấn luyện Ban Thanh niên cách dạy Kinh Thánh trong giờ Trường Chúa Nhật. BHD đưa đề tài, Kinh Thánh, câu gốc (có thể đưa luôn phần tài liệu tham khảo) để diễn giả nghiên cứu trước vài tuần. Vì là giờ huấn luyện nên sau khi diễn giả trình bày, ban viên có thể nêu lên những thắc mắc, những khó khăn trong mục vụ nầy để diễn giả giúp đỡ cách khắc phục trong thời gian tới.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

DẠY KINH THÁNH.

(PHÁT TRIỂN HỘI THÁNH QUA
TRƯỜNG CHÚA NHẬT)

Một trong những điểm nổi bật trong chức vụ của Chúa Giê-xu là thu hút đám đông. (Ma-thi-ơ 4:25) “Thiên hạ kéo nhau rất đông mà theo Ngài”. Kinh Thánh cho biết có nhiều người đến với Chúa để nghe Ngài giảng và xem phép lạ. Muốn thu hút người đến với lớp học và Hội Thánh thì giáo viên Trường Chúa nhật phải tiếp cận với học viên theo cách Chúa Giê-xu:

I. DẠY KINH THÁNH THEO GƯƠNG CHÚA GIÊ-XU.

  1. Chúa yêu đoàn dân.

(Ma-thi-ơ 9:36) “Khi thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn”. Nhiều người tìm đến với Chúa vì Ngài yêu thương họ. Khi chúng ta yêu thương học viên thì sẽ thu hút họ đến với lớp học chúng ta.

  1. Chúa đáp ứng nhu cầu của họ.

Trong câu chuyện Chúa chữa bệnh cho một người ở (Mác 10:51) Chúa hỏi người bệnh: “Ngươi muốn Ta làm chi cho ngươi?” Chúa rất thực tế với nhu cầu của con người. Khi một lớp học Trường Chúa Nhật đáp ứng được nhu cầu của học viên thì chắc chắn sẽ có người gặp Chúa, được cứu và đời sống được gây dựng. Giáo viên Trường Chúa Nhật cần nhận biết trách nhiệm cao trọng Chúa và Hội Thánh giao phó cho mình. Vì thế, các giáo viên Trường Chúa Nhật phải có đời sống tin kính, tận hiến, quyền năng mạnh mẽ để làm gương cho học viên. Cũng phải gần gũi và thân mật với học viên để họ tìm được sự nâng đỡ khi đối diện với những khó khăn.

  1. Chúa dạy lời Đức Chúa Trời.

(Giăng 12:49) “Bởi Ta chẳng nói theo ý riêng Ta; nhưng Cha sai Ta đến, đã truyền lịnh cho Ta phải nói điều chi và phải nói thể nào”. Chúa không dùng ý riêng, luôn luôn tìm và làm theo ý Đức Chúa Trời. Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh là quyển sách giáo khoa của Trường Chúa Nhật.

  1. Chúa giảng dạy cách hấp dẫn và thực tế.

(Mác 12:37) “Đoàn dân đông vui lòng mà nghe Ngài”. Các yếu tố: Yêu thương, đáp ứng nhu cầu, dạy Kinh Thánh, và dạy cách thực tế là những cách giúp lớp Trường Chúa Nhật tăng trưởng trong Chúa. Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa muốn mọi người vào đầy nhà Ngài, vì Chúa quan tâm. “Ngài không muốn một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2Phi-e-rơ 3:9b).

II. CHUẨN BỊ HƯỚNG DẪN HỌC KINH THÁNH.

Học và đọc Kinh Thánh mỗi ngày là một phần trong những sinh hoạt của giáo viên Trường Chúa Nhật. Vì nếu bạn không tăng trưởng hôm nay thì bạn không thể dạy ngày mai.

  1. Biết nhu cầu của học viên.

Để chuẩn bị hướng dẫn một lớp học Kinh Thánh chúng ta cần biết nhu cầu, mục đích và ước muốn của học viên. Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-xu biết suy nghĩ của mọi người “Đức Chúa Giê-xu biết ý tưởng họ” (Lu-ca 11:17). Giáo viên phải trả lời cho chính mình: Nhu cầu của học viên trong lớp tôi là gì? Khó khăn gì họ đang gặp? Họ có những sở thích nào? Nhờ đó, bạn mới nâng đỡ họ.

  1. Chuẩn bị bài học.

Giáo viên Trường Chúa Nhật cần nghiên cứu bài càng sớm càng tốt để hiểu rõ những sự dạy dỗ của phân đoạn Kinh Thánh mình sẽ hướng dẫn. Nên nghiên cứu từ đầu tuần để có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị bài. Trước hết giáo viên đọc phần Kinh Thánh bối cảnh bài học. Thứ hai, giáo viên đọc tài liệu dạy để hiểu rõ bài học. Thứ ba, giáo viên nên tìm cách khám phá chân lý của Kinh Thánh để giúp học viên áp dụng bài học vào đời sống.

  1. Định hướng bài học.

Đọc và suy gẫm phần Kinh Thánh để tìm trọng tâm của bài học, suy nghĩ đến nhu cầu của từng học viên. Bạn phải suy nghĩ đến mục đích bài học. Nếu mục đích của bài học mơ hồ thì việc dạy cũng mơ hồ.

Có ba mục đích giáo dục căn bản. Mục đích rõ ràng của mỗi bài học sẽ phù hợp với một trong những điều căn bản sau đây:

  1. Kiến thức (biết): Gợi nhớ lại những sự kiện. Nhận thức những sự kiện. Suy nghĩ để phối hợp nhiều ý kiến.
  2. Thái độ (cảm nhận): Hiểu biết. Thay đổi về sở thích hay giá trị. Suy nghĩ sáng tạo. Cảm hứng.
  3. Cách cư xử (hành động): Cách giải quyết vấn đề. Giúp mình. Giúp người khác. Dự tính hành động.

Khi có mục đích rõ ràng thì việc dạy bài rất thuận lợi cho bạn.

III. HƯỚNG DẪN LỚP HỌC.

Nguyên tắc hướng dẫn một lớp học Kinh Thánh được cô đọng trong các lời nầy: “Nói chưa phải là dạy. Nghe chưa phải là học. Làm mới thực sự là học”.

Xin giới thiệu đến quý vị phương pháp hướng dẫn theo lối đặt câu hỏi và trả lời. Có ba loại câu được dùng để hướng dẫn lớp học Kinh Thánh là: Câu hỏi quan sát, câu hỏi giải thích và câu hỏi áp dụng.

A. Câu hỏi quan sát: Sự kiện.

– Ai? Việc gì? Cái gì? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao?

Câu hỏi “Sự gì, ở tại đâu, làm sao, khi nào, ai đó, tại sao thế nầy?”

B. Câu hỏi giải thích: Ý nghĩa.

– Định nghĩa. Tại sao? Ý nghĩa của… Liên hệ của… Điều này hàm chứa ý gì? Điểm ấy có ý nghĩa gì cho người thời xưa? Điểm ấy có ý nghĩa gì cho xã hội hiện đại?

C. Câu hỏi áp dụng: Hành động.

Tôi học được điều gì về Chúa? Về tôi? Điều gì bắt tôi phải thay đổi lối suy nghĩ của mình? Hành động nào của tôi là sai quấy? Lối cư xử nào phải thay đổi? Tôi phải làm gì, khi nào, với ai?

Hướng dẫn lớp học trong tinh thần thảo luận.

  1. Xếp ghế theo vòng là tốt nhất vì mọi người nhìn thấy mặt nhau.
  2. Đặt câu hỏi (tránh giải thích, giảng giải hay thuyết trình về phần Kinh Thánh).
  3. Cho mỗi người có thì giờ suy nghĩ để trả lời.
  4. Nếu mọi người không trả lời được câu hỏi thì người hướng dẫn cần sửa lại câu hỏi cho rõ ràng và sáng ý hơn.
  5. Đừng dừng lại sau khi có người đã trả lời một câu hỏi, nên khuyến khích nhiều người khác cho thêm ý kiến. Ví dụ: “Có ai thấy điểm nào nữa không?” “Ai có những nhận xét gì khác không?”
  6. Đừng buộc học viên tìm kiếm câu trả lời mà người hướng dẫn nghĩ là đúng. Tốt hơn là để một vài câu trả lời trôi qua còn hơn là làm học viên chán nản, không muốn góp ý.
  7. Ghi nhận câu trả lời của từng người. Người hướng dẫn nên cho học viên biết mình đang lắng nghe họ và mong mỏi sự góp phần của họ.
  8. Tạo điều kiện cho người trong nhóm có cơ hội thảo luận. Đôi khi cần gọi tên một vài người để khuyến khích họ nói hay đặt câu hỏi dễ cho họ.
  9. Nếu có người nói quá nhiều, người hướng dẫn có thể nói: “Anh chị nào chưa phát biểu xin cho biết ý kiến trong điểm này”.
  10. Giữ cho những điều chia sẻ thích hợp và đi sát nhu cầu của lớp học.

Trong công tác phục vụ có hai sức mạnh cho phép chúng ta thực hiện được công việc Chúa giao: Thiên thượng và con người. Ngoài việc cầu xin Chúa hướng dẫn, thêm sức, ở cùng với lớp học, giáo viên Trường Chúa Nhật cần đầu phục Chúa trong cả ba giai đoạn: Chuẩn bị bài học, hướng dẫn lớp học và cùng học viên sống đạo mỗi ngày. Cầu xin Chúa giúp bạn trung tín trong công tác mà chúng ta hứa nguyện làm vì đến kỳ thuận hiệp chúng ta sẽ gặt hái kết quả miễn là chúng ta không mỏi mệt (Gal 6:9).

Mục sư Hà Quan Ngọc (Trích Đặc san Phụ nữ Báp-tít).

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 29.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 29.09.2024

in Chưa được phân loại on 28 Tháng Mười, 2024

Chúa nhật 29.09.2024

  1. Đề tài: PHẢI ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 6:19-20; Lu-ca 11:13; Công Vụ 2:4; Giăng 7:37-39.
  3. Câu Gốc: “Đừng say rượu vì rượu xui cho luông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:18).
  4. Đố Kinh Thánh: Giê-rê-mi 40-42.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 07.07.2024.

Đề tài 1: Cơ Đốc nhân cần phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Đề tài 2: Cơ Đốc nhân chỉ cần có Đức Thánh Linh.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh “say rượu” để so sánh khi dạy các con cái Chúa “phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Ông nói: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Người ta thường mượn rượu để giải sầu hoặc để có thêm can đảm, vì men rượu làm cho hưng phấn. Nhưng những điều do rượu mang lại chỉ là tạm thời, sau đó là say sưa và “luông tuồng,” nghĩa là trụy lạc, phóng đãng. Thay vào đó, hãy tìm niềm vui bất tận và sức mạnh Thiên thượng trong Thánh Linh.

Rượu xui cho luông tuồng vì người say rượu sẽ mất tự chủ, rượu sẽ sai khiến người đó nói và làm những việc bậy bạ, sai trật mà họ không hề biết. Nhưng người đầy dẫy Đức Thánh Linh lại sinh ra những phẩm chất tốt đẹp của Trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22), trong đó có sự tiết độ, tức tự chủ. Câu 19-20 cho thấy cuộc đời của người đầy dẫy Đức Thánh Linh là những chuỗi ngày ca ngợi tôn vinh Chúa bằng cả môi miệng lẫn tấm lòng; người ấy sẽ không có lời than thở, nản lòng khi gặp nghịch cảnh nhưng luôn sống với tinh thần tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì biết rằng Chúa luôn tể trị mọi sự và luôn ban mọi điều tốt nhất cho con cái Ngài (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18).

Vậy làm thế nào để đầy dẫy Đức Thánh Linh? Khi một người tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa Cứu Thế, thì người ấy được Thánh Linh ngự vào lòng và được tái sinh làm con của Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân tuy đã nhận được Thánh Linh ngay khi thật lòng tin Chúa, nhưng để đầy dẫy Thánh Linh thì phải đầu phục sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Có Đức Thánh Linh là được Chúa ngự vào lòng một lần đủ cả, nhưng đầy dẫy Thánh Linh là quyết định sống theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh mỗi ngày, mỗi phút giây, nghĩa là phải đầu phục Chúa liên tục và trọn vẹn.

“Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh” là một mệnh lệnh phải vâng lời, không phải muốn hay không muốn. Khi phạm tội hoặc khi cái tôi của chúng ta nổi lên làm chủ khiến chúng ta không vâng theo Lời Chúa dạy, chúng ta đang làm buồn Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:30), hoặc có thể chúng ta đang dập tắt Thánh Linh (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:19) bằng thái độ lạnh nhạt, không đáp ứng với ngọn lửa Thánh Linh đang bùng cháy trong lòng. Những lúc như vậy, dù Đức Thánh Linh vẫn ở trong chúng ta, nhưng chúng ta không còn đầy dẫy Đức Thánh Linh nữa. Khi ấy, cần phải xưng tội, ăn năn (1Giăng 1:9), quay trở lại sống trong sự vâng phục Chúa để được tiếp tục đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Bạn có nhận biết mình luôn được đầy dẫy Thánh Linh không?

“Lạy Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trị và dẫn dắt con theo Chúa mỗi ngày. Xin tha thứ cho con vì con đã làm buồn lòng Chúa; xin giúp con vâng phục Chúa từng ngày để con luôn được đầy dẫy Thánh Linh”.

Văn Phẩm Nguồn Sống.