Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp ẤU NHI (4-5 TUỔI) – QUÝ 2/2024

By Mai hdenayun in ẤU NHI on 20 Tháng Tám, 2024

BÀI 11. NGƯỜI PHUNG BIẾT ƠN

I. KINH THÁNH: Lu-ca 17:11-19.

II. CÂU GỐC: “Ta cảm tạ Đức Chúa Trời, là Đấng ta phục vụ với lương tâm trong sáng như tổ phụ ta đã làm; cả ngày lẫn đêm, ta luôn nhớ đến con trong khi cầu nguyện.” (2Ti-mô-thê 1:3).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

                        – Biết: Chỉ có một người phung biết ơn, cảm tạ Chúa.

– Cảm nhận: Đừng quên cảm tạ Chúa trong mọi điều Ngài ban cho.

                        – Hành động: Cảm tạ Chúa mỗi khi cầu nguyện.

* GIÁO VIÊN SUY GẪM.

Sách Lu-ca 17:11-19 ghi lại câu chuyện mười người mắc bệnh phung, cầu xin Chúa Jêsus chữa lành cho, Chúa liền chữa cho họ. Nhưng khi phát hiện mình được lành, chỉ có một người (là người Sa-ma-ri) quay trở lại cảm tạ Chúa, ca ngợi Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus phán: “Đức Chúa Jêsus phán: “Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Chẳng ai trở lại tôn vinh Đức Chúa Trời ngoại trừ người ngoại quốc nầy sao?” (Lu-ca 17:17-18). Qua điều nầy, chúng ta cần nhận biết rằng, không phải Chúa Jêsus cần con người báo đáp ân huệ của Ngài mà là muốn con người hiểu được một điều: Nếu nhận biết việc làm của Đức Chúa Trời thì phải có lòng cảm tạ. Không những chỉ cảm tạ Đức Chúa Trời mà khi ai làm điều gì cho mình, cũng phải biết cảm ơn họ.

                        Chúng ta thử xét xem, có người nào đã từng giúp đỡ, chăm lo cho chúng ta mà chúng ta quên cảm ơn họ không? Nếu chúng ta không cảm ơn có nghĩa là cho việc đó đương nhiên người đó phải làm, không cần phải cảm ơn. Trong gia đình, trong những người bạn, có lẽ nhiều người đã tận tình giúp đỡ bạn lúc đang có nhu cầu, bạn có cảm ơn họ không? Có cảm tạ Đức Chúa Trời vì đã cho những người đó ở bên cạnh mình không?

                        Nếu bạn nhận biết bất cứ điều gì đều là đến từ Đức Chúa Trời, biết ơn Ngài, biết ơn người khác, hãy bày tỏ lòng biết ơn của bạn đi. Đó là phẩm chất tốt đẹp cần được phô bày. Nếu bạn không quen nói lời cảm ơn, hãy luyện tập. Điều quan trọng là không ngừng tra xét mình và rèn luyện những điều tốt. Chúng ta cũng cần giúp các em nhận biết và thực hiện điều nầy đối với Đức Chúa Trời và con người ngay từ khi còn bé.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò chơi: “CẢM ƠN”.

– Chuẩn bị: Một gói bánh hoặc kẹo.

– Cách chơi: Cho các em ngồi vòng tròn. Khi giáo viên hô “Mời đứng lên!”, thì đồng loạt các em đứng lên; khi nghe hô “Mời bạn ngồi!” thì ngồi xuống ngay, nhưng đồng thời nói “cảm ơn” liền. Em nào nói chậm hoặc không nói thì bị mời ra và chờ phạt. Muốn cho vui nhộn thì giáo viên hô càng lúc càng nhanh hơn. Cuối cùng còn lại chừng hai em thì ngưng trò chơi, cho hai em đó nhận bánh và đi mời các bạn trong lớp cùng ăn, nhắc các em nhớ cảm ơn bạn.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào bài.

Khi nãy các em đã chơi trò chơi “Cảm ơn” có vui không? Đó là lời nói mình nên dùng khi nào? (Cho các em trả lời – gợi ý: Khi được ai cho vật gì hoặc làm giúp mình điều nào đó). Khi cho bạn món đồ chơi nào đó hoặc mời bạn dùng bánh kẹo mà bạn không cảm ơn, các em có vui không? Chắc là không vui đâu, phải không? Chúa Jêsus cũng vậy. Kinh Thánh cho chúng ta biết điều nầy qua câu chuyện ngày hôm nay cô (thầy) sẽ kể cho các em nghe.

  1. Bài học.

Có lần kia, Chúa Jêsus đi đến một ngôi làng, có mười người bị bệnh phung tìm đến với Ngài. Các em có biết bệnh phung là bệnh gì không? Đó là bệnh cùi mà có một số người ăn xin ngoài đường chúng ta thường thấy, bị mắc phải. Họ rất đau đớn, khổ sở vì căn bệnh hành hạ và còn buồn vì không ai dám đến gần. Mọi người thân đều xa lánh họ. Khi biết Chúa Jêsus đi ngang qua đây, họ mừng lắm vì đã từ lâu nghe nói Ngài đầy quyền năng, làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh tật. Họ mong rằng sẽ được Chúa chữa lành cho. Họ cùng nhau kéo đến cầu xin Ngài chữa bệnh cho mình. Chúa Jêsus thấy họ rất đáng thương, nên chữa lành bệnh cho họ. Các em biết không, nếu được lành, da của họ trở nên sạch sẽ, mịn màng. Khi họ nhận biết trong người có sự thay đổi, nhìn thấy da thịt trở nên liền mịn, họ biết mình đã được lành rồi. Họ vui mừng lắm, vội chạy về để báo tin cho những người thân biết rằng mình đã được lành.

Nhưng trong mười người đó có một người làm gì các em biết không? (Cho các em thử trả lời) Người đó nhớ đến Chúa Jêsus, là người đã chữa lành cho mình, liền quay trở lại, gặp Chúa và cảm tạ Ngài, lớn tiếng ca ngợi Đức Chúa Trời nữa. Ông làm như vậy là có đúng không, các em? À, rất đúng, vì Chúa đã chữa lành cho ông, đã làm điều rất tốt cho ông, nên ông cảm tạ Ngài. Điều nầy rất đẹp lòng Chúa nên Chúa đã khen ông, và hỏi: “Còn mười người kia đâu? Sao chỉ có một mình ngươi trở lại ca ngợi Đức Chúa Trời?” Các em thấy không, chín người phung kia cũng đã được chữa lành, nhưng không biết cảm ơn Chúa. Làm như vậy là không đúng đâu, các em ạ, vì họ đã được người khác giúp đỡ cho mà lại không biết cảm ơn.

  1. Ứng dụng.

      Như vậy, các em muốn giống như người phung nọ hay giống như chín người kia? (Cho các em trả lời) Đúng rồi, chúng ta nên giống như người nầy, biết ơn Chúa và cảm tạ Chúa vì Chúa đã làm điều tốt cho mình. Nhất là những lúc cầu nguyện, chúng ta phải nhớ cảm ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng ta mạnh khỏe, có cha mẹ, anh chị em để yêu thương, chăm sóc nhau, có bạn bè để vui đùa, trò chuyện… Khi có một người nào khác cho quà các em, hoặc giúp các em việc gì đó, các em cũng phải nhớ cảm ơn họ nhé. Làm như vậy, các em sẽ vui và người được cảm ơn cũng vui lắm đấy.

  1. BÀI TẬP.

* Chuẩn bị:

– Bút chì màu.

     * Thực hiện:

– Cùng các em làm bài tập “Cảm ơn”: Có nhiều nhân vật khác nhau (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, giáo viên, bạn bè), cho các em tìm xem người nào các em cần cảm ơn (giáo viên cần gợi ý cho các em những điều cần cảm ơn nơi mỗi người) và tô màu mà em thích (có thể tô tất cả).

– Nhắc lại cho các em biết phải nhớ cảm tạ Chúa mỗi khi cầu nguyện, cảm ơn người khác khi họ làm một việc gì đó cho mình. Như vậy các em mới là người lễ phép.

Post CommentLeave a reply