Latest News From Our Blog

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp NHI ĐÔNG (6-8 TUỔI) – QUÝ 3/2024

By Quản trị in NHI ĐỒNG on 27 Tháng Năm, 2024

BÀI 4. GIA-CỐP ĐƯỢC THA THỨ

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 32:1- 33:4.

II. CÂU GỐC: Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn lòng tha thứ, ban sự nhân từ vô lượng cho những người kêu cầu Ngài. (Thi Thiên 86:5).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Gia-cốp được Đức Chúa Trời và Ê-sau tha thứ.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời luôn yêu thương các em. Ngài sẵn lòng tha thứ mọi lỗi lầm nếu các em biết cầu xin.

– Hành động: Em xin Chúa tha thứ những lỗi lầm đã phạm.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

    * Báo tường “Tha thứ”.

  1. Mục đích: Giúp các em diễn đạt cảm nghĩ của mình khi được tha thứ.
  2. Vật liệu: Giấy trắng, bút màu, bảng đen hoặc một tờ giấy lớn, keo dán.
  3. Thực hiện: Phát cho mỗi em một tờ giấy, bút màu. Giáo viên nêu lên một vài câu chuyện có thật, để các em suy nghĩ và nhớ lại những lỗi lầm mình đã phạm. Sau đó vẽ hình ra.

Khi các em làm xong, hướng dẫn các em dán hình lên bảng hoặc dán lên tờ giấy lớn và nói lên cảm nghĩ của mình sau khi được tha thứ.

* Cuối cùng, giáo viên đặt câu hỏi thảo luận: “Kinh Thánh dạy rằng khi phạm lỗi, chúng ta phải xưng tội với Đức Chúa Trời; ngoài ra, chúng ta còn phải nhận lỗi với những ai?” (Ví dụ: Khi nghĩ sai hoặc nói sai về người khác). 

B. BÀI HỌC KINH THÁNH: Sử dụng hình và con rối của bài học trước.

 (Giơ con rối Gia-cốp và hình lên). Sau khi sống ở nhà La-ban hai mươi năm, Gia-cốp trở về quê nhà, dẫn theo vợ con, những người làm và rất nhiều súc vật. Các em nghĩ xem, Gia-cốp có vui mừng khi trở về quê hương không? Dù rất vui mừng nhưng cứ nghĩ đến anh mình là Ê-sau thì ông lại sợ hãi.

Gia-cốp nghĩ thầm: “Ê-sau còn nhớ việc mình lừa gạt anh và cha không? Ê-sau còn giận mình không?” Càng gần đến nhà, Gia-cốp càng lo sợ hơn, các câu hỏi cứ xoay trong đầu ông. Gia-cốp sắp phải gặp Ê-sau, nếu Ê-sau muốn giết ông thì phải làm thế nào bây giờ?

Gia-cốp nghĩ ra một cách để xem Ê-sau còn giận mình không? Gia-cốp sai người đến báo tin cho Ê-sau: “Gia-cốp đang trên đường trở về”. Người đó quay lại nói với Gia-cốp: “Ê-sau sẽ dẫn bốn trăm người đi đón ông”.

Bốn trăm người! Thử tưởng tượng xem Gia-cốp sợ đến mức nào! Ông phải làm gì bây giờ? Ông lập tức chia người nhà, tôi tớ, gia súc ra thành hai đội. Ông nghĩ: “Nếu Ê-sau  đến đánh một trong hai đội, thì đội còn lại sẽ thoát được”.

Gia-cốp liền cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời: “Lạy Chúa, con không đáng hưởng ân huệ của Ngài vì con đã phạm nhiều lỗi lầm. Nhưng Ngài là Đấng yêu thương, xin Ngài giúp con, con sợ Ê-sau sẽ giết con mất”.

Khi cầu nguyện xong, Gia-cốp chọn một số lễ vật tặng Ê-sau: Mấy trăm con dê, chiên, một số lạc đà, bò và lừa. Ông cho người đem đến trước để tỏ ý thân thiện và hy vọng Ê-sau nguôi giận.

Gia-cốp ở lại chờ đợi để gặp Ê-sau. Đêm đó, Gia-cốp lại cầu nguyện và một điều kỳ diệu đã xảy ra. Sáng sớm hôm sau, lúc mặt trời mọc, Gia-cốp được biết Đức Chúa Trời ở cùng ông. Từ đó trở đi, Gia-cốp nguyện sống và làm những việc đẹp lòng Chúa.

Bỗng, Gia-cốp nhìn thấy một đoàn người từ xa đang đi đến, đó chính là Ê-sau dẫn bốn trăm người tiến về phía Gia-cốp! Họ định làm gì? Ê-sau đến giết Gia-cốp ư? Gia-cốp liền bảo cả nhà mình chuẩn bị đi đón Ê-sau.

Gia-cốp rất lo sợ. Ông dẫn đầu đoàn người bên này, Ê-sau cũng dẫn đầu bốn trăm người của ông. Hai đoàn người càng lúc càng gần nhau hơn, nhưng Gia-cốp vẫn chưa nhìn thấy được vẻ mặt của Ê-sau vui mừng hay giận dữ. Gia-cốp vượt lên trước, quì mọp xuống đất bảy lần cho đến khi tới gần anh mình. Ê-sau đã làm gì?

Bỗng, Ê-sau chạy đến trước mặt Gia-cốp. Ông định làm gì vậy? Giết Gia-cốp ư? Không, Ê-sau đang mừng rỡ, ông ôm chầm lấy Gia-cốp và hôn. Hai anh em mừng mừng tủi tủi.

Mọi việc kết thúc thật êm đẹp. Họ không còn ghét giận, dối gạt nhau nữa. Hai anh em đã xa nhau rất lâu. Họ đều khóc khi gặp lại nhau. Bây giờ, Gia-cốp không còn sợ hãi nữa. Ông rất vui vì được trở về quê nhà, Ê-sau đã tha thứ cho ông và điều quan trọng nhất là Đức Chúa Trời đã tha thứ cho Gia-cốp.

  1. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên dùng câu hỏi trong phần “Cùng Suy Nghĩ” để giúp các em ôn lại câu chuyện.

Hướng dẫn các em đoán xem có việc gì xảy ra trong hình 1 và hình 2. Sau đó, hỏi các em: Trong hình 2, Cường xin Chúa giúp mình sửa sai. Chúng ta hãy nghĩ xem Cường nên nói gì với Minh? Giáo viên nên ghi ý kiến của các em lên bảng. Giúp các em ghi ý kiến thích hợp vào hình số 3. Cho các em tiếp tục suy nghĩ xem khi Minh nghe Cường xin lỗi, Minh làm gì? Thực hiện cùng cách như vậy đối với hình số 4.

– Đặt câu hỏi với các em: Cường nhận lỗi với Đức Chúa Trời có phải là một việc khó làm không? Tại sao? Cường xin lỗi Minh có phải là một việc khó khăn không? Vì sao? Minh tha thứ cho Cường có phải là việc dễ không? Tại sao? Nếu Cường được học câu gốc hôm nay, bạn ấy sẽ thấy dễ dàng hơn khi nhận lỗi với Chúa phải không?

– Khuyến khích các em chia sẻ lại kinh nghiệm được Chúa và người khác tha thứ.

– Hướng dẫn các em cầu nguyện xin Chúa tha thứ những lỗi lầm mà mình đã phạm.

Post CommentLeave a reply