Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 06.10.2022

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 06.10.2022

By Quản trị in THANH NIÊN on 31 Tháng Mười, 2022

Chúa nhật 06.11.2022.

  1. Đề tài: TIN CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI.
  2. Kinh Thánh: 2Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-12.
  3. Câu gốc: “Vả, theo sự công bình Đức Chúa Trời, thì ắt là Ngài lấy điều khổ báo những kẻ làm khổ anh em, và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Giêxu từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng” (2Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-7).
  4. Đố Kinh Thánh: 2Sa-mu-ên 1-5.
  5. Thể loại: Hướng Dẫn Học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 18.09.2022.

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.

(1.1) Câu hỏi phát hiện (sự kiện): Phaolô đã cảm tạ Chúa vì điều gì nơi Hội Thánh Têsanica?

(1.2) Câu hỏi suy luận (tìm sự dạy dỗ): Ông muốn đem đến cho họ điều gì qua sự cảm tạ đó?

(1.3) Câu hỏi áp dụng (ứng dụng vào đời sống): Chúng ta học được gì qua việc gây dựng Hội Thánh của Phaolô cho họ vững niềm tin?

(2.1) Phaolô phân tích điều gì? Giữa người tin và người không tin? (2Tê 1:5-10).

(2.2) Khi Hội Thánh đã chịu đựng nổi thì họ sẽ như thế nào?

(2.3) Chúng ta học được gì qua tinh thần theo Chúa?    

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Bài học này nhắc nhở con cái Chúa bền lòng tin cậy nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Nhờ niềm tin đặt nơi Chúa, con cái Chúa có thể trưởng thành, trung tín và sẵn sàng đương đầu với những thử thách, khó khăn, hoạn nạn, bắt bớ và mang vinh hiển dâng lên Chúa.

Có khi con cái Chúa thắc mắc tại sao Chúa lại cho phép điều ác xảy ra và kẻ ác có vẻ như thắng thế. Thắc mắc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi niềm tin của họ bị lay động. Họ có thể ngờ vực về tình thương Chúa dành cho mình. Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài hiểu rằng Ngài luôn luôn yêu thương họ và Ngài sẽ hành động tùy theo thì giờ, tùy theo ý định tốt lành đời đời của Ngài.

  1. TIN CẬY CHÚA VÀ TRƯỞNG THÀNH (2Tê-sa 1:1-4).

Trong bức thơ thứ nhì gởi cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô tiếp tục cảm tạ Đức Chúa Trời về sự tiến bộ trong niềm tin và trong sự yêu thương của họ. Hơn nữa, cho dù họ có bị khó khăn, khốn khổ đến mấy họ cũng vẫn hết lòng tin cậy Chúa. Hoạn nạn không làm cho họ nản chí nhưng lại khiến họ thêm vững lòng tin. Phao-lô vô cùng hãnh diện về sự trưởng thành của họ.

Chúa không ở xa mỗi một người trong chúng ta nhưng chúng ta cần có lòng thành khẩn, hết sức tìm cầu Chúa và nương tựa nơi Ngài. Phao-lô lại còn khuyên chúng ta nên trao mọi điều lo lắng mình cho Chúa vì Ngài thường hay chăm sóc chúng ta. Dù là trong việc riêng hay việc chung, Chúa vẫn là Đấng quan phòng. Dù trong sinh hoạt cá nhân hay trong sinh hoạt tập thể Chúa vẫn là Đấng tể trị.

Chúng ta nên chăm sóc gây dựng đời sống tâm linh cho anh chị em của mình trong Chúa, giúp cho họ trưởng thành trong Chúa giữa những thử thách, khó khăn. Đồng thời chúng ta nên quan tâm đến vô số người, nhất là những đồng bào thân yêu đang còn xa cách đường lối của Chúa. Đó là việc cần thiết. Tuy nhiên, trong tất cả mọi sự, cuộc đời và công việc thường ngày của chúng ta cần phải đặt dưới sự cai quản của Chúa. Thành hay bại, đứng hay ngã là do ơn Chúa ban cho mỗi người và đó cũng là trách nhiệm trước mặt Chúa.

  1. TIN RẰNG CHÚA LÀ ĐẤNG CÔNG BÌNH (2Tê-sa-lô-ni-ca 1:5-10).

Khúc Kinh Thánh này đem đến khích lệ lớn cho tâm hồn chúng ta, vì chịu khổ là điều làm cho tất cả chúng ta đều đau đớn. Những bất mãn, tuyệt vọng, chán nản và ngã lòng thường đến với mỗi một chúng ta. Trong nhiều trường hợp, đức tin ta dễ bị đánh ngã vì thế những lời của Phao-lô cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca cũng hữu ích cho chúng ta ngày nay.

 (c.5) Phao-lô đã cho chúng ta thấy khác biệt giữa quan điểm của chúng ta và quan điểm của Chúa về sự chịu khổ. Đối với chúng ta thì mỗi khi gặp bất mãn hoặc bách hại hay khó khăn, chúng ta tức khắc coi đó là xấu và tìm đủ cách tránh xa. Nhưng Lời Chúa dạy rằng khó khăn không nhất thiết là xấu cả đâu. Không phải những lúc ấy là Sa-tan thắng đâu. Phao-lô tuyên bố rằng đau khổ ấy là cách Chúa chuẩn bị chúng ta để vào vương quốc của Ngài.

Chúng ta không có lựa chọn là sẽ có hay không có những nan đề, khó khăn và khó chịu. Đây là những điều không thể tránh được. Nhưng chúng ta được Chúa ban cho đức tin để đối địch với thế gian và mọi hoàn cảnh. Chúng ta phải sống vì danh nghĩa của Chúa trong môi trường đối nghịch, vì thế nan đề xảy ra là dĩ nhiên. Nhưng thay vì bị các vấn đề đánh ngã, Chúa có thể dùng chúng trang bị chúng ta cho được thắng bây giờ và xứng đáng sống với Ngài mãi mãi về sau.

(c.5) nói về phán xét của Chúa trong việc bênh vực những người chịu khổ. (c.6) nói về phán xét của Chúa trong việc báo trả đối với những tác nhân gây ra đau khổ cho người của Chúa: “Ngài lấy điều khổ báo cho những kẻ làm khổ anh em”. Chúa rất công minh, Ngài sẽ phán xét những kẻ gây khổ sở cho con dân Chúa, những kẻ mà Sa-tan đã dùng để khủng bố và tác hại đối với chúng ta. Chúng ta không cần phải tức giận và tìm cách trả thù. Chúa đã dạy rõ: “Trả thù là việc của Ta; Ta sẽ báo trả” (Rô-ma 12:19). Chúa là Đấng công chính, Ngài phán xét để cứu người công nghĩa và trừng phạt kẻ gây tội ác.

Nói cách khác, chúng ta nhiều khi mất thì giờ lo sợ và suy tính những điều không nằm trong phạm vi của mình giải quyết. Vì khi gặp nan đề, chúng ta chỉ biết có nan đề của mình. Chúng ta quay quắt khó chịu, rối trí và có thể sinh bệnh tật. Chúng ta có phản ứng như tất cả mọi người khác khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhưng Chúa dạy chúng ta là đừng lo lắng quá độ, vì Chúa sẽ lo toan cho chúng ta tất cả. Chúng ta hãy tin vào sự phán xét công chính của Chúa và kiên nhẫn chịu khổ, Chúa sẽ ra tay giải cứu.

Cái chết lúc nào cũng làm cho ta ghê rợn, nhưng tưởng tượng có một loại chết không bao giờ chấm dứt. Cuộc trừng phạt của Chúa đối với những kẻ từng chống lại Ngài và làm hại dân Chúa là cuộc trừng phạt không bao giờ chấm dứt. Nghĩa là những người ấy sẽ luôn luôn trong quá trình chết, nhưng không bị tiêu hủy. Đó gọi là hư mất hay chết đời đời. Tình trạng bị hủy diệt đời đời không ai có thể quan niệm được, vì không có trong kinh nghiệm nhân loại.

Chính vì vậy mà Hội Thánh đóng vai trò hải đăng kêu gọi mọi người đến với Chúa. Vì nếu không thì khi sa vào tay Đức Chúa Trời thật là đại họa, Chúa chúng ta là ngọn lửa hừng tiêu diệt vô cùng mãnh liệt.

III. ĐỜI SỐNG XỨNG ĐÁNG (2Tê-sa-lô-ni-ca 1:11-12).

Trong phần đầu của bức thơ thứ nhì Phao-lô gởi cho các anh chị em trong Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cầu nguyện. 2Tê-sa 1:11 ông nói: “Cho nên, chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi”. Phao-lô mong mỏi họ trở nên xứng đáng với sự kêu gọi của Chúa. Ông kỳ vọng họ có thể hưởng trọn sự thương xót, sự nhân từ mà Chúa dành cho họ. Ông ao ước Đức Chúa Trời làm trọn công việc quyền phép của Ngài trên đời sống của họ. Ông thiết tha cầu mong danh Chúa được vinh hiển qua đời sống của họ (c.12).

Theo kinh nghiệm của Philip Melanchton, nhà cải chánh lừng danh đương thời Martin Luther, thì khó khăn, bối rối khiến ta cầu nguyện và nhờ cầu nguyện mà khó khăn bối rối phải thối lui.

Harry Emerson Fosdick viết: Hầu hết chúng ta đều có thể học bài học từ con sò. Điều phi thường nhất về con sò là điều này. Nó bị khó chịu trong nội tạng nhưng nó không thể dứt bỏ sự khó chịu đó được. Thế rồi từ sự khó chịu đó mới có ngọc trai. Nó đã tận dụng cơ hội sống trong sự khó chịu để làm nên hạt ngọc đáng yêu, đáng chuộng cho nhân gian. Nếu bạn đang có sự khó chịu trong đời sống mình hôm nay, hãy nhớ đến phương thuốc nhiệm mầu này: Hãy làm ngọc trai. Có thể đó là ngọc trai kiên nhẫn. Chính Ngài sẽ giúp sức cho chúng ta để trở nên ngọc trai có giá trị.

Qua bài học hôm nay, mong sao chúng ta sẽ cứ vững lòng tin cậy Chúa để có thể trưởng thành giữa những thách thức, khó khăn. Chúa chúng ta đang tôn thờ và hầu việc là Đấng công bình và đầy quyền năng. Đấng ấy đã khởi làm việc lành trong đời sống chúng ta và khi Ngài tể trị đời sống chúng ta, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên phong phú và đầy ý nghĩa. Mong sao qua mỗi kinh nghiệm của đời sống chúng ta, chúng ta luôn thấy rõ thánh ý của Chúa và bền lòng tin cậy Chúa, luôn luôn nương tựa Chúa và cứ trung tín với Chúa cho đến khi về trong nước Ngài.

Post CommentLeave a reply