CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 13.12.2020
By Quản trị in THANH NIÊN on 7 Tháng Mười Hai, 2020
Chúa nhật 13.12.2020.
- Đề tài: SỰ HIỆP MỘT TRONG CHÚA.
- Kinh Thánh: 1 Cô-rinh-tô đoạn 1-16.
- Câu gốc:“ Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ…”
(1 Cô-rinh-tô 13:8). - Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
- Thể loại: Ôn tập.
* CHỈ DẪN: Ôn tập.
Ban hướng dẫn (BHD) Thanh Niên ôn lại những nguyên tắc về sự hiệp một qua thư 1 Cô-rinh-tô. BHD cho ban viên đọc lại 1 Cô-rinh-tô đoạn 1-16 rồi có thể ôn bằng cách soạn câu hỏi hoặc câu hỏi trắc nghiệm… (tùy vào trình độ thuộc linh và văn hóa).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Qua 16 đoạn trong thơ 1 Cô-rinh-tô, Phao-lô đã giải đáp nhiều thắc mắc của các tín hữu, nhưng trọng tâm là đưa Hội Thánh hướng về SỰ HIỆP MỘT TRONG ĐẤNG CHRIST với những nguyên tắc thật quan trọng, cần cho Cơ đốc nhân ở bất cứ thời đại nào có lòng ước ao góp phần gây dựng thân thể Đấng Christ.
TỔNG KẾT
* THẾ NÀO LÀ SỰ HIỆP MỘT TRONG CHÚA?
Giải đáp của Phao-lô qua 1 Cô-rinh-tô cho chúng ta tìm thấy những nguyên tắc quan trọng của sự hiệp một:
(1) Trưởng thành thuộc linh đem lại sự hiệp một.
Hai đặc điểm của sự trưởng thành là đời sống thánh khiết và phục vụ Chúa (3:1-3; 5:7; 6:19-20).
(2) Noi gương Đấng Christ trong sự từ bỏ chính mình, đem lại sự hiệp một (10:23-24; 11:1).
(3) Báp-têm trong một Đức Thánh Linh đem lại sự hiệp một (12:12-13).
(4) Các ân tứ khác nhau trong một Đức Thánh Linh đem lại sự hiệp một, vì sự cần nhau của các chi thể trong thân thể Đấng Christ (12:12-30; 14:1-40).
(5) Tình yêu thương đem lại sự hiệp một (12:31-13:13).
(6) Chung một niềm tin và hy vọng về sự sống lại trong Đấng Christ đem lại sự hiệp một (15:1-58).
(7) Sự tôn trọng lẫn nhau đem lại sự hiệp một (16:14-18).
Bảy nguyên tắc trên có liên quan với nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, có thể nói tình yêu thương là nguyên tắc căn bản của sự hiệp một.
Trong Hội Thánh có thể có những tín hữu có tri thức thuộc linh cao, có ân tứ Thánh Linh đầy dẫy, nhưng họ không có sự hiệp một nếu thiếu tình yêu thương.
Khác với tính chất “hiệp một” trong các cơ sở thương mại để mưu lợi riêng cho nhau, sự hiệp một trong Chúa là sự hiệp một của tình yêu thương, không vì chính mình, nhưng vì lợi ích cho kẻ khác. Cho nên trong sự hiệp một, vấn đề then chốt là diệt trừ cái tôi tư kỷ trong mỗi cá nhân.
Nếu ngày nào cái tôi tư kỷ vẫn còn sống sót, ẩn náu trong đời sống, thì tri thức thuộc linh sẽ trở nên kiêu ngạo; ân tứ trở thành tư lợi, đức tin và hy vọng bị mù quáng. Nhưng tình yêu thương có sức mạnh loại trừ cái tôi tư kỷ. Với sự hiện diện của tình yêu thương; tri thức thuộc linh trở nên khiêm nhường; ân tứ trở thành phục vụ; đức tin và hy vọng được sống động tạo nên tinh thần hăng hái, hợp tác làm công việc Chúa chung với sự tôn trọng lẫn nhau. Và sự hiệp một sẽ được thể hiện. Do đó mỗi Cơ đốc nhân nên học thuộc lòng, ghi nhớ suy gẫm, theo đuổi tìm kiếm tình yêu thương trong 1 Cô-rinh-tô 13 như là lẽ sống cho chính mình.
Bây giờ trở lại vấn đề của chính bạn. Bạn có mong ước sự hiệp một trong Hội Thánh của bạn không? Sau đây là những điểm bạn nên biết:
- Sự hiệp một không thể bắt đầu từ hội chúng, nhưng trước nhất từ chính cá nhân bạn. Hội Thánh không thể trưởng thành, nếu mỗi cá nhân tín hữu chưa đạt đến đời sống trưởng thành trong Chúa.
- Muốn có đời sống thuộc linh trưởng thành, bạn cần mỗi ngày tấn tới trong sự nhận biết Đấng Christ qua sự học hỏi lời Kinh Thánh, và cầu nguyện tương giao với Chúa (1 Phi-e-rơ 3:18; 2 Ti-mô-thê 3:14-17; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17).
- Có tri thức thuộc linh chưa đủ, bạn cần trau giồi thêm cho mình các đức tính của tình yêu thương, mà điểm cao nhất là tình yêu thương anh em. Hội Thánh không thể hiệp một, nếu tình yêu thương anh em chưa đầy dẫy trong mỗi cá nhân tín hữu. Như lời khuyên của Phi-e-rơ: “Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến” (2 Phi-e-rơ 1:5-7).
Như vậy, thể nào để được học biết Đấng Christ? Thế nào được đầy dẫy tình yêu thương của Ngài?
Đây là điều bạn nên biết về vai trò của Đức Thánh Linh: Ngài là Đấng bày tỏ Chúa Giê-xu và là Đấng đổ đầy tình yêu thương của Đức Chúa Trời vào lòng mỗi con cái Chúa (Giăng 16:13; Rô-ma 5:5).
Bây giờ bạn hãy đến với Đức Thánh Linh và xin Ngài đem bạn vào sự hiệp một trong Hội Thánh của Chúa chúng ta.
* CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin ghi những nguyên tắc về sự hiệp một qua các phần Kinh Thánh sau đây:
- 1:1-6:20. Xin đọc thêm 3:1-3; 5:7; 6:19-20.
- 7:1-11:1. Xin đọc thêm 11:23-24,33; 11:1.
- 11:2-14:40. Xin đọc thêm (a) 12:12-13, 27-20; 14:26 và (b) 12:31-13:13.
- 15:1-16:24. Xin đọc thêm: (a) 15:51-58; 16:13 và (b) 16:14-18.
- Kể lại những nguyên tắc ghi nhận trên.
III. Tìm hiểu tầm quan trọng của mỗi nguyên tắc và mối tương quan. Trong những nguyên tắc ấy, theo bạn nghĩ nguyên tắc nào là cần thiết cho sự hiệp một? Tại sao?