Thẻ: Chập nhận những dị biệt

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 01.09.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN PHỤ NỮ 01.09.2019

in PHỤ NỮ on 26 Tháng Tám, 2019

Chúa nhật 01.09.2019

  1. Đề tài: ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG KHỦNG HOẢNG.
  2. Kinh Thánh: Công vụ 21:17-40; 22:25; 23:11,37-39a.
  3. Câu gốc: “Hãy giục lòng mạnh mẽ, ngươi đã làm chứng cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem thế nào, thì cũng phải làm chứng cho Ta tại thành Rô-ma thế ấy” (Công vụ 23:11).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 19-21.

5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: PHỎNG VẤN.

  1. Chọn một người đóng vai Phao-lô, và một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo, phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra những câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, “Phao-lô” sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống hằng ngày. Sau đó, tất cả đứng lên và mời một người thay mặt các bạn cầu nguyện.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và Phao-lô bước ra).

– Phóng viên: Dạ xin kính chào cụ Phao-lô!

– Phao-lô: Chào các cháu!

– Pv: Chúng cháu rất vui vì được cụ đến thăm hôm nay. Thay cho ban phụ nữ trong Hội Thánh, cháu xin có lời chào mừng và hoan nghênh cụ. Cháu xin phép hỏi cụ về những điều cụ phải đương đầu với những người đã chống đối cụ?        

– Phao-lô: Được, cháu cứ hỏi.

– Pv: Xin cụ cho chúng cháu biết sau khi rời thành Sê-sa-rê cụ tới thành Giê-ru-sa-lem thì có điều gì xảy ra?

   – Phao-lô: Khi ta tới Giê-ru-sa-lem điều đầu tiên ta nhận được đó là tấm lòng của anh em, họ vui mừng tiếp rước ta. Ta thuật lại cho anh em tại đó những công việc Chúa làm trên các xứ thuộc dân ngoại thì họ hết sức vui mừng cảm tạ Chúa.

– Pv: Cám ơn Chúa, thật Ngài đã làm những công việc tuyệt vời trên các xứ Ê-phê-sô, Trô-ách… và cho tới ngày nay cánh tay quyền năng của Ngài cũng đang tiếp tục làm những công việc tuyệt vời và vĩ đại cho chúng ta.

– Thưa cụ, ngoài sự vui mừng của dân thành Giê-ru-sa-lem thì còn điều gì nữa không?

– Phao-lô: Các nhà lãnh đạo Hội Thánh lo lắng cho ta vì có một số lời đồn đại rằng: Phao-lô dạy người tin từ bỏ luật Môi-se, không làm phép cắt bì cho con mình, và không ăn ở theo thói tục Giu-đa nữa… Họ cho biết ta sẽ gặp khó khăn với nhóm người quá khích chống đối.

– Pv: Trong hoàn cảnh đó, các vị lãnh đạo Hội Thánh tại
Giê-ru-sa-lem và cụ đã phải làm gì thưa cụ?

– Phao-lô: Để tránh xung đột nầy, các lãnh đạo Hội Thánh khuyên ta đưa bốn người Gờ-réc có mắc lời thề nguyện đến đền thờ để chịu cạo đầu, may ra nhờ việc ấy có thể đánh tan những thành kiến và sự hiểu lầm về ta.

– Pv: Lúc đó, cụ có ngần ngại gì không và cụ thực hiện lời yêu cầu đó như thế nào?

– Phao-lô: Đứng trước một số anh em còn nặng gánh cổ truyền và các thói tục Giu-đa, ta vui lòng chấp thuận họ cùng những dị biệt đó. Ta chấp nhận lời đề nghị của Gia-cơ và các trưởng lão đưa bốn người bạn có mắc lời thề nguyện đến đền thờ chịu lễ tinh sạch theo luật pháp Môi-se.

– Pv: Việc làm đó chắc là các người Giu-đa quá khích sẽ chấp nhận và vui vẻ với cụ lắm, phải không thưa cụ?

– Phao-lô: Không hề như các cháu nghĩ. Họ không những không chấp nhận mà còn tệ hại hơn thế nữa. Khi một người Giu-đa quá khích thấy ta trong đền thờ thì liền xui dân chúng dấy loạn và bắt ta.

– Pv: Thật là vô lý. Họ lấy lý do gì mà hành động như vậy thưa cụ?

– Phao-lô: Họ cho rằng ta nghịch cùng dân sự, nghịch cùng luật pháp Đức Chúa Trời. Và làm ô uế nơi thánh khi ta dẫn mấy người Gờ-réc vào đền thờ.

– Pv: Sau đó họ có làm gì tiếp theo không thưa cụ?

– Phao-lô: Họ hiệp lại và bắt ta, kéo ra khỏi đền thờ, và họ đóng cửa đền thờ lại.

– Pv: Thưa cụ, khi việc đó xảy ra, cụ đã nghĩ gì và làm gì?

– Phao-lô: Trong thời điểm khủng hoảng đó, ta không thể làm gì, vì ta biết rằng, Đức Chúa Trời biết hết mọi sự và Ngài sẽ bảo vệ con cái Chúa theo cách của Ngài.

– Pv: Vâng thưa cụ, chúng cháu được nghe rất nhiều về cuộc đời hầu việc của cụ, trong thời điểm lúc bấy giờ đã có nhiều sự bách hại xảy ra cho cụ vì cớ công việc Chúa. Cụ có thể mô tả cho chúng cháu biết cụ thể những sự việc đã xảy ra sau khi cụ bị bắt không ạ?

– Phao-lô: Lúc đó chúng bắt được ta và đang kiếm cớ để giết ta nhưng chính Chúa đã có cách để giải cứu ta.

– Pv: Thưa cụ, Chúa đã giải cứu cụ bằng cách nào ạ?

– Phao-lô: Lúc chúng đang tìm cách giết ta thì liền có quan quản cơ đến, khi họ đang đòi giết ta thì viên quan nầy đã cho trói ta lại và khiêng ta ra khỏi đám đông đang la ó đó.

– Pv: Thế họ đã khiêng cụ đi đâu?

– Phao-lô: Họ đã khiêng ta vào đồn và ta đã xin quan quản cơ cho ta được nói.

– Pv: Cụ đã nói gì với họ.

– Phao-lô: Ta kể lại điều Chúa đã hiện diện với ta như thế nào và Ngài đã cứu ta ra làm sao? Ta giảng về Chúa Giê-xu cho họ.

– Pv: Sau lời giảng của cụ thì tình hình lúc đó ra làm sao?

– Phao-lô: Chúng chịu nghe ta nói đến đó, thì vùng kêu lên rằng: Hãy cất người ấy khỏi thế gian! Nó chẳng đáng sống đâu! Chúng kêu la, cởi áo, hất bụi bay lên giữa khoảng không. Và quan quản cơ đã truyền đem ta vào nhà. Chúa dùng quan quản cơ bảo vệ mạng sống ta.

– Pv: Quả thật Chúa luôn luôn bên cạnh chúng ta và Ngài giúp đỡ chúng ta đúng thời điểm của Ngài. Sau những lần bách hại như thế, Chúa muốn cho con cái Ngài kinh nghiệm Ngài rõ ràng hơn đúng không thưa cụ?

– Phao-lô: Đúng như thế đấy các cháu ạ. Trong sự hầu việc Chúa, chúng ta có thể gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà nản lòng… chính Đức Thánh Linh vùa giúp chúng ta, thêm sức lực cho chúng ta mạnh mẽ tiếp tục làm chứng cho Chúa ở những nơi Chúa muốn.

– Pv: Xin cụ cho chúng cháu một số lời khuyên qua bài học Kinh Thánh hôm nay!

– Phao-lô: Cơ hội ta gặp được các cháu tại đây hôm nay, ta cũng muốn cho các cháu biết kinh nghiệm của ta trong cuộc đời hầu việc Chúa… Không phước hạnh thiên thượng nào lớn hơn là được hầu việc Đấng yêu thương, năng quyền… là Cha của chúng ta. Và trong bước đường hầu việc Ngài, thì không thể tránh khỏi được những khó khăn, thử thách… Nhưng chúng ta tin rằng, Đức Chúa Trời có chương trình tốt lành cho chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh chúng ta, gìn giữ, giúp đỡ chúng ta. Đức Chúa Trời yên ủi chúng ta, luôn giúp chúng ta có đủ sức lực đương đầu với khủng hoảng và giục lòng chúng ta tiếp tục ham thích làm chứng cho Chúa.

– Pv: Cám ơn cụ đã dành thì giờ trò chuyện với chúng cháu, và cho chúng cháu biết thêm những kinh nghiệm quý báu trong cuộc đời hầu việc Chúa của cụ. Nguyện Chúa ở cùng cụ luôn!

– Phao-lô: Cảm ơn các cháu.

NGƯỜI HƯỚNG DẪN: Thưa các bạn!

Chúng ta vừa nghe cụ Phao-lô nói về đề tài “Đương đầu với khủng hoảng” và những lời khuyên quý báu của cụ. Nguyện Chúa Thánh Linh giúp các bạn năng lực để làm theo những sự dạy dỗ qua bài học hôm nay. Mời các bạn đứng lên và mời cụ Phao-lô cầu nguyện cho chúng cháu.


* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong Phi-líp 2:8, Phao-lô có viết về Đấng Christ như sau: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”. Ngay sau đó, Phao-lô diễn tả ảnh hưởng của Chúa trên đời sống của mình trong thư Phi-líp: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và lập lên trên đức tin; cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong cõi chết” (Phi 3:8-11).

Trong tinh thần đó, Phao-lô trở lại Giê-ru-sa-lem. Ông vừa mới hoàn tất chuyến du hành truyền giáo lần thứ ba. Bây giờ Chúa hiện đến cùng ông mà phán rằng: “Hãy giục lòng mạnh mẽ, ngươi đã làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng phải làm chứng cho ta tại thành Rô-ma thể ấy” (Công vụ 23:11). Dầu biết rằng có bao nhiêu nguy hiểm đang chờ đón, hoạn nạn đang bủa vây, Phao-lô vẫn can đảm dấn thân. Biết là nguy hiểm mà vẫn tiến đến chỗ nguy hiểm để xả thân phục vụ! Không mấy ai có thể làm được như vậy.

I. CHẤP NHẬN NHỮNG DỊ BIỆT (Công vụ 21:26).

Khi đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô và đoàn truyền giáo được Hội Thánh tiếp đón rất nồng hậu. Họ nức lòng ngợi khen Chúa qua những lời chứng của Phao-lô, thế nào Chúa đã dùng ông trong việc rao giảng Tin lành. Giây phút vui mừng qua nhanh khi Gia-cơ và các trưởng lão lại nghe có lời cảnh cáo về một số tin đồn sai lầm của người Giu-đa đối với sự dạy dỗ của ông. Họ có nghe rằng
Phao-lô đã dạy dân Giu-đa ở khắp nơi bỏ luật pháp Môi-se, và phép cắt bì theo thói tục của người Giu-đa. Để đánh tan những hiểu lầm ấy trong dân sự, họ khuyên ông đưa bốn người Gờ-réc có mắc lời thề nguyện đến đền thờ để chịu cạo đầu, may ra nhờ việc ấy có thể đánh tan những thành kiến và sự hiểu lầm về Phao-lô.

Đứng trước một số anh em còn nặng gánh cổ truyền và các thói tục Giu-đa, Phao-lô vui lòng chấp thuận họ cùng những dị biệt đó. Ông chấp nhận lời đề nghị của Gia-cơ và các trưởng lão đưa bốn người bạn có mắc lời thề nguyện đến đền thờ chịu lễ tinh sạch theo luật pháp Môi-se. Hành động của ông chứng tỏ ông cũng là người tôn trọng luật pháp.

Trong Hội Thánh việc đồng ý hay bất đồng quan điểm hoặc suy nghĩ của các hội viên là việc không tránh được. Chúa tạo mỗi chúng ta có những đặc tính khác nhau, đến từ những hoàn cảnh khác nhau. Những khác nhau được gọi chung là “những dị biệt”. Những dị biệt trong vòng các tín hữu trong Hội Thánh, có thể đưa đến tình trạng bất đồng và xung đột.

Phao-lô đã giúp mỗi chúng ta trong cách cư xử trước những dị biệt của anh em mình. Phao-lô đã tự quên mình để tìm xem ý Chúa muốn ông phải làm gì hơn là tranh cãi để chứng minh ý kiến của mình là đúng. Phao-lô nghĩ đến anh em mình hơn là những dị biệt của họ.


II. ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG LỜI VU KHỐNG (Công vụ 21:27-30).

Sau bảy ngày trong hạn kỳ của lễ tinh sạch gần mãn, thì một biến động đã xảy đến cho Phao-lô. Khi một số người Giu-đa quá khích ở A-si đến thủ đô, thấy Phao-lô trong đền thờ bèn xúi cả dân trong thành dấy loạn nghịch cùng Phao-lô. Họ buộc tội ông đã giảng dạy khắp thiên hạ nghịch cùng luật pháp và tục lệ Do-thái, buộc tội ông dẫn người ngoại vào đền thờ làm ô uế nơi thánh của họ.

Người Giu-đa muốn lấy cớ ấy để nhờ người Rô-ma cất lấy mạng sống của Phao-lô. Đứng trước động lực độc ác của một số người quá khích, có thể làm cho chúng ta giật mình, và hỏi tại sao những việc như thế có thể xảy ra cho một nhà truyền giáo đầy nhiệt tâm và tận tụy như Phao-lô. Nếu xét về bối cảnh và lịch sử Do-thái thời bấy giờ, hy vọng chúng ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi vừa đặt ra. Người Do-thái rất bảo thủ và kiêu hãnh về tôn giáo Giu-đa của họ. Họ bảo thủ vì không muốn ai thay đổi bất cứ những gì mà ông cha họ để lại. Họ kiêu hãnh vì họ là dân tộc được Chúa chọn đặc biệt mang sứ điệp cứu rỗi của Ngài đến cho mọi dân tộc. Vì quá bảo thủ, họ đánh mất sự cảm thông, bởi kiêu hãnh, họ quên mất nhiệm vụ truyền giáo. Chẳng những thế, họ còn ganh cả những ai có lòng muốn đưa người khác đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Là nạn nhân những ganh ghét, ác cảm và kiêu hãnh tôn giáo đó, Phao-lô thấy trách nhiệm yêu thương của ông nặng nề hơn đối với dân tộc ông. Đứng trước những lời vu khống vô cớ, ông yên lặng và phó mình cho Đức Chúa Trời, Đấng thành tín đã gọi ông.

III. ĐỐI DIỆN VỚI BẮT BỚ VÀ ĐÁNH ĐẬP (Công vụ 21:31-35).

Trong lúc toàn dân như điên cuồng trước lời xui giục của nhóm người quá khích để hại Phao-lô. Tiếng đồn đến tai quan quản cơ, người lập tức bắt quân lính và cai đội kéo đến để xem chuyện gì xảy ra. Viên quản cơ nghi Phao-lô là duyên cớ của cuộc bạo loạn ấy nên quan truyền xích Phao-lô lại, trong khi những kẻ vu khống đánh đập ông một cách tàn nhẫn thì cứ ngang nhiên đi đứng tự do.

Đứng trong cơn khủng hoảng của Phao-lô, nhiều người trong chúng ta có thể hỏi “Chúa ở đâu?”, “Ngài đang ở đâu?”, “Tại sao Ngài không có mặt trong những khó khăn của đời con?”. Không chỉ riêng những ai trong cảnh bắt bớ, tù đày, áp bức, đòn vọt nghi ngờ sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đôi khi đêm dài trằn trọc hoặc trước những quặn thắt nhức nhối không rời khỏi ta, hay những lúc gia đình đổ vỡ hoặc ly tan chúng ta thường hỏi “Chúa ở đâu?” Nhưng đứng trước những cơn khủng hoảng này, Phao-lô biết và thấy rõ được bàn tay của Đức Chúa Trời đang ôm trọn ông trong lúc Ngài yên lặng nhất. Dù phải qua những kinh nghiệm khổ đau trên thể xác, ông biết Chúa đang ở cùng ông để làm trọn mục đích của Ngài.

IV. BIỆN MINH CHO SỰ THẬT (Công vụ 21:37-39).

Khi được quân lính Rô-ma đưa đến trước quan quản cơ, Phao-lô dùng tiếng Hy-lạp (Gờ-réc) nói với quan, vì đó là ngôn ngữ của giới trí thức thời bấy giờ. Quan quản cơ ngạc nhiên bởi thoạt đầu ông cứ ngỡ Phao-lô là một loạn tướng hung dữ có bốn ngàn thuộc hạ người Ai-cập (câu 38). Phao-lô xin phép quan quản cơ để biện minh cho chính mình. Khi được phép, Phao-lô bình tĩnh đưa ra những sự thật về mình. Mặc dầu có những đe dọa, khủng hoảng nguy hiểm đến tính mạng, ông luôn chân thật, lịch sự bày tỏ về mình.

Qua bài học vui lòng chấp nhận những dị biệt, Phao-lô giúp mỗi người chúng ta thấy được mình cần có một thái độ ôn hòa như ông, trước những khủng hoảng tương tự. Khi rao giảng về Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều chống đối, không tin, đôi lúc còn làm khó dễ. Khi Chúa Giê-xu làm chứng với mọi người Ngài là ai, từ đâu đến và đến với mục đích gì. Nhiều người nghe đã không tin chính Ngài là Thượng Đế từ trời đến để giải bày chương trình cứu rỗi của Thượng Đế cho nhân loại. Chúng ta nghĩ những khủng hoảng ấy đã đến với Chúa thế nào. Dù vậy Ngài vẫn tiếp tục rao truyền lẽ thật cho đến giờ phút cuối cùng trên thập tự. Nhìn về bàn tay giải cứu của Chúa trên mạng sống Phao-lô, nhắc chúng ta về quyền năng của Chúa, giúp chúng ta hầu việc Chúa cách mạnh mẽ và hết lòng. Ngài sẽ hành động qua mọi hoàn cảnh của cuộc đời để làm trọn ý Ngài trên đời sống của chúng ta.

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

Muốn thịt luộc thơm ngon: Khi luộc thịt, hãy cho vào nồi chút bột ngọt, chút đường, chút muối và vài lát hành xắt mỏng, thịt sẽ rất thơm và ngon.