Thẻ: TÌNH CHA CON

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO HỌC VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

in THIẾU NHI on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. TÌNH CHA CON

I. KINH THÁNH: Lu-ca15:11-32.

II. CÂU GỐC: “Anh em không còn là nô lệ nữa mà là con; và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế.”(Ga-la-ti 4:7).

III. BÀI TẬP.

  1. Kịch nói.

   (Nếu em nhận một vai trong vở kịch nầy, em cần phải tập nhiều lần mới diễn tốt được).

  + Người dẫn chuyện: Sáng thứ bảy, Cường, Đạt và ông Trần đang ăn sáng với nhau.

   – Ông Trần: Trưa nay chúng ta sẽ đi xem bóng đá, ba biết các con rất phấn khởi, nhưng các con phải lau dọn nhà cửa, bàng hế và nhà bếp sạch sẽ trước khi đi.

   + Người dẫn chuyện: Cường, Đạt bắt đầu lau dọn, nhưng lau dọn được một lúc thì lại bỏ đó quay ra chơi đá dế.

   – Ông Trần: Nếu trưa nay các con chưa làm xong thì không được đi xem bóng đá.

   – Đạt (nói với Cường): Em nghĩ ra cách rồi! Bây giờ chúng ta chia nhau ra làm, mỗi người một việc sẽ nhanh hơn.

   – Cường: Hay đấy! Vậy anh lau nhà, em lau bàn và nhà bếp.

   + Người dẫn chuyện: Hai anh em bắt tay làm việc hăng say. Nhưng một lát sau, bạn của Đạt đến tìm. Đạt liền ra gặp bạn, còn Cường vẫn tiếp tục làm việc của mình.

   – Cường (lẩm bẩm): Chắc Đạt không được đi xem bóng đá rồi, mình cố gắng làm nhanh lên để ba thấy mình siêng năng hơn nó (nhanh tay hơn).

   + Người dẫn chuyện: Đến trưa, Cường đã làm xong phần việc của mình.

   – Cường (nhìn Đạt): A! Đến giờ cơm rồi mà em vẫn chưa làm xong, chắc em không được đi xem bóng đá đâu, còn anh thì xong hết rồi!

    – Đạt (khẩn khoản): Anh giúp em một tay với, em sẽ…

   – Ông Trần: Các con mau ra ăn cơm, đến giờ rồi!

   – Cường: (Lẩm bẩm) Ba thấy mình làm xong mà chẳng khen một tiếng nào, chán thật! Còn nữa, ba biết Đạt làm chưa xong mà…Thật là không công bằng.

   – Ông Trần: Để đi xem bóng đá về rồi lau dọn tiếp.

  1. Đức Chúa Trời yêu em.

     a. Em đọc ví dụ về “Tình cha con” (Lu-ca 15:11-32), tìm và ghi ra những ý chính nói về lòng yêu thương của Đức Chúa Trời. Chú ý là trong câu chuyện trên, Đức Chúa Trời giống như người cha.

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

     b. Phải nhớ rằng Đức Chúa Trời lúc nào cũng yêu các em. Em viết vào khung dưới đây.

   Trong tuần nầy, Đức Chúa Trời yêu em như thế nào? Em viết những lời tạ ơn Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời luôn ở bên cạnh em cho dù trời mưa hay nắng, lúc em buồn hay vui, tốt hay xấu.

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 1/2024

in THIẾU NHI on 13 Tháng Năm, 2024

BÀI 3. TÌNH CHA CON

I. KINHTHÁNH: Lu-ca15:11-32.

II. CÂU GỐC: “Anh em không còn là nô lệ nữa mà là con; và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế.”(Ga-la-ti 4:7).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em

– Biết: Chúa Jêsus kể ví dụ nầy để bày tỏ tình yêu thương và sự tha thứ của Ngài đối với những người có tội ăn năn.

– Cảm nhận: Tình yêu và sự tha thứ của Chúa là vô bờ bến mà nhiều khi chúng ta không thể hiểu hết được.

– Hành động: Qua ví dụ nầy, các em có thể kể thêm nhiều điều về tình yêu của Chúa, và cầu nguyện cảm tạ lòng yêu thương đời đời của Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. CHUẨN BỊ.

  1. Giáo viên giúp các em tập đóng kịch để diễn lại câu chuyện, có thể chia tổ để thi đua.
  2. Giáo viên tìm các tranh ảnh về nạn đói từ báo, tạp chí cũ, để các em hiểu rõ bối cảnh trong câu chuyện.
  3. Giúp các em hiểu rõ câu gốc, động viên các em viết ra hoặc diễn đạt ý nghĩa của câu gốc.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

  1. Vào đề.

   (Dẫn vào đề bằng một vở kịch ngắn trong sách học viên trang số 6. Qua vở kịch nầy, giúp các em hiểu được tâm trạng và cảm nghĩ của người con cả trong ví dụ của Chúa Jêsus. Phân vai cho các em tập đóng kịch  trước).

   Sau khi diễn xong, cho các emthảo luận vở kịch đó với những câu hỏi sau.

 – Nếu em là Đạt, khi em chưa làm xong công việc mà được đi xem bóng đá, em cảm thấy thế nào? Có công bằng không? Tại sao?

 – Nếu em là Cường, thì em cảm thấy thế nào? Tại sao? Em có nói với ba là đã phân chia công việc và Đạt chưa làm xong phần việc của mình không? Em có thấy bất công không, khi xem bóng đá về còn phải giúp Đạt làm tiếp phần việc còn lại? Tại sao? Em có cảm thấy ba yêu thương Đạt hơn mình không? (Cho các em nói lên cảm nghĩ của mình).

   Hôm nay, chúng ta sẽ được nghe một ví dụ của Chúa Jêsus. Trong ví dụ nầy, có một người cũng hiểu lầm tình yêu thương của cha đối với mình như Cường vậy!

  1. Bài học.

(1) Lý do Chúa Jêsus kể ví dụ “Tình cha con”.

   Mỗi ví dụ đều cho chúng ta một bài học hay. Ví dụ mà Chúa Jêsus kể hôm nay có tên là “Tình cha con”.

   Người Pha-ri-si hết sức kiêu ngạo vì cho rằng mình thuộc lòng luật pháp của Đức Chúa Trời. Họ coi thường những người không phải là người Giu-đa chính gốc. (Mời một em đọc Lu-ca15:1-2). Trong Lu-ca15:1-2 cho thấy những người Pha-ri-si tức giận việc gì? (Họ cho rằng Chúa Jêsus không nên ở và ăn cơm chung với những người thâu thuế và người có tội, vì những người đó không xứng đáng được như vậy. Vào thời đó, ăn cơm chung là biểu hiện tình bạn tốt đẹp. Người Pha-ri-si nghĩ rằng chỉ có họ mới đáng làm bạn của Chúa Jêsus).

   Chúa Jêsus biết ý nghĩ của những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo, nên Ngài kể một ví dụ.

(2) Hình ảnh của“Tình cha con”.

     a. Đối với đứa con hoang đàng.

   Một người cha có hai con trai. Người anh cần cù làm việc suốt ngày, còn người em thì thích chơi bời lêu lỏng. Một ngày nọ, người em quyết định ra đi sống xa nhà, để mở rộng tầm mắt. Anh ta nói với cha: “Thưa cha, xin chia gia tài cho con!”

   Vào thời đó, khi cha chết thì con trai trưởng nam được thừa hưởng 2/3 tài sản, con trai út chỉ được1/3. Khi nghe con trai út xin được phần tài sản của mình, người cha không vui, nhưng vẫn chia cho con. Chúa Jêsus kể tiếp: Mấy ngày sau, người em lấy tài sản của mình và ra đi.

   Các em biết người em đi đâu không? (Đi đến một nơi xa lạ). Anh ta làm gì ở đó? (Ăn chơi hoang đàng, tiêu xài phung phí). Khi đó, bạn bè của anh đối xử với anh thế nào? (Tốt, thân mật).

   Đúng lúc ấy, trong xứ anh cư ngụ xảy ra hạnh án. Thế là nạn đói xuất hiện và đe dọa mọi người. “Nạn đói” là gì? (Là lúc thiếu thức ăn kéo dài. Cho các em xem hình). Người em hết tiền, bị bạn bè bỏ rơi, khổ sở vì bụng đói, đành nhận lời đi chăn heo cho một nhà nọ. Đây là công việc mà không ai muốn làm, vì theo luật pháp của Môi-se, con heo được xem là con vật dơ bẩn (Lê-vi Ký 11:7). Vậy mà khi chăn heo, anh ta đói đến nỗi muốn ăn vỏ đậu của heo, nhưng chủ cũng không cho ăn.

   Vừa đói, vừa buồn tủi, nhục nhã, vừa hối hận, người em khóc, nhận ra mình rời bỏ gia đình là một việc sai lầm, giờ phải làm thế nào đây? (Anh quyết định quay về, xin cha coi như người làm mướn). Quyết định của người em cho thấy điều gì? (Anh ta đã ăn năn tội lỗi). Anh không đòi được làm con út như ngày nào, mà chỉ mong được làm đứa ở mướn cho cha.

    Nghĩ thế, người em đứng dậy trở về. Khi về gần đến nhà, anh lo lắng không biết thái độ của cha sẽ như thế nào khi thấy mình trở về? Nhất là khi tiền bạc đã tiêu xài hết, liệu cha có tha thứ cho anh không, hay sẽ mắng: “Mày không phải là con tao nữa, mày bỏ nhà ra đi, sao bây giờ còn quay lại xin ăn?” Nghĩ tới đó, anh ta càng thêm bối rối, lo sợ.

   Trong khi đó, cha ở nhà lúc nào cũng trông ngóng con trai trở về. Một hôm, ông thấy xa xa có một người đang đi về phía nhà mình, có phải con ông không? Sao dáng vẻ tiều tụy thảm thương đến thế nầy! Ôi! Đúnglà con trai của ta rồi! Các em biết ông làm gì không? (Người cha chạy ra, ôm chầm lấy con mà hôn).

   Người em hết sức ngạc nhiên khi thấy cha vui mừng như vậy. Anh nói những lời đã chuẩn bị trước: “thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, không xứng đáng gọi là con của cha nữa!” Người cha ngắt lời con vì ông quá vui mừng, liền bảo đầy tớ: “Hãy mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. Hãy bắt con bê mập làm thịt. Chúng ta hãy ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được.”

   Khi nghe cha nói như vậy, nếu em là người em, em sẽ cảm thấy như thế nào? (Cho các em nói ra cảm nghĩ của mình). Cái áo đẹp chỉ dành cho khách quí, nhưng anh lại được mặc, được đeo chiếc nhẫn quí của cha, mang giày tốt vào chân. Người em chỉ dám nghĩ rằng, mình được làm đứa ở mướn cho cha là qúy lắm rồi, nhưng anh không ngờ cha tha thứ cho anh, còn chuẩn bị tiệc, đàn hát, vui mừng đón anh.

     b. Đối với đứa con ngoan ngoãn vâng lời.

   Con út trở về, cha vui mừng. Có vẻ như đó là một kết cuộc tốt đẹp, nhưng Chúa Jêsus đã nói, trong nhà có hai anh em. Khi em út trở về thì người anh đang ở ngoài đồng. Đến lúc người anh ở ngoài ruộng trở về nhà, nghe tiếng cười, tiếng đàn ca thì ngạc nhiên hỏi một đầy tớ: “Có việc gì? Đầy tớ thưa: “Em cậu đã trở về và cha cậu đã làm thịt con bê mập, vì ông thấy cậu ấy về được mạnh khỏe”.

   Đó có phải là tin vui không? Người anh nghe tin đó cảm thấy thế nào? (Cho các em đọc Lu-ca 15:28-30, ghi lên bảng chữ “nổi giận”, “không muốn vào nhà”, “con của cha kia”).

   Theo các em, tại sao anh ta nổi giận? (Cho các em trả lời. Có thể là vì ích kỷ, ganh ghét, tủi thân…). Người anh nổi giận, không vào nhà, làm vậy có nên không? Tại sao?

   Người cha biết tâm trạng của con cả liền bước ra khuyên nhủ, rằng cha yêu thương cả hai con, nhưng người anh thưa: “Cha xem, đã bao nhiêu năm con phục vụ cha, chưa từng trái lệnh cha, mà cha chẳng bao giờ cho con một con dê con để chung vui với bạn hữu. Nhưng khi đứa con kia của cha, là đứa đã phung phí hết tài sản của cha với gái mại dâm rồi trở về thì cha lại làm thịt con bê mập ăn mừng!”

   Cảm nghĩ của người anh như vậy có đúng không? Nếu em là người anh, em có suy nghĩ như vậy không? (Cho các em trả lời). Có thật người anh lúc nào cũng vâng lời cha không? Trong lời nói của anh ta, có điều gì chứng tỏ sự bất mãn với cha và tức giận với em trai mình? (Trách cha và gọi em là “đứa con cha kia”). Thật ra người anh tức giận điều gì? (Người em được tiếp đón khi trở về).

   Người cha ngạc nhiên khi thấy con cả nổi giận. Ông nhẹ nhàng nói: “Con ơi! Con luôn luôn ở bên cạnh cha. Tất cả tài sản của cha là của con, còn em con tưởng đã chết mà nay được sống, tưởng đã lạc mất mà nay trở về”.

 (3) Ý nghĩa của ví dụ “Tình cha con”.

   Mỗi nhân vật trong ví dụ đều đại diện cho một hạng người. Chúng ta cùng xem xét từng nhân vật trong câu chuyện để hiểu ý của Chúa Giê-xu. (Cho các em kể ra ba nhân vật: Người cha, người anh và người em).

     a.Người cha: Theo các em, người cha trong câu chuyện chỉ về ai? (Đức Chúa Trời). Người cha làm những gì khiến các em nghĩ đến Đức Chúa Trời? (Giáo viên có thể đặt một số câu hỏi gợi ý như: Người cha nghĩ gì về đứa con út? Sau khi con trai hoang phí hết của cải và trở về, cha còn yêu anh không? Tại sao con cả tức giận? Chính bữa tiệc mừng đã chứng tỏ người cha yêu con út và muốn người anh nguôi giận. Lời cha nói với con cả khiến chúng ta nghĩ đến lòng nhân từ và sự nhẫn nại của Đức Chúa Trời).

     b. Người anh: Người anh giống những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo ở điểm nào? (Giúp các em hiểu, người anh nổi giận vì cha dọn tiệc mừng em, cũng giống như các thầy thông giáo phản đối bạn bè của Chúa Jêsus là tội nhân và người thâu thuế. Giáo viên có thể đặt một số câu hỏi như: Ai không vui vì Chúa Jêsus ăn chung, ở cùng với các tội nhân? Ai không vui vì người cha dọn tiệc mừng con út trở về?)

     c. Người em: Người em đại diện cho ai? (Đến đây, có lẽ các em đã hiểu người em đại diện cho tất cả những người lầm lạc, dại dột, làm theo ý mình…). Chúng ta cũng giống như người em trong câu chuyện, thường rời xa Chúa, cho ý mình là tốt và làm theo ý riêng.

     3. Ứng dụng.

   Bài học quan trọng nhất mà Chúa Jêsus muốn các em học qua ví dụ nầy là, Đức Chúa Trời yêu các em. Các em là con cái của Chúa, dù các em phạm sai lầm gì, thì Đức Chúa Trời vẫn yêu thương các em. Các em thử suy nghĩ xem, khi con cái không vâng lời, ba mẹ có giận không? Nhưng giận có phải là không còn yêu thương con nữa không? Chúa Jêsus muốn dạy rằng: Đức Chúa Trời vẫn yêu thương các em ngay cả lúc các em phạm lỗi. Ngài căm ghét tội lỗi các em đã phạm, nhưng Ngài yêu thương các em và thực lòng mong muốn các em xưng tội và từ bỏ nó. Ngài sẵn lòng nguôi giận và tha tội cho các em. Ngài vui mừng khi các em quay trở về với Ngài.

   Các em thân mến! Khi các em tin nhận Chúa Jêsus là Chúa Cứu Thế, thì các em đã là con của Đức Chúa Trời. Kể từ đó, địa vị của các em đã được thay đổi bởi tình yêu thương của Ngài ban cho. Kinh Thánh cho các em biết điều đó. (Cho các em đọc câu gốc: “Anh em không còn là nô lệ nữa mà là con; và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế”.

   Đức Chúa Trời giống như người cha trong ví dụ, trong Chúa Jêsus tất cả những gì của Đức Chúa Trời là của các em. Đối với Chúa Giê-xu, các em quan trọng cũng như người con đối với cha trong ví dụ vậy. Ví dụ nầy là do chính Chúa Jêsus kể ra, nên các em hoàn toàn có thể tin đó là sự thật.

  (Hướng dẫn các em kể ra tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với các em trong những ngày qua, sau đó cho các em viết lời tạ ơn Chúa vào Tập Học Viên, trang 8).

V. SINH HOẠT.

   Trò chơi: Tiệc mừng con trở về.

   Cách chơi: Đứng vòng tròn đếm số thứ tự và các em phải nhớ số của mình. Sau đó cho tập hợp hàng dọc lộn xộn, hoặc đảo lộn tất cả các vị trí vòng tròn. NHD công bố trò chơi: Tất cả các em giả làm gia súc của một gia đình, ngoại trừ một em (gọi em đó ra) là gia nhân. Hôm nay, người con út đã trở về, người cha mở tiệc ăn mừng. Những em nào mang từ số 1 đến số… là Bê, không được cho bạn chung quanh biết. Từ số… đến số… là Heo…Mỗi nhóm chịu tên một con vật.

   NHD nói với gia nhân: “Ta muốn con đi bắt cho ta một con bò (hoặc gà, vịt…) để làm tiệc đãi”.

  Gian hân phải đi đến một em nào đó dẫn lên trình diện cho ông chủ. Khi ông chủ đặt tay lên đầu con vật, em đó mới được kêu tiếng con vật đó ra. Nếu sai, gia nhân phải đi tìm con khác.

– Tiếng các loài kêu được ấn định.

+Heo: éc, éc; Bê: B…ê…ê; Gà: Ò ó o; Vịt: Cạp, cạp…