Ngày: Tháng Hai 19, 2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 25.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 25.02.2024

in THANH NIÊN on 19 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 25.02.2024

  1. Đề tài: TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐƯỢC PHƯỚC.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 32.
  3. Câu gốc: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình!” (Thi Thiên 32:1).
  4. Đố Kinh Thánh: Nê-hê-mi 1-4.
  5. Thể loại: Kịch 5’.

 * CHỈ DẪN: Kịch.

  1. Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh nhóm chung với ban Thanh niên và làm giám khảo.
  2. Cách thực hiện chương trình.

* Cách 1: Từ nhiều tuần trước, mỗi nhóm của ban Thanh niên họp lại để soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài về “Trở thành người được phước”. Tùy theo số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 5 phút.

* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban Thanh niên ra làm 3 nhóm và cho ngồi riêng ra từng nhóm. Đến tiết mục kịch 5 phút, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài trên. Trong 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và tập kịch.

    – Các nhóm lần lượt diễn kịch.

– Cách chấm điểm.

+ Thời gian: Đúng giờ (5’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ một điểm.

+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.

+ Diễn xuất: 10 điểm.

+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).

– Phát thưởng.

* NHỮNG CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.

TÔI MUỐN CÓ MỘT ĐẠO NHƯ VẬY.

Có một người lính bị thương lúc giao tranh. Một vị tuyên úy bò đến tiếp cứu và sau đó ông ngồi bên giường người bị thương để chăm sóc cho anh. Trong cơn nắng nóng, ông nhường cho người này bình nước. Đêm đến, khi sương lạnh rơi xuống, ông đắp áo khoác cho người bị thương, thấy chưa đủ ấm, ông phủ thêm những áo còn lại của mình trên người ấy.

Cuối cùng người bị thương ngước mắt nhìn ông nói:

– “Ông là Cơ đốc nhân phải không?”

– “Phải! Người bạn trả lời”.

Người bị thương nói:

– “Như vậy, nếu Cơ đốc giáo có thể khiến một người giúp đỡ người khác như những điều ông đã làm cho tôi, thì hãy nói cho tôi về đạo ấy. Tôi muốn có một đạo như vậy”.

TƯỚNG CƯỚP TRỞ THÀNH GIÁM MỤC.

Clément ở Alexandrie kể lại câu chuyện về sứ đồ Giăng như sau: Một hôm, Giăng đi thăm một Hội Thánh kia, có một thanh niên đẹp trai đi đến. Giăng chỉ người trai trẻ và nói cùng vị giám mục nhà thờ: “Tôi ký thác thanh niên này cho ông và Hội Thánh Chúa Cứu Thế Giê-xu làm nhân chứng cho sự ký thác này”. Vị giám mục chấp nhận lời gởi gắm và hứa là sẽ cố gắng làm cho trọn.

Vị giám mục này đem chàng thanh niên về nhà chăm sóc, dạy dỗ và cuối cùng làm phép báp-tem cho anh ta. Nhưng vị giám mục đã để cho chàng thanh niên tự do quá sớm, anh ta đi theo đám thanh niên hư hoại và trở thành tên trộm cướp. Chàng thanh niên này quen lối sống xấu xa, anh ta lập một băng cướp và trở thành tên đầu đảng “khát máu, độc ác và bạo động” nhất.

Một ngày kia, khi Giăng trở lại thăm Hội Thánh mà ông đã gặp chàng thanh niên, ông nói với vị giám mục:

– “Bây giờ giám mục hãy trả lời điều mà tôi và Chúa Cứu Thế đã gởi cho giám mục với sự chứng kiến của Hội Thánh do ông quản nhiệm”.

Vị giám mục tỏ vẻ ngạc nhiên tưởng là Giăng nói về số tiền nào đó mà ông đã để lại. Nhưng Giăng nói:

– “Tôi muốn nói về anh chàng thanh niên và linh hồn anh ta. Tôi muốn giám mục trả lại cho tôi”.

Vị giám mục tỏ vẻ buồn rầu và trả lời:

– “Chàng thanh niên đó đã chết rồi”.

Giăng hỏi tiếp:

– “Anh ta chết bằng cách nào?”

Vị giám mục trả lời:

– “Anh ta chết đối với Chúa”.

Và vị giám mục tiếp tục cho biết thế nào chàng thanh niên sa ngã và trở nên đầu băng cướp. Giăng xé áo mình và bảo người ta tìm cho ông một người hướng dẫn và một con ngựa để ông đi tìm chàng thanh niên. Khi ông vừa đến ổ cướp, bọn cướp bắt ông. Ông không trốn mà còn nói:

– “Vì lý do đặc biệt nên ta đến đây. Hãy cho ta gặp tên đầu đảng của các anh!”

Dù chàng thanh niên võ trang đầy đủ, nhưng khi thấy Giăng, anh ta quá hổ thẹn và chạy trốn mất. Mặc dù tuổi già nhưng Giăng chạy đuổi theo, vừa chạy vừa kêu la:

– “Sao con chạy trốn khỏi ta, người cha của con, một lão già nghèo thiếu, không vũ khí? Hãy thương ta và đừng sợ. Con vẫn còn hy vọng. Ta sẽ thay thế con mà trả lời cho Chúa Cứu Thế, và nếu cần ta sẽ chịu án tử hình thế cho con, như Chúa đã chết cho chúng ta. Ta sẽ dùng đời sống để trả giá cho con. Hãy đứng lại và tin đi. Chính Chúa Cứu Thế đã sai ta đến đây với con”.

Nghe lời Giăng nói, chàng trai trẻ liền vứt bỏ vũ khí, quỳ xuống run rẩy, nước mắt chảy tuôn tràn. Với lòng thống hối, anh ta ăn năn, và Giăng xác nhận là ông đã tìm được sự tha thứ từ Chúa cho anh. Ông cầu nguyện với chàng trai trẻ này và đem anh ta về nhà thờ. Ông luôn luôn chăm sóc người thanh niên này và cuối cùng chàng trở thành một giám mục của Hội Thánh.

ĐƯỢC CHÚA CỨU SỐNG NHỜ MỘT BÀI THÁNH CA.

Ngày xưa, khi cuộc cách mạng Mỹ còn đang tiếp diễn, trải qua mấy đêm liên tiếp, cứ người lính nào đứng gác tại địa điểm kia đều bị bắn chết cả. Sau khi có năm, sáu người chết như vậy, thì đến phiên một người tín đồ gác đêm tại đó. Vừa gác, anh ta vừa nghĩ: “Ta cứ hát ca ngợi Chúa, chắc Ngài sẽ bảo vệ ta bình yên”. Anh khởi sự hát Thánh ca số 252:

“Giê-xu Đấng hằng yêu thương tôi, tôi mong đến nghiêng trên ngực Ngài. Lúc sóng bủa ầm bên chân tôi, trong khi bão tố đang vang dội. Xin che tôi, xin giấu kín luôn, cho qua cơn mưa ác gió ôn…”.

Khi anh hát tới câu: “Chỗ hiểm yếu dầu tôi nan kham, xin thương lấy cánh phủ che dùm”, thì anh cảm thấy lòng mình bình an vô cùng.

Nhiều năm sau, khi người lính đã lớn tuổi, đứng hát một mình ở một nhà thờ nọ, thì có một người đến hỏi ông rằng:

– “Có phải năm ấy, đêm ấy ông đã được giao canh gác tại một địa điểm ở chiến trường mà trước đó đã có nhiều người chết và ông đã hát bài Thánh ca này không?”

Ông trả lời: – “Phải, chính tôi!”

Người ấy nói: – “Mấy người canh trước ông tôi đã bắn chết cả. Khi ông khởi sự hát, tôi giơ súng lên nhắm ông mà bắn, nhưng khi tôi nghe ông hát: “Chỗ hiểm yếu dầu tôi nan kham, xin thương lấy cánh phủ che dùm” thì tôi chẳng có thể làm hại ông được nữa. Thế là tôi buông súng xuống. Từ đó tôi đã tiếp nhận Chúa và nhờ vậy hôm nay tôi gặp được ông và biết thật Chúa Cứu Thế là Đấng yêu thương chúng ta”.

Hai người ôm nhau khóc nức nở vì vui mừng trong ơn chăn dắt yêu thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

THUYẾT PHỤC CHỒNG BẰNG NẾP SỐNG.

Trong gia đình kia, người vợ rất đảm đang, tháo vát, vất vả buôn bán, còn ông ở nhà chăn nuôi súc vật và chăm sóc con cái. Nếu có sự xung đột về ý kiến, người ta thường nghe bà lớn tiếng hơn ông.

Ngày nọ, bà được ban chứng đạo hướng dẫn đến nhà thờ tin Chúa. Về nhà bà thuật lại cho ông nghe, ông liền nổi giận quát tháo và đánh bà. Bà im lặng vào phòng cầu nguyện. Từ đó mỗi lần ra chợ mua bán trở về, ông không để phần ăn cho bà, bà phải tự lo lấy. Chúa nhật bà đi nhà thờ về, ông dọn bữa ăn, song trên mỗi chén cơm, ông cắm một cây nhang. Khi mọi người ăn xong, bà dọn mâm khác để ăn. Sau ba tháng, ông suy đi nghĩ lại và cảm thấy thương bà. Ông đi nhà thờ với bà và tin Chúa, các con trong nhà cũng vậy.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 25.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 25.02.2024

in PHỤ NỮ on 19 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 25/02/2024.

  1. Đề tài: MÔI-SE – NGƯỜI LÃNH ĐẠO CỦA DÂN TỘC.
  2. Kinh Thánh: Xuất 3:1-14; 34:28-35.
  3. Câu gốc: “Phải cẩn thận tuân giữ những điều răn, chứng cớ và luật lệ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã truyền cho anh em” (Phục 6:17 BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Châm Ngôn 4-6.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: NGƯỜI LÃNH ĐẠO.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ hoặc trong phòng nhóm.

– Thời gian: 1h30’.

  1. CHUẨN BỊ.

– Chia ban Phụ nữ ra thành 3-4 nhóm. Mỗi nhóm cử một trưởng nhóm và một thư ký nhóm.

– Nhóm thảo luận và trả lời đầy đủ các câu hỏi của bài học tại các trạm, dựa theo phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, viết.

– Xem trước (Xuất 3:1-14; 34:28-35).

Trưởng nhóm điều khiển ban viên giải mật thư và hướng dẫn thảo luận, thư ký nhóm ghi chép lời giải nội dung mật thư, những lời giải đáp.      

  1. THỰC HIỆN.
  2. Thông báo cuộc thi và thể lệ.
  3. Cuộc thi.

– Hàng ngũ trật tự và báo cáo số nhóm viên khi đến mỗi trạm.

– Chấp hành đúng theo yêu cầu tại mỗi trạm.

– Tất cả ban viên tham gia hết mình.

– Thời gian để thực hiện yêu cầu tại mỗi trạm là 15’.

  1. Chấm điểm tại mỗi trạm.

– Hàng ngũ trật tự, báo cáo nghiêm chỉnh …………. 10 điểm.

– Giải mật thư chính xác …………………………………. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất……………………………………….. 10 điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ………….. 10 điểm.

(Thiếu một người trừ 1 điểm).

  1. Diễn tiến trò chơi.

– NHD tóm tắt nội dung (Xuất 3:1-14; 34:28-35) cho ban Phụ nữ cùng nghe.

            – NHD cho các nhóm xuất phát bằng trò chơi “Về đất hứa” để nhận mật thư 1.

            – Cách chơi: Mỗi nhóm cử ra 3 người. Tất cả người chơi của các nhóm lên xếp hàng ngang quay lưng về đích.

NHD đứng ở đích quay lưng về hàng ngang khoảng 10m. Nghe tiếng còi, mọi người quay mặt lại và chạy về đích. Thình lình NHD thổi còi và quay lại, tất cả phải đứng yên, (ai cử động hoặc nhúc nhích sẽ bị loại). NHD lặp lại vài lần để tìm người mắc lỗi. Ai về đích, chạm tay đến NHD trước là thắng cuộc và nhóm có người thắng cuộc sẽ nhận được mật thư trước.

Nhóm nào nhận được mật thư thì tập họp nhóm lại và bắt đầu giải mật thư.

* Mật thư 1: TÌM GẶP CẬU BÉ TRONG RƯƠNG MÂY.

± Cách làm: Viết nội dung mật thư lên trên mảnh giấy có hình chiếc nôi. Sau đó, dùng bút màu trang trí một mặt chiếc nôi. Dùng kéo cắt ra thành nhiều mảnh (nhiều, ít tùy khả năng của ban viên). Bỏ tất cả mảnh giấy cắt vụn vào một bì thư, dán kín lại. Bên ngoài viết dòng chữ để làm chìa khóa. Sau khi nhận mật thư. Các nhóm sẽ đọc kỹ câu chìa khóa và ráp tất cả các mảnh vụn theo hình vẽ để đọc được nội dung mật thư.

± Chìa khóa: Hãy để chúng tôi được sống bên nhau.     

_Trạm 1.

            ± Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và đánh dấu X vào câu trả lời đúng nhất.

  1. Cậu bé trong rương mây là con của:

            p Vợ chồng người Hê-bơ-rơ.

            p Vợ chồng người Ê-díp-tô.

            p Không rõ.

  1. Vì sao cậu bé bị bỏ xuống sông?

            p Sợ nuôi không nổi.

            p Sợ Pha-ra-ôn phát hiện.

p Tất cả đều đúng.

  1. Ai đặt tên Môi-se cho cậu bé?

            p Mẹ cậu bé.

            p Công chúa Pha-ra-ôn.

            p Cha cậu bé.

* Mật thư 2: NÊIHC NĂHC IỜƯGN PẶG MÌT

± Chìa khóa: Cá lội ngược dòng.

_Trạm 2.

            ± Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời trên giấy.

  1. Vì sao Môi-se đi chăn chiên?
  2. Môi-se chăn chiên trong đồng vắng bao lâu?
  3. Theo bạn, người hầu việc Chúa phải được chuẩn bị như thế nào?

* Mật thư 3: TÌM ĐÂU ĐỂ GẶP ĐƯỢC MỘT NGƯỜI GIỮ CHỨC, LÃNH VIỆC DẠY ĐẠO CHO NGƯỜI DÂN ĐANG SINH SỰ.

            ± Chìa khóa: Ăn một trả hai.

_ Trạm 3.

± Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và đánh dấu X vào câu trả lời đúng nhất.

  1. Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ cho Môi-se:

            p Dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập.

            p Đưa dân Y-sơ-ra-ên về đất hứa Ca-na-an.

            p Cả hai đều đúng.

  1. Những công việc Môi-se làm trong hành trình về đất hứa là:

            p Xây cất đền tạm theo mạng lịnh Đức Giê-hô-va.

p Nhận lãnh luật pháp của Đức Chúa Trời và trao cho dân sự.

            p Ghi chép năm sách đầu tiên của Kinh Thánh.

p Tất cả đều đúng.

– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.

  1. Kết thúc.

– NHD cùng ban phụ nữ tóm lược lại nội dung của trò chơi: Những chặng đường các nhóm đã đi qua và cùng khám phá vai trò của người lãnh đạo Môi-se.

– Kêu gọi các ban viên học tinh thần người lãnh đạo để sớm trở thành người lãnh đạo vĩ đại cho nhà Đức Chúa Trời.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. GIỚI THIỆU.

Bốn trăm năm sau khi Gia-cốp di cư xuống Ai-cập, dòng dõi sinh sản thêm nhiều, trở nên một dân tộc hùng mạnh. Vua Ai-cập bắt đầu lo sợ cho nền an ninh, bèn thay đổi chính sách khoan hồng, biến dân Y-sơ-ra-ên trở thành nô lệ, phục dịch người Ai-cập, để dần bị tiêu diệt. Trong tình trạng đau thương, Đức Chúa Trời chuẩn bị một người đặc biệt, đưa Môi-se cứu nguy cho dân sự. Môi-se là con trai của A-ram và Giô-kê-bết, dòng dõi Lê-vi. Đời sống của Môi-se có thể chia làm ba giai đoạn như sau:

  1. Bốn mươi năm trong đền Pha-ra-ôn (Xuất 2:1-10).

Môi-se ra đời khoảng năm 1520 T.C, trong lúc Pha-ra-ôn ra lệnh tàn sát dân Y-sơ-ra-ên bằng cách giết tất cả bé trai sơ sinh của Do Thái. Khi Môi-se sanh, bà Giô-kê-bết đem giấu con trai mình trong ba tháng. Sau đó, bà buộc lòng phải để con trong một giỏ mây, thả trong đám sậy ở mé sông, cho chị đứa trẻ đứng xa trông chừng. Công chúa Pha-ra-ôn đi tắm sông, thấy chiếc nôi bị kẹt trong đám lau sậy, sai người vớt lên. Công chúa thấy một đứa trẻ Do Thái đang khóc, động lòng thương xót, sai người tìm vú nuôi. Nhờ vào sự khôn ngoan của người chị, đứa trẻ được trao cho mẹ nó nuôi nấng, chăm sóc. Đến khi Môi-se khôn lớn, bà Giô-kê-bết dẫn con đến công chúa. Nàng nhận cậu làm con và đặt tên là Môi-se “Ta đã vớt nó khỏi nước”. Môi-se ở trong cung vua, được mang danh là hoàng tử của công chúa Pha-ra-ôn.

  1. Bốn mươi năm trong đồng vắng Ma-đi-an (Xuất 2:11-25).

Mặc dầu được làm con công chúa với tương lai rạng rỡ, nhưng Môi-se không quên mình là người Do Thái và đất hứa Ca-na-an. Năm bốn mươi tuổi, Môi-se quyết định từ bỏ địa vị cao sang của mình, đến cùng dân sự đang bị áp bức dưới tay tàn ác của Pha-ra-ôn. Một ngày kia, chứng kiến cảnh một người Ai-cập hà hiếp người Do Thái, Môi-se ra tay bênh vực và đánh chết người Ai-cập. Môi-se sợ vua truy nã, chạy trốn ẩn mình trong đồng vắng Ma-đi-an. Tại đây, Môi-se được Giê-trô, thầy tế lễ Ma-đi-an đón tiếp vào gia đình, và gả con gái Sê-phô-ra làm vợ. Môi-se sống tại đây đến năm tám mươi tuổi.

  1. Bốn mươi năm với dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc hành trình về đất hứa (Xuất 3-14; 34, 40; Phục 34).

Môi-se dẫn bầy chiên qua đồng vắng. Khi đến núi Hô-rếp, Môi-se ngạc nhiên thấy bụi gai cháy mà không hề tàn, bèn lại xem. Thình lình ở giữa bụi gai có tiếng Đức Chúa Trời phán gọi Môi-se, bày tỏ cho Môi-se biết Ngài là Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu, sai Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập. Môi-se từ chối vì mình không có tài ăn nói. Đức Chúa Trời sai A-rôn, người có tài ăn nói giỏi giúp đỡ Môi-se.

Môi-se trở về Ai-cập, cùng với A-rôn đến gặp Pha-ra-ôn. Hai người nói rằng: Đức Chúa Trời phán, hãy buông tha dân Ngài để họ đi thờ phượng Đức Giê-hô-va. Nhưng Pha-ra-ôn nhiều lần không vâng lệnh Đức Chúa Trời, lại gia thêm sự cực khổ trên dân Y-sơ-ra-ên, nên Đức Chúa Trời dùng Môi-se và A-rôn giáng xuống mười tai họa khủng khiếp, phạt nhà Pha-ra-ôn. Cuối cùng, Pha-ra-ôn buộc lòng để cho dân sự đi. Môi-se dẫn đoàn dân khoảng chừng hai triệu người, cùng với súc vật, từ Gô-sen hướng về Biển Đỏ. Bấy giờ Pha-ra-ôn đổi ý, sai quân đuổi theo bắt dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se giơ gậy trên biển, tức thì nước biển rẽ đôi làm thành con đường khô ráo cho dân sự đi qua cách bình an. Khi tất cả lên khỏi biển, Đức Chúa Trời phán bảo Môi-se đưa gậy trở lại trên biển, nước bèn lấp trở lại, chôn vùi đạo quân Pha-ra-ôn đang đuổi theo dân sự. Như vậy bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, dân Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi ách nô lệ của Pha-ra-ôn.    

Từ Biển Đỏ, Môi-se vâng theo Đức Chúa Trời dẫn dắt dân sự tiến về Ca-na-an. Trong hành trình, Môi-se gánh lấy trách nhiệm vô cùng lớn lao và khó khăn về nhu cầu và an ninh của đoàn người. Thế mà dân sự nhiều lần lằm bằm, dấy nghịch nên Ngài không cho họ vào đất hứa mãi đến bốn mươi năm sau. Môi-se làm ba công việc quan trọng:

   (1) Xây cất Đền Tạm theo mạng lịnh Đức Chúa Trời, lập chức thầy tế lễ trong Đền Tạm, dạy dân sự cách thờ phượng Đức Chúa Trời (Xuất 25-40).

   (2) Nhận luật pháp của Đức Chúa Trời.

   (3) Viết năm sách thường gọi là Ngũ Kinh Môi-se.

Cuối cùng Môi-se đưa họ đến đồng bằng Mô-áp, biên giới Ca-na-an.

Tại đây Môi-se trao trách nhiệm cho Giô-suê, để dẫn dân sự vào đất hứa. Môi-se sống được 120 tuổi.

  1. SUY GẪM.
  2. Môi-se với sứ mạng Chúa gọi.

Người lãnh đạo dân sự. Môi-se được Đức Chúa Trời giao phó hai công tác lớn là:

(1) Dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Vấn đề khó khăn nhất là chinh phục Pha-ra-ôn. Cuối cùng, Pha-ra-ôn phải buông tha dân sự (Xuất 3-12).

(2) Đưa dân Y-sơ-ra-ên về Ca-na-an: Môi-se đã gánh trách nhiệm nặng nề gần hai triệu người, phải chịu sự dấy nghịch, lằm bằm oán trách. Cuối cùng, ông đưa dân sự đến biên giới của đất hứa (Phục 31-34).

  1. Người tiên tri của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời dùng miệng Môi-se phán bảo dân sự, và dùng tay Môi-se thể hiện quyền năng của Ngài. Công việc lớn nhất của Môi-se là nhận luật pháp của Đức Chúa Trời và trao lại cho dân Y-sơ-ra-ên. Môi-se khuyên bảo, căn dặn dân sự hãy cẩn thận vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, đó là một giao ước của sự phước hạnh nếu vâng giữ và tuân hành.

Môi-se được Đức Chúa Trời sai đến đúng lúc, lãnh đạo khôn ngoan, sáng suốt, dẫn đưa họ trong suốt hành trình,  can đảm ra mắt Pha-ra-ôn; khiêm nhu, nhẫn nhục trước sự lằm bằm của dân sự; thẳng thắn sửa phạt khi họ phạm điều răn, thờ tượng bò vàng (Xuất 32); yêu thương; cầu thay cho dân sự khi Đức Chúa Trời toan giáng cơn thạnh nộ hủy diệt họ (Xuất 32:32; Dân 12:3).

III. ỨNG DỤNG CHO ĐỜI SỐNG.

             Sứ mạng của Môi-se có hai trách nhiệm quan trọng:

(1) Dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Đưa người từ tối tăm đến sáng láng.

(2). Mối quan tâm lớn nhất của Môi-se là khuyên bảo, căn dặn dân sự cẩn thận vâng giữ điều răn Đức Chúa Trời.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 25.02.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 25.02.2024

in NAM GIỚI on 19 Tháng Hai, 2024

Chúa nhật 25.02.2024

  1. Đề tài: THỜI ĐIỂM CỦA CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Sáng 12:1-20; Xuất 3:6-17; Giô-suê 4:2-7; Mat 25:21,23.
  3. Câu Gốc: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước” (Sáng 12:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-sai 28-30.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật ngày 14.01.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Đức Chúa Trời muốn đưa bạn dự phần vào các mục đích của Ngài. Ngài vẫn đang hành động trong đời sống bạn từ khi bạn chào đời. Khi Chúa sẵn sàng đưa bạn tiến một bước mới hoặc tiến theo một phương hướng mới trong công việc Ngài, thì thời điểm đó sẽ luôn luôn nằm đúng trình tự với những gì Ngài đã làm rồi trong đời sống bạn. Ngài không đổi hướng đột ngột hay đi đường vòng vô nghĩa. Ngài xây dựng tính cách của bạn cách có trật tự và nhắm vào một mục đích Thiên thượng.

  1. Đáp ứng thời điểm của Chúa.

Hãy để ý đến thời điểm của Đức Chúa Trời.Khi Chúa phán với Áp-ra-ham (Sáng 12:1-20), thì Ngài sắp làm việc gì? Ngài sắp lập lên một dân. Giây phút Áp-ra-ham biết việc Chúa sắp làm, thì đó là lúc ông phải điều chỉnh đời sống mình cho phù hợp với Ngài. Ông phải lập tức làm theo điều Chúa đã phán.

Giây phút Chúa phán với bạn thì đó chính là thời điểm  Chúa muốn bạn đáp ứng với Ngài. Một số người cho rằng, chúng ta có một khoảng thời gian suy nghĩ điều Ngài phán, để thử xác định xem đấy có thực sự là thời điểm của Đức Chúa Trời không. Khi Chúa phán với tôi tớ Ngài, thì Ngài sẵn sàng hành động. Bằng không, Chúa sẽ không phán với bạn. Khi Chúa bước vào trong đời sống bạn, thì thời điểm đáp ứng của bạn là điều hết sức quan trọng, bạn cần phải tin cậy Ngài.

  1. Chúa phát triển tính cách cho xứng hợp với công tác được giao.

Thật sai lầm khi cho rằng chính lúc Chúa kêu gọi bạn thì bạn đã sẵn sàng cho công tác rồi?

Phải mất bao lâu kể từ lúc Chúa phán với Áp-ra-ham rằng Y-sác, đứa con của lời hứa sẽ sinh ra? Hai mươi lăm năm! (Sáng 12:4; 21:5.) Vì sao Đức Chúa Trời chờ đợi hai mươi lăm năm? Vì Ngài cần hai mươi lăm năm để làm nên một người cha phù hợp cho Y-sác. Chúa quan tâm không phải đến Áp-ra-ham, mà quan tâm đến một dân tộc. Chất lượng của tổ phụ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của toàn bộ những thế hệ theo sau. Tổ phụ thể nào, những thế hệ kế tiếp cũng thể ấy. Chúa phải dành thì giờ để gây dựng Áp-ra-ham thành một con người có tính cách. Áp-ra-ham đã bắt đầu điều chỉnh đời sống mình với đường lối của Chúa ngay lập tức. Ông không thể chờ cho đến khi Y-sác ra đời rồi mới cố gắng trở thành người cha mà Chúa muốn.

Phải mất bao lâu sau khi Chúa kêu gọi sứ đồ Phao-lô, thì ông mới thực hiện hành trình truyền giáo đầu tiên? Có lẽ mười hoặc mười một năm. Chúa muốn cứu chuộc thế giới hư mất, và Ngài muốn bắt đầu cứu chuộc người ngoại bang qua Phao-lô. Chúa cần chừng đó thì giờ để chuẩn bị Phao-lô cho công tác ấy.

Nếu Chúa có công tác lớn cho bạn, Ngài phải phát triển một tính cách cao trọng cho xứng hợp với công tác đó, trước khi có thể giao cho bạn.

Có phải vì bạn mà Chúa dành thì giờ chuẩn bị bạn không? Không, không phải chỉ vì riêng một mình bạn, mà còn vì cớ những người mà Ngài muốn đến với họ thông qua bạn. Bấy giờ khi Ngài đưa bạn vào công tác, Ngài sẽ đạt được mọi điều Ngài muốn nơi đời sống những người mà bạn đến với họ.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG

  1. Nếu Chúa phán với bạn, bạn sẽ đáp ứng ngay đúng thời điểm mà Ngài đã phán hay cần có thời gian để suy nghĩ, phán đoán?
  2. Bạn muốn Chúa giao cho mình loại công tác nào? Lớn hay nhỏ? Nếu đó là một công việc không phù hợp với khả năng và ý muốn của bạn, bạn sẽ làm gì?
  3. Để trở nên một người trung tín với Chúa, bạn có gặp những trở ngại nào không? Xin kể ra những trải nghiệm của bạn.
  4. Có bao giờ bạn đã không trung tín với Chúa chưa? Vì sao?