CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 4.8.2019
By Quản trị in THANH NIÊN on 2 Tháng Tám, 2019
Chúa nhật 4.8.2019.
- Đề tài: TRỞ NÊN CON CÁI CỦA SỰ TỰ DO.
- Kinh Thánh: Ga-la-ti 4:21-31.
- Câu gốc: “Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là con cái của người nữ tự chủ” . (Ga-la-ti 4:31).
- Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 41-44.
- Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.
* CHỈ DẪN: Học Kinh Thánh nhóm.
- Tài liệu: Ủy viên linh vụ dựa vào tài liệu để chọn phương pháp học Kinh Thánh, soạn câu hỏi, và viết sẵn ra giấy để trao cho các nhóm.
- Phương pháp học Kinh Thánh phải tùy theo phần Kinh Thánh làm nền và khả năng của ban viên.
- Nếu bạn không có phương pháp học Kinh Thánh, bạn có thể soạn ít nhất là 4 câu hỏi cho mỗi nhóm trong giờ học Kinh Thánh:
– 2 câu hỏi suy luận (Tìm sự dạy dỗ của Lời Chúa).
– 2 câu hỏi áp dụng (Ứng dụng sự dạy dỗ vào đời sống).
(1.1) Câu hỏi suy luận: Thế nào là kẻ “sanh ra theo xác thịt”?
(1.2) Câu hỏi áp dụng: Về phương diện tâm linh, bạn có đang sống như kẻ “sanh ra theo xác thịt” không? Làm sao bạn biết được?
(2.1) Câu hỏi suy luận: Người “sanh ra theo lời hứa” được gì?
(2.2) Câu hỏi áp dụng: Để được “sanh ra theo lời hứa” bạn cần phải làm gì? Xin cho biết kinh nghiệm của bạn về việc đó (Giăng 1:12-13; 3:7).
(1.1) Câu hỏi suy luận: Người sanh “theo xác thịt” khác người sanh “theo lời hứa” thế nào?
(1.2) Câu hỏi áp dụng: Hiện nay, bạn là “người sanh theo xác thịt hay theo lời hứa”? Vì sao bạn biết được điều đó?
(2.1) Câu hỏi suy luận: Vì sao người sanh “theo xác thịt” bắt bớ người sanh “theo lời hứa”?
(2.2) Câu hỏi áp dụng: Để đắc thắng sự bắt bớ đó, bạn phải làm gì? (2Côr 5:17; Rô-ma 7:21-25; 8:37; Phil 4:13).
(1.1) Câu hỏi suy luận: Địa vị của “con của người nữ tự chủ” là gì?
(1.2) Câu hỏi áp dụng: Để được địa vị đó, bạn cần phải làm gì? (Giăng 3:36; Rô-ma 8:1,14-17).
(2.1) Câu hỏi suy luận: “Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó” có ý nghĩa gì?
(2.2) Câu hỏi áp dụng: Để được trở nên con cái của sự tự do, chúng ta cần phải đuổi những gì ra khỏi đời sống? (Gal 5:3-4; Êph 4:31; Gia-cơ 1:21).
Ghi chú: Sau mỗi câu hỏi trên, bạn nên soạn thêm câu hỏi gợi mở để giúp khi họ không thể trả lời.
- Thảo luận: Để giờ học Kinh Thánh có kết quả tốt, ủy viên linh vụ và các trưởng nhóm nên cùng học với nhau trước.
- Thời gian học Kinh Thánh nhóm:
- 5 phút giải thích và chia nhóm.
- 20 phút học Kinh Thánh.
- 10 phút tường trình.
- 5 phút đúc kết.
- Giải thích: Đọc phần Kinh Thánh làm nền. Giải thích phương pháp học. Đọc câu hỏi và giải thích rõ ràng để các ban viên dễ thảo luận.
- Chia nhóm: Chia nhóm học Kinh Thánh hoặc dùng nhóm sẵn có. Mỗi nhóm từ 5-10 người.
- Địa điểm: Chỉ định chỗ học Kinh Thánh cho các nhóm.
- Bài học: Giao phần tài liệu và câu hỏi cho mỗi nhóm.
- Trưởng nhóm và thư ký nhóm: Khi đến vị trí được chỉ định, mỗi nhóm tự cử trưởng nhóm (nếu chưa có) và thư ký nhóm: Trưởng nhóm hướng dẫn học Kinh Thánh, thư ký ghi lại những điểm chính của giờ học Kinh Thánh và tường trình trong giờ đúc kết. Trưởng nhóm giỏi là người đưa ra câu hỏi và gợi ý cho các bạn trả lời.
- Giờ tường trình & đúc kết: Các thư ký nhóm lần lượt trình bày kết quả giờ học Kinh Thánh của nhóm mình. Sau đó, ủy viên linh vụ sẽ đúc kết để nhẹ nhàng sửa những điểm sai, nhấn mạnh những sự dạy dỗ quan trọng và kết luận bài học.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Sự giải luận lẽ đạo về sự tự do của Tin lành được Phao-lô kết thúc với thí dụ về hai người nữ tiêu biểu của thời Cựu ước. Qua thí dụ này, Phao-lô muốn ám chỉ về điều gì? Và có ý nghĩa gì cho chúng ta hôm nay?
- Ý NGHĨA.
Trong câu 22, Phao-lô tóm tắt câu chuyện lịch sử về hai con trai của Áp-ra-ham là Ích-ma-ên và Y-sác, mà địa vị người mẹ định rõ địa vị của đứa con (Sáng thế ký 16:1-16; 21:1-4; Rô-ma 9:6-9). Chúng ta thấy rõ sự khác nhau giữa A-ga, mẹ của Ích-ma-ên và
Sa-ra, mẹ của Y-sác trong những điểm sau đây (c.23-27).
* A-ga, người nữ nô lệ = Si-nai (luật pháp) = xác thịt = Giê-ru-sa-lem bây giờ = mẹ của nô lệ.
* Sa-ra, người nữ tự chủ = lời hứa (đức tin) = thuộc linh = Giê-ru-sa-lem ở trên cao = mẹ của tự do.
Để hiểu thí dụ Phao-lô muốn nói, chúng ta lần lượt phân tích ý nghĩa của những chữ Phao-lô dùng trong dẫn chứng này.
* Câu 23: “…con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt”. Con sanh ra theo xác thịt chỉ về sự sanh theo công lệ thiên nhiên, theo ý người. A-ga sanh Ích-ma-ên là do ý Sa-ra vì mất hy vọng nơi lời hứa (Sáng thế ký 16:1-6). Trái lại với Y-sác, con được sanh ra ngoài công lệ thiên nhiên, không do ý người, nhưng bởi đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời (Rô-ma 4:18-21).
Qua sự kiện trên, chúng ta học biết được lẽ thật này: Người sanh ra bởi khí huyết không bao giờ hưởng được đặc ân thuộc linh. Vì lẽ đó, Chúa Giê-xu phán cùng Ni-cô-đem rằng: “Các ngươi phải sanh lại” (Giăng 3:7; 1:12-13).
* Câu 24: Núi Si-nai chỉ về giao ước của luật pháp mà A-ga là tiêu biểu. Giê-ru-sa-lem bây giờ (c.25) chỉ về quốc gia Do Thái, trung tâm của Do Thái giáo lúc đó, nơi kẻ chủ luật ép buộc người ta vào khuôn khổ của luật pháp. Như A-ga sanh con trong nô lệ, cũng vậy, người sanh ra dưới luật pháp thì bị sự định tội của luật pháp, không hưởng được sự tự do trong ân điển Đức Chúa Trời.
* Câu 26-27: “Giê-ru-sa-lem trên cao”, thành phố ở trên núi
Si-nai, thành phố thuộc linh chỉ về giao ước của ân điển mà Sa-ra là tiêu biểu. Ê-sai 54:1 là một chứng minh cho quyền năng của ân điển Đức Chúa Trời. Do ân điển, Chúa đã khiến cho Sa-ra, người đàn bà son sẻ trở nên vui mừng vì được sanh con. Và dòng dõi thuộc linh của Áp-ra-ham sẽ nhiều hơn dòng dõi xác thịt của ông. Tức là dưới ân điển Chúa, tất cả mọi người bởi đức tin đến Chúa Giê-xu đều được hưởng lời hứa phước hạnh của người làm con cái Đức Chúa Trời, được tự do khỏi sự rủa sả của luật pháp.
Tóm lại, qua hai người nữ tiêu biểu là A-ga và Sa-ra, Phao-lô ám chỉ sự khác nhau giữa giao ước luật pháp và giao ước ân điển, để nhấn mạnh lẽ đạo xưng nghĩa bởi đức tin và khuyến khích tín hữu dứt khoát với sự cậy mình trong luật pháp, phải nhờ ân điển và bởi đức tin để được trở nên “con cái” Sa-ra trong sự tự do phước hạnh.
- BÀI HỌC CHO CON CÁI CỦA SỰ TỰ DO.
Trong lời kêu gọi đến sự tự do, Phao-lô xác định vị trí của người tin Chúa là những người như Y-sác, tức là thuộc về con của lời hứa (c.28). Trong địa vị phước hạnh này, từ câu 29 chúng ta học biết những điều sau đây:
- Sự bắt bớ của con cái xác thịt: Câu 29 chép: “Kẻ sanh theo xác thịt bắt bớ kẻ sanh theo Thánh Linh”. Có thể được hiểu theo hai ý:
(1) Kẻ sanh theo xác thịt chỉ về người cậy mình, nhờ luật pháp để được cứu. Còn “kẻ sanh theo Thánh Linh” là người nhờ đức tin để được xưng nghĩa. Ở đây cho chúng ta học biết hai điều:
– Trong đời này luôn có hai hạng người: Hạng người khinh lờn ân điển Chúa và hạng người nương nhờ ân điển Chúa.
– Người sống bởi đức tin luôn bị kẻ sống theo xác thịt bắt bớ, làm hại.
(2) “Kẻ sanh theo xác thịt” chỉ về người sanh theo công lệ thiên nhiên, người ở trong sự sa ngã của A-đam, là những tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23). Trái lại, “kẻ sanh theo Thánh Linh” là người tin Chúa Giê-xu và được Ngài tái tạo nên mới bởi quyền năng của Thánh Linh. Sự kiện này gọi là tái sanh mà Chúa Giê-xu nói trong Giăng 3:1-7; 2Côr 5:17. Chữ “bắt bớ” chỉ về sự chiến đấu nghịch lại. Sự hiện diện của Y-sác khiến Ích-ma-ên bày tỏ bản tánh xác thịt của mình với sự trêu chọc, chế nhạo (Sáng 21:9). Cũng vậy, sự hiện diện của người mới với bản tánh thuộc linh đã làm biểu lộ bản tánh xác thịt của người cũ nên khiến có sự xung khắc nhau. Và “kẻ theo xác thịt bắt bớ kẻ sanh ra theo Thánh Linh” như Ích-ma-ên bắt bớ Y-sác. Điều đó tỏ rằng bản tánh xác thịt luôn tranh chiến trong người sống theo Thánh Linh để lôi kéo chúng ta trở lui về lối sống cũ, cách xa ân điển Chúa.
- “Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó” (c.30). Cách duy nhất để vui hưởng trọn vẹn phước hạnh của lời hứa là “đuổi
Ích-ma-ên”. Có nghĩa là bởi đức tin chúng ta chết về người cũ của mình trên thập tự giá với Chúa Giê-xu, chết sự cậy mình trong luật pháp, trong sự công nghĩa riêng và sống lại với sự sống của Chúa trong sự tự do của ân điển Ngài.
Tóm lại, chúng ta ghi nhận những điểm sau đây:
(1) Tất cả mọi người đều là con cái của xác thịt. Cho nên mọi người đều cần sự tái sanh bởi quyền năng của Thánh Linh để được trở nên con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12-13).
(2) Trong người tái sanh có sự hiện diện bản tánh xác thịt của người cũ và bản tánh thuộc linh của người mới. Hai bản tánh này khác nhau và xung khắc nhau.
(3) Cách để dứt khoát với bản tánh xác thịt là chúng ta bởi đức tin chết về người cũ của mình với Chúa Giê-xu và sống lại với Ngài trong đời sống mới.
(4) Chỉ có người sanh bởi Thánh Linh mới hưởng được phước hạnh của người làm con Đức Chúa Trời.
Tóm lược: Trong Ga-la-ti 3:1 – 4:31, có những lẽ thật Kinh Thánh tìm thấy qua lẽ đạo sự tự do của Tin lành:
- Sự xưng nghĩa là hoàn toàn do sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời, chớ không bởi việc làm của luật pháp.
- Phước hạnh của sự cứu rỗi chỉ ban cho người có đức tin trong Đấng Christ mà thôi.
- Trên căn bản đức tin, tất cả mọi người đều có thể nhận được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và hưởng sự tự do thật trong Đấng Christ.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Xin đọc Sáng 16:1-16; 21:1-14 để rõ câu chuyện lịch sử Phao-lô nói trong Ga-la-ti 4:21-31.
- Những điểm khác nhau giữa người nữ tôi mọi và người nữ tự chủ là gì? (c.22-30).
- Xin tìm hiểu nghĩa bóng của những ẩn dụ:
- Người nữ tôi mọi và người nữ tự chủ.
- Con sanh ra theo xác thịt và con sanh ra theo lời hứa.
- Núi Si-nai, thành Giê-ru-sa-lem bây giờ.
- “Thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do và ấy là mẹ chúng ta” (c.26).
- Phao-lô trích dẫn câu 27 từ sách nào trong Cựu ước? Sự trích dẫn này có ý nghĩa gì?
- Đại ý Phao-lô muốn nói qua thí dụ về hai người nữ A-ga và Sa-ra là gì?
- a. Tìm hiểu câu “…kẻ sanh ra theo xác thịt bắt bớ kẻ sanh ra theo Thánh Linh” (c.28).
- Phao-lô cảnh cáo tín hữu Ga-la-ti điều gì? (c.29).
- “Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó” có nghĩa gì? (c.30).
- Qua lời gọi của Phao-lô trong câu 28 và 31, người tin Chúa thuộc về dòng dõi nào? Tại sao sự “đuổi người nữ tôi mọi” là điều cần thiết? (c.30-31).
- Chúng ta hiện nay còn sống trong sự bắt bớ của “con cái sanh ra theo xác thịt” hay đang sống trong sự tự do của con cái kế tự theo lời Chúa hứa?