Tác giả: andynguyen

BÀI 2. GIÚP ĐỠ VỊ TIÊN TRI (GV)

BÀI 2. GIÚP ĐỠ VỊ TIÊN TRI (GV)

in ẤU NHI on 1 Tháng Sáu, 2017

BÀI 2. GIÚP ĐỠ VỊ TIÊN TRI

 

II. KINH THÁNH: 1Các Vua 17:8-16.

II. CÂU GỐC: “Hãy làm điều thiện cho mọi người” (Ga-la-ti 6:10).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Bà góa nghèo tin cậy Chúa nuôi tiên tri Ê-li.

– Cảm nhận: Giúp đỡ người khác là điều tốt mà Chúa muốn chúng ta làm.

– Hành động: Vui lòng giúp đỡ người khác khi họ cần.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY BÀI.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Băng reo: YÊU THƯƠNG NHAU.

Cho các em đứng vòng tròn.

– NHD: Chúa dạy em.

– TC: Yêu thương nhau (Từng cặp xoay mặt nhìn nhau, nắm tay nhau)

– NHD: Chúa dạy em.

– TC: Giúp đỡ nhau (bắt chéo tay nhau).

– NHD: Lời Chúa dạy.

– TC: Em xin nhớ (đặt tay phải lên vai người bên phải).

– NHD: Lời Chúa dạy.

– TC: Em làm theo (nắm tay hai người bên cạnh).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

    1. Vào đề.

Các em thân mến, có khi nào các em đói bụng chưa? Lúc đói, rất khó chịu, phải không? Nếu Cha trên trời không ban mưa và ánh nắng, thì lúa và cây cối sẽ không mọc được, chúng ta sẽ không có thức ăn để ăn. Vì vậy, có ánh nắng, có nước mưa, có thức ăn, chúng ta phải cảm ơn Cha trên trời.

    2. Bài học.

Cách đây rất lâu, nước Y-sơ-ra-ên có một vị vua không kính sợ Đức Chúa Trời, nên Ngài không ban mưa xuống trên đất, khiến cho cả xứ không có nước uống, nông dân không thể trồng lúa… và mọi người không có gì để ăn cả. Cả nước đều bị đói.

Có một vị tiên tri tên là Ê-li. Ông ta rất yêu mến Chúa và vâng lời Ngài. Ông đến gặp vua và khuyên vua ăn năn tội, sống kính sợ Chúa, nhưng vua không nghe mà còn sai người tìm giết ông nữa.

Chúa giấu ông Ê-li để vua không tìm ra được. Một ngày kia, Chúa bảo Ê-li: “Ngươi là một tiên tri tốt, Ta sẽ chăm sóc ngươi. Hãy đứng dậy, đi vào thành Sa-rép-ta. Ở đó, Ta sẽ cho một người nuôi ngươi!”

Ê-li đứng dậy đi. Đến thành Sa-rép-ta ông đói và mệt vì phải đi một đoạn đường rất xa. Ông nhìn thấy một người đàn bà đang lượm củi. Bà có vẻ ốm yếu, tội nghiệp lắm. Ê-li đi tới trước mặt bà, nói: “Bà ơi, xin bà cho tôi chút gì đó để ăn”. Người đàn bà trả lời: “Nói thật với ông, tôi cũng rất nghèo khổ, chỉ còn một ít dầu và bột dành cho hai mẹ con trong ngày hôm nay thôi. Ăn xong, mẹ con tôi chỉ còn chờ chết”. Ê-li liền nói: “Bà đừng sợ. Bà cứ làm trước một cái bánh nhỏ cho tôi ăn. Cha trên trời sẽ ban phước cho bà. Ngài sẽ làm cho bột và dầu của bà chẳng bao giờ thiếu”. Người đàn bà tin cậy Đức Chúa Trời qua lời nói của Ê-li nên liền làm theo lời ông. Bà mời ông về nhà mình và gọi: “Con ơi, ra đây, có khách đến thăm nhà mình đó!” Cậu bé bước ra chào hỏi lễ phép: “Cháu chào ông ạ! Mời ông ngồi”. Trong lúc đó, bà mẹ vào bếp, dùng hết bột và dầu làm bánh (giải thích cho các em biết đó là thức ăn hằng ngày của người thời đó). Làm xong, bà đem ra một cái bánh nhỏ và nói: “Xin mời ông dùng”.

Ngay lúc ấy, Chúa đã làm một điều lạ lùng. Các em có thể đoán ra được không? Bà vui mừng quá, la lên: “Con ơi, con lại xem, dầu và bột vẫn còn trong bình và vò. Thật là lạ lùng!” Cậu con trai ngạc nhiên nói: “Thật hả mẹ? Tại sao lại như thế nầy? Mẹ đã dùng hết bột và dầu rồi cơ mà!?” Lúc ấy, Ê-li mới lên tiếng: “Đây là việc Đức Chúa Trời làm. Ngài đã làm ơn cho gia đình bà vì mẹ con bà hết lòng kính yêu Chúa và chịu giúp đỡ người gặp khó khăn như tôi đây. Bà cứ yên tâm, bột và dầu của bà sẽ không hết trong bình cho đến khi nào có mưa trở lại”. Hai mẹ con bà hết sức vui mừng cảm tạ Cha trên trời.

    3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Nếu các em vui lòng giúp đỡ mọi người, Chúa sẽ vui lắm, các em cũng được khen là trẻ ngoan và được xem là bạn của Cha trên trời nữa đó. Các em có thích không?

BÀI 2. GIÚP ĐỠ VỊ TIÊN TRI (HV)

BÀI 2. GIÚP ĐỠ VỊ TIÊN TRI (HV)

in ẤU NHI on 1 Tháng Sáu, 2017

BÀI 2. GIÚP ĐỠ VỊ TIÊN TRI 

 

CÂU GỐC: “Hãy làm điều thiện cho mọi người” (Ga-la-ti 6:10).

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH (HV)

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH (HV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH

 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 18:31; 24:27,44,45; Hê-bơ-rơ 10: 7.

II. CÂU GỐC: Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh” (Lu-ca 24:27).

III. BÀI TẬP.

    1. Bức tranh dưới đây có một khuôn mặt của 2 chú bé và một quyển Kinh Thánh ẩn trong đó. Em dùng bút khoanh tròn khi đã tìm ra.

* Kinh Thánh ẩn chứa nhiều điều quí báu. Nếu đọc sơ qua, em sẽ không thấy. Nhưng khi đọc tỉ mỉ, em sẽ thấy nhiều điều kỳ diệu.

    2. Em có kinh nghiệm nầy không?

Trong cô đơn, sợ hãi, bỗng nhiên em nhớ được một câu Kinh thánh giúp đỡ em tiêu tan mọi nỗi cô đơn, sợ hãi. Em hãy viết câu Kinh thánh đó vào hình trái tim dưới đây.

3. Trên đường đi nhà thờ về, Văn và Thúy Mai vừa đi vừa bàn luận về đề tài học Kinh Thánh. Thúy Mai hỏi Văn: “Trọng tâm của cả Kinh Thánh là Đấng Christ. Em không hiểu gì cả, vì Đấng Christ giáng sinh ở thời kỳ Tân ước, mà Cựu ước và Tân ước cách nhau một thời gian quá xa. Vậy làm thế nào Đấng Christ trọng tâm Cựu ước?

Văn gãi đầu không biết giải thích ra sao. Em có thể giúp bạn Văn giải đáp thắc mắc cho bạn Thúy Mai không?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

 

 

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH (GV)

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH (GV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH

 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 18:31; 24:27, 44, 45; Hê-bơ-rơ 10:7.

II. CÂU GỐC: “Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh” (Lu-ca 24:27).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu là trung tâm của toàn bộ Kinh Thánh.

– Cảm nhận: Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của em.

– Hành động: Em tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của em và tôn thờ Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. SINH HỌAT ĐẦU GIỜ.

  1. Dùng hình thức thi đua, giúp các em ôn lại mục lục Kinh Thánh.
  2. Làm một cái bảng xếp.

– Cách làm: Dùng 2 tờ giấy màu khổ lớn dán nối lại với nhau. Sau đó xếp từ dưới lên trên tạo thành những cái rãnh (giống như xếp quạt), rồi đặt vào giấy bià cứng, dùng băng keo trong dán 4 cạnh lại.

  1. Dùng giấy bìa cứng cắt thành những miếng nhỏ đều nhau. Sau đó, ghi tên từng sách trong Kinh Thánh vào từng miếng riêng biệt, theo thứ tự từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền (Mỗi loại sách như Ngũ Kinh, sách văn thơ… đều có một màu khác nhau. Ví dụ: 5 sách Ngũ kinh của Môi-se dùng giấy màu đỏ, các sách văn thơ dùng giấy màu xanh…). Cho các em gắn lên bảng theo thứ tự. Cách nầy có thể kiểm tra xem các em có thuộc mục lục Kinh Thánh không?
  2. Giấy bìa cứng, tăm, đậu đỏ (nếu không có thì dùng đậu khác cũng được).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

    1. Vào đề.

Các em thân mến, các em có biết nội dung chính của Kinh Thánh Cựu ước nói về điều gì không? Cựu ước thuật lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Đức Chúa Trời hứa ban cho chúng ta một Cứu Chúa.

Còn Tân ước? Tân ước ghi chép Chúa Giê-xu giáng sinh, cuộc đời và sự dạy dỗ của Ngài, và vì cớ tội lỗi của loài người, Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, sau ba ngày Chúa sống lại từ kẻ chết.

    2. Bài học.

(1) Cả quyển Kinh Thánh đều ghi chép về Chúa Giê-xu.

Tại sao cho rằng Chúa Giê-xu là trung tâm của cả Kinh Thánh? Câu chuyện đầu tiên của Kinh Thánh là gì? Đúng rồi! Thuật lại sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu có phải đã ở cùng với Đức Chúa Trời khi tạo dựng trời đất lúc ban đầu không? (Cho các em tự do phát biểu).

Chúng ta mở Kinh Thánh, sách Giăng 1:1-3 và cùng đọc. Trong câu 1 dùng chữ “Ngôi Lời” để chỉ về Chúa Giê-xu. (Nếu các em không có Kinh Thánh, thì xin viết câu Kinh Thánh đó lên bảng). Bây giờ, các em thay thế chữ “Chúa Giê-xu” vào chữ “Ngôi Lời” và đọc lại các câu Kinh Thánh nầy nhé! Nào! Tất cả chúng ta đều bắt đầu (Cho các em cùng đọc rập ràng). “Ban đầu, có Chúa Giê-xu, Chúa Giê-xu ở cùng với Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng với Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài”. Vậy, chính Kinh Thánh cho các em biết lúc Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, thì Chúa Giê-xu đã ở cùng với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã từng phán: “Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến. Trong sách có chép về tôi. Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa” (Hê-bơ-rơ 10:7). Từ ngữ “Trong sách” mà Chúa Giê-xu nói đến là Cựu ước. Ngoài ra sách Lu-ca 24:27 cũng nhắc nhở chúng ta rằng: Xuyên suốt Cựu ước, đều nói trước về Chúa Giê-xu đến thế gian.

(2) Hiểu biết về Kinh Thánh.

Làm thế nào để hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh? Ví dụ, khi các em gặp phải bài toán khó, không tìm ra đáp số, nhưng sau khi thầy cô giải thích cho các em và nhắc nhở cho các em công thức để áp dụng, thế là các em hiểu ngay cách làm và tìm ra đáp số. Việc học Kinh Thánh cũng vậy, gặp chỗ nào các em không hiểu, thì phải cầu nguyện, xin Chúa ban cho sự khôn ngoan để hiểu được Lời Ngài, chứ đừng vội nản lòng. Ngày xưa, môn đồ của Chúa Giê-xu cũng không hiểu lời phán dạy của Chúa. Nhưng khi Chúa Giê-xu mở trí họ, thì họ mới hiểu được lời Ngài (Lu-ca 24:45).

(3) Ghi nhớ Lời Chúa.

 “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi 119:11). “Giấu lời Chúa trong lòng” là như thế nào? Như thế nầy có phải là “Giấu lời Chúa trong lòng” không? (Cầm quyển Kinh Thánh để trên ngực, lấy áo khoác hay khăn che kín lại. Cho học viên tự do phát biểu).

Giấu lời Chúa trong lòng có nghĩa là luôn luôn ghi nhớ lời phán dặn của Chúa. Nếu các em luôn nhớ lời Chúa thì lúc gặp phải khó khăn hoạn nạn, sợ hãi, Đức Thánh Linh dùng Kinh Thánh nhắc nhở, giúp đỡ, thêm sức và an ủi các em.

(4) Làm theo Lời Chúa.

“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22). Làm theo có nghĩa là gì? (Cho học viên tự do phát biểu). Làm theo là vâng phục lời Chúa.

Đôi lúc dường như lời nói khó đi đôi với việc làm. Có lúc các em biết rõ ràng việc đó là đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời, nhưng làm thì rất khó khăn, phải không? Chỉ cần các em có quyết tâm làm theo lời Chúa, thì Chúa Giê-xu luôn ở bên cạnh, Ngài có quyền năng giúp đỡ các em. Chúa Giê-xu phán rằng: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn” (Ma-thi-ơ 28:20).

Các em nghe và làm theo lời Chúa không phải vì bắt buộc làm như vậy, mà là xuất phát từ tấm lòng yêu mến Chúa. Chúa Giê-xu phán rằng: “Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì giữ gìn các điều răn Ta” (Giăng 14:15). Chúng ta học Kinh Thánh là vì chúng ta yêu mến Chúa. Chúng ta làm theo lời của Ngài, cũng chính vì chúng ta yêu mến Ngài.

(5) Nhận biết Chúa qua Kinh Thánh.

Chúa Giê-xu là trọng tâm của Kinh Thánh, nên khi các em càng đọc Kinh Thánh, thì càng nhận biết Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của nhân loại và của các em. Mặt khác, Chúa phán với các em qua Kinh Thánh. Hàng ngày, các em cần suy gẫm và làm theo lời của Ngài. Tính chất quan trọng của việc học Kinh Thánh là như ăn ba bữa cơm mỗi ngày, để được khỏe mạnh. Lời Chúa trong Kinh Thánh có thể nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của các em, thêm cho năng lực để sống đẹp lòng Ngài.

    3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Chúa Giê-xu là trọng tâm của Kinh Thánh. Từ Cựu ước đến Tân ước đều nói về Ngài, chứng tỏ Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của cả nhân loại. Các em tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và tôn thờ Ngài. Mỗi ngày nhận biết Chúa hơn qua việc học lời Chúa và sống đẹp lòng Ngài.

* Ghi chú: Hướng dẫn làm bài tập của học viên.

Câu trả lời đúng là: Trong thời đại Cựu ước tuy rằng Chúa Giê-xu chưa giáng sinh, nhưng Đức Chúa Trời đã khải thị cho đầy tớ của Ngài viết tiên tri về Đấng Christ.

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN CON NGƯỜI (HV)

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN CON NGƯỜI (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN CON NGƯỜI

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 1:26-31; 2:7-23.

II. CÂU GỐC: “Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng Thế Ký 2:7).

III. BÀI TẬP.

A. ĐỨC CHÚA TRỜI CHUẨN BỊ CHO CON NGƯỜI.

Trong những gợi ý phía dưới, hãy tô màu hình vẽ cùng một ngày tạo dựng để giúp em tìm được đáp án. Sự sáng tạo từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu gợi ý cho đáp án từ câu 1-6.

Đức Chúa Trời dùng ………………… làm nên con người, hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh. Người đầu tiên tên là …………… Đức Chúa Trời chuẩn bị ……………… làm nơi ở cho A-đam, và công việc cho con người đó là …………… và …………… vườn. Ngài còn chuẩn bị một người …………………… để giúp đỡ A-đam.

* Gợi ý: Bụi đất    trồng    A-đam    phối ngẫu    giữ   Ê-đen.

B.  YÊU QUÍ SỰ SÁNG TẠO CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.

Hành động nào dưới đây là yêu quí thế giới mà Đức Chúa Trời đã dựng nên? Nếu “phải” đánh dấu v, nếu “không phải” đánh dấu x. Em suy nghĩ xem mình có giống bạn nhỏ trong hình vẽ không?

Tiết kiệm nước   Không bỏ rác bừa bãi      yêu thương loài vật          hái hoa, cỏ.

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN CON NGƯỜI (GV)

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN CON NGƯỜI (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 2. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN CON NGƯỜI

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 1:26-31; 2:7-23.

II. CÂU GỐC: “Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng Thế Ký 2:7).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên con người.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời yêu thương và chăm sóc con người chu đáo.

– Hành động: Cảm tạ Đức Chúa Trời đã dựng nên em.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trồng đậu xanh.

  1. Vật liệu: Cây đậu xanh.
  2. Thực hiện: Cho mỗi em tự chuẩn bị vật liệu để trồng đậu xanh ở nhà trước (ly giấy hoặc lon sữa bò, đất hoặc bông gòn, đậu xanh, nước, gạo, muối, giấy vụn…).

Dặn các em mang tác phẩm của mình đến lớp, giáo viên phân tích vì sao đậu xanh của một số em trồng trong đất hoặc bông gòn có thể nảy mầm, và đậu xanh của những em trồng trong lon gạo, muối, giấy vụn… lại không thể. Qua đó, cho các em biết các loại sinh vật cần phải có môi trường thích hợp mới có thể tăng trưởng.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị trị trợ: Photo lớn trang tài liệu 1-2, sau đó tô màu cho đẹp).

    1. Vào đề.

Các em còn nhớ sự sáng tạo của Đức Chúa Trời không? Ngày thứ nhất, Đức Chúa Trời dựng nên cái gì? (Cho các em ôn lại sự sáng tạo của Đức Chúa Trời từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu).

Ngày thứ sáu, ngoài các loài thú vật và côn trùng được Đức Chúa Trời dựng nên, còn có một loài được dựng nên trong ngày nầy, các em nghĩ xem khi ấy trên trái đất còn thiếu điều gì? (Cho các em trả lời). Đúng rồi! Đó là loài người. Tại sao cuối cùng Đức Chúa Trời mới dựng nên con người? (Cho các em trả lời).

Vừa rồi trong phần sinh hoạt đầu giờ các em đã biết, cần phải có môi trường thích hợp đậu xanh mới có thể sinh trưởng. Đây cũng là lý do con người được Đức Chúa Trời dựng nên sau cùng. Mọi vật trong thiên nhiên đã sẵn sàng, môi trường thích hợp cho con người sinh sống, Đức Chúa Trời mới dựng nên loài người.

    2. Bài học.

Các em có biết Đức Chúa Trời dựng nên con người như thế nào không? (Giáo viên có thể làm động tác lấy đất lên giả vờ như đang nắn hình người và cho các em trả lời). Đức Chúa Trời dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài. Điều nầy không phải là Đức Chúa Trời có thân xác như chúng ta, nhưng chúng ta giống Ngài, có tâm trí để suy nghĩ, có lòng yêu thương để tương giao với Ngài.

Sau khi dùng bụi đất dựng nên con người, Đức Chúa Trời hà sinh khí vào lỗ mũi (giáo viên thổi hơi), thì người có sự sống. Đó là con người đầu tiên trên thế giới, Đức Chúa Trời đặt tên là A-đam.

Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một khu vườn xinh đẹp có nhiều cây trái ngon ngọt để con người dùng làm thức ăn. Ngài dặn A-đam: “Ngươi được tự do ăn các loại cây trái trong vườn, nhưng đừng ăn trái của một cây ở giữa vườn, là cây biết điều thiện và điều ác. Nếu ngươi ăn trái của cây ấy, ngươi sẽ chết”. Đức Chúa Trời cũng dặn bảo A-đam trồng và giữ vườn.

Sau đó, Đức Chúa Trời đem các loài vật đến cho A-đam đặt tên. Hễ A-đam đặt tên chúng nó thế nào, thì đó là tên gọi của chúng. (Giáo viên có thể chỉ vào những hình ảnh các loài động vật dán sẵn trong lớp cho các em đọc tên). A-đam không tìm được ai giúp đỡ giống như mình. Vì vậy, Đức Chúa Trời khiến A-đam ngủ mê, rồi lấy một cái xương sườn của A-đam làm nên một người nữ, dẫn đến trước mặt A-đam.

Người nữ trở thành vợ của A-đam, giúp đỡ A-đam chăm sóc và bảo vệ vườn Ê-đen. A-đam gọi vợ là “Ê-va” vì là mẹ của cả loài người.

Các em ơi! Các em thấy Đức Chúa Trời có yêu thương con người không? Ngài yêu thương con người như thế nào? (Cho các em trả lời). Đức Chúa Trời ban cho con người có thức ăn, chuẩn bị chỗ ở (vườn Ê-đen), việc làm (chăm sóc và bảo vệ vườn).

    3. Ứng dụng.

Hướng dẫn các em thảo luận bằng những câu hỏi sau: Đức Chúa Trời dựng nên con người như thế nào? Vì sao Đức Chúa Trời dựng nên người nữ? Đức Chúa Trời giao cho A-đam công việc gì? Đức Chúa Trời chuẩn bị những gì cho con người?

Sau đó, cho các em mở sách học viên bài 2 làm bài tập “Yêu quí sự sáng tạo của Đức Chúa Trời”. Khi các em hoàn tất bài tập cho các em suy nghĩ xem em sẽ làm gì để bày tỏ bằng hành động rằng em yêu quí những gì Đức Chúa Trời dựng nên.

Cuối cùng cho các em luân phiên nói lời cảm tạ Đức Chúa Trời đã dựng một điều gì đó. Ví dụ: “Cảm tạ Đức Chúa Trời dựng nên mặt trời”; “Cảm tạ Đức Chúa Trời dựng nên cây cối”; “Cảm tạ Đức Chúa Trời cho em có ba mẹ”.

Bài 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

Bài 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

in THIẾU NHI on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

BÀI 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

in THIẾU NHI on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 2Sa-mu-ên 23:2; Giăng 20:31; 2Ti-mô-thê 3:16-17; 2Phi-e-rơ 1:20-21.

II. CÂU GỐC: “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2Phi-e-rơ 1:21).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Ngài soi dẫn cho con người và hướng dẫn họ để viết ra lời của Ngài.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài cho con người chúng ta.

– Hành động: Em trân trọng lời Chúa, đọc và làm theo.

IV .PHẦN CHUẨN BỊ TRONG BÀI DẠY

* Giáo cụ:

  1. Giáo viên làm quyển Kinh Thánh thời cổ: Dùng một tờ giấy bìa cứng, dán 2 nẹp tre vào 2 đầu giấy, chờ cho hồ khô, cuộn lại, viết câu gốc vào.
  2. Một cái gương soi mặt.
  3. Giấy màu, nếu không có thì dùng giấy trắng, hồ, nẹp tre.

V. BÀI HỌC KINH THÁNH.  

  1. Vào đề.

Mỗi lần khai giảng năm học mới, các em xin tiền ba mẹ mua  sách giáo khoa mới, phải không? Sách giáo khoa rất quan trọng đối với học sinh. Các em có biết sách giáo khoa cho con cái Chúa là gì không? (Cho các em trả lời). Kinh Thánh là sách giáo khoa chủ yếu, cho nên các em đến học trường Chúa nhật nhớ mang theo Kinh Thánh nhé!

Các em biết không, ngày xưa, các vua chúa đã ra lịnh đốt hết Kinh Thánh, nhưng có một số Cơ Đốc Nhân dũng cảm, thà hy sinh mạng sống để giữ gìn Kinh Thánh, nhờ vậy Kinh Thánh mới được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.

   2. Bài học.

(1) Tác giả của Kinh Thánh.

Bất cứ một quyển sách nào cũng đều có người viết ra nó. Người viết ra gọi là tác giả. Ai là tác giả của Kinh Thánh? Sự khác biệt lớn nhất giữa Kinh Thánh và các quyển sách khác là hễ ai tin, thì nhận biết tác giả của nó.

Đức Chúa Trời là tác giả của Kinh Thánh. Các em sẽ ngạc nhiên vì nghĩ rằng Đức Chúa Trời là thần (không có hình dáng) làm sao có thể viết ra chữ nghĩa được? Em nào có thể giải thích được điều nầy? (Cho các em phát biểu). Đức Chúa Trời chọn một số người để ghi chép lại lời của Ngài. Họ được Thánh Linh của Chúa dẫn dắt viết ra lời Chúa một cách trung thực.

Đức Chúa Trời đã chọn ai đảm nhiệm công tác nầy, các em biết không? (Môi-se, Đa-vít, Sa-lô-môn, Phao-lô, Phi-e-rơ, Giăng và một số người khác). Trong số họ có người là vua chúa, là người chăn chiên, là tiên tri, là người đánh cá…

Trong Cựu ước có vài ngàn lần “Đức Giê-hô-va phán rằng” hay “Đức Giê-hô-va phán với…”.  Đây là lời của Đức Chúa Trời phán dặn đầy tớ Ngài ghi chép lại. Đa-vít đã nói: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta” (2Sa-mu-ên 23:2). Kinh Thánh là lời thật của Đức Chúa Trời. Tuy Kinh Thánh có rất nhiều người viết, nhưng họ đều được hướng dẫn bởi một mình Đức Chúa Trời, nên không hề có một chút sai sót nào. Vì vậy, các em có thể hoàn toàn tin vào sự chính xác của Kinh Thánh.

(2) Danh xưng của Kinh Thánh.

Các em ạ! Ngày xưa, Kinh Thánh có hình dáng giống như vầy (Giơ thị cụ quyển Kinh Thánh cổ lên). Thay vì bằng giấy, thì họ làm bằng da của súc vật. Các em có thấy nó khác với quyển Kinh Thánh bây giờ không? (Giơ quyển Kinh Thánh của bạn lên để các em so sánh). Các em nhìn thấy ngoài bìa của Kinh Thánh có ghi hai chữ “Kinh Thánh”. Hai chữ nầy có nguồn gốc từ tiếng Hy-lạp, có nghĩa là quyển sách nhỏ. Kinh Thánh gồm 66 quyển sách nhỏ hợp lại. Nhưng tại sao lại thêm chữ thánh vào? Là vì quyển sách nầy rất quý báu, tác giả chính là Đức Chúa Trời, mà Đức Chúa Trời là thánh, cho nên lời của Ngài cũng là thánh (Khải 15:4).

(3) Quyển Kinh Thánh chép tay.

Ngày xưa, chưa có phát minh ra máy in, nên Kinh Thánh phải chép bằng tay. Người chép Kinh Thánh gọi là thầy thông giáo, mỗi thầy thông giáo đều ghi chép Kinh Thánh rất cẩn thận.

Các thầy thông giáo sao chép Kinh Thánh từng chữ một, tốn rất nhiều thời gian. Sao chép Kinh Thánh là một công việc rất là gian nan, qua nhiều năm chỉ sao chép được vài quyển. Các em biết không, người dân hồi đó không có Kinh Thánh riêng, nên mọi người đều phải đi đến nhà thờ để nghe đọc Kinh Thánh.

Ngày hôm nay, đa số các gia đình đều có Kinh Thánh, muốn đọc Kinh Thánh lúc nào cũng được, rất là tiện lợi. Các em có Kinh Thánh riêng của mình không?

(4) Tham khảo Kinh Thánh.

(Lưu ý các em tên 66 quyển sách trong mục lục của Kinh Thánh. Giải thích rõ cách tra cứu mục lục, và bảo các em học thuộc lòng mục lục của Kinh Thánh, để tra xem Kinh Thánh cho dễ dàng).

Kinh Thánh chia làm hai phần: Cựu ước và Tân ước. Ý nghĩa của từ “Ước” là hợp đồng hay lời hứa trịnh trọng giữa con người với con người. Cựu ước ghi chép bản giao ước giữa Đức Chúa Trời với con người trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh, cho chúng ta biết lời hứa lạ lùng của Đức Chúa Trời, là Chúa Giê-xu đến thế gian cứu chuộc tội lỗi của nhân loại.

Sách Tân ước ghi chép Đức Chúa Trời đã làm thành lời hứa của Ngài, sự giáng sinh của Chúa Giê-xu, cuộc đời của Ngài, và cũng ghi chép việc các sứ đồ truyền giảng Tin lành.

Sách Cựu ước có sớm hơn Tân ước. Chúa Giê-xu giảng đạo thường hay trưng dẫn lời trong Cựu ước. Sa-tan đến cám dỗ Chúa Giê-xu, Ngài phán rằng: “Có chép rằng”, đây là lời của Kinh Thánh Cựu ước (Xem Lu-ca 4: 3-12). Có một lần Chúa Giê-xu đứng trong nhà hội đọc Kinh Thánh, Kinh Thánh mà Chúa Giê-xu đọc là sách Cựu ước.

Tại sao phải viết Kinh Thánh? Câu trả lời đúng nhất nằm trong Kinh Thánh. Giăng 20:31 chép: “Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống”. Vì vậy, Đức Chúa Trời cho phép viết Kinh Thánh với hai lý do: (1) Để cho các em biết được Chúa Giê-xu là con của Đức Chúa Trời. (2) Hễ ai tin Ngài thì được sự sống đời đời (2Ti-mô-thê 3:16).

Kinh Thánh như một tấm gương soi (cầm cái gương giơ lên). Khi soi gương, các em sẽ thấy những vết dơ nếu trên mặt có vết dơ, ngược lại nếu mặt sạch sẽ, các em sẽ nhìn thấy gương mặt của mình dễ thương làm sao, phải không? Cũng vậy, khi đọc Kinh Thánh, thì Kinh Thánh như tấm gương soi cho các em thấy tội lỗi, tình yêu thương của Chúa và dạy dỗ để biết cách sống như thế nào đẹp lòng Ngài.

(5) Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh là một quyển sách kỳ diệu, sách trên đời nầy có thể bị người ta quên lãng hoặc sửa đổi, nhưng lời của Đức Chúa Trời không hề thay đổi, và luôn được hàng tỷ tỷ người trên thế giới trong mọi thời đại tìm đọc. Kinh Thánh đã làm thay đổi đời sống của nhiều người, từ xấu trở nên tốt, từ buồn bã, thất vọng trở nên vui mừng và tràn đầy hy vọng.

3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Nếu như các em nhận được thư của ba từ nơi xa gửi về, thì các em có mở ra đọc không? Chắc các em sẽ mau mau mở thư ra đọc và đọc rất kỹ, phải không? Kinh Thánh là bức thư của Đức Chúa Trời gởi cho các em, các em nên siêng năng đọc lời của Chúa. Có như thế, các em mới hiểu được lời Đức Chúa Trời nói với các em và làm theo.

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN THẾ GIỚI (HV)

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN THẾ GIỚI (HV)

in NHI ĐỒNG on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN THẾ GIỚI

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 1:1-25.

II. CÂU GỐC: “Chính Đức Giê-hô-va đã làm nên đất bởi quyền năng Ngài, đã lập thế gian bởi sự khôn ngoan Ngài, đã giương các từng trời bởi sự thông sáng Ngài” (Giê-rê-mi 10:12).

III. BÀI TẬP.

A. CON SỐ SÁNG TẠO.

Những vật trong hình vẽ phía dưới được dựng nên vào ngày thứ mấy? Viết chữ số của ngày mà lòai đó dược dựng nên dưới mỗi hình vẽ.

B .YÊU THÍCH CỦA EM.

Trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, vẽ ra ba thứ mà em yêu thích nhất, rồi viết lời cầu nguyện cảm tạ của em.

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN THẾ GIỚI (GV)

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN THẾ GIỚI (GV)

in NHI ĐỒNG on 29 Tháng Năm, 2017

BÀI 1. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN THẾ GIỚI

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 1:1-25.

II. CÂU GỐC: “Chính Đức Giê-hô-va đã làm nên đất bởi quyền năng Ngài, đã lập thế gian bởi sự khôn ngoan Ngài, đã giương các từng trời ra bởi sự thông sáng Ngài” (Giê-rê-mi 10:12).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

   – Biết: Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên thế giới nầy.

   – Cảm nhận: Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng.

   – Hành động: Ca ngợi và cảm tạ sự sáng tạo quyền năng của Đức Chúa Trời.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY. 

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

    * Đố em.

    1. Vật liệu: Viết, giấy, bảng.

    2. Thực hiện: Giáo viên viết các câu đố dưới đây vào giấy (mỗi câu đố một mảnh giấy riêng biệt), ghi đáp án phía sau. Giơ cao mảnh giấy cho các em cùng đọc lớn câu đố, rồi trả lời. Nếu trong vòng hai phút các em không trả lời được thì lật mảnh giấy phía sau ra cho các em xem đáp án.

   + Câu đố:

(1) Nước cuốn không trôi, lửa đốt không cháy, ăn vào không no, không ăn không thể sống. Đáp án: Không khí.

(2) Leo lên không dễ, dời đi rất khó, viết thì dễ, thấy không khó. Đáp án: Núi.

(3) Có khi ở chỗ nầy, có khi ở chỗ khác, có khi như cái đĩa, có lúc như lưỡi liềm. Đáp án: Mặt trăng.

(4) Thân đầy lông, khi ngồi như con người, khi chạy như con chó. Đáp án: Con khỉ.

(5) Mùa xuân may chế y phục, mùa hè toàn thân xanh lục, mùa thu bắt đầu cởi áo, mùa đông chỉ thấy da thịt. Đáp án: Cây xanh.

(6) Đến từ sông biển, phủ trên bầu trời; mặt trắng chuyển mặt đen; nước mắt bèn rơi xuống. Đáp án: Mây.

Sau khi đố xong, cho các em sắp xếp lại theo thứ tự thời gian những thứ ấy xuất hiện trên thế gian.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

     1. Vào đề.

Kinh Thánh cho chúng ta biết (đưa cao quyển Kinh Thánh lên) trước khi có thế giới nầy, đã có Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng khôn ngoan và quyền năng. Vũ trụ nầy được dựng nên theo ý muốn của Ngài.

Các em có thấy khi làm thủ công, chúng ta cần chuẩn bị vật liệu, và phải dùng tay làm mới hoàn thành. Nhưng Đức Chúa Trời dựng nên thế giới nầy chỉ bằng lời nói, Ngài chỉ cần ra lệnh, lập tức những vật trên thế gian nầy được dựng nên. Các em có biết Đức Chúa Trời dựng thế giới nầy trong bao lâu và Ngài dựng cái gì trước tiên không? Các em cùng theo dõi bài học nầy để thấy sự sáng tạo của Đức Chúa Trời kỳ diệu như thế nào nhé.

     2. Bài học.

Ngày xưa thật xa xưa, thế giới nầy chỉ là một màu đen tăm tối. Đức Chúa Trời phán: “Phải có sự sáng”, lập tức sự sáng tràn ngập khắp nơi. Ngài phân sự sáng ra cùng sự tối, Ngài đặt tên sự sáng là ngày, sự tối là đêm. Ấy là ngày thứ nhất. (Hỏi các em: Ngày thứ nhất Đức Chúa Trời dựng nên điều gì? Sau đó dùng phấn kẻ tấm bảng làm sáu ô, ô thứ nhất ghi “Ngày thứ nhất”, rồi cho các em viết ra sự sáng tạo của Đức Chúa Trời trong ngày đó).

Đến ngày thứ hai, Đức Chúa Trời phán: “Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước”. Ngài dựng nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không với nước ở trên khoảng không. Như vậy là có bầu trời. (Hỏi các em: Ngày thứ hai, Đức Chúa Trời dựng nên cái gì? Viết “ngày thứ hai” lên ô thứ hai trên bảng, cho các em viết ra sự sáng tạo của Đức Chúa Trời trong ngày nầy).

Ngày thứ ba, Đức Chúa Trời phán: “Tất cả nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra”. Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Đức Chúa Trời thấy những gì Ngài dựng nên thật là tốt lành. Ngài lại phán: “Đất phải sanh cây cỏ, cỏ kết hột giống, cây kết trái”. Đất liền sinh ra các loại rau cải, cỏ xanh, cây cối khác nhau và những bông hoa xinh đẹp. (Hỏi các em: Ngày thứ ba Đức Chúa Trời dựng nên cái gì? Viết ngày thứ ba lên ô thứ ba trên bảng, cho các em ghi ra sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, bao gồm đất, biển và tên gọi của các thực vật khác nhau. Có thể mời từng em trong lớp lần lượt lên bảng viết ra một vật Đức Chúa Trời tạo dựng trong ngày nầy).

Ngày thứ tư, Đức Chúa Trời phán: “Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời để phân ra ngày và đêm”. Vậy Đức Chúa Trời dựng nên hai vì sáng, vì lớn cai trị ban ngày và vì nhỏ cai trị ban đêm. Ngài cũng dựng nên rất nhiều ngôi sao. Các em có biết hai vì sáng đó là gì không? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, đó là mặt trời và mặt trăng. (Cho các em viết vào ô số bốn, sự sáng tạo của Đức Chúa Trời vào ngày thứ tư).

Ngày thứ năm, Đức Chúa Trời phán: “Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và phải có các loài chim bay trên các khoảng không trên trời”. Đức Chúa Trời dựng nên các loài động vật sống trong nước và các loài chim bay trên trời. (Cho các em nói ra những loài động vật dưới biển và các loài chim mà các em biết; giáo viên viết tất cả vào ô số năm).

Ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời phán: “Đất phải sinh các vật sống tùy theo loại”. Đức Chúa Trời dựng nên các loài thú, súc vật và côn trùng. Trong ngày thứ sáu cũng có một loài được dựng nên rất quan trọng, nhưng ở bài sau các em sẽ được học.

Các em có thích những gì Đức Chúa Trời dựng nên không? (Cho các em trả lời). Đức Chúa Trời cũng rất thích những gì Ngài đã sáng tạo, Ngài thấy mọi thứ đều tốt lành.

Đức Chúa Trời dựng nên cả thế giới nầy vừa xinh đẹp vừa kỳ diệu. Vậy ai có thể sánh với Ngài? (Cho các em trả lời). Đức Chúa Trời cho chúng ta vui hưởng tất cả những gì Ngài đã dựng nên, vì thế chúng ta phải luôn cảm tạ Ngài. Em có cảm tạ Đức Chúa Trời không?

     3. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên bài 1, vẽ những vật Đức Chúa Trời đã tạo nên. Rồi cho các em nêu lên những vật mà các em đã vẽ trong tập của mình, giáo viên liệt kê lên bảng, hỏi các em vật nào được nhiều người yêu thích nhất. (Có thể cho các em viết lên giấy hoặc giơ tay). Hướng dẫn các em viết lời cảm tạ và ca ngợi Chúa, sau đó cho các em lần lượt đọc lớn, rồi giáo viên cầu nguyện kết thúc.