Chúa nhật 25.02.2024
- Đề tài: TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐƯỢC PHƯỚC.
- Kinh Thánh: Thi Thiên 32.
- Câu gốc: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình!” (Thi Thiên 32:1).
- Đố Kinh Thánh: Nê-hê-mi 1-4.
- Thể loại: Kịch 5’.
* CHỈ DẪN: Kịch.
- Mời vài người trong ban chấp sự của Hội Thánh nhóm chung với ban Thanh niên và làm giám khảo.
- Cách thực hiện chương trình.
* Cách 1: Từ nhiều tuần trước, mỗi nhóm của ban Thanh niên họp lại để soạn và tập một vở kịch ngắn với đề tài về “Trở thành người được phước”. Tùy theo số nhóm mà định thời gian của vở kịch, nhưng không được quá 5 phút.
* Cách 2: Trước giờ nhóm, ban hướng dẫn chia ban Thanh niên ra làm 3 nhóm và cho ngồi riêng ra từng nhóm. Đến tiết mục kịch 5 phút, ban hướng dẫn giao cho mỗi nhóm một câu chuyện ngắn với đề tài trên. Trong 20 phút, các nhóm phải biến câu chuyện thành vở kịch, phân vai và tập kịch.
– Các nhóm lần lượt diễn kịch.
– Cách chấm điểm.
+ Thời gian: Đúng giờ (5’) 10 điểm. Mỗi phút dư bị trừ một điểm.
+ Tinh thần: Tất cả nhóm viên đều tham gia vào vở kịch: 10 điểm. Thiếu một người trừ 1 điểm.
+ Diễn xuất: 10 điểm.
+ Nội dung: 10 điểm (nếu là vở kịch tự chọn).
– Phát thưởng.
* NHỮNG CÂU CHUYỆN THAM KHẢO.
TÔI MUỐN CÓ MỘT ĐẠO NHƯ VẬY.
Có một người lính bị thương lúc giao tranh. Một vị tuyên úy bò đến tiếp cứu và sau đó ông ngồi bên giường người bị thương để chăm sóc cho anh. Trong cơn nắng nóng, ông nhường cho người này bình nước. Đêm đến, khi sương lạnh rơi xuống, ông đắp áo khoác cho người bị thương, thấy chưa đủ ấm, ông phủ thêm những áo còn lại của mình trên người ấy.
Cuối cùng người bị thương ngước mắt nhìn ông nói:
– “Ông là Cơ đốc nhân phải không?”
– “Phải! Người bạn trả lời”.
Người bị thương nói:
– “Như vậy, nếu Cơ đốc giáo có thể khiến một người giúp đỡ người khác như những điều ông đã làm cho tôi, thì hãy nói cho tôi về đạo ấy. Tôi muốn có một đạo như vậy”.
TƯỚNG CƯỚP TRỞ THÀNH GIÁM MỤC.
Clément ở Alexandrie kể lại câu chuyện về sứ đồ Giăng như sau: Một hôm, Giăng đi thăm một Hội Thánh kia, có một thanh niên đẹp trai đi đến. Giăng chỉ người trai trẻ và nói cùng vị giám mục nhà thờ: “Tôi ký thác thanh niên này cho ông và Hội Thánh Chúa Cứu Thế Giê-xu làm nhân chứng cho sự ký thác này”. Vị giám mục chấp nhận lời gởi gắm và hứa là sẽ cố gắng làm cho trọn.
Vị giám mục này đem chàng thanh niên về nhà chăm sóc, dạy dỗ và cuối cùng làm phép báp-tem cho anh ta. Nhưng vị giám mục đã để cho chàng thanh niên tự do quá sớm, anh ta đi theo đám thanh niên hư hoại và trở thành tên trộm cướp. Chàng thanh niên này quen lối sống xấu xa, anh ta lập một băng cướp và trở thành tên đầu đảng “khát máu, độc ác và bạo động” nhất.
Một ngày kia, khi Giăng trở lại thăm Hội Thánh mà ông đã gặp chàng thanh niên, ông nói với vị giám mục:
– “Bây giờ giám mục hãy trả lời điều mà tôi và Chúa Cứu Thế đã gởi cho giám mục với sự chứng kiến của Hội Thánh do ông quản nhiệm”.
Vị giám mục tỏ vẻ ngạc nhiên tưởng là Giăng nói về số tiền nào đó mà ông đã để lại. Nhưng Giăng nói:
– “Tôi muốn nói về anh chàng thanh niên và linh hồn anh ta. Tôi muốn giám mục trả lại cho tôi”.
Vị giám mục tỏ vẻ buồn rầu và trả lời:
– “Chàng thanh niên đó đã chết rồi”.
Giăng hỏi tiếp:
– “Anh ta chết bằng cách nào?”
Vị giám mục trả lời:
– “Anh ta chết đối với Chúa”.
Và vị giám mục tiếp tục cho biết thế nào chàng thanh niên sa ngã và trở nên đầu băng cướp. Giăng xé áo mình và bảo người ta tìm cho ông một người hướng dẫn và một con ngựa để ông đi tìm chàng thanh niên. Khi ông vừa đến ổ cướp, bọn cướp bắt ông. Ông không trốn mà còn nói:
– “Vì lý do đặc biệt nên ta đến đây. Hãy cho ta gặp tên đầu đảng của các anh!”
Dù chàng thanh niên võ trang đầy đủ, nhưng khi thấy Giăng, anh ta quá hổ thẹn và chạy trốn mất. Mặc dù tuổi già nhưng Giăng chạy đuổi theo, vừa chạy vừa kêu la:
– “Sao con chạy trốn khỏi ta, người cha của con, một lão già nghèo thiếu, không vũ khí? Hãy thương ta và đừng sợ. Con vẫn còn hy vọng. Ta sẽ thay thế con mà trả lời cho Chúa Cứu Thế, và nếu cần ta sẽ chịu án tử hình thế cho con, như Chúa đã chết cho chúng ta. Ta sẽ dùng đời sống để trả giá cho con. Hãy đứng lại và tin đi. Chính Chúa Cứu Thế đã sai ta đến đây với con”.
Nghe lời Giăng nói, chàng trai trẻ liền vứt bỏ vũ khí, quỳ xuống run rẩy, nước mắt chảy tuôn tràn. Với lòng thống hối, anh ta ăn năn, và Giăng xác nhận là ông đã tìm được sự tha thứ từ Chúa cho anh. Ông cầu nguyện với chàng trai trẻ này và đem anh ta về nhà thờ. Ông luôn luôn chăm sóc người thanh niên này và cuối cùng chàng trở thành một giám mục của Hội Thánh.
ĐƯỢC CHÚA CỨU SỐNG NHỜ MỘT BÀI THÁNH CA.
Ngày xưa, khi cuộc cách mạng Mỹ còn đang tiếp diễn, trải qua mấy đêm liên tiếp, cứ người lính nào đứng gác tại địa điểm kia đều bị bắn chết cả. Sau khi có năm, sáu người chết như vậy, thì đến phiên một người tín đồ gác đêm tại đó. Vừa gác, anh ta vừa nghĩ: “Ta cứ hát ca ngợi Chúa, chắc Ngài sẽ bảo vệ ta bình yên”. Anh khởi sự hát Thánh ca số 252:
“Giê-xu Đấng hằng yêu thương tôi, tôi mong đến nghiêng trên ngực Ngài. Lúc sóng bủa ầm bên chân tôi, trong khi bão tố đang vang dội. Xin che tôi, xin giấu kín luôn, cho qua cơn mưa ác gió ôn…”.
Khi anh hát tới câu: “Chỗ hiểm yếu dầu tôi nan kham, xin thương lấy cánh phủ che dùm”, thì anh cảm thấy lòng mình bình an vô cùng.
Nhiều năm sau, khi người lính đã lớn tuổi, đứng hát một mình ở một nhà thờ nọ, thì có một người đến hỏi ông rằng:
– “Có phải năm ấy, đêm ấy ông đã được giao canh gác tại một địa điểm ở chiến trường mà trước đó đã có nhiều người chết và ông đã hát bài Thánh ca này không?”
Ông trả lời: – “Phải, chính tôi!”
Người ấy nói: – “Mấy người canh trước ông tôi đã bắn chết cả. Khi ông khởi sự hát, tôi giơ súng lên nhắm ông mà bắn, nhưng khi tôi nghe ông hát: “Chỗ hiểm yếu dầu tôi nan kham, xin thương lấy cánh phủ che dùm” thì tôi chẳng có thể làm hại ông được nữa. Thế là tôi buông súng xuống. Từ đó tôi đã tiếp nhận Chúa và nhờ vậy hôm nay tôi gặp được ông và biết thật Chúa Cứu Thế là Đấng yêu thương chúng ta”.
Hai người ôm nhau khóc nức nở vì vui mừng trong ơn chăn dắt yêu thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
THUYẾT PHỤC CHỒNG BẰNG NẾP SỐNG.
Trong gia đình kia, người vợ rất đảm đang, tháo vát, vất vả buôn bán, còn ông ở nhà chăn nuôi súc vật và chăm sóc con cái. Nếu có sự xung đột về ý kiến, người ta thường nghe bà lớn tiếng hơn ông.
Ngày nọ, bà được ban chứng đạo hướng dẫn đến nhà thờ tin Chúa. Về nhà bà thuật lại cho ông nghe, ông liền nổi giận quát tháo và đánh bà. Bà im lặng vào phòng cầu nguyện. Từ đó mỗi lần ra chợ mua bán trở về, ông không để phần ăn cho bà, bà phải tự lo lấy. Chúa nhật bà đi nhà thờ về, ông dọn bữa ăn, song trên mỗi chén cơm, ông cắm một cây nhang. Khi mọi người ăn xong, bà dọn mâm khác để ăn. Sau ba tháng, ông suy đi nghĩ lại và cảm thấy thương bà. Ông đi nhà thờ với bà và tin Chúa, các con trong nhà cũng vậy.