BÀI HỌC KINH THÁNH DÀNH CHO GIÁO VIÊN Lớp THIẾU NHI (9-12 TUỔI) – QUÝ 3/2024
in NHI ĐỒNG on 28 Tháng Năm, 2024
BÀI 5. NHỊN NHỤC
I. KINH THÁNH: Ga-la-ti 5:23, (tham khảo Ê-phê-sô 4:2; Cô-lô-se 3:12-13; 1Phi-e-rơ 2:23).
II. CÂU GỐC: Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.” (Cô-lô-se 3:13a).
III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em
– Biết: Nhịn nhục là phản ứng tin kính của một người yêu mến Chúa khi gặp sự đối xử không tốt của người khác.
– Cảm nhận: Một đời sống có tình yêu thương thì mới có thể nhịn nhục được.
– Hành động: Nhịn nhục mọi người.
IV. GIÁO VIÊN SUY GẪM.
“Nhịn nhục” là bản tánh của Đức Chúa Trời và cũng là một trong những đặc tính của trái Thánh Linh, là đức tính tốt đẹp mà mỗi Cơ đốc nhân nên có. Vì sao Cơ đốc nhân phải nhịn nhục với mọi người? Vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta, hay nói cách khác là Chúa đã nhịn nhục chúng ta, thì chúng ta cũng phải nhịn nhục người khác (Cô-lô-se 3:12-13).
“Lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục” là những đức tính tốt đẹp, liên quan đến cách sống của Cơ đốc nhân đối với mọi người xung quanh. Thương xót là tâm hồn luôn thấu cảm trước hoàn cảnh của người khác, sẵn lòng giúp đỡ người gặp khó khăn. Nhân từ là tấm lòng thật sự mong muốn người khác gặp may mắn, sống vui vẻ hạnh phúc. Khiêm nhường là cách nhìn đối với bản thân, không xem mình hơn người khác, không khoe khoang những gì mình có, mình đạt được. Khiêm nhu là biết nghĩ đến tâm tư tình cảm của người khác, biết lắng nghe, biết uyển chuyển giải quyết vấn đề, chứ không khư khư ôm giữ quan điểm hoặc ý kiến của mình. Nhịn nhục là không giận dữ, không trả thù, sẵn lòng chịu đựng người khác.
Có học giả cho rằng từ nhịn nhục trong Kinh Thánh Tân ước có nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó mô tả một phản ứng kỉnh kiền. Ở một vài đoạn Kinh Thánh, từ nhịn nhục chỉ về sự chờ đợi lâu dài, như người nông dân chờ đợi thu hoạch vậy. Ví dụ: Khi chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời, không phải lúc nào Đức Chúa Trời cũng nhậm lời cầu nguyện của chúng ta ngay. Đôi lúc chúng ta phải chờ đợi. Đó là sự nhịn nhục.
Chúng ta có thể tập luyện sự nhịn nhục như thế nào? Bài học nầy sẽ giúp đỡ các em thiếu nhi hiểu rõ 2 điểm sau:
- Chịu đựng sai lầm hoặc khuyết điểm của người khác.
Sự kiêu ngạo hay tính ích kỷ không muốn chịu đựng người khác, nhưng tình yêu thương thì “dung chịu nhau” (Ê-phê-sô 4:2).
- Chịu đựng sự đối xử tệ hại của người khác.
Khi gặp sự đối xử tệ hại của người khác, chúng ta thường có phản ứng tức giận. “Khi bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại; lúc chịu đau khổ, Ngài không hề hăm dọa, nhưng phó thác chính mình cho Đấng phán xét công minh.” (1Phi-e-rơ 2:23). Để bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp nầy, tốt nhất là chúng ta luôn nghĩ đến sự nhẫn nại và khoan dung của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Trong Ma-thi-ơ 18:21-35 Chúa Jêsus kể: “Có một người đầy tớ mắc nợ chủ 10 ngàn nén bạc, không có khả năng chi trả. Chủ xét thấy hoàn cảnh đáng thương nên đã quyết định xoá nợ cho anh ta. Trên đường trở về nhà, anh ta gặp một người bạn mắc nợ mình chỉ có 100 đơ-ni-ê (trị giá một ngày công), thì nắm cổ đòi nợ, dọa tống giam vào tù, dù người bạn đã van xin. Người chủ nghe được hành động gian ác của anh ta, nên thu hồi ân điển đã ban”.
Đức Chúa Trời chính là người chủ, chúng ta là người đầy tớ được hưởng ân điển. Đức Chúa Trời muốn chúng ta đối xử yêu thương, nhân từ, nhịn nhục như cách chúng ta đã nhận được từ Ngài.
V. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.
A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.
- Chuẩn bị: Vài tờ tạp chí cũ, kéo, hồ, Kinh Thánh.
2. Thực hiện: Chia các em làm hai nhóm để thi đua, và phát cho mỗi nhóm vài tờ tạp chí, kéo. Cho các em thực hiện bài tập phần 1 (chỉ làm phần điền từ). Sau khi đọc Kinh Thánh trong 1 phút (khi thực hiện thì không xem Kinh Thánh), các em sẽ cắt từ trong báo ra những chữ cần thiết để dán vào chỗ trống sao cho thích hợp. Nhóm nào thực hiện trước và chính xác thì nhóm đó thắng.
B. BÀI HỌC KINH THÁNH.
- Vào đề.
Các em thân mến! Kinh Thánh dạy chúng ta cần phải có những phẩm chất tốt. Các em mở Cô-lô-se 3:12-13 và tìm xem Kinh Thánh dạy chúng ta phải có những phẩm chất gì? (Thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục).
Lòng thương xót là tấm lòng dễ dàng thông cảm với người khác, nhạy cảm trước những người nghèo khổ đáng thương. Lòng thương xót khiến người đó sẵn sàng từ bỏ quyền lợi của mình để giúp đỡ người gặp khó khăn.
Lòng nhân từ là tấm lòng thật sự mong muốn người khác gặp may mắn, sống vui vẻ hạnh phúc.
Lòng khiêm nhường là không xem mình hơn người khác, không khoe khoang những gì mình có, mình đạt được.
Lòng khiêm nhu là biết nghĩ đến tâm tư tình cảm của người khác, biết lắng nghe người khác nói, biết sửa đổi chứ không khư khư ôm giữ ý kiến của mình.
Lòng nhịn nhục là không giận dữ, không trả thù trước những điều khó chịu mà người khác gây ra, sẵn lòng chịu đựng người khác.
Các em biết không, 5 tấm lòng nầy nằm trong những “hương vị” của trái Thánh Linh. Bài học hôm nay chúng ta sẽ nói đến 1 trong những hương vị nầy. Đó là sự nhịn nhục.
- Bài học.
(Giáo viên cắt hai trái tim lớn bằng giấy bìa cứng đục lỗ và treo trên bảng. Ghi vào trái tim thứ nhất: “Khuyết điểm của người khác”. Trái tim thứ hai: “Đối xử không tốt của người khác”. Cắt hai tờ giấy khác ghi: “Lòng yêu thương khoan dung”, “Suy nghĩ đến sự tha thứ của Chúa”. Dán băng keo hai mặt vào mặt sau của hai tờ giấy nầy. Chú ý: Viết chữ lớn và đậm để các em ở dưới có thể nhìn thấy).
Các em có thể nhắc lại xem, thế nào là nhịn nhục? (Cho các em trả lời).
Chúng ta rất khó nhịn nhục, nhưng nhờ Chúa, chúng ta vẫn có thể làm được. Chúng ta cùng nhau phân tích hai điều sau, xem làm thế nào để có thể có đức tính tốt đẹp nầy nhé!
a. Thứ nhất: Chịu đựng khuyết điểm hoặc sai lầm của người khác. (Giáo viên đụng mạnh vào trái tim có ghi chữ “Khuyết điểm của người khác”để nó đung đưa).
Sai lầm của người khác khiến chúng ta bị ảnh hưởng, và khuyết điểm của người khác khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. (Cho các em nêu ra một vài ví dụ mà các em thường gặp trong gia đình, trong lớp học. Ví dụ: Một bạn trong lớp luôn đi học trễ, bạn thân của em rất hay quên, em gái em không lễ phép, anh trai em không gọn gàng sạch sẽ…). Đối diện với những người nầy, Kinh Thánh dạy các em phải dùng tình yêu thương để “dung chịu nhau”. (Dán miếng giấy có ghi chữ “Lòng yêu thương khoan dung” chồng lên chữ “Khuyết điểm của người khác” trong hình trái tim).
b. Thứ hai: Chịu đựng sự đối xử không tốt của người khác.
(Giáo viên đụng mạnh vào trái tim có ghi chữ “Đối xử không tốt của người khác” để nó đung đưa).
Các em đã từng bị ai đối xử không tốt chưa? (Khuyến khích các em nói ra. Ví dụ: Chế giễu, khinh thường, chỉ trích, đổ lỗi cho em, không công bằng, cô lập em, la mắng em…). Khi bị đối xử như vậy, các em thường phản ứng như thế nào? (Cho các em trả lời) Thường thì chúng ta nổi giận, chống lại, bênh vực mình…Đối diện với những người nầy, các em phải nghĩ đến tình yêu thương, sự khoan dung, tha thứ của Đức Chúa Trời đối với các em. (Dán miếng giấy có ghi chữ “Suy nghĩ đến sự tha thứ của Chúa” chồng lên chữ “Đối xử không tốt của người khác” trong hình trái tim).
Hãy suy nghĩ lại xem, các em đã đối xử tệ với Chúa bao nhiêu lần? Không thể đếm hết được, nhưng Chúa luôn luôn tha thứ và kiên nhẫn chịu đựng các em. Khi Chúa Jêsus còn ở thế gian, Ngài từng bị dân chúng ném đá, vu khống, đuổi ra khỏi làng của họ…nhưng Chúa Jêsus không hề tức giận, không trả thù, cũng không bênh vực mình. Ngài khoan dung và tha thứ cho những người đã đối xử không tốt với Ngài. Chúa Jêsus muốn các em học tập Ngài, tha thứ cho những người đã đối xử không tốt với các em.
Các em thân mến! Nếu các em làm được những điều trên, thì đời sống của các em đã kết trái Thánh Linh. Nên nhớ, các em không thể tự mình làm được điều đó, cần phải nhờ cậy Đức Thánh Linh, chịu sự dạy dỗ của Ngài, và rèn tập mỗi ngày.
- Ứng dụng.a
a. Đức Chúa Trời luôn khoan dung, nhịn nhục em.
Hướng dẫn các em làm bài tập phần 3. Bài tập nầy cốt để các em có thời gian suy nghĩ một cách thấu đáo và cụ thể về sự nhịn nhục của Chúa đối với các em. Mục đích là để các em có cơ sở để nhịn nhục người khác. Trước hết, giáo viên hướng dẫn các em thảo luận: Trong đời sống hàng ngày, hành vi, ý tưởng nào không đẹp lòng Đức Chúa Trời? Từ đó suy ra đã không biết bao nhiêu lần các em phạm tội với Chúa. Sau đó, mới cho các em tính“ Con số của em”.
b. Chúa đã tha thứ cho các em, thì các em phải tha thứ cho người khác.
Giáo viên cho các em diễn ngắn câu chuyện trong Ma-thi-ơ 18:21-35. Sau đó, cho các em tìm xem người chủ trong câu chuyện chỉ về ai? Người đầy tớ được thương xót chỉ về ai? Người mắc nợ 100 đơ-ni-ê chỉ về ai? Sau đó kết luận: Chúa đã xoá cho các em một món nợ “tội lỗi” khổng lồ, thì các em cũng phải xoá những lỗi lầm hoặc khuyết điểm của người khác.
c. Cho các em đọc câu gốc và cầu nguyện.