Chuyên mục: NHI ĐỒNG

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT (HV)

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 15 Tháng Sáu, 2017

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT

 

I. KINH THÁNH: Mác 2:1-12.

II. CÂU GỐC: “Chớ lìa bạn mình, hay là bạn của cha mình” (Châm ngôn 27:10).

III. BÀI TẬP.

A. KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI BẠI.

Em hãy đánh số trong vòng tròn theo thứ tự của nội dung câu chuyện. Sau đó cho biết làm thế nào người bại biết bạn bè thương yêu ông ta?

B. THƯƠNG YÊU BẠN BÈ.

Em có thương yêu bạn bè của mình không? Em hãy xem tấm bảng dưới đây, nếu em bằng lòng thì đánh dấu v phía trước mỗi câu, nếu em thường làm thì đánh dấu v vào trong.

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT (GV)

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 15 Tháng Sáu, 2017

BÀI 9. BỐN NGƯỜI BẠN TỐT 

 

I. KINH THÁNH: Mác 2:1-12.

II. CÂU GỐC: “Chớ lìa bạn mình, hay là bạn hữu của cha mình” (Châm Ngôn 27:10).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Bốn người bạn của người bại hết lòng tìm phương cách để giúp người bại được chữa lành.

– Cảm nhận: Lòng yêu thương của bốn người bạn được thể hiện bằng hành động cụ thể.

– Hành động: Sẵn lòng giúp đỡ bạn bè bằng những việc làm yêu thương.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Đồng tâm hợp lực.

Cho bốn em đặt một cái bong bóng trên một cái khăn lông khiêng đến một địa điểm chỉ định, bong bóng không được rớt xuống đất, nếu bị rớt phải quay trở lại điểm xuất phát. Các em chỉ được dùng một tay để cầm một góc của khăn lông, không được dùng tay đặt vào bong bóng. Có thể chia các em thành nhiều tổ, tính thời gian vận chuyển, tổ nào nhanh nhất là thắng. Giáo viên phải quan sát thái độ hợp tác của các em. Sau đó cho các em chia sẻ cảm nhận khi vận chuyển.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn trang tài liệu 11 và 12, rồi tô màu cho đẹp).

    1. Vào đề.

Sau giờ tan học, Khoa bị tai nạn giao thông bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện. Nghe tin đó, Minh rất buồn và hết lòng cầu nguyện cho bạn mình. Minh xin các bạn trong lớp Trường Chúa Nhật và các ông bà, anh chị trong Hội Thánh cầu thay cho người bạn bị thương. Chúa đã nghe và nhậm lời cầu nguyện của họ. Vài ngày sau, Khoa tỉnh lại, mọi người vẫn không ngừng cầu nguyện cho bạn ấy. Cuối cùng Khoa hoàn toàn khỏe mạnh.

Qua sự việc nầy, chúng ta có thể thấy được sự thương yêu quan tâm của bạn bè với nhau thật là quan trọng. Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay cũng kể lại một sự việc tương tự như vậy.

    2. Bài học.

Có một người mắc bệnh bại, lâu nay chỉ nằm một chỗ. Bốn người bạn của ông ấy nghe nói Chúa Giê-xu là Đấng quyền năng, làm rất nhiều việc kỳ diệu, hiện đang giảng dạy tại một ngôi nhà trong thành phố họ đang sống. Muốn bạn mình được chữa lành nên bốn người bạn hợp sức lại, khiêng người bại đến gặp Chúa Giê-xu, họ tin rằng Chúa Giê-xu sẽ chữa lành cho người bạn của họ. Các em thử nghĩ xem họ có gặp Chúa Giê-xu không?

Khi đến gần căn nhà đó, họ thấy cả một đám đông đang chen chúc bên ngoài, cửa ra vào cũng bít kín những người là người. Họ không thể nào vào bên trong được. Chẳng lẽ người bại mất đi cơ hội được chữa lành sao? Nếu các em là bạn của người bại, các em sẽ làm thế nào?

Người bại hy vọng được chữa lành, giờ thì thất vọng hoàn toàn, nhưng ông vẫn không oán trách. Bỗng bốn người bạn nghĩ ra một cách. Họ khiêng người người bại lên cầu thang bên cạnh nhà, rồi lên mái nhà. Họ định làm gì vậy? (Cho các em trả lời).

Họ nhanh chóng giở mái nhà, dùng dây dòng người bại xuống ngay trước mặt Chúa Giê-xu. Bốn người bạn nầy quyết tâm giúp bạn mình phải không các em? Họ có nghĩ đến hậu quả không? Giở mái nhà của người ta mà không sợ bị mắng sao? Lại còn phải bồi thường nữa. Các em nghĩ xem, tấm lòng yêu thương của bốn người bạn có đem lại phước hạnh cho người bại không? (Cho các em trả lời).

Kinh Thánh cho biết, Chúa Giê-xu thấy đức tin của người bại và bốn người bạn của ông, nên phán với người bại rằng: “Tội lỗi con đã được tha”. Nếu các em là bốn người bạn của người bại, nghe Chúa Giê-xu nói như vậy em có suy nghĩ rằng: Tại sao Chúa Giê-xu không chữa lành bệnh cho người bại mà lại nói như thế? (Cho các em trả lời). Xin đừng nôn nóng, những người có mặt lúc đó cũng cảm thấy Chúa Giê-xu nói như vậy là vô lý, vì ngoài Đức Chúa Trời không ai có quyền tha tội. Nhưng họ đã sai lầm, Chúa Giê-xu có quyền tha tội, vì Ngài là Con Đức Chúa Trời. Sở dĩ Chúa Giê-xu nói như vậy, vì có thể bệnh của người bại do tội lỗi đem đến. Tiếp đến, Chúa Giê-xu lại nói với người bại: “Con đứng dậy, vác giường đi về nhà”. Lập  tức người bại được chữa lành hoàn toàn. Ông ấy đứng dậy và còn có thể vác giường đi về nhà!

Các em ơi, lòng yêu thương và đức tin của bốn người bạn giúp cho người bại được Chúa Giê-xu chữa lành. Các em có thương yêu bạn bè của mình không? Các em đối xử với bạn bè như thế nào? (Cho các em trả lời). Chúng ta hãy học tập yêu thương bạn bè và phải bày tỏ bằng những việc làm cụ thể trong đời sống hằng ngày các em nhé.

    3. Ứng dụng.

Cho các em mở sách học viên bài số 9, làm bài tập “Kinh nghiệm của người bại”, rồi thảo luận: Làm sao người bại biết bốn người bạn thương yêu mình? Nếu em là bạn của người bại, em sẽ đối đãi với người đó như thế nào? Sau đó hướng dẫn các em chia sẻ: Em muốn bạn bè bày tỏ sự yêu thương em như thế nào? Em từng kinh nghiệm sự việc gì khiến em biết bạn bè thương yêu em.

Sau khi làm bài tập xong, giáo viên hướng dẫn các em cầu nguyện, xin Chúa giúp các em có lòng yêu thương bạn bè, cho các em kinh nghiệm nhiều hơn về niềm vui khi thương yêu bạn bè và được bạn bè yêu thương.

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 14 Tháng Sáu, 2017

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 2Các vua 18:1-12.

II. CÂU GỐC: “Các ngươi phải theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, kính sợ Ngài, gìn giữ các Điều Răn Ngài, vâng theo tiếng phán Ngài, phục sự Ngài và tríu mến Ngài” (Phục truyền 13:4).

III. BÀI TẬP.

A. HAI VỊ VUA.

Hai người dưới đây là vua của nước nào?

Ê-XÊ-CHIA      Vua ………………………………

Ô-SÊ            Vua ………………………………

B. VÂNG THEO VÀ KHÔNG VÂNG THEO.

Hãy chọn những hình vẽ phía dưới, hình nào nói về Ê-xê-chia và nước Giu-đa, ghi chữ Giu-đa vào hình vẽ. Hình nào nói về Ô-sê và nước Y-sơ-ra-ên ghi chữ Y-sơ-ra-ên vào hình vẽ. Cho biết cảnh ngộ của hai nước có gì khác biệt? (Chia sẻ).

 

Phá hủy hình tượng.            Làm sạch Đền Thờ.

Đánh bại người Phi-li-tin.        Thờ lạy hình tượng.

Bị kẻ địch vây hãm thủ đô.    Dân chúng bị kẻ thù bắt đi đày.

C. SỬA LỖI.

Em suy nghĩ xem trong cuộc sống hằng ngày có những hành động nào không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Giờ đây hãy quyết tâm sửa lỗi.

Đức Chúa Trời không đẹp lòng…………………………………………….

Em quyết tâm phải……………………………………………………………..

………………………………………………………………………………………….

Đức Chúa Trời không đẹp lòng…………………………………………….

Em quyết tâm phải……………………………………………………………..

 

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 14 Tháng Sáu, 2017

BÀI 8. Ê-XÊ-CHIA TRUNG TÍN NHỜ CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 2Các Vua 18:1-12 (Tham khảo 2Các Vua 17:1-18).

II. CÂU GỐC: “Các ngươi phải theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, kính sợ Ngài, gìn giữ các điều răn Ngài, vâng theo tiếng phán Ngài, phục sự Ngài và tríu mến Ngài” (Phục Truyền 13:4).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ê-xê-chia vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, trung tín nhờ cậy Ngài nên Đức Chúa Trời ở cùng và giúp đỡ người.

– Cảm nhận: Chúa luôn ở cùng người trung tín vâng lời Ngài.

– Hành động: Em quyết tâm trung tín vâng giữ điều răn của Chúa, sống đẹp lòng Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Trò Chơi Trả Câu Gốc.

  1. Dựa vào sĩ số của các em để chuẩn bị một số mảnh giấy nhỏ tương ứng. Trên mỗi mảnh giấy viết một con số (từ số 1 đến số 6).
  2. Chia câu gốc làm 6 đoạn, viết câu gốc và số của mỗi đoạn lên bảng. Giáo viên đọc và giải thích đơn giản nội dung của câu gốc, rồi cùng với các em đọc hai lần. Sau đó cho các em rút thăm những mảnh giấy có ghi số, rút được số nào thì sẽ đọc phần nội dung câu gốc của số đó. Em nào đọc chưa thuộc phải chịu phạt bằng cách mở Kinh Thánh đọc lại câu gốc một hoặc hai lần (có thể mời tất cả các em cùng đọc chung với nhau). Nói với các em: Mục đích của trò chơi nầy là giúp các em chú ý nghe và làm theo lời dặn, cũng như chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa và làm theo.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn hình vẽ trang tài liệu 9 và 10, rồi tô màu cho đẹp.)

    1. Vào đề.

Các em còn nhớ vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên là ai không? (Cho các em trả lời). Vì Sau-lơ không làm theo Lời Chúa nên Ngài truất ngôi vua của ông và chọn Đa-vít làm vua. Sau Đa-vít là Sa-lô-môn, con trai của ông. Khi mới lên ngôi Sa-lô-môn cũng vâng theo Lời Chúa như Đa-vít, nhưng sau đó ông thờ lạy hình tượng. Vì vậy, Đức Chúa Trời khiến nước Y-sơ-ra-ên bị phân rẽ, chia ra làm hai. Phía Nam Y-sơ-ra-ên là nước Giu-đa, phía Bắc vẫn gọi là Y-sơ-ra-ên. Hai nước nầy luôn bị kẻ thù tấn công.

Đa số vua và dân sự của cả hai nước đều không vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Nhưng đến khi Ê-xê-chia lên làm vua nước Giu-đa, tình trạng của đất nước nầy được thay đổi. Các em cùng theo dõi bài học để biết rõ hơn nhé.

    2. Bài học.

Ê-xê-chia là vị vua tốt nhất trong các vua của Giu-đa. Kinh Thánh chép: “Ê-xê-chia làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời”. Theo các em thế nào là “làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời?” (Cho các em trả lời, phải khích lệ và khen thưởng những em có đáp án đúng với nguyên tắc Kinh Thánh). Ê-xê-chia yêu mến và vâng phục Đức Chúa Trời, ông dạy cho dân sự tuân giữ điều răn của Chúa.

Trước hết, Ê-xê-chia phá hủy tất cả các hình tượng (cho các em xem hình), bao gồm những hình tượng bằng đá, bằng gỗ, và cả con rắn đồng mà Môi-se đã làm, bởi vì dân sự xông hương, thờ lạy nó. Ê-xê-chia không thờ lạy thần tượng, cũng không để dân sự thờ lạy thần tượng, nhưng quyết tâm đi theo Đức Chúa Trời.

Ê-xê-chia cũng phế bỏ những nơi cao, tức là những nơi mà người ta tạo dựng để thờ phượng thần tượng. Rồi Ê-xê-chia sửa sang và làm sạch Đền Thờ, khôi phục lại sự thờ phượng trong Đền Thờ. Ông hướng dẫn dân sự quay về với Đức Chúa Trời, chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Ê-xê-chia đã có những hành động tích cực trong việc vâng giữ Điều Răn của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết, Ê-xê-chia nhờ cậy Chúa trong mọi cảnh ngộ, và luôn làm đẹp lòng Ngài. Vì vậy, Đức Chúa Trời ở cùng Ê-xê-chia, giúp ông chiến thắng quân A-si-ri.

Nhưng tình trạng của vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc vẫn không thay đổi. Ô-sê làm vua Y-sơ-ra-ên. Vua không vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, làm những điều xấu xa, gian ác (cho các em xem hình Ô-sê thờ lạy hình tượng), khiến dân chúng cũng thờ lạy thần tượng. Khi kẻ thù của họ là quân A-si-ri tấn công, họ không đủ sức chống trả. Ô-sê bị vua A-si-ri bắt giam. Sau đó thủ đô Sa-ma-ri cũng bị vây hãm, dân chúng bị bắt đày qua nước A-si-ri.

Các em ơi, các em muốn học theo gương vua Ê-xê-chia hay là vua Ô-sê? (Cho các em trả lời). Chúng ta phải học theo gương Ê-xê-chia, vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, không thờ hình tượng và phải sửa lại những điều sai lầm không đẹp lòng Đức Chúa Trời các em nhé.

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận qua những câu hỏi sau: Ê-xê-chia đã làm gì để được khen ngợi là “làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời?” Ô-sê có làm điều thiện trước  mặt Đức Chúa Trời không? Ông đã làm gì? Sau đó giáo viên thảo luận với các em về thần tượng có thể các em tôn thờ mà không biết. Ví dụ: Ca sĩ, diễn viên điện ảnh, vận động viên, cầu thủ… hoặc tiền bạc hay đồ vật nào đó. Xin Chúa giúp các em biết yêu mến, tôn thờ Chúa, và vâng giữ điều răn của Ngài để được Đức Chúa Trời ở cùng, giúp đỡ, ban phước.

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 13:1-15.

II. CÂU GỐC: “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1Sa-mu-ên 15:22).

III. BÀI TẬP.

Theo nội dung của quả bóng, nối liền quả bóng với bàn tay thích hợp.

Vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên.

Sa-mu-ên không đến theo ngày đã định.

Thay thế thầy tế lễ dâng của lễ.

Tiên tri và thầy tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên.

Đức Chúa Trời sai người dâng hiến thay Sa-mu-ên.

E sợ người Phi-li-tin đến tấn công.

Sợ dân sự tan đi.

Đức Chúa Trời chọn một người khác thay thế Sau-lơ để làm vua Y-sơ-ra-ên.

Không tuân theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời.

Thân phận của Sau-lơ.

Sai lầm của Sau-lơ.

Giải thích của Sau-lơ.

Sự trừng phạt mà Sau-lơ phải gánh chịu.

LÀM ĐẸP LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI.

Em bằng lòng vâng theo Đức Chúa Trời trong những việc nào? Hãy ghi vào những lỗ tai phía dưới.

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 13 Tháng Sáu, 2017

BÀI 7. SAU-LƠ KHÔNG VÂNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 1Sa-mu-ên 13:1-15.

II. CÂU GỐC: “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1Sa-mu-ên 15:22).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Vì Sau-lơ không vâng lời Đức Chúa Trời nên bị phạt phải mất ngôi vua.

– Cảm nhận: Chúa muốn các em luôn vâng lời Ngài trong mọi việc.

– Hành động: Em học tập vâng lời Đức Chúa Trời dù việc lớn hay nhỏ.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Phần tử dấy loạn.

  1. Trước khi chơi trò chơi, chọn một em làm người quản trò, hướng dẫn động tác cho các em khác làm theo, và một em làm “phần tử dấy loạn” để trong lúc chơi, chẳng những em đó không làm theo động tác mà còn phá rối những em đang tham dự trò chơi.
  2. Sau khi các em chơi, giáo viên chú ý lắng nghe các em bày tỏ sự bất mãn đối với “phần tử dấy loạn”, rồi giải thích: “phần tử dấy loạn” là do giáo viên phân công với mục đích để giúp các em hiểu rằng, nếu một người không tuân theo luật chơi thì trò chơi sẽ mất vui. Sau đó đi vào câu chuyện Kinh Thánh của bài học hôm nay.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Ghi vào ba tờ giấy lời giải thích của Sau-lơ: Sa-mu-ên không đến theo ngày đã định, lòng dân sự tan đi, sợ người Phi-li-tin tấn công).

    1. Vào đề.

Khi nãy trong lúc các em chơi trò chơi, có một em không tuân theo luật chơi, phá rối trong lúc chơi khiến các em bực tức phải không? Bất cứ việc gì cũng có luật lệ, và mọi người phải tuân giữ, nếu không sẽ gặp rắc rối. Câu chuyện Kinh Thánh hôm nay sẽ giúp các em hiểu về điều nầy rõ hơn.

    2. Bài học.

Sau bốn mươi năm ở trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên đã đến sống tại xứ Ca-na-an. Có một số dân tộc chung quanh thường tấn công dân Y-sơ-ra-ên, cướp của cải và xâm chiếm đất đai. Vì thế, dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vị vua để chống lại người Phi-li-tin xâm lăng đất nước họ. Lúc ấy Sa-mu-ên là thầy tế lễ và là tiên tri của Đức Chúa Trời. Dân chúng nhờ Sa-mu-ên xin Đức Chúa Trời cho họ có một vị vua. Đức Chúa Trời bảo Sa-mu-ên chọn Sau-lơ làm vua. Đó là vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên.

Sau khi làm vua được hai năm, Sau-lơ chọn ba ngàn binh lính chia làm hai đội. Một ngàn quân dưới quyền của hoàng tử Giô-na-than, tấn công người Phi-li-tin tại Ghi-bê-a, còn hai ngàn quân theo Sau-lơ. Đội quân của Sau-lơ không có hành động nào cả, nhưng Giô-na-than nhanh chóng tấn công vào đồn của người Phi-li-tin. Khi ấy, Sau-lơ mới thổi kèn, nhóm hiệp dân Y-sơ-ra-ên đến Ghinh-ganh để chuẩn bị trợ chiến.

Trước đó, tiên tri Sa-mu-ên hẹn với vua Sau-lơ bảy ngày sau sẽ đến dâng của lễ cho Đức Chúa Trời và xin Ngài giúp họ biết cách chiến đấu với người Phi-li-tin. Trong lúc đó, người Phi-li-tin bị Giô-na-than đánh bại, đang sôi sục căm thù, họ tập trung ba vạn cỗ xe, sáu ngàn lính kỵ và lính bộ thì nhiều như cát trên bờ biển để tấn công quân Y-sơ-ra-ên.

Các em thử nghĩ xem, dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy thế nào khi thấy lực lượng hùng hậu của quân địch? Họ sợ hãi và chạy trốn! Họ ẩn nấp trong hang đá, trong bụi rậm, hầm hố, thậm chí có người chạy rất xa để lánh nạn. Các em suy nghĩ xem, nếu em là vua Sau-lơ, em phải làm thế nào đây? (Cho các em phát biểu).

Thấy quân lính không ngừng bỏ trốn, quân số còn lại ngày càng ít, Sau-lơ rất bối rối. Rồi bảy ngày qua mà Sau-lơ vẫn chưa đến, nên Sau-lơ đã tự ý dâng của lễ, hy vọng Đức Chúa Trời đẹp lòng và giúp đỡ vua. Nhưng Đức Chúa Trời từng dạy bảo, chỉ có thầy tế lễ mới được dâng của lễ. Sau-lơ không phải là thầy tế lễ, ông đã không vâng phục Đức Chúa Trời. Sau-lơ quá nóng vội, không có lòng tin rằng Đức Chúa Trời ở cùng ông. Đức Chúa Trời cho Sau-lơ làm vua để ông hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên chống lại kẻ thù, chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại không giúp đỡ ông sao?

Khi Sau-lơ vừa dâng tế lễ xong thì Sa-mu-ên đến. Nhìn thấy mọi việc, Sa-mu-ên biết rằng Sau-lơ đã không vâng lời Đức Chúa Trời. Sau-lơ nêu ba lý do giải thích cho việc mình làm. Các em có biết lý do của Sau-lơ là gì không? (Giáo viên dán ba tấm giấy có ghi lý do lên bảng và hướng dẫn các em trả lời). Đó là: (1) Sa-mu-ên không đến theo ngày đã định. (2) Lòng dân sự tan đi. (3) Sợ người Phi-li-tin tấn công.

Dù hoàn cảnh có như thế nào, Sau-lơ cũng không được trái lệnh Đức Chúa Trời. Vì thế, Sa-mu-ên đã nghiêm trách Sau-lơ: “Ngươi thật là ngu dại, không vâng lời Đức Chúa Trời”. Và ông tuyên bố, Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt Sau-lơ, ông sẽ không được làm vua Y-sơ-ra-ên.

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận: Tại sao Sau-lơ bị trừng phạt? Em cảm thấy Sau-lơ có đáng chịu phạt không? Vì sao? Em có cho rằng không vâng lời, nhưng dâng lễ vật cho Đức Chúa Trời thì Ngài vẫn đẹp lòng không? Tại sao? Làm thế nào để đẹp lòng Đức Chúa Trời?

Các em ơi! Đức Chúa Trời muốn chúng ta vâng lời Ngài hơn là dâng của lễ cho Ngài. Vì vậy trước khi quyết định hoặc làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ cũng hãy suy nghĩ cẩn thận xem điều đó có đúng theo Lời Chúa dạy không? Chúa có đẹp lòng khi các em làm như vậy không?

Sau đó, cho các em làm bài tập và chia sẻ nội dung đã viết trong bài tập, rồi hướng dẫn các em cầu nguyện.

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA (HV)

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 12 Tháng Sáu, 2017

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA

 

I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 13:17-33; 14:1-38.

II. CÂU GỐC: “…Ta sẽ ban cho người cùng con cháu người xứ mà người đã trải qua, bởi vì người có theo Đức Giê-hô-va cách trung tín trọn vẹn” (Phục Truyền 1:36).

III. BÀI TẬP.

A. TÔ MÀU VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI.

Em hãy tô màu vào đáp án của câu hỏi theo yêu cầu trong ngoặc đơn.

  1. Ca-lép đã nói những lời nào để bày tỏ lòng trung tín đi theo Chúa? (Màu vàng).
  2. Những lời nào biểu hiện mười thám tử và dân Y-sơ-ra-ên không tin Đức Chúa Trời sẽ hướng dẫn họ vào xứ Ca-na-an? (Màu đỏ).
  3. Ca-lép trung tín đi theo Đức Chúa Trời và được Ngài ban cho điều gì? (Màu xanh).
  4. Vì không vâng lời, mười thám tử và dân Y-sơ-ra-ên phải nhận lấy hậu quả gì? (Xanh lá).

Chúng ta hãy tiến vào xứ ấy, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng.

Đừng sợ! Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

Chúng ta không thể đi lên tấn công xứ ấy, bởi vì họ mạnh hơn chúng ta.

Chúng ta hãy lập một quan trưởng và trở về xứ Ai-cập.

Không ai được nhìn thấy đất hứa.

Tại sao Đức Chúa Trời dẫn chúng ta vào xứ nầy đặng chết dưới luỡi gươm của dân đó?

Người và con cháu người sẽ được xứ làm sản nghiệp.

B. CHỌN LỰA CỦA EM.

Nếu em là bạn nhỏ trong hình vẽ, em sẽ làm thế nào? Hãy viết ra suy nghĩ của em?

  1. Linh muốn cầu nguyện, nhưng bạn kế bên bảo Linh đừng cầu nguyện, hãy nhanh chóng lấy thức ăn. Linh lo ngại rằng, nếu bạn ấy cầu nguyện sẽ bị người khác cười và có thể sẽ không lấy được thức ăn mình thích. Nếu em là Linh, em sẽ làm thế nào?
  2. Minh lượm được một số tiền ở trong trường. Bạn bè trông thấy, bảo Minh lấy tiền đó mua kem ăn, nếu không sẽ không chơi với Minh. Nếu em là Minh em sẽ làm thế nào?

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA (GV)

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 12 Tháng Sáu, 2017

BÀI 6. CA-LÉP TRUNG TÍN THEO CHÚA

 

I. KINH THÁNH: Dân Số Ký 13:17-33; 14:1-38.

II. CÂU GỐC: “…Ta sẽ ban cho người cùng con cháu người xứ mà người đã trải qua, bởi vì người có theo Đức Giê-hô-va cách trung tín trọn vẹn” (Phục Truyền 1:36).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Ca-lép trung tín đi theo Đức Chúa Trời, và được Ngài ban thưởng.

– Cảm nhận: Theo Chúa dù có khó khăn gian khổ nhưng vẫn nhận được phước hạnh.

– Hành động: Trung tín đi theo Đức Chúa Trời trong mọi cảnh ngộ.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Lòng tin.

  1. Vật liệu: Một thùng giấy, kẹo.
  2. Thực hiện: Đặt thùng giấy ở độ cao cho các em không thấy rõ bên trong, nhưng có thể đưa tay vào thùng. Giáo viên cho các em biết bên trong thùng có kẹo và mỗi em chỉ được lấy một viên. Khi các em bước ra lấy kẹo, chú ý thái độ của mỗi em, xem có em nào nghi ngờ hoặc nhón chân cố gắng nhìn vào thùng không?

Sau khi các em lấy kẹo, giáo viên đúc kết: Các em không biết trong thùng có kẹo hay không, nhưng khi các em bước ra, đưa tay vào thùng lấy kẹo, cho thấy các em tin vào lời của cô (thầy). Nếu các em không tin, nghi ngờ trong lòng, có lẽ sẽ không bước ra, không đưa tay vào thùng, hoặc đến trước thùng cố gắng nhìn xem bên trong có gì rồi mới đưa tay vào. Qua điều nầy, cô (thầy) có thể biết được các em có lòng tin nơi cô (thầy) hay không.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

    1. Vào đề.

Trong phần sinh hoạt đầu giờ, vì có lòng tin nơi cô (thầy) mà các em được ăn kẹo. Nếu nghi ngờ các em sẽ không dám thò tay vào thùng vì sợ bốc phải một vật gì kinh khiếp như chuột, ếch, nhái, hoặc bị lừa vì trong thùng không có gì cả!

Các em biết không, khi Môi-se hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi xứ Ai-cập để đi đến Ca-na-an là xứ mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ, có rất nhiều việc xảy ra cho thấy đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời. Các em theo dõi câu chuyện nầy để biết họ tin cậy hay nghi ngờ Đức Chúa Trời nhé.

    2. Bài học.

Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên đi đến Ca-đe, là nơi rất gần xứ Ca-na-an, và dựng trại nghỉ tại đó. Họ xin Môi-se trước khi vào Đất Hứa phải đi do thám tình hình của xứ ấy. Như vậy họ nghi ngờ hay tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời? (Cho các em trả lời). Môi-se làm theo ý muốn của dân Y-sơ-ra-ên, chọn mười hai thám tử sai đi vào xứ Ca-na-an.

Sau bốn mươi ngày, mười hai thám tử trở về, đem theo những trái cây ngon ngọt và một chùm nho hai người khiêng mới nổi! Dân Y-sơ-ra-ên vui mừng tụ tập lại, trầm trồ vì trái cây xinh tốt của xứ ấy và nghe mười hai thám tử báo cáo tình hình. Các thám tử nói rằng: “Xứ Ca-na-an thật là đượm sữa và mật, nhưng dân cư tại đó rất mạnh mẽ và cao lớn, thành trì lại kiên cố”. Dân Y-sơ-ra-ên nghe vậy đều sợ hãi. Lúc ấy có một thám tử tên là Ca-lép khích lệ mọi người: “Chúng ta hãy lập tức đi lên chiếm xứ ấy, chúng ta sẽ chiến thắng”. Nhưng các thám tử kia lại nói: “Chúng ta không thể tấn công xứ đó, vì họ mạnh hơn chúng ta”. Lại có thám tử nói: “Những người chúng ta thấy đều cao lớn như người khổng lồ, đối với họ, chúng ta như là con cào cào vậy!” Nghe các thám tử nói như vậy, dân Y-sơ-ra-ên kêu gào, khóc lóc, oán trách Môi-se và Đức Chúa Trời. Họ nói rằng: “Chẳng thà chúng tôi chết trong xứ Ai-cập hoặc chết trong đồng vắng! Vì sao Đức Chúa Trời lại dẫn chúng tôi vào xứ nầy đặng chết dưới lưỡi gươm?” Họ bàn với nhau: “Chúng ta hãy lập lên một quan trưởng và trở về xứ Ai-cập đi!”

Nhưng trong đoàn dân, vẫn có người tin rằng lời hứa của Đức Chúa Trời là chân thật, chắc chắn Ngài sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa. Các em có biết những người đó là ai không? Đó là Ca-lép và một thám tử khác nữa tên là Giô-suê. Họ cố gắng thuyết phục mọi người tin cậy Đức Chúa Trời, nhưng dân Y-sơ-ra-ên lấy đá ném vào hai ông.

Nếu các em ở trong tình huống ấy, em sẽ làm thế nào? Ngay lúc đó, sự vinh quang của Đức Chúa Trời rực sáng. Đức Chúa Trời phán: “Bởi vì dân nầy không tin rằng ta sẽ ban xứ Ca-na-an cho họ, nên ta phải trừng phạt họ. Ta sẽ hủy diệt tất cả dân sự”.

Môi-se khẩn thiết cầu xin Đức Chúa Trời thương xót tha thứ cho họ. Cuối cùng Đức Chúa Trời đổi ý không tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên, nhưng họ phải nhận lấy sự trừng phạt là không được vào Đất Hứa. Họ phải đi lang thang bốn mươi năm trong đồng vắng và chết ở đó, chỉ có con cháu họ mới được vào Đất Hứa mà thôi. Nhưng có hai người ngoại lệ, các em biết đó là ai không? (Cho các em trả lời). Đúng rồi, đó là Ca-lép và Giô-suê. Ca-lép trung tín đi theo Đức Chúa Trời, nên được Đức Chúa Trời khen thưởng, Ngài ban cho Ca-lép vùng đất mà ông đã đi qua để làm sản nghiệp.

Các em ơi, là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta phải có lòng tin nơi Ngài như Ca-lép, dù khi đối diện với sự phản đối của người khác, chúng ta vẫn trung tín đi theo Chúa và vâng lời Ngài.

    3. Ứng dụng.

Cho các em thảo luận bằng cách hỏi những câu hỏi sau: Các thám tử đem về những gì và báo cáo thế nào? Dân Y-sơ-ra-ên có phản ứng gì? Tại sao? Ai khích lệ dân Y-sơ-ra-ên đi vào xứ Ca-na-an? Tại sao Đức Chúa Trời trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên và mười thám tử kia? Đức Chúa Trời khen ai? Vì sao người đó lại được Chúa khen?

Sau đó, cho các em làm bài tập “Chọn lựa của em”. Khích lệ các em khi đối diện với thử thách, vẫn cứ trung tín đi theo Chúa.

BÀI 5. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN THỜ HÌNH TƯỢNG (HV)

BÀI 5. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN THỜ HÌNH TƯỢNG (HV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 12 Tháng Sáu, 2017

BÀI 5. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN THỜ HÌNH TƯỢNG

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-35.

II. CÂU GỐC: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó…” (Xuất 20:4-5).

III. BÀI TẬP.

A. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN KHIẾN CHO ĐỨC CHÚA TRỜI NỔI GIẬN.

Tại sao Đức Chúa Trời nổi giận và trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên? Em tìm trong những ngọn lửa các từ có thể điền vào chỗ trống dưới đây cho đúng.

Dân chúng nói với A-rôn rằng: “Hãy làm ………………… cho chúng tôi”. A-rôn bảo họ đem đến những …………………………………, rồi nấu chảy ra, đúc thành một …………………… và dân chúng ………………………… con bò bằng vàng đó. (Thần tượng   vòng vàng   con bò   thờ lạy).

B. THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN THẬT.

Em viết vào thời khóa biểu kế hoạch thờ phượng Đức Chúa Trời của em.

TRANG CẮT DÁN

Bài 4.

Bài 5.

Bài 11.

Bài 12.

 

BÀI 5. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN THỜ HÌNH TƯỢNG (GV)

BÀI 5. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN THỜ HÌNH TƯỢNG (GV)

in NHI ĐỒNG, QUÍ I. 2016 on 12 Tháng Sáu, 2017

BÀI 5. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN THỜ HÌNH TƯỢNG

 

I. KINH THÁNH: Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-35.

II. CÂU GỐC: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-5).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Dân Y-sơ-ra-ên không tuân giữ Điều Răn của Đức Chúa Trời, thờ lạy hình tượng khiến Đức Chúa Trời trừng phạt họ.

– Cảm nhận: Chỉ có Đức Chúa Trời là chân thần duy nhất, Đấng xứng đáng cho chúng ta thờ phượng.

– Hành động: Ngoài Đức Chúa Trời em không tôn thờ bất cứ thần tượng nào khác.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. SINH HOẠT ĐẦU GIỜ.

* Nắn tượng.

  1. Chuẩn bị: Một số đất sét (nếu mua được đất sét màu dành cho thiết bị trường học càng tốt, nếu không phải chọn loại đất sét mềm, dẻo).
  2. Thực hiện: Cho các em dùng đất sét nắn những con vật mình thích như: Trâu, bò, voi, chuột… Cho các em xem tranh ảnh các loài động vật hoặc thú nhồi bông… Sau khi hoàn tất, hỏi các em có xem những con vật do con người tạo ra là Đức Chúa Trời không, và có thờ phượng nó không?

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

(Chuẩn bị thị trợ: Photo lớn trang tài liệu 7 và 8, rồi tô màu cho đẹp).

    1. Vào đề.

Các em ơi, Đức Chúa Trời rất kỳ diệu, Ngài cho chúng ta có đôi tay làm được nhiều việc. Nhưng câu chuyện Kinh Thánh hôm nay cho biết có những người dùng bàn tay của mình làm nên một vật khiến Đức Chúa Trời nổi giận. Họ đã làm điều gì? Bài học nầy sẽ giúp các em biết rõ hơn.

    2. Bài học.

Cách đây rất lâu, khi dân Y-sơ-ra-ên sống tại Ai-cập thì bị vua xứ đó hà hiếp, bắt họ làm nô lệ cực nhọc. Đức Chúa Trời biết rõ tình trạng khốn khổ của họ, Ngài bảo Môi-se hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập để đến vùng đất mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ là xứ Ca-na-an. Trên đường đi, Đức Chúa Trời luôn ở cùng, chăm sóc, bảo vệ, dẫn dắt họ vượt qua mọi khó khăn.

Khi họ đến núi Si-nai, Đức Chúa Trời bảo Môi-se phải lên núi để nhận những lời phán dặn của Ngài, rồi về truyền lại cho dân sự. Đức Chúa Trời muốn dân Y-sơ-ra-ên tuân giữ những Điều Răn và luật lệ của Ngài, vì họ là dân sự Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên lắng nghe những điều Môi-se nói và bằng lòng tuân giữ tất cả luật lệ của Đức Chúa Trời.

Sau đó Môi-se và Giô-suê lại lên núi, tiếp tục nghe những lời dạy bảo và mạng lệnh của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời viết Mười Điều Răn lên hai bảng đá, giao cho Môi-se đem về cho dân sự. Nhưng có một sự việc hết sức nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian Môi-se lên núi…

Dân Y-sơ-ra-ên đóng trại dưới chân núi Si-nai, thấy Môi-se và Giô-suê đi lên núi nhiều ngày vẫn chưa trở lại. Họ nói với A-rôn là người trợ giúp của Môi-se: “Chúng tôi không biết việc gì đã xảy ra với Môi-se. Ông hãy làm nên một thần để dẫn dắt chúng tôi thay cho Môi-se”. A-rôn bảo họ đem những bông tai, vòng vàng đến, nấu chảy tất cả rồi làm một con bò bằng vàng (Cho các em xem hình dân Y-sơ-ra-ên làm con bò vàng).

Các em có cho rằng con bò bằng vàng nầy có thể dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên đi vào xứ Ca-na-an không? (Cho các em trả lời). Chỉ mới trước đây, dân Y-sơ-ra-ên hứa sẽ tuân theo Điều Răn của Đức Chúa Trời, và trong Mười Điều Răn đó có dạy rằng: “Ngươi không được làm tượng chạm cho mình, cũng không làm tượng nào giống những vật trên trời, hoặc dưới đất nầy. Ngươi chớ quì lạy các tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó”.

Đức Chúa Trời biết những gì đang xảy ra, Ngài muốn hủy diệt dân chúng bội nghịch nầy. Đức Chúa Trời phán: “Hỡi Môi-se, hãy xuống núi vì dân sự không tuân theo luật pháp của ta”. Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đổi ý không hủy diệt dân sự, nhưng Ngài sẽ trừng phạt họ.

Môi-se cầm bảng đá có ghi Mười Điều Răn cùng đi xuống núi với Giô-suê. Vừa thấy dân Y-sơ-ra-ên thờ lạy con bò vàng, nhảy múa vui mừng, Môi-se tức giận liệng bể tấm bảng đá mà Đức Chúa Trời ban. Ông sai người đem đốt con bò đó trong lửa, nghiền thành bụi, rải trên mặt nước và cho dân sự uống, để họ biết rằng con bò bằng vàng đó chỉ là vật vô tri, hoàn toàn không có quyền năng, nó không phải là Đức Chúa Trời. Còn những người Y-sơ-ra-ên tham gia đúc tượng và thờ lạy cũng phải chịu trừng phạt.

Sau đó Đức Chúa Trời lại ban cho dân Y-sơ-ra-ên hai tấm bảng đá khác có ghi Mười Điều Răn thay cho hai tấm bị bể. Một lần nữa Ngài dặn họ không được thờ lạy thần tượng, bởi chỉ có Ngài là Đức Chúa Trời duy nhất.

Các em ơi, Đức Chúa Trời không muốn con người do Ngài dựng nên lại đi thờ phượng thần giả và hình tượng, đó là những vật do con người tạo ra. Đức Chúa Trời muốn chúng ta chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Em có bằng lòng chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời không? (Cho các em trả lời).

    3. Ứng dụng.

Hướng dẫn các em thảo luận bằng cách hỏi: Lúc Môi-se lên núi để nghe Đức Chúa Trời phán dạy, dân Y-sơ-ra-ên đã làm gì? Tại sao họ làm con bò vàng? Vì sao Đức Chúa Trời nổi giận? Hậu quả thế nào? Môi-se có phản ứng gì khi thấy dân Y-sơ-ra-ên thờ lạy hình tượng?

Giáo viên tổng kết: Hết thảy chúng ta đều do Đức Chúa Trời dựng nên, chúng ta phải tuân giữ Điều Răn của Ngài, không được thờ phượng những hình tượng do người ta dựng nên, cũng không tôn thờ một con người nào ngoài Đức Chúa Trời.