Chuyên mục: THANH NIÊN

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 22.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 22.09.2024

in THANH NIÊN on 24 Tháng Chín, 2024

Chúa nhật 22.08.2024

  1. Đề tài: TẠ ƠN CHÚA TRONG HOẠN NẠN.
  2. Kinh Thánh: Gióp 1:1-22.
  3. Câu gốc: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi” (Thi thiên 116:12).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 51-60.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai ông Gióp, một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, người hướng dẫn (NHD) sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó tất cả đứng lên và mời ông Gióp cầu nguyện cho ban Thanh niên.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và ông Gióp từ ngoài đi vào).

– Phóng viên: Dạ, cháu xin chào ông Gióp!

– Gióp: Ông xin chào các cháu trong ban Thanh niên! 

– Pv: Chúng cháu rất vui vì được ông đến thăm hôm nay. Thay cho ban Thanh niên Hội Thánh, chúng cháu có lời chào mừng và hoan nghênh ông. Nhân buổi gặp gỡ này, ông có thể trò chuyện với chúng cháu về đề tài “Tạ Ơn Chúa Trong Hoạn Nạn” được không thưa ông?

– Gióp: Được, ông sẵn sàng, các cháu cứ hỏi!

– Pv: Trước tiên xin ông cho biết một ít về ông và gia cảnh của ông?

– Gióp: Ông được Thánh Kinh ghi lại là một người trọn vẹn, ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, lánh khỏi điều ác. Ông có vợ, bảy con trai và ba con gái, bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái và tôi tớ rất nhiều.

– Pv: Ồ, ông thật là người được phước Chúa ban, giàu con, giàu của, ngày nay chắc ít ai có được như ông. Ông có được cả hai, điều này thật đặc biệt phải không thưa ông?

– Gióp: Đúng đấy các cháu, nhiều người quan niệm, nhiều của mới gọi là người có phước, còn nhiều con thì không thể gọi là người có phước được. Theo ông thì con cái là cơ nghiệp Chúa ban.

– Pv: Nhưng chúng cháu thấy trong cuộc sống người nhiều của cải cũng không bình an, sung sướng gì; người nhiều con cũng vất vả, nặng lòng. Bí quyết nào giúp ông sống vui như vậy? 

– Gióp: Vì kính sợ và yêu mến Chúa, nên dù có bận việc gì thì ta luôn thức dậy sớm tạ ơn Chúa. Ngoài ra, ta còn gọi con cái mình thức dậy sớm, ăn năn tội lỗi và dâng của lễ cho Chúa mỗi ngày.

– Pv: Thật là tuyệt! Việc làm của ông cho thấy gia đình ông nhận phước Chúa ban là điều phải lẽ. Ngày nay, nếu chúng cháu làm theo nguyên tắc này chắc chúng cũng sẽ được phước Chúa ban?

– Gióp: Nếu các cháu đã làm mà chưa thấy phước Chúa ban, hãy xem lại chỗ nào còn chưa thông, đến với Chúa ăn năn tội lỗi và tạ ơn Chúa, Ngài sẽ ban phước cho các bạn như Ngài đã ban phước cho gia đình ông.

– Pv: Được biết khi thấy Chúa ban phước cho ông như vậy, Sa-tan đã kiện cáo với Chúa và Chúa cho phép Sa-tan làm hại để thử lòng ông trung tín với Chúa. Xin ông trình bày lại để chúng cháu biết với?

– Gióp: Sa-tan đã làm hại ta như thế này nè: Tất cả mười đứa con và đầy tớ, vật chất của ông đều bị tiêu diệt trong một thời gian rất ngắn, ông mất hết. Ông còn mang một căn bệnh xấu xí, khắp thân thể đầy ghẻ ung độc. Nhưng các cháu biết không, trong hoàn cảnh đó ông vẫn tạ ơn Chúa trong cơn hoạn nạn.

– Pv: Ông cừ thật! Trong cuộc sống, việc tạ ơn Chúa trong thuận cảnh thì thật dễ nhưng tạ ơn Chúa trong hoạn nạn thì thật khó. Vậy, xin ông cho biết sao ông chịu đựng nổi thử thách lớn lao như thế mà còn tạ ơn Chúa được?

– Gióp: Ông đủ sức chịu nổi thử thách trên bởi vì ông có Lời Chúa mỗi ngày các cháu à. Ông kính sợ Chúa, dâng tế lễ cho Chúa mỗi ngày, dọn lòng mình và biết ăn năn tội lỗi với Chúa mỗi ngày…

– Pv: Xin ông cho biết, khi thấy ông vẫn một lòng yêu kính Chúa hết mực thì Sa-tan có chịu xác nhận ông là người yêu kính Chúa không?

– Gióp: Sa-tan tiếp tục tấn công ta bằng việc dùng vợ ta để chỉ trích, xúi giục ta phạm tội với Chúa. Nhưng ta đã nói với vợ ta rằng: “Ngươi nói như một người đàn bà ngu muội. Ủa sao! Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai hoạ mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao? Trong mọi việc đó, ta không phạm tội bởi môi miệng mình”.

– Pv: Thật cảm tạ Chúa! Xin ông cho lời khuyên để chúng cháu biết tạ ơn Chúa trong hoạn nạn?

– Gióp: Các cháu phải biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, sẵn sàng nhận lãnh dù việc xảy đến là phước hay hoạ. Nếu Đức Chúa Trời thử thách, không đáng sợ! Nếu Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan, không có gì đáng lo, hãy tạ ơn Chúa.

– Pv: Cảm ơn ông rất nhiều về lời khuyên trên và xin ông cho biết thêm sau khi ông tạ ơn Chúa trong hoạn nạn thì kết quả ông nhận được thể nào? 

– Gióp: Chúa ban cho ông bội phần. Ông lại có mười bốn ngàn chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò, và một ngàn lừa cái. Ông cũng có bảy con trai và ba con gái.

– Pv: Tuyệt vời! Đức Chúa Trời ban thưởng cho ông, người kính sợ và yêu mến Ngài. Nguyện Đức Chúa Trời giúp chúng cháu cũng có tấm lòng trung kiên, yêu Chúa như ông. Cảm ơn ông đã đến đây giúp chúng cháu học biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là tạ ơn Chúa trong hoạn nạn. Ước mong chúng cháu biết áp dụng bài học này trong cuộc sống theo Chúa mỗi ngày.

– NHD: Thưa các bạn, muốn được phước như Gióp, trước tiên chúng ta phải biết tạ ơn Chúa trong tinh thần cầu nguyện, thờ phượng, dâng hiến và xưng tội. Tạ ơn Chúa dù phải đi qua trong trũng bóng chết. Xin Chúa cho chúng ta nói như Gióp: “Dẫu Chúa có giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài”. A-men!

– Mời ông Gióp cầu nguyện kết thúc.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 15.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 15.09.2024

in THANH NIÊN on 10 Tháng Chín, 2024

Chúa nhật 15.09.2024 – CN Thiếu nhi Tin Lành.

  1. Đề tài: HIỂU TRẺ ĐỂ DẠY TRẺ!
  2. Kinh Thánh: 2Ti-mô-thê 3:14-17.
  3. Câu gốc: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm ngôn 22:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Đố theo chủ đề.
  5. Thể loại: Tâm tình.

* CHỈ DẪN: Tâm tình.

  1. Vì là ngày Chúa nhật Thiếu nhi Tin Lành, Ban Thanh niên có thể mời Ban Thiếu nhi nhóm chung. Ban hướng dẫn có buổi họp trước một tuần lễ để thảo luận và phân công chương trình.
  2. Trong ngày này, các em thiếu nhi sẽ được dự phần trong các tiết mục như tôn vinh Chúa, đọc thi ca, múa… Ban hướng dẫn sẽ mời vài em thiếu nhi cảm tạ và làm chứng ơn phước Chúa ban.
  3. Có vài lời tâm tình của bậc Phụ huynh trong việc chăm sóc, dạy dỗ các con trong gia đình theo đường lối Chúa để khích lệ với nhau.
  4. Cầu nguyện cho Thiếu nhi – Thông công – Sinh hoạt trò chơi.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

 

HIỂU TRẺ ĐỂ DẠY TRẺ!

Chúa chúng ta phán dạy: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm 22:6). Đây là một mệnh lệnh bao gồm cả một nguyên tắc giáo dục con người, đúng với mọi thời đại.

Dạy con từ thuở còn thơ bé là bổn phận của cha mẹ, của gia đình. Phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về việc giáo dục, hướng dẫn con cái.

Bài học này chúng tôi chỉ nhắm vào mục đích dạy Lời Chúa, đem đức tin đặt vào lòng con cái, vì những lời dạy Kinh Thánh ở nhà thờ với ban Thiếu nhi… quá ít ỏi so với nhu cầu tâm linh của chúng. Chúng tôi tha thiết xin các bậc phụ huynh lưu tâm đến lãnh vực này để gây dựng một Hội Thánh tương lai thật bền vững.

Nhưng tại sao phải là phụ huynh mà không là một ai khác? Thưa quý vị, không ai có thể thay thế quý vị là cha là mẹ được. Vì cha mẹ có một tầm ảnh hưởng lớn lao trên con cái. Sau đây chúng tôi xin trình bày sơ lược vài điều về tâm lý trẻ em, mong ước quý vị hiểu thêm về con cái mình.

TỪ 1 ĐẾN 5 TUỔI.

Đây là giai đoạn ấu thơ của trẻ, nhưng có một ảnh hưởng quan trọng đến cả cuộc đời nó. Năm năm đầu đời này, là những năm trẻ được xây đắp một nền tảng căn bản. Đứa trẻ nào được sống trong tình yêu thương của ba mẹ, trong một gia đình đầm ấm yên vui sẽ phát triển tốt về mặt tinh thần, nhân cách. Những gì chúng ta đặt vào lòng trẻ lúc này sẽ có một giá trị lớn lao. Vì thế đừng coi thường trẻ em trong lứa tuổi này. Tâm trí non nớt ấy sẽ tiếp thu tất cả những gì từ gia đình, nhất là ba mẹ dành cho nó.

Đề nghị: Xin quý vị phụ huynh chịu khó để thì giờ kể chuyện Kinh Thánh cho con em mình nghe. Mỗi ngày một truyện hoặc kể đi kể lại nhiều lần một truyện, bỏ những chi tiết rườm rà, khúc mắc để chúng có thể nhớ liên tục, toàn vẹn cốt truyện.

Hãy cho con em mình biết rằng Chúa đã làm nên mọi sự trên đời này, làm nên bàn tay, bàn chân của chúng. Ở tuổi này, trẻ rất lưu tâm đến chính nó. Dạy con làm quen với nếp sống đạo: Cầu nguyện trước khi ăn, trước khi ngủ, lúc thức dậy – lời cầu nguyện ngắn, gọn. Trong sinh hoạt hằng ngày, tìm mọi cách, lợi dụng mọi cơ hội để nhắc đến Chúa, tạo cho chúng một khái niệm về Đức Chúa Trời.

6 TUỔI.

Ở tuổi này, các trẻ chịu đựng một thay đổi lớn về thể xác và tinh thần nên rất khó dạy. Chúng hay chống đối ba mẹ, luôn luôn trả lời “không”. Xin quý vị hãy hiểu vì trẻ đang ở trong tuổi thay răng sữa và bắt đầu phải đi học, phải rời gia đình. Những thay đổi ấy làm ảnh hưởng thật nhiều đến tâm tính nó. Trẻ bị xáo trộn, xin quý vị hãy kiên nhẫn. Nếu bảo con làm gì, nó không chịu, xin quý vị hãy nói: “Này, để mẹ (anh, chị, ba…) đếm thử đến 10 xem con làm không nhé!” – Nó sẽ làm ngay, quý vị cứ thử xem! Ở tuổi này, trẻ cũng đã có một cái nhìn rõ hơn về tôn giáo.

Đề nghị: Khi đi nhà thờ, xin quý vị chịu khó dẫn con theo. Trẻ cần làm quen, cần được bước vào những sinh hoạt Hội Thánh. Chúng nó sẽ áp dụng những gì học hỏi từ ở nhà như cầu nguyện, hát Thánh ca, nghe đọc Kinh Thánh… Đừng vì con đã có thể trông em được, nên để nó ở nhà giữ em! Trường học đối với trẻ là cả một khám phá mới mẻ, thích thú, có khi đáng sợ nữa. Xin quý vị hãy giúp trẻ hiểu thêm bài vở, vì nó còn lẫn lộn giữa mẹ và cô giáo nó. Quý vị hãy tỏ cho trẻ thấy rằng mình cũng có quyền uy, có khả năng giống như thầy cô ở trường để dễ dàng cho con cái nhận những lời dạy dỗ của mình.

7 TUỔI.

Ở độ tuổi này, các em bắt đầu biết lý luận, nên đôi lúc nó “bị” cha mẹ coi như người lớn, “bị” đòi hỏi có trách nhiệm như người lớn. Thật ra dầu lý luận, nhưng nó không có một ý thức rõ ràng như người lớn đâu. Khi các em lỗi lầm, quý vị hãy giải thích trong thông cảm, yêu thương, đừng buộc tội và phạt nó nặng quá! Từ tuổi này, các em sống hơi âm thầm, khép kín. Chúng có vẻ suy tư hơn và đã có ý niệm về đạo đức.

Đề nghị: Quý vị có thể kể và giải thích về sự chết đền tội của Chúa Giê-xu, cũng như những hành vi tốt xấu theo Kinh Thánh. Làm thế này là tốt, làm thế kia là xấu và tại sao, nghĩa là đặt con vào nếp sống đạo thực sự.

8 TUỔI.

Đây là tuổi ồn ào, thiếu cẩn thận. Tuổi thích làm, hay làm, nhưng không làm được việc gì đến nơi đến chốn cả. Cái gì các em cũng muốn biết, tò mò, thích sưu tập và lại thích đổi chác, mua bán nữa. Quý vị gặp đủ thứ lỉnh kỉnh trong cặp, trong túi áo của chúng, hay có khi nó đem cái này đổi lấy cái kia của bạn. Các em cũng bắt đầu tìm bạn để chơi, mặc dầu không bền.

Đề nghị: Quý vị nên lưu tâm đến bạn bè của con em mình. Nếu các em có bạn tin Chúa thì càng tốt. Quý vị hãy giải thích ân cần những gì các em muốn tìm hiểu. Lợi dụng tuổi ham thích tìm tòi thắc mắc này để giải thích kỹ hơn, cẩn thận hơn về Lời Chúa, về nếp sống đạo, như chơi tốt với bạn bè theo Lời Chúa dạy…

9 TUỔI.

Trong độ tuổi này là giai đoạn yên lặng, các em trở nên rất dễ bảo. Các em ham học, nhớ lâu, ít đau ốm, có ý thức về trách nhiệm, nghiêm trang trong công việc hơn lúc 8 tuổi.

Đề nghị: Dạy câu gốc, học thuộc lòng từng đoạn Kinh Thánh. Dạy các em tập thói quen đọc Kinh Thánh hằng ngày!

10 TUỔI ĐẾN 13 TUỔI.

Đây là độ tuổi họp đoàn, các em thích tụ tập thành từng nhóm. Nếu ở tuổi này mà các em thích chơi một mình là bất thường, không phát triển đúng. Trong tuổi này, những sinh hoạt cộng đồng sẽ cuốn hút các em dễ dàng. Các em muốn tách ra khỏi gia đình, nên ba mẹ phải cẩn thận và giúp các em giữ vững đức tin ngay trong nhà mình.

Đề nghị: Phụ huynh nên khuyến khích con em sinh hoạt tại nhà thờ; hướng dẫn, tìm giúp con những người bạn tốt, tin kính Chúa sẽ có lợi vô cùng cho chúng. Luôn tạo một không khí yêu thương trong gia đình, để các em thấy được gia đình là chỗ yên vui, là nơi ấm cúng mà chúng luôn gần gũi, không thể rời xa. Ba mẹ là những người bạn thân thiết, hòa đồng với các em nhất, sẽ giúp các em giải tỏa những thắc mắc, chia sẻ mọi vui buồn…

Dạy các em biết kính sợ Chúa, sống cho Chúa. Gia đình nên duy trì giờ nhóm lễ bái. Cho các em phát biểu ý kiến, có thể giao cho chúng sắp đặt, tổ chức giờ nhóm lễ bái gia đình như hướng dẫn thờ phượng… Hãy tin và cho các em đóng vai một người lớn trong gia đình. Đừng chèn ép nó, bất công với nó…

Trên đây là những điều thật vắn tắt về tâm lý trẻ em, chúng tôi ao ước sẽ được quý vị lưu tâm để giúp đỡ con em mình giữ được đức tin. Hội Thánh ngày nay cần sự đóng góp quý báu này của quý vị!

Trên tất cả mọi kỹ thuật, mọi chuyên môn trong lãnh vực giáo dục, trẻ em cần có tình yêu thương thật từ gia đình. Sống trong yêu thương – không phải là sự nuông chiều – trẻ sẽ phát triển, sẽ lớn lên tốt đẹp. Với tình yêu, cha mẹ sẽ chinh phục được con cái mình, vì chính Chúa chúng ta cũng đã chinh phục thế giới bằng tình yêu!

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 08.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 08.09.2024

in THANH NIÊN on 6 Tháng Chín, 2024

Chúa nhật 08.09.2024.

  1. Đề tài: CHÚA LÀ NGUỒN TIẾP TRỢ.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 16.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Này, ta sẽ từ trên trời cao làm mưa bánh xuống cho các ngươi. Dân sự sẽ đi ra, mỗi ngày nào thâu bánh đủ cho ngày ấy, đặng ta thử dân coi có đi theo luật lệ của ta hay chăng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 41– 50.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 11.08.2024.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Qua bài học hôm nay, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời nhận lấy trách nhiệm nuôi dưỡng và cung cấp mọi thứ cần dùng cho đời sống hằng ngày của dân sự.

I. ĐOÀN DÂN THAN THỞ (16:2-3).

 Đi trong đồng vắng được 16 ngày thì đoàn dân di tản hết lương thực. Lúc ấy, cả hội chúng Y-sơ-ra-ên oán trách Môi-se và A-rôn tại nơi đồng vắng: “hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng nầy đặng làm cho cả đoàn dân đông nầy đều bị chết đói” (câu 3b). Đây là lần thứ ba họ oán trách hai nhà lãnh đạo của mình. Dân này tuy thấy phép lạ của Đức Chúa Trời nhưng chưa đặt lòng tin vào lời hứa của Ngài về miền đất hứa tương lai. Thái độ oán trách nơi đồng vắng là kết quả của lòng bất mãn khi mọi việc không xảy ra đúng theo ý họ. Đức Chúa Trời muốn dân sự của Ngài phải thật dứt khoát với nếp sống nô lệ cũ, bước đi với Ngài trong đức tin và dám trả giá khi họ chọn bước đi theo Chúa.

II. LỜI HỨA CỦA CHÚA (16:4-5).

Dân Do-thái phải đương đầu với nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần trên đoạn đường sa mạc. Có người lại cho rằng Đức Chúa Trời không lo chu đáo cho họ. Xét lại từng giai đoạn một của cuộc hành trình, chúng ta nhận thấy mỗi sự khó khăn đã xảy đến là một bài học về đức tin của họ, và mỗi lần gặp khó khăn là thêm một sự tỏ bày về quyền năng của Đức Chúa Trời. Như Phao-lô diễn giải: “Họ ăn một thức ăn thiêng liêng và uống một thứ nước uống thiêng liêng” (1Cô-rinh-tô 10:3-4).

Đức Chúa Trời sai Môi-se truyền dân sự lời Ngài hứa sẽ cung cấp cho họ lương thực hằng ngày suốt 40 năm di hành trong sa mạc. Tuy nhiên có vài điều Ngài muốn họ phải làm. Thứ nhất, họ phải sẵn sàng chấp nhận sự cung cấp của Ngài. Thứ nhì, họ phải đích thân đi ra ngoài đồng để thu nhặt thực vật Ngài ban cho ngày nào đủ cho ngày ấy. Thứ ba, họ phải biệt riêng ngày thứ bảy để nghỉ ngơi. Ở đây, Chúa muốn nhắc nhở chúng ta phải sống vâng phục và trông cậy vào Chúa trong mỗi ngày của đời sống mình.

III.  MÔI-SE VÀ A-RÔN TRẢ LỜI DÂN SỰ (16:6-7).

Dân Do-thái xem Môi-se và A-rôn như hai thủ phạm gây ra tình trạng đói kém. Môi-se và A-rôn khuyên họ chớ nên phàn nàn kêu rêu nữa, mà phải ôn lại những gì Chúa đã ban cho họ trong suốt thời gian qua, và mở mắt thuộc linh của họ để chiêm ngưỡng được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Môi-se như muốn nói với dân sự rằng “Chúng ta là ai mà các ngươi oán trách chúng ta” nhắc cho chúng ta nhớ rằng người lãnh đạo hội thánh của Chúa chỉ là tôi tớ phục vụ chủ mình. Nếu người lãnh đạo có làm sai ý Chúa, thì Chúa sẽ khiển trách người. Nhưng nếu người làm theo ý muốn Chúa thì Ngài là Đấng chịu trách nhiệm về điều gì xảy đến mà không như ý muốn mọi người.

IV. CHÚA LÀ NGUỒN TIẾP TRỢ (16:13-18).

Nhiều người khi đói khát thường hay cau có và phàn nàn. Đức Chúa Trời không muốn thấy dân sự Do-thái đổ sự oán trách lên Môi-se và A-rôn nữa. Đức Chúa Trời dùng vật có sẵn trong thiên nhiên và những gì chưa hề có trong thiên nhiên mà cung cấp cho dân sự. Cụ thể, Ngài ban cho họ chim cút thay thịt và bánh Ma-na từ trời là vật mắt họ chưa từng trông thấy. Họ lấy làm ngạc nhiên mà hỏi nhau “Cái gì vậy?”. Môi-se giải thích cho họ rằng đó là bánh Đức Chúa Trời ban cho họ đặng làm thức ăn hằng ngày. Chúa có ra lệnh cho họ chỉ lượm vừa đủ cho sức của mỗi người ăn, đừng lo thiếu mà tranh giành hay tích lũy. Chúng ta học được phép lạ của Chúa rất phi thường. Đức Chúa Giê-xu cũng đã từng dùng năm cái bánh và hai con cá mà cho năm ngàn người ăn no nê (9:10-15). Những gì chúng ta nhận lãnh được hằng ngày để nuôi sống bản thân mình cũng chính là những phép lạ do sự cung cấp của Chúa cho chúng ta vậy.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 01.09.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 01.09.2024

in THANH NIÊN on 28 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 01.09.2024.

  1. Đề tài: SINH NHẬT QUÝ III.
  2. Kinh Thánh: Thi thiên 128.
  3. Câu gốc: “Vì nhờ Ta, các ngày con sẽ được thêm nhiều lên, và các năm tuổi con sẽ đặng gia tăng” (Châm ngôn 9:11).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi Thiên 31-40.
  5. Thể loại: Sinh nhật.

* CHỈ DẪN: Sinh nhật.

  1. Thông báo danh sách những người có ngày sinh trong Quý 3 (tháng 7,8,9) trước một tuần lễ; bổ sung tên những người còn thiếu.
  2. Thư ký trao danh sách cho thủ quỹ mua quà. Quà tặng sinh nhật nên mua nhiều hơn số cần, phòng khi có khách, thân hữu… đến dự và cũng có ngày sinh trong quý đó.
  3. Những người không nhớ ngày sinh, có thể chọn ngày cưới, ngày tin nhận Chúa, ngày chịu báp-têm… để làm sinh nhật.
  4. Chuẩn bị một chiếc bánh sinh nhật (nếu có thể), kích thước chiếc bánh tùy theo số người tham dự.
  5. Mời những người có tên trong danh sách “sinh nhật” lên phía trên, số người còn lại hát chúc mừng. Tất cả cùng cầm dao cắt bánh. Mời người cầu nguyện đặc biệt cho họ.
  6. Ban hướng dẫn tặng quà cho những người có sinh nhật.
  7. Mời một số người có sinh nhật làm chứng, ca ngợi Chúa, chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh để khích lệ các ban viên
  8. Chơi trò chơi, đố vui và ăn bánh sinh nhật…

* Trò Chơi Dành Cho Người Có Sinh Nhật: Chuẩn bị một số lời yêu cầu vui, mời những người có sinh nhật lên bốc thăm và thực hiện theo lời yêu cầu đó.

* Trò Chơi Tập Thể:

TÌM NGƯỜI

* Cách chơi: Cắt từng miếng giấy trắng (hoặc màu) 10×10 cm, đánh số từ 1 đến số cuối bằng số người chơi. Phát cho mỗi người một tờ giấy có số, sau đó dùng băng keo hai mặt dán vào lưng hoặc vai. Mọi người đi lại lộn xộn, khi nghe tiếng còi thổi, các số bắt đầu tìm nhau. Số 2 tìm số 1; số 3 tìm số 2… số 1 tìm số cuối. Mỗi người nắm tay hoặc để hai tay lên vai người tìm được. Cuối cùng sẽ có một vòng tròn theo thứ tự, vừa đi vừa hát.

Có thể thay số bằng câu gốc: G, I, Ă, N, G, Đ, O, Ạ, N, 1, C, Â, U, 1, 2. Cùng một câu gốc, viết trên giấy nhiều màu để các nhóm thi đua cùng một lúc (khoảng 3 nhóm). Dùng một bài hát ngắn quy định thời gian. Nhóm nào sắp xếp nhóm theo thứ tự nhanh nhất là thắng.

TÔN CAO DANH CHÚA

* Cách chơi: Tất cả đứng thành vòng tròn. Một người được chỉ định vào giữa là Giăng Báp-tít. Người này loan cho mọi người biết Chúa Giê-xu bằng cách chỉ vào ai thì người đó đứng yên, còn hai người đứng bên phải ngồi xuống. Người nào làm sai phải lui ra khỏi vòng một bước và ngồi xuống. Ai còn lại cuối cùng là Chúa Giê-xu vinh thắng.

DÂNG HIẾN CỨU TRỢ

* Cách chơi: Chia số người thành nhiều nhóm.

NHD thông báo một thiên tai vừa xảy ra hoặc một người hoạn nạn cần sự cứu trợ. Ban cứu trợ cần một số vật dụng như: giày, dép, sổ, viết, áo khoác, túi xách… Sau tiếng còi phát xuất quyên góp, nhóm nào về trước và mang nộp đủ số lượng là nhóm ấy thắng cuộc.

– Lưu ý: Trò chơi phải được hạn chế thời gian

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 25.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 25.08.2024

in THANH NIÊN on 20 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 25.08.2024.

  1. Đề tài: BÀI CA CỦA SỰ GIẢI CỨU.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19 – 15:21.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca tụng của tôi. Ngài đã trở nên Đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi khen Ngài” (Xuất Ê-díp-tô ký 15:2).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 21-30.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Chỉ dẫn giải đáp thắc mắc.  

  1. Thông báo đề tài “BÀI CA CỦA SỰ GIẢI CỨU” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ nhờ người có hiểu biết sâu về Kinh Thánh, có kinh nghiệm thuộc linh về sự giải cứu của Chúa để giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải đúng chủ đề và những tình huống thực tế liên quan. Các câu hỏi phải được sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Những bài ca để ăn mừng chiến thắng là một trong những cách thức tự nhiên của con người. Khi Đức Chúa Trời giúp dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng Ê-díp-tô, họ đã làm những bài ca chúc tụng Ngài. Môi-se và Mi-ri-am đã hướng dẫn dân sự hát mừng vì Đức Chúa Trời đã giải cứu họ khỏi cảnh đời nô lệ cho người Ê-díp-tô. Khi chúng ta học bài này, chúng ta cũng sẽ chia sẻ cùng họ niềm vui của sự chiến thắng.

I. CHÚA CỦA SỰ CHIẾN THẮNG (15:1).

Xuất Ê-díp-tô Ký 15 viết theo thể thơ ca, mô tả lại cảnh đánh chìm đạo binh hùng mạnh Ê-díp-tô. Môi-se và dân sự ăn mừng sự chiến thắng vinh quang này bằng bài hát ca ngợi Chúa (15:1). Ông bắt đầu bài thơ bằng câu: “Tôi ca tụng Đức Giê-hô-va”. Những câu tiếp theo ca tụng những chiến công của Chúa. Ca hát là một phần rất quan trọng trong việc thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Môi-se và Mi-ri-am đã hướng dẫn dân sự trong việc ngợi ca Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho họ sự tự do. Trong những ngày nô lệ tại xứ Ê-díp-tô họ hằng mơ ước sự tự do này, và nay đã trở thành sự thật. Về sau, con cháu họ đã ca lại bài thơ chiến thắng này trong các dịp lễ và trong sự thờ phượng Chúa. Bạn không cần phải làm một người nô lệ để kinh nghiệm sự giải cứu của Thượng Đế. Ngài sẵn sàng và vui lòng để giải cứu bạn thoát khỏi sự nô lệ của vật chất, tiền bạc, vui thú quá độ.

II. CHÚA CỦA SỰ GIẢI CỨU (15:2).

Khi Môi-se suy gẫm về sự nhân từ của Đức Chúa Trời, ông đã ngợi ca Ngài về những cá tính và mỹ đức của Ngài. Môi-se thờ phượng Ngài vì Ngài là Đức Chúa Trời của cá nhân ông, của sức mạnh ông và sự cứu rỗi ông.

Đức Chúa Trời là Đấng đời đời. Ngài trường tồn trong suốt mọi thời đại, nhưng cá nhân của mỗi thời đại phải lập lại sự tương giao với Ngài. Sự tương giao với Đức Chúa Trời có thể được chia sẻ, nhưng không phải được thừa hưởng từ người khác. Mỗi một người phải bước vào sự liên hệ cách cá nhân với Ngài.

Người Y-sơ-ra-ên ngày xưa đã không thể tự giải cứu mình khỏi nô lệ ở Ê-díp-tô thế nào, chúng ta ngày nay cũng không thể tự mình giải thoát ra khỏi bản tính tội lỗi của chúng ta thể ấy. Càng cố vùng vẫy để thoát ra khỏi vùng sình lầy, chúng ta lại càng bị lún sâu hơn. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng tha thứ tội lỗi của chúng ta và chỉ có Ngài mới giải cứu chúng ta được. Mà muốn có được sự giải cứu ấy thì mối liên hệ cá nhân của chúng ta với Chúa là hết sức quan trọng.

III. CHÚA CỦA LỊCH SỬ (15:3-10).

Một số tín hữu ngày nay tin vào Đức Chúa Trời, nhưng họ không tin rằng Ngài đang hành động tích cực trong thế giới này. Họ cho rằng Đức Chúa Trời tạo nên thế giới rồi Ngài để cho thế giới độc lập khỏi sự hướng dẫn của Ngài. Họ cho rằng Ngài không tham dự và can thiệp gì vào những biến cố của thế giới. Họ không tin rằng Ngài trả lời cầu nguyện hay làm phép lạ cho họ.

Môi-se ngày xưa nhất định là không tin như những người nói trên đây. Nhưng dần dần ông đã chứng kiến sự hướng dẫn, cai trị của Đức Chúa Trời trên lịch sử dân tộc ông, nhất là trên cuộc hành trình ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Dân Y-sơ-ra-ên là một đoàn dân tị nạn chống lại một đoàn quân đông đảo, trang bị vũ khí tối tân. Người Ê-díp-tô nghĩ rằng họ có thể đuổi theo dân tị nạn, tịch thu hết tài sản và rút gươm chém, không để sót người nào (c.9). Không ai, ngoại trừ Đức Chúa Trời mới có thể giải cứu họ và Ngài đã can thiệp vào lịch sử của người Y-sơ-ra-ên, gìn giữ, bảo toàn và chiến thắng cho họ. Quân đội hùng mạnh Ê-díp-tô bị chôn vùi dưới đáy biển sâu là một sự giải cứu kỳ lạ của Chúa.

  1. CHÚA CỦA SỰ THƯƠNG XÓT (15:13).

Trong câu 13 có hai danh từ diễn tả tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Thứ nhất, từ ngữ được dịch là “thương xót” có nghĩa là tình yêu không đổi thay, tình yêu thương nhân từ. Đây là từ ngữ được dùng trong Cựu ước để chỉ về sự yêu thương thành tín của Đức Chúa Trời dành cho dân sự Ngài.

Ngày nay Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta vì Ngài là Đấng yêu thương chứ không phải chúng ta đáng yêu. Ngài yêu thương chúng ta vô điều kiện và không đòi hỏi, thế nên chúng ta cần đáp ứng lại tình yêu thương Ngài bằng tấm lòng biết ơn. Thứ hai, từ ngữ “chuộc lại” cũng diễn tả sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Khi có một người thân rơi vào tình trạng khó khăn, bổn phận của chúng ta là đem tiền bạc, gia sản giải cứu người ấy ra khỏi hoàn cảnh khốn khó. Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Chuộc đối với chúng ta, với danh hiệu này Ngài muốn chúng ta biết Ngài sẽ đến với chúng ta trong cơn khốn khó để giải cứu chúng ta. Cái giá mà Đức Chúa Trời đã trả cho sự cứu chuộc chúng ta chính là mạng sống của con yêu dấu Ngài, Đức Chúa Giê-xu Christ. Sự thương xót và cứu chuộc của Ngài có giá trị cho bạn và tôi ngày nay, cũng như cho người Y-sơ-ra-ên ngày xưa. Tình yêu của Ngài lâu bền và vô điều kiện. Ngài sẵn sàng cứu chuộc bạn khỏi sự nô lệ của tội lỗi. Ngài sẽ tha thứ quá khứ của bạn và ban cho bạn một tương lai đầy hy vọng. Bạn có sẵn sàng để cho Ngài yêu thương bạn không?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 18.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 18.08.2024

in THANH NIÊN on 17 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 18.08.2024.

  1. Đề tài: CHÚA CHO TA THẮNG.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 13:17-14:31.
  3. Câu gốc: “Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va giải cứu dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi tay người Ê-díp-tô; dân ấy thấy người Ê-díp-tô chết trên bãi biển. Dân Y-sơ-ra-ên thấy việc lớn lao mà Đức Giê-hô-va đã làm cho người Ê-díp-tô, nên kính sợ Ngài, tin Ngài và Môi-se, là tôi tớ Ngài” (Xuất 14:30-31).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 11-20.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh nhóm.

  1. Mời người hướng dẫn Học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi giúp tìm hiểu thêm các chi tiết.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp gợi ý (người hướng dẫn hỏi, người học suy nghĩ tìm câu trả lời). Không dùng phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, ý nghĩa và áp dụng.

* Câu hỏi học Kinh Thánh.

  1. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 13:17-22 và cho biết:
  2. Xin cho biết vì sao Đức Chúa Trời dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi theo đường vòng trong đồng vắng, về hướng Biển Đỏ?
  3. Đức Chúa Trời có ý định gì trong việc dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi vào con đường đó?
  4. Bạn nhận biết thế nào về ý định và chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống mình?
  5. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 14:1-25 và cho biết:
  6. Dân Y-sơ-ra-ên đã làm gì khi đối diện với hoàn cảnh trước mặt là Biển Đỏ và sau lưng là đội quân Ê-díp-tô đuổi theo?
  7. Việc Đức Chúa Trời cho phép dân Y-sơ-ra-ên đối diện với hoàn cảnh khó khăn trên mang ý nghĩa gì?
  8. Xin bạn cho biết kinh nghiệm của mình được Đức Chúa Trời dẫn dắt khi đối diện với nghịch cảnh.

III. Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 14:26-31 và cho biết:

  1. Đức Chúa Trời dùng tay Môi-se giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi quân đội Ê-díp-tô như thế nào?
  2. Đức Chúa Trời có đủ quyền phép đem dân Do-thái qua Biển đỏ dễ dàng cũng như Ngài tiêu diệt quân đội Ê-díp-tô nhưng vì sao Ngài thực hiện phép lạ giải cứu qua Môi-se, tôi tớ Ngài?
  3. Ngày nay, Chúa dùng bạn đem sự cứu rỗi của Ngài đến cho người khác như thế nào?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Dân Do-thái dưới sự điều động của Môi-se, cởi bỏ ách nô lệ của vua Ê-díp-tô, đang tiến về miền đất của Đức Chúa Trời đã hứa cho tổ phụ họ. Họ cũng đang trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần rất trầm trọng. Họ đang lâm vào tình thế: Trước mặt là Biển Đỏ chặn đường tiến, còn sau lưng là đạo quân Ê-díp-tô đang đuổi theo gần kịp để bắt họ về lại dưới ách nô lệ. Đoàn dân đông thấy mình không còn hy vọng cho nên họ bắt đầu “hãi hùng, kêu van Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:10). Lúc đó Ngài giơ tay giải nguy cho họ và đồng thời bày tỏ cho họ thấy rằng Ngài luôn ở cùng và che chở họ. Bài học hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta thấy bàn tay bảo vệ của Chúa trên dân sự Ngài.

I. ĐƯỜNG ĐI TRONG LÒNG BIỂN (14:21-22).

Dân Do-thái thoát được ách nô lệ của Pha-ra-ôn, lấy làm vui mừng lắm vì chính Đức Chúa Trời đã giải cứu họ. Dù vậy, dân Do-thái có hết lòng tin cậy vào sự dìu dắt của Chúa mà dấn thân vào cuộc mạo hiểm này không?

Trên con đường ra khỏi Ê-díp-tô, Chúa hiện diện với dân sự ở trong trụ mây ban ngày và trong trụ lửa ban đêm mà dẫn đường cho họ. Cho đến lúc này, dân Do-thái đã thấy được quyền năng của Chúa qua những tai vạ Ngài giáng trên dân Ê-díp-tô.

Biển Đỏ và đạo quân của Pha-ra-ôn tuy là những chướng ngại đối với họ, nhưng Đức Chúa Trời dùng những điều đó để giúp họ kinh nghiệm về Ngài nhiều hơn và dám hoàn toàn phó thác đời sống của họ cho Ngài. Họ cần học sự tin cậy Chúa nhiều hơn. 

Ngày nay, Chúa còn mở đường cho chúng ta vượt qua chướng ngại vật trên đường hầu việc Chúa. Chúa cũng bảo vệ chúng ta phía sau và phía trước như Ngài đã bảo vệ Môi-se và dân sự. Bất chấp trở ngại trước mặt, dù nó có to như biển cả Đức Chúa Trời sẽ cho chúng ta kinh nghiệm quyền năng giải cứu của Ngài. Đức Chúa Trời không làm cạn khô biển Đỏ nhưng chỉ vạch đủ lối đi an toàn cho dân sự Ngài đi qua. Ngài cũng chẳng cần cất hết mọi trở ngại trên bước linh trình của chúng ta, mà chỉ cần dọn đủ để chúng ta có thể tiếp tục tiến bước và kinh nghiệm sự hiện hữu của Ngài bên cạnh.

II. QUÂN Ê-DÍP-TÔ THẤT BẠI (14:23-25).

“Dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, đi như trên đất cạn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:22). Trước một tình thế nguy nan, dân Do-thái không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận giải pháp của Chúa bày ra trước mắt họ – Họ đi trên biển như đi trên đất khô. Quân Ai cập (Ê-díp-tô) đi theo con đường của dân Do-thái, nhưng con đường ấy đã trở thành con đường chết cho quân thù.

Cùng trên con đường đời, người đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì được trụ lửa soi sáng suốt cả đêm, trong khi đó những kẻ nghịch lại với ý muốn của Ngài cứ lần mò trong sự tối tăm, không hay biết rằng mình đang đi trên con đường chết. Vậy, đường đời chúng ta đi có Chúa toàn năng soi sáng, bảo vệ, giúp đỡ, dẫn dắt nên chúng ta biết chắc rằng mình sẽ đến bến bờ an toàn. Người thuộc về thế gian đi chung con đường đời như con dân Chúa đang đi, nhưng họ không thể lường trước được điều dữ đang chờ đợi họ.

III. QUÂN Ê-DÍP-TÔ BỊ DIỆT (14:26-28).

Sự thất bại của dân Ê-díp-tô nhắc cho chúng ta rằng sự ác sẽ không thể tồn tại được khi “sao mai sáng chói” là Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra (Khải Huyền 22:16), là khi mặt trời công bình sẽ mọc lên. Xuất Ê-díp-tô 14:28 thuật lại rằng: “Thế thì, nước trở lại bao phủ binh xa, lính kỵ của cả đạo binh Pha-ra-ôn đã theo dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, chẳng còn sót lại một ai”. Sự kiện này nhắc chúng ta ý nghĩa thiêng liêng của lời Chúa Giê-xu phán cho môn đồ Ngài rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:24).

IV. DÂN DO-THÁI TIN TƯỞNG CHÚA (14:29-31).

Qua kinh nghiệm Biển đỏ, dân Do-thái có “lòng kính sợ của họ đối với Ngài, tin Ngài và Môi-se là tôi tớ Ngài” (c.31). Nên nhớ rằng dân Do-thái lúc đó mới bắt đầu đi theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Chúa muốn dùng mọi con dân của Ngài vào việc làm vinh danh Ngài. Ngài có đủ quyền phép để đem dân Do-thái qua Biển đỏ dễ dàng cũng như Ngài tiêu diệt quân Ê-díp-tô mà không cần ai giúp Ngài. Tuy nhiên Đức Chúa Trời không làm như vậy. Ngài muốn thực hiện phép lạ giải cứu của Ngài qua Môi-se. Ngày nay, Chúa vẫn dùng mọi kẻ tin cậy Ngài để đem sự cứu rỗi đến với thế nhân như vậy.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 11.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 11.08.2024

in THANH NIÊN on 7 Tháng Tám, 2024

Chúa nhật 11.08.2024.

  1. Đề tài: CHÚA GIẢI CỨU DÂN NGÀI.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô Ký 6:2-9; 11:1-3; 12:21-36.
  3. Câu gốc: “Ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng sự đoán phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi là dân Ta, và Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi sẽ biết Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:7).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 1-10.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Thuyết trình.

  1. Giao đề tài thuyết trình cho một nhóm trước nhiều tuần lễ.
  2. Nhóm sẽ họp lại để cùng phân tích đề tài thuyết trình
  3. Nhóm cử một người nghiên cứu tài liệu tham khảo. Cả nhóm sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu cho người đó. Người thuyết trình sẽ dựa vào tài liệu để soạn.
  4. Soạn xong, người thuyết trình sẽ trình bày những ý chính trước nhóm để lấy ý chung. Tránh đưa ra những ý kiến riêng.
  5. Sau giờ thuyết trình chính thức, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi, cả nhóm sẽ cùng chung trả lời.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Ngày xưa, những đầy tớ hầu việc có hai hạng: Hạng tôi tớ được trả công và hạng không được trả công. Các đoạn Kinh Thánh trong bài học hôm nay cho biết rằng dân Do-thái đang bị vua Ê-díp-tô bắt họ phục dịch như những tên nô lệ, rất cực nhọc mà không được trả công. Lời than vãn của họ thấu đến Đức Chúa Trời. Vì thế Đức Chúa Trời chọn Môi-se và sai người đi đến Pha-ra-ôn để xin cho dân Do-thái ra khỏi xứ Ê-díp-tô để đi vào đồng vắng hầu việc Đức Chúa Trời. Chúa muốn dân sự biết Ngài nhiều hơn. Ngài sai Môi-se truyền cho họ chương trình của Chúa giải cứu họ ra khỏi ách nô lệ theo lời Ngài hứa với tổ phụ họ khi xưa.

  1. KẾ HOẠCH GIẢI CỨU CỦA CHÚA (6:5-7)

Đức Chúa Trời truyền cho dân Do-thái biết rằng Ngài là “Đức Giê-hô-va”. Đấng không có khởi đầu và cuối cùng vì Ngài vượt thời gian và không gian. Đức Giê-hô-va không lệ thuộc vào thời gian hay không gian. Ngài biết cả quá khứ, hiện tại và tương lai của loài người. Ngài là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, tổ phụ họ. Lời hứa của Ngài đối với tổ phụ của họ, dù có xưa, vẫn có giá trị vượt thời gian.

Sau bốn trăm ba mươi năm, Ngài vẫn nhớ đến lời hứa ấy. Mặc dù lời hứa đã ban cho Áp-ra-ham ở đất Canh-đê, song hậu tự của Áp-ra-ham hiện đang ở đất Ê-díp-tô, thì lời hứa ấy vẫn được thực hiện vượt không gian.

Để thực hiện lời hứa này, Ngài dạy Môi-se tỏ cho họ biết bảy hành động của Ngài sẽ làm:

(1) Rút họ ra khỏi gánh nặng.

(2) Giải thoát họ khỏi nhà nô lệ.

(3) Chuộc họ bằng các tai họa giáng trên dân Ê-díp-tô.

(4) Nhận họ làm dân Ngài.

(5) Ngài nhận làm Đức Chúa Trời của họ.

(6) Dắt họ vào đất hứa.

(7) Cho họ đất làm sản nghiệp.

Con số bảy trong truyền thống dân tộc Do-thái mang ý nghĩa về sự trọn vẹn của Chúa. Bảy hành động ấy nói lên sự thành tín của Đức Chúa Trời.

Việc Chúa giải cứu dân Do-thái bằng các tai họa giáng trên dân Ê-díp-tô, cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời có mục đích đem nhân loại ra khỏi gông cùm của tội lỗi để đưa họ đến một nơi phước hạnh mà Ngài dành sẵn cho những người nào thuộc về Ngài.

  1. QUYỀN NĂNG GIẢI CỨU CỦA CHÚA (11:1).

Sự giải cứu và đưa dân Do-thái về đất hứa là một món quà ban cho từ Chúa. Nhưng món quà chỉ có giá trị khi nào nó được tiếp nhận. Xuất Ê-díp-tô Ký 6:9 thuật rằng: “Môi-se nói lại như vậy cho dân Y-sơ-ra-ên; nhưng vì bị sầu não, và việc tôi mọi nặng nề, nên (dân sự) chẳng nghe Môi-se chút nào”. Người thời xưa đưa ra nhiều lý do không nghe lời của Chúa, còn người thời nay cũng không khác là bao, họ gạt bỏ lời Ngài ra ngoài tai họ. Nhiều khi họ cũng giống như dân Do-thái thời Môi-se, họ đòi hỏi Chúa phải làm phép lạ hoặc làm điều họ mong muốn trong lòng. Hoặc họ đòi hỏi phải có bằng chứng cụ thể nào đó để thuyết phục họ tin Ngài. Đức Chúa Trời biết như vậy, cho nên Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài trước mặt vua và dân Ê-díp-tô để dân sự của Ngài thấy và tin.

Đức Chúa Trời “nhớ lại lời hứa của Ngài” cho tổ phụ dân Do-thái mà hành động đúng thời điểm. Ngài giáng tai vạ xuống xứ Ê-díp-tô, thứ nhất là để mọi người nhận thức rằng khước từ lời Chúa sẽ đem lại hậu quả tai hại cho mình. Thứ hai, Ngài làm các tai vạ là để cảnh cáo cho vua và dân Ê-díp-tô về sự trừng phạt nặng nề hơn nếu họ vẫn giữ thái độ chống nghịch Ngài. Pha-ra-ôn cứ tiếp tục cứng lòng, tai họa thứ mười giáng xuống, cũng là tai vạ cuối cùng, làm chết mọi con đầu lòng của Ê-díp-tô.

III. Ý NGHĨA CỦA TAI VẠ CUỐI CÙNG (12:29-30).

Sinh động là chứng cứ của một người đang sống. Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu đã chứng tỏ rằng Ngài là Đấng sống và có quyền năng hơn các thần tượng mà dân Ê-díp-tô đang thờ phượng. Khi Môi-se dùng gậy mình làm các phép lạ, các thuật sĩ Ê-díp-tô cũng cậy phù chú của họ mà bắt chước các phép lạ của Môi-se. Nhưng đến tai vạ thứ ba, lúc ấy cả nước Ê-díp-tô mang ghẻ cùng người, các thuật sĩ không thoát khỏi tai vạ này. Điều này cho chúng ta thấy các thuật sĩ đã thua cuộc. Môi-se và dân Do-thái đứng về phía Đức Chúa Trời tức là đứng về phía của sự chiến thắng, chiến thắng trên thế gian gian ác, chiến thắng đối với quỷ dữ và tội lỗi.

Khi Ngài phán rằng Ngài sẽ “giơ thẳng tay ra dùng sự đoán phạt mà chuộc” dân Ngài, lời phán ấy bày tỏ Ngài là Đấng thưởng phạt công minh. Tai vạ thứ mười giáng trên việc làm tàn ác của vua và dân Ê-díp-tô đối với những đồng loại của họ khiến các con đầu lòng của người Ê-díp-tô kể cả thái tử của họ đang ngồi trên ngôi cũng phải mất mạng. Chín tai họa trước đó chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời kiên nhẫn và chờ đợi họ ăn năn. Nếu không ăn năn, đợi đến lúc Ngài đoán xét và trừng phạt nặng nề rồi, thì không ai có thể ăn năn kịp nữa. Tai vạ thứ mười giáng trên con trai đầu lòng là con kế tự hưởng gia tài, là lời cảnh báo về điều tốt nhất sẽ bị cất đi đối với người không biết ăn năn.

  1. TỰ DO VỀ HẦU VIỆC CHÚA (12:31-33).

Trong khi vua và dân Ê-díp-tô bị Đức Chúa Trời giáng tai vạ thì dân Do-thái được Ngài ban thưởng. Ngài khiến những người dân Ê-díp-tô lấy vàng bạc của mình mà đưa cho dân Do-thái và còn mời họ ra đi khỏi nước cho sớm. Mục đích của Chúa trong cuộc giải cứu dân Do-thái có thể được tóm lược như sau:

– Giải cứu họ khỏi ách nô lệ.

– Đem họ vào đất hứa.

– Kinh nghiệm được Ngài là Đấng Chân Thần.

Nhưng mục đích quan trọng nhất của Ngài cho dân Do-thái là chọn họ làm dân riêng của Ngài. Làm dân Chúa có nghĩa là từ nay họ sẽ có một quốc tịch, có bổn phận với đất nước Chúa ban cho, có trách nhiệm với người đồng hương của mình. Chúa làm Đức Chúa Trời của họ, tức là Đấng dắt chăn, chăm nom và bảo vệ họ để thế gian thấy được ý muốn tốt đẹp của Ngài.

Dù chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào về phương diện thể xác, tinh thần hay tâm linh, Ngài đều biết và Ngài sẽ cứu giúp khi ta bằng lòng chấp nhận sự giải cứu của Ngài. Khi chúng ta nghe lời Chúa mà đến với Ngài, Chúa sẽ bày tỏ quyền năng lớn để cho chúng ta hoàn toàn tin cậy Ngài. Vì tin cậy dẫn đến sự vâng phục và dấn thân hầu việc Ngài.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 04.08.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 04.08.2024

in THANH NIÊN on 29 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 04.08.2024.

  1. Đề tài: KỶ NIỆM 17 NĂM THÀNH LẬP HTTGPA.
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 1:22-23; Công 16:5; 1Ti 3:15b.
  3. Câu gốc: “Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (Công vụ 2:47).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 31-42.
  5. Thể loại: Ca ngợi – Cảm tạ.

* CHỈ DẪN: Ca ngợi – Cảm tạ.

  1. Ban Thanh niên cùng dự phần tôn vinh ca ngợi Chúa (đơn ca, song ca hay cả ban cùng hát).
  2. Cảm tạ, làm chứng những phước hạnh Chúa ban để khích lệ nhau.
  3. Ủy viên âm nhạc và sinh hoạt chuẩn bị một số bài hát mới tập cho ban viên.

4. Sinh hoạt trò chơi – Thông công.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 28.07.2024

in THANH NIÊN on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 28.07.2024.

  1. Đề tài: CHÚA BAN CHO SỰ SUNG MÃN
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 3:14-21.
  3. Câu gốc: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp, giết, và huỷ diệt, còn Ta đã đến để chiên được sự sống, và sự sống sung mãn” (Giăng 10:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Trò chơi lớn.

* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.

– Chủ đề: CHÚA BAN CHO SỰ SUNG MÃN.

– Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ hoặc trong phòng nhóm.

– Thời gian: 1h30’.

  1. Chuẩn bị.

– Chia ban Thanh niên ra thành 3-4 nhóm. Mỗi nhóm cử một trưởng nhóm và một thư ký nhóm.

– Nhóm dựa theo phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để thảo luận và trả lời đầy đủ các câu hỏi của bài học tại các trạm.

– Vật dụng: Kinh Thánh, giấy, viết.

– Xem trước (Ê-phê-sô 3:14-21).

Trưởng nhóm điều khiển ban viên giải mật thư và hướng dẫn thảo luận. Thư ký nhóm ghi chép lời giải.               

  1. Thực hiện.
  2. Thông báo cuộc thi và thể lệ.
  3. Cuộc thi.

– Hàng ngũ trật tự và báo cáo số nhóm viên khi đến mỗi trạm.

– Chấp hành đúng theo yêu cầu tại mỗi trạm.

– Tất cả ban viên tham gia hết mình.

– Thời gian để thực hiện yêu cầu tại mỗi trạm là 15’.

  1. Chấm điểm tại mỗi trạm.

– Hàng ngũ trật tự, báo cáo nghiêm chỉnh …….. 10 điểm.

– Giải mật thư chính xác …………………………….. 10 điểm.

– Đến trạm sớm nhất…………………………………… 10 điểm.

– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) ………. 10 điểm.

(Thiếu một người trừ 1 điểm).

  1. Diễn tiến trò chơi.

– NHD đọc lại khúc Kinh Thánh theo (Ê-phê-sô 3:14-21) cho ban cùng nghe.

– NHD cho các nhóm xuất phát bằng trò chơi “Kiến tha lâu đầy tổ” để nhận mật thư 1.

– Vạch một đường thẳng làm vạch xuất phát. Cách vạch xuất phát khoảng 5m, đặt một thau nước và một cái chai nhỏ miệng (số thau và chai tương ứng với số nhóm). Các nhóm đứng hàng dọc trước vạch xuất phát. Khi nghe hiệu lệnh, từng người của mỗi nhóm chạy lên dùng tay vốc nước cho vào chai. Người lên đầu tiên chạy về đập tay vào người thứ hai, người thứ hai mới được chạy lên thực hiện như người thứ nhất. Cứ tiếp tục như vậy, cho đến khi tất cả số người trong nhóm đều tham gia. Nhóm nào thực hiện nhanh thì sẽ đem chai nước của nhóm mình giao cho NHD và nhận được mật thư. Nhóm nào nhận được mật thư thì tập họp nhóm lại và nhanh chóng bắt tay vào việc giải mật thư.

NHD sẽ dành một phần thưởng nhỏ cho “kiến” nhóm nào “tha” về “tổ” nhiều nước nhất.

* Mật thư 1: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA AI?

– Chìa khóa: Chặt đầu, chặt đuôi.

Trạm 1: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA PHAO-LÔ.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và đánh dấu X trước câu đúng.

  1. Phao-lô cầu nguyện điều gì?

– Cầu nguyện cho ông.

– Cầu nguyện cho dân Y-sơ-ra-ên.

– Cầu nguyện cho tất cả mọi người đều nhận được quyền phép bởi Thánh Linh.

  1. Tại sao Phao-lô phải cầu nguyện cho mọi người?

– Muốn mọi người được mạnh mẽ.

– Muốn mọi người tôn trọng ông.

– Muốn mọi người nhìn thấy sự quan tâm của ông.

  1. Nhờ đâu mà Phao-lô có năng lực để cầu nguyện?

– Nhờ Thánh Linh.

– Nhờ tài lãnh đạo.

– Nhờ sự tung hô của mọi người.

* Mật thư 2: AUHC NƠ TÊIB

– Chìa khóa: Được ngọc.   

Trạm 2: BIẾT ƠN CHÚA.

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời trên giấy.

  1. Có phải Phao-lô cầu nguyện để cho mọi người yêu thương mình không?
  2. Ông cầu nguyện vì muốn mọi người Cơ Đốc nhân phải như thế nào?
  3. Bạn học được điều gì qua sự cầu nguyện của Phao-lô?

* Mật thư 3: KINH NGHIỆM ĐƯỢC TÌNH YÊU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

– Cách làm: Viết nội dung mật thư lên mảnh giấy hình trái tim. Dùng kéo cắt ra thành nhiều mảnh. Bỏ tất cả mảnh giấy đó vào một bì thư, dán kín lại. Bên ngoài viết dòng chữ để làm chìa khóa. Sau khi nhận mật thư, các nhóm sẽ đọc kỹ câu chìa khóa và ráp tất cả các mảnh vụn theo hình vẽ để đọc được nội dung mật thư.

– Chìa khóa: Biểu tượng của đời sống sung mãn.

Trạm 3: LÀ NGƯỜI YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC VÀ CẦU THAY CHO HỌ

Yêu cầu:

– Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.

– Phát câu hỏi viết sẵn ra giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời trên giấy.

  1. Xin cho biết Phao-lô đã vì ai mà quỳ gối?
  2. Xin cho biết lòng Phao-lô mong mỏi mọi người sẽ thế nào?

– NHD phát lệnh: “Các nhóm tập trung về điểm xuất phát”.

  1. Kết thúc.

– NHD cùng ban Thanh niên tóm lược lại nội dung của trò chơi. Những chặng đường các nhóm đã đi qua và cùng khám phá cách cầu nguyện của Phao-lô.

– Kêu gọi các ban viên trở nên những con người biết dành thì giờ cầu thay và hầu việc Chúa mỗi ngày.

– Công bố kết quả và phát thưởng.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. MẠNH MẼ BỞI QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC THÁNH LINH (c.14-16).

Phao-lô trong phần kinh văn hôm nay đã “quỳ gối trước mặt Cha” (c.14) là một hành động tỏ lòng thành khẩn trong khi cầu nguyện. Phao-lô ngụ ý gì trong câu nói “bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên”? (c.15). Nhiều nhà giải kinh cho rằng Phao-lô muốn nói đến việc Đức Chúa Trời là Cha chung của loài người, nhưng họ đã từ bỏ Ngài. Chỉ những người tin mới gọi Ngài là Cha vì họ là con cái Ngài bởi đức tin trong Chúa Giê-xu.

Phao-lô nhận rằng Đức Chúa Trời ban cho con cái Ngài sự giàu có vô hạn trong lĩnh vực thiêng liêng không phải vì công đức riêng của họ nhưng vì “sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển” (Phi-líp 4:19) và “mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống” (Gia-cơ 1:17). Tất cả những điều đó, Phao-lô ước mong sẽ có ích lợi cho Hội Thánh Ê-phê-sô vì ông mong muốn họ có “sự mạnh mẽ trong lòng” (c.16).

  1. TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỨC TIN NƠI ĐẤNG CHRIST (c.17-18).

Trong (Ga-la-ti 2:20) Phao-lô viết: “Tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi”. Phao-lô biết rằng đời sống của ông có sự ngự trị của Chúa. Ông cũng muốn tín hữu Ê-phê-sô nhận được quyền năng này để sống một cuộc sống có kết quả cho Chúa.

Khi một người có sự hiện diện của Chúa trong đời sống sẽ “đâm rễ vững nền trong sự yêu thương” (c.18). Nhiều khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu mến người khác nhưng trong lòng không thật sự nghĩ như vậy. Phao-lô cầu xin Chúa cho các độc giả “hiểu thấu” và “biết” sự yêu thương của Đấng Christ đối với họ là thế nào. Ngài yêu họ đến nỗi có thể hi sinh chính mình vì họ. Phao-lô muốn Hội Thánh Ê-phê-sô hiểu tường tận tình yêu Ngài cả đến “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” (c.18) của nó.

III. ĐẦY DẪY MỌI SỰ DƯ DẬT NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI (c.19).

Phao-lô muốn cho Hội Thánh Ê-phê-sô hiểu biết nhiều hơn tình yêu của Chúa, để họ “được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời” (c.19). Sự hiện diện của Đức Chúa Trời tràn ngập trong đời sống một người phát xuất từ sự đầu phục trọn vẹn và sự nhường quyền kiểm soát của chúng ta cho Ngài.

Phao-lô dường như muốn nói rằng chúng ta càng hiểu rõ tình yêu của Chúa bao nhiêu, chúng ta càng mong muốn nhường quyền kiểm soát đời sống mình cho Chúa bấy nhiêu. Sự hiện diện ấy là một thực hữu của hôm nay và mãi mãi về sau.

  1. LỜI KẾT (c.20-21).

Phao-lô kết thúc lời cầu nguyện cho Hội Thánh bằng lời ca ngợi Đức Chúa Trời vì quyền năng Ngài đang hành động trong đời sống của mỗi cá nhân và Hội Thánh. Lẽ thật nầy được Phao-lô diễn tả bằng câu “trổi hơn vô cùng” (c.20). Chúa sống trong mỗi người đặt niềm tin nơi Ngài, vì thế khi chúng ta sống đời sống xứng đáng chính Ngài sẽ được vinh hiển. Khi Hội Thánh của Chúa tỏ bày và phản ảnh ân điển cứu rỗi của Ngài thì đó cũng là lúc Ngài nhận được sự vinh hiển vậy.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.07.2024

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 21.07.2024

in THANH NIÊN on 23 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật 21.07.2024.

  1. Đề tài: CHÚA KÊU GỌI.
  2. Kinh Thánh: Xuất Ê-díp-tô ký 3:1 – 4:17.
  3. Câu gốc: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Xuất Ê-díp-tô ký 3:10).
  4. Đố Kinh Thánh: Gióp 21-30.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Người được Chúa kêu gọi cần phải có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được.

Đề tài 2: Người được Chúa kêu gọi không cần đợi đến khi có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được. Đức Chúa Trời là Đấng có quyền làm cho những kẻ đáp lời Ngài gọi thành ra công cụ hữu ích trong tay Ngài.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên Chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Là những con cái kính yêu Chúa, một khi nghe được tiếng gọi của Ngài, chúng ta phải làm gì để đáp lời Chúa? Hy vọng các bạn sẽ đáp lại tiếng gọi của Chúa như Môi-se. Môi-se đã đưa dân sự Chúa khỏi ách nô lệ khổ đau, ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

  1. CHÚA KÊU GỌI ĐÍCH DANH (3:10-15a).

Chúa chọn Môi-se đi giải cứu dân sự Ngài, trước khi ông được sinh ra khỏi lòng mẹ. Đang khi còn là hoàng tử Ai-cập, Môi-se nhìn thấy một người Ai-cập hà hiếp đồng bào Do-thái của mình. Ông thấy bất bình mà giết người đó, đem xác vùi xuống cát. Sau này bị bại lộ, Môi-se phải chạy vào đồng vắng. Sau đó, ông lập gia đình với con gái của một thầy tế lễ Ma-đi-an. Đây là giai đoạn mà Môi-se làm quen với sự thờ kính Đức Chúa Trời của tổ phụ ông.

Lúc Môi-se đang chăn chiên cho ông gia mình, Đức Chúa Trời hiện ra trong bụi gai cháy nhưng không tàn. Đức Giê-hô-va kêu gọi đích danh Môi-se đi giải cứu dân Do-thái. Chẳng những Đức Chúa Trời biết tên và thân thế của Môi-se, Ngài còn biết rất rõ lòng của ông đối với hoàn cảnh thống khổ mà dân sự ông đang gánh chịu. Chúa phán với Môi-se rằng Ngài đã đoái đến Áp-ra-ham, đến Y-sác và đến Gia-cốp thể nào thì Ngài cũng đoái đến con cháu họ thể ấy.

Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng: “Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng ta sai ngươi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô”.

Tuy Đức Chúa Trời đã tỏ ý định của Ngài cho Môi-se biết, nhưng ông vẫn còn vài trở ngại, ông thấy mình không đủ khả năng vượt qua nổi các trách nhiệm Chúa giao phó vì các lý do sau:

Thứ nhất, đối với Pha-ra-ôn, Môi-se tin chắc rằng vị vua mới này sẽ không bỏ qua bản án giết người của ông. “Tôi là ai mà dám đi đến Pha-ra-ôn…”. Dường như Môi-se mong Đức Chúa Trời thông cảm hoàn cảnh của ông mà ngưng kêu gọi ông. Trái lại, Đức Chúa Trời giải quyết vấn đề của ông bằng lời hứa về sự hiện diện của Ngài với ông. Nhiều người được Chúa kêu gọi phục sự Ngài cũng từng tự hỏi như vậy. Đây không phải là lãng tránh, cũng không phải vì lười biếng hay có tính thụ động, nhưng là vì một thứ tự ti mặc cảm nào đó mà thôi.

Thứ hai, đối với Đức Chúa Trời, Môi-se thấy rằng mình chưa đủ hiểu biết về Ngài thì làm sao ông dám bày tỏ về Ngài và chương trình của Ngài cho dân Do-thái được. Ông thấy mình cần phải biết tên Chúa, vì ở Ê-díp-tô người ta thờ rất nhiều thần, mà thần nào cũng có tên. Tên của thần nào nói lên bản chất và đặc tính của thần đó. Môi-se hỏi Chúa: “Tên Ngài là gì?” Đức Chúa Trời không ngần ngại đáp rằng Ngài là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, nghĩa là tự có và còn có mãi mãi. Chúa không trách Môi-se hỏi Ngài, nhưng từng bước nâng đỡ để ông vâng và ra đi thực hiện điều Ngài muốn.

Người được Chúa kêu gọi không cần đợi đến khi có đủ kiến thức thần học, có sự hiểu biết Chúa tường tận thì mới phục vụ Ngài được. Đức Chúa Trời hằng sống là Đấng có quyền làm cho những kẻ đáp lời Ngài gọi thành ra công cụ hữu ích trong tay Ngài.

  1. CHÚA NÂNG ĐỠ NGƯỜI NGÀI GỌI (4:1-5).

Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se và trao cho ông một sứ mạng lớn lao. Trước đó, Môi-se không dám tin tưởng dân mình nữa, bởi vì đã có lần ông tỏ thiện chí với họ trong vụ can hai người Do-thái đang đánh nhau, nhưng họ tỏ vẻ không cần ông. Thái độ bi quan này của Môi-se xuất phát từ kinh nghiệm bản thân. Và thái độ này có thể làm cho người ta thấy thất bại trước khi bắt tay vào việc.

Đừng quên rằng Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phục vụ trong chương trình của Ngài, cho nên thành công hay thất bại đều thuộc phạm vi lo liệu của Chúa. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải là người có thành tích tốt trước khi được Ngài kêu gọi.

Đức Chúa Trời biết trước rằng vua Ê-díp-tô không thể bị Môi-se thuyết phục dễ dàng. Chúa cũng biết dân Do-thái sẽ nghi ngờ và chống đối ông. Hai việc đó cũng là những khó khăn gặp phải trong cuộc đời người hầu việc Chúa. Dù vậy, Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta trong tay Ngài và ban thêm sức lực để chúng ta có thể vượt qua được. Việc này giống như Chúa ban cho Môi-se các phép lạ trên cánh tay và nơi cây gậy của ông nhằm mục đích thuyết phục Pha-ra-ôn, vua Ê-díp-tô, và để dân Do-thái tin rằng ông được Đức Chúa Trời kêu gọi.

III. CHÚA TRANG BỊ CHO NGƯỜI NGÀI GỌI (4:10-12).

Môi-se viện dẫn hết lý do này đến lý do khác để tránh né công tác Chúa. Mỗi lần ông đưa ra lý do thì Chúa có ngay giải pháp để nâng đỡ chức vụ của ông. Bây giờ, đến lần thứ ba, ông hy vọng sẽ thay đổi được ý định Chúa. Môi-se nói rằng: “Tôi chẳng phải là một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng”. Đây là một nhận xét về sự bất toàn của mình vốn có từ trước, có lẽ không thích hợp trong vấn đề ngoại giao. Từ lúc Chúa phán dạy ông, Môi-se vẫn thấy mình chưa phải là một nhà hùng biện. Chúa sẽ đặt những lời đầy quyền năng nơi môi miệng ông. Chúa cũng sẽ cho anh của Môi-se là A-rôn đến để nói thay cho Môi-se. Nếu Môi-se còn ngại vấn đề đến tuổi tác, vì bấy giờ ông đã tám mươi tuổi. Ông nói với Chúa rằng: “Ôi lạy Chúa, Chúa muốn sai đi thì sai”, Chúa chỉ cho ông thấy rằng A-rôn, người anh lớn hơn ông ba tuổi, sẽ cùng đi với ông.

Sau khi đã nghe tất cả lý do Môi-se trình bày và những trở ngại mà ông phỏng đoán, Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông làm nhiều phép lạ bằng cây gậy nơi tay mình. Chúa không để cho chúng ta phục vụ Ngài bằng sức riêng của mình. Ngài trang bị, yểm trợ, và ban cho đủ mọi điều cần thiết để chúng ta có thể thực hiện công tác Ngài giao.