CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 06.12.2020
By Quản trị in NAM GIỚI on 30 Tháng Mười Một, 2020
Chúa nhật 06.12.2020.
- Đề tài: VẤN ĐỀ NGÃ LÒNG.
- Kinh Thánh: 1Các vua 19:1-14; Hê-bơ-rơ 12:1-5.
- Câu gốc: “Ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Ê-sai 40:31).
- Đố Kinh Thánh: Giô-suê 5-8.
- Thể loại: Phỏng vấn.
* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật 13.09.2020).
* Gợi ý Phỏng vấn.
(Ê-li bước ra).
– Pv: Chào cụ Ê-li!
– Ê-li: Chào Ban Nam giới!
– Pv: Chúng tôi rất vui vì được cụ tới thăm hôm nay. Thay cho Ban Nam giới, xin cụ vui lòng cho tôi thực hiện cuộc phỏng vấn về những diễn biến sau khi cụ nhân Danh Chúa trừ diệt các tiên tri của Ba-anh…
– Ê-li: Ta rất vui, xin cứ hỏi.
– Pv: Sau khi trừ diệt các tiên tri Ba-anh, công việc tiếp theo của cụ là gì?
– Ê-li: Ta cảm thấy chán nản nên chẳng muốn làm gì cả.
– Pv: Và cụ đã đi đâu?
– Ê-li: Ta chạy vào sa mạc và xin Chúa đem ta về với Ngài.
– Pv: Điều gì khiến cụ ngã lòng như vậy?
– Ê-li: Ta quá mệt mỏi và cô đơn!
– Pv: Vì sao như thế?
– Ê-li: Ta sợ hãi trước lời hăm dọa giết chết của Hoàng hậu Giê-sa-bên và thấy không còn ai cùng ta hầu việc Chúa.
– Pv: Xin cụ giải thích rõ hơn về nguyên nhân thứ hai.
– Ê-li: Sau khi tiêu diệt các tiên tri của Ba-anh, ta bị Hoàng hậu Giê-sa-bên dọa giết chết. Ta ngã lòng chạy trốn, vì nhìn quanh chỉ thấy quyền lực của Giê-sa-bên, lính của A-háp… Còn dân Y-sơ-ra-ên thì toàn là những người yếu đuối, thiếu đức tin; thậm chí trước đó họ còn săn đuổi, giết chết các tiên tri của Chúa nữa. Ta không tìm thấy một ai để cùng chia sẻ trách nhiệm, khích lệ nhau khi cần thiết và từ lúc ấy, nỗi cô đơn bao trùm lấy ta. Ta mất đức tin và ngã lòng.
– Pv: Và Chúa đã can thiệp thế nào, thưa cụ?
– Ê-li: Trước hết, Chúa sai thiên sứ đem đến cho ta bánh và nước.
– Pv: Sau khi ăn uống và phục hồi sức khỏe, cụ tiếp tục ở đó hay đi đâu?
– Ê-li: Ta đi đến núi Hô-rếp.
– Pv: Cụ còn lo sợ trước lời ngăm dọa của Hoàng hậu Giê-sa-bên nữa không?
– Ê-li: Không, vì ta cảm động trước tình yêu thương của Chúa. Tại sao Chúa có thể tha thứ và sai thiên sứ chăm sóc ta khi ta vô cùng yếu đuối, mất niềm tin đến nỗi sợ con người thay vì kính sợ Chúa? Ta ăn năn và Chúa là năng lực của ta.
– Pv: Chúa đã bày tỏ điều gì cho cụ?
– Ê-li: Chúa cho ta thấy quyền năng diệu kỳ của Ngài. Sau đó Ngài phán với ta qua tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ.
– Pv: Ngài đã nói gì với cụ?
– Ê-li: Chúa cho ta biết trong Y-sơ-ra-ên còn đến bảy ngàn người trung tín theo Ngài và sẵn sàng phục vụ Ngài.
– Pv: Rồi Ngài còn tiếp tục sai phái cụ thực hiện những công tác khác nữa chứ?
– Ê-li: Chúa thương xót và vẫn cho ta nhiều cơ hội để hầu việc Ngài.
– Pv: Cụ có thể cho chúng tôi biết bí quyết để đắc thắng hoàn cảnh tương tự?
– Ê-li: Quý vị phải đặt niềm tin trọn vẹn nơi Chúa, đừng nhìn xem thế gian. Kế đến, phải có một kế hoạch cụ thể để công tác được hoàn thành đúng như dự kiến, cần sắp đặt thời gian nghỉ ngơi thích hợp; đừng nên bối rối khi đối diện với khó khăn vì Chúa biết tất cả mọi việc và Ngài có kế hoạch cho mỗi đời sống chúng ta.
– Pv: Xin cụ cho biết trong xã hội hiện đại, chúng tôi cần phải sống thế nào để không vấp phải tình trạng ngã lòng như cụ đã từng gặp?
– Ê-li: Trước hết, cần xác định nguyên nhân mới có thể tìm giải pháp cho vấn đề quý vị đang gặp phải. Thông thường, phải giữ sự quân bình giữa hoạt động bên ngoài và sự củng cố, bồi đắp bên trong. Khi bị chỉ trích cách bất công, hãy trình dâng nỗi lòng lên cho Chúa và đừng tự thương hại mình; xưng ra mọi lỗi lầm để được Chúa tha thứ, vì nếu che giấu sẽ không được may mắn (Châm ngôn 28:13); nếu có ý kiến nào xung khắc với người khác thì đừng nên cay đắng về điều đó, hãy chờ đợi rồi thời gian sẽ đem đến câu trả lời. Đối với những công việc đòi hỏi nhiều thời gian, đừng mong đợi kết quả sẽ đến ngay nhưng phải nhẫn nại cho đến khi đạt được mới thôi.
– Pv: Để giữ vững đức tin nơi Chúa, Kinh Thánh cho chúng ta biết cần phải lưu tâm đến những khía cạnh nào, thưa cụ?
– Ê-li: Lời Chúa cho chúng ta biết Ngài là nguồn năng lực, là sức sống mới chẳng hề cạn tắt của chúng ta. Chúa chẳng bao giờ lìa bỏ và luôn nghe lời cầu nguyện của con cái Ngài, sự bình an Chúa ban cũng như tình yêu của Ngài trường tồn bất diệt vì Ngài không bao giờ thay đổi. Hãy trung tín thực hành Lời Chúa thì đức tin của quý vị sẽ càng ngày càng mạnh mẽ trong Chúa. Đó là tất cả bí quyết mà con cái Chúa cần phải biết để thực hiện.
– Pv: Xin mời cụ cầu nguyện cho những người nghe Lời Chúa hôm nay.
(Mời các bạn đứng lên, cụ Ê-li cầu nguyện kết thúc).
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- DẪN GIẢI.
Trên bước đường phục vụ Chúa, có thể người hầu việc Chúa vượt thắng những thách thức bên ngoài, những mưu hại của sa-tan, những sự phê phán bắt bớ của anh em đồng lao, nhưng lại thất bại với sự chán nản bên trong. Tiên tri Ê-li mới vừa sốt sắng vì Danh Đức Chúa Trời, thẳng tay trừ diệt các tiên tri Ba-anh, nhưng bỗng chốc lại chạy vào đồng vắng cầu xin Chúa cất lấy mạng sống mình. Dĩ nhiên, mỗi sự ngã lòng đều có lý do của nó.
- SỰ NGÃ LÒNG CỦA TIÊN TRI Ê-LI.
- Nguyên nhân.
Trong 1Các vua 18, chúng ta thấy Ê-li trong hình ảnh của người tiên tri sốt sắng vì Danh Đức Giê-hô-va trước cuộc thách thức với các tiên tri Ba-anh. Nhưng trong 1Các vua 19, chúng ta thấy hình ảnh một Ê-li chán nản, chạy trốn trong đồng vắng. Tại sao có sự tương phản nầy trong vị tiên tri nhiệt thành Ê-li?
Nếu đọc và quan sát các diễn tiến của những sự kiện xảy ra từ đoạn 18 đến đoạn 19, chúng ta có thể tìm thấy 3 nguyên nhân khiến Ê-li ngã lòng.
- Sự mệt mỏi quá sức: Suốt từ sáng sớm đến chiều tối, Ê-li hầu việc chẳng nghỉ, dồn hết công việc vào cuộc đố thách với mấy trăm tiên tri Ba-anh, trừ diệt kẻ tà thần, hội kiến với A-háp, vị vua bội nghịch Đức Chúa Trời và cầu mưa cho dân Y-sơ-ra-ên (1Các vua 18).
- Sự khủng hoảng tinh thần: Ê-li sợ hãi trước lời hăm dọa giết hại của Hoàng hậu Giê-sa-bên (1Các vua 19:1-3).
- Khủng hoảng tâm linh: Ê-li mất đức tin và cảm thấy cô đơn vì chỉ có một mình để đương đầu với kẻ ác (1Các 19:14).
Ba nguyên nhân trên cho thấy sự mệt mỏi thể xác, sự khủng hoảng tinh thần và tâm linh có ảnh hưởng đến sự ngã lòng của Ê-li. Nhưng thiết tưởng trong những nguyên nhân ấy, sự mất đức tin là nguyên nhân chính khiến người tiên tri can đảm bỗng chốc thấy mình cô đơn, đến nỗi chán nản, cầu xin Chúa cất lấy mạng sống mình.
Trong sự ngã lòng của Ê-li, Kinh Thánh nhắc nhở “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta” (Gia-cơ 5:17). Để chúng ta nhìn biết sự yếu đuối của chính mình. Nên nhớ rằng nếu ta gắng sức riêng, nếu giờ phút nào ta mất lòng tin cậy Chúa, thì dầu có sốt sắng vì Danh Chúa đến đâu cũng có lúc ngã dài. Như Phi-e-rơ hòng sụp xuống nước khi đi bộ trên mặt biển, vì nhìn thấy sóng gió bao quanh thay vì nhìn Chúa Giê-xu đang đứng phía trước mình (Ma-thi-ơ 14:29-30).
- Sự đáp ứng của Đức Chúa Trời.
Với những nguyên nhân trên, Đức Chúa Trời đã đáp ứng sự ngã lòng của tiên tri Ê-li trong ba khía cạnh.
(1) Về sự mệt mỏi của thể xác: Đức Chúa Trời sai thiên sứ đem bánh và nước bồi bổ Ê-li (1Các vua 19:5-7).
(2) Với sự sợ hãi: Đức Chúa Trời đưa ông đến núi Hô-rếp, là nơi cách xa kẻ mưu giết Ê-li, để ông cảm thấy an toàn (1Các vua 19:8-9).
(3) Về nỗi cô đơn: Tại núi Hô-rếp, Đức Chúa Trời bày tỏ cho Ê-li biết quyền năng lớn lao của Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài với Ê-li. Cho Ê-li thấy ông không chiến đấu đơn độc (1Các vua 19:10; Rô-ma 11:4).
Nhờ đó Ê-li được nâng đỡ và tiếp tục chức vụ (1Các vua 19:15-21). Với sự ngã lòng của Ê-li, sự chăm sóc của Đức Chúa Trời theo nguyên tắc từ nguyên nhân gần đến nguyên nhân xa, từ sự giải quyết vấn đề bên ngoài đến vấn đề sâu kín bên trong. Sự chăm sóc của Ngài là sự chăm sóc toàn diện.
- TỪ VẤN ĐỀ CỦA Ê-LI ĐẾN VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA.
- Thế nào là ngã lòng? Và nguyên nhân dẫn đến sự ngã lòng.
Từ chán nản ngã lòng có hình ảnh của một cây nến cháy cạn. Từ nầy dùng để chỉ tình trạng trống rỗng bên trong, khi nguồn suối tâm hồn bị khô cạn. Sự cháy cạn nầy gây nên sự mệt mỏi cả thể xác, tinh thần và tâm linh của con người. Theo tấn sĩ A.D. Hart, thì những vấn đề sau đây có thể dẫn đến tình trạng “cháy cạn”.
(1) Bị mất quân bình vì hoạt động bên ngoài quá nhiều, mà không có sự củng cố, bồi đắp bên trong.
(2) Mang cảm nghĩ tự thương hại vì bị chỉ trích cách bất công.
(3) Che giấu một tội lỗi nào đó mà không thể nói ra.
(4) Ý kiến mình bị xung khắc với kẻ khác.
(5) Cố gắng giải quyết những vấn đề không bao giờ xong.
Cũng theo Tấn sĩ A.D. Hart, người ngã lòng có thể bày tỏ ra một trong những dấu hiệu sau đây:
(1) Phó mặc: Không còn quan tâm đến mình cũng như kẻ khác.
(2) Thờ ơ: Rút lui khỏi các trách nhiệm.
(3) Thu mình: Tránh né sự giao tiếp bên ngoài.
(4) Chủ bại: Chịu thua trước mọi việc.
- Làm thế nào để đối phó với sự ngã lòng?
Sự ngã lòng nào cũng có nguyên nhân, và tùy theo đó mà chúng ta tìm câu giải đáp. Tuy nhiên trở lại vấn đề của tiên tri Ê-li, điểm then chốt để ra khỏi sự ngã lòng là tìm lại niềm tin nơi Đức Chúa Trời, và neo vững đức tin chúng ta trong Lời hằng sống của Ngài. Vì vậy, trong lúc ngã lòng, chúng ta cần học biết Lời của Chúa trong Kinh Thánh: Về nguồn năng lực, sức sống mới chẳng hề cạn tắt của Ngài cho kẻ mệt mỏi (Ê-sai 40:28-31); về sự hiện diện của Chúa chẳng rời con cái Ngài (Ê-sai 43:2; Giăng 14:18-19); về sự đáp lời của Chúa (Giê-rê-mi 33:3); về sự ban bình an của Chúa cho kẻ mang gánh nặng (Ma-thi-ơ 11:28-29); về tình yêu thương đời đời chung thủy của Ngài (Rô-ma 8:29). Vậy, chúng ta hãy đến với Chúa trong tinh thần khiêm nhu như vua Đa-vít, trao điều lo lắng cho Ngài. Hãy nương cậy Chúa để tâm linh tràn đầy sức mới của Ngài, hầu vượt thắng những chán nản buồn lòng và tiếp tục con đường phục vụ Chúa.
- Bài học cho đời sống.
Trong đời sống hầu việc Chúa của chúng ta có sự ngã lòng nào không? Có những gánh nặng tội lỗi nào còn đang vương vấn khiến tâm hồn chúng ta bị tàn héo không? Vậy chúng ta hãy vứt bỏ tội lỗi nào còn giấu kín. Hãy nhìn xem Chúa Giê-xu Christ là cội rễ và cuối cùng của đức tin. Hãy biết sức mình hữu hạn, để luôn gắn bó với nguồn năng lực vô hạn của Chúa, hầu đời sống luôn được tươi thắm, luôn phục vụ Chúa mà chẳng hề mệt mỏi, sờn lòng (Hêb 12:1-5).
Theo từng trải của Tấn sĩ Hart, dưới đây là 6 điểm trong bí quyết của ông đối phó với sự ngã lòng:
- Ngủ nghỉ để bồi bổ cơ thể và làm tươi tỉnh tâm trí.
- Neo mình trong lời hứa và tình yêu thương của Chúa (Giê-rê- mi 31:3).
- Đặt lòng tin về sự nhậm lời của Chúa.
- Tìm sự bình an nơi Lời Chúa trong Rô-ma 8:28.
- Tin rằng sự khó khăn mình gặp nhằm mục đích đem lại sự an ủi cho kẻ khác (2Cô-rinh-tô 1:4).
- Giữ vững cam kết dẫu thế nào vẫn phục vụ Chúa.
- CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
- Những lý do nào đưa tiên tri Ê-li đến sự ngã lòng? Lý do nào là chính? (1Các vua 19:1-14).
- Trước sự ngã lòng của tiên tri Ê-li, Đức Chúa Trời đáp ứng thế nào? (1Các vua 19:5-14; Rô-ma 11:4).
- Qua đó, chúng ta học biết gì về sự chăm sóc của Chúa đối với người hầu việc Ngài?
- Trong sự hầu việc Chúa hôm nay, lý do nào có thể khiến chúng ta bị ngã lòng?
- Có những dấu hiệu nào cho biết là một người đang ở trong sự ngã lòng?
- a. Trong lúc ngã lòng chúng ta cần học biết gì về lời hứa của Chúa? (Ê-sai 40:28-31; 43:2; Giê-rê-mi 33:3; Giăng 14:18-19; Ma-thi-ơ 6:30; 11:28-29; Rô-ma 8:38-39).
- Trong lúc ngã lòng, nên có thái độ nào? (Thi thiên 46:1; 131:1-3; 2Ti-mô-thê 1:12; Phi-líp 4:13; 1Phi-e-rơ 5:7).
- Trong sự hầu việc Chúa, có điều nào khiến bạn ngã lòng không?
- Trong sự ngã lòng bạn vẫn giữ niềm tin nơi Chúa hay mất đức tin nơi Ngài?