Chuyên mục: NAM GIỚI

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 20.04.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 20.04.2025

in NAM GIỚI on 16 Tháng Tư, 2025

Chúa nhật 20.04.2025

  1. Đề tài: BỐN BƯỚC ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-XU.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 3:23, 5:8, 6:23, Giăng 1:12.
  3. Câu gốc: “Vậy Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 23.02.2025.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Chúa yêu bạn!

Kinh Thánh chép: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, nên hễ ai tin nhận Ngài sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Nhưng vấn đề là . . . 

  1. Tất cả chúng ta đã từng làm, nói hay nghĩ những điều sai trái. Điều này được gọi là tội lỗi và tất cả tội lỗi của chúng ta đã tách biệt chúng ta khỏi Chúa.

Kinh Thánh chép: “Vì mọi người đều đã phạm tội và không đạt đến được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Chúa là hoàn hảo và thánh khiết, cho nên những tội lỗi của chúng ta làm chúng ta bị phân cách khỏi Ngài mãi mãi. Kinh Thánh chép rằng: “Hậu quả của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Tuy nhiên có một Tin Mừng đó là, khoảng 2000 năm trước…

  1. Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài là Giê-xu Christ đến thế gian, chịu chết vì tội lỗi của chúng ta.

Chúa Giê-xu Christ là Con của Đức Chúa Trời. Ngài xuống thế làm người, Ngài đã sống một đời sống thánh khiết, vô tội và sau đó chết trên thập tự giá để trả xong án phạt tội lỗi của chúng ta. “Đức Chúa Trời chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta bằng cách: đang khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rô-ma 5:8).

Chúa Giê-xu đã sống lại từ trong sự chết và bây giờ Ngài trở nên Linh ban Sự Sống. Ngài muốn ban tặng cho bạn và tôi món quà của sự sống vĩnh cửu, nếu bạn tiếp nhận Ngài là Chúa và là Đấng Cứu rỗi của chính bạn. Chúa Giê-xu đã phán rằng: “Ta là đường đi, chân lý, và sự sống. Không bởi Ta, chẳng ai có thể đến cùng Đức Chúa Trời” (Giăng 14:6).

Đức Chúa Trời đã dang rộng vòng tay yêu thương ra mà cứu bạn để bạn trở lại làm đứa con yêu dấu của Ngài. “Vậy nên những ai đã nhận Ngài, thì Ngài cũng ban cho họ quyền được trở nên con cái của Đức Chúa Trời, cũng như cho những ai tin nơi Danh Ngài” (Giăng 1:12). Vậy, bạn có thể cầu xin Chúa Giê-xu tha thứ cho mọi tội lỗi của bạn, và mời Ngài bước vào cuộc đời của bạn để làm Cứu Chúa của bạn ngay hôm nay.

  1. Nếu bạn bằng lòng muốn tiếp nhận Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa của mình và được tha thứ, tẩy sạch khỏi mọi tội lỗi, bạn có thể cầu xin Ngài làm điều đó bằng cách lấy lòng chân thành cầu nguyện lặp theo lời hướng dẫn gợi ý sau đây:

“Chúa Giê-xu ơi, con tin rằng Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Cảm ơn Ngài đã bằng lòng chết trên thập tự giá vì con. Xin Ngài tha thứ cho những tội lỗi của con và ban cho con sự sống đời đời. Con cầu xin Ngài bước vào đời sống con để làm Cứu Chúa của cuộc đời con từ nay cho đến đời đời. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu, Amen”.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.04.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 13.04.2025

in NAM GIỚI on 8 Tháng Tư, 2025

Chúa nhật 13.04.2025 (Chúa vào Giê-ru-sa-lem)

  1. Đề tài: VÂNG PHỤC TRỌN VẸN.
  2. Kinh Thánh: Phi-líp 2:5-11.
  3. Câu gốc: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-lip 2:8).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 46-48.
  5. Thể loại: Hướng dẫn Học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN:

  1. Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp); hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  • Đọc Phi-líp 2:5-11.Câu hỏi gợi ý thảo luận:
  1. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa điều gì?
  2. Chúa Giê-xu đã hạ mình vâng phục như thế nào? Kết quả sự vâng phục của Ngài là gì?
  3. Bạn học gương hạ mình vâng phục của Chúa cho cuộc đời mình ra sao?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO. 

Đây là phân đoạn Kinh Thánh tuyệt vời nhất của sứ đồ Phao-lô khi nói về hình ảnh hạ mình vâng phục trọn vẹn của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Mở đầu, ông kêu gọi các tín hữu “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (câu 5). Rồi tiếp theo ông nói về “tâm tình” của Ngài.

Đấng Christ vốn mang bản thể Đức Chúa Trời và Ngài cũng là Đức Chúa Trời. Ngài đồng quyền, đồng đẳng với Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không cố “nắm giữ” Danh quyền đó (câu 6). Chúa sẵn sàng từ bỏ địa vị cao sang, trút bỏ tất cả vinh quang mặc lấy thân nô lệ, nhập thể làm người vì mục đích cứu chuộc nhân loại (câu 7). Tại đây, sứ đồ Phao-lô nêu lên cả thần tính và nhân tính của Chúa Giê-xu. Ngài là Đức Chúa Trời nhưng “tự bỏ mình đi” để làm một con người. Vì sao Chúa lại hạ mình như thế? Vì Ngài vâng phục ý muốn Đức Chúa Cha.

Chúa Giê-xu đến thế gian làm người và sống một cuộc đời vâng phục trọn vẹn. Suốt những năm tháng sống trên đất, Ngài hoàn toàn làm theo ý muốn Đức Chúa Cha (Giăng 4:34, 6:38, 8:29, 14:31; Lu-ca 22:42). Chúa Giê-xu đã để lại tấm gương vâng phục cho mỗi chúng ta. Sứ đồ Phao-lô cho biết Ngài trở nên giống như con người, tự hạ mình và “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (câu 8). Cái chết trên thập tự giá, là cái chết nhục nhã và đau đớn nhất mà người La Mã áp dụng cho tội phạm. Chúa Giê-xu là Đấng vô tội và toàn thiện, nhưng Ngài phải nhận lấy cái chết rủa sả ấy chỉ vì vâng phục chương trình cứu rỗi nhân loại mà Đức Chúa Cha đã hoạch định. Ngài gánh lấy tội lỗi và chết thay cho mỗi chúng ta, để chúng ta khỏi phải đối diện với hình phạt đời đời của Đức Chúa Trời.

Vì Chúa Giê-xu đã hoàn toàn đầu phục ý muốn Đức Chúa Cha, và vâng phục trọn vẹn qua sự hy sinh trên thập tự giá nên Đức Chúa Trời đã “Đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài Danh trên hết mọi danh” (câu 9). Đến ngày phán xét, mọi người ở mọi thời đại, mọi quốc gia đều phải xưng “Giê-xu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (câu 11). Sau khi tự nguyện hạ mình và vâng phục, Chúa Giê-xu đã được Đức Chúa Trời ban cho địa vị cao quý và vinh quang nhất. Sự vâng phục của Ngài thật trọn vẹn để hoàn tất sứ mệnh Cha giao trên đất. Giờ đây, Ngài đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng và sẽ trở lại để xét đoán nhân loại. Chúa cũng muốn chúng ta học theo gương hạ mình vâng phục của Ngài, để sống cuộc đời xứng đáng với những gì Ngài đã làm cho chúng ta.

Bạn có sẵn sàng hạ mình và vâng phục Chúa không?

“Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ tâm tình khiêm nhu vâng phục của Chúa Giê-xu để noi theo, và luôn biết hạ mình đầu phục ý muốn của Chúa trên đời sống con”.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 06.04.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 06.04.2025

in NAM GIỚI on 2 Tháng Tư, 2025

Chúa nhật 06.04.2025

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ TỰ SÁT.
  2. Kinh Thánh: Thi 139:13-16; 1Cô-rinh-tô 3:16-17.
  3. Câu gốc: “Chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa” (Rô 14:7-8a).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 43-45.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 16.02.2025.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

TỰ SÁT VÀ SỰ DẠY DỖ CỦA KINH THÁNH.

Chúng ta phân biệt ý nghĩa của chữ tự sát và hiến thân. Tự sát có nghĩa tự hủy hoại thân mình vì mục đích ích kỷ cá nhân. Còn hiến thân nghĩa là tự nguyện hy sinh mạng sống của mình cho một lý tưởng, một chính nghĩa hay một mục đích cao thượng vô kỷ.

Theo ý nghĩa trên và theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, tự sát là điều không hợp lẽ đối với niềm tin của Cơ Đốc nhân, vì những lý do sau đây:

  1. Sự sống, sự chết của con người thuộc quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Con người ra đời với số ngày đã được Đức Chúa Trời định. Và Chúa có thời điểm cho mỗi đời sống con người theo chương trình tốt lành của Ngài (Gióp 14:5; Thi 139:13-16).

  1. Xúc phạm sự sống con người là xúc phạm đến Đức Chúa Trời.

Trong Xuất Ê-díp-tô ký 20:13, Đức Chúa Trời ban điều răn cho dân Y-sơ-ra-ên ngăn cấm sự giết người, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng 9:6). Song song với điều răn, Đức Chúa Trời cũng có mạng lệnh cho dân sự hãy yêu thương người lân cận, cũng như lời khuyên hãy chăm sóc chính thân mình (Lê-vi ký 19:18; Êph 5:23-29,33). Như vậy, có nghĩa chúng ta không được phép cất mạng sống kẻ khác, cũng như không nên hủy hoại chính thân mình.

  1. Sự sống con người là quà tặng quý báu từ Đức Chúa Trời.

Chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và sống vì cớ Danh Ngài (Rô-ma 14:6-7).

  1. Thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh ngự trị.

Sự phá hủy thân thể là phá hủy đền thờ của Chúa. Thân thể chúng ta cần được gìn giữ khỏi sự ô uế của thế gian, cần được chăm sóc để trở thành đồ dùng của sự công bình, làm sáng Danh Đức Chúa Trời (1Cô 3:16-17; 6:19-20).

  1. Đức Chúa Trời chăm sóc và nâng đỡ kẻ ngã lòng.

Khi Môi-se ngã lòng vì mệt mỏi với gánh nặng chăn dắt dân Y-sơ-ra-ên, ông cầu xin Chúa cất mạng sống mình, nhưng Đức Chúa Trời chuẩn bị có những người giúp đỡ Môi-se. Khi tiên tri Ê-li bị hoàng hậu Giê-sa-bên hăm dọa và sợ hãi chạy trốn trong đồng vắng, ông cầu xin Chúa cất mạng sống mình, nhưng Đức Chúa Trời sai thiên sứ đem bánh và nước bổ sức lại cho Ê-li và cho ông một sứ mạng mới (1Vua 19:1-8). Khi tiên tri Giô-na bất mãn ngã lòng vì thấy Đức Chúa Trời không hình phạt dân thành Ni-ni-ve, ông cầu xin Chúa cất lấy mạng sống của mình, nhưng Đức Chúa Trời khiến dây dưa mọc lên che chở cho Giô-na khỏi bị nắng nóng và dạy cho ông bài học về lòng thương xót của Ngài (Giô-na 4:1-6).

Tóm lại, những điểm trên cho chúng ta thấy rõ ý chỉ của Đức Chúa Trời là Ngài muốn chúng ta sống gìn giữ và quý trọng sự sống Ngài ban cho, theo thời điểm Ngài đã định để tôn vinh Đấng Tạo hóa, làm thành mục đích tốt đẹp của Ngài đối với đời sống chúng ta. Trái lại ma quỉ thường xui khiến con người hủy hoại thân mình (Mác 5:1-5).

Tóm lược

  1. Sự tự sát có thể đến từ những nguyên nhân như áp lực của xã hội, sự khủng hoảng trong tinh thần và mặc cảm tội lỗi trong tâm linh. Và điểm chính là không còn có hy vọng.
  2. Sự tự sát là điều trái với ý chỉ của Đức Chúa Trời, xúc phạm đến Đức Chúa Trời và quyền tể trị của Ngài, vì không quý trọng, chăm sóc và gìn giữ sự sống như món quà quý báu của Chúa ban cho để làm sáng Danh Ngài.
  3. Quyết định dứt bỏ ý nghĩ tự sát ra khỏi tâm trí. Tìm kiếm Đức Chúa Trời của hy vọng và bình an, đọc Kinh Thánh nắm chắc lời Chúa hứa, hết lòng tin cậy nương náu mình trong Chúa Giê-xu, trao gánh nặng của mình cho Ngài. Đó là những cách tránh sự cám dỗ tự sát.
  4. Chẳng những chúng ta đề phòng tự sát, nhưng còn có trách nhiệm giúp đỡ, khuyên giải người có ý định tự sát.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Câu hỏi thảo luận:

– Người tin Chúa tự sát thì đi thiên đàng hay địa ngục?

– Sự tự sát vì cớ đau đớn của bệnh tật là điều hợp lẽ không?

– Dấu hiệu nào biết người có quyết định tự sát? Làm thế nào để giúp họ trong trường hợp ấy?

  1. Xin cho biết:

– Khi gặp chán nản hay trong hoạn nạn bạn thường nghĩ gì?

– Bạn quý trọng và gìn giữ sự sống Chúa ban cho như thế nào?

– Bạn làm gì giúp người đang ở trong sự chán nản và không muốn sống nữa?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 30.03.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 30.03.2025

in NAM GIỚI on 28 Tháng Ba, 2025

Chúa nhật 30.03.2025

  1. Đề tài: SINH NHẬT QUÝ I.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 66.
  3. Câu gốc: “Hỡi hết thảy người kính sợ Đức Chúa Trời, hãy đến nghe, thì tôi sẽ thuật điều Ngài đã làm cho linh hồn tôi” (Thi 66:16).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 40-42.
  5. Thể loại: Sinh nhật.

* CHỈ DẪN: Sinh nhật.

  1. Thông báo danh sách những người có ngày sinh trong Quý I (tháng 1,2,3) trước một tuần lễ; bổ sung tên những người còn thiếu.
  2. Thư ký trao danh sách cho thủ quỹ mua quà. Quà tặng sinh nhật nên mua nhiều hơn số cần, phòng khi có khách, thân hữu… đến dự và cũng có ngày sinh trong quý đó.
  3. Những người không nhớ ngày sinh, có thể chọn ngày cưới, ngày tin nhận Chúa, ngày chịu báp-têm… để làm sinh nhật.
  4. Chuẩn bị một chiếc bánh sinh nhật (nếu có thể), kích thước chiếc bánh tùy theo số người tham dự.
  5. Mời những người có tên trong danh sách “sinh nhật” lên phía trên, số người còn lại hát chúc mừng. Tất cả cùng cầm dao cắt bánh. Mời người cầu nguyện đặc biệt cho họ.
  6. Ban hướng dẫn tặng quà cho những người có sinh nhật.
  7. Mời một số người có sinh nhật làm chứng, ca ngợi Chúa, chia sẻ những kinh nghiệm thuộc linh để khích lệ các ban viên.
  8. Chơi trò chơi, đố vui và ăn bánh sinh nhật…

* SINH HOẠT TRÒ CHƠI.

– Trò Chơi Dành Cho Người Có Sinh Nhật: Chuẩn bị một số lời yêu cầu vui, mời những người có sinh nhật lên bốc thăm và thực hiện theo lời yêu cầu đó.

– Trò Chơi Tập Thể.

TÌM CHIÊN LẠC.

– Cách chơi: Chọn 3 người vào trong vòng tròn (bịt mắt), một người làm người chăn, một người làm chiên và một người làm sói. Nghe lệnh còi, người chăn đi tìm chiên, chạm vào được chiên là thắng cuộc, đụng phải sói là bị loại.

* Lưu ý: Tiếng chiên (be be), tiếng sói (gâu gâu) cả hai phải đi bằng “bốn chân”.

HỨNG BANH.

– Cách chơi: NHD đứng giữa vòng tròn cho đếm số thứ tự 1,2,3… Yêu cầu mỗi người nhớ số của mình. NHD cầm một trái banh (hoặc chiếc khăn cột lại).

Tung trái banh hoặc khăn lên đồng thời gọi một số. Đúng số mình được gọi phải chạy ra hứng banh (có thể gọi một lượt hai ba số), ai không hứng được sẽ bị loại.

Người hứng được banh thay NHD tiếp tục điều hành cuộc chơi.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.03.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.03.2025

in NAM GIỚI on 18 Tháng Ba, 2025

Chúa nhật 23.03.2025

  1. Đề tài: BÌNH AN BƯỚC QUA SỰ CHẾT.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 5:12; Hê-bơ-rơ 9:27; 1Cô-rinh-tô 15:20-23; 55-57.
  3. Câu gốc: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi” (Thi Thiên 23:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 37-39.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 19.01.2025.

Dưới đây là một số câu hỏi, bạn có thể sử dụng trong giờ học Kinh Thánh nhóm hoặc dùng để tham khảo.

  1. Đọc Rô-ma 5:12 và Hê-bơ-rơ 9:27 cho biết:

(1) Loài người không tránh khỏi điều gì?

(2) Tại sao loài người phải trải qua sự chết?

(3) Sự chết đối với bạn thế nào? Sợ hãi hay bình an? Vì sao?

  1. Đọc 1Cô-rinh-tô 15:20-23; 55-57.

(1) Người tin Chúa hy vọng điều gì sau khi chết?

(2) Vì sao người tin Chúa có hy vọng ấy?

(3) Hy vọng của bạn là gì? Bạn sống với hy vọng ấy như thế nào?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sợ hãi, lo âu trước sự chết là tâm lý chung của con người. Tuy nhiên trong niềm tin nơi Đức Chúa Trời, Cơ Đốc nhân có thể chuẩn bị cho chính mình sự bình an khi đứng trước cổng của sự chết, “con đường mà cả thế gian phải đi qua” với những điều quan trọng sau:

  1. Xác nhận và giữ vững niềm tin về sự cứu rỗi. Biết chắc chúng ta đã được cứu rỗi trong Đấng Christ.

Chúng ta tin Chúa để được cứu, nhưng điều quan trọng hơn là giữ vững đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ đến giờ phút cuối cùng. Vì giữ vững đức tin của mình đến cuối cùng, nên sứ đồ Phao-lô vô cùng lạc quan trước sự chết kề bên! Ông biết chắc mình được Chúa cứu và được Ngài tiếp vào trong sự vinh hiển (2Tim 4:6-8). Người không tin Chúa khi đối diện với sự chết thường bị lương tâm giày vò bởi tội lỗi quá khứ, sự lo âu với tội lỗi hiện tại và sự sợ hãi về sự hư mất đời đời sau khi chết. Nhưng niềm tin trong Đấng Christ bảo đảm chắc chắn sự cứu rỗi toàn diện của Cơ Đốc nhân. Nghĩa là chúng ta được tha thứ, được giải cứu khỏi mặc cảm của tội lỗi quá khứ, được giải cứu khỏi quyền lực của tội lỗi hiện tại và được giải cứu khỏi sự hư mất trong tương lai. Vì thế, niềm tin của sự cứu rỗi trong Đấng Christ cất khỏi mọi lo lắng về quá khứ, hiện tại, tương lai và đem lại cho người Cơ Đốc sự bình an lớn khi phải bước qua cổng của sự chết. Cho nên mỗi người Cơ Đốc cần giữ vững niềm tin của mình về sự cứu rỗi đặt trên nền tảng của Lời Kinh Thánh. Tùy theo kinh nghiệm bản thân, mỗi người nên giữ một số câu Kinh Thánh nằm lòng để làm nền tảng cho sự cứu rỗi của mình. Điển hình những câu như Giăng 3:16; 3:36; 5:34; Rô-ma 3:24-26; 8:1, 31-39; Ê-phê-sô 2:8; 1Giăng 1:7…

  1. Nhận biết những lẽ đạo về sự chết.

Những lẽ đạo Kinh Thánh về sự chết như đã trình bày trên, sẽ giúp cho người Cơ Đốc:

– Được vững vàng trong đức tin và thêm niềm hy vọng vô biên trong Đấng Christ phục sinh, khi nhìn qua bên kia sự chết là một bình minh tươi sáng bất tận.

– Biết chắc nơi ở phước lạc của mình với Chúa.

– Biết chắc rằng Cơ Đốc nhân là những người không bị đặt dưới sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sau khi chết.

Những điểm trên sẽ đem lại cho người Cơ Đốc niềm hy vọng tràn đầy khi bước vào “giấc ngủ” tạm thời.

  1. Nhận biết sứ mạng của mình trên đất.

Trong cuộc sống trên đất, người Cơ Đốc nên nhận biết ba điều này:

– Thiên đàng mới là quê hương thật của Cơ Đốc nhân, vì vậy chúng ta chỉ là những khách bộ hành trên đất (Hê 11:13-16).

– Mỗi Cơ Đốc nhân sống trong thế gian với sứ mạng của Chúa (Giăng 17:18; Mat 5:13-16).

– Chúa sẽ đón tiếp người hoàn tất sứ mạng Ngài giao phó, vào nơi quê hương vinh hiển theo thời điểm trong chương trình của Đức Chúa Trời (Công vụ 7:55-60).

Biết những điều này, sẽ giúp cho chúng ta vui mừng và sẵn sàng khi Chúa gọi về nước Ngài bất cứ khi nào.

  1. Giữ vững lời hứa của Chúa.

Có nhiều lời hứa trong Kinh Thánh về sự hiện diện của Chúa, ở mỗi đời sống con cái Ngài trong mọi lúc khó khăn. Chúng ta cần đọc và suy gẫm, học thuộc lòng những lời hứa của Chúa, để lòng được bình an trong giờ phút sắp bước qua trũng bóng chết (Thi 23; Ê-sai 43:1-3; Giăng 14:1-3,27).

  1. Biết chắc Đấng chúng ta đang tin.

Sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã đắc thắng sự chết và đang cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ, sẽ giúp chúng ta không sợ hãi sự chết và bước qua sự chết với niềm tin đắc thắng (Khải 1:17).

  1. Nói lời từ giã trong niềm tin.

Với tấm lòng tin cậy Đức Chúa Trời, trước khi qua đời Giô-suê đã từ giã dân chúng Y-sơ-ra-ên với lời khuyên hãy thành tâm phục vụ Đấng ông hầu việc trọn đời (Giô-suê 24:14-15). Gia-cốp, trong niềm tin nơi lời hứa Đức Chúa Trời đã chúc phước cho con cái mình trước khi qua đời (Sáng 49). Chúng ta có sẵn sàng nói lời từ giã trong niềm tin với gia đình, bạn hữu trước khi về an nghỉ trong nước Chúa không? Và chúng ta sẽ nói gì?

Trên mộ bia của văn hào Shakespeare (1564-1616), người ta thấy những dòng chữ như sau:

“Tôi William Shakespeare, quê ở Straford Upon Avon, thuộc quận Warrick, một người có sức khỏe và trí óc toàn hảo, thật đáng ngợi ca Đức Chúa Trời, xin lập tờ chúc ngôn cuối cùng của tôi theo phương thức và hình thức dưới đây:

Trước nhất, tôi xin giao phó linh hồn của tôi vào cánh tay của Chúa, Đấng Tạo Hóa của tôi, hy vọng và tin quyết rằng nhờ con đường duy nhất của Đức Chúa Giê-xu Christ, Cứu Chúa tôi, tôi đã dự phần vào sự sống đời đời và thân thể tôi trở về bụi đất là vật đã được dựng để tạo nên thân ấy…” (Knight’s Master Book of the New Illustration, p.13).

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.03.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.03.2025

in NAM GIỚI on 11 Tháng Ba, 2025

Chúa nhật 16.03.2025

  1. Đề tài: SỰ CHÁN NẢN, NGÃ LÒNG.
  2. Kinh Thánh: Thi 46:1; Ha-ba-cúc 3:17-19; Hê 12:1-5.
  3. Câu gốc: “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Ê-sai 40:31).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 34-36.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai Ê-li và một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và câu trả lời cần phải ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Mời trước một người đúc kết buổi phỏng vấn và nêu lên những điều học hỏi được từ câu chuyện. Cầu nguyện kết thúc (có thể mời nhân vật được phỏng vấn cầu nguyện).

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi NHD giới thiệu thể loại chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới phòng nhóm đi lên và Ê-li từ ngoài bước vào phòng nhóm).

– Phóng viên: Dạ xin kính chào ông Ê-li!

– Ê-li: Xin chào Ban Nam giới!

– PV: Chúng tôi rất vui vì được ông nhận lời cho buổi viếng thăm này. Thay cho Ban Nam giới trong Hội Thánh, tôi xin có lời chào mừng và hoan nghênh ông. Nhân buổi gặp gỡ nầy ông có thể giúp chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về “Sự chán nản, ngã lòng trong đời sống” không thưa ông?

– Ê-li: Được, quý vị cứ hỏi, tôi sẽ giúp quý vị theo kinh nghiệm của đời sống tôi.

– PV: Thưa ông, trước tiên cho chúng tôi hỏi “Điều gì dễ khiến con người rơi vào tình trạng chán nản, ngã lòng?”

– Ê-li: Lý do dẫn đến sự ngã lòng có thể tìm thấy trong ba khía cạnh sau: (1) Vì sự quá sức hay mòn mỏi của thân thể. (2) Vì sự khủng hoảng của tinh thần. (3) Vì sự khủng hoảng trong tâm linh.

– PV: Là người từng trải kinh nghiệm, xin ông phân tích từng phần cho chúng tôi được biết.

– Ê-li: Đọc 1Các vua 18, quý vị sẽ thấy từ sáng sớm đến chiều tối, một mình tôi phải dồn hết tâm tư, sức lực vào cuộc thách đố với 450 tiên tri Ba-anh và 400 tiên tri Át-tạt-tê! Sau cuộc thách đố, sự đắc thắng về Danh Đức Chúa Trời, nhưng sức lực của tôi bị mòn mỏi, cạn kiệt! Vì sự quá sức của cơ thể, đưa tôi đến sự chán nản ngã lòng.

– PV: Thưa ông, lúc ấy thân thể ông rã rời nhưng còn tinh thần ông thì thế nào?

– Ê-li: Nhắc đến điều này tôi thấy xấu hổ quá! Tinh thần tôi lúc đó xuống dốc lắm. Tôi không mạnh mẽ như lúc sáng sớm, tôi không can đảm như lúc đứng trước các tiên tri tà thần. Lúc đó tôi thật thê thảm! Tôi lo sợ bởi lời hăm dọa của hoàng hậu độc ác Giê-sa-bên, tôi thấy dường như mình thất bại và cô đơn, tôi thấy tuyệt vọng trước nghịch cảnh…

– PV: Thưa ông Ê-li, nhưng tôi thấy sự việc xảy ra không như điều ông lo sợ?

– Ê-li: Đúng vậy đó quý vị, khi bị khủng hoảng về tinh thần, con người thường suy nghĩ lung tung và lo sợ. Hơn thế nữa, ý nghĩ bi quan, tự ti mặc cảm, tự ái quá cao… khiến ta bị khủng hoảng.

– PV: Tuy thể xác và tinh thần ông bị khủng hoảng, nhưng tâm linh ông lúc ấy thế nào ạ?

– Ê-li: Tôi ngã lòng không chỉ vì mệt mỏi trong thân thể, vì sự sợ hãi trong tinh thần, nhưng còn vì không để lòng tin cậy Chúa. Tôi thấy dường như chỉ có một mình đơn độc chống lại kẻ tà thần. Tôi không nhìn thấy Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị.

– PV: Như vậy, theo sự trình bày của ông, thì sự chán nản đến từ nhiều nguyên nhân và có sự liên quan với nhau phải không?

– Ê-li: Phải rồi, người bị chán nản không chỉ vì một lý do, và còn có thể ảnh hưởng đến các vấn đề khác. Như từ sự chán nản vì mòn mỏi của thể xác, có thể dẫn chúng ta đến sự xao lãng trong sự cầu nguyện với Chúa, do đó tâm hồn bị khô héo và trở thành chán nản thuộc linh.

– PV: Thưa ông, có dấu hiệu nào tỏ ra bên ngoài để nhận biết một người đang bị chán nản không?

– Ê-li: Có đấy. Quý vị có thể phân biệt qua những dấu hiệu sau: (1) Xao lãng, không quan tâm đến mình cũng như người khác. (2) Thu mình, tránh né, từ chối giao tiếp bên ngoài. (3) Thờ ơ, khước từ mọi trách nhiệm. (4) Bỏ cuộc, chịu thua trước mọi việc.

– PV: Theo ông, sự chán nản thường đem lại điều gì?

– Ê-li: Sự chán nản ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì sự căng thẳng tinh thần làm cho người ta hay buồn giận, là yếu tố có thể dẫn đến tâm bệnh như nhức nửa bên đầu hay bị ung nhọt. Sự căng thẳng cảm xúc và tinh thần là một trong những lý do của bệnh tim mạch, huyết áp cao. Khi sự chán nản ở vào tình trạng tuyệt vọng có khi dẫn đến.

– PV: Khủng kiếp thật! Sự chán nản gây hại cho sức khỏe, thân thể con người. Nhưng về phần tâm linh thì bị ảnh hưởng thế nào thưa ông?

– Ê-li: Quý vị biết không, sự chán nản chẳng những có hại cho sức khỏe của thân thể, nhưng còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm linh, khiến chúng ta trở thành người yếu đuối, như một dụng cụ không còn hữu hiệu trong công việc nhà Chúa.

– PV: Xin ông cho biết có cách nào để giúp người chán nản ngã lòng không?

– Ê-li: Cách tốt nhất tôi học được là cách của Chúa qua việc Ngài chăm sóc tôi. Khi tôi chán nản, ngã lòng vì quá sức, thì Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ mang bánh, nước chăm sóc tôi. Nhờ thức ăn, nhờ giấc ngủ nghỉ ngơi mà tôi được hồi sức. 

– PV: Vậy thưa ông, có cách nào ngăn ngừa sự chán nản xảy ra cho đời sống không?

– Ê-li: Để tránh sự chán nản vì quá sức nên lưu ý: Trừ trường hợp khẩn cấp, chớ nên “làm ráng… một chút!” Phải biết sức người có hạn nên để thì giờ nghỉ ngơi bồi bổ sức lực. Trong sự giải trí chớ quên bồi bổ phần tâm linh, vì trong sự mòn mỏi của thể xác có thể có những “tội lỗi nho nhỏ” thừa dịp xen vào làm cho khô héo đời sống thuộc linh. Mỗi ngày để lòng nương cậy Chúa, sống trong sức mới của Ngài.

– PV: Với sự chán nản vì lý do khủng hoảng tinh thần thì làm thế nào thưa ông?

– Ê-li: Với người ở trong sự sợ hãi lo âu, quý vị giúp họ học biết lời hứa về sự hiện diện của Chúa, sự ban cho bình an và an nghỉ trong Ngài. Hãy đặt lòng nương cậy nơi lời hứa của Chúa trong các câu Kinh Thánh như Thi Thiên 46:1; Ê-sai 43:13; Ma-thi-ơ 11:28…

– PV: Với người chán nản vì ước mơ không thành, vì mất mát đau đớn thì làm thế nào ạ?

– Ê-li: Quý vị giúp họ biết rằng: Trong mọi sự xảy ra Chúa có ý muốn tốt lành cho người yêu mến Ngài. Chúa thông cảm với nỗi đau buồn của họ và ban cho họ sự giải cứu. Hãy phó thác mọi sự trong bàn tay chăm sóc yêu thương của Chúa, với lòng tin cậy nơi Ngài (Thi 68:19; 37:5; Rô-ma 8:28).

– PV: Thưa ông, với người chán nản vì tự ti mặc cảm, sự bất lực và vô vọng thì làm gì giúp họ?

– Ê-li: Hãy giúp họ nhận biết rằng, họ là người được Chúa cứu chuộc để trở nên có giá trị trước mặt Ngài (Ê-sai 43:4-5). Hãy biết rằng trong Đấng Hằng Sống, chúng ta không bao giờ mất hy vọng. Hãy vững lòng tin cậy nơi Đấng thành tín, bất biến (Hê 12:2; 13:8).

– PV: Làm thế nào để đối phó với sự chán nản vì khủng hoảng thuộc linh, thưa ông?

– Ê-li: Trước tiên phải xưng tội với Chúa và tìm sự tha thứ của Ngài. Đây là điểm chính yếu để chúng ta được lập lại mối tương giao với Chúa và tìm lại được sự tươi mới, bình an cho tâm hồn (Thi 32:5; 1Giăng 1:7-8). Thứ hai dứt bỏ mọi tội lỗi, nhất là tội dễ vấn vương (Hê 12:1-5). Thứ ba cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta bền đỗ trong đức tin và có tấm lòng thuận phục Ngài trong mọi sự (Hê 3:17-19).

– PV: Rất cám ơn ông đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về vấn đề chán nản trong đời sống. Biết rõ điều nầy chúng tôi sẽ giúp mình, giúp người tránh rơi vào tình trạng chán nản, và ra khỏi tình trạng chán nản để đời sống hưởng được sự vui thỏa, phước hạnh.

NHD: Chúng ta vừa nghe tiên tri Ê-li phân tích về sự chán nản, ngã lòng trong đời sống. Nguyện Chúa giúp chúng ta biết nhờ cậy Chúa trong mọi sự, lập mối tương giao với Chúa và tìm được sự tươi mới, bình an cho tâm hồn mỗi ngày. Mời các bạn đứng lên và mời ông cầu nguyện cho Ban Nam giới.

  • Đúc kết.
  1. Sự chán nản ngã lòng có thể đến từ ba nguyên nhân chính: Sự quá sức của cơ thể, sự khủng hoảng trong tinh thần và sự khủng hoảng trong tâm linh.
  2. Sự chán nản ngã lòng có thể được thấy trong những dấu hiệu: Xao lãng với chính mình, thờ ơ với trách nhiệm, thu mình, xa lánh người khác và chủ động rút lui trước mọi sự. Sự chán nản trầm trọng có thể dẫn đến sự tự sát.
  3. Những yếu tố cần để đối phó với sự chán nản: (1) Nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe. (2) Tin cậy Chúa và tìm sự bình an, sức mới nơi Lời của Ngài. (3) Xưng tội, tìm sự tha thứ và cứ ở trong tình yêu thương của Chúa, học tập hài lòng trong mọi hoàn cảnh.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Làm thế nào để vượt thắng sự chán nản?
  2. Trong cuộc sống hằng ngày điều gì dễ khiến bạn ngã lòng? Bạn làm gì trong lúc ngã lòng?
CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 09.03.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 09.03.2025

in NAM GIỚI on 5 Tháng Ba, 2025

Chúa nhật 09.03.2025 (CN Phụ nữ Tin Lành)

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ TRANG SỨC.
  2. Kinh Thánh: 1Phi-e-rơ 3:3-4; 1Ti-mô-thê 2:9; 4:7-8; 1Sa-mu-ên 16:7; Châm 11:22; 31:30.
  3. Câu gốc: “Hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 3:4).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 31-33.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 02.02.2025.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Quan điểm của Cơ Đốc nhân với vấn đề trang sức.

Chúng ta nghĩ như thế nào trước những câu sau đây:

  1. Sự trang điểm và trang sức là điều hợp lẽ với người Cơ Đốc không?

Một điểm chúng ta cần lưu ý là sự trang sức không có gì sai theo ý nghĩa của nó. Nhưng câu hỏi là trang sức như thế nào? Với mục đích gì? Lời khuyên dạy trong 1Ti-mô-thê 2:9; 1Phi-e-rơ 3:4 cho Cơ Đốc nhân rõ điều quan trọng nhất là sự trang sức bên trong. Như vậy không có nghĩa chúng ta bỏ phế để tóc tai bù xù, áo quần rách rưới, thân mình bẩn thỉu. Mỗi người sinh ra với vẻ đẹp riêng Chúa cho. Mỗi người có trách nhiệm chăm sóc thân mình, làm tăng vẻ đẹp sẵn có, tuy nhiên sự trang sức thân mình chỉ là điều thứ yếu mà thôi. Vì vậy, với người lớn, sự trang điểm son phấn chút đỉnh cho nét mặt thêm phần tươi tắn thì chẳng có gì là sai. Nhưng nếu để hàng giờ cho việc chưng diện, làm mất vẻ đẹp tự nhiên là điều chẳng xứng hiệp với người xem, sự trang sức bên trong là chính yếu. Một ý nghĩ sai lầm là người ta đẹp nhờ son phấn. Nhất là tuổi trẻ mới lớn lên, tuổi thích làm đẹp, nếu sớm dùng son phấn, thì không làm tăng vẻ đẹp, trái lại, làm mất đi làn da hồng hào tươi đẹp hồn nhiên của tuổi trẻ, thật là đáng tiếc! Nên nhớ, các thứ mỹ phẩm có chứa hóa chất, dùng son phấn nhiều quá chỉ có hại cho da mặt mà thôi!

Tóm lại, sự trang sức là quyền tự do của mỗi cá nhân. Sự trang sức vòng vàng chẳng có gì là sai. Tuy nhiên đeo nữ trang quý với cớ tích để khoe khoang với thiên hạ là điều nên tránh. Vả lại, khi đeo nữ trang quý với tệ nạn xã hội ngày nay có thể là điều nguy hại cho chính thân mình! Như vậy, chúng ta cần biết trang sức tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, để không gây cớ vấp phạm cho anh em mình.

  1. Sửa sắc đẹp có gì là sai không?

Ngày nay khoa thẩm mỹ rất thành công trong các cuộc giải phẫu sửa chữa thân hình của con người. Thật là điều hữu ích giúp cho những người chẳng may bị tật như sứt môi hay lé mắt… Tuy nhiên, trong tình trạng bình thường, thì sự sửa chữa thân mình là điều có nên không? Để tìm câu giải đáp, bạn hãy thành thật trả lời cho mình qua những câu hỏi sau đây: Sự sửa chữa này có cần thiết lắm không? Với mục đích gì? Động lực nào thúc đẩy tôi vào thẩm mỹ viện? Nếu cách trả lời của bạn thích hợp với tinh thần của người tin kính Chúa, thì đó là điều bạn nên làm. Còn không, bạn cần xét lại kẻo bị chứng bệnh “Nghiện giải phẫu!” hay bạn sẽ trở nên “người nô lệ của lưỡi dao”!

  1. Thái độ của chúng ta.

Với vấn đề trang sức, trong niềm tin của Cơ Đốc nhân, chúng ta hướng về những điều sau đây:

– Tìm kiếm sự trang sức bên trong với sự trau dồi những đức tính như tinh sạch, dịu dàng, im lặng, khiêm nhu.

– Xem sự trang sức bên ngoài là điều thứ yếu. Với sự trang sức trên tiêu chuẩn như: Đơn giản, thích hợp, làm vinh Danh Chúa.

Tóm lược

  1. Đối với Cơ Đốc nhân, sự trang sức bên ngoài là thứ yếu, còn sự trang sức bên trong với những đức tính là điều chính yếu.
  2. Sự trang sức bên trong là cần thiết vì những lý do sau đây:

– Đức Chúa Trời nhìn thấy lòng người.

– Đức Chúa Trời ban phước cho người khiêm nhường.

– Sắc đẹp của các đức tính không phai tàn và có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời.

– Sắc đẹp của đức tính bên trong làm tăng vẻ đẹp bên ngoài.

  1. Những đức tính chúng ta cần trau dồi là sự tinh sạch, dịu dàng, khiêm nhu, yên lặng là điều quý giá chẳng phai tàn trước mặt Chúa.
  2. Sự trang sức bên ngoài của người Cơ Đốc cần phải đơn giản, đứng đắn và thích hợp với niềm tin của mình.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.

  1. Ê-sai 3:18-24: Đức Chúa Trời cảnh cáo dân sự Ngài về điều gì? Tại sao? Như thế sắc đẹp của sự trang sức nhân tạo có phải là sắc đẹp vững bền không?
  2. Châm Ngôn 11:22; 31:30: Đức tính và tấm lòng tin kính Chúa có liên quan thế nào đến sắc đẹp của con người, nhất là người nữ. Như thế giá trị thật của sắc đẹp là gì?

3. Bạn đang tìm kiếm sự trang sức nào? Qua đời sống bạn vẻ đẹp nào được chiếu sáng nhất? Bạn đang trau dồi đức tính nào cho vẻ đẹp bên trong?

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 02.03.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 02.03.2025

in NAM GIỚI on 3 Tháng Ba, 2025

Chúa nhật 02.03.2025

  1. Đề tài: TRANG PHỤC KHIÊM NHƯỜNG.
  2. Kinh Thánh: Phi-líp 2:3,4, Cô-lô-se 3:12-14.
  3. Câu gốc: “Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Phi-e-rơ 5:5b).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 28-30.
  5. Thể loại: Hướng dẫn Học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN:

  1. Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp); hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  • Đọc 1Phi-e-rơ 5:5.
  • Câu hỏi gợi ý:
  1. Theo Phi-e-rơ, tại sao tín hữu phải mặc lấy sự khiêm nhường?
  2. Có bao giờ sự kiêu căng gây tổn thương cho mối liên hệ giữa bạn với anh chị em trong Hội Thánh và với Đức Chúa Trời chưa?
  3. Bạn học được điều cần thiết nào để áp dụng trong đời sống hằng ngày qua phân đoạn này?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Một người hỏi: ba đức tính quan trọng nhất để sống là gì? Một tu sĩ lớn tuổi, học rộng đáp: “Khiêm nhường, khiêm nhường và khiêm nhường” Phi-e-rơ kêu gọi chúng ta mặc lấy sự khiêm nhường để đối xử với nhau (c.5) và với Đức Chúa Trời (c.6).

Thay vì kéo sự chú ý của chúng ta xa rời những thời trang của đời, Kinh Thánh cống hiến cho chúng ta một tủ trang phục đẹp hơn: Chúng ta được Phao-lô khuyên hãy mặc lấy chính Chúa Giê-xu, để chúng ta không còn phải đối phó với những ham muốn tội lỗi nữa; chỗ khác thì khuyên chúng ta mặc lấy “lòng thương xót, nhân ái, khiêm nhường, dịu dàng và kiên nhẫn”, và cuối cùng là với “tình yêu” để hoàn chỉnh một tổng thể (Cô-lô-se 3:12-14).

Chúng ta cũng được bảo phải trang phục để ra trận bằng chân lý, công chính, lời chứng và đức tin (Ê-phê-sô 6:10-18). Phi-e-rơ bảo đảm với chúng ta, y phục khiêm nhường không bao giờ lỗi thời.

Khiêm nhường không phải là phủ nhận giá trị hoặc tài năng của chính mình, mà là nhận biết người khác cũng được Chúa ban cho giá trị cùng tài năng như vậy và cũng đáng quí trọng. Đó là ý thức rằng chúng ta là những tạo vật, sự sống của ta là quà tặng không dứt của Đức Chúa Trời, và mọi ý định của chúng ta đều phải tuân phục ý định của Ngài. Hơn nữa, khiêm nhường bao gồm việc hành động theo ý thức song hành này, để cho thái độ cùng hành vi của chúng ta đối với người khác phản ánh lời khẳng định của chúng ta về giá trị cá nhân của họ, cùng sự tôn kính của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng tất cả chúng ta.

Tập thể môn đồ và cộng đồng đích thực có được giá trị vì đã biết lấy khiêm nhường làm khẩu hiệu (Phi-líp 2:3,4). Cấp lãnh đạo trong Hội Thánh phải có trách nhiệm khởi đầu bằng cách dùng vị trí của mình làm cơ hội để ban phát, chứ không phải để thu lợi; phục vụ, chứ không phải để kiếm địa vị (c.2,3).

Như vậy, họ sẽ thi đua theo gương chính Chúa Giê-xu, là Đấng đã đến không phải để người ta phục vụ mình, mà để phục vụ người ta, là gương mẫu mọi tín hữu đều được mời gọi noi theo (c.5).

Phần thưởng của sự khiêm nhường không chỉ là niềm vinh dự khi Đấng Christ trở lại (c.4,6), mà bao gồm niềm vui trong hiện tại giữa vòng những cộng đồng Cơ Đốc biết khích lệ, yêu thương, phục vụ và cộng tác với nhau.

“Lạy Chúa, con xin giao nạp cho Ngài sự kiêu căng ngu dại, đã gây tổn thương cho tình thông công giữa con với gia đình Cơ Đốc của mình. Xin giúp con vui mừng về những tài năng Ngài ban cho anh chị em con”.

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 23.02.2025

in NAM GIỚI on 18 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 23.02.2025

  1. Đề tài: CHÚA GIÊ-XU CHẾT VÌ TỘI LỖI CHÚNG TA.
  2. Kinh Thánh: Giăng 14:6, Hê-bơ-rơ 9:22, 10:10.
  3. Câu gốc: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống” (1Phi-e-rơ 3:18).
  4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
  5. Thể loại: Truyền giảng.

* CHỈ DẪN: Truyền giảng.

  1. Vì buổi truyền giảng dành cho người chưa biết Chúa, nên chúng ta phải soạn chương trình như thế nào để thân hữu có thể tham gia mọi tiết mục. Vì thế bạn phải:
  2. Để các tiết mục thường lệ của sự thờ phượng qua tuần kế tiếp như: Bài hát khẩu hiệu, hạt giống tốt (trả câu gốc cũ, học câu gốc mới), đố Kinh Thánh, dâng tiền, cầu nguyện chung…
  3. Chương trình phải giản dị, ngắn (tối đa là 75 phút), dễ hiểu và linh động bằng cách thay đổi thể loại trình bày sứ điệp: Chia sẻ, thuyết trình, giải đáp thắc mắc, thảo luận, kịch, xem phim Tin Lành, ca nhạc thánh, sinh hoạt…
  4. Ban hướng dẫn chịu trách nhiệm buổi truyền giảng để huy động mọi ban viên tham gia: Cầu nguyện, mời thân hữu, tiếp tân…
  5. Nên có giờ trà đàm: Ăn bánh, uống nước, thảo luận, làm chứng để tạo tình thân và kêu gọi tin Chúa.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

“Nếu không có sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá vì tội chúng ta, sẽ không ai có được sự sống đời đời”.

Chính Chúa Giê-xu đã phán “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Trong câu này, Chúa Giê-xu tuyên bố lý do Ngài hạ sinh, chết và phục sinh – để mở ra con đường đến Thiên đàng cho nhân loại đang ngập chìm trong tội lỗi, không tự mình tìm ra lối thoát.

Khi Đức Chúa Trời tạo dựng A-đam và Ê-va, họ hoàn hảo về mọi mặt và sống trong một Thiên đàng thực sự, chính là vườn Ê-đen (Sáng 2:15). Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, có nghĩa họ có quyền tự do để quyết định và lựa chọn. Sáng thế ký đoạn 3 tiếp tục mô tả A-đam và Ê-va đã thất bại trước sự cám dỗ và những lời nói dối của Sa-tan như thế nào. Làm như vậy, họ đã bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời khi ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, là trái cây bị cấm không được ăn: “Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:16-17). Đây là tội đầu tiên mà con người phạm phải, và kết quả là con người phải gánh chịu cái chết về mặt thể xác và cái chết đời đời vì bản tính của tội lỗi được kế thừa từ A-đam.

Đức Chúa Trời tuyên bố rằng ai phạm tội sẽ chết cả về thể xác lẫn tâm linh. Đây là số phận của toàn nhân loại. Nhưng Đức Chúa Trời, bởi ân điển và lòng thương xót, đã mở ra cho họ một phương cách để thoát khỏi tình cảnh tuyệt vọng này, đó là sự đổ huyết của Con toàn hảo Ngài trên thập tự giá. Đức Chúa Trời phán rằng “không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22), nhưng bởi sự đổ huyết thì có sự cứu chuộc. Trong luật pháp của pháp của Môi-se (Xuất 20:2-17) đem đến một cách cho con người để được xem là “vô tội” hoặc “công chính” trong mắt Đức Chúa Trời bằng cách dâng con sinh chết thay cho tội đó. Những sinh tế này chỉ là tạm thời, dầu vậy đó thực sự là hình bóng cho một của lễ toàn hảo, một của lễ dâng một lần đủ cả khi Đấng Christ bị treo lên cây thập tự (Hê-bơ-rơ 10:10).

Đây là lý do tại sao Đức Chúa Giê-xu đến và tại sao Ngài chết, để trở nên một sinh tế tối thượng và cuối cùng, một sinh tế hoàn hảo cho tội lỗi của chúng ta (Cô-lô-se 1:22; Hê-bơ-rơ 10:10,14; 1Phi-e-rơ 1:19). Qua Ngài, lời hứa về sự sống đời đời trở nên thực hữu cho những ai tin vào Chúa Giê-xu, “hầu cho điều chi đã hứa, bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ mà được ban cho những kẻ tin” (Ga-la-ti 3:22).

Hai từ “niềm tin” và “tin vào” rất quan trọng đối với sự cứu rỗi của chúng ta. Khi chúng ta tin vào sự đổ huyết của Đấng Christ vì tội lỗi của chúng ta, chúng ta sẽ nhận được sự sống đời đời. “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Êph 2:8-9; Rô-ma 3:20,28; Giăng 1:12-13).

Oneway.vn

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.02.2025

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. CHÚA NHẬT 16.02.2025

in NAM GIỚI on 11 Tháng Hai, 2025

Chúa nhật 16.02.2025

  1. Đề tài: VẤN ĐỀ CÚNG GIỖ.
  2. Kinh Thánh: Xuất 20:12; Ê-phê-sô 6:1-3; 1Ti 5:4-8.
  3. Câu gốc: “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất 20:3).
  4. Đố Kinh Thánh: Ê-xê-chi-ên 25-27.
  5. Thể loại: Giải đáp thắc mắc.

* CHỈ DẪN: Giải đáp thắc mắc.

  1. Thông báo đề tài “Vấn Đề Cúng Giỗ” đến tất cả ban viên và thu thập những thắc mắc gởi cho ủy viên linh vụ.
  2. Ủy viên linh vụ mời người có kinh nghiệm thuộc linh và hiểu biết giáo lý giải đáp thắc mắc.
  3. Các câu hỏi phải sắp xếp theo đúng bố cục để người nghe dễ dàng hiểu được nội dung của chủ đề. Sau mỗi câu trả lời, cần dành ít phút để ban viên thảo luận hoặc hỏi thêm.
  4. Ban hướng dẫn cần kiên nhẫn tìm hiểu ban viên của mình và nêu lên những thắc mắc thay họ, vì có một số e ngại không dám hỏi. Ngoài ra ban hướng dẫn cũng nên soạn trước một số câu hỏi dựa theo nội dung của bài học, phòng khi có quá ít câu hỏi, bạn cũng có thể hoàn tất mục tiêu được đề ra cho buổi nhóm.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. NGƯỜI CƠ ĐỐC VIỆT NAM VỚI SỰ CÚNG GIỖ ÔNG BÀ.

Chữ cúng có nghĩa là dâng lên thức ăn hay lễ vật trong hình thức nhang đèn để tiếp xúc với người trong cõi vô hình. Còn giỗ là ngày kỷ niệm của người chết. Trong sự thờ cúng ông bà, ngày giỗ là ngày cúng tế rất linh đình! Chẳng những để bày tỏ lòng hiếu thảo, nhưng cũng để ông bà vui lòng phù hộ con cháu!

Đặt niềm tin nơi Kinh Thánh, người Cơ Đốc không thể chấp nhận, hay dung hòa sự thờ cúng tổ tiên trong bất cứ hình thức nào, vì những lý do sau đây:

  1. Loài người chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời.

Dùng câu “Cây có cội, nước có nguồn” để chỉ về tổ tiên là sai. Tổ tiên không phải là nguồn gốc để thờ lạy. Trong bài vị thờ tổ tiên chỉ ghi đến năm đời hay nhiều lắm là mười đời mà thôi (Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển). Nếu quá năm đời thì phải xóa bớt. Như vậy, thờ tổ tiên với sự xóa bớt dần thì đâu phải là nguồn gốc! Chỉ có Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của loài người mới là nguồn gốc thật cho mọi người tôn thờ. Trong mười điều răn, Đức Chúa Trời đã qui định rõ bổn phận của con người là tôn thờ Đức Chúa Trời, nhưng hiếu kính cha mẹ. Nghĩa là Đức Chúa Trời phải ở ngôi vị trên hết, sự thờ phượng Ngài phải chiếm chỗ ưu tiên trong đời sống con người, không có bàn thờ nào khác chiếm chỗ của Chúa, hoặc đặt bên cạnh “bàn thờ” của Chúa (Xuất 20:1-11; Ma-thi-ơ 10:37). Nếu người Việt chúng ta đặt chữ hiếu làm đầu và cho việc không thờ cúng tổ tiên là bất hiếu, thì sự hiếu thảo trong việc thờ cúng tổ tiên, đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời và phạm tội bội nghịch Ngài, vong ơn Trời là tội lớn dường nào!

  1. Không có sự trở về của người chết, không có sự phù hộ của người chết.

Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta biết rằng việc cúng giỗ cho người chết là điều vô ích, hoặc cầu nguyện cho người chết là điều sai lầm. Vì khi qua đời, người ta hoặc được lên thiên đàng hay đi địa ngục, không có cơ hội thứ hai, không có ngục luyện tội như một số người tưởng!

  1. VẤN ĐỀ ĂN ĐỒ CÚNG.
  2. Người Cơ Đốc có nên ăn đồ cúng không?

Với vấn đề đồ cúng, trong vòng tín hữu Cô-rinh-tô có người cho rằng thần tượng là hư không, nên ăn đồ cúng không có gì là sai! Trong sự giải đáp của Phao-lô, chúng ta phân biệt những điểm sau đây (1Cô 10:17-31).

  1. Không nên ăn đồ cúng – trường hợp biết đó là đồ cúng – vì thần tượng là hư không, nhưng phía sau thần tượng là ma quỉ. Như vậy không phải người ta cúng cho thần tượng mà cúng cho ma quỉ. Do đó người Cơ Đốc không thể vừa thông công với Chúa qua Tiệc Thánh, mà lại thông đồng với ma quỉ qua đồ cúng!
  2. Không nên ăn đồ cúng – trường hợp biết đó là đồ cúng – vì biết rằng thần tượng là hư không, nhưng ăn đồ cúng như thế là làm cớ gây vấp phạm cho anh em yếu đuối.
  3. Trường hợp đến nhà ai mời dùng bữa, thì đừng vì lương tâm đặt vấn đề đồ cúng hay không. Cứ ăn chớ nghi ngại chi! Nhưng nếu nghi ngại, hoặc vì lương tâm của người khác, tốt hơn là đừng ăn!

Tóm lại, Phao-lô đặt nguyên tắc này cho các tín hữu “… hoặc ăn hoặc uống… hãy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (c.31). Như vậy con cái Chúa ngồi dự tiệc cúng giỗ có làm vinh hiển Danh Chúa không? Cho dù không ăn đồ cúng trên bàn thờ, thì đồ ăn nấu dọn cũng đã mang tên của bữa ăn cúng giỗ rồi!

  1. Vài câu hỏi về vấn đề cúng giỗ.
  2. Người Cơ Đốc không thờ cúng ông bà, nhưng có thể giữ ngày “giỗ”, tức là kỷ niệm ngày ông bà chết không? Sự kỷ niệm ngày qua đời của cha mẹ, để nhắc lại công ơn của cha mẹ và gương sáng về đức tin của ông bà cho con cháu là điều tốt. Nhưng nếu điều này trở thành thông lệ, thì đó là thông lệ chẳng được hay, vì có thể tạo gánh nặng cho người này người kia. Hơn nữa tạo cho chúng ta cảm giác như có liên hệ với người chết! Gương sáng của ông bà cho con cái có thể nhắc lại cho con cháu trong bất cứ lúc nào có dịp chớ đâu phải đợi đến kỷ niệm ngày chết!
  3. Trong bối cảnh của gia đình thờ phượng tổ tiên là cả một thách thức đức tin của người tin Chúa. Làm thế nào để đối xử với gia đình lên án chúng ta là con bất hiếu? Vài gợi ý sau đây:

– Hãy bày tỏ sự hiếu kính cha mẹ như Lời Chúa dạy.

– Hãy kiên nhẫn cầu nguyện cho cha mẹ sớm biết Chúa.

– Hãy giải thích cho cha mẹ biết lý do tại sao bạn không dự cúng giỗ.

– Biết rằng không có sự hiện diện của vong hồn tổ tiên, nhưng sự khấn vái trước bàn thờ gia tiên là điều trái niềm tin của mình.

Tóm lại, chúng ta cần đối xử với gia đình trong đường lối hòa bình, trường hợp không giải quyết được sự xung khắc, chúng ta buộc phải trả giá cho niềm tin của mình! Hoặc chúng ta phải chịu mất mát điều nào đó, hoặc đôi lúc phải “tạm rời” gia đình một lúc nào đó! Nếu chúng ta trung thành với Chúa giữ đức tin mình, vấn đề chắc sẽ được Chúa giải quyết cách tốt đẹp.

Tóm lược

  1. Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, hiếu kính cha mẹ có nghĩa là tôn kính cha mẹ và hiếu thảo với cha mẹ trọn lúc cha mẹ còn sống.
  2. Hai điều sai lầm trong sự thờ phượng tổ tiên là: (1) Tổ tiên không phải là nguồn cội để thờ, mà chính là Đức Chúa Trời. (2) Không có sự trở về của người chết.
  3. Hai lý do không nên ăn đồ cúng là: Để không thông đồng với ma quỉ và để không làm cớ gây vấp phạm cho anh em yếu đuối.

CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.

  1. Xin tìm hiểu:
  2. Ý nghĩa của chữ giỗ và cúng?
  3. Trong sự thờ phụng ông bà của người Việt, tại sao phải có sự cúng giỗ?
  4. Có phải thờ cúng tổ tiên mới là hiếu thảo không?
  5. Tìm hiểu ý nghĩa khác nhau của chữ “tôn thờ” và “tôn kính”.
  6. Lời Chúa Giê-xu phán dạy trong Ma-thi-ơ 10:37 có nghĩa gì?
  7. Qua sự tìm hiểu trên, chúng ta nhận thấy, sự thờ cúng ông bà có phải là điều hợp lẽ với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không? Tại sao?
  8. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  9. 1Cô-rinh-tô 10:17-22: Theo sự dạy dỗ của sứ đồ Phao-lô, người tin Chúa có nên ăn đồ cúng không? Tại sao?
  10. 1Cô-rinh-tô 10:23-31: Người tín hữu nên có thái độ như thế nào với đồ cúng? Tại sao?
  11. Có thần tượng nào chiếm chỗ của Đức Chúa Trời trong đời sống bạn không? Bạn có trọn bổn phận làm con theo như Lời Chúa dạy dỗ không?