Chuyên mục: THIẾU NHI

BÀI 4. CỘI NGUỒN CỦA TRỜI ĐẤT (GV)

BÀI 4. CỘI NGUỒN CỦA TRỜI ĐẤT (GV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 2 Tháng Sáu, 2017

BÀI 4. CỘI NGUỒN CỦA TRỜI ĐẤT

 

I. KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 1:9-19.

II. CÂU GỐC: “Chính Ngài là Đấng đã lấy quyền năng mình dựng nên đất, lấy sự khôn ngoan mình lập thành thế gian, lấy sự sáng suốt mình giương các từng trời ra” (Giê-rê-mi 51:15).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Đức Chúa Trời là Chúa tể của vũ trụ.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Toàn năng.

– Hành động: Thờ phượng Đức Chúa Trời Toàn năng.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. CHUẨN BỊ.

  1. Sử dụng giấy bìa cứng, trang trí giống như báo tường.

a. Dùng băng keo dán nhiều hạt trái cây mà bạn sưu tầm được, lên một góc của báo. Góc còn lại để trống, sử dụng trong giờ sinh hoạt. Dùng lời văn của bạn viết lại Đức Chúa Trời tạo dựng những gì trong ngày thứ ba.

b. Cắt mục “Dự báo thời tiết” trên báo, dán lên một góc khác của báo. Sưu tầm hình ảnh về thời tiết bốn mùa. Dùng lời văn của bạn viết lại những gì Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên trong ngày thứ tư.

2. Nhổ một cây rau cần phải còn rễ (không có thì dùng rau khác). Một ly nước, nhỏ vài giọt phẩm màu đỏ. Cắm cây rau cần vào trong ly nước màu đỏ, đem để ngoài nắng khoảng vài giờ. Làm ở nhà mang đi đến lớp.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

    1. Vào đề.

Trong bài học tuần trước, các em đã được biết Đức Chúa Trời dựng nên bao điều lạ lùng. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, các em có phát hiện thêm những điều lạ lùng nào nữa không? (Cho học viên tự do phát biểu).

C. BÀI HỌC.

(1) Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn loài.

Sáng Thế Ký 1:1 cho chúng ta biết sự bắt đầu của thế giới và Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn vật.

Nhưng có một số nhà khoa học không tin lời của Chúa, không thừa nhận thế giới nầy là do Đức Chúa Trời tạo dựng nên. Họ cho rằng trái đất nầy tự nhiên mà có, hoặc do một mảnh nhỏ của hành tinh nào đó bị nổ ra mà hình thành… Còn các em nghĩ sao? (Cho các em trả lời). Câu trả lời đúng nhất là do Đức Chúa Trời Toàn Năng tạo dựng nên.

Ngoài câu Kinh Thánh trong Sáng Thế Ký 1:1, còn có nhiều câu Kinh Thánh nói về chân lý nầy. Mời các em đọc sách Hê-bơ-rơ 11:3: “Bởi đức tin, chúng ra biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến”. Các em ạ! Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, không có việc gì khó cho Ngài cả.

(2) Đất khô và biển cả

Thế gian nầy làm nên bởi lời phán của Chúa. Sự sáng, bầu trời, không khí có được đều là do mạng lệnh của Ngài.

Các em biết không, ngày xưa trái đất nầy còn chìm trong nước. Đức Chúa Trời ra lệnh: “Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi”. Nước vâng lệnh Ngài, dồn lại một nơi, và thế là có chỗ khô lộ ra. Đức Chúa Trời đặt tên cho chỗ khô là đất và chỗ nước tụ lại là biển.

(3) Sự sinh trưởng của thực vật.

Lúc bấy giờ, trên mặt đất chẳng có thứ gì cả, cho nên, Đức Chúa Trời lại phán rằng: “Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả..”. “Cây cỏ” không phải chỉ về cỏ xanh trên đất, mà bao gồm tất cả các loại thực vật các em thấy ngày nay như: Lúa, bắp, mía, khoai, đậu… Đức Chúa Trời tạo dựng nên thực vật là để cung cấp lương thực cho con người và các loài động vật. Thực vật ngoài việc dùng làm lương thực còn sử dụng vào rất nhiều việc khác nữa (cho các em phát biểu), lấy gỗ làm nhà, bàn ghế, bã mía làm giấy, có loại cây cung cấp hương liệu, làm thuốc…

Đức Chúa Trời tạo dựng nên thực vật, cho chúng có phần rễ để hấp thụ nước và chất vô cơ. Các em suy nghĩ xem, thực vật không có chân để đi kiếm thức ăn, thì làm thế nào duy trì sự sống? Đức Chúa Trời là Đấng rất khôn ngoan, Ngài dựng nên thực vật có diệp lục tố (màu xanh của lá). Diệp lục tố hấp thụ chất có trong ánh sáng mặt trời, rồi chê tạo ra phần dinh dưỡng, cung cấp cho cây duy trì sự sống. Các em thử để ý xem, một cây trồng ở ngoài ánh sáng sẽ tươi tốt, màu lá xanh đậm, còn cây để nơi không có ánh sáng, nhìn rất yếu và màu xanh nhợt nhạt.

(4) Hạt giống.

Các em mở Sáng Thế Ký 1:12: “Đất sanh cây cỏ: Cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại”. Đức Chúa Trời tạo dựng nên mỗi loài thực vật, đều có hạt. Hạt rơi xuống đất sẽ mọc lên rất nhiều cây. Các em lưu ý câu Kinh thánh “Cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình tùy theo loại”. Theo các em hiểu thì “tùy theo loại” có nghĩa gì? (Hạt bắp trồng xuống đất mọc lên cây bắp, hạt táo trồng xuống đất mọc lên cây táo). Nếu Đức Chúa Trời không tạo nên hạt giống thì thực vật không thể tồn tại đến ngày nay. Đức Chúa Trời rất hài lòng. Đó là ngày thứ ba trong công trình sáng tạo của Chúa.

(5) Mặt trời, mặt trăng, tinh tú.

Sau khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên bầu trời, đất, biển, cây cối, Ngài biết rau cải, bông hoa và cây ăn trái cần phải có ánh nắng mặt trời. Đức Chúa Trời phán một lời, mặt trời xuất hiện trên bầu trời chiếu sáng rực rỡ vào ban ngày, và mặt trăng chiếu ánh sáng êm dịu vào ban đêm.

Đức Chúa Trời đã dựng nên mặt trời và mặt trăng. Mặt trời là một quả cầu lửa, lớn gấp mười ngàn lần trái đất. Nhiệt độ nóng hơn lò luyện thép. Các em thử tưởng tượng xem, mặt trời cách xa chúng ta là thế, nhưng khi các em đi giữa trưa, sẽ cảm thấy nóng bức, thậm chí rát cả da, thì các em sẽ biết chính bản thân nó nóng như thế nào. Nhưng Đức Chúa Trời đặt nó ở vị trí thích hợp, để không làm hại mà ngược lại đem đến ích lợi cho muôn vật mà Ngài đã dựng nên. Con người, động vật, thực vật thiếu ánh nắng mặt trời thì không thể sống được. Còn mặt trăng? Nó nhỏ hơn mặt trời và là một khối lạnh lẽo. Bản thân mặt trăng không tự phát ra ánh sáng, mà chỉ phản chiếu ánh sáng của mặt trời, và Đức Chúa Trời cũng đặt nó ở vị trí thích hợp để chiếu ánh sáng êm dịu, mát mẻ vào ban đêm. Đức Chúa Trời cũng đặt các ngôi sao nhấp nháy trên bầu trời nữa. Đó là công trình sáng tạo của Chúa trong ngày thứ tư.

    3. Ứng dụng.

Các em thân mến, các em không thể hiểu hết sự khôn ngoan vĩ đại của Đức Chúa Trời và cũng không sao hiểu được sức mạnh oai nghiêm của Ngài, nhưng các em có thể nhận biết công việc tạo dựng của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh. Chỉ bằng lời phán của Ngài, tất cả đã được dựng nên một cách tuyệt diệu. Đức Chúa Trời đã sắm sẵn một thế giới đẹp đẽ, chứng tỏ Ngài rất yêu thương các em. Bây giờ, bằng tấm lòng biết ơn, các em dâng lên Chúa lời ca ngợi và hướng tâm linh thờ phượng Ngài! Chúng ta cùng đọc Thi Thiên 105:1-4 và cầu nguyện với Chúa nhé!

BÀI 3. CỘI NGUỒN CỦA VŨ TRỤ (HV)

BÀI 3. CỘI NGUỒN CỦA VŨ TRỤ (HV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 1 Tháng Sáu, 2017

BÀI 3. CỘI NGUỒN CỦA VŨ TRỤ

 

I. KINH THÁNH: Sáng 1:1-8.

II. CÂU GỐC: ”Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng 1:1).

III. BÀI TẬP.

    1. Em hãy kể hoặc vẽ ra những điều kỳ diệu trong thiên nhiên mà em đã thấy.

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

    2. Hãy mở Kinh Thánh của em, tìm các câu Kinh thánh sau đây:

Dùng lời văn đơn giản của em để viết ra ý chính của các câu Kinh Thánh trên.

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..

 

    3. Điền vào chỗ trống.

a. Sáng Thế Ký 1.1-8:

Đức Chúa Trời tạo dựng nên……………………….

b. Thế giới trước khi Đức Chúa Trời tạo dựng là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực. Trong Kinh Thánh Sáng thế ký đoạn 1:……….(ghi địa chỉ) đã cho em biết điều nầy.

BÀI 3. CỘI NGUỒN CỦA VŨ TRỤ (GV)

BÀI 3. CỘI NGUỒN CỦA VŨ TRỤ (GV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 1 Tháng Sáu, 2017

BÀI 3. CỘI NGUỒN CỦA VŨ TRỤ

 

I .KINH THÁNH: Sáng Thế Ký 1:1-8.

II. CÂU GỐC: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng 1:1).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Muôn vật trong vũ trụ là do Đức Chúa Trời tạo dựng nên.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng.

– Hành động: Tôn thờ Chúa Toàn Năng.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY.

A. CHUẨN BỊ.

  1. Sưu tầm một bộ hình ảnh về sự sáng tạo (Nếu không có thì tự vẽ).

a. Chọn một tựa đề cho bộ hình ảnh (Ví dụ: Câu chuyện sáng tạo).

b. Dưới hình vẽ, ghi vài dòng nói rõ nội dung của từng bức tranh.

2. Một cuốn lịch đang sử dụng.

B. BÀI HỌC KINH THÁNH

  1. Vào đề

Các em cho biết năm nay là năm bao nhiêu? (giáo viên sử dụng cuốn lịch). Có phải từ khi thế giới nầy được hình thành cho đến ngày hôm nay là hơn hai ngàn năm không? (Cho các em trả lời). Ồ! Không phải vậy đâu! Thế giới nầy được hình thành từ rất lâu rồi, lâu đến nỗi không ai có thể biết chính xác được. Vậy thì con số của năm nầy bắt đầu từ đâu? (Cho các em trả lời).

Bắt đầu tính từ năm Chúa Giê-xu giáng sinh tại thành Bết-lê-hem. Trước khi giáng sinh, Chúa Giê-xu đã ở cùng với Đức Chúa Cha trên trời. Trước Chúa Giê-xu giáng sinh, trên đất nầy đã có người ở rồi. Không ai biết được thế giới đẹp đẽ nầy đã tồn tại bao lâu, chỉ có một mình Đức Chúa Trời mới biết, vì thế giới nầy là do Đức Chúa Trời tạo dựng.

  2. Bài học.

(1) Sự tạo dựng vũ trụ.

Sáng Thế Ký 1:1 “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Tạo dựng có nghĩa là từ không có trở nên có. Ví dụ trong giờ vẽ, thầy cô bảo các em vẽ tự do một bức tranh, thì các em cần phải có giấy, bút màu, bút chì… để làm dụng cụ, phải không?

Nhưng khi Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ nầy, không cần một dụng cụ nào cả. Vậy, làm thế nào Đức Chúa Trời tạo ra thế giới nầy? Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng, Ngài không cần dụng cụ, Ngài dựng nên thế giới nầy bởi lời phán của Ngài. “Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời…” (Hê-bơ-rơ 11:3).

(2) Buổi đầu tiên của sự sáng tạo.

Các em có bao giờ đi vào hang động tối tăm một lần nào chưa? Các em cảm thấy thế nào? (Cho các em chia sẻ kinh nghiệm). Theo như Thánh kinh chép, trước khi Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, tất cả đều tối tăm. Đức Chúa Trời phán rằng: “Phải có sự sáng”, thì lập tức sự sáng xuất hiện (Sáng 1:3). Đức Chúa Trời thấy sự sáng là tốt đẹp, thì phân sáng ra riêng, tối ra riêng. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày, sự tối là đêm. Đó là ngày thứ nhất trong công cuộc sáng tạo. Đức Chúa Trời tạo nên sự sáng rất ích lợi cho mọi vật, giúp cho chúng ta nhìn rõ mọi vật chung quanh. Các em thử tưởng tượng xem, thế giới nầy nếu không có ánh sáng, sẽ tối tăm và u buồn biết bao, phải không các em?

(3) Ngày thứ 2 của sự sáng tạo.

Mời các em đọc Sáng Thế Ký 1:6-8. Trong ngày thứ hai, Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên gì? (Trời).

Xung quanh trái đất có một lớp khí quyển bao bọc, dày khoảng vài trăm dặm, đó là bầu trời.

Trong bầu trời có không khí. Không khí là chất khí mà loài người, động vật, thực vật không thể thiếu được. Nếu chỉ nín thở trong một vài phút thôi, các em có chịu nổi không? Mỗi ngày, các em hít thở không khí trong lành, ngước nhìn bầu trời trong xanh, đẹp đẽ, hãy nhớ đến sự sáng tạo kỳ diệu của Đức Chúa Trời trong ngày thứ nhất và thứ hai, các em nhé!

(4) Muôn vật đều do Đức Chúa Trời tạo nên

Chỉ có Đức Chúa Trời tạo dựng nên muôn loài, vì Ngài là Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết, Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, không có việc gì khó cho Ngài. “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm” (Gióp 42:2). Mời ba em thay phiên nhau đọc Sáng 18:14a, Thi 107:29, Ma-thi-ơ 28:18, thì chúng ta sẽ biết được quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời. (Nếu các em không có Kinh Thánh thì bạn chép 3 câu vào 3 tờ giấy nhỏ).

Ngoài quyền phép vô hạn, Ngài còn là Đấng khôn ngoan. “Chúa chúng tôi thật lớn, có quyền năng cả thể. Sự thông sáng Ngài vô cùng vô tận” (Thi 147:5).

    3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Dù Đức Chúa Trời là Đấng cao cả, vĩ đại, nhưng Ngài luôn đoái xem con người nhỏ bé, thấp hèn của chúng ta. Ngài biết tên của các em và của cô (thầy) nữa! Ngài còn biết niềm vui, nỗi buồn của các em. Ngài yêu thương các em, và muốn các em cũng yêu mến Ngài. Sự vĩ đại của Đức Chúa Trời, con người chúng ta khó mà hiểu biết được, nên khi nhìn thấy sự kỳ diệu trong thiên nhiên, các em cất tiếng hát ca ngợi Ngài và nguyện cả cuộc đời tôn thờ Chúa.

Chúng ta cúi đầu, hiệp ý cầu nguyện.

* GHI CHÚ:

Trong bài tập của học viên phần 2. Nếu các em không có Kinh Thánh, bạn phải ghi những câu Kinh Thánh đó ra trên bảng.

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH (HV)

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH (HV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH

 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 18:31; 24:27,44,45; Hê-bơ-rơ 10: 7.

II. CÂU GỐC: Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh” (Lu-ca 24:27).

III. BÀI TẬP.

    1. Bức tranh dưới đây có một khuôn mặt của 2 chú bé và một quyển Kinh Thánh ẩn trong đó. Em dùng bút khoanh tròn khi đã tìm ra.

* Kinh Thánh ẩn chứa nhiều điều quí báu. Nếu đọc sơ qua, em sẽ không thấy. Nhưng khi đọc tỉ mỉ, em sẽ thấy nhiều điều kỳ diệu.

    2. Em có kinh nghiệm nầy không?

Trong cô đơn, sợ hãi, bỗng nhiên em nhớ được một câu Kinh thánh giúp đỡ em tiêu tan mọi nỗi cô đơn, sợ hãi. Em hãy viết câu Kinh thánh đó vào hình trái tim dưới đây.

3. Trên đường đi nhà thờ về, Văn và Thúy Mai vừa đi vừa bàn luận về đề tài học Kinh Thánh. Thúy Mai hỏi Văn: “Trọng tâm của cả Kinh Thánh là Đấng Christ. Em không hiểu gì cả, vì Đấng Christ giáng sinh ở thời kỳ Tân ước, mà Cựu ước và Tân ước cách nhau một thời gian quá xa. Vậy làm thế nào Đấng Christ trọng tâm Cựu ước?

Văn gãi đầu không biết giải thích ra sao. Em có thể giúp bạn Văn giải đáp thắc mắc cho bạn Thúy Mai không?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

 

 

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH (GV)

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH (GV)

in QUÍ I. 2016, THIẾU NHI on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 2. ĐẤNG CHRIST – TRUNG TÂM CỦA KINH THÁNH

 

I. KINH THÁNH: Lu-ca 18:31; 24:27, 44, 45; Hê-bơ-rơ 10:7.

II. CÂU GỐC: “Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh” (Lu-ca 24:27).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Chúa Giê-xu là trung tâm của toàn bộ Kinh Thánh.

– Cảm nhận: Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của em.

– Hành động: Em tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của em và tôn thờ Ngài.

IV. PHẦN ĐỀ NGHỊ TRONG GIỜ DẠY

A. SINH HỌAT ĐẦU GIỜ.

  1. Dùng hình thức thi đua, giúp các em ôn lại mục lục Kinh Thánh.
  2. Làm một cái bảng xếp.

– Cách làm: Dùng 2 tờ giấy màu khổ lớn dán nối lại với nhau. Sau đó xếp từ dưới lên trên tạo thành những cái rãnh (giống như xếp quạt), rồi đặt vào giấy bià cứng, dùng băng keo trong dán 4 cạnh lại.

  1. Dùng giấy bìa cứng cắt thành những miếng nhỏ đều nhau. Sau đó, ghi tên từng sách trong Kinh Thánh vào từng miếng riêng biệt, theo thứ tự từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền (Mỗi loại sách như Ngũ Kinh, sách văn thơ… đều có một màu khác nhau. Ví dụ: 5 sách Ngũ kinh của Môi-se dùng giấy màu đỏ, các sách văn thơ dùng giấy màu xanh…). Cho các em gắn lên bảng theo thứ tự. Cách nầy có thể kiểm tra xem các em có thuộc mục lục Kinh Thánh không?
  2. Giấy bìa cứng, tăm, đậu đỏ (nếu không có thì dùng đậu khác cũng được).

B. BÀI HỌC KINH THÁNH.

    1. Vào đề.

Các em thân mến, các em có biết nội dung chính của Kinh Thánh Cựu ước nói về điều gì không? Cựu ước thuật lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Đức Chúa Trời hứa ban cho chúng ta một Cứu Chúa.

Còn Tân ước? Tân ước ghi chép Chúa Giê-xu giáng sinh, cuộc đời và sự dạy dỗ của Ngài, và vì cớ tội lỗi của loài người, Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự, sau ba ngày Chúa sống lại từ kẻ chết.

    2. Bài học.

(1) Cả quyển Kinh Thánh đều ghi chép về Chúa Giê-xu.

Tại sao cho rằng Chúa Giê-xu là trung tâm của cả Kinh Thánh? Câu chuyện đầu tiên của Kinh Thánh là gì? Đúng rồi! Thuật lại sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu có phải đã ở cùng với Đức Chúa Trời khi tạo dựng trời đất lúc ban đầu không? (Cho các em tự do phát biểu).

Chúng ta mở Kinh Thánh, sách Giăng 1:1-3 và cùng đọc. Trong câu 1 dùng chữ “Ngôi Lời” để chỉ về Chúa Giê-xu. (Nếu các em không có Kinh Thánh, thì xin viết câu Kinh Thánh đó lên bảng). Bây giờ, các em thay thế chữ “Chúa Giê-xu” vào chữ “Ngôi Lời” và đọc lại các câu Kinh Thánh nầy nhé! Nào! Tất cả chúng ta đều bắt đầu (Cho các em cùng đọc rập ràng). “Ban đầu, có Chúa Giê-xu, Chúa Giê-xu ở cùng với Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng với Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài”. Vậy, chính Kinh Thánh cho các em biết lúc Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, thì Chúa Giê-xu đã ở cùng với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã từng phán: “Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến. Trong sách có chép về tôi. Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa” (Hê-bơ-rơ 10:7). Từ ngữ “Trong sách” mà Chúa Giê-xu nói đến là Cựu ước. Ngoài ra sách Lu-ca 24:27 cũng nhắc nhở chúng ta rằng: Xuyên suốt Cựu ước, đều nói trước về Chúa Giê-xu đến thế gian.

(2) Hiểu biết về Kinh Thánh.

Làm thế nào để hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh? Ví dụ, khi các em gặp phải bài toán khó, không tìm ra đáp số, nhưng sau khi thầy cô giải thích cho các em và nhắc nhở cho các em công thức để áp dụng, thế là các em hiểu ngay cách làm và tìm ra đáp số. Việc học Kinh Thánh cũng vậy, gặp chỗ nào các em không hiểu, thì phải cầu nguyện, xin Chúa ban cho sự khôn ngoan để hiểu được Lời Ngài, chứ đừng vội nản lòng. Ngày xưa, môn đồ của Chúa Giê-xu cũng không hiểu lời phán dạy của Chúa. Nhưng khi Chúa Giê-xu mở trí họ, thì họ mới hiểu được lời Ngài (Lu-ca 24:45).

(3) Ghi nhớ Lời Chúa.

 “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi 119:11). “Giấu lời Chúa trong lòng” là như thế nào? Như thế nầy có phải là “Giấu lời Chúa trong lòng” không? (Cầm quyển Kinh Thánh để trên ngực, lấy áo khoác hay khăn che kín lại. Cho học viên tự do phát biểu).

Giấu lời Chúa trong lòng có nghĩa là luôn luôn ghi nhớ lời phán dặn của Chúa. Nếu các em luôn nhớ lời Chúa thì lúc gặp phải khó khăn hoạn nạn, sợ hãi, Đức Thánh Linh dùng Kinh Thánh nhắc nhở, giúp đỡ, thêm sức và an ủi các em.

(4) Làm theo Lời Chúa.

“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22). Làm theo có nghĩa là gì? (Cho học viên tự do phát biểu). Làm theo là vâng phục lời Chúa.

Đôi lúc dường như lời nói khó đi đôi với việc làm. Có lúc các em biết rõ ràng việc đó là đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời, nhưng làm thì rất khó khăn, phải không? Chỉ cần các em có quyết tâm làm theo lời Chúa, thì Chúa Giê-xu luôn ở bên cạnh, Ngài có quyền năng giúp đỡ các em. Chúa Giê-xu phán rằng: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn” (Ma-thi-ơ 28:20).

Các em nghe và làm theo lời Chúa không phải vì bắt buộc làm như vậy, mà là xuất phát từ tấm lòng yêu mến Chúa. Chúa Giê-xu phán rằng: “Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì giữ gìn các điều răn Ta” (Giăng 14:15). Chúng ta học Kinh Thánh là vì chúng ta yêu mến Chúa. Chúng ta làm theo lời của Ngài, cũng chính vì chúng ta yêu mến Ngài.

(5) Nhận biết Chúa qua Kinh Thánh.

Chúa Giê-xu là trọng tâm của Kinh Thánh, nên khi các em càng đọc Kinh Thánh, thì càng nhận biết Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của nhân loại và của các em. Mặt khác, Chúa phán với các em qua Kinh Thánh. Hàng ngày, các em cần suy gẫm và làm theo lời của Ngài. Tính chất quan trọng của việc học Kinh Thánh là như ăn ba bữa cơm mỗi ngày, để được khỏe mạnh. Lời Chúa trong Kinh Thánh có thể nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của các em, thêm cho năng lực để sống đẹp lòng Ngài.

    3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Chúa Giê-xu là trọng tâm của Kinh Thánh. Từ Cựu ước đến Tân ước đều nói về Ngài, chứng tỏ Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của cả nhân loại. Các em tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và tôn thờ Ngài. Mỗi ngày nhận biết Chúa hơn qua việc học lời Chúa và sống đẹp lòng Ngài.

* Ghi chú: Hướng dẫn làm bài tập của học viên.

Câu trả lời đúng là: Trong thời đại Cựu ước tuy rằng Chúa Giê-xu chưa giáng sinh, nhưng Đức Chúa Trời đã khải thị cho đầy tớ của Ngài viết tiên tri về Đấng Christ.

Bài 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

Bài 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (HV)

in THIẾU NHI on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

BÀI 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (GV)

in THIẾU NHI on 31 Tháng Năm, 2017

BÀI 1. KINH THÁNH – LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

 

I. KINH THÁNH: 2Sa-mu-ên 23:2; Giăng 20:31; 2Ti-mô-thê 3:16-17; 2Phi-e-rơ 1:20-21.

II. CÂU GỐC: “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2Phi-e-rơ 1:21).

III. MỤC ĐÍCH: Giúp các em:

– Biết: Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Ngài soi dẫn cho con người và hướng dẫn họ để viết ra lời của Ngài.

– Cảm nhận: Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài cho con người chúng ta.

– Hành động: Em trân trọng lời Chúa, đọc và làm theo.

IV .PHẦN CHUẨN BỊ TRONG BÀI DẠY

* Giáo cụ:

  1. Giáo viên làm quyển Kinh Thánh thời cổ: Dùng một tờ giấy bìa cứng, dán 2 nẹp tre vào 2 đầu giấy, chờ cho hồ khô, cuộn lại, viết câu gốc vào.
  2. Một cái gương soi mặt.
  3. Giấy màu, nếu không có thì dùng giấy trắng, hồ, nẹp tre.

V. BÀI HỌC KINH THÁNH.  

  1. Vào đề.

Mỗi lần khai giảng năm học mới, các em xin tiền ba mẹ mua  sách giáo khoa mới, phải không? Sách giáo khoa rất quan trọng đối với học sinh. Các em có biết sách giáo khoa cho con cái Chúa là gì không? (Cho các em trả lời). Kinh Thánh là sách giáo khoa chủ yếu, cho nên các em đến học trường Chúa nhật nhớ mang theo Kinh Thánh nhé!

Các em biết không, ngày xưa, các vua chúa đã ra lịnh đốt hết Kinh Thánh, nhưng có một số Cơ Đốc Nhân dũng cảm, thà hy sinh mạng sống để giữ gìn Kinh Thánh, nhờ vậy Kinh Thánh mới được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.

   2. Bài học.

(1) Tác giả của Kinh Thánh.

Bất cứ một quyển sách nào cũng đều có người viết ra nó. Người viết ra gọi là tác giả. Ai là tác giả của Kinh Thánh? Sự khác biệt lớn nhất giữa Kinh Thánh và các quyển sách khác là hễ ai tin, thì nhận biết tác giả của nó.

Đức Chúa Trời là tác giả của Kinh Thánh. Các em sẽ ngạc nhiên vì nghĩ rằng Đức Chúa Trời là thần (không có hình dáng) làm sao có thể viết ra chữ nghĩa được? Em nào có thể giải thích được điều nầy? (Cho các em phát biểu). Đức Chúa Trời chọn một số người để ghi chép lại lời của Ngài. Họ được Thánh Linh của Chúa dẫn dắt viết ra lời Chúa một cách trung thực.

Đức Chúa Trời đã chọn ai đảm nhiệm công tác nầy, các em biết không? (Môi-se, Đa-vít, Sa-lô-môn, Phao-lô, Phi-e-rơ, Giăng và một số người khác). Trong số họ có người là vua chúa, là người chăn chiên, là tiên tri, là người đánh cá…

Trong Cựu ước có vài ngàn lần “Đức Giê-hô-va phán rằng” hay “Đức Giê-hô-va phán với…”.  Đây là lời của Đức Chúa Trời phán dặn đầy tớ Ngài ghi chép lại. Đa-vít đã nói: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta” (2Sa-mu-ên 23:2). Kinh Thánh là lời thật của Đức Chúa Trời. Tuy Kinh Thánh có rất nhiều người viết, nhưng họ đều được hướng dẫn bởi một mình Đức Chúa Trời, nên không hề có một chút sai sót nào. Vì vậy, các em có thể hoàn toàn tin vào sự chính xác của Kinh Thánh.

(2) Danh xưng của Kinh Thánh.

Các em ạ! Ngày xưa, Kinh Thánh có hình dáng giống như vầy (Giơ thị cụ quyển Kinh Thánh cổ lên). Thay vì bằng giấy, thì họ làm bằng da của súc vật. Các em có thấy nó khác với quyển Kinh Thánh bây giờ không? (Giơ quyển Kinh Thánh của bạn lên để các em so sánh). Các em nhìn thấy ngoài bìa của Kinh Thánh có ghi hai chữ “Kinh Thánh”. Hai chữ nầy có nguồn gốc từ tiếng Hy-lạp, có nghĩa là quyển sách nhỏ. Kinh Thánh gồm 66 quyển sách nhỏ hợp lại. Nhưng tại sao lại thêm chữ thánh vào? Là vì quyển sách nầy rất quý báu, tác giả chính là Đức Chúa Trời, mà Đức Chúa Trời là thánh, cho nên lời của Ngài cũng là thánh (Khải 15:4).

(3) Quyển Kinh Thánh chép tay.

Ngày xưa, chưa có phát minh ra máy in, nên Kinh Thánh phải chép bằng tay. Người chép Kinh Thánh gọi là thầy thông giáo, mỗi thầy thông giáo đều ghi chép Kinh Thánh rất cẩn thận.

Các thầy thông giáo sao chép Kinh Thánh từng chữ một, tốn rất nhiều thời gian. Sao chép Kinh Thánh là một công việc rất là gian nan, qua nhiều năm chỉ sao chép được vài quyển. Các em biết không, người dân hồi đó không có Kinh Thánh riêng, nên mọi người đều phải đi đến nhà thờ để nghe đọc Kinh Thánh.

Ngày hôm nay, đa số các gia đình đều có Kinh Thánh, muốn đọc Kinh Thánh lúc nào cũng được, rất là tiện lợi. Các em có Kinh Thánh riêng của mình không?

(4) Tham khảo Kinh Thánh.

(Lưu ý các em tên 66 quyển sách trong mục lục của Kinh Thánh. Giải thích rõ cách tra cứu mục lục, và bảo các em học thuộc lòng mục lục của Kinh Thánh, để tra xem Kinh Thánh cho dễ dàng).

Kinh Thánh chia làm hai phần: Cựu ước và Tân ước. Ý nghĩa của từ “Ước” là hợp đồng hay lời hứa trịnh trọng giữa con người với con người. Cựu ước ghi chép bản giao ước giữa Đức Chúa Trời với con người trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh, cho chúng ta biết lời hứa lạ lùng của Đức Chúa Trời, là Chúa Giê-xu đến thế gian cứu chuộc tội lỗi của nhân loại.

Sách Tân ước ghi chép Đức Chúa Trời đã làm thành lời hứa của Ngài, sự giáng sinh của Chúa Giê-xu, cuộc đời của Ngài, và cũng ghi chép việc các sứ đồ truyền giảng Tin lành.

Sách Cựu ước có sớm hơn Tân ước. Chúa Giê-xu giảng đạo thường hay trưng dẫn lời trong Cựu ước. Sa-tan đến cám dỗ Chúa Giê-xu, Ngài phán rằng: “Có chép rằng”, đây là lời của Kinh Thánh Cựu ước (Xem Lu-ca 4: 3-12). Có một lần Chúa Giê-xu đứng trong nhà hội đọc Kinh Thánh, Kinh Thánh mà Chúa Giê-xu đọc là sách Cựu ước.

Tại sao phải viết Kinh Thánh? Câu trả lời đúng nhất nằm trong Kinh Thánh. Giăng 20:31 chép: “Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống”. Vì vậy, Đức Chúa Trời cho phép viết Kinh Thánh với hai lý do: (1) Để cho các em biết được Chúa Giê-xu là con của Đức Chúa Trời. (2) Hễ ai tin Ngài thì được sự sống đời đời (2Ti-mô-thê 3:16).

Kinh Thánh như một tấm gương soi (cầm cái gương giơ lên). Khi soi gương, các em sẽ thấy những vết dơ nếu trên mặt có vết dơ, ngược lại nếu mặt sạch sẽ, các em sẽ nhìn thấy gương mặt của mình dễ thương làm sao, phải không? Cũng vậy, khi đọc Kinh Thánh, thì Kinh Thánh như tấm gương soi cho các em thấy tội lỗi, tình yêu thương của Chúa và dạy dỗ để biết cách sống như thế nào đẹp lòng Ngài.

(5) Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh là một quyển sách kỳ diệu, sách trên đời nầy có thể bị người ta quên lãng hoặc sửa đổi, nhưng lời của Đức Chúa Trời không hề thay đổi, và luôn được hàng tỷ tỷ người trên thế giới trong mọi thời đại tìm đọc. Kinh Thánh đã làm thay đổi đời sống của nhiều người, từ xấu trở nên tốt, từ buồn bã, thất vọng trở nên vui mừng và tràn đầy hy vọng.

3. Ứng dụng.

Các em thân mến! Nếu như các em nhận được thư của ba từ nơi xa gửi về, thì các em có mở ra đọc không? Chắc các em sẽ mau mau mở thư ra đọc và đọc rất kỹ, phải không? Kinh Thánh là bức thư của Đức Chúa Trời gởi cho các em, các em nên siêng năng đọc lời của Chúa. Có như thế, các em mới hiểu được lời Đức Chúa Trời nói với các em và làm theo.