Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 05.02.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 05.02.2023

By K' Abel in THANH NIÊN on 5 Tháng Hai, 2023

Chúa nhật 05.02.2023.

  1. Đề tài: PHÂN RẼ VỚI KẺ GIAN ÁC.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 5:9-13.
  3. Câu gốc: “…Đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm…” (1Cô-rinh-tô 5:11).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 21-25.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Phân rẽ kẻ phạm tội ra khỏi Hội Thánh là việc làm thiếu tình yêu thương.

Đề tài 2: Phân rẽ kẻ phạm tội ra khỏi Hội Thánh là việc làm yêu thương.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh và y học để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

 

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Hội Thánh Đấng Christ là sự kết hợp của những người được kêu gọi khỏi tội lỗi thế gian. Không có sự dung hòa giữa thánh đồ với người phạm tội trong Hội Thánh. Vì thế, trong sự dứt bỏ kẻ phạm tội trong Hội Thánh, Phao-lô cũng dạy các tín hữu chấm dứt mối liên hệ với kẻ ấy.

Tại sao Phao-lô nghiêm khắc, không có lòng bao dung kẻ phạm tội? Điều này có trái với tình yêu thương không?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Sự phân rẽ với kẻ phạm tội (c.9-11).

Tiếp theo kỷ luật trừ bỏ kẻ phạm tội, Phao-lô kêu gọi các tín hữu cũng chớ nên làm bạn, giao thiệp với những người như thế.

  1. Sự tuyệt giao với anh em tín hữu phạm tội, trong khi có thể giao thiệp với người ngoại cũng phạm những tội như vậy, không phải là điều không công bình. Vì những lý do sau:

– Ở đây Phao-lô chỉ nói đến việc nội bộ trong Hội Thánh, về trách nhiệm của người tín hữu sửa sai anh em mình. Cho nên, sự giao tiếp với kẻ phạm tội ngoài đời không có nghĩa là đồng ý với việc làm tội lỗi của họ. Những sự đoán xét tội ác nằm trong phạm vi của Đức Chúa Trời (c.13).

– Điểm khác nhau giữa kẻ phạm tội ngoài đời và kẻ phạm tội trong Hội Thánh là một bên chưa biết sự cứu rỗi của Chúa, và một bên biết sự cứu rỗi của Chúa, nhưng khinh lờn ân điển của Ngài. Cho nên nếu biệt lập với người đời theo như Phao-lô nói trong c.11, thì chúng ta phải biệt riêng khỏi thế gian. Nhưng sứ mạng của Chúa cho mỗi Cơ đốc nhân là làm muối của đất và ánh sáng của thế gian.

– Hội Thánh của Đức Chúa Trời là nơi tiếp nhận kẻ có tội ăn năn, từ bỏ con đường cũ, chớ không phải là nơi dung túng những người trở lại con đường cũ!

  1. Sự tuyệt giao với người tín hữu phạm tội không phải là điều trái ngược với tình yêu thương. Vì những lý do sau:

– Để kẻ phạm tội học biết hậu quả của tội lỗi là đau đớn dường nào. Tội lỗi đánh mất sự tương giao với Chúa và mối thông công với anh em trong cộng đồng. Hầu cho trong sự đau đớn ấy, kẻ phạm tội biết ăn năn lỗi lầm của mình và trở về cùng Chúa.

– Sự phân rẽ với anh em phạm tội không có nghĩa là ghét. Nhưng bên cạnh sự dứt bỏ tạm thời đó là tình yêu thương đang chờ đợi, như Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên “…Trong cơn nóng giận, ta ẩn mặt với ngươi một lúc… nhưng ta sẽ lấy lòng thương xót cả thể mà thâu ngươi lại” (Ê-sai 54:7,8).

Vì vậy, mục đích của sự dùng kỷ luật không phải để hủy diệt kẻ phạm tội, nhưng để sửa sai và phục hồi. Như trong 5:1-5, Phao-lô truyền cho Hội Thánh trừ bỏ kẻ phạm tội, nhưng trong 2Cô-rinh-tô 2:5-11, Phao-lô cũng truyền Hội Thánh hãy sẵn sàng mở rộng vòng tay yêu thương tiếp nhận trở lại kẻ có tội biết ăn năn. Cho nên, sự dứt tình bạn với anh em phạm tội là điều cần để cho người đó nhận biết tội lỗi nghiêm trọng đến dường nào. Những điểm quan trọng trong sự dứt tình bạn này là để kẻ phạm tội biết rõ đó là sự dứt bỏ vì tình yêu thương.

  1. Trách nhiệm trong sự sửa sai anh em (c.12-13).

Trong Ma-thi-ơ 7:1-5, Chúa Giê-xu dạy môn đồ chớ nên phán xét ai. Nhưng trong Ma-thi-ơ 5:12-13, Phao-lô nói đến sự đoán xét anh em trong Hội Thánh.

Chữ “đoán xét” trong Ma-thi-ơ 7:1-5 chỉ về sự chỉ trích lỗi lầm người khác để khoe mình. Đó là điều người Cơ đốc nên tránh. Nhưng “đoán xét” Phao-lô nói trong 5:12-13, chỉ về sự sửa sai lỗi lầm anh em với mục đích gây dựng đời sống đức tin. Đây là trách nhiệm người tín hữu trong Hội Thánh (Ga-la-ti 6:1-4). Với trách nhiệm đó, mỗi Cơ đốc nhân cần nhận biết rằng: Tôi không phải là một cá nhân riêng lẻ, nhưng là cá nhân của cộng đồng Hội Thánh.

Do đó, việc gìn giữ Hội Thánh khỏi sự xâm nhập của tội lỗi là trách nhiệm chung của mỗi tín hữu. Cũng như khi Hội Thánh dứt phép thông công với kẻ phạm tội, thì người tín hữu trong cộng đồng cần phải có thái độ hiệp nhất với Hội Thánh trong sự dứt khoát với kẻ ấy.

Nên nhớ trong các sinh hoạt bên ngoài, ta là cá nhân của cộng đồng. Mọi việc ta làm, người đời sẽ đánh giá giá trị Hội Thánh Chúa. Như nếu chúng ta giao tiếp với anh em phạm tội, ăn chung với kẻ ấy, thì người thế gian sẽ hiểu thế nào về tiêu chuẩn đạo đức của Hội Thánh Chúa?

TÓM LƯỢC.

– Việc giao tiếp, làm bạn với người anh em đó chính là sự khuyến khích kẻ ấy tiếp tục phạm tội.

– Tình yêu thương chân thật đôi lúc không phải là giữ tình bạn, nhưng dứt tình bạn.

– Trong cộng đồng Hội Thánh, mỗi tín hữu có trách nhiệm liên đới trong sự sửa sai và gây dựng đức tin cho nhau.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Với anh em phạm tội, chúng ta phải đối xử thế nào?
  3. Chúng ta có can đảm sửa sai người anh em lạc đường lối Chúa không?
  4. Trong câu 9-11, Phao-lô khuyên đừng làm bạn với người tín hữu như thế nào?
  5. Không giao tiếp với anh em tín hữu phạm tội trong khi có thể giao tiếp với kẻ gian ác ngoài đời. Như vậy có phải là điều không công bình không?
  6. Lời khuyên đừng làm bạn với anh em tín hữu phạm tội có trái lẽ với tình yêu thương không? Xin giải thích lý do.
  7. Qua câu hỏi 5 cho thấy, sự dùng kỷ luật của Phao-lô nhằm mục đích gì?
  8. Xin đọc thêm 2Cô-rinh-tô 2:5-10 và qua lời khuyên của Phao-lô 5:9-13, chúng ta học biết cách gì về chính mình trong tư cách đối xử với người anh em phạm tội, dứt phép thông công khỏi Hội Thánh?
  9. So sánh Ma-thi-ơ 7:1-5 và 1Cô-rinh-tô 5:12-13: Chúng ta hiểu thế nào về sự đoán xét qua hai đoạn Kinh Thánh trên?
  10. Theo câu 12,13, cho chúng ta học biết trong Hội Thánh, người tín hữu có trách nhiệm gì? Và như thế nào? (Ga-la-ti 6:1-5).

 

 

Post CommentLeave a reply