Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 19.11.2023

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. CHÚA NHẬT 19.11.2023

By K' Abel in PHỤ NỮ on 18 Tháng Mười Một, 2023

Chúa nhật 19.11.2023.

  1. Đề tài: LÒNG THƯƠNG XÓT.
  2. Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 9:18-38.
  3. Câu gốc: “Khi thấy những đoàn người đông đảo, Ngài động lòng thương xót, vì họ khốn cùng và tan lạc như chiên không có người chăn” (Ma-thi-ơ 9:36 – BHĐ).
  4. Đố Kinh Thánh: Thi thiên 107-109.
  5. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

  1. Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên phần Kinh Thánh làm nền và tài liệu tham khảo để soạn một số câu hỏi học Kinh Thánh theo một phương pháp nào đó.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để ban viên phát hiện sự kiện, giải thích và giúp họ áp dụng sự dạy dỗ vào đời sống thực tế.
  4. Người hướng dẫn chỉ nên dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp) hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 2-3 cụm câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu: Sự kiện, ý nghĩa và áp dụng.

* Câu hỏi học Kinh Thánh tham khảo.

  1. Đọc (Ma-thi-ơ 9:19-19; 23-26) cho biết:
  2. Người cai nhà hội đến với Chúa Giê-xu và thưa với Chúa về điều gì?
  3. Vì sao người cai nhà hội đến với Chúa Giê-xu khi gặp cảnh khó khăn? Và Chúa đã cứu giúp ông như thế nào?
  4. Trong cuộc sống khi gặp nan đề, bạn giải quyết thế nào?
  5. Đọc (Ma-thi-ơ 9:20-22) cho biết:
  6. Trên đường đến nhà người cai nhà hội, Chúa Giê-xu gặp một người bệnh và Chúa đã cứu giúp như thế nào?
  7. Việc người đàn bà đến rờ trôn áo Chúa, thể hiện bà là người thế nào? Việc Chúa gọi bà là “con” và chữa lành bệnh cho bà, thể hiện Chúa yêu thương bà thể nào?  
  8. Xin cho biết bạn kinh nghiệm tin cậy Chúa và được Chúa thương xót thể nào?

III. Đọc (Ma-thi-ơ 9:27-36) cho biết:

  1. Cho biết hai người mù đã kêu xin Chúa chữa bệnh mù cho mình và kết quả họ được Chúa chữa lành thế nào?
  2. Vì sao họ không kêu tên Chúa Giê-xu mà họ kêu: “Hỡi con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi cùng”? Lời cầu xin nầy nói lên điều gì?
  3. Bạn nhận biết Chúa Giê-xu là ai và Ngài đã làm gì cho đời sống bạn? Bạn nói cho người khác biết về Chúa Giê-xu như thế nào?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ cực thịnh, văn minh, nhưng con người lại “không có lòng thương xót” (Rô-ma 1:31). Chúng ta rất vui mừng vì Chúa Giê-xu của chúng ta luôn có lòng thương xót. Lời Kinh Thánh dạy chúng ta: “”Hãy cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32 – BHĐ).

  1. THƯƠNG XÓT NGƯỜI SẮP MẤT MẠNG SỐNG (9:19-19; 23-26).

Giai-ru là cai nhà hội ở thành Ca-bê-na-um. Giai-ru đến cùng Chúa: “quỳ lạy trước mặt Ngài”. Ông hạ mình thờ lạy Ngài và thưa với Chúa “Con gái tôi mới chết, xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống lại”. Giai-ru tin Ngài là Đức Chúa Trời: “Đấng ban sự sống cho kẻ chết” (Rô-ma 4:17). Giai-ru có đức tin chắc chắn: “Xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống”.

Chúa đến nhà Giai-ru, bảo với người nhà: “Con gái nhỏ này chẳng phải chết đâu, nhưng nó ngủ”. Đối với những người có đức tin nơi lời Đức Chúa Trời, với nhãn quan thuộc linh, chúng ta có ngay cảm nghĩ người chết là người: “ngủ trong Đức Chúa Giê-xu” (1Tê 4:14). Chính Chúa Giê-xu sẽ đánh thức mọi con dân Chúa: “những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên” (1Tê 4:16 – BHĐ).

  1. THƯƠNG XÓT NGƯỜI BỊ BỆNH LÂU NĂM (9:20-22).

Có một người đàn bà bị bệnh mất huyết trong mười hai năm, bà bị xem là người ô uế, bà đau đớn về thân xác, đau khổ về tinh thần. Bà biết Chúa Giê-xu có quyền năng chữa bệnh, nhưng bà không thể đến gần Chúa, vì mặc cảm mình là người ô uế, bà nghĩ rằng Chúa rờ đến thì được lành. Bà không dám đụng chạm đến thân xác Chúa mà nghĩ rằng chỉ cần rờ đến áo Chúa là đủ. Bà lén rờ vào trôn áo Chúa, Chúa biết điều đó Đức Chúa Jêsus quay lại, thấy bà thì phán: “Hỡi con, hãy yên tâm! Đức tin của con đã cứu con.” Ngay giờ đó, người phụ nữ nầy được lành bệnh” (Mat 9:22). Nghĩ sao làm vậy. Bà “lại gần sau lưng mà rờ áo Ngài”. Chúa xác nhận sức mạnh của đức tin, đức tin của bà đã được Chúa thương xót và chữa lành.

III. THƯƠNG XÓT NGƯỜI KHIẾM THỊ (9:27-36).

Có hai người mù theo Ngài la kêu rằng: “Hỡi con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi cùng”. Hai người mù xưng tụng Ngài là “con cháu vua Đa-vít”. Ngài nghe hai người mù “xin thương xót”, nhưng Ngài muốn xác định đức tin của họ: “Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ước ao sao?” Họ xác quyết rằng Chúa có quyền năng để làm điều đó, do đức tin mãnh liệt đó, Chúa  phán: “Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. Mắt hai ngươi liền mở”. Chúa cấm hai người nói cho người ta biết về quyền năng chữa bịnh của Ngài. Chúa không muốn người ta nói về Ngài như một người có quyền phép siêu nhiên. Ngài đến thế gian không phải để chữa bệnh. “Đấng Christ Jêsus đã đến trong thế gian để cứu vớt tội nhân” (1Tim 1:15 – BHĐ). Song hai người vì quá vui mừng nên họ đã “đồn danh tiếng Ngài khắp cả xứ”.

Được Chúa chữa bệnh, chúng ta luôn lớn tiếng làm chứng về quyền năng, sự thương xót của Chúa. Nhưng nếu chúng ta lại không chịu làm chứng cho mọi người biết quyền năng của Ngài, nên Chúa đã thiết lập “Tiệc Thánh” để nhắc chúng ta nhớ đến quyền năng của Chúa mà “rao sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến” (1Cô-rinh-tô 11:23-26 – BHĐ).

* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.

SỬ DỤNG CÁM GẠO.

Phụ nữ Nhật Bản đổ cám gạo vào một túi vải sạch có dây buột miệng túi lại rồi ngâm vào nước ấm chừng vài phút cho thấm đều. Bóp nhẹ túi cho đến khi thấy chất nước trắng sữa rỉ ra là được. Dùng túi chà lên mặt, hoặc thả vào bồn tắm để chà lên cơ thể. Sau khi rửa sạch hoặc tắm xong, không nên rửa liền mà nên để chừng 30-60 phút sau mới rửa bằng nước sạch. Nếu không có gì trở ngại trong sinh hoạt thì cứ để vậy, khỏi rửa càng hay.

(Theo LifeTV)                                                                                                                         

Post CommentLeave a reply